Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







QUÁN RƯỢU VẮNG NGƯỜI
GIỮA MÙA HOA TRẮNG







   Q uán nằm bên dòng Darenth chảy qua vùng Kent. Từ sông nhìn lên, đưa mắt quá khoảnh vườn hơn 100 thước Anh (yard) thì người ta thấy một dãy bàn ghế gỗ trước ngôi nhà ba tầng, tường trắng gắn các xà gỗ đen dọc ngang, kiểu Anglo-Saxon (half-timbered house). Nhưng để biết đây là địa điểm gì, ta phải đi vòng ra phía bên kia của ngôi nhà, nơi có treo tấm biển 'The Mount Belvedere' dưới miếng đỡ mái, khắc hình sư tử. Đó cũng là nơi có bãi đậu xe bên con đường từ khu dân cư của làng Shorehill chạy đến tận cửa quán.

 Ở lối ra sông có thêm dãy ghế bằng thân gỗ thô, không có bàn. Chỗ ấy hôm còn làm trong quán Sana hay ra ngồi ăn trưa với mấy bạn hầu bàn và bác nấu bếp. Nếu vẫn quanh quẩn trong quán, khách bước vào thấy họ mặc đồng phục nhân viên thì chẳng cần biết đang là giờ nghỉ hay giờ làm, cứ hỏi, đặt món. Từ chối thì cũng khó, mà bỏ giờ nghỉ quý báu ra phục vụ thì chỉ thêm việc.

Ngồi ở bên sông, đứa ăn sandwich, đứa bưng bát súp rau khệ nệ đặt lên khúc gỗ cụt làm bàn. Ăn uống, nhả khói thuốc ra ngay chỗ không khí trong lành thích hơn là hít mùi âm ẩm từ thảm trải nền và nỉ bọc tường trong nhà. Cả bọn chuyện trò rôm rả. Mới chỉ tuần trước thôi mà những điều bình dị ấy tưởng như xa lắm rồi, xa tới mức chìm vào một quá khứ đã chết.

**

Hôm nay, trời nắng vàng rực trước kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh, Sana trở lại quán rượu lấy chiếc áo khoác để quên trước khi cả nước bị phong tỏa và cách ly vì dịch bệnh. Đi xe đạp từ nhà tới quán phải mất hơn 30 phút nhưng Sana không ngại. Mùa này đường phố khô ráo, cảnh vật lại yên tĩnh hơn thường lệ. Một tuần nay, xe lửa cắt chuyến, không gian vùng quê vắng hẳn tiếng còi tàu. Trên con lộ nay chỉ còn xe bus chạy vào giờ sáng và tối để phục vụ nhóm nhân viên thiết yếu phải đi làm: y bác sĩ, người bán hàng, công nhân tạp vụ đi làm ở bệnh viện, trạm xá, cây xăng, siêu thị. Ba bốn lần Sana phải dừng xe đạp, nép vào hàng vệ đường để tránh xe cứu thương chạy vụt qua. Số người chết vì virus corona tăng từng ngày. Các bệnh viện Kent phải chia sẻ gánh nặng với London, nơi các ca nhiễm và tử vong đang cao nhất nước.

Đã hẹn trước với bà Becky, vợ ông John chủ quán, vào lúc 10 giờ sáng nhưng vì đường vắng, đến hơi sớm nên Sana để xe đạp vào bờ rào, đi ra mé sông vào vườn trước căn bếp ngồi chơi. Vườn đã nở hoa tưng bừng, dưới đất các khóm thủy viên vàng (daffodil) rung rinh trong khóm lá xanh, trên cao là hoa táo, hoa mận dại, hoa anh đào trắng muốt, rặng mộc lan đã nở tung trên cành đầy nhiều búp hoa hồng tím. Từ ven tường, những vạt cỏ mềm chạy mượt mà một màu lục dịu mát đến tận bờ nước. Mùa xuân đến, đẹp như trêu ngươi ai trong không gian rộn ràng màu sắc mà im lặng lạ kỳ.Sự yên ắng như trong tranh của Joseph Mallord William Turner vẽ những ngôi nhà mái rạ (cottage) ở vùng quê Anh chỉ bị kéo về hiện thực bằng tiếng chim sẻ ngô (blue tit)bay vụt qua. Con chim đậu chớp nhoáng xuống một nhành cây, tí tách vài thanh âm sắc nhọn rồi tung biến vào không trung.

Bà Becky mở cửa sổ vẫy Sana. Hai người nói chuyện, giữ khoảng cách thừa tiêu chuẩn hai mét giãn cách xã hội (social distancing) mà chính phủ yêu cầu tuân thủ. Bà hỏi sức khoẻ, rồi than phiền về sự vắng vẻ, việc làm ăn coi như đóng băng, chỉ chờ trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ để tồn tại ba tháng tới.

Đại dịch Covid-19 ập đến nước Anh như một cơn bão từ nơi đâu kéo đến. Ban đầu người ta chỉ nghe những chuyện bên Trung Quốc, sau đó là người từ Ý đem virus về. Nước Anh kiêu hãnh nghĩ mình không thể bị khuất phục, cho đến lúc các nước xung quanh bắt đầu cắt đường bay. Hòn đảo Anh như con tàu cắm neo bên bờ châu Âu chòng chành vì sóng đập. Tin tức ngày một xấu. Trong lúc cả nước hoang mang, ông John đi thăm con cháu bên Tây Ban Nhà đã về kịp trước khi hàng không cắt mọi chuyến nối với London Gatwick.

Bà Becky nói với Sana: “Nay thì nhà ai ở nhà đó. Thái tử Charles còn dính virus, Thủ tướng Boris Johnson còn vào phòng cấp cứu hồi sức điều trị Covid-19 thì hai bác chỉ biết chờ, lúc nào mọi việc ổn sẽ mở quán trở lại.”

Thời chống dịch chẳng khác gì thời chiến, cái thời mà bà Becky cũng chỉ nghe cha mẹ kể lại khi Anh Quốc phải sơ tán trẻ em về các vùng quê tránh bom của Đức. Chỉ khác thời chiến là không ai biết cái chết đến từ hướng nào. Mới 17 tuổi, Sana chỉ thấy chiến tranh trên truyền hình và trong sách giáo khoa lịch sử nên không biết nói gì với bà. Cô nhắn lời của mẹ: “Hai bác có cần gì không, rau quả tươi, gạo, bột mì?”

“Không cần đâu, vườn thì toàn hoa, không có rau nhưng được cái là hầm lạnh trong quán đầy thức ăn, rượu bia, nước trái cây đến sau Phục Sinh sẽ không thiếu gì. Hai bác sẽ cố thủ thành công.”

Rồi bà hỏi lại Sana có cần trứng, hay món ăn gì cô ưa thích hồi làm thực tập ở đây hay không. Nếu muốn lấy gì cứ vào quán mà lấy. Cửa đã mở, cái áo của Sana ở trên chiếc ghế dài cạnh máy đánh bạc lẻ (slot machine). Sana cảm ơn bà nhưng không nhận quà gì và ra về.

**

Sana đến làm ở quán để có điểm thực tập cho môn quản trị kinh doanh trước kỳ thi tốt nghiệp trung học (A-level). Chỉ hơn một tuần làm việc hóa ra là trải nghiệm khó quên, cả về giao tiếp, ẩm thực và những chuyện cô chưa từng biết ở nhà. Sinh ra ở Anh nhưng là người gốc Ấn, Sana ít tiếp xúc với văn hóa đất nước này, trừ những gì học ở trường. Cha mẹ cô đều là người Sikh từ vùng Punjab nằm giữa Ấn Độ và Pakistan, sang Anh cùng ông bà hai bên hồi nhỏ. Họ lấy nhau theo sắp đặt của gia đình – truyền thống người Ấn vẫn thế từ bao đời – và sống ở phía Bắc Anh trước khi chuyển xuống Kent. Cả hai anh em Sana sinh ra tại đây, nơi người Sikh ít hơn nhiều so với London nhưng cũng có một ngôi đền riêng. Cứ mỗi dịp cuối tuần cả nhà Sana lại đến đền Gurdwara ở Gravesend, làm lễ, ăn cơm chung với đồng hương. Sau đó tất cả lại vào phòng cầu nguyện, nam ngồi riêng một bên, nữ một bên, nghe vị chủ lễ đọc kinh sách. Tất cả thành kính, yên lặng.

Quán rượu là một thế giới khác hẳn, nhất là với một cô bé ít giao tiếp như Sana. Những ngày đông khách, trong quán luôn có tới gần 200 người, ăn uống, trò chuyện. Tiếng ồn lan ra bờ sông, có khi kéo dài đến 11 giờ đêm là giờ theo luật phải đóng cửa. Người Anh cũng thích dắt chó đến, cho nằm dưới chân, hoặc buộc dây để ngoài cửa. Có bà già ôm mèo đến quán. Có lần một chú cảnh sát đi ngựa tới, buộc dây cương ngoài rào. Bọn hầu bàn chạy ra xem, vuốt bờm, chụp ảnh.

Nhớ hồi ông bà mua lại quán, cả nhà Sana được mời đến. Họ là gia đình gốc Ấn duy nhất dự buổi khai trương đông vui với dân trong làng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông John và bà Becky biến quán rượu thành nơi cả làng tụ họp các buổi cuối tuần, mà thực ra người ra vào đã bắt đầu rất đông từ chiều thứ Sáu. Năm ngoái, ông John mở thêm quầy rượu, đưa quán lên đẳng cấp cao hơn các quán bia bình dân trong làng. Ông John quảng bá cho các dòng vang Anh, điều không dễ làm vì Anh không có các thương hiệu rượu vang nổi tiếng và truyền thống nấu rượu thua xa các nước châu Âu khác. Nhưng ông đã cố tìm mua và khuyến mãi cho khách uống rượu vang nội địa của Anh: Bluebell, Ridgeview, Hush Heath...Quầy bia thì tất nhiên là luôn phong phú, mức làm cô hầu bàn mới vào nghề như Sana thấy choáng ngợp. Không chỉ bia ngoại mà bia Anh như Samuel Smith, Kentish Ale, London Porter, thậm chí các nhãn hiệu hiếm như Rutland Bitter, Dartford Wobbler đều hãnh diện trình làng. Nhớ tên các loại đồ uống để rót đúng cho khách đã không dễ, Sana còn phải học làm quen với từng loại ly, cốc. Bà Becky bỏ ra hơn một giờ đồng hồ giải thích cho cô, đây là cốc pha lê cho rượu whisky, ly chân cao miệng khum cho vang, kia là cốc thủy tinh cao (Imperial glass) cho bia đen. Trên kệ là hàng hàng lớp lớp ly, cốc, tách: có nhóm cốc hình ống (Tumbler), có vại đong bia kiểu Anh (English pint glass), có dãy ly cao thon bụng (Weizen)...Tất cả không dưới 15 loại ly, tách, cốc, vại phải nhớ. Sana tự nhủ, chả bù cho bữa ăn hàng tuần ở đền thờ vị Thánh thủy tổ của đạo Sikh, ngài Nanak. Tất cả mọi người, sang hèn đều ăn từ đĩa thiếc bốn ngăn giống hệt nhau, uống nước trắng từ cốc nhựa cùng loại.

Thấy bà Becky dạy Sana “bài học vỡ lòng” về ly cốc dùng cho việc bán bia rượu, ông John chen vào góp chuyện. Vừa mở tủ lấy cho Sana xem một cuốn sách về nghề rượu, ông vừa bình luận rằng các loại ly tách, cốc chén, dao dĩa ở đây tưởng đã nhiều nhưng chưa là gì so với quán ở Pháp và Tây Ban Nha, nơi ông đã học nghề nấu bếp và phục vụ thực khách. Nhìn ánh mắt hào hứng muốn hỏi thêm của Sana, ông bảo vợ tránh sang một bên, với tay lấy từ tủ lấy ra bộ sáu chiếc cốc pha lê thân to, chân lùn, chuyên để uống rượu brandy (snifter set) cho cô xem. Ông cũng tự hào khoe rằng cả bộ cốc tuyệt vời ấy ông chỉ mất đúng 20 bảng hôm mua ở chợ đồ cũ ngay West Malling.

**

Ông John đã 75 tuổi, đầu hói bóng nhoáng, bụng tròn vo sau tấm áo T-shirt màu đen. Khác với đa số đàn ông Anh ít để râu, ông có cặp ria cong vểnh lên má, kỷ niệm kiểu Nam Âu của những năm làm nghề khách sạn ở miền Nam Tây Ban Nha. Tưởng như họ đã chọn nơi định cư bên đó cho đến cuối đời thì lại xảy ra Brexit: Anh Quốc rút khỏi EU. Như hàng trăm nghìn người Anh khác, quy chế dành cho họ bên ngoài quê hương trở bên bấp bênh. Sau nhiều đắn đo, ông bà bán căn nhà ở nước ngoài và hồi hương.

Theo bà Becky kể thì họ về Kent, điểm gần nhất với Pháp, để dễ chạy xe hoặc đi máy bay sang châu Âu thăm con trai đã có gia đình riêng bên ấy. Nhưng Sana nghe chính ông John nói rằng họ đến ở làng này vì vùng đất ven đồi, ven sông của Shorehill là nơi hiếm có ở Anh, có đủ nắng ấm, độ khô, và thổ nhưỡng của đất nền đá phấn để trồng nho. Dù muộn, giấc mơ mở xưởng nấu rượu nho mà ông John ấp ủ từ bao năm sống xa quê vẫn còn đó, vẫn mới tinh khôi như hồi ông còn trẻ.

Chẳng hiểu gì về bia rượu nhưng Sana cũng bị cuốn hút bởi niềm đam mê của ông già. Ông cho Sana mượn một cuốn sách về nghề làm rượu vang và vẫn cô ra vườn, nói về cách trồng nho. Hai người xem luống nho ông trồng thử nghiệm ở triền đất dốc nghiêng ra bờ sông. Ông bảo ánh nắng rất quan trọng để nho có đủ độ ấm, mới kết trái được. Sau mùa đông đầu tiên, các cụm nho của ông bị chết cóng gần hết. Mà đó đã là giống nho Riesling mua từ Đức, đáng ra phải chịu lạnh khá tốt. Nhưng may thay, năm qua thời tiết đảo Anh ấm hơn bình thường – có người nói là do biến đổi khí hậu - đêm đông nhiệt độ ít khi xuống dưới không, luống nho đã nhú mầm, tỏa nhánh thanh mảnh. Các dây nho yếu ớt, sau cứng cáp dần, trèo được lên giàn cao, lá dầy hơn, xanh đậm hơn. Những trái nho đầu tiên nhỏ xíu, trắng xanh, lên sắc tim tím bám thành chùm, mọng dần lên, đem lại niềm vui vô hạn cho ông John. Thế nhưng đấy mới là thành công bước đầu, vì để đủ nho cho sản xuất, làm rượu, người ta cần trồng cả một ruộng vài nghìn mét vuông là ít. Ông John đã vay thêm tiền ngân hàng để thuê một miếng đất rộng. Việc sẽ gian nan nhưng lúc rượu vang 'Mr John' ra lò, cả nhà Sana sẽ được mời đến, ông bà bảo thế.

**

Về nhà, Sana nói chuyện với bố mẹ một chút rồi lên phòng riêng. Ngồi sau cánh cửa đã đóng chặt, cô vẫn nghe tiếng TV từ buổi cập nhật tin virus (daily coronavirus updates) của chính phủ. Một dòng âm thanh rùng rợn các con số chết chóc. Anh Quốc tự nhận có nền y tế hàng đầu thế giới, mà con số tử vong vì virus corona trước lễ Phục Sinh đã lên 980 người một ngày. Những con số không biết nói, chỉ biết khóc, chạy theo một đường biểu đồ “tăng dần đều”, lên tới 10 nghìn, 12, 15 nghìn, đưa Anh nhanh chóng đuổi kịp Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Bên đó là một bức tranh thê thảm của các quốc gia nhiều người già đang chịu trận trước loài virus khủng khiếp từ Trung Quốc tới.

Các cụ già ra đi trong yên lặng, để lại thế giới của bọn bất yên. Lứa học sinh cuối cấp của Sana nhận tin xấu ngay từ cuối tháng 3. Một ngày trước khi công bố lệnh phong tỏa, chính phủ hủy kỳ thi tốt nghiệp trung học đã lên lịch vào cuối tháng Năm. Các phòng thi tụ tập đông người không đảm bảo cách ly, và thế là các trường học Anh đồng loạt phải cắt năm học, cho nghỉ sớm. Sana nhớ hôm chia tay, học sinh cả trường được mời đến hội trường lớn, nghe bà hiệu trưởng vừa kìm tiếng khóc, vừa thông báo hết niên khóa trước ba tháng. Sana và các bạn ôm nhau, có đứa cười như phát điên vì không phải thi, nhưng đứa ham học, đầu tư luyện thi cả năm rồi thì rớt nước mắt buồn tủi vì bị tước mất cơ hội. Cả bọn ra tủ đồ dùng cá nhân, dọn hết mọi thứ, trả chìa khóa rồi ra về. Tối hôm đó trên truyền hình đã có nhà giáo nói thật là bất công cho một thế hệ học sinh không được thi. Họ gọi Sana và bạn cùng lứa là 'thế hệ Covid-19'. Điểm vào đại học sẽ do thầy cô giáo quyết định, dựa trên chỉ dẫn của Bộ Giáo dục, căn cứ vào các điểm thi thử, điểm kiểm tra học kỳ, bài tập về nhà của từng học sinh cuối cấp. Còn các đại học sẽ nhận sinh viên theo thang điểm nào thì còn là chuyện chưa biết. Hàng triệu gia đình bước vào một mùa hè lo âu cho chuyện học tiếp của con cái.

Từ hôm các trường đóng cửa và cả nước bước vào kỳ nghỉ dài, sống với phong tỏa, Sana hay lên mạng đọc tin thời sự hơn trước. Cô cũng nghe các hướng dẫn mà bạn bè chia sẻ để tổ chức lại cuộc sống cách ly cho đỡ nhàm chán: đặt tài khoản trên kênh xem phim Neflix, lên lịch tập thể dục ngoài vườn, và tập yoga trong phòng. Nhớ lần cuối về Ấn Độ Sana rất kinh sợ khi gặp ngay bên đường những vị thánh người phủ tro, gần như trần truồng, chỉ quấn khố. Triết lý sống cổ xưa là thế này ư? Cô không tin. Lối sống ở Anh làm cô bé kinh sợ mảnh đất nóng nực, người nghèo, người vô gia cư, sống ngay bên vệ đường, lẫn với bò, chó mèo và rác. Nhưng đọc sách in ra ở Anh về triết học Phương Đông, về các kỹ năng tập thở, tĩnh tâm, quán tưởng thì cô lại thấy bức tranh Ấn Độ khác hẳn, rất huyền bí, rất nhiều trí tuệ thâm sâu. Thật khó nghĩ nên theo cách nào đây.

Một tuần sau lễ Phục Sinh, mẹ nói chuyện với bà Becky qua Whatsapp và được biết bà nghe lời kêu gọi của Cơ quan Y tế Quốc gia (National Health Service-NHS) quay lại làm việc. Chính phủ muốn bác sĩ, y tá đã về hưu, như bà Becky, quay lại góp sức chống dịch. Sana chỉ thoáng nghĩ bà Becky đã gần 70 tuổi, ông John thì trên 70, thuộc nhóm rủi ro, không hiểu họ sẽ ứng phó thế nào? Người đi làm vào bệnh viện là nơi dễ lây nhiễm thì người kia phải sống cách ly cho an toàn? Ừ, nhưng nếu ông bà phải cách ly trong nhà thì thật dễ, vì tầng trên quán có bốn phòng ngủ.

Mới chỉ có bốn tuần phong tỏa và thực hiện lệnh Ở Nhà (Stay Home) mà Sana có cảm giác cuộc sống một cơn mơ lặp lại, hệt như phim Groundhog Day với Bill Murray vào vai một người đàn ông hàng sáng bật dậy lại phải sống qua ngày hôm trước. Ông ta cố thay đổi để chạy trốn khỏi không gian- thời gian đóng kín đó mà không được. Ở đây, cuộc sống của Sana cũng thế, cảm giác ngày tháng, thời gian biến đổi lạ thường, trở nên đều đều như dòng nước chảy. Cha mẹ cô đặt mua thực phẩm qua mạng, nên hàng tuần cả nhà ngóng chiếc xe tải của hãng Tesco xịch tới cửa. Hai thùng các-tông đầy rau quả, thịt gà, bánh mì được người lái xe bê đến để ở cửa. Mẹ vui mừng ra đếm từng quả táo, mớ hành. Sau giờ ăn tối thì cha mẹ đi dạo, dùng hết tiêu chuẩn 'ra ngoài' của chính phủ là một ngày một lần, không quá 60 phút. Sana thì thích ra vườn hơn là đi dạo qua các lối vắng trong làng. Cô lấy giấy bút ra vẽ rồi nghe nhạc, chán lại vào nhà đọc báo trên iPad, rồi bật phim lên xem.

Mẹ gọi cô đi siêu thị. Cả hai mẹ con xếp hàng đúng vạch “giãn cách hai mét”, và đẩy xe vào theo lối được vạch sẵn, chỉ có một chiều đi tới, qua các dãy hàng, lấy đồ bỏ vào xe rồ̉i đi thẳng ra quầy trả tiền. Qua hàng thịt Sana thấy người ta bán nhiều gói màu trắng có dòng chữ 'Phổi để ghép cho bệnh nhân Covid-19'. Cô tái mặt sợ hãi nhưng mẹ cười bình thản, “Đến lúc ai cũng phải thay phổi hết”, và chỉ cho Sana thấy quầy bên cạnh là tim gan người bày ra bán cho bệnh nhân ghép nội tạng. Sana hét lên, vùng chạy khỏi siêu thị mà chân cứ không nhúc nhích. Cô toát mồ hôi, vùng dậy và thấy mình đang nằm trên ghế sofa, trên màn hình Netflix phim 'Bệnh truyền nhiễm' (Contagion) đang ở chế độ dừng.

Một bữa tối, mẹ nói bà Becky vừa nhắn là ông John phải vào viện vì sốt và khó thở. Người ta đang lấy mẫu để xét nghiệm xem ông có bị mắc virus corona không.

Bố hỏi: “Vậy là John bị mắc khi trên máy bay từ Tây Ban Nha về, hay do Becky quay lại làm trong bệnh viện đem virus về nhà?”. Mẹ nói: “Việc đó cũng không tiện hỏi Becky, và đằng nào cũng thế, virus rồi sẽ lan ra khắp cả nước.”

Bố nhăn mặt: “Bệnh viện đang thiếu đồ bảo hộ, người Anh không chịu đem khẩu trang, đồ dùng y tế thiếu, thật chẳng ra sao.”

Sana thấy lạnh cả lưng, lên phòng ngồi. Cô không muốn vẽ gì nữa, cũng không muốn đọc sách. Nước Anh đã đổi sang giờ mùa hè sau 8 giờ tối vẫn còn nắng. Sana mở rộng thêm cửa sổ nhìn ra vườn, trời xuân tiếp tục thổi hơi ấm cho cây lá lên xanh tươi như chưa từng có dịp được đua nở. Cây anh đào giống Morello bố và anh trồng năm nào đã lại ra hoa trắng. Không biết đến khi hoa thành trái tím đỏ thì mọi việc có trở lại bình thường không?

Hơn một tuần sau khi vào viện thì ông John qua đời. Không hiểu sao khi nghe mẹ nói lại tin đó Sana không thấy có cảm giác đau đớn, hụt hẫng. Cái chết của ông như đã được tính sẵn vào con số hàng nghìn người cao niên ở Anh. Cô đã có linh cảm như thế hôm đến quán lần cuối mà không gặp ông. Mẹ nói đám ma ông John cũng đã xong, con ông bà ông về dự được. Họ có muốn về cũng chẳng có chuyến bay. Cả thế giới đã ngưng kết nối hàng không. Chuyện như thế xảy ra khắp mọi nơi khiến người ta nghe lần đầu thì thấy choáng, nhưng sau một hai lần thì bình thường. Sự bình thường trong thời bất thường. Người ta chết mà không có cáo phó trên báo, vì báo không còn in ra. Không có cả lễ thông báo dán ở cửa nhà thờ, ở đền chùa, vì những mọi cơ sở tôn giáo đã tạm đóng cửa.

***

Trời nước Anh không hề âm u mà còn lung linh nắng đẹp đã hơn một tháng nay. Có lúc ngồi ngoài vườn nhìn hoa nở mà Sana như thấy thế giới thực và trong mộng xóa nhòa ranh giới. Thiên nhiên hiền lành, độc địa hay vô cảm? Cô đang mơ hay đang suy nghĩ? Một ngọn gió thoảng qua kéo theo tiếng chim kêu hiu quạnh trên mái nhà. Thiên nhiên có vẻ đã quyết định sống theo lối riêng, mặc kệ con người. Nhân loại thì vẫn cứ phải đi về phía trước, một tương lai chưa có tên. Có đoàn người hành quân trên cây cầu vắt cao qua vực. Trong một nháy mắt ai đó rớt xuống, hoặc bị ác điểu bắt đi, không một tiếng kêu, tiếng động, và dòng người cứ lầm lũi đi tiếp, không một tiếng khóc than. Sana bừng mở mắt, bật lại đoạn nhạc trong YouTube Music App bị ngắt bởi clip quảng cáo tập thể dục tại nhà.

Tối hôm qua, bố mẹ lên căn phòng đặt bàn thờ Thánh Nanak Dev Ji, đọc kinh Bhana Mannana cho ông John. Họ cứ làm không nói cho bà Becky biết. Bài kinh dạy loài người biết chấp nhận ý chí của Đấng Sáng thế, đừng đổ lỗi cho chính mình về những khổ đau trên đời này. Người Sikh tin vào Thượng đế là cội nguồn của vũ trụ có sinh có diệt, và là chốn trở về của mọi sinh linh khi cuộc đời họ chấm dứt trên Trái Đất. Sana không muốn đọc báo mạng nữa. Tin tức ngày nào đều đều là những con số tử vong. Đặc biệt, số người già trong viện dưỡng lão ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hungary đều cao. Họ chết có ý nghĩa gì không ngoài sự ra đi trong thầm lặng?

Sau cái chết của ông John, Sana muốn làm một cái gì đó mà chưa biết. Cô mở lại các trang về triết học Phương Đông đọc thêm. Cái nhìn sự chết, bão tố, dịch bệnh của Phương Tây và Phương Đông thật khác nhau. Một đằng coi thế giới đi theo một tuyến đường không dừng về phía trước. Sinh tử cũng phải có tiến bộ, và nếu có sự cố xảy ra người ta sẽ vượt qua, đi tiếp. Điểm đến hoặc là Thiên đàng, hoặc là Địa ngục, nhưng luôn là điểm tận cùng. Một đằng coi vũ trụ và thế giới trôi qua các chu kỳ, có thời đại Vàng, Bạc, Kim cương, có thời là Lửa, là Bóng tối. Tất cả phải trôi qua đủ các nhịp thăng trầm rồi về điểm cuối cũng là điểm khởi đầu cho vòng quay mới. Sana lờ mờ hiểu cơn dịch bệnh này không chỉ là chuyện của dịch tễ, của số người chết ngày một tăng, mà là cái gì đó to lớn hơn.

Tin bà Becky bị mắc virus không làm cho ai trong nhà Sana ngạc nhiên nữa, chỉ lo cho sức khoẻ và tính mạng của bà. Số y tá, bác sĩ trong các bệnh viện Anh bị nhiễm bệnh và chết ngày càng tăng. Buổi tối hôm đó, cha mẹ Sana lại lên phòng cầu nguyện cho bà Becky. Mẹ nói đến khi nào bà được ra viện và cách ly tại nhà thì sẽ tìm cách đến thăm, đứng cách xa vẫy chào.

Ngày đó đã đến. Gió to hơn mọi khi và trời se lạnh. Cây cối đã thay áo xuân xanh giờ đến ngày thả phấn hoa, phủ trắng con đường ven sông Darenth. Hai mẹ con đi bộ, coi như lấy hết thời gian đi dạo được phép đi từ nhà tới quán rượu. Dọc đường chỉ thấy đúng một chiếc ambulance chạy không bật đèn. Hy vọng trên xe chỉ có nhóm cứu thương di chuyển giờ nghỉ trưa, không ai phải cấp cứu. Lối vào quán vẫn đóng như từ ngày bắt đầu đợt phong tỏa nhưng lối rẽ ra phía sau căn nhà vẫn mở. Hai mẹ con đi vào đó, đứng cách nhà vài mét rồi nhắn tin. Bà Becky kéo rèm, mở cửa sổ vẫy tay. Người bà hom hem hẳn đi so với trước, mắt buồn sâu, thâm quầng. Bà cảm ơn mẹ con Sana đến hỏi thăm, kể chuyện đám tang ông John chỉ có mình bà và vị mục sư. Bà khóc. Mẹ Sana lặng lẽ kéo đuôi khăn quàng cổ chấm khóe mắt. Sana ngoảnh mặt nhìn ra sông, cố nén cơn sóng xót xa trào lên bên trong. Nước sông đón ánh nắng biến thành một tấm gương khổng lồ, hắt sáng lên khu vườn, căn bếp và quán rượu. Cả tòa nhà tưởng chừng đã trôi sang một thế giới khác. Ngày dịch bệnh qua đi, hẳn một mình bà Becky không gánh vác nổi việc kinh doanh, quán rượu sẽ phải sang tên. Mà thiếu ông John, quán có còn đó cũng tắt hết sinh khí. Ánh nắng đẩy bóng của mẹ con Sana lại ôm lấy bà Becky trong khung cửa. Họ như hòa vào nhau trên màu tường đã trắng lại còn trắng hơn, bất chấp lệnh cách ly. Cảnh vật mênh mang, hoang vắng. Trong vườn, hoa vẫn trắng, những khóm nho đã nhú lá xanh non nhưng không còn ai chờ chúng ra trái để nấu thành rượu nồng.

   Kent, England
Tháng 4 mùa hoa trắng 2020 



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ Luân Đôn (Anh Quốc) .