C ông cuộc Đổi mới toàn diện của đất nước từ 1986 đã tác động sâu sắc đến cách nhìn, quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật của Trần Nhuận Minh, khiến ông có những thay đổi vô cùng quan trọng trong sáng tác. Kể từ đây, ông giã từ hoàn toàn với cách viết cũ, để bứt phá sang một bút pháp hoàn toàn mới. Đó không phải là sự rũ bỏ quá khứ, mà là sự vượt thoát khỏi tư duy cũ, thức nhận cũ của chính bản thân mình. Ông đã viết những câu thơ hết sức mới mẻ:
Hãy áp tải sự thật
Đến những bến cuối cùng
Chai rượu ngang dốc ngược
Đứng cùng trời uống chung
(Nhà thơ áp tải)
Với những tập thơ Nhà thơ áp tải (1989) và Nhà thơ và hoa cỏ (1993), Trần Nhuận Minh lại trình làng một quan niệm nghệ thuật mới một cách vô cùng quyết liệt, khi ông nghiền ngẫm sâu sắc và không né tránh về hiện thực đất nước, hiện thực thời đại. Đặc biệt, tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ của ông đã được tái bản đến 22 lần – một kỉ lục trong thơ ca Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cũng chính là cho tập thơ xuất sắc này. Như vậy, Trần Nhuận Minh lại được coi như một nhà thơ của hiện thực đất nước, hiện thực thời đại.
Đi đến tận cùng hiện thực, Trần Nhuận Minh bất ngờ đi vào một chặng khám phá mới, đó là thế giới kì ảo của tâm tưởng, của vô thức, của tạo hóa. Những vấn đề vô cùng thâm diệu biến ảo của cuộc đời, con người và nghệ thuật được nhà thơ quan tâm, chiêm nghiệm, lí giải:
Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn
Ngàn năm bay ngược bão
Mang sấm sét của những vùng chưa qua
Mang ánh trăng của những thời chưa tới
Cái mong manh thắng được cả sắt thép
Bền vững đến muôn đời…
(Bản sonate hoang dã)
Hoặc như:
Đấng Mê Tơi đang nói
Trong im lặng khôn cùng
Trong sắc chiều bâng khuâng tận đáy
(Bản sonate hoang dã)
Với những tập thơ vô cùng đặc sắc như Bản sonate hoang dã (2003), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007), Miền dân gian mây trắng (2008), Trần Nhuận Minh lại hiện ra như một thi sĩ - triết gia, thi sĩ - thiền gia. Ông được xem như một nhà thơ dũng cảm dấn thân về phía bí ẩn vô tận của tạo hóa, của con người, của sáng tạo nghệ thuật và thi ca.
Chính vì vậy, có thể thấy nhà thơ Trần Nhuận Minh là một trường hợp độc đáo trong thơ ca Việt Nam hiện đại, không chỉ bởi quãng đường sáng tạo hơn nửa thế kỉ qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và một sự nghiệp sáng tác đồ sộ hơn hai chục tập thơ nhiều giá trị, mà còn bởi sự đa dạng và biến ảo không ngừng trong cùng một bản thể thi sĩ. Nó khẳng định sự đóng góp đặc sắc, to lớn và quan trọng cùng một vị trí trang trọng của thơ Trần Nhuận Minh trong nền thơ Việt Nam hiện đại.
Có thể nói, với những đóng góp ấn tượng và đậm nét của mình cho thơ ca nước nhà, Trần Nhuận Minh đã trở thành một tên tuổi sáng giá làm nên diện mạo thơ ca Việt Nam những thập niên cuối thế kỉ XX, những năm đầu thế kỉ XXI. Đánh giá về Trần Nhuận Minh - tác giả và tác phẩm, nhà nghiên cứu văn học người Trung Quốc – GS. Phùng Trọng Bình đã nhận định mang tính khái quát cao: “Trần nhuận Minh rất tinh tế trong việc học hỏi, kế thừa và vận dụng ý thơ của văn học truyền thống cổ đại. Tinh hoa của các tác giả nổi tiếng như nhà thơ Trung Quốc Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, nhà văn vĩ đại nước Nga Lev Tolstoy, thi hào Sergei Esenin, tiểu thuyết gia – nhà soạn kịch Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, đặc biệt là văn học truyền thống Việt Nam với tác giả tiêu biểu là đại thi hào Nguyễn Du…, đều là nguồn dinh dưỡng phong phú nuôi dưỡng nhà thơ trưởng thành. Cùng với nỗ lực học tập và đúc rút kinh nghiệm quý báu của các bậc vĩ nhân, học hỏi những sở trường của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, từ đó trong ông đã hình thành một phong cách nghệ thuật độc đáo và đặc sắc khác lạ, trở thành một nhà văn, nhà thơ chủ chốt trong văn học Việt Nam, và đang từng bước tiến vào văn đàn thế giới” (1)
HƯỚNG VỀ TÌNH YÊT KHÁT VỌNG
Trong rất nhiều nỗi niềm hướng tới, nhà thơ Trần Nhuận Minh luôn dành những cảm xúc vô cùng mãnh liệt để viết về tình yêu và khát vọng trong cuộc sống. Có thể nói, đó là những lúc mà hồn thơ Trần Nhuận Minh trở nên bùng cháy, thăng hoa.
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca bởi lẽ con người thời nào cũng có nhu cầu yêu và được yêu. Đã có rất nhiều những giọng thơ tình độc đáo, những bài thơ tình hay, cho nên để tạo được dấu ấn riêng trong mảng đề tài này là cả một thử thách lớn lao không dễ vượt qua trong sáng tạo. Trần Nhuận Minh có lẽ ý thức rất rõ điều này, cho nên ông viết về tình yêu không nhiều, viết một cách kĩ lưỡng và đằm sâu, chân thành. Tình yêu trong thơ Trần Nhuận Minh thường trầm buồn, man mác dư vị tiếc nuối về cái gì đã qua, ẩn sau đó là nỗi đau của trái tim. Dù vậy, nó không bi lụy, mà bao giờ cũng đọng lại những ấm áp rất con người, rất đời:
Có một chiều giếng đá lá khô bay
Con đường dốc em đi không trở lại
Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm Bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu
Có một chiều yên ấm ở xa nhau
Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết Tà áo
mỏng bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay
(Chiều xanh)
Nhiều khi, những bài thơ tình của Trần Nhuận Minh đủ khiến người đọc chìm vào trong mạch cảm xúc nghiêng say đắm đuối mê mải:
Cây cỏ vô tình nhuốm nỗi dở dang em
Gió thổi suốt đêm trăng mười bảy tuổi
Em ở đâu đây? Trời dịu dàng bối rối
Thả vào hồn ta giọt sương cũ đầm đìa
(Thành phố bên này sông)
Hoặc đôi khi cũng đầy tình tứ duyên dáng:
Giao thừa đi như cô gái chưa chồng
Đẹp nức nở những muộn mằn đắng chát
Ta ở đâu giữa mùa xưa xanh ngát
Má trăng mờ run rẩy dấu môi hôn
Có khi, nhà thơ viết ra dường như chỉ để tự trải lòng mình, âm thầm lặng lẽ với tình yêu của mình:
Ngoài làn mây trắng bay ở ngang trời
Và trái tim xanh đập trong lồng ngực
Anh chẳng có gì đâu
Em quay đi là phải quá rồi
Tiếc nuối làm chi thời dang dở
Chỉ mấy bông hoa dại là còn biết thương
nỗi buồn mới của ngày xưa
Cứ tìm đến góc vườn hoang mà hồn nhiên nở
(Bài thơ không gửi cho ai)
Nhà thơ có một cách nhìn, một cách quan niệm rất đặc biệt khi gắn tình yêu với cái đẹp, như một sự ngưỡng vọng, một niềm tin vĩnh cửu về sự khôi nguyên bất tử, lí tưởng:
Ta nhận ra em
Run run đứng chờ ta
Tà áo mỏng bay trong sương khuya
Thấp thoáng núi đồi thiêng liêng huyền ảo
Da thịt thơm lừng trái chín
Em yêu ơi
Cái hiện hữu hãy tin là Cái Đẹp
Chớ bận tâm quá khứ với tương lai
Ta sẽ lặn xuống đất sâu
Khi tiếng đàn bầu dứt
Tìm ta ư ?
Hãy hỏi sắc hoa mai…
(Hãy hỏi sắc hoa mai)
Cùng với chủ đề tình yêu thì chủ đề khát vọng cũng là điều mà nhà thơ Trần Nhuận Minh gửi gắm nhiều nỗi niềm tâm tư sâu nặng trong đó. Có thể nhận thấy trong con người nhà thơ luôn chất chứa một nỗi khát vọng cao đẹp về đời sống:
Gió đã xanh thổi lên từ hoa cỏ
Nở bời bời những khát vọng muôn sau
(Lời từ biệt)
Khát vọng ấy có khi được nâng lên thành lẽ sống, thành lí tưởng. Đó là lẽ sống luôn sẵn sàng hết mình, trọn mình cho những gì mình lựa chọn và theo đuổi, cống hiến để thỏa lòng và thanh thản:
Tôi đã chọn cho mình một cách sống
Thì tôi cũng chọn cho mình một cách chết
Chọn cách chết nghĩa là chọn cách sống
Và tôi ngẩng cao đầu, thanh thản, đi …
(Một trăm bước cuối cùng)
Cuộc sống là một hệ lựa chọn, mỗi người đều có lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm về điều đó. Nhà thơ cũng đã dứt khoát lựa chọn lẽ sống của mình và chỉ còn biết hết mình cho nó. Đó là một xác quyết vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.
Cũng có những khi, nhà thơ Trần Nhuận Minh tạo ra một mạch trữ tình chiêm nghiệm về con người, trong đó có chính bản thân mình, đem lại cho cảm hứng thơ một gam màu tươi mới và ấn tượng:
Con người là những giọt nước mắt
Của Đấng Âm U rơi xuống trần gian
Giọt nước mắt bên phải là đàn ông
Giọt nước mắt bên trái là đàn bà
Chúng lẫn trong nhau
Mà hóa ra bát ngát…
(Bản sonate hoang dã)
Và dù thế nào, thì cuối cùng nhà thơ cũng luôn hướng về một niềm tin yêu hi vọng đầy ấm áp về cuộc sống này:
Cứ thế, bốn mùa mong ước nối theo nhau
Ghét tất cả. Rồi lại yêu tất cả
Cứ thế
Mang lo toan vất vả
Trái đất quay trong Hi Vọng khôn cùng...
(Bốn mùa)
Có thể nói rằng, Trần Nhuận Minh là một nhà thơ của dòng mạch cảm hứng trữ tình sâu lắng với những nỗi niềm thiết tha với đời sống, với con người, với tình yêu.v.v..
VÀ ĐỐI THOẠI VỚI LỊCH SỬ
Lịch sử là những vấn đề, những sự kiện và nhân vật đã thuộc về quá khứ, với độ lùi thời gian sẽ luôn đòi hỏi được tiếp tục nhìn nhận, lí giải của hiện tại, thậm chí là của tương lai. Lịch sử thì chỉ có một, nhưng diễn giải về lịch sử thì có nhiều. Chính vì vậy, có những câu chuyện, có những vấn đề mà ngày hôm qua ta đã nhìn nó bằng một cái nhìn khác, hôm nay cần tiếp tục cái nhìn khác. Những sự khác biệt đó không phải lúc nào cũng mang nghĩa phủ định lẫn nhau, mà có thể nó bổ sung cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau. Đó chính là tinh thần đối thoại.
Trần Nhuận Minh là người luôn rất chú tâm suy xét các vấn đề lịch sử. Nhiều câu chuyện tưởng như đã mãi mãi lùi vào quên lãng, nhưng ông không ngừng ngẫm nghĩ về nó, để tiếp tục tìm ra những câu hỏi, những câu trả lời, những bài học cho hôm nay.
Ông ngày càng tìm cách nhận thức lịch sử. Nhưng lịch sử chính là thời gian và phương cách đo lường thời gian ấy, là những hành động nhân nghĩa và tội ác được sắp xếp sao cho nguyên lý nhân quả có thể được giải thích, không thể bị nghi ngờ. Và như thế, lịch sử liên quan trực tiếp tới các số phận.
Cảm thức lịch sử gắn liền với cảm thức về thời gian. Đó không phải là việc đi tìm thời gian đã mất, hoài niệm, đó là sự tìm kiếm dấu ấn của quá khứ lên đời sống hiện tại, ghi lại tác động làm thay đổi. Đối với Trần Nhuận Minh, có lẽ không có gì quý giá và cần thiết hơn việc nhìn ra cho được sự thật ấy.
Không thấy tiếng ếch nhái quen thuộc uôm oam
vọng lên râm ran từ các ao hồ ngòi rãnh
Cánh đồng nước trải mênh mông cũng yên ắng lạ lùng
Sấm ngạc nhiên tự hỏi
Vô tích sự vậy sao?
(Nhà thơ và hoa cỏ)
Mưa to thế trên đồng, tràn nước ở ao hồ ngòi rãnh mà không có tiếng kêu của các con vật quen thuộc. Bởi vì sao ?
Chúng đã bị tiêu diệt bởi các hóa chất.
Giữa trùng trùng núi cao và giăng giăng sương phủ, nhà thơ nhìn những dấu tích thành nhà Mạc mà nghĩ về thăng trầm và hưng phế, hữu hạn và vô cùng, tiêu vong và tồn tại trong cuộc đời này. Ông như muốn trò chuyện với cổ nhân để nói về cái nhỏ bé mà lớn lao của kiếp người, của thời đại:
Đưa gương soi chẳng nhìn thấy mặt mình
Thành nhà Mạc đâu đây, bồng bềnh thời binh lửa
Lau bạc đèo Giàng khét mùi mồ hôi ngựa
Sương khói hỡi! Những linh hồn đau khổ
Khát khao chi, bay đến rát ruột người
Tự do ư? Thì cứ lên trời !
Ơ hơ
Một biển mây mờ màu hữu hạn
Bỗng lấp đầy không trung
Trong khoảng khắc
Ta lặng im đối thoại với Vô Cùng
(Trong sương mù Cao Bằng)
Bên nấm mộ người lính trẻ, nhà thơ lại vang vọng lên biết bao câu hỏi về lịch sử, dân tộc và con người:
Cái tới còn chưa tới
Nỗi quên đã quên đâu
Tủi mừng cùng chén rượu
Bẽ bàng ôm hôn nhau
Khi tàng tàng chạm chén
Rừng lau gió ào ào
Nấm mồ người lính trẻ
Hiện ra bên chiến hào
Biết nói gì với anh
Ngửa mặt đầy mây trắng
Mật đắng thì cứ đắng
Quế thơm thì cứ thơm…
(Hoành Mô mây trắng)
Đứng trên lầu Hoàng Hạc, ngắm nhìn mênh mông mịt mùng sóng nước Trường Giang, nhà thơ bỗng cảm hoài xót thương cho cố nhân xưa – thi hào Thôi Hiệu. Tác giả không bày tỏ nỗi ngưỡng vọng kính cẩn như nhiều người thường viết, mà cất lên những lời từ trong tâm can để trò chuyện với người xưa, thẳng thắn đặt ra vấn đề về sự thơ ơ của thời nay, khiến cho những gì là giá trị có thể trở thành vô nghĩa lí:
Hạc vàng có bay về cũng chả còn chỗ đậu
Nhà nhọn mọc như măng, trên bãi cỏ non xưa
Nơi Thôi Hiệu đề thơ chỉ còn là chỗ thu tiền khách du lịch
Mây trắng có hết mình thì người đời cũng vẫn thờ ơ…
Sau một ngàn hai trăm năm, Thôi Hiệu làm sao hình dung được
Có một nhà thơ từ tận cùng phương Nam
đến ngắm làn mây bay qua thơ Ông
mà thương cảm bàng hoàng
Và thức suốt đêm trong thu lạnh
Nghe tiếng tàu ầm ầm lao qua sóng Trường Giang
(Mây trắng)
Trước thành nhà Hồ, Trần Nhuận Minh không khỏi suy ngẫm về những biến cố của lịch sử, mà ở đó là rất nhiều những khúc rẽ, những góc khuất với biết bao điều cần nói về đúng – sai, được – mất có thể khiến bất kì ai cũng phải rùng mình:
Dân là ai? Tôi bỗng rùng mình
Nền cung điện, phân bò rơi rải rác
Núi Cầm Hồ cỏ may bay xao xác
Mệnh trời ư? Nào biết có hay không…
Từng thúng ngón tay đổ ào ào xuống sông
Nhà Hồ mất, làm sao mà cưỡng được
Lật thuyền mới biết dân như nước
Bóng Ức Trai đi, động gió bốn phương trời…
(Đứng trên thành nhà Hồ…)
Đã có biết bao những cách nhìn, những nhận định, thậm chí là tranh luận về cái đúng – sai, hay – dở, khôn – dại của nhân vật kinh điển Đông Kisốt – kẻ anh hùng đánh nhau với cối xay gió. Trần Nhuận Minh tiếp tục góp một tiếng nói, một cách nghĩ mới về vấn đề này một cách đầy khẳng khái và trân trọng:
Đất đã tự quên dấu tích oai hùng
để tiếng chim như chuỗi bạc long lanh
bay rập rờn sông núi
Nhưng nàng Đunxinê của anh ơi
Nếu còn một ai bị đói khổ và đọa đày
ở bất cứ nơi nào
lên tiếng gọi
Anh sẽ lại trở về trên lưng ngựa Rôtxinăng
Giương thẳng ngọn giáo dài,
lừng lững đi trong tái nhợt những đêm trăng…
(Đông Kisốt)
Trước quảng trường Thiên An Môn, nhà thơ chia sẻ tâm tình với nhà văn lớn của Trung Quốc là Lão Xá, để tiếp tục nhắc rằng, lịch sử với tất cả những gì diễn ra thì đã qua đi, những không phải cái gì nó cũng đã được làm rõ, được nhìn nhận đầy đủ:
Ngoài kia, quảng trường Thiên An Môn, đèn màu chiếu lên lưng trời
Dưới Cống Long Tu, bao nhiêu nước trôi
Đường tàu điện ngầm, người đi chen nhau, một thời qua mau
Trên gương mặt ai dần phai nỗi đau
Nghĩ gì hôm nay, nói gì mai sau…
(Lão Xá)
Bên dòng sông Hoàng Hà, nghĩ về đại thi hào Nguyễn Du và những tháng ngày đi sứ của tiền nhân, nhà thơ gửi gắm những nỗi niềm day dứt chưa bao giờ nguôi, dù cho thời gian đã trôi và thời đại đã khác:
Người xưa đi sứ qua đây
Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
Cỏ cây, thành lũy khác rồi
Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
Thời nào thì cũng như nhau
Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa…
(Nguyễn Du)
Đến Vạn Lí Trường Thành, ông thẳng thắn cất lên tiếng nói chính trực về sai lầm của lịch sử, về công – tội, thành – bại, đúng – sai của vương triều xưa kia, mà nỗi đau còn đến mãi bây giờ:
Ta là công dân nước Việt Nam đến đây
Không biết sau những ai, không biết trước những ai
Ngửa mặt lên trời mà than rằng
Bức tường thành bền vững nhất của mọi quốc gia chính là Lòng Dân
Nếu Tần Thủy Hoàng nghe trước được lời của ta
Thì triều đại ông, không đến nỗi hơn một đời đã mất
(Vạn Lí Trường Thành ca)
Có thể thấy, việc đặt ra các vấn đề lịch sử để tiếp tục nhìn nhận và lí giải của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã đem đến những gợi mở rất đáng suy ngẫm, để người hôm nay có thể tiếp tục diễn giải những gì đã qua, tiếp tục đối thoại với lịch sử.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh là một tác giả có bề dày sáng tác với hơn hai mươi tập thơ – một khối lượng đồ sộ đáng nể mà không có nhiều tác giả có được. Những tác phẩm của Trần Nhuận Minh đã tạo ra một gương mặt tác giả thực sự đặc sắc, vừa thống nhất vừa đa dạng, vừa thách thức vừa mời gọi. Hành trình sáng tạo thơ của Trần Nhuận Minh trải dài qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, khởi nguồn từ phong cách thơ truyền thống, ngày càng hướng đến phong cách thơ hiện đại. Có thể nói, ông là một trong những nhà thơ tiên phong, đưa vào thơ mình những đối thoại đầy gợi mở và đặt ra những vấn đề rất đáng suy ngẫm.
Trong thơ ca, những nhà thơ có tầm tư tưởng nghệ thuật cao thường có
thức về phản tỉnh rất sâu sắc. Nó đem đến cho thơ ca những giá trị nhận thức vô cùng ý nghĩa. Trần Nhuận Minh là một nhà thơ mang tinh thần như
thế.
-------------------------
(*) Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh, bản tiếng Trung, Nxb Phát thanh và Truyền hinh Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh, 2014. Hoàng Thiên Hương dịch, Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Hà Nội, số 14. 2015
(*) TS văn học và (**) ThS văn học, Đại học Thái Nguyên