Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







DẪU KHÔNG THANH LỊCH...






T ôi cứ ghen thầm với những người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nói chuẩn giọng Hà Nội và đi đâu cũng được giới thiệu trang trọng là “người-Hà-Nội”. Các bạn đừng lầm tưởng là tôi mặc cảm về quê sinh của mình, không phải vậy đâu! Chẳng biết từ bao đời, trong dân gian đã truyền tụng câu ca dao để nói về "nét người" Thủ đô:

       “ Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
        Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

    Như vậy là hơn bất kỳ địa phương nào, người Hà Nội vẫn được tiếng thơm là có "nét người" thanh lịch, hào hoa. Vậy thì không ghen sao được? Tôi sinh ra ở miền Trung, mặc dầu đã sống ở đất Hà thành tới tròn nửa thế kỷ mà chất giọng vẫn mang đậm mùi nước biển, vẫn nghe nặng chình chịch; dù có ăn nói văn hoa, có thơ phú đầy mình thì cũng chẳng bao giờ được khen là thanh lịch như người Hà Nội chính gốc! Mới hay cái âm sắc của giọng nói, cái gốc gác sinh thành - nơi mà họ được hưởng cái "lộc truyền thống"- cũng góp phần không nhỏ vào cái cốt cách cuộc đời của mỗi con người.

    Người Hà Nội có một chất giọng rất nhẹ, rất trong, rất đẹp. Hồi tôi còn nhỏ, sống ở miền quê xa xôi, tôi thường nghe những người lớn tuổi có dịp đi đây đi đó khen hoài cái giọng nói của người Hà Nội. Họ còn kháo với nhau là "người Hà Nội chửi nhau mà cứ nghe như... hát!" Tất nhiên là họ nói quá lên thôi, chứ chửi nhau mà như hát thì còn gì là... chửi! Đúng là giọng Hà Nội cực hay, nghe cứ êm ái ngọt ngào. Vì mê cái giọng nói ấy mà tôi cố kén bằng được một người vợ Hà Nội chính gốc, tuy nàng có chất giọng alto. Các nghệ sĩ mọi miền đều thường hát theo giọng Hà Nội có lẽ cũng là vì vậy. Tuy nhiên, vì người "tứ chiếng" về Hà Nội rất đông nên tiếng nói ở Hà Nội đã có phần pha tạp. Cái pha tạp tệ nhất là nói ngọng, kiểu như "người Hà Lội ăn nòng nợn nuộc". Không hiếm khi gặp cảnh ngay trên truyền hình, một số cán bộ của chính Hà Nội mà còn nói ngọng từ đầu đến cuối, coi như không! Có lẽ không nên coi đó chỉ là một khiếm khuyết nhỏ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nét văn hoá của Thủ đô, nơi được chọn làm tiếng nói chuẩn của cả nước. Sau nói ngọng là kiểu nói cộc lốc. Không biết từ bao giờ người Hà Nội đánh mất cái thói quen nói năng lễ độ. Nói với người bề trên (lớn tuổi hơn hoặc có vị thứ cao hơn) hầu như rất hiếm tiếng "thưa", tiếng "dạ", cứ như sợ đó là ... tàn dư phong kiến! Trẻ em nói với người lớn cũng hầu như không bao giờ thấy khoanh tay hoặc cúi đầu cung kính, điều mà ngày xưa đó là thói quen ăn sâu trong tiềm thức của những "con nhà gia giáo". Một lần, tôi đang đi vào một hiệu sách cùng một ông bạn Việt kiều mới về nước thì có một cậu thanh niên ra dáng đẹp mã chỉ vào chiếc đồng hồ ông đang đeo ở tay, hỏi cộc lốc: "mấy giờ rồi?" Ông bạn tôi đứng sững không hiểu, tôi đành đỡ lời hộ. Anh bạn trẻ bỏ đi mà không có một lời tối thiểu! Có lẻ anh ta và nhiều người khác cho đó là một việc nhỏ, bình thường! Ông bạn tôi không nói gì nhưng qua ánh mắt tôi hiểu điều ông đang nghĩ. Mấy mươi năm ông mới có dịp về thăm lại Thủ đô, ông lạ lùng là phải! Một góc độ văn hoá đã bị bỏ quên trong tiềm thức con người đất Tràng An! Trách nhiệm từ đâu, gia đình, ngành văn hoá hay ngành giáo dục? Người Nhật Bản, người Hàn Quốc họ không những luôn nói lời cám ơn mà còn cúi gập người cung kính, đâu phải vì họ cổ xưa, phong kiến? Họ luôn tôn trọng và gìn giữ truyền thống, tại sao ta lại bỏ?

    Một cái tệ hại khác mà hiển nhiên là rất thiếu văn hoá, ai cũng biết, đó là chuyện nói tục, chửi thề. Ngày trước rất ít người nói tục, chửi tục. Những người "có học", có nhân cách thì hầu như không có tệ này vì họ biết đó là một hành vi thiếu văn hoá không thể nào chấp nhận. Chẵng hiểu vì sao mà bây giờ số người nói tục chửi bậy lại nhiều đến thế. Ra chợ, ở bến xe, ngoài đường, trong nhà và cả trong các xí nghiệp cơ quan, kể cả các cơ quan chính quyền và văn hoá cũng không thiếu gì kẻ nói tục chửi thề. Nhiều người lầm tưởng đó là một biểu hiện "có tính quần chúng" mà không hề cho là một sự vô văn hoá! Có một "nhà thơ" nọ làm thơ khá hay nhưng lại bị cái tật nói tục và khoe khoang kiểu "bán trời không văn tự" nên mặc dù rất trọng thơ của anh ta, tôi vẫn luôn tránh tiếp đón tại nhà. Một lần anh ta vừa đi từ Hải Phòng lên, gọi điện cho tôi một cách hào hứng , thao thao bất tận về chuyện này chuyện nọ, về những vần thơ mới viết; nhưng tôi như bị nhục hình tra tấn bởi những câu chửi tục kèm theo mỗi khi anh ta hứng chí! Thật lạ là khi người ta vui người ta cũng chửi tục! Tôi nhiều lần muốn cúp máy mà không sao cúp được, đành nhấc máy ra xa. Thế mà khi anh ta vừa gọi đến, con trai tôi nhắc máy trong khi đang mải cười với bạn, chưa kịp trả lời ngay thì đã bị anh ta mắng phủ đầu là "con nhà thơ mà vô văn hoá" làm cháu và cả tôi phải xin lỗi và thanh minh mãi. Thấy anh ta nói năng bừa bãi với tôi, cháu tỏ ra rất khó chịu và trách tôi là tại sao lại chịu nói chuyện với một người khiếm nhã như vậy. Tôi thật khó trả lời cháu, vì nếu vậy thì chắc là tôi mất đi ngót một phần đáng kể số bạn văn thơ mình có! Ngày xưa người ta coi các bậc "tao nhân mặc khách" là những người tao nhã nhất, thế mà bây giờ có những "nhà thơ" nói tục chửi thề đến thành tật như vậy thì liệu còn trách cứ ai? Nói tục chửi thề thì còn gì là "nét người Tràng An" nữa?

    Gần năm mươi năm về trước, khi tôi lóng ngóng đặt những bước chân rụt rè của mình lên mặt đường láng bóng của phố phường Hà Nội, tôi cứ tưởng như mình lạc trong mơ. Từ một vùng kháng chiến, nơi mà "đường ta rộng thênh thang tám thước" đã là không tưởng, thì trước những con đường nhựa phẳng lì và rộng tới gấp đôi gấp ba cái con đường "thênh thang tám thước" kia, sao mà không choáng ngợp, sao mà không lạ lẫm? Các bạn đừng cười cái "anh chàng nhà quê ra tỉnh" nhé! Lúc đó, với tôi cái gì cũng lạ, cái gì cũng xuýt xoa! Sau những phút choáng ngợp ban đầu ấy, rồi tôi cũng lấy lại được hồn mình để mà quan sát, để mà khám phá xung quanh. So với cái xứ "nhà quê" của tôi, Hà Thành thật đúng là nơi "ngựa xe như nước, áo quần như nêm!" Hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên kia, tôi không thể nào hiểu được vào một ngày bình thường mà tại sao các bà các cô đi ngoài đường đều mặc áo dài, thướt tha như đi trẩy hội! Một thời gian sau tôi mới biết là người Hà Nội từ lâu vẫn giữ thói quen ăn mặc lịch sự, tề chỉnh khi ra đường, dù chỉ là đi chợ. Thói quen đó bây giờ không còn, do điều kiện lao động và đời sống khó khăn trong những năm chiến tranh để lại. Bây giờ ngoài đường vẫn thường có những phụ nữ mặc bộ quần áo chỉ để dùng khi đi ngủ, nhiều người đàn ông mặc may ô quần đùi đi lại ngang nhiên, thậm chí có khi còn ngồi trên xe máy uốn lượn ngông nghênh! Không biết rồi đây người Hà Nội có còn khôi phục được truyền thống cũ? Có người cho như vậy là vẽ vời, là bất tiện. Nhưng thực ra đó là một nếp sống đẹp, mang đậm tính văn hoá. " Hơn nhau tấm áo manh quần" không có nghĩa là sự khoe khoang đua đòi mà nó là nếp nghĩ, nếp sống của con người, cũng như "cái răng cái tóc là góc con người" vậy. Một trong các ưu thế của "người Tràng An" hơn hẳn "người nhà quê" chúng tôi là chính điểm này. Từ điều kiện sinh hoạt, lao động và đời sống tạo nên ưu điểm ấy. Vậy thì người Hà Nội mà không khôi phục và phát huy được nếp sống ấy sẽ là đánh mất cái "nét người Tràng An" của chính mình. Bây giờ vải vóc áo quần vừa nhiều vừa rẻ, các cửa hàng đầy ắp mốt nọ kiểu kia, vậy thì việc ăn mặc tuỳ tiện ra đường đâu chỉ là do "hoàn cảnh"? Khi mà nếp nghỉ nếp sống chưa theo kịp trình độ văn hoá chung của xã hội, liệu thành phố có thể làm một điều gì đó để "đưa vào quỹ đạo" trước ngày Thủ đô tròn 1000 năm tuổi? Xin đừng coi việc ăn mặc là việc nhỏ. Đó là bộ mặt của thành phố, của thủ đô và của cả một dân tộc.

   Đi trên các nẻo đường của Hà Nội hôm nay, ta thật vui vì có bao nhiêu thay đổi. Những toà nhà cao ngất, nhôm kính sáng choang. Những cửa hàng muôn hồng nghìn tía trong ánh đèn rực rỡ. Những dòng xe đủ màu đủ loại ken dày trên đường phố... Thật khó mà tưởng tượng chỉ hơn chục năm về trước ta đã sống ra sao. Thành phố đã bước được một khoảng rất dài mang đậm màu "đổi mới". Nhưng bên cái được bao giờ cũng dễ kèm theo cái mất. Sự đỗi mới về kinh tế như một con ngựa phi nhanh đã vô tình dẫm bừa lên những luống hoa của một nền văn hoá! Trước hết, là những ngôi nhà muôn hình nghìn vẻ. Có ngôi nhà như một chiếc tháp canh, chênh vênh và kỳ dị. Có ngôi nhà với những chóp, những mái đan xen không theo một trật tự, một phong cách kiến trúc nào. Một góc nhỏ Trung Đông trên đường Yên Phụ, một khóm phố châu Âu bên phía Nghi Tàm, một chóp nhọn của nhà hát lớn lạc sang tận Cầu Chui!… Rồi cái đập vào mắt ta nhiều nhất là các trò quảng cáo, cả trên đường và cả trên các phương tiện thông tin. Đọc báo, xem truyền hình chắc mọi người đều thấy rõ nhiều chổ nhiều nơi có những kiểu cách quảng cáo rất trơ tráo vô duyên. Tôi không phản đối quảng cáo vì đó là tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhưng ngôn ngữ quảng cáo cũng rất cần thể hiện nét văn hoá, chứ không thể tuỳ tiện được. Đi dọc Hàng Đào, Hàng Ngang và hầu như phố nào cũng có, những chiếc quần lót, áo ngực ngày xưa thường dấu kín thì nay được treo bày một cách quá thoải mái, thậm chí ngay trên đỉnh đầu kẻ qua người lại. Nhiều hiệu thời trang dùng ma nơ canh trong suốt mặc đồ lót, thắp đèn bên trong như một sự phô bày khiếm nhã. Lại có những ma nơ canh để phô bày giữa phố mà không một mãnh vải nào che đậy! Dù chỉ là người giả nhưng không thể tuỳ tiện sử dụng và trưng bày như vậy vì đó là một sự thiếu văn hoá, không phù hợp với truyền thống tế nhị và kín đáo mà dân tộc ta vốn gìn giữ tự bao đời.

   Ngày nay các chương trình biểu diển nghệ thuật như sân khấu, ca nhạc, ngâm thơ thường thu hút rất nhiều công chúng, đặc biệt là lớp trẻ. Các bạn trẻ có nhiều điều kiện để tiếp thu những tinh hoa văn học nghệ thuật của mọi miền đất nước và đặc biệt là của thế giới. Điều đó chứng tỏ trình độ văn hoá chung đã được nâng cao rất nhiều. Nhưng, lại vẫn phải dùng đến chử "nhưng" để bàn về một vài mặt trái của sự việc. Trước hết cũng xin khẳng định một điều là người viết bài này không phải là một người bài ngoại vì anh ta rất thích và trân trọng những Leonado Da Vinci, Puskin, Petofi, Tolstoi, Picasso, Amado... cho đến cả ABBA, Bistle, thậm chí cả Michel Jacson, Madonna nữa. Nhưng khi đi trên đường phố Thủ đô mà tiếng nhạc ầm ĩ khắp nơi chỉ với ngôn ngữ và giai điệu nước ngoài hoặc lai tạp nước ngoài thì từ yêu thích đã nhiều khi chuyển thành khó chịu! Phải chăng về văn hoá, thị hiếu của chúng ta đã bị lệch lạc quá chừng? Cái xu hướng chuộng của ngoại đã làm cho số đông bạn trẻ và những người hãnh tiến không nhận ra được nét đẹp, nét độc đáo mà ngôn ngử và giai điệu truyền thống dân tộc có được. Ngay trong giới làm thơ, nhiều người cũng bị ảnh hưởng bởi thơ nước ngoài, lại thêm chiêu bài "tìm tòi cái mới", bạ đâu cũng xuống dòng, bạ đâu cũng "thả chử", đã tự tước bỏ đi cái tinh tuý nhất của ngôn ngử dân tộc là đặc tính âm thanh sắc điệu, cái mà hầu như không một ngôn ngữ nào có được. Thế mà có người còn cao giọng trước đám đông là thơ truyền thống, thơ có vần điệu là cổ lỗ, là lạc hậu, không còn phù hợp với... thơ hiện đại! Tôi không dám nói họ thông minh hay là dốt nát mà chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng đó là người mất gốc. Không biết trân trọng ngôn ngữ dân tộc, vốn cổ dân tộc cũng là một sự thiếu văn hoá mà bất cứ ở đâu, bất cứ dân tộc nào cũng đều hiểu như vậy, nhất là với người Tràng An. Tôi có quá lời không nhỉ? Xin các bạn cứ phẩm bình, ủng hộ hoặc chê bai thoải mái, miển là để tìm ra hướng đúng.

   Lan man quá rồi chăng? Xin các bạn thứ lỗi vì tôi đã làm mất thì giờ với những chuyện không đâu. Chính vì điều này mà tôi đã phải viết lên 2 chữ "phiếm bình" ngay từ đầu bài viết, âu cũng là một lời nhắc nhủ trước những ai không muốn đọc. Văn hoá là một khái niệm rộng, nói cả ngày không hết chuyện. Quan niệm thế nào là có văn hoá và thế nào là nét văn hoá truyền thống của Thủ đô không phải bao giờ cũng dễ thống nhất với nhau. Vì vậy người viết bài này chỉ xới lên vài mẫu nhỏ để tất cả cùng xem xét phẩm bình. Thủ đô yêu quý của chúng ta xinh đẹp và có truyền thống văn hiến đang sắp tròn 1000 tuổi. Cần phải làm gì (trên góc độ văn hoá) để giữ được nét thanh lịch truyền thống của "người Tràng An" và để xứng với tầm vóc văn hoá của nó? Hy vọng đây là một tiếng nói dù đúng dù sai cũng góp chút phần nho nhỏ cho điều mong muốn ấy!

10/1999

*Ghi chú: Bài này tôi viết đã khá lâu (trên hai chục năm), hiện đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều điều “nguyễn y vân”!



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ HàNội .
Trang Trước
Trang Tiếp Theo

TÁC PHẨM CỦA HOÀNG GIA CƯƠNG TRONG VIỆT VĂN MỚI