Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BÁC KHÔNG LÀ CÁ,
SAO BIẾT ĐƯỢC CÁI VUI CỦA CÁ?




T rang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào.

Trang Tử nói: “Cá bơi chơi thong thả, đó là cái vui của cá”

Huệ Tử đáp:”Bác không là cá, sao biết được cái vui của cá?”

Trang Tử nói:”Bác không là tôi, sao biết tôi không biết (được) cái vui của cá?”

Huệ Tử nói:” Tôi không là bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác vốn không là cá, thì hẳn là bác không biết được cái vui của cá.”

Trang Tử nói: “Xin nói lại từ gốc. Bác hỏi tôi sao biết được cái vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết mà còn hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó trên sông Hào”.  

Tử phi ngư, an tri ngư chi lạc?

Trang Tử dữ Huệ Tử du ư hào lương chi thượng.

Trang Tử viết: “Du ngư xuất du thung dung, thị ngư lạc dã”

Huệ Tử viết: “Tử phi ngư, an tri ngư chi lạc?”

Trang Tử viết: “Tử phi ngã, an tri ngã bất tri ngư chi lạc?”

Huệ Tử viết: “Ngã phi tử, cố bất tri tử hĩ. Tử cố phi ngư dã, Tử chi bất tri ngư chi lạc toàn hĩ”

Trang Tử viết: “Thỉnh tuần kỳ bản. Tử viết: ngã an tri ngư lạc vân giả ký dĩ ngô tri chi nhi vấn ngã. Ngã tri chi hào thượng dã”  

Tai ta nghe được tiếng chim hót, nhưng chỉ lòng (tức Tâm) ta mới cảm nhận được cái vui của chim hót chào đón bình minh sau một đêm dài tăm tối. Mắt ta thấy được cá bơi, nhưng chỉ lòng (tức Tâm) ta mới cảm nhận được cái vui của cá bơi tung tăng dưới nước.

Cái vui của chim hay của cá là vô hình, vô ảnh, nên cái vui ấy là phi vật chất (immaterial), là siêu hình (metaphysical) và lòng ta không những cảm nhận được cái vui đó của chim của cá – ta gọi đó là tâm cảm- mà còn tin chắc cái vui mà tâm ta cảm nhận được là có thật – ta gọi đó là tâm tín.

Trang Tử cũng có tâm cảm và tâm tín như thế, nên ông xác quyết rằng ông biết cái vui của cá khi ông nhìn ngắm cá bơi ở sông Hoài. Nhưng ông không trả lời được câu hỏi đầy thách thức về mặt luận lý (logic) của Huệ Tử, “không là cá, sao biết được cái vui của cá?”

Làm sao biết được ư? Thưa biết được chứ. Như đã trình bày ngay từ đầu, đó là biết bằng tâm cảm (psyche reception) (1) hay theo cách nói của Tây phương là biết bằng trực giác (intuition) (4). Ngắm nhìn cá bơi rồi do tâm cảm mà nhận biết được cái vui của cá, do tâm tín mà xác quyết được cái vui ấy là có thực.  Nếu Trang Tử có thêm người cùng ngắm cá bơi với mình và cùng cảm nhận được cái vui của cá bơi tung tăng dưới nước như Trang Tử thì Tâm tín của Trang Tử được thực chứng (justified belief).

Tuy nhiên có những người nghe chim hót nhưng lại vô tâm, vô cảm, hoặc tâm của họ đang vướng bận (ta gọi là tâm hướng) vào sự việc khác, thì tai họ tuy có nghe, có thể phân biệt và nhận thức được những cung bậc âm thanh đặc biệt của tiếng chim hót, nhưng lòng họ đã thành vô cảm (psyche desensitization, frozen to psyche reception, insensitiveness) và do vậy chẳng thể nào nhận biết được cái vui của chim hót chào đón bình minh.

Cuộc tranh cãi giữa Trang Tử và Huệ Tử được truyền tụng như trên, chưa chắc đã hẳn là cuộc tranh luận thật sự xảy ra mà chỉ là bày đặt ra để vạch rõ khả năng giới hạn của luận lý đối với “cái biết,” vốn dĩ là đối tượng nghiên cứu của tri thức học Tây Phương (epistemology, narrowly defined as the study of knowledge and justified belief).

Từ lúc sơ sinh, và ngay cả khi còn là bào thai trong bụng mẹ, khi khởi đầu giao tiếp và tương tác với thiên nhiên và ngoại giới,con người chúng ta đã bắt đầu khám phá ra và thấu hiểu được lý nhân quả trong mọi tương tác, vận hành, biến đổi, của người, của vật và cả vũ trụ trời đất. Lý trí (reasoning) do đó được thành lập ngay khi ta còn là bào thai trong bụng mẹ.

Người bình thường như chúng ta khi nhìn trái táo rơi (bằng giác quan) chỉ thấy được sự rơi của trái táo xuống đất, mà không nhận ra sức hút của trái đất (gọi là trọng lực) tác động lên trái táo và làm cho trái táo rơi. Chúng ta cũng không nhận ra được luật vạn vật hấp dẫn như Newton (nghĩa là trái táo và trái đất hút lẫn nhau, chứ không phải chỉ có trái đất hút trái táo), để ông được coi là ông tổ của vật lý học cổ điển.

Cũng do tâm cảm, bằng trực giác, mà Einstein biết được vật chất chỉ là dạng khác của năng lượng, và ông đưa ra phương trình e = m.c2 (m.c squared), được coi là phương trình của Thượng Đế ban cho (God’s equation). Phương trình này cho phép ta tính được trị số năng lượng chứa trong một khối lượng vật chất. Phương trình này là căn cứ dẫn đến lý thuyết Big Bang, và Black Hole để giải thích sự hình thành và phát triển của vũ trụ, và Einstein được coi là người khai sáng ra vật lý hiện đại.

  Ghi chú:
1. Tâm cảm: Psyche Reception, thuật ngữ tiếng Anh do người viết đặt ra, the ability to understand or know something directly and immediately by using your psyche rather than by carefully considering the facts/or the knowledge gained by the process. “Psyche Reception” is coined the same way as the term “magneto reception” which was coined by scientists who study “the navigating ability of migrating birds”.
2. Tâm thức (psyche consciousness/ knowledge gained by and embedded in one’s psyche).
3. Cái “biết” (knowledge, awareness, consciousness, understanding)
4. Trực giác (Intuition, the ability to understand or know something directly and immediately by using your feelings rather than by carefully considering the facts)  





VVM.18.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com