Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐẠI HỌA CHỈ VÌ KHOÁI KHẨU VÀ HÁM LỢI




T rên trang nhất báo Lao Động số ra ngày 18-1-2001, nhà báo Phạm Hiếu có bài điều tra theo thư bạn đọc với đầu đề "Chẫu chuộc và rắn nước có phải là động vật hoang dã ?". Bài báo phản ánh việc Trung tâm nuôi và tiêu thụ thủy đặc sản Dinh Kế - Bắc Giang, đã bị Hạt kiểm lâm Hữu Lũng bắt giữ và tịch thu một khối lượng lớn rắn nước và chẫu chuộc. Theo số liệu báo nêu thì chỉ trong 3 ngày 18, 26 và 28-12-2000, Trung tâm này đã vận chuyển lên Lạng Sơn 2283 kg chẫu chuộc và 105 kg rắn nước từ Nghệ An lên biên giới Lạng Sơn. Trong 3 lần vận chuyển, Trung tâm đã bị phạt và tịch thu 2 lần. Số tiền phạt lên đến 35 triệu đồng. Duy có lần vận chuyển 1000 kg chẫu chuộc trong ngày 26-12-2000 thì đi được trót lọt vì đã xuất trình các giấy tờ thủ tục theo yêu cầu. Trước sự kiện này, ông Nguyễn Mạnh Quyết, giám đốc Trung tâm Dịch vụ hướng dẫn nuôi và tiêu thụ đặc sản Dinh Kế đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để cầu cứu và nhận được sự ủng hộ của ông Vũ Huy Thủ, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ Thủy sản. Ông Thủ cho rằng "Chẫu chuộc và rắn nước là động vật lưỡng cư thuộc Bộ Thủy sản quản lý" và đề nghị Cục Kiểm lâm xem xét cho ý kiến để Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng giải toả lô hàng nói trên. Mặc dầu vậy, Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên của Cục Kiểm lâm cho rằng ở đây có sự "nhập nhèm" khi đánh đồng chẫu chuộc và rắn nước vào loại động vật lưỡng cư. Trong 2 loại này, chỉ có chẫu chuộc là lưỡng cư, còn rắn nước là bò sát. Ông Bảo cho biết nhà nước chỉ cấm săn bắt các loại động vật từ hoang dã, còn khuyến khích việc nuôi sinh sản tại các trại. Tuy nhiên để vận chuyển, tiêu thụ loại này phải có giấy xác nhận nguồn gốc sinh sản tại trại chăn nuôi của cơ quan kiểm lâm sở tại. Tác giả của bài điều tra đã đi đến kết luận "Như vậy, việc tưởng như đơn giản lại hóa thành phức tạp. Cùng là cơ quan quản lý nhà nước song mỗi nơi hướng dẫn, vận dụng pháp luật một kiểu. Chưa biết ai đúng, ai sai. Chỉ có điều chắc chắn rằng, trong khi cơ quan quản lý nhà nước "mải mê" với những lý luận và quan điểm vận dụng riêng của mình, thì ở giữa, người kinh doanh đã phải thiệt đơn thiệt kép: "chờ được vạ chắc má đã sưng" và không biết có bao nhiêu đơn vị rơi vào cảnh nghịch lý như Trung tâm Dinh Kế- Bắc Giang?"

Là những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về Động vật học và môi trường, hội viên của Hội Sinh thái học Việt Nam, chúng tôi không tán thành lối kết luận trên và xin trao đổi một vài ý kiến sau:

Điều đầu tiên, dù chẳng phải là nhà nghiên cứu hay quản lý động vật thì hầu như ai cũng đã rõ: rắn thuộc lớp bò sát (Reptilia), còn chẫu chuộc thì thuộc vào lớp lưỡng cư (Amphibia). Không thể xếp rắn vào lớp lưỡng cư được dù là rắn nước. Chúng tôi không biết trong số 105 kg rắn nước được vận chuyển lên Lạng Sơn nói trên là thuộc loài rắn nào nhưng với cách phân loại lầm lẫn đến mức xếp cả bò sát vào lớp lưỡng cư thì chắc các người ủng hộ cho việc vận chuyển và xuất khẩu các động vật này khó có khả năng phân biệt được chính xác những con rắn mà Trung tâm hướng dẫn nuôi và tiêu thụ thủy đặc sản Dinh Kế-Bắc Giang đã thu thập và chuyển đi liệu có những loài bị tuyệt đối cấm khai thác hay không? Cần lưu ý rằng trong văn bản quy định của nhà nước, muốn di chuyển hoặc xuất khẩu động vật hoang dã thì phải có giấy phép, trong giấy phép phải ghi rõ đầy đủ tên tiếng Việt và tên khoa học (Điều 2.6 thông tri số 463/KL-BTTN)

Theo những tài liệu điều tra cơ bản về Động vật học thì ở Việt Nam, họ rắn nước (Colubridae) có 101 loài và chia thành 5 phụ họ. Riêng phụ họ rắn nước (Colubrinae) cũng đã có tới 70 loài. Qua điều tra, các nhà khoa học cho biết trên 81% các loài rắn thuộc phụ họ rắn nước ở Việt Nam đều đang ở trong tình trạng suy giảm và được đánh giá là chỉ còn lại ít hoặc rất ít. Trong số đó, có 6 loài trong phụ họ này đã được ghi vào danh mục của sách đỏ Việt Nam cần hết sức bảo vệ. Hầu hết các loài rắn trong họ này đều là những loài săn bắt chuột trong tự nhiên.

Loài chẫu chuộc có nơi còn gọi là con chẳng chuộc. Đồng bào Mường gọi là con chuộc hay con xồng xộc, có tên khoa học là Rana guentheri. Các nhà khoa học dã khẳng định chẫu chuộc là thành phần trong đội quân hùng hậu các loài ếch nhái có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước ta, chúng tích cực truy tìm, tiêu diệt các loài sâu bọ phá hoại mùa màng và các vật chủ trung gian mang mầm bệnh lây lan cho người, gia súc. Chúng hoạt động về ban đêm nên là một lực lượng quan trọng bổ sung cho các loài chim, đội quân tiêu diệt sâu bọ về ban ngày. Có nhiều loài sâu bọ màu sắc biến hóa có thể đánh lừa được mắt chim nhưng chúng không thể thoát khỏi ếch nhái vì ếch nhái có thể đánh hơi và phát hiện rất nhạy đối với các sâu bọ cử động.

Theo chúng tôi, chẫu chuộc và nhiều loài trong họ rắn nước là những động vật hiếm và có lợi cần phải bảo vệ và quản lý chặt chẽ.

Chúng tôi ủng hộ chủ trương: Cấm săn bắt các động vật từ hoang dã, khuyến khích nuôi sinh sản tại các trại. Muốn vận chuyển buôn bán các động vật nuôi từ các trại phải có đủ giấy tờ xác nhận nguồn gốc sinh sản từ trại chăn nuôi của cơ quan kiểm lâm sở tại. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng để nuôi và phát triển động vật hoang dã, trước hết người ta cũng phải có nguồn con giống. Một khi có lợi thì người ta sẽ thi nhau bắt động vật hoang dã về làm giống để nhân lên và phát triển từ đó lại sinh ra những mối nguy hại khác. Thực tế cho thấy loài hươu sao trước đây sống phổ biến trong rừng tự nhiên nhưng ngày nay chỉ có trong các trại nuôi nhân tạo. Thậm chí chúng đã bị biến đổi đến mức nếu mang hươu nhà đem thả lại vào rừng chúng cũng không có khả năng tồn tại. Bởi thế, ngay cả chủ trương khuyến khích nuôi động vật hoang dã hay cho phép xuất khẩu, tiêu thụ cũng cần phải cân nhắc, nghiên cứu và có hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ.

Khi viết những dòng trao đổi này, tình cờ tôi đọc được tin sau: "Nông dân Trung Quốc cho biết họ đang đối mặt với nguy cơ mất mùa nặng do hậu quả của tình trạng ưa chuộng thịt rắn tăng cao trong cả nước. Tân Hoa Xã cảnh báo rằng khoảng 200 giống rắn ở Trung Quốc đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do thịt rắn đang là món khoái khẩu của nhiều người. Điển hình tại một tỉnh ở miền Nam, mỗi ngày người ta tiêu thụ đến 10 tấn thịt rắn. Rắn bị săn lùng ráo riết khiến cho lũ chuột lộng hành và sản xuất nông nghiệp từ đó bị ảnh hưởng nặng nề (BBC)" (Báo Thanh niên số ra ngày 30-1-2001).

Tập quán và sở thích ăn thịt rắn là chuyện của người Trung Hoa, chúng tôi không muốn lạm bàn ở đây nhưng bạn nghĩ gì nếu như người ta cứ ngang nhiên cõng rắn qua biên giới. Chẳng biết lặn lội ngày đêm để bắt được cân rắn (dù là rắn nước), dăm cân chẫu chuộc thì người dân nghèo ở Nghệ An thu được bao nhiêu tiền? Người đi buôn lời lãi bao nhiêu? Chỉ biết rằng nếu cứ đà này thì chuột, sâu bọ lại thi nhau hoành hành. Đói nghèo chưa kịp xóa thì thiên địch lại xuất hiện! Liệu số tiền thu được do xuất rắn và chẫu chuộc có bù đắp nổi những khoản tiền khổng lồ bạc Tỷ mà trung ương, địa phương và người nông dân nghèo phải bỏ ra để mua thuốc trừ sâu, để khuyến mèo? (có tỉnh đã phải trợ cấp mỗi nhà 25.000 đ để nuôi 1 đầu mèo)

Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông. Rắn Trung Quốc cạn kiệt thì chuột Trung Quốc hoành hành. Ai ngăn cản nổi lũ chuột một khi chúng sinh sản quá đà mà không bị kiểm soát. Nên nhớ rằng người đi qua biên giới thì phải có hộ chiếu, visa, chuyển động vật qua biên giới thì phải có giấy phép nhưng lũ chuột, lũ sâu bọ thì có thể ngang nhiên chạy nhảy, bay lượn từ làng này qua làng khác, từ nước này qua nước khác.

Hãy nghĩ lại đi hỡi những người ham ăn của lạ và những kẻ hám lời!

Hà Nội, ngày 3-2-2001





VVM.18.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com