Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



RONG CA,

CHƯƠNG KHÚC NGƯỜI TÌNH TRĂM NĂM





     T rong Hồi ký của mình, Phạm Duy bày tỏ: “Nếu tôi còn muốn tiếp tục làm người hát rong thì tôi phải làm cái gì khác”. Làm cái gì khác ở đây, chính là sự ra đời của chương khúc Rong Ca gồm 10 bài mang tên chung là “Người Tình Già Trên Đầu Non” hay là “Hát Cho Năm 2000”. Đây là chương khúc mang tâm sự của Phạm Duy. Cả chương khúc đọng lại cái tình của người hát rong trong cõi nhân sinh.

Kiếp người có bao lâu? Đời người buồn vui ấy chốc? Trải qua dâu bể cuộc đời, ngoái nhìn lại còn gì, được gì trong kiếp nhân sinh. Cuộc đời của con người nào thoát được sống, chết. Trong vòng sinh, tử của kiếp người, có kẻ buồn, có người vui, có kẻ đớn đau, có người hạnh phúc. Trăm năm có là bao, có chăng là bóng câu qua cửa, là giấc mộng Nam Kha, giấc mộng đầu non, cuối bãi, giấc mộng của cuộc lãng du, rong chơi, phiêu bồng…

Trăm năm có là bao với nụ hôn vội vàng, với hẹn non thề biển. Có là bao với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông chạy vòng theo tuổi tháng năm, theo sợi tóc mềm ngày xanh đến bàn tay rẩy run đếm từng sợi tóc trắng. Có là bao khi đợi khi chờ hò hẹn trăm năm, chờ đợi kẻ tình si muôn thuở.

Dẫu trăm năm chẳng là bao, nhưng tình yêu ta dành cho nhau là thật. Tình của đôi ta là thật. Thật như lời ca dao cũ ngày nào: “Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình dày/ Có xa đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Thôi thì cứ hẹn cùng nhau dầu thời gian nặng cả kiếp người theo kiếp hóa sinh:

“Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời
Nhưng dưới thế gian mênh mông vời vợi
Người chợt nghe tiếng em chờ đợi…
…………………………………………
Rồi hẹn rằng sẽ về thăm
Lúc đã trăm… năm
Và người tình sẽ từ khơi
Xuống núi vui… chơi
Rồi lại từng thế kỷ sau
Cứ hóa sinh… theo”

(“Người Tình Già Trên Đầu Non” – Rong Ca 01)

Trong bài hát “Trăm Năm Bến Cũ”, Phạm Duy phổ thơ Lưu Trọng Văn có đoạn: “Nào đâu có trăm năm, đâu có trăm năm, mà chờ mà đợi? Nào đâu có kiếp sau, đâu có kiếp sau, mà đợi mà chờ?”. Biết là vậy, nên hẹn được thì cứ hẹn. Yêu được thì cứ yêu. Xin bỏ lại qua những nhỏ nhen, bộn bề, vật vã, hận thù để đón nhận yêu thương. Bởi yêu thương nhau, hẹn cùng nhau cho trọn trăm năm cũng chỉ là lời mong cầu hạnh phúc, dẫu biết tình yêu cũng vô thường như bao chuyện xưa nay, như sao Hôm, sao Mai, như trăng tròn rồi lại khuyết. Trăm năm chỉ là thoáng chốc có chăng những gì đọng lại là tình thiên thu:

“Còn gì đâu cho một tình yêu
Còn gì nhau cho một đời sau
Hẹn nhau sẽ nâng niu ngày tới
Năm 2000 với trăm năm thật dài
Được gọi tên thế kỷ nào đây?
Trăm năm tình ái hay trăm năm ngậm ngùi?”


(“Hẹn Em Năm 2000” – Rong Ca 02)

Trong tôi lại thấy một Phạm Duy, vác cây đàn ghita trên “Con Đường Cái Quan” đi khắp đất nước hát những bài hát về tình yêu quê hương, về lứa đôi, về con người Việt Nam của mọi thời đại. Một thời ông hát “Bà Mẹ Quê”, “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bà Mẹ Phù Sa”. Một thời ông cùng mọi người hát về Mẹ xưa, tích cũ trong trường ca “Mẹ Việt Nam”. Và những năm 2000, ông vẫn hát về Mẹ. Hát để mà chờ đợi tương lai. Hát để tin yêu tương lai một nước Việt Nam rạng rỡ trong tình người hiến dâng:

“Cùng nhau tha thiết đưa Mẹ tiếp nối
Dĩ vãng huy hoàng Mẹ đã vun trồng
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai
Duyên may phận đẹp tình người dâng hiến
Sinh trai Việt hùng và gái Nam hiền…!”


(“Mẹ Năm 2000” – Rong Ca 03)

Đi qua những tháng năm phiền muộn, đi qua những phút giây hạnh phúc, hát lên khúc hát về cuộc đời, rồi chỉ một sát na ngộ ra: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều). Cuộc đời ai rồi cũng một lần chết. Có chăng chết như thế nào. Chết vì già, vì bệnh là thường tình. Chết vì chiến tranh, vì đói, vì chủ thuyết mới là bất thường. Những nấm mồ tập thể, những nấm mộ buồn hiu hắt ở nghĩa trang ghi dấu thời gian qua từng phần mộ. Này đây, là mộ những người chết Thế chiến I, Thế chiến II. Này đây là mộ phần những đứa con cùng mẹ lấy chém giết thay giải hòa. Này là mộ phần của những bạo vương, ác chúa… Mộ phần nào cũng chỉ là thây ma theo thời gian. Tất cả về với đất, thành phân bón hoa màu, cho đời nở hoa đời mang tên Tình Yêu:

“Người đi trong mùa Đông
Đội khăn tang, mang theo tình thương
Theo người phu đi vùi hết mộ phần
Rồi tan trong mộ sâu
Một thây ma mang buồn đau
Thế kỷ sau, sẽ dùng bón hoa màu

Đi qua nấm mồ sẽ thấy ngọn cỏ mềm
Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên
Khi trên nấm mồ còn nở rộ bông hoa mới
– Hoa ơi, tên gì?
– Hoa Tình yêu đó em!”


(“Mộ Phần Thế Kỷ” – Rong Ca 04)

Ôm đàn hát khắp mọi nơi, từ thời hát rong cùng gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều, đến thời kỳ hát trong kháng chiến chống Pháp, từ những lần hát cùng James Durt, Pete Seeger, hay các chương trình Phong trào Du ca, và sau này đi hát tại các quán cà phê, câu lạc bộ, trường đại học ở Hoa Kỳ, Phạm Duy đích thực là kẻ hát rong. Ông hát những điều không thể nói cũng như những điều không thể lặng im như Victor Hugo từng viết: “Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng câm”. Ông hát bằng tiếng lòng của mình. Ông hát mà như kể chuyện ngụ ngôn. Mọi người nghe rồi nghĩ sao thì nghĩ. Thử nghe ông kể ngụ ngôn bằng lời của âm nhạc. Chuyện kể có hai thằng mù đánh nhau đến sứt trán, sứt tai; có hai thằng câm cãi nhau rát lưỡi, bỏng môi; rồi có cả hai thằng mù đã câm lại điếc nghe nhạc Tầu, nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc Nga. Chuyện còn kể tiếp có hai thằng mập, nếu đánh nhau thì chết, nên bắt hai thằng gầy yếu đánh nhau hộ nó, rồi bắt giải hòa. Chuyện bi hài là điếc nọ, mù này, câm kia tự dương tự đắc, không nghe được tiếng khóc than, không nhìn thấy cô nhi quả phụ, không nói được lời yêu thương. Thế rồi Người Tình đến, quá khứ buồn đau trôi đi theo câu hát:

“Bỗng đâu Người Tình ghé chơi một chuyến
Vào khi tàn rồi, cái cũ bách niên
Bỗng đâu nửa đêm ánh dương chói rạng
Làm cho người mù mắt sáng bừng lên
Bỗng đâu Người Tình ghé tai người điếc
Nói chi chẳng biết, mà nghe dịu dàng
Đời hai nghìn đã vừa sang.
Đã trông được thời bách niên đổi mới
Đã nghe được lời sáng suốt bên tai
Đã không còn câm và im tiếng gọi
Đã nói được lời vói tới tương lai
Đã ra được ngoài cõi tim tù tối
Đã trông được những đường đi, nẻo về
Đường đưa người tới nghìn thu”.


(“Ngụ Ngôn Mùa Xuân” – Rong Ca 05)

Một Phạm Duy rong ruổi, một Phạm Duy đến cuối đời vẫn muốn đem hết sức lực của mình cống hiến cho âm nhạc. Dù tuổi xế chiều, con tim Phạm Duy vẫn còn sức nóng, đam mê như nắng rực rỡ, dù là ánh nắng chiều. Nghĩ về nắng chiều, tôi lại nhớ đến bài thơ của Phan Khôi: “Nắng chiều đẹp có đẹp/ Tiếc tài gần chạng vạng/ Mặc dù gần chạng vạng/ Nắng được thì cứ nắng” (“Nắng Chiều”, 1956). “Nắng được thì cứ nắng” của Phan Khôi cũng là nắng trong lòng của Phạm Duy. Nhưng ở Phạm Duy, cái nắng lại đa tình, lụy tình. Cái nắng đem lại bao ước nguyện, nuôi nguồn ân ái. Cái nắng rực rỡ đẹp đợi chờ đêm đến yêu đương:

“Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì
Nắng còn nắng bao la thì xin đêm đợi chờ”
…………………………………………..
“Thế kỷ này tan trong nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nắng
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời
Cho chiều đời yêu nhau rất lâu”.


(“Nắng Chiều Rực Rỡ” – Rong Ca 06)

Khi viết chương khúc Rong Ca, Phạm Duy bày tỏ lòng mình: “Chọn đề tài này, tôi không còn chạy theo cái nhất thời mà đi tìm cái vĩnh cửu”. Cái vĩnh cửu ấy, ở con người Phạm Duy, theo tôi nghĩ, là tâm linh, là sự hòa điệu giữa anh và em. Nghìn thu nay, anh là suối, là sông, là biển còn em là sóng trong anh. Nghìn thu nay em là gió, còn anh là mây đi khắp vô cùng trong vòng sinh tử. Để rồi anh và em cất lên tiếng hát tình yêu chan chứa:

“Nghìn thu em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai không ai biết em âm thầm nở hoa
Nghìn thu trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im anh lên xuống không ai ngờ hiển nhiên

Tình ta biến hóa trong từng sát na
Tình luôn lai vãng đi về cõi chung
Tình vô hư đó nên gần với xa
Tình ra ánh sáng, tình về tối đen

Nghìn thu anh là đã em rồi
Và em trong muôn kiếp, em đã ngồi, em đã ngồi ở anh
Nghìn thu ta bù đắp không ngừng
Tình âm dương chan chứa xoay trong vòng tử sinh”


(“Bài Hát Nghìn Thu” – Rong Ca 07)

Trong vòng sinh hóa của vũ trụ, của kiếp nhân sinh, Phạm Duy vẫn ôm đàn cất tiếng hát về mối tình Trương Chi thuở nào, cất tiếng đàn phổ nhạc những bài thơ của Hoàng Cầm, Huy Cận, Bích Khê, Hữu Loan, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên v.v…, và hát cho chính mình.

Tôi như thấy ông là “người tình già trên đầu non” cất tiếng hát cùng trăng. Nhìn trăng một mình trên cao, cất tiếng hỏi trăng, rồi nghĩ phận mình cũng già như trăng, cũng cô đơn, quạnh quẽ như trăng. Tiếng hát ông vọng vào núi đá. Ông lại hỏi đá bao tuổi mà sao đá cũng buồn có khác chi ông đượm nỗi lòng khắc khoải, buồn đau cho kiếp người giữa chốn ta bà. Hỏi đá, hỏi trăng, hỏi chỉ để mà hỏi. Trên đỉnh buồn của núi, ông một mình, da diết hát tình trong cõi trăm năm:

“Trăng ơi, im lặng à a ới a suốt đời,
Mà sao ta cứ ý a ới a đứng ngồi, đứng ngồi không yên
Suốt đời lăn quanh, suốt đời lang thang
Hát ca êm đềm hay hát vang vang.
Trăng ơi, sống cả a a sống cả muôn đời
Còn ta sống chết y a ới a không ngoài, chẳng ngoài trăm năm
Không ngoài trăm năm, nên phải lênh đênh
Hát ca một mình thay tiếng đá, trăng
Kiếp xưa cây ở ờ ơ ới a dưới rừng
Hỏa Sơn đi xuống y a ới a đốt từng núi non cây rừng
Cây còn tươi xanh hay già trăm năm
Hóa sinh ra thành tảng đá im lìm
Đá, trăng không tuổi y ý đá, trăng ít lời
Dù ta sống chết ý a ới a cũng gợi tiếng ca cho đời
Đá nằm nghe ta hát vọng trăng cao
Hát trong kiếp này hay hát trong kiếp sau”.


(“Trăng Già” – Rong Ca 08)

Trên con đường của thời gian dẫn đến tương lai, có lúc Phạm Duy chợt nghĩ lại mình. Cuộc đời ông biết bao thăng trầm “theo mệnh nước nổi trôi”. Và khi tuổi đã cao, sức khỏe không còn như thuở thanh xuân thì chuyện ông ngẫm lại sự đời là lẽ đương nhiên. Ông có khác chi con Ngựa Hồng xưa kia, một thời bách chiến nơi sa trường, nay thì trói buộc vào yên cương, còng lưng kéo xe quanh đường đời chật chội. Ngựa Hồng long đong, trụi bờm, se lông, miệng bị khóa bởi hàm thiếc, chịu bao ngọn roi tàn bạo và là kẻ vong thân khiêng voi, cõng rắn trên lưng. Dù được đeo yên gấm vóc, kiệu vàng trên lưng đưa kéo xe loan thì cũng là phận kiếp nô. Rồi một buổi chiều trăm năm, hoàng hôn của đời người, Ngựa Hồng bỗng thấy Ngựa Rừng – như là Ngựa Thần không cần yên, như là Ngựa Hùng không cần cương – phi qua cuộc đời mời gọi phá tung xiềng xích để thênh thang khắp chốn. Ngựa Hồng cất vó thong dong trong tiếng hát khát vọng tự do:

“Ngựa Hồng quay lưng đưa chân đá vỡ yên cương
Thong dong lên đường thoát thân
Cỏ nội xanh tươi thơm tho đón gió
Sương rơi trên muôn hoa ngàn ngát hương
Ngựa Hồng, không ai che đôi mắt nữa
Trông ra hai bên con đường rất xa
Ngựa Hồng vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim
Thong dong đi vào cõi không!”


(“Ngựa Hồng” – Rong Ca 09)

Trong Hồi Ký, Phạm Duy sau khi an táng người vợ thân yêu của ông – danh ca Thái Hằng - đã viết lời cảm ơn: … “Bây giờ thì nhà tôi đã nhẹ nhàng ra đi, tảng đá kia đã cũng nặng nề đổ xuống, lo xong việc chôn cất cho vợ là tôi có thể thành một người tự do hơn trước, vì đã làm xong bổn phận người chồng. Các con tôi cũng đã quá khôn lớn, bây giờ tôi sắp sửa được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người nghệ sĩ muôn đời. Tôi lại được tự do thênh thang vác đàn ngao du như trong một thuở xa xưa nào, hoa cười trên phím, tiếng cười trong dây…Xin được cám ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó”. Trong nụ cười cô đơn mà tự do, Phạm Duy vẫn lên đường cất tiếng hát từ cõi xa xa xăm, từ muôn ngàn thế giới, về cõi người, cõi phiêu bồng, cõi rong chơi, phiêu lãng khắp miền hoang dã, qua bốn bể gần xa, từ nơi tuyết rơi đến sa mạc hoang vu, từ núi rừng ấm lửa hoàng hôn đến đường tình ngập nắng bình minh. Tiếng đàn của ông cất lên từ đỉnh tình yêu đi ngao du cùng trời đất:

“Anh dắt tay em đi vào ngàn mai
Anh khoác vai em bước về ngàn xưa
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có ta nơi này
Và lộ trình ta… miệt mài

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau, ai gọi người tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh”.


(“Rong Khúc” - Rong Ca 10)

Chương khúc Rong Ca, là tình thong dong, là cái tình đọng lại trên thời gian cho cả kiếp người cõi mộng trăm năm. Dù chỉ là lời tâm sự của Phạm Duy, nhưng người yêu nhạc vẫn thấy bóng dáng của mình trong cuộc lãng du, phiêu bồng, vẫn tin và thấy được tình yêu mãi vĩnh hằng, như là sự cứu rỗi linh hồn đau khổ ở chốn nhân gian.

Năm 2020
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ ĐàNẵng ngày 08.7.2020 .