Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




MỘT CHUYỆN VUI VUI TRONG
NHỮNG NGÀY CÔ VỊT CÔ GÀ CHẾT TIỆT







L à người luôn tự xu tự hào nhất, vì là cho tới ngay giờ phút này, đang  được hưởng 50 năm tự do tuyệt vời (và còn đang được hưởng tiếp)không hề bị một sự cương tỏa nào, vì đơn giản là mình chỉ phải làm cho chính mình trong suốt 50 năm nay. Mới đây mình hơi bị buồn một thời gian mấy tháng giãn cách, nhưng rồi sau khi biết suy nghĩ là cả thế giới bị, chứ có phải chỉ mình mình bị đâu nên đang stop buồn, thì may thay lại gặp câu chuyện vui vui nhỏ mà hôm nay mình xin chia sẻ với tất cả các quý bạn ở khắp nơi!

Câu chuyện như sau: 19 năm trước vào năm 2002, mình được một bà bạn ở Mỹ về tặng cho cuốn Catalogue thứ 29 ( mùa Thu năm 2001) của nhà sách Paragon Book ở Chicago bên Mỹ. Là người chơi sách hơi bị kỳ cựu, mình rất biết cuốn Catalogue chuyên nói tới sách nghệ thuật và văn học châu Á của nhà sách rất kỳ cựu này, cuốn nào cũng trên 400 trang và chủ yếu là về China vì chủ nhân là người Trung Quốc chung với đối tác người Mỹ thì phải (điều này mình không dám chắc) nên không dám xác nhận. Nhưng Catalogue của họ thì hà cớ gì mình phải thích và vì sao bà bạn lại tặng? Đơn giản là vì bà bạn tìm thấy trong phần nói về Việt Nam ta, có một tác phẩm dịch thuật của mình được nói tới, và có ghi cả giá bán. Điều này làm mình rất thích, và ngay sau khi nhận được đã ghi vào trang bìa dòng chữ “Xem về cuốn sách dịch của ông Tuấn nơi trang 422”. Đó là cuốn “Hiểu biết về Việt Nam” (Connaissance du Vietnam) cùa hai đồng tác giả là cố Thiếu Tướng Quân Y Huard và GS Maurice Durand. Nhóm thuê mình dịch lúc đó là nhóm thương gia chứ không phải văn nhân nên đã nhờ mình đổi tựa đề Hiểu Biết về Việt Nam thành Việt Nam, Văn Minh và Văn Hóa (Vietnam Civilization and Culture), về phần mình thì mình chịu đổi, nhưng đã cẩn thận ghi ngay dưới tựa đề mới dòng chữ “English version of the work entitled Connaissance du Vietnam by Pierre Huard and Maurice Durand” (Bản tiếng Anh của tác phẩm nhan đề là Hiểu Biết về Việt Nam của các tác giả Pierre Huard và Maurice Durand). Thế rồi khi dịch xong, nhóm này cũng không chịu liên lạc với Trường Viễn Đông Bác Cổ để trả tiền bản quyền, nên mình đã không chịu cho ký tên mình, và để họ ký tên con gái mình sống ở Mỹ là Vũ Thiên Kim, nhưng mọi người ở Sài Gòn thì ai cũng biết người dịch là mình.

Thấy cuốn sách được nhắc tới trong cuốn Catalogue của nhà sách lớn này mình cũng cảm thấy thích thích, và khi thấy giá tiền còn mấy cents là 40US mình cũng thích khi lúc mới in ra ở Việt Nam, giá tiền chỉ là 72 ngàn VND. Cuốn sách ở với mình được 15 năm, tới năm 2017, lại cũng một bà bạn khác một hôm lại xin mượn mình cho ông xã bà xem vì ông cũng có một tác phẩm được nhắc tới trong cuốn Catalogue này. Nhưng, cho bà này mượn hôm trước thì hôm sau mình nhận được tin buồn là bà trên đường về bị giật mất cái sắc trong có đựng cuốn sách. Bà xin lỗi rối rít và xin đền tiền, nhưng ai mà … thèm lấy tiền của quý bà, nhất là những quý bà bảo tích phương (beautiful)! Mình buồn mất mấy ngày rồi quên cuốn Catalogue này luôn … cho tới trưa ngày hôm kia thứ năm mùng bốn, mình tình cờ ghé qua tiệm sách cũ trước cửa và thấy cuốn sách với mấy chữ viết trên bìa khi trước đã mờ phai… và mình vui như kiếm được một kim thư (sách bằng vàng) khi chỉ phải trả có 50 đô mít (Annamese dollar) để… châu về Hợp Phố!

Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI”




VVM.28.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com