Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
ảnh Phạm Anh Dũng









CHUYẾN XE NGỰA TRONG SƯƠNG MÙ




  T rưa nay, khi xe về bến, cái hướng đầu tiên Thư tìm không phải là căn nhà quen thuộc của chị mình mà là căn nhà cổ, rêu phong của cha mẹ Thoa. Thư đi xe ôm đến, chàng dừng lại khi còn cách nhà vài trăm mét, thả bộ ngang qua căn nhà quen thuộc ấy, với hy vọng được nhìn thấy Thoa đâu đó, Nhưng khi đến trước nhà, Thư quày quả đi một cách vội vàng như sợ phải gặp Thoa. Thư ra phố, tìm đến vài người bạn cũ. Mấy tiếng đồng hồ với đám bạn “mừng gặp gỡ !”, rồi “ chúc sức khoẻ !“, thế là Thư “tan hoang”…

Thư về đến bờ hồ, dêm hình như đã muộn. Còn vài chiếc xe ngựa chờ khách ngay góc cầu đen. Những người xà ích tập trung quanh đồng lửa nhỏ thơm nức mùi nhựa thông mặc những con ngựa phơi mình trong sương, thỉnh thoảng phát ra tiếng phì phè, lắc cái bờm ướt loang loáng dưới ánh đèn vàng quạch. Thư men đến chỗ người xà ích dang bắt đầu động tác tháo càng xe, thả ngựa :

- Tính nghỉ hả ông anh ?

- Ừ ! Lạnh lẽo và muộn màng thế này thì còn gì nữa mà chờ ? Về chui vào nách vợ cho khoẻ.

- Cũng phải, nhưng nếu có thể anh cho tôi đi một hồi !

- Một tour là một trăm ngàn, ông muốn thì tôi chiều. Làm ăn ế ẩm, gặp được khách thì hơi đâu mà tính chuyện nghỉ ngơi.

Thư dồn hết số tiền còn lại trong túi quần, túi áo, đếm từng tờ thật kỹ, rồi nói :

- Không phải tôi muốn trả anh ít tiền đâu nhưng thực sự là tôi đã hết tiền. Tôi giao cho anh sáu chục nhé ! Anh cho tôi đi cho hết sáu chục ngàn rồi trả tôi về chỗ này để tôi đi về, được không ?

- Hết tiền thì thôi, hôm nào có thì đi đâu muộn ! Mỗi vòng một trăm ngàn là giá công ty đưa ra chứ đâu phải giá của tụi tôi.

- Thì anh cho tôi đi nửa vòng cũng được, có sao đâu ?

Dường như thấy người khách khác thường lại có mùi rượu, người xà ích nhảy lên xe bung tấm bạt mái che , kéo tay Thư lên xe :

- Nào, ông lên xe đi, tôi “chơi lún” với ông luôn !

Hướng về nhóm bạn nghề đang ngồi bên đống lửa, người xà ích la to :

- Anh nói dùm tụi nó là tôi về trước nghe anh Tám !

Xe ngựa bây giờ được thiết kế kiểu xe cổ : sườn dài, hai trục ngang và có bốn bánh xe, hai hàng ghế ngồi vừa nhìn phía trước vừa trông ngược về phía sau, quả là quá rộng đối với Thư. Thư chợt có sáng kiến không ngồi nữa, chàng nằm hẳn xuống băng ghế sau, đầu gối lên chỗ để tay, nhắm mắt nghe từng tiếng vó ngựa. Trước dây, Thư đã đi xe ngựa nhiều lần, tiếng vó ngựa trở nên quá quen thuộc với chàng, nhưng lần này, Thư nghe tiếng ấy có một âm hưởng khác. Chân ngựa chạm đường nhựa, truyền qua thân xe, rung vào cơ thể Thư, mạnh hơn tiếng lóc cóc dội vào tai Thư. Đó là một loại âm thanh đùng đục, tưng tức của móng sắt và nhựa cứng nên không còn cái hoà âm của chân ngựa và đường đất, đồi cỏ như trước đây Thư đã từng nghe và nhớ. “ Ngựa phi đường nhựa “ ! Thư chợt nảy ra suy nghĩ này giống như đám bạn gọi Thư là “ dân cày đường nhựa “, nghe có cái gì mỉa mai và tội nghiệp. Vẫn nhắm nghiền mắt, Thư nói với người xà ích :

- Anh gì ơi ! Chạy tà tà một tí được không ? Cho ngựa khỏi mệt anh ạ ! Với lại đi chậm đỡ bị xóc, Làm ơn mà…

Người xà ích ghì cương, xe chậm lại :

- Cha nội ! Ở thành phố không ngủ được hay sao mà lên đây leo lên xe ngựa ngủ vậy cha ?

- Sức mấy mà ngủ anh ơi ! Tôi nhắm mắt để đó, nghe tiếng vó ngựa đấy chứ ! Anh tưởng tôi là người thành phố thật hả ?

- Không lẽ ông là người ở đây ? Tụi tôi nghe tiếng vó ngựa suốt ngày, suốt tháng, muốn nổi khùng luôn…

- Bây giờ bất đắc dĩ anh phải làm công việc này, nhưng nếu vì một lý do gì đó anh không còn làm nữa, anh sẽ thấy nhớ tiếng lóc cóc chết luôn, biết không ?

- Ờ cũng có thể lắm chứ. Tôi làm nghề này đã hai mươi năm nay rồi, từ lúc mỗi thằng nghĩ ra một kiểu xe, bắt đầu bằng những con ngựa cỏ, rồi về thành phố mua ngựa đua bị thải ra, con thì cho cưỡi chụp hình, con thì kéo xe, con thì để dành làm giống cho đến bây giờ . Cực gì thì cực chứ nếu biểu tôi bỏ cái nghề này, chắc “ chết “ quá !

- Vậy là anh hiểu được phần nào nguyên nhân tôi đi xe ngựa với anh rồi đó !

- Không lẽ ngày trước ông cũng chạy xe ngựa à, cha nội ?

- Tôi không làm đồng nghiệp của anh bao giờ, nhưng đã quen tiếng xe ngựa từ lâu rồi, anh biết không ?

Bỗng người xà ích dừng xe lại, thả lỏng dây cương, nhảy ra phía sau, ngồi đối diện với Thư, trên tay đã có chai rượu vừa móc đâu dưới gầm ghế ngồi , kéo Thư ngồi dậy , giọng có vẻ vui :

- Này , dậy đi ! hai thằng mình làm một ly cho nó sướng cái đã !

Thư chừng như tỉnh hẳn. Xe vừa chạy chưa đến một cây số, bên trái Thư là những cây thông cổ thụ dang reo nhẹ trong gió, bên phải là mặt hồ loang loáng ánh đèn đường trong màn sương đục. Những căn nhà bên kia hồ còn hắt tí ánh đèn vàng vọt tù mù, trông chập chờn, lạnh lẽo …

**

Làm một hơi cạn ly rượu nhỏ, Thư đánh “khà “ một tiếng, người xà ích vỗ vai anh :

- Ông thấy rượu có ngon không ?

- Đúng là “ hơi bị ngon” ! Không ngờ ông anh lại có thứ hàng “ độc” này.

- Rượu thuốc của ông già vợ tôi đó cha nội !

- Vậy anh “ chôm “ của ông cụ à ?

- Chôm “ là chôm thế nào ! Ông già được bà già hốt mấy thang thuốc đại bổ để cụ bồi dưỡng tuổi già, ngâm mười lít rượu, cụ chưa uống giọt nào đã vội quy tiên nên tôi được hưởng cái thừa của cụ đấy chứ. - Vậy mà anh đem ra mời tôi, có phải đây là loại “ông uống bà khen “ để anh phòng thân khi về với bà xã phải không ?

- Phòng gì thì phòng chứ không lẽ uống rượu một mình ! Sẵn gặp ông bạn hay hay, tôi khoái, đem ra hai thằng cùng uống cho vui chứ quý báu gì !

Muốn tìm hiểu thêm con người mời rượu mình, Thư gợi chuyện :

- Ông anh làm cái nghề này vất vả nhỉ ? Trước kia anh làm gì ?

- Tôi cầm cương từ năm mười bốn tuổi, công việc này nhàn hơn cuốc đất, gánh hàng. Vả lại hay ra chợ, được quen biết và kết giao nhiều bạn bè đủ loại, cũng đã lắm! Tụi tôi nghĩ ra trò xe ngựa du lịch từ lúc cái xứ này phát triển du lịch, có một số du khách họ muốn đi xe ngựa. Kể cũng lạ, đi máy bay, xe hơi mãi, chán, nên họ muốn lọc cọc trên xe ngựa ! Ban đầu tụi tôi cứ để nguyên cái thùng xe chở hàng, cho khách ngồi đối diện nhau trên hai băng gỗ, chạy cùng thành phố , các điểm tham quan. Có khi lên dốc, cả khách lẫn nài cùng ì ạch đẩy xe, vui đáo để và cũng kiếm được ối tiền…

- Đóng một chiếc xe như thế này có tốn nhiêù tiền lắm không anh ?

- Ban đầu, từ thùng xe tải chuyển sang thùng xe du lịch là do sáng kiến của ông Tám già, cái thùng xe như xe xích lô, chỉ chở hai người thôi. Thùng xe nhỏ, nhẹ nhàng, tốn vài chỉ vàng chứ mấy, ngựa kéo lên đồi xuống dốc cứ là vô tư, khách ra bến trễ không có xe đi, phải ngồi đợi, kiếm tiền khoẻ re, làm ăn sướng lắm…

- Bây giờ coi bài bản và sang trọng hơn, phải không ?

- Bây giờ là công ty cổ phần du lịch. Vốn góp của tôi là một con người và một con ngựa. Vốn của công ty là cái thùng xe bè bè nàỳ. Người ta gọi là xe ngựa cổ, chỉ tội nghiệp cho lũ ngựa, kéo cái xe không đã nặng bỏ mẹ rồi. Vốn của công ty còn có các vị quản lý ngồi trong căn nhà đầu bến đó, ông thấy không ? Hồi nãy, khi tôi lôi ông lên xe là đi bừa chứ thực ra tôi phải báo cho họ nội dung lộ trình, số tiền v.v… và v.v…

- Để có một nét thơ cho xứ này quả tình phải chịu nhiều điều phức tạp anh nhỉ ?

- Tôi gặp nhiều người đã từng ở thành phố này trước đây, họ cứ nhớ lại những hình ảnh, âm thanh của chiếc xe ngựa trong quá khứ mà tìm đến với chúng tôi, còn một số thì thích hình ảnh lạ cho cái album ảnh du lịch của mình. Còn ông ? Tự nhiên đòi nhảy lên, đi sáu chục ngàn xe ngựa ? Nghe cha nội nói, tôi nghĩ đến chuyện mua bán thường ngày, bán cho tôi ba chục ngàn gạo, mười ngàn rượu… bây giờ lại có “ sáu chục ngàn xe ngựa “ !

- Nói thực với anh, tôi nhiều tiền lắm đó. Nhưng khi gặp anh tôi đã chi gần hết rồi, nên phải đếm tiền trước khi chơi là vậy.

Thư buông ly rượu, nói lục khục trong miệng những gì không nghe rõ. Tại sao đi xe ngựa ? Tại sao đi xe ngựa ư ? Người xà ích xoay người ra phía trước, cầm dây cương giật, chiếc xe lại lăn bánh.

Thư không say, chàng nhận biết điều ấy. Bao nhiêu điều ẩn chứa trong lòng như có dịp thoát ra cho người bạn rượu, cho cây cỏ, cho sương khói và cho chính mình. Tại sao tôi lại mua” sáu chục ngàn xe ngựa “ ? Những ngọn đồi này, bờ hồ này không nằm trong lộ trình hằng ngày của những người mới lớn, nhưng nó là một chi tiết thường xuyên, bàng bạc, lãng đãng với Thư, với Thoa. Kéo dài thời gian về nhà mỗi chiều thêm ra mấy mươi phút nữa, tha thẩn dưới những cây thông ven hồ, hay nằm trên đồi xanh ngửa mặt nhìn trời , nghe tiếng vó ngựa dội vào tim qua tiếng rung của đất. Bao nhiêu lần như thế, thiên nhiên đã dọn sẵn ra cho Thư và Thoa, hai người cứ thế mà uống dần, không vội vàng, không tham lam, phàm tục. Làm sao không tìm đến không gian ấy mỗi lần tìm về, khi Thư đã từng nằm chờ bạn, ngủ quên dưới gốc thông. Mở mắt dậy, nghe tiếng vó ngựa, chàng đã xúc động đến bần thần, toát mồ hôi như vừa qua cơn sốt ! Làm sao không nhớ tiếng xe ngựa, khi trong đời Thư đã có một chuyến xe ngựa hai chỗ ngồi, quanh hồ, trời mưa, tấm bạt che kín, tạo thành cái không gian riêng của hai người. Mưa ! Tiếng nhạc ngựa ! và mùi thơm thiếu nữ., Lần ấy, Thư đã hôn Thoa …

**

Từ ngày mẹ mất theo cha, Thư gần như ở hẳn cùng vợ chồng chị Trâm. Căn nhà nhỏ và khu vườn ở thành phố biển, anh Long của Thư đã bán để xây dựng một cơ ngơi khang trang ở Sài Gòn. Căn nhà anh Long bề thế đủ để làm một văn phòng công ty của anh và để cho cả một gia đình lớn sinh hoạt. Có phần Thư trong căn nhà ấy – anh Long bảo thế, nhưng Thư chưa bao giờ bận tâm về chuyện này. Thư đã ở với anh Long mình hơn tháng khi về Sàigòn học đại học. Suốt mấy năm đi học, Thư thuê nhà ở cùng bạn bè. Thư đi dạy, đi làm để sống cùng với sự tài trợ chính của chị Trâm. Địa chỉ chị Trâm như một chỗ để đi về vì thiên nhiên của thành phố cao nguyên làm cho Thư ưa thích đã đành, nhưng hơn tất cả là tấm lòng của chị. Chị Trâm trước sau vẫn xem Thư như một đứa em út mồ côi, mồ cút. Chị lo lắng và thương yêu Thư cả bằng tấm lòng của người mẹ, ưu ái chiều chuộng Thư không điều kiện, đôi lúc chỉ biết phiền trách em bằng những giọt nước mắt của mình…Cho đến ngày Thư quen và yêu Thoa, thành phố này lại thêm một chi tiết để gắn bó và nhớ nhung.

Biết Thoa từ năm cuối cấp ba, tỏ tình sau khi vào đại học, đến khi Thoa tốt nghiệp đại học sau Thư hai năm thì cuộc tình đổ vỡ. Chuyện hai đứa, chị Trâm biết từng chân tơ kẽ tóc. Chị Trâm thân thiết và quý mến Thoa như đứa em ruột thịt. Chị sung sướng khi thấy Thư và Thoa gắn bó hạnh phúc, và buồn phiền khi thấy hai đứa chia tay nhau nhất là thời gian Thư thất tình một cách đau đớn, điên cuồng…Lúc Thư vào được một công ty nước ngoài làm việc, Chị Trâm đã xúi Thư lấy vợ, dĩ nhiên là cưới Thoa, Thư vẫn ỡm ờ: ” Thì từ từ đã chị ơi ! hai đứa cùng trẻ con mà vợ chồng gì…”

Rồi Thư bỏ không làm việc với công ty nước ngoài nữa, cùng đám bạn thành lập một công ty Du lịch sinh thái dã ngoại ngay tại cao nguyên. Rồi… “khách ta không chơi, khách tây không đến”, Thư bỏ công ty lại cho những người bạn với cả phần vốn nhỏ nhoi của mình về Sàigòn tìm cơ hội, cùng cực có lúc đã phải trở lại nghề gia sư. Thoa lấy chồng đúng vào lúc Thư đang bế tắc này, một cái buồn tình cộng chung với những buồn đời làm cho Thư chán ngán mọi chuyện, may mà còn chị Trâm. Thư vẫn lui về cao nguyên với chị mình, nhưng tránh không bao giờ gặp Thoa kể cả lúc Thoa vô tình đến nhà chị Trâm. Thư không trách Thoa, nhưng buồn lắm ! Có lẽ vì Thư vẫn còn yêu Thoa, không quên được Thoa nhất là những lúc nhìn những cây, những hoa của thành phố cao nguyên. Những rừng thông, đồi cỏ, bờ hồ cứ nhắc nhở Thư, nhiều lúc Thư còn chiêm bao thấy lại cảnh một thời hai đứa với nhau…

**

- Hôm nay chị Trâm điệu quá nhỉ ù, sáng ra đã có hoa hồng rồi, em cám ơn chị nhé ! Những bông hồng nhung đẹp quá chị ạ !

- Cậu khỏi cám ơn tôi, của Thoa đó !

- Ủa, Thoa đến hả chị ?

਍ - Nó đến từ sớm, ra phố trở ve,à thấy cậu vẫn còn mê man, không cho tôi gọi, cắm hoa vào lọ, đứng nhìn thằng say một chặp, rồi về…

- Trời ơi ! Sao chị không gọi dùm em dậy, chị thiệt tình…

- Gọi cậu dậy rồi cậu gặp nó thì làm sao ? Không phải lâu nay cậu luôn tránh mặt nó cơ mà !

Nghĩ đến Thoa, Thư thở dài, lẩm bẩm :

- Đến nhà thấy người ta say rượu lại mua bông hồng, ý muốn cho em buồn chết đây mà… Chị Trâm đứng dậy, bước đi còn dặn lại :

- Dậy tắm rửa tử tế được rồi đấy, chín giờ rồi đó cậu ! Tặng nhau hồng nhung là chúc nhau cho chết sớm à ? Cái này chị mới nghe lần đầu đó nghe !

Tuy nghe lời chị Trâm bảo ngồi dậy, nhưng Thư lại tiếp tục nằm yên, nhắm mắt lại và hình ảnh Thoa hiện đến... Lấy chồng với một nỗi buồn, sau mấy năm không con là lý do Thoa không tìm được hạnh phúc, rồi gãy gánh… Đó là chuyện hợp tan bình thường trong cuộc đời này, nhưng đối với Thư, Thoa như một chi tiết cũ của Đà Lạt, không muốn nhớ đến nhưng nó luôn luôn hiện hữu trong anh như một nỗi ám ảnh không rời, nhất là những khi Thu nhìn thấy lại Đà Lạt ! Đồi thông, hồ nước và những chuyến xe ngựan như chiều qua… Ôi Đà Lạt ! Đà Lạt còn những chuyến xe ngựa trong sương mù, trong sương – mù – ký - ức nữa, làm sao quên !



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả từ ĐàLạt đã chuyển khi còn sinh tiền .