Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

KỂ CHUYỆN GÀ
BÀN VỀ CHÂN TÍNH VÀ Ý CHÍ TỰ DO.




C ậu Bé bẩy (7) tuổi ở thành phố về vùng quê nghỉ hè và lần đầu tiên được  ngắm nhìn Gà  Mẹ dẫn đàn Gà Con đi kiếm ăn ở ngoài vuờn.  

Gà Mẹ di chuyển đến đâu cũng không bao giờ quên kêu “cục, cục” để cả đàn gà con biết   mà chạy theo mẹ. Gà Mẹ có lúc dáo dác ngó quanh để kiếm mồi, có lúc liên tục bới tung  đất lên để tìm thức ăn cho con. Tìm được bất cứ con sâu, con bọ, hay con giun, con dế  nào, và bất cứ thứ nào có thể ăn được thì Gà Mẹ cũng lại “cục, cục” gọi gà con tới ăn. Bọn  Gà  con mới bé chút síu thôi mà đã biết mổ nhau, biết đá nhau chí choé để dành giật miếng  ăn.   

Gà mẹ thỉnh thoảng cũng có lúc kiếm ăn cho chính mình nhưng thường thì nó nhường  phần ăn kiếm được cho các con. Khi bới được con giun to, dài thì Gà Mẹ cũng biết lấy mỏ chia phần ăn đó thành nhiều phần nhỏ cho các con ăn. Cậu Bé xem cảnh sinh hoạt của bầy gà như thế thì thích thú quá, muốn được nhìn ngắm chúng thật lâu, thật gần, và còn muốn làm sao bắt được một chú gà con xinh xắn dễ yêu như thế vào lòng bàn tay để nắn bóp, vuốt ve.  Nhưng gà Gà Mẹ và Gà Con luôn giữ khoảng cách an toàn, tìm cách tránh xa, không khi nào để cậu bé tới gần. 

Cậu bèn vào nhà lấy ra một ít gạo và cậu vung rải gạo xuống đất để quyến dụ gà tới ăn, để được nhìn ngắm chúng cho thỏa thích, và còn hy vọng có thể tóm được vào tay một chú gà  con nào đó mà nựng nụi, vuốt ve như đã nói.                                                                                  

Sau khi cả đàn gà đã mổ hết những hạt gạo ở xa, thì Gà Mẹ vẫn còn giữ khoảng cách xa với cậu bé và vẫn kêu “cục, cục” như để nhắc nhở đàn con luôn luôn để ý tới sự an toàn.      

Nhưng Mấy chú gà con tham ăn thấy cậu bé lúc đó đã ngồi xổm xuống đất bất động, tỏ vẻ thật hiền và không chút nguy hiểm nào đối với chúng, nên rốt cuộc cũng có hai chú gà con tham ăn  mon men tới mổ những hạt gạo trong tầm tay của cậu. 

Dịp may chờ đợi đã tới, cậu bé vội đưa tay ra để chụp lấy chú gà con tới gần cậu nhất, và tưởng là sẽ bắt được nó. Nào ngờ tay cậu chưa chạm được tới Gà Con thì Gà Mẹ từ xa đã  nhanh như một ánh chớp phóng mình tới tấn công, chân dương móng đạp và mỏ mổ thẳng vào mặt cậu, dũng mãnh, quyết liệt và hoàn toàn bất ngờ khiến cậu bé hốt hoảng phải lùi ngay lại. Tâm thần cậu bé chấn động mạnh và cậu thấy nể sợ Con Gà Mẹ này, lẫn với cả lòng  tôn trọng nó nữa. Ý định bắt gà con vào tay cậu bỗng chốc tiêu tan.     


Lẽ tồn sinh (survival, preservation of life) và lẽ an sinh (security of life) là áp lực thường trực, triền miên và vô cùng nghiệt ngã trên đời sống con người cũng như trên muôn loài muôn vật sống trên thế gian. Đứa bé còn ở tuổi bú sữa, thật ngây thơ, trong sáng, mà đói thì nó cũng  sẽ giật bình sữa của đứa nằm bên cạnh để nhét vào miệng nó. 

“Boat people” là những người liều mình vượt biển đi tìm tự do, mà sắp cùng chết đói chết  khát hết cả với nhau, thì ngay khi người đầu tiên trong bọn họ ngã ra chết, những người còn thoi thóp sống cũng đành lòng xẻ thịt người mới chết ra chia nhau ăn để mà sống! Con gà mái trong câu chuyện kể trên chỉ trong một thoáng chốc, trong một phản xạ tức thời, vì tình yêu con, đã cùng một lúc vượt qua lẽ an sinh lẫn lẽ tồn sinh của bản thân, để quyết liệt và vô cùng dũng mãnh tấn công một đối tượng mà nó thường vẫn sợ hãi tránh xa vì sự an toàn của nó. 

Đây chính là phút giây Mẹ Gà sống với ý chí hoàn toàn tự do. 

Đây cũng chính là lúc chân tính tự nhiên (Trời cho) của nó được hiển lộ.  

Đây cũng chính là giây phút sống hiển vinh nhất của kiếp Gà.(*) 

Thì ra trong con gà mái tầm thường và hèn kém kia lại thường trực ẩn chứa một tình yêu tuyệt vời cao cả nhất. Vì “không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống của chính mình cho người mình yêu” (Lời Chúa Giêsu). Con gà mái tầm thường và hèn mọn này đã biểu hiện một tình yêu điển mẫu cho chính con người chúng ta noi theo.  

  (ngày 3 tháng 2, 2017)

*Chân tính chỉ hiển lộ khi vượt thoát ra khỏi ách kiềm toả khống chế của lẽ an sinh và lẽ tồn  sinh.            
*Đạo là con đường phát triển tự nhiên theo thiên hướng của chân tính, đó là Đạo Trời.
  *Trong lẽ tồn sinh và an sinh của đời sống thì đạo lý hiển sinh là chủ đạo.   
*Đạo Đức ở trong Trời Đất và được cảm nhận trong lòng người

Ghi thêm :
Nhân bàn về chuyện gà, ta hay nghe vấn nạn trong dân gian: "con gà có trước hay quả trứng có trước". Sự thực, đây là câu hỏi cắc cớ trong dân chúng đố nhau cho vui. Vì dân quê đều biết rằng nếu không có chú Gà trống đạp mái, trứng trong gà mái không nhận được tinh đực của gà trống, trứng trong con gà mái không được thụ tinh của gà trống , thì dù gà mái có ấp  trứng, trứng không thể nở ra gà con được. 
Thời học trung học, thế hệ chúng tôi đều biết rằng chính các con ong, các con kiến đậu trên các hoa để hút mật, vô tình đã chuyển "phấn đực" tới kết hợp với "noãn cái" cái của cây, để  noãn cái được thụ tinh, và kết thành quả. Ta không thể đặt câu hỏi "trứng gà có trước hay  con gà có trước" là câu hỏi có ý nghĩa triết học được. Nếu trứng trong bụng của gà mái mẹ  đẻ ra, mà trước đó không có việc gà trống đạp gà mái để kết hợp tinh (trống) với trứng  trong lòng gà mái, thì dù gà mái ấp trứng (mà nó đẻ ra ) cách nào cũng không thể nở ra gà con được.  
 Bài này Trần Thứ Đào Trọng Vinh viết để chống  hai  triết gia vô thần là: Bertrand Russell khi ông nói: "There is no such thing as moral feeling"    
 B .S. Skinner khi ông nói   "there is no such thing as free will" 
Hai ông triết gia vô thần này phá hoại đạo đức trong lòng giới trẻ trên toàn thế giới.
Ghi thêm của Chu Tấn:
Cậu bé 7 tuổi khi xưa chính là nhà nghiên cứu Văn Hóa TRẦN THỨ ĐÀO TRỌNG VINH hiện nay…





VVM.12.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com