Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CHO TƯƠNG LAI BẮT GẶP
THƠ NGUYỄN ĐÔNG GIANG






CHO TƯƠNG LAI BẮT GẶP

Ngày nào đó cuộc tương tàn chấm dứt
Làng hoang vu người trở lại dựng nhà
Tôi mặc áo nâu trở về làm ruộng
Tôi trở về làm lại kiếp người ta

Ngày nào đó không còn nghe tiếng súng
Tôi trở về thay vợ giữ con
Nắm hạnh phúc trong bàn tay còn lại
Chan yêu thương cho tất cả tâm hồn

Ngày nào đó hương thơm từng nấm mộ
Tôi bùi ngùi dẫy cỏ nhớ thương
Người đã chết xin muôn đời hãy sống
Trong lòng người trong lòng đất quê hương

Ngày nào đó em thôi chạy giặc
Mẹ hết già trong nỗi âu lo
Em đi chợ nhớ mua bông bí nụ
Mẹ chải đầu nhớ từng sợi tóc thơm tho

Ngày nào đó lũ chim về lót ổ
Trong vườn cây đầy trái ngọt xanh tươi
Tôi hôn khẻ lên bàn tay còn lại
Bâng khuâng nghe như có giọng ai cười


T rước khi đi sâu bình luận bài thơ này xin các bạn đừng hiểu nhầm tác giả bài thơ là một đảng viên cộng sản thuộc lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Đã mấy chục năm rồi đến với thi ca, tôi chưa hề bắt gặp một bài thơ nào của các nhà thơ miền Bắc viết với tất cả tính nhân văn và khát vọng cháy bỏng như thế phía sau cuộc chiến. Chỉ là những bài thơ hô hào, những bài thơ tuyên truyền “ Đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật. Ra trận đi vào đạn bom chết chóc mà đẹp thì quả là viết lấy được. Như nhà thơ Nguyễn Khôi đánh giá chỉ là những vần thơ “lừa mị lũ trai làng”. Khi trở về sau cuộc chiến tất cả những gì đều không như mình ước mơ và khát vọng chiến đấu cho một đất nước bình yên, Phạm Tiến Duật mới cảm nhận được sâu sắc những vòng khăn tang trên đầu những đứa con , người vợ liệt sỹ có hình tròn của những con số không thì ông đã không kịp nữa rồi…

Rất nhiều những nhà thơ đã tô hồng cuộc chiến mà không thấy ai viết về khát vọng rất đời thường như nhà thơ Nguyễn Đông Giang một sỹ quan tốt nghiệp trường võ bị Quốc gia Đà Lạt của quân lực Việt Nam cọng hòa. Đọc bài thơ này và những bài thơ khác của ông hay nghe những ca khúc như “Xuân này con không về”… ta mới thấy được bộ máy tuyên truyền trước đây bảo họ là những người sống không có mục đích, không có lí tưởng chỉ là những điều vu khống .

Bài thơ CHO TƯƠNG LAI BẮT GẶP của Nguyễn Đông Giang được sáng tác vào năm 1972. Năm mà cuộc chiến tranh tàn khốc nhất càng khẳng định được điều đó. Sau cuộc chiến ông chỉ muốn mình trở lại là chính mình, là người ta. Vâng NGƯỜI TA ở đây phải hiểu đó là con người mà tạo hóa tạo dựng từ trong cát bụi. Vâng một con người với đầy đủ ý nghĩa nhất về hai tiếng: CON NGƯỜI :

“Ngày nào đó cuộc tương tàn chấm dứt
Làng hoang vu người trở lại dựng nhà
Tôi mặc áo nâu trở về làm ruộng
Tôi trở về làm lại kiếp người ta”

Dù đang trong đạn bom tàn khốc nhất người sỹ quan quân lực cọng hòa ấy đã có một niềm tin cuộc chiến tranh đẫm máu này nhất định sẽ chấm dứt và ông được trở về để dựng xây quê hương yêu dấu của mình. Ông muốn được là chính mình như ông đã từng như thế . Được cởi bỏ bộ quân phục nhuốm mùi đạn bom thay bằng bộ áo quần nâu giản dị để lại được cày ruộng làm ra hạt gạo củ khoai nuôi mình, nuôi đời. Không chỉ vậy vẫn còn bao nhiêu công việc khác đang đợi chờ những người lính may mắn vẫn sống sót được trở về như Nguyễn Đông Giang:

“Ngày nào đó không còn nghe tiếng súng
Tôi trở về thay vợ giữ con
Nắm hạnh phúc trong bàn tay còn lại
Chan yêu thương cho tất cả tâm hồn”

Cái công việc đơn giản ấy, công việc giữ con cho vợ, rất nhỏ nhưng rất nhiều yêu thương những người lính từng ước mơ và khát vọng đã hơn mười năm rồi trong đạn bom máu lửa mà bây giờ vẫn đang chỉ là ước mơ và khát vọng. Vâng dù chỉ còn một bàn tay ông vẫn phải giữ chặt vì đứa con là tương lai của cuộc đời ông. Ông phải trân trọng phải yêu thương không chỉ riêng với đứa con mình mà xa rộng hơn đó là giữ chặt tình yêu thương đồng loại. Vẫn còn đó những công việc rất thường nhật nhưng chan chứa nghĩa tình:

“Ngày nào đó hương thơm từng nấm mộ
Tôi bùi ngùi dẫy cỏ nhớ thương
Người đã chết xin muôn đời hãy sống
Trong lòng người trong lòng đất quê hương”

Đang trong cuộc chiến mà Nguyễn Đông Giang luôn nghĩ đến những người đồng đội đã ngã xuống. Những người đã cùng ông chiến đấu và hy sinh. Ông sẽ thắp những nén hương thơm trên từng nấm mộ và dẫy những cụm cỏ nhớ thương đã phủ dày vì đã nhiều năm rồi không ai chăm sóc khói hương. Ông luôn thắp lên trong trái tim mình một niềm tin những người con đã ngã xuống sẽ sống mãi cùng quê hương đất nước.

“Ngày nào đó em thôi chạy giặc
Mẹ hết già trong nỗi âu lo
Em đi chợ nhớ mua bông bí nụ
Mẹ chải đầu nhớ từng sợi tóc thơm tho”

Một cuộc sống bình yên không loạn lạc đạn bom sẽ trở lại trên quê hương. Em lại có thể làm tròn bỏn phận của người vợ nhiều yêu thương như câu ca dao ngàn đời nay đã có:

“ Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí nấu chè hạt sen”

Em lại được đi những phiên chợ quê mua bông bí nụ về nấu cho chồng bát canh thơm thảo. Còn mẹ thì bình yên ngồi chải những sợi tóc bạc phơ nhưng thơm mùi bồ kết, thơm mùi hoa bưởi hoa chanh thứ nước gội đầu đơn giản ấy cũng phải đợi đến sau cuộc chiến mẹ mới có được.

Khát vọng bình yên dồn lại vào trong khổ thơ kết:

“Ngày nào đó lũ chim về lót ổ
Trong vườn cây đầy trái ngọt xanh tươi
Tôi hôn khẻ lên bàn tay còn lại
Bâng khuâng nghe như có giọng ai cười”

Chỉ có một bầu trời không đạn bom, không khói lửa điêu tàn mới có tiếng chim hót. Một bầu trời có tiếng chim hót là một bầu trời bình yên. Một vườn cây có chim về lót ổ là một khu vườn bình yên. Trong cảnh bình yên đó Nguyễn Đông Giang mới cảm nhận được mình đang tồn tại để bắt gặp với tương lai. Ông sung sướng tự hôn lên bàn tay còn lại của mình để cảm nhận cho hết sự bình yên của quê hương xứ sở luôn đầy ắp tiếng chim, đầy ắp tiếng cười.

KHÚC VỸ THANH

Cuộc chiến cuối cùng cũng kết thúc sau 15 năm khới lửa điêu tàn, nhưng chắc chắn đã không như nhà thơ Nguyễn Đông Giang ước vọng. Với cuộc chiến này không có ai chiến thắng và kẻ chiến bại đó là dân tộc Việt Nam mất đi hàng triệu người con đã ngã xuống ngoài chiến địa. Bao bà mẹ mất con, bao người vợ mất chồng, bao con thơ mất cha.

Có một nhà thơ đã viết chỉ bằng hai câu thơ mà đã rất đủ đầy về những cuộc chiến tranh tranh dành quyền lực từ xưa tới nay:

“ Sông Gianh một dải còn loang máu
Bến Hải đôi bờ đã trắng xương”
( NDN )

Nguyễn Đông Giang đã phải nhận một kết cục bi thảm là bỏ lại một bàn tay cho cuộc chiến và rồi phải đi tù để được giáo dục cải tạo vì ông là một sỹ quan của quân lực cộng hòa. Thật mỉa mai khi một con người sống đầy khát vọng được yêu thương, được làm người mà còn bị giáo dục cải tạo ??? Ra tù rồi lại vào tù với tội danh tổ chức lật đổ. Thế là Nguyễn Đông Giang đã không thể biến ước mơ và khát vọng :

CHO TƯƠNG LAI BẮT GẶP TRỞ THÀNH HIỆN THỰC !



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ BắcNinh .