ĐƯỜNG CÁI QUAN
TRÊN ĐẤT BÌNH THUẬN
L ịch sử con đường thiên lý nối từ Bắc vào Nam, đi ngang qua đất Bình Thuận từ buổi đầu hình thành vẫn còn là những điều thật kỳ thú đối với thế hệ sau này. Qua các thời kỳ có nhiều tên gọi khác nhau, đường quan lộ, đường hạ đạo, đường quan báo, đường cái quan… có vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển, mở mang đất nước từ giữa thế kỷ 11 thời Lê Thái Tông. Trên lãnh thổ Bình Thuận, phải liên hệ từ giữa thế kỷ 17, người Chăm đã biết mở đường mòn sử dụng voi làm phương tiện vận chuyển trong khai thác tài nguyên vùng rừng và biển miền Trung. Đến cuối thế kỷ 17, đạo quân chúa Nguyễn Hữu Cảnh mới mở tuyến đường vào phía Nam nhưng mãi đến năm 1809 đường cái quan mới lần lượt mở ra từ các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào phần đất Bình Thuận. Khởi điểm từ sông Ma Nương (sông Dinh- Phan Rang) rồi dọc theo vùng cát ven biển đến sông Long Vỉnh (Duồng), sông Pa Rik (Phan Rí Cửa) thẳng đến sông Ba Giai (Phố Hài)… Lúc này, qua sông Phan Thiết (Mường Mán/ Cà Ty) có chiếc cầu gỗ dài 41 trượng, tên Thắng Kiều nằm ở thôn Đức Thắng.
Nhiều người nhầm lẫn, con đường cái quan bắc nam cứ tiến dần từ Phan Thiết nối thẳng với Biên Hòa- Sài Gòn theo tuyến đường thuộc địa số 1 (Quốc lộ 1A hiện nay). Thật ra trong điều kiện và địa hình mở đường ở Bình Thuận chỉ dựa theo bờ biển gọi là tiểu lộ. Tuy phát triển sau đường thủy cặp theo bờ biển dài, hệ thống sông ngòi thì từ giữa thế kỷ 18, nhà Nguyễn bắt đầu tập trung mở các con đường bộ vùng Nam bộ và Biên Hòa- Sài Gòn, mở rộng về hướng biển là Long Thành, Mô Xoài (Bà Rịa) rồi men theo bờ biển ngược ra Phan Thiết, đi qua Long Điền, Đất Đỏ, Phước Bửu (Xuyên Mộc) rồi sang địa phận huyện Tuy Lý (Hàm Tân -Bình Thuận) tạo nên tuyến dọc biển từ phía nam đến tận kinh đô Huế. Tuyến sơn lộ cũng có nhưng do địa thế núi rừng nên gặp nhiều khó khăn, hiễm trở, thú dữ nên không phù hợp với vai trò con đường quan lộ. Cũng có một số tuyến rẽ lên các miệt sơn động, xứ Mán (vùng cao) giáp với vùng núi Thuần Mẫu, Giao Loan (địa đầu Biên Hòa). Điều này còn khẳng định thêm, theo sớ xin khai khẩn đồn điền, vùng thượng du Bình Thuận dưới thời Tự Đức thứ 30 (1877) do bố chánh sứ Trương Gia Hội và doanh điền sứ Nguyễn Thông đi lược khám, nghĩ đến con đường vận chuyển về tỉnh không có sơn lộ mà phải trổ ra hướng biến, đã tâu trình: “từ thôn Tánh Linh đến cửa tấn La Di, Hàm Tân xe chạy 4 đêm (xe trâu bò đi tính bằng đêm) vốn có đường xe của người Việt người Man (Thượng), nếu nhân đó sửa chữa thêm thì phí tổn ít mà công gấp đôi, mỗi bên đều 50 người từ Diên Khê (khoảng thượng nguồn Sông Giêng) trở lên đến thôn Tánh Linh, phu người Man phải 20 ngày… từ Diên Khê trở xuống đến Hàm Tân, phu người Việt phải làm 20 ngày…”.
Đường quan lộ thường đắp nền bằng đất sỏi, theo lối mòn… đồng thời lập ra các dịch trạm có khoảng 20- 30 phu trạm canh phòng, vận chuyển công văn, giấy tờ giữ kỹ trong ống tre và đồ đạc đóng kiện thì dùng ngựa, xe trâu bò, khuân vác. Với quan triều đình trên đường công cán được phu trạm khiêng bằng võng, kiệu theo cung đường thuộc địa phận. Toàn tuyến ở Bình Thuận rải đều 12 trạm, mỗi trạm cách nhau trên dưới 12 km. Theo cách đặt tên trạm ở Bình Thuận là lấy một từ của địa danh Bình Thuận là Thuận đứng đầu như Thuận Hảo (Tuy Phong), Thuận Lý (Phan Thiết- trước đó là Thuận Nguyên), Thuận Phước, Thuận Phương, Thuận Biên (Xuyên Mộc)- sau này thuộc tỉnh Biên Hòa, đổi tên Mộc Xuyên. Tương tự ở nhiều nơi cũng lấy một từ trước hoặc sau của địa danh tỉnh để đặt tên trạm như các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Biên Hòa, Gia Định… Các dịch trạm thường đóng bên cạnh các cửa tấn (đồn binh trấn thủ), có lực lượng phu trạm túc trực, có cờ hiệu hỏa tốc khi cần. Tại đây lâu dần trở thành những điểm tập trung lưu dân đầu tiên rồi hình thành xóm làng, vì vừa thuận lợi đường lưu thông, cửa sông, bến đỗ ghe xuồng… Thời Gia Long rất coi trọng con đường cái quan là huyết mạch và quan tâm tu bổ, đã ra dụ: “… truyền lệnh cho các quan địa phương xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4-5 thước trở lên, đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu thành trũng sâu, thì đá lấp đầy hoặc xây thành bậc, cho được bằng phẳng, rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo…” (theo Sài Gòn, đất và người- Nguyễn Thành Lợi). Cũng từ mục đích công dụng ban đầu của triều đình khi mở ra con đường thiên lý này đã gieo vào tư tưởng người dân, đó chỉ dành cho thành phần quan lại đặc quyền, kiêng nể nên mới có tên đường cái quan (đường lớn) và một số cây cầu bắc qua sông trên con đường ấy cũng phải là cầu của quan đi - cầu “quan” là vậy, nhưng do cách phát âm đã biến “quan” thành “quang” như thường gặp.