Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

DỊCH GỈA PHÙNG THĂNG



         Bài viết về dịch giả Phùng Thăng trên Đặc San Trần Quý Cáp Hội An Hải Ngoại năm 2014 nay được cô Minh Ngọc ở San Jose post trên FB của tôi. Cảm ơn cô MN đã chuyển bài viết nầy vì đã lâu và có nhiều bài viết nên tôi không nhớ hết.

        Dịch Giả Phùng Thăng (1943-1975) cố Giáo Sư Triết Trung Học Trần Quý Cáp Hội An.
         - VTrD


T rước đây, trong phần Giới Thiệu Sách Báo như thường lệ trên nguyệt san Tân Văn, khi giới thiệu về Thư Quán Bản Thảo số 56, tôi đã viết: “Thư Quán Bản Thảo số 56, tháng 6 năm 2103 đã được ấn hành và gởi đến thân hữu, độc giả khắp nơi. Trải qua 13 năm, số 56 nầy tưởng chừng đình bản vì tai nạn xảy ra trong gia đình anh Trần Hoài Thư – chị Nguyễn Ngọc Yến, hiền thê của anh – bị stroke, phải nằm bệnh viện để điều trị vào cuối năm 2012, trước ngày ấn hành TQBT số 55…”.

TQBT do anh Trần Hoài Thư chủ trương và vài thân hữu cùng nhau thực hiện nhưng “cánh tay đắc lực” nhất là chị Nguyễn Ngọc Yến âm thầm hỗ trợ cho chồng để hoàn thành “đứa con tinh thần” cho đến khi đến tay thân hữu và bạn văn. Vì vậy, số phận của TQBT tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của anh chị.

Trải qua một năm chăm sóc người bệnh. Tháng Giêng năm 2014, Trần Hoài Thư viết những dòng chia sẻ:

“Bây giờ tôi trở thành một kẻ nội trợ săn sóc nhà cửa. Cả năm nay Y. chỉ quanh quẩn với xe lăn, cùng căn phòng bề bộn thuốc men, và cây kiểng. Tôi phải làm những gì mà Y. đã làm trước đây. Đổ rác. Dọn dẹp nhà cửa. Rữa chén bát. Giặt giũ quần áo. Viết bill. Đây là những việc mà cả đời tôi chẳng bao giờ đụng tay vào. Nhưng cuối cùng, hoàn cảnh đã bắt một lão già, lẽ ra hưởng già, hưởng nhàn, thì bây giờ phải túi bụi, nhọc nhằn hơn ai.

Tôi có thể bán cái cho nursing home mà. Tôi có thể đẩy Y. vào một nơi được lập ra để giúp tôi hưởng già mà. Tôi có đầy đủ lý do, không cảm thấy xấu hổ, hay hổ thẹn với lương tâm, vì tôi không còn đủ sức để lê đôi chân bị Gout, hay phải bị kiệt lã vì tuổi già sức yếu. Cái quyết định vào nursing home là quyết định của Y. cũng vì những lý do ấy. Hy sinh đời mình vì không muốn thấy nỗi khổ nạn của kẻ khác. Và đó cũng là quyết định của cô thuộc sở xã hội được phái đến để thẩm định hoàn cảnh chúng tôi. Cô hỏi Y. bà có muốn vào nursing home không. Y. trả lời yes. Tôi nói là tôi không muốn để vợ tôi vào đấy.

Nhưng cô nói ông đừng bận tâm. Nếu ông không lo được cho bà thì hãy để người khác lo cho bà. Ông hãy giữ gìn sức khỏe của ông trước tiên. Ở trong nursing home, có người sẽ tập cho bà đi đứng…

Tôi nghe lời bà. Và ký vào giấy để Y. vào nursing home…

… Vậy mà cuối cùng tôi lại gọi bà để xin được hũy bỏ. Tôi nói là tôi không thể để vợ tôi vào. Tôi có thể gánh vác trách nhiệm như là một primary caregiver. Tôi cũng gọi cô cán sự xã hội. Tôi cũng gọi sở xã hội. Họ đều nói chúng tôi hiểu và thông cảm. Họ không quên chúc tôi một mùa Lễ đầy vui tươi hạnh phúc.

Tôi đã chọn cho tôi một quyết định. Tôi không cần nghĩ ngợi đắn đo gì hết. Tôi không cần biện giải gì hết. Chọn và chấp nhận. Bởi vì lúc này Y. rất cần tôi. Và tôi cũng rất cần Y…”.

*

Tôi gặp Trần Hoài Thư lần đầu tiên tại Vũ Đình Trường ở Trường BB Thủ Đức vào tháng Giêng năm 1967, cách đây hơn 47 năm. Khi đó chúng tôi ở trong Ban Bao Chí của liên khóa SVSQ (23 & 24) đảm trách nguyệt san của quân trường nầy. Trần Hoài Thư từ nhà giáo trở thành kẻ bất cần đời, một thời sống phiêu bạt giang hồ, trinh sát, nay đây mai đó, cơm hàng cháo chợ, ngủ với “khách sạn ngàn sao”, vào sinh ra tử… Thế nhưng, tuổi già, Trần Hoài Thư đã “chôn chân một chỗ” với hiền thê nơi xứ lạnh. Và, mối tình già của anh chị rất cao đẹp, quý hiếm, thuận vợ thuận chồng với tấm lòng muốn làm sống lại “Di Sản Văn Chương Miền Nam” trước năm 1975. Ngoài các công trình qua các tác phẩm đã ấn hành, Thư Quán Bản Thảo là minh chứng cụ thể.

Tờ Phụ Nữ Tân Văn ngày 10/3/1932 trình làng bài thơ Tình Già của Phan Khôi (1887-1959), lúc đó tác giả vẫn còn trẻ.

“Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi, tình trước phụ sau!...
… Hai mươi bốn năm sau.
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi”.

Bài thơ Tình Già ẩn chứa mối tình dang dở nhưng vẫn canh cánh trong lòng. Khi nhắc đến Thơ Mới thời tiền chiến, đây là bài thơ tiêu biểu. Ở tuổi thất thập, Trần Hoài Thư chia sẻ cùng thân hữu và bạn văn tình già của anh với người bạn đời mối tình hiếm có, cao đẹp và trân quý.

Qua bốn thập niên chung sống với nhau, tình già của Trần Hoài Thư bày tỏ vối 4 câu thơ trong thi phầm Xa Xứ ấn hành năm 2010:

“Cảm tạ mỗi ngày em vẫn cho tôi Niềm vui khua dòn trên bàn máy gõ Những niềm vui mỗi ngày mọc lên nho nhỏ Xứ xanh hoài trên khung cửa hồn tôi”.

Sách ơi! Thư ơi! Khi cha mẹ đặt tên anh và bút hiệu anh chọn như định mệnh đã an bày. Chị Yến mang lại cho anh mùa xuân trong hành trình với chữ nghĩa. Chị Yến cho anh nhựa sống, niềm vui, hơi thở… nhưng chẳng may lâm bệnh và anh đền đáp lại niềm an ủi vô biên cho chị. Phạm Văn Nhàn viết: “Phải chi chị Yến đừng ngã bịnh thì có lẽ giờ phút nầy, cho dù miền Đông Bắc Hoa Kỳ có đổ những cơn bão tuyết nặng đến đâu chăng nữa thì hai anh chị cũng lái xe đến thư viện Mỹ để tìm thêm tư liệu để viết. Đằng này, mỗi ngày hầu như hết 98% thời gian anh phải chăm sóc cho người vợ đáng thương kia. Chỉ cón 2% thời gian trong ngày mà anh vẫn không bỏ ý định làm nên những sự việc văn học”.

Trước khi chị Yến lâm trọng bệnh, hai vợ chồng ngày đêm lui cui ở basement với “nhà in tự chế” để in, xếp trang, đóng, cắt, gói… rồi ra Bưu Điện gởi tặng thân hữu. Tác phẩm & Thư Quán Bản Thảo không bán, chỉ biếu, và tùy lòng hảo tâm của thân hữu, bạn văn đóng góp. Trải qua thời gian dài vẫn như vậy. Từ trước đến nay, ở hải ngoại chưa có ai hy sinh công sức và tiền bạc để theo đuổi hoài bão như vậy. Trong blog của TQBT có ghi: “Muốn có báo xin gởi thư về chúng tôi. Nếu ngại phải mang nợ thì kèm tem, kèm tiền. Nhưng hãy để chúng tôi có được cái quyền từ chối để chứng tỏ có tiền nhiều khi mua TQBT cũng không được! Nếu ở trong nước thì chờ có ai quen về VN, nhờ họ mang về dùm”.

Mỗi lần đi tìm tài liệu để thực hiện chủ đề cho TQBT, từ New Jersey, khoảng 5 giờ lái xe đến thư viện đại học Cornell ở vùng thượng tiểu bang New York, khoảng 3 giờ lái xe đến thư viện đại học Yale ở tiểu bang Connecticut. Đó là hai thư viện chính được lưu trữ sách, báo của Việt Nam. Ngoài ra còn có vài thư viện nhỏ ở Miền Đông HK được bạn bè giới thiệu. Giờ đây, THT không còn thơi gian rong ruổi!

*

Thư Quán Bản Thảo số ra mắt sau biến cố 9/11 đến nay đã được 14 năm. TQBT 59 “Tưởng Niệm Phùng Thăng”, nữ dịch gỉa nổi tiếng đã chết thê thảm vào tháng 6 năm 1975 bởi quân tàn bạo Khmer Đỏ. Gần bốn thập niên qua, hình ảnh Phùng Thăng đã phai mờ theo năm tháng!


Trong TQBT 59, anh Trần Hoài Thư cho biết: “Với số báo kỳ này, bề dày là 280 trang, thì hai trăm trang đều dành cho PT. Đó là một chuyện lạ lùng khi tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ làm nổi. Sao mà làm được khi tôi là một primary caregiver phải tất bật với những công việc phải chăm sóc một người bạn đời bị bán thân bất toại, tôi không thể rời nhà hơn một tiếng đồng hồ, khi mà PT ra đi chẳng để lại dấu vết. Hay chẳng ai bận tâm nhắc nhở… Ngay cả những tác phẩm mà PT để lại cho đời cũng xem như mõi mắt trông tìm như Buồn Nôn, Những Ruồi, Sói Đồng Hoang… Vậy mà bây giờ tôi có đủ. Có cả chứng liệu Koh Tang. Có cả Thổ Chu. Có cả hồi ký của ông đại sứ… Có cả cảnh hai mẹ con bị trói chặt… Có cả học trò viết về cô giáo dạy Triết lúc cô mới 23 tuổi, mà bây giờ, cứ nhắc đến một mùi hương kỳ lạ, và một màu áo đen không bao giờ quên, hay có cả những Kẻ Lạ Ở Thiên Đường, một tác phẩm mà chưa ai nhắc, khi PT quyết tâm dịch, dù sau những ê chề bởi những trang phê bình hằn học chê bai về cuốn “Những Ruồi”…

Ví dụ cuốn Kẻ Lạ Ở Thiên Đường của Simone Weil do PT dịch. Người thân của PT cho biết bản thảo đã bị thất lạc sau năm Mậu Thân. Tìm trên Net, không có dấu vết. Tìm qua các thư mục trên mạng của Yale, Havard, Cornell hay Quốc Hội Hoa Kỳ: cũng không. Tìm ở thư viện Sai Gòn, Hà Nội có tầm cở quốc gia cũng không. Vậy mà tôi lại tìm ra nó – tại một thư viện tỉnh…”.

Dịch giả Phùng Khánh - Ni Sư Trí Hải (1938-2003) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh và dịch giả Phùng Thăng (1943-1975) là hai chị em ruột. Gia đình hoàng tộc rất mộ đạo Phật. Thân phụ là cụ Nguyễn Phước Ứng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh. Phùng Thăng theo học ban Triết, Đại Học Văn Khoa Huế. Giáo sư Triết tại trường trung học Trần Quý Cáp Hội An năm 1966, mới 23 tuổi. Trong thời điểm đó vì không khí chính trị ngột ngạt ở địa phương nên lên nương thân ở Di Linh và dạy Anh Văn trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Sau khi chia tay với người bạn đới Trần Xuân Kiêm (Chơn Hạnh), Phùng Thăng về Sài Gòn.

- Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse (dịch chung với Phùng Khánh) năm 1965

- Buồn Nôn của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm 1967

- Những Ruồi của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm 1967.

- Sói Đồng Hoang của Hermann Hesse (PT dịch chung với Chơn Hạnh) năm 1969.

- Kẻ Lạ Ở Thiên Đường của Simone Weil (Phùng Thăng dịch). Tác phầm nầy ấn hành năm 1973, trong phần giới thiệu, dịch giả bày tỏ tất cả nỗi lòng tiềm ẩn.

Ngoài ra, bản thảo bị mất:

- Thế Giới Thiền (The World of Zen) edited by Nancy Wilson Ross, New York 1960, do nhà xuất bản Thanh Hiên (bị mất bản thảo sau biến cố Mậu Thân).

- Theo Dấu Tình Yêu (Tác phẩm luận đề).

- Chỉnh Lý Tư Tưởng Tây Phương (tác phẩm luận đề - luận án tốt nghiệp cử nhân Triết).

- Thư cho Tiểu Phượng - Tuyển tập nhiều người viết: Linh Thoại, Phùng Thăng, Nhất Kiếm, Thiên Tứ.

Với bút hiệu Tuệ Không (sau nầy Phạm Thiên Thư lấy pháp danh Thích Tuệ Không), đổi sang Huệ Minh qua các bài viết về Triết Học và Phật Học.

Sau biến cố tang thương 30-4, đầu tháng 5-1975 Phùng Thăng dẫn con gái Tiểu Phượng mới 9 tuổi tìm đường vượt biên (Tiểu Phượng là con gái của Phùng Thăng và Trần Xuân Khiêm). Theo ghe ra đảo Thổ Chu thuộc Kiên Giang với hy vọng được tàu Mỹ đón nhưng quá trễ. Quân Pol Pót lợi dụng lúc đảo không còn chính quyền, tấn công chiếm đảo vào ngày 10 tháng 5, lùa theo 515 người giải vế đất Kamphuchia. Sau nhiều năm bặt tin, năm 1981 anh Trần Xuân Kiêm lên Đà Lạt gặp thầy Chiêm. Theo lời thầy Chiêm thì không chết trên biển mà chết tập thể cùng với con gái và người cháu ruột. Oâng nói bị đập đầu vào gốc cây mà chết… khoảng 10 tháng 6 năm Ất Mão (1975). Vì vậy Ni Sư Trí Hải chọn ngày ấy làm ngày giỗ Phùng Thăng. Di ảnh mẹ con chị được đặt tại chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận, Sài Gòn.

TQBT 59, số Tưởng Niệm Phùng Thăng với các bài viết của Trần Hoài Thư, Thái Kim Lan, Phạm Văn Nhàn, Phay Van, Thinh Văn, Đào Anh Dũng, Trần Văn Nam… THT và Nguyễn Lệ Uyên phỏng vấn những cây bút nói về Phùng Thăng: Nguyễn Vy Khanh, Khuất Đẩu, Diệu Hoa. Văn liệu sưu tầm trích từ bản dịch của Phúng Khánh và Phùng Thăng. Thơ của Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Đức Sơn, Huy Tưởng, Đinh Cường, Trần Thị Nguyệt Mai…

Hình bìa TQBT 59 với chân dung Phùng Thăng và bé Tiểu Phượng qua nét vẽ Đinh Cường. Ảnh tư liệu sưu tầm được do thân hữu chuyển cho ĐC & THT. Theo quan niệm của Nguyễn Vy Khanh: “Với văn học miền Nam thời 1954-1975 cũng như đối với văn học nói chung, dịch thuật đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, trong việc phổ biến, tiếp cận các khuynh hướng văn chương của nước ngoài cũng như sáng tạo văn học nghệ thuật; bộ phận dịch thuật và văn học nước ngoài phát triển thì các ngành văn học cũng phát triển, cập nhật theo… Phần đóng góp của hai dịch giả (Phùng Khánh & Phùng Thăng) dù không nhiều về số lượng như các dịch giả khác, nhưng thật sự đáng kể trong cuộc vận động văn nghệ và văn hóa sau năm 1964…”.

*

Như đã đề cập ở trên, trước khi nói về TQBT 59, viết lung khởi về trường hợp hiện nay của anh chị THT để nói lên tấm lòng và sự quyết tâm của anh về hình ảnh dịch giả Phùng Thăng đã chết thê thảm lúc còn trẻ. Phùng Thăng đã đóng góp cho nền dịch thuật văn học Miền Nam nhưng bị lãng quên với số phận nghiệt ngã của chị. Điều đáng xấu hổ, ở trong nước ấn hành bản dịch của Phùng Thăng nhưng để tên dịch giả ở trang bìa sau. Theo lời người bạn văn nói với tôi, không để tên Phùng Thăng mà lấy tên lạ hoắc nhưng đối chiếu y chang! Trong Thư Tòa Soạn, anh THT chỉ viết: “Với niềm mong mỏi vô biên: Hãy trả những gì của Phùng Thăng về lại cho Phùng Thăng”.

Bản dịch Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse (Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành vào các năm 1965 và 1966, nhà xuất bản An Tiêm vào năm 1967) sau nầy Hội Nhà Văn Việt Nam ấn hành “chôm” nguyên tác bản dịch đã gây lùm xùm trong dư luận.

Quý thân hữu và bạn văn muốn có món quà lưu niệm TQBT nầy, liên lạc với THT qua email tranhoaithu@verrizon.net

Little Saigon, 4-2014 - 2021





VVM.18.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com