CHUYỆN THƯỜNG NGÀY
G ần hết giờ làm việc buổi sáng của ngày trực lãnh đạo tại đơn vị. Sau mấy cuộc tiếp khách, toàn giải quyết những tình huống phức tạp về an ninh trật tự, tôi mệt bã người. Trở lại bàn làm việc, tôi lấy tập công văn dày mà đầu giờ văn thư chuyển đến, chăm chú đọc và ghi ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện. Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, tôi nói to: “ Vào đi!”.
Cửa xịch mở, một người đàn ông trung tuổi, dáng thấp đậm, nhanh nhẹn bước vào phòng, cất tiếng cười cởi mở:
- Chào em. Anh đến thăm đột ngột thế này, có làm phiền em không?
Nghe tiếng nói thân quen, gần gũi, tôi thả cây bút, bước vội tới, bắt tay người khách đến bất ngờ, với niềm vui khôn tả. Trước mặt tôi là người anh khả kính, tôi vốn quý trọng: Nhà thơ Trần Bình, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà.
- Sao anh đến mà không báo trực ban điện để em xuống đón? Công việc từ sáng đến giờ căng thẳng quá, được gặp anh, em vui lắm. Anh có chủ trương gì cho em đây? Thôi, trưa nay, anh ở lại ăn cơm cùng chúng em, chẳng mấy khi em có dịp may này, chắc anh em ở đây phấn khởi lắm.
Giọng anh chân tình:
- Anh vừa vào cổng, chưa kịp hỏi, lính em đã nhận ra anh và sốt sắng đưa anh lên đây rồi. Thăm nhau tí chút thôi, chứ có chủ trương gì đâu. Còn việc cơm cháo, để khi khác, em ạ - tuy nói vậy, nhưng chưa bao giờ anh ăn ở chỗ chúng tôi - Anh đi họp thơ phú ở Hà Nội, tiện đường về, rẽ qua thăm em một lát và trao đổi chút việc, nhờ em quan tâm. Chiều nay, anh lại có cuộc họp, nên không ở lại đây lâu hơn được.
Tôi biết anh từ đầu những năm 1990, khi còn là Đội trưởng An ninh trên vùng Đệ Tứ chiến khu, quê tôi. Vốn yêu văn chương từ nhỏ, ham mê sáng tác và có thơ đăng báo ngành từ năm 1978, nên vào thời điểm ấy, tôi để tâm tới sáng tác thơ nhiều hơn. Trong số tác phẩm được nhiều người chú ý, động viên, tôi chọn hai bài thơ viết về không khí lễ hội chùa Quỳnh Lâm gửi báo Hạ Long. Ít ngày sau, tôi được mời dự kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của một lão Nghệ sỹ Vùng mỏ, người cùng huyện. Trong số khách mời hôm đó, có nhà thơ Trần Bình, Phó Chủ tịch Hội, trực tiếp biên tập thơ của Báo Hạ Long. Tôi may mắn được ngồi chung bàn, đối diện anh, nhưng lúc ấy, vì chưa quen nên chẳng biết nói chuyện gì, còn anh thì đang bận trả lời các câu hỏi của những người anh quen từ trước. Thấy tôi mặc sắc phục với đầy đủ sao ve, anh bất chợt hỏi:
- Ở Công an huyện, em có biết cậu nào là Đỗ Hương Thanh làm thơ không?
Tôi hồi hộp, lúng túng chưa kịp trả lời thì người bạn học phổ thông cùng tôi nhanh nhẹn chỉ vào tôi, nói: “Nó đấy, anh ạ!”.
Anh bắt tay tôi, thông báo: “ Em có bài thơ khá, đưa đăng số báo tới đấy, chúc mừng em!”
Niềm vui bất ngờ quá, khiến tôi sung sướng, nhưng chẳng dám hỏi anh là bài nào, chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn anh. Tâm trạng phấn chấn đó, tôi còn nhớ như in đến tận bây giờ. Sau buổi ấy, tôi còn được gặp anh vài lần khác. Chính anh đã khuyên tôi vào hội tỉnh. Anh đối xử với tôi rất ân cần, coi tôi như đứa em. Từ khi tôi chuyển công tác về thị xã này, thỉnh thoảng anh rẽ qua, nhưng lần nào cũng chỉ khoảng mươi mười lăm phút, nhân có việc gì đấy, rồi đi ngay.
Còn hôm nay, tôi băn khoăn chưa rõ việc anh định trao đổi là gì, liệu tôi có giúp được anh không? Đón chén nước tôi trao, anh hỏi:
- Dạo này, em và các anh em ta ở đây sáng tác thế nào, có nhiều tác phẩm khá không?
Tôi đáp:
- Cũng khá, anh ạ, nói chung là hăng say, sôi nổi. Em bận nhiều việc nên đóng góp hạn chế, còn các bác Nguyễn Thìn, Vũ Khoa và một số người nữa, nhất là bác Đinh Hữu thì gặt hái nhiều kết quả, có thể nói là rất bội thu. Riêng bác Hữu, năm nay trên 70, mà còn sung sức lắm, bọn em không theo kịp. Bác ấy vẫn khỏe mạnh, sống mực thước, minh mẫn, chịu đọc và tích luỹ, nên kiến thức uyên thâm, văn phong chặt chẽ, giàu cảm xúc và truyền cảm. Em rất quý và coi bác như bố. Có điều trùng hợp ngẫu nhiên là bác cùng tuổi mẹ em và đều là người đi ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tôi ngừng lời, rót nước tiếp vào chén anh, anh nói: “Thế thì rất hay rồi! Em cho biết thế anh rất mừng”. Rồi sau một phút như cân nhắc, đắn đo, anh ướm hỏi: “Còn chuyện khác thì em thấy thế nào?”. Tôi ớ người: “Anh bảo thế nào là thế nào ạ? Em chưa hiểu ý anh”. Ngập ngừng một chút nữa, anh nói thêm: “Chẳng là, anh làm Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội, nên hay làm việc với Phòng An ninh nội bộ, Công an tỉnh. Nhiều lần, cán bộ phòng gặp riêng anh, hỏi về thái độ và tác phẩm của một vài hội viên, trong số ấy có bác Đinh Hữu, ở địa bàn em phụ trách, rất được chú ý”.
Không đợi tôi hỏi thêm, anh đứng dậy, tự ra khép cửa phòng, rồi chậm rãi nói:
- Em ạ, có một việc anh nhờ em giúp đây, chính là việc bác Hữu mà em vừa nói đấy, hội viên kỳ cựu của anh. Từ khi được cử làm Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội, cách đây đến 8 năm, anh đã đặt vấn đề này với Công an tỉnh và bây giờ, xem chừng có chiều hướng tốt hơn. Cho ai? Cho chính mình thôi, để lòng mình nhẹ nhõm mỗi khi nghĩ về một người tốt. Bác Hữu, anh quen biết từ năm 1966, nhiều khi ăn ngủ ở nhà bác, có đêm bác tâm sự những điều mà đến nay anh cũng không tiết lộ với ai. Bác Hữu theo cách mạng từ rất sớm, nhiều day dứt và chính những day dứt ấy đã đưa bác đến với văn chương. Anh quí bác ấy vì điều đó. Vừa mới lên làm Tổng Biên tập, anh đã nghĩ đến tập bản thảo bảo lưu “không được sử dụng”, anh đọc thấy tốt, có vấn đề gì đâu, do đó, tự trích ra 1 chương, về việc nhân vật chính 16 tuổi đã tham gia vào đội ngũ an ninh, tự tay bắn chết một tên ác ôn. Anh trực nhà in và khi báo ra, mang luôn vào Công an tỉnh, hỏi: “Các em đọc đi? Cho ý kiến thế nào?”. Một chú bảo: “Em đọc từ lúc mới sắp chữ, thấy tốt”. Anh nói ngay: “À, thế à! Cả tập đều tốt như thế! Vậy thì tại làm sao…?”. Chú ấy mỉm cười: “Chúng em nhận bàn giao lại, rồi lại bàn giao lại, cũng chưa thấy có gì…”. “Thế thì các em phải xem lại, tháo gỡ, đừng để ảnh hưởng cho người ta. Việc này làm anh áy náy lắm…”. Các chú ấy rất cảm thông. Tuy thế, việc lưu cữu chả biết từ đời nào, nên phải kiên trì đến 7 - 8 năm, bây giờ xem chừng trên ấy đã thuận; vì thế, anh mới nói với em ở dưới này, để cùng góp sức vào… Cách đây mấy năm, anh cũng đã nói riêng với Bí thư Thị ủy, người cùng quê với anh, đồng chí ấy rất thông cảm với văn nghệ sĩ và rất có tình, nói với anh rằng, không thấy có vấn đề gì ở chỗ ông Hữu cả. Em không tin thì điện hỏi lại xem…
Anh bỗng hạ giọng xuống:
- Anh nói một câu này rồi đi đây, quan niệm của anh là cố làm việc tốt khi mình đang có quyền. Sau này, có muốn làm cũng không làm được nữa. Ở đời, việc gì xấu thì cố mà quên đi, việc gì tốt thì phải nhớ, để làm. Hãy nghĩ đến những người tốt mà sống, mà hành động. Trên đời này, những người tốt còn nhiều lắm, em à…
- Anh đã nói vậy thì em cũng xin xác nhận rằng: Từ ngày em về đây, với tư cách lãnh đạo lĩnh vực an ninh, nghe báo cáo, em biết bác Hữu nằm trong danh sách lực lượng Công an quan tâm từ vài chục năm trước. Lý do đưa vào thời điểm ấy là đúng quy định, đúng quy trình, phù hợp giai đoạn đất nước đang chiến tranh, khi còn nhiều thế lực thù địch chống đối chế độ quyết liệt, nhiều văn nghệ sỹ bộc lộ nhận thức chưa rõ, có biểu hiện nghi ngờ chính sách…
Anh nói ngay:
- Vậy thì bây giờ, em xem kỹ lại cho anh trường hợp này đi. Bác Hữu là người rất tốt, anh chịu trách nhiệm về lời đảm bảo này. Không được để thiệt thòi cho bác ấy. Anh cũng đã nói với cấp trên của em như thế.
Rồi anh đi ngay, vội vã như khi đến, không kịp để tôi cảm ơn. Tiễn anh xong, tôi trầm ngâm, ngẫm nghĩ hồi lâu về câu chuyện anh vừa trao đổi, rồi bấm máy gọi trinh sát mang hồ sơ lên. Đọc nhanh các tài liệu chính mang tính căn cứ, các báo cáo định kỳ về đối tượng Đinh Hữu, tôi thấy: Trừ mấy năm đầu, Đinh Hữu đều được các thế hệ an ninh nhận xét thái độ chính trị chưa phát hiện nghi vấn, quan hệ chan hòa với mọi tầng lớp xã hội, tác phẩm đóng góp tích cực vào sự nghiệp của Đảng, có uy tín với đội ngũ sáng tác trong, ngoài thị xã, việc xếp loại tiến bộ, tạm thôi chú ý với đối tượng này là đúng đắn. Cân nhắc kỹ các yếu tố, tin tưởng vào chiều hướng tốt đẹp, tôi điện ngay cho anh Trần Bình, vừa khi anh về đến nhà, báo tin: “Em sẽ tìm lý lẽ xác đáng để thực hiện theo đề nghị của anh, mong anh yên tâm”.
Nghe vậy, anh mừng lắm, tiếng thanh thoát hắn lên, anh cảm ơn và dặn tôi đừng nói cho ai biết. Dĩ nhiên, tôi hiểu, vì đó là nguyên tắc công tác của ngành. Ngay buổi tối hôm đó, tôi gác hết mọi việc, tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ Đinh Hữu. Tôi vẫn biết, ở thời điểm ấy, việc đưa công dân Đinh Hữu vào diện quản lý, áp dụng biện pháp nghiệp vụ của lực lượng an ninh là cần thiết, đúng chỉ đạo. Nhưng, mấy chục năm rồi mà chưa thay đổi cách tư duy là chưa thỏa đáng, vô tình làm ảnh hưởng nhất định tới sinh mệnh chính trị con người, nhất lại vào đúng trường hợp mà tôi vốn gần gũi, kính trọng, biết rất rõ phẩm chất và khả năng cống hiến cho xã hội của người ấy. Tôi liền tự mình thảo báo cáo lãnh đạo Công an cấp trên, đề xuất đưa Đinh Hữu ra khỏi diện quản lý của ngành, tôi viện dẫn đúng đắn cơ sở lý luận, thực tiễn, tất cả đều hoàn toàn xác đáng.
Hai hôm sau, nhân có hội nghị tại Công an tỉnh, tôi mang theo hồ sơ và đề xuất về trường hợp trên. Trước lúc vào họp, tôi gặp Phó Giám đốc và trưởng, phó phòng nghiệp vụ theo dõi chuyên đề, trình bày. Phó Giám đốc, cũng là bạn tôi, vừa cười vừa nói: “Việc gì hệ trọng mà gấp thế, lính đâu không sai mà ông phải làm việc này?”. Tôi đáp: “Quả là việc hệ trọng, mình nhân thể xuống họp, gặp các ông trình bày cho cặn kẽ”.
Sau khi nghe tóm lược nội dung, Phó Giám đốc bảo: “Được rồi, nghe thấu lý, đạt tình”. Rồi chỉ đạo trưởng, phó phòng nhận hồ sơ, tài liệu và đề xuất cụ thể, yêu cầu làm thật nhanh. Tất nhiên, tôi không thể nêu ý kiến của anh Trần Bình, mặc dù Phó Giám đốc với anh cũng là chỗ thân tình. Tôi phấn khởi và tin công việc sẽ tốt đẹp. Đúng vậy, ngay chiều hôm sau, Phó Trưởng phòng Nguyễn Bá gọi điện cho tôi, báo đề xuất của lãnh đạo Công an thị xã đã được chuẩn y, bảo tôi cho người về nhận lại tài liệu, rồi làm thủ tục nộp lưu hồ sơ theo quy định. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc này, tôi mới chính thức gọi điện cho anh Trần Bình, hồ hởi thông báo việc đã xong. Anh không ngờ sự việc lại được giải quyết nhanh đến thế. Cả tôi và anh đều chung một niềm vui, như chính mình được “cởi trói”. Anh em tôi cũng thống nhất không để tác giả Đinh Hữu biết chuyện này, cho vô tư, coi như ông chưa hề vướng mắc gì trong đời cầm bút.
Mấy tháng sau, Đội trưởng An ninh tìm tôi, tâm sự: “May quá, anh ạ, vẫn chuyện ông Hữu ấy. Em chơi với con trai ông, biết cháu ruột ông sắp lấy con thằng Lộc, là cán bộ Công an tỉnh. Vừa rồi, anh không làm thủ tục loại ông ấy khỏi diện, thì chắc hai đưa phải dừng cuộc hôn nhân”. Thế là, một việc tưởng chừng vô hại với xã hội, thiếu chút nữa dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mới hay, việc gì cũng phải nhìn xa, trông rộng, nghề nào cũng đòi hỏi phải có lương tri, lòng nhân ái luôn cần ở mọi lúc, mọi nơi, việc làm hướng thiện phải khẩn trương, chậm còn hơn không...
Vậy mà, câu chuyện đã qua hơn chục năm rồi, ông Đinh Hữu đã gần 90 tuổi, vẫn minh mẫn, sức viết khỏe, tác phẩm sản sinh không ngừng, quả là một nguồn sáng tạo đáng nể phục. Tôi vẫn thường ghé thăm, lúc nào ông cũng gọn gàng, chỉn chu, mực thước, với hiểu biết rộng lớn, thâm sâu, ý kiến sắc sảo, cử chỉ ân cần. Trong trò chuyện, ông rất chú ý nghe, những điều tôi hỏi đều được ông giải đáp thỏa đáng, cách nói chuyện bình đẳng, làm tôi càng thêm nể trọng. Anh Trần Bình cũng đã nghỉ hưu từ lâu và tôi, cũng rời nhiệm sở gần năm năm rồi. Anh em tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, đôi lúc nhắc lại chuyện cũ như ôn lại kỷ niệm đặc biệt đẹp về tình người. Anh hay hỏi thăm tôi về ông Đinh Hữu, nhắc tới những ấn tượng đẹp và coi ông như một người anh. Vậy mà, một lần gặp tôi, anh bảo: “Này em, hình như bác Hữu có biết chuyện, nhưng lại bảo anh là người đưa bác ấy vào diện quản lý. Còn em, bác ấy lại nghi ngờ rằng, em là thế hệ sau, làm sao giúp được việc tháo gỡ cho bác ấy. Anh nghe mà thấy buồn, thăm thẳm buồn. À, thì ra đời là thế, có gì đơn giản đâu. Trồng cây ngọt sao lại ra quả đắng? Chả cần nói đi nói lại làm gì. Rồi bác ấy sẽ nhận ra ”. Tôi bảo: “Chắc bác ấy đùa anh thôi. Con người sâu sắc, từng trải thế chẳng lẽ lại không hiểu nhà văn, nhà thơ có giỏi đến mấy cũng không thể làm thay việc Công an được. Đưa người này, người kia vào diện quản lý là nhiệm vụ bí mật của an ninh, trên cơ sở rất cẩn tắc, thận trọng, quy trình chặt chẽ. Ngay cả người cùng ngành Công an, mà không được phân công vào việc ấy, cũng không biết, huống chi anh lại là người ngoài ngành. Với anh, trong cương vị trưởng ngành cấp tỉnh giai đoạn ấy, lại nhạy cảm và có quan hệ thân tình với lãnh đạo cấp trên của em và với em, nên anh mới chủ động và mạnh dạn đề xuất những trường hợp cụ thể mà anh biết quá rõ như bác Hữu, để lực lượng an ninh xem xét, quyết định. Còn với em, vì trẻ nên không phải là người đưa bác ấy vào diện, nhưng cũng vì trẻ nên mới có cơ hội đưa bác ấy ra khỏi diện chứ. Nó chỉ là chuyện thường ngày thôi, nhưng không phải ai cũng làm được như anh em mình đâu. Chính anh đã gợi ý em làm một việc cho lòng thêm thanh thản, thế là vui rồi, phải không anh? Mà thôi, cũng chẳng cần để bác ấy biết mà làm gì? Ở đời, cứ tự ngẫm nghĩ mới thấy hay…”.
Thời gian cứ vùn vụt qua nhanh, cuốn trôi bao sự kiện vui buồn của kiếp người. Chuyện nhỏ thường ngày trên đây không hiếm gặp trong cuộc sống muôn màu, nhưng chẳng lẽ không là tấm gương để mọi người cùng suy ngẫm về lẽ ăn ở với đời hay sao? Và, trong bao mối quan hệ xã hội, sau bao thứ đã bị thời gian vùi lấp và tuổi tác làm tôi quên đi, song tôi vẫn luôn nhớ đến người bạn vong niên, người anh giàu tình nhân ái: Trần Bình!