MÙA ĐÔNG ÂU CHÂU và
"MỘT PHÚT TỰ DO"
M ọi năm chúng tôi thường về Ý vào mùa Hè, nhưng năm nay chúng tôi phải về vào mùa đông để để tham dự buổi ra mắt sách “Un Istante di libertà” do nhà xuất bản Calibano tổ chức. Đó là tập truyện “Một Phút Tự Do” vừa được in lại bằng nguyên tác tiếng Ý .
Sống nhiều tháng ở Sài Gòn với cái nóng thường trực 26-32 độ nên về giữa mùa lạnh của Âu Châu thì cũng là một thay đổi thú vị.
Gọi là mùa lạnh vì nhiệt độ trung bình thường từ 0 đến 6 độ nhưng tháng 12 năm nay, (2019) khắp châu Âu nhiệt độ khá cao, như không có mùa đông.
Tuy tuyết cũng có rơi nhưng chỉ vừa đủ phủ trắng thành phố và không kéo dài hơn một buổi sáng vì sau đó mặt trời xuất hiện và nhiệt độ bắt đầu tăng. Khí hậu thay đổi bất thường và nhiều người nói đây là mùa Đông ấm nhất từ ba mươi năm!
Sau khi ra đời (2014) chừng một năm thì tập truyện “Một Phút Tự Do” được Hội nhà văn tp HCM trao giải thương. Xin trích lời phát biểu của nhà văn Phạm Sĩ Sáu của HNV tp HCM nhân dịp trao giải thưởng (2015):
“ ... Có thể nói Một phút tự do là một tác phẩm đặc sắc mang hương vị Ý nhưng giàu bản sắc Việt Nam bởi Elena Pucillo là một người phụ nữ Tây phương mang một tâm hồn Đông phương thuần khiết. Như nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã từng nhận xét, "ngòi bút nhân hậu của Elena Pucillo Truong như chỉ viết về tình liên đới, lòng trắc ẩn, sự bao dung và tha thứ của con người. Trên tất cả, đó cũng chính là những khoảnh khắc yêu thương, như tác giả viết qua ý nghĩ của một nhân vật: 'Tình yêu đã bùng nổ trong một lát nhưng đã theo tôi đến suốt đời người'. Elena không chỉ nắm bắt mà còn biết cách miêu tả những khoảnh khắc, làm cho nó kéo dài ra, thu hút sự chú ý của người đọc". Hay nói như nhà văn Nhật Chiêu: "từ những truyện ngắn và tản văn của Elena, ta nhận được món quà không mong đợi mà đầy niềm vui, một thứ hơi ấm tình người vốn rất cần trong đời sống hôm nay mà vô cảm hoá đang là một nguy cơ". Một phút tự do được trao tặng thưởng văn học cho tác phẩm của tác giả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM là một ghi nhận mới của Hội đối với đời sống văn học đang diễn ra vô cùng phong phú trên thành phố đầy năng động nầy....”
14.12.2019 : Buổi ra mắt sách được nhà văn Heiko đại diện nhà xuất bản Calibano tổ chức và giới thiệu tại via Bezzecca 4, khu XXII Marzo/ Quảng trường V Giornate, trung tâm thành phố Milano.
Chiều thứ bảy đó tự dưng trời mưa tuyết nên có ít người đến dự. Ngoài các bạn ở Milano như Adriana, Bruno Cuzzolin còn có Sandra, Giovanna và các bạn đến từ Rho và đặc biệt có vợ chồng Lê Kiều Diễm- Franco từ thành phố Torino, cách hơn 150 cây số, vẫn lái xe về tham dự.
Thật cảm động với tình yêu văn chương và tình cảm mà hai bạn dành cho tác giả.
Đây là lời giới thiệu của nxb Calibano về tập truyện:
“Mười ba truyện ngắn và 7 tản văn để nói về hiện thực hằng ngày của xã hội Việt Nam đương đại, về những mâu thuẫn xảy ra trong một đất nước phát triển nhanh chóng và có lẽ đang đánh mất truyền thống và các giá trị cổ xưa. Những xung đột bên trong gia đình tạo nên những tình huống bi thảm, do thù hận, ngu dốt hay do vấn đề kinh tế. Các nhân vật đi tìm một lối giải quyết cho sự đau khổ của mình bằng cách chọn những cách cực đoan nhân danh tự do. Đây là một quyển sach giúp chúng ta suy gẫm về một đất nước có lẽ không xa lạ lắm với phương Tây. Những truyện ngắn và bút ký của Elena đều kể về những trải nghiệm qua những chuyến đi trên đất nước Việt nam đang chuyển mình.”
I- I - Gặp nhau ở London.
Hôm gặp nhau trong đám cưới của hai cháu Trí và Edna Chew tại Sài Gòn,Thạnh và Mỹ có nói là từ Milano đến London chưa đến 2 giờ bay mà lâu lắm rồi anh chị chưa qua thăm tụi em. Thế là trong tuần lễ từ 6-13 tháng giêng 2020 chúng tôi bay qua London.
Hai mươi bốn năm trước đến London dự lễ cưới của Thạnh và Mỹ và giờ trở lại thì cháu Vy đã học xong Master Kinh Tế. Rất vui vì cháu Vy nói tiếng Việt rất giỏi và phong cách, tâm hồn thuần việt.
Ngày đầu gặp nhau anh em ngồi pha trà, hàn huyên tâm sự. Tuy gặp ở VN nhiều lần nhưng lần này anh em mới có thời gian tâm sự, đi sâu vào đời sống của nhau.
Sáng hôm sau trời nắng đẹp. Nhiệt độ London đâu chừng 6-8 độ, Thạnh nói hôm nay em đưa anh chị đi Cambridge.
Cambridge là một thành phố nhỏ, diện tích chỉ khoảng 40 km², dân số vừa hơn 100.000 người, nhưng có các trường Đại Học nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới: Từ thế kỷ 12, nhiều dòng tu đã thiết lập tu viện và các trường đại học ở đây và từng đào tạo các sinh viên lừng danh như Nhà tự nhiên học Charles Darwin, Nhà bác học Isaac Newton (1643 - 1727), nhà vật lý Stephen Hawking (1942 - 2018)…
Từ năm 1962 Stephen Hawking vào học bậc trên đại học tại Trinity Hall, Cambridge. Ông là người đầu tiên khởi đầu nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Rủi thay, từ năm 21 tuổi ông mắc chứng bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), liệt toàn thân nên phải ngồi xe lăn trong phần lớn cuộc đời. Cuốn "Lược sử Thời gian" của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng và đứng trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times trong thời gian kỷ lục. Cả tờ Newsweek và một chương trình truyền hình đặc biệt đều mô tả ông là "Master of the Universe" (Bậc thầy Vũ trụ).
Trong tiểu thuyết Trò Chuyện với Thiên Thần (sắp xb) tôi có trích dẫn những nhận định của Stephen Hawking về môi trường: “Biến đổi khí hậu là một trong những hiểm nguy của nhân loại và cần phải khống chế ngay từ lúc này” vì ông rất bi quan về hành tinh xanh của chúng ta: “Sự sống của trái đất chỉ còn đếm từng ngày và hoàn toàn là do lỗi của loài người. ”
Các ngày sau chúng tôi đi quanh quẩn trong thành phố. Ghé thăm các điạ điểm nổi tiếng của London như Cung điện Buckingham, London Eye, Rạp xiếc Piccadilly, Nhà thờ St Paul, Tháp Luân Đôn (ban đầu là nơi ở của hoàng gia và sau đó là một nhà tù.). Quảng trường Trafalgar…(Trafalgar là là tên của trận thủy chiến (21 tháng 10 năm 1805) giữa Hải quân Hoàng gia Anh và Liên quân Pháp - Tây Ban Nha, và là chiến thắng quan trọng nhất của nước Anh trong cuộc chiến chống Napoléon).
Vì đô thị phát triển nhanh, các vụ kẹt đường tăng dần nên London đã hình thành một hệ thống tàu điện ngầm- London Underground- đầu tiên (vào năm 1863), lâu đời nhất trên thế giới Nhìn chung các phương tiện giao thông công cộng ở London rất tốt, tuy giá cả khá đắt. Đi xe đạp là một cách phổ biến để vòng quanh London.
Thành phố London có thành phần dân tộc, văn hóa và tôn giáo đa dạng, có nhiều người da màu và rất nhiều ngôn ngữ được sử dụng. Từ những năm 1940, có nhiều người từ các quốc gia Khối thịnh vượng chung như Jamaica, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan… đến nhập cư, nên London trở thành một trong những thành phố đa chủng tộc: gần 40% dân số là người nước ngoài, là thành phố có dân số nhập cư lớn thứ hai, sau New York.
London và New York là hai trung tâm kinh tế- tài chính lớn nhất thế giới, và London có GDP thành phố lớn nhất châu Âu.
Trụ sở của hầu hết 100 công ty hàng đầu của Anh và rất nhiều công ty lớn của châu Âu nằm tại trung tâm London nên ảnh hưởng của thành phố này khá lớn đối với chính trị, tài chính, giáo dục, giải trí, truyền thông, thời trang, nghệ thuật và văn hóa toàn cầu.
Thế nhưng, theo một báo cáo mới đây về kết quả nghiên cứu do Trung tâm Tương lai Dân chủ của Đại học Cambridge “thì trên toàn cầu, nền dân chủ đang ở trong tình trạng bất ổn". Sự sụp đổ kinh tế và phân chia xã hội ngày càng cao có liên quan đến sự mất niềm tin vào nền dân chủ làm sự không hài lòng của người dân đang ở mức cao nhất trong vòng 25 năm, “Vương quốc Anh và Hoa Kỳ có mức độ bất mãn cao đặc biệt”.
Những ngày chúng tôi đến London đang chuẩn bị Brexit vì quốc hội thông qua thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu.
Vì chúng tôi không qua Dresden, nên lần này bạn Minh từ Đức “tìm cớ” bay qua thăm con gái đang sống và làm việc, nên các anh em lại bất ngờ gặp nhau tại London.
Vui thay tình bạn!
II - Như mọi lần về Ý, khi sắp xếp được thời gian là tôi gọi điện hay đến thăm giáo sư Berti. Thầy là người hướng đã dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi từ nhiều năm trước. Giáo sư hẹn gặp ở văn phòng học viện dược lý trên đường Vanvitelli.
Khi đến nơi thì thấy giáo sư đang làm việc. Đã 90 tuổi mà giáo sư vẫn còn cộng tác với Viện nghiên cứu Ung Thư Milano. “Họ yêu cầu đóng góp và thầy không thể từ chối. Nhưng làm việc cũng là cách để trí não hoạt động”. Giáo sư cho biết là hiện nay có nhiều phân tử mới trị ung thư hiệu quả mà tác dụng phụ cũng rất ghê gớm.
Giáo sư Berti rất vui khi được Elena tặng sách.
Lúc từ giã giáo sư ôm tôi và nói giọng cảm động: “Cảm ơn em đã luôn nhớ đến thầy! Cứ mỗi Giáng Sinh hay năm mới từ VN em vẫn gọi điện chúc mừng và khi nào về Ý là tranh thủ đến thăm. Mà thật ra từ lúc em tốt nghiệp, em tự đi tìm việc chứ thầy có giúp gì nhiều đâu. Năm mươi năm giảng dạy thầy giúp rất nhiều người, đủ mọi quốc tịch, từ Hy Lạp, Anh, Pháp, Nhật, Ai Cập, Ấn Độ…, xong việc rồi, đi hết, không ai liên lạc với thầy. Em là người duy nhất!”
Khi ra xe, tôi quay lại vẫy tay từ giã thì bất ngờ nhận ra là Viện Dược Lý Milano đã được đổi tên thành Viện Dược Lý Trabucchi. Emilio Trabucchi là một giáo sư giỏi, tận tâm và cũng từng là một nghị sĩ trong Thượng Viện Ý. Ông là một nhân cách lớn của Ý, cả đời phụng sự cho văn hóa, khoa học và góp phần phát triển quan hệ quốc tế, kết nối những nghiên cứu y học ở Âu Châu và Nhật bản. Tôi không bao giờ quên ơn ông vì khi sau khi tốt nghiệp, gặp khó khăn trong việc xin giấy phép làm việc, chính ông đã đích thân đưa tôi đến gặp giám đốc Sở lao động Milano để can thiệp.
Tôi luôn nhớ về giáo sư Trabucchi như một người thầy độ lượng và nhân ái.
III - 23.1 Giardino Blu ( Cà phê Vườn Xanh, via Teodoso 19- Milano)
Có thể nói buổi ra mắt và giới thiệu sách lần này là một buổi họp mặt bạn bè, ấm áp tình bạn: Ngoài vài người lạ, khách mời đến phần lớn là bạn bè, học trò hay đồng nghiệp cũ của Elena. Qua mạng xã hội bất ngờ nối lại những qua hệ tưởng đã đánh mất từ hơn ba mươi năm. Nhà văn Heiko lần này không đến được nhưng chương trình vẫn diễn ra tự nhiên, như một cuộc trò chuyện thân tình.
Khác với lần trước, lần này có sự hiện diện đông đảo của hơn 40 người, ngồi chật kín căn phòng nhỏ ấm cúng và thân mật.
Tôi xin ghi lại đây tên các bạn để thay lời cảm ơn vì đã bỏ nhiều thời gian để đến chung vui: Caronia Vita, Marinella Torri, Eleonora Reboni, Lella, Garlaschelli Maria Luisa, Anna Gherzi, Consomi Antonella, Samuele, Marina e Raimondo Pucillo, Giovanna Gritti, Di Malta Giovanni và một người bạn, Gabrilella, Silvia Quaini, Annie, Mari Dondoni, Laura Garchidi, Simone, Enrica Taglietti, Guido Vantini, Andrea (Coccia), Anna Pinna, Giovanna e Ivano Fornaciari và 2 người bạn từ Mantova, Giovanna Zanici, Erminio Marini, Borella Cristina, Barbara Vercoli, Giuseppe Colombo, Gianni Sicuro, Mark Wilson, Robero Di Domenico
Ngoài các bạn ở Milano như Anna Pinna, Anna Gherzi… còn có nhiều bạn ở xa, hơn 40 km như vợ chồng Maria Cocia Andrea, Enrica Taglietti… và còn có các bạn ở rất xa hơn 150 km như Guido Vantini, Ivano Fornaciari- Giovanna…
Cứ tưởng Roberto Di Domenico không đến được vì bận họp công ty, nhưng cuối cùng bạn cũng tranh thủ đến.
Thật xúc động là bạn Guido Vantini đã phải lấy xe lửa ở Vicenza từ trưa để đến Milano tham dự và lúc về đến nhà thì đã gần 2h đêm.
Bất ngờ nhất là trường hợp Gianni Sicuro. Anh đang sống ở Pháp, đã mua online 5 quyển sách qua Amazon từ tháng 10, lần này cũng kiếm cớ đi công tác để bay qua Milano, dẫn theo một đồng nghiệp người Irlanda! Mark Wilson nói tiếng Ý không giỏi nhưng vẫn mua 2 quyển sách “để tặng các bạn người Ý”.
Duyên dáng trong chiếc áo dài màu đỏ thắm, Elena hồn nhiên nói nói về hành trình văn chương, về tạp chí Quán Văn và về các câu chuyện trong tập sách Một phút tự do.
Khi nói về trà, rượu, Elena còn đem ra mấy chiếc áo dài để trình bày về loại vải, màu sắc các đặc điểm về tà áo, các kiểu cách tân nên câu chuyện hấp dẫn và thú vị.
Buổi ra mắt đầu từ 18h30 đến 20h30 nhưng đến phút cuối có nhiều bạn không về, ngồi nán lại đến 22h để trò chuyện cùng Elena! Sau khi kết thúc cô chủ quán Dora đã nói: “Rất cảm ơn cô Elena, chúc mừng cô và quyển sách. Cháu đã bắt đầu đọc và thấy thật thú vị. Nhưng tuyệt vời và hiếm hoi nhất là cô đã quy tụ được nhiều bạn bè đến họp mặt thân tình và ai cũng yêu quý cô. Ommanh!”
Mọi người cười vang và khi ra về ai cũng chào nhau OMMANH... ui.. ommanh “thương hiệu” của Elena lúc này đang bắt đầu lan truyền ở Ý. .
Vì sách đã được in vào tháng 9-2019, lúc chúng tôi còn ở VN, nên có các bạn mua sách trước như Simona Inglese, Gianni, Emiliano, ở xa, không đến được, nhưng đã nhắn tin chúc mừng hay bình luận về sự nhạy cảm và tâm hồn VN của Elena.
Có vài bạn như Laura Carchidi đã mua sách và đem đến để tác giả ký nói cảm nhận: “Rất vui được thấy bạn giới thiệu về quyển sách mà tôi đã đọc và rất thích. Qua những câu chuyện mà bạn kể tôi càng hiểu và có nhiều thiện cảm vói người Việt Nam. À, áo dài rất đẹp”. Có nhiều bạn muốn có một chiếc áo dài.
Khi Elena cảm ơn các bạn đã đến, thì Anna Gherzi đáp lại: “Cảm ơn Elena đã cho chúng tôi một buổi tối vui vẻ và đầy cảm xúc về trải nghiệm sống ở một đất nước xa xôi và khác biệt nhưng nhờ trái tim nhân ái của bạn nên trở thành quen thuộc”. Chị Anna Pinna nhận xét: “Cảm ơn hai bạn đã mang một chút Viet nam đến Milano, trong một bầu không khí ấm áp tình bạn. Hẹn nhau vào quyển sách mới”. Silvia Quaini cũng nói: “Cảm ơn Elena về một buổi tối vui vẻ và tuyệt vời. Bạn luôn mạnh mẽ, tự tin, sáng rực nhờ nhưng suy nghĩ tích cực và lan tỏa đến mọi người”.
Khi vài hình ảnh được đưa lên mạng thì chúng tôi nhận được rất nhiều lời chúc và chia sẻ của bạn bè. Từ thành phố Torino, nhà văn Huỳnh Ngọc Nga viết: “Trang trọng, lịch sự và ấm áp qua những bức ảnh nhỏ. Chúc những đứa con tinh thần của hai em được nhiều người hưởng ứng.” Nhà văn Dạ Ngân từ VN cũng gửi những lời yêu thương: “Chúc mừng các em. Ấm áp văn minh quá!”. Ban Mai từ Qui Nhơn cũng viết: “ Buổi ra mắt sách thật trang trọng lịch lãm. Xúc động khi thấy hình ảnh chị Elena giới thiệu chiếc áo dài VN cho bạn bè mình biết. Ôm mạnh!”
Còn nhà văn Nam Thi đang ăn Tết ở quê nhà cũng dành cho buổi ra mắt này với những lời thật ưu ái: “Sự kiện văn học này chưa từng có trong giới VHNT Việt Nam. Chúc mừng hai bạn.”
IV- Tết ở Milano.
Tết của người Việt xa quê tổ chức tại Milano vào trưa chủ nhật 26.1 2020, với sự hiện diện của gần 400 bạn bè Việt Ý, các hội đoàn, thân hữu.
Buổi họp mặt ngoài chương trình đoàn tụ còn có các tiết mục biểu diễn võ thuật, ca nhạc, trình diễn áo dài, giới thiệu sách, múa lân...
rất hoành tráng...
Xen và chương trình dày đặc của lễ hội, ban tổ chức cũng dành một ít thời gian nhằm giới thiệu các 2 tập sách bằng tiếng Ý "Un istante di libertà" của Elena, Truyện cổ tích VN do Phạm Doãn Trang dịch và một tập truyện ngắn bằng tiếng Việt “Bên kia cầu chữ Y” của nhà văn Huỳnh Ngọc Nga.
V - Ở một trường tiểu học
Hôm ra mắt sách Elena có đưa bản in truyện ngắn “Vàng Trên biển đá đen” cho một người bạn, tình cờ con gái bạn cũng là cô giáo đọc được và rất thích, nên gọi điện mời Elena đến nói chuyện với các em nhỏ về đời sống và sinh hoạt của các trẻ em đồng tuổi ở vùng cao.
Buổi nói chuyện có 4 cô giáo, và gần 50 em, tuổi từ 10-12. Các câu hỏi của các bé rất hồn nhiên và thú vị. Vì có luật bảo vệ quyền riêng tư, không thể chụp hình nên hình minh họa sau đây là lấy trên mạng.
Khi kết thúc, một em bé chạy lên tặng Elena một bức vẽ mà khi ngồi nghe, em đã quan sát và vẽ tặng. Món quà bất ngờ và cảm động.
VI - Biblioteca di Albairate
Theo lời mời của bạn Giuseppe, trưởng câu lạc bộ đọc sách, tối 30.1.2020 chúng tôi có buổi nói chuyện ở thư viện Albairate. Thư viện này đối với chúng tôi khá quen thuộc vì cũng là nơi mà 8 năm trước tôi đã từng giới thiệu bản thảo tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa1.
Khi nghe tôi trình bày là tập truyện Một Phút Tự Do của Elena đã được in ở VN từ năm 2014 và đến nay, 2019, mới được in bằng nguyên tác tiếng Ý thì có 1 bạn nói: Vậy đây cũng là hành trình đi ngược, Elena được biết ở VN rồi sau sách mới được in ở Ý.
Buổi họp mặt không đông lắm, chỉ khoảng 18 người. Nhưng theo lời Giuseppe thì các buổi giới thiệu sách ở Ý trung bình chỉ quy tụ được 15-20 người, 25 người là một con số hiếm hoi.
VII - Gặp nhau ở Torino
Đã hẹn nhau từ mấy tháng trước, sáng thứ bảy 1-2-2020 chúng tôi lấy tàu hỏa đi Torino. Đây là lần đầu đi tàu cao tốc Italo, cực kỳ tiện lợi: ngồi chưa đầy 1 giờ mà chúng tôi đã vượt qua một khoảng cách 150km. Vừa đến ga thì đã thấy hai bạn Franco và Diễm đến đón.
Gặp nhau nhiều lần nhưng có lẽ lần này chúng tôi mới nhiều thời gian bên nhau, có cơ hội tâm tình và hiểu được giá trị tình bạn. Chúng tôi nói về chuyện nhiều về những quyển sách, về những người bạn chung và những thay đổi trong đời sống.
Trên đường đi dạo, ngồi trong quán cà phê hay ở tiệm ăn, Franco tranh thủ giới thiệu các nét chính về thành phố quê hương anh. Và phải nói là cả hai nơi mà anh mời đến đều mang lại cho chúng tôi rất nhiều thích thú, quán cà phê rất quý phái và sang trọng còn quán ăn được thiết kế theo lối xưa, phong cách Liberty cuối thế kỷ XIX.
Torino (còn được gọi là Turin) là thủ phủ của vùng Piemonte, có dòng sông Po, là một thành phố kỹ nghệ quan trọng tại Tây Bắc của Ý. Về phương diện văn học, thì đây cũng là quê hương sinh hay sống của những nhà văn tên tuổi của Ý trong thế kỷ XIX và XX như Edmondo De Amicis (tác giả Tâm Hồn Cao Thượng), Emilio Salgari, Italo Calvino, Natalia Ginzburg, Norberto Bobbio, Cesare Pavese e Primo Levi.
Sau Thế Chiến thứ hai, Torino được xây dựng nhanh chóng và các ngành công nghiệp của thành phố phát triển, tạo ra những làn sóng nhập cư, chủ yếu là từ các vùng miền nam nước Ý. Torino cũng có câu lạc bộ bóng đá lớn là Juventus rất được hâm mộ và là đối thủ cứng cựa của A.C. Milan trong Serie A.
VIII - Nên về hay ở ?
Hôm làm thủ tục đi London, nhân viên hàng không khuyên chúng tôi gửi hành lý, thế khi về Ý thì chẳng những họ không cho ký gửi mà còn kiểm tra an ninh rất gắt, soi chiếu từng hũ kem thoa tay cho đến tuýp kem đánh răng nhỏ bằng ngón tay. Lý do: Sợ khủng bố !
Chỉ trong một thời gian ngắn mà đầu năm 2020 đã cho thấy quá nhiều biến cố, tai ương và thảm họa: đầu tiên là vụ máy bay hành khách Ukraina bị “bắn nhầm” làm 300 người chết thảm. Một chiếc máy bay khác của hàng không Thổ Nhĩ Kỳ trượt khỏi đường băng, vỡ nát phần đầu khi hạ cánh khẩn trong thời tiết xấu làm ít nhất 3 người chết và 179 người bị thương còn ở Ý tàu cao tốc Freccia Rossa đã ra khỏi đường ray làm 2 người chết và 31 người bị thương. Rồi nạn xả súng ở Mỹ đã lan đến Thái lan: Một binh sĩ ở thành phố Nakhon Ratchasima đã bắn 29 người chết và 57 người bị thương, ở Củ Chi Tuấn khỉ cũng xả súng bắn chết 5 người!
Cùng thời điểm là thảm họa virus xuất hiện ở Vũ Hán càng làm cho thế giới nhỏ bé này run sợ và điêu đứng. Hiện bệnh dịch đã lây lan toàn bộ 31 tỉnh thành của Trung Quốc cùng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong của viêm phổi nCoV vẫn là ẩn số.
Các chuyên gia phác thảo hai kịch bản có thể xảy ra đối với dịch viêm phổi do virus corona: ngăn chặn thành công hoặc lan tràn thảm khốc, hàng tỉ người lây nhiễm. Có người còn cho rằng, ngay cả khi đại dịch này qua đi thì sẽ có một đại dịch khác, có thể là thảm khốc hơn nhiều!
Những bệnh dịch truyền- nhiễm- mới lây lan từ động vật qua người chắc chắn sẽ là mối hiểm hoạ không tránh khỏi cho loài người. Thay đổi khí hậu, biến đổi môi trường, phá rừng, lấp sông, vá biển, đô thị hoá đã làm thay đổi toàn hệ sinh thái. Cuộc sống con người cũng đang chen chúc ở những thành phố đông đúc và kết nối dễ dàng bằng đường hàng không thì mầm bệnh, sự lây lan rất dễ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Cựu cố vấn Chiến lược Nhà Trắng Steve Bannon cho rằng đây là một thảm họa Chernobyl sinh học còn Tổng giám đốc WHO thì cảnh báo: “Virus này có thể gây những hậu quả nghiêm trọng hơn bất cứ cuộc tấn công khủng bố nào". Tính đến nay (18/2), có gần 1.800 người tử vong, hơn 70.000 người nhiễm bệnh. Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly trên vịnh Yokohama, Nhật Bản với 3.700 người đang sống trong lo sợ, tổng số người nhiễm virus Corona này trên du thuyền lên 450 khiến mọi người càng thêm lo lắng.
Thấy tình hình dịch bệnh đang lan rộng, các em và bạn bè nhắn tin hay gọi điện khuyên tôi hãy dời ngày, đừng về VN vội. Sự chọn lựa về hay ở thật không dễ. Tôi còn phải về SG để duyệt lần cuối hai bản thảo tập truyện Một Phút Tự Do của Elena (đang tái bản) và tiểu thuyết Trò Chuyện với Thiên Thần.
Trong khi cả nước Úc vẫn chưa hoàn hồn sau những trận cháy rừng kinh thiên động địa, và thế giới đang hỗn loạn vì dịch viêm phổi thì mới đây một siêu bão Ciara càn quét châu Âu khiến hàng trăm chuyến bay, tàu hỏa và nhiều hoạt động ở Anh và Bắc Âu bị hủy. Hà Lan, Đức đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mấy tháng trước (10/2019) siêu bão Hagibis cũng đã tấn công nước Nhật, phá hủy nhiều công trình, gây ngập lụt, lở đất và cầu đường bị sập.
Khi thế giới đang hoảng sợ với virus COVID-19 thì người dân bản địa của Thung lũng Rift Châu Phi cảnh báo bệnh dịch châu chấu đang bùng phát khắp vùng đồng bằng Eritrea và Sudan. Có một đàn châu chấu đã băng qua Biển Đỏ và một đàn khác đang di chuyển rầm rộ về phía Ai Cập, đến Uganda và Tanzania.
Châu chấu là loài gây hại lâu đời, trên mỗi km vuông có thể lên tới 40 triệu con, bay 150 km mỗi ngày và chỉ trong một ngày ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người!
Chuyện gì đang xảy ra cho trái đất? Sắp đến ngày tận thế chăng? Cuộc khủng hoảng sinh thái đang lấp ló, mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt, và sự trỗi dậy của các công nghệ đột phá mà không thân thiện với con người .. không còn là những mối lo của riêng ai.
Bằng cái nhìn kiêu ngạo và thiển cận, con người đang dùng một chút hiểu biết về khoa học để đi ngược trật tự thiên nhiên, có khác gì nàng Pandora trong thần thoại Hy Lạp mở chiếc hộp niêm kín để những nỗi thống khổ vĩnh cửu thoát ra gây hại cho loài người. Bất hạnh bay ra tràn ngập thế gian.
Chẳng lẽ thế hệ chúng ta sắp được nhìn thấy hành tinh này sắp sửa rung chuyển?
Tận thế mang nhiều hình dạng. Nó đến từ lúc con người tự hủy hoại điều tốt đẹp nhất của mình. Từ khi chúng ta không sống, mà chỉ tồn tại và tất cả đều cảm thấy cô đơn và sợ hãi!
Milano 2-2020