Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





NHÂN VẬT “TIỂU THANH” TRONG 
“ĐỘC TIỂU THANH KÍ” CỦA NGUYỄN DU.

  


“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần...”


T ài của Nguyễn Du là tài văn chương. Vua Gia Long quả đã có con mắt tinh đời nên vừa lên ngôi năm 1802 đã cử ngay Nguyễn Du làm tri huyện Phù Dung; mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín; một năm sau cử lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long; hai năm sau đặc cách thăng Đông các đại học sĩ (hàm Ngũ phẩm), tước Du Đức hầu vào nhậm chức ở kinh đô rồi thăng Cần chánh điện Đại học sĩ và cử làm chánh sứ đi sứ nhà Thanh, lúc về lại được thăng Hữu tham tri bộ Lễ. Nguyễn Du chỉ đỗ Tam trường - tương đương Tú tài - nhưng chức vụ phẩm hàm ngang hàng Tiến sĩ nên luôn bị các quan trong triều ganh ghét... lại thêm nỗi luôn nghèo túng, bệnh tật... nhà thơ chỉ muốn từ quan mà về quê.

Cái tài của Nguyễn Du chỉ giúp ông làm nên mấy áng văn chương mà ngay lúc sinh thời cũng chẳng được mấy ai quan tâm. Truyện Kiều, tác phẩm tài ba cũng chỉ được người đời biết đến sau lúc đi sứ nhà Thanh về - năm 1814 - nghĩa là trước lúc từ trần có 6 năm.

Ngoài Truyện Kiều, thơ Nguyễn Du chủ yếu là thơ chữ Hán đặc biệt trong đó có bài Độc Tiểu Thanh kí. Bài thơ được phát hiện sau hơn 100 năm... Đến năm 1993, được đưa vào chương trình và sách giáo khoa Văn 10 dạy cho học sinh trung học. Nhiều ý kiến bàn về Độc Tiểu Thanh kí và cho đến nay vẫn tồn tại nhiều nghi vấn. 

Tiểu Thanh là nhân vật có thật hay chỉ là hư cấu của văn chương? 

Nhiều ghi nhận khác nhau về lai lịch Tiểu Thanh:

1/ Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân… (Nguyễn Du toàn tập): Tiểu Thanh (1594-1612), họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô. Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được một bà sư nuôi và cho đi học. Năm 16 tuổi, nàng lấy lẽ một người họ Phùng, và để tránh đồng tính, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải lánh ra ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn…  

2/ Hai cụ Lê Thước - Trương Chính : Tiểu Thanh họ Phùng, lấy lẽ một người cũng tên là Phùng, vì tránh tên chồng, nên gọi là Tiểu Thanh. 

3/ Từ điển Từ Hải ghi: "Tiểu Thanh là người con gái Giang Đô, đời Minh họ Phùng, tên là Huyền Huyền, lấy lẽ Phùng sinh (Phùng Tử Hư). Vì cùng họ với chồng nên lấy tên chữ để xưng. 

4/ Truyện Tiểu Thanh trong sách Tây Hồ thập di lại ghi: Tiểu Thanh quê ở Quảng Lăng, tên là Nguyên Nguyên, họ Phùng. 

Các sách và các tác giả trên đã ghi tên và lai lịch nhân vật không trùng khớp. Suy xét thêm thì chữ “Tiểu Thanh”  cũng không phải là tên riêng bởi vì ngày xưa ở Trung Quốc, người ta gọi tì thiếp là "thanh y" hoặc "tiểu thanh" - cô bé gái mặc áo xanh (y phục dành cho tôi tớ). Vậy chữ “Tiểu Thanh” đây chỉ là danh từ chung (tớ gái, hầu gái) được ghép vào họ Phùng để chỉ người. Đây là cách gọi tránh tên thông thường của người Trung Hoa.

PGS. Nguyễn Văn Hoàn người đã từng tham gia đoàn cán bộ sang Trung Quốc năm 1963 để sưu tầm tư liệu về Nguyễn Du có kể lại việc tìm lai lịch Tiểu Thanh như sau:

“...Tháng 6 năm 1963, nhằm mục đích chuẩn bị việc kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965, Viện Văn học đã cử một đoàn cán bộ sang Trung Quốc sưu tầm tư liệu. Tại Thư viện Quốc gia Bắc Kinh, ông Trương Tú Dân, chuyên viên thư tịch cổ của Thư viện, cho biết: Tài liệu về Tiểu Thanh gồm có ba loại:

1. Tiểu truyện Tiểu Thanh, chép theo lối truyện thực, hoặc có thêm thắt sáng tạo, do đó giữa các sách ít nhiều có tiểu dị.

2. Phần dư: Số thơ từ của Tiểu Thanh còn lưu lại.

3. Các sáng tác về Tiểu Thanh sau khi nàng đã qua đời, gồm có thi, từ, hý khúc, truyện kí…

Đoàn Viện Văn học đã đề nghị được cung cấp một văn bản truyện Tiểu Thanh tương đối đáng lưu ý nhất và Thư viện Bắc Kinh đã chép cho Đoàn bản Phùng Tiểu Thanh sự tích trong Tây Hồ thập di, quyển thứ 19, do Tiền đường Mai Khê thị sưu tập. Văn bản này chép truyện khá tỉ mỉ nhưng về đại thể cũng giống văn bản mà các nhà nghiên cứu ở ta đã công bố. Dưới đây chúng tôi sẽ lược thuật lại một số tình tiết chính được chép trong Phùng Tiểu Thanh sự tích, dựa vào lời dịch của Nguyễn Đức Vân, chuyên viên Hán học của Viện Văn học.

- Tiểu Thanh quê ở Quảng Lăng, tên là Nguyên Nguyên, họ Phùng. Mẹ là giáo viên trường nữ học nên từ nhỏ Tiểu Thanh được học tập thơ văn, luyện tập văn nghệ và nổi tiếng thông tuệ khác thường. 16 tuổi lấy lẽ Phùng Tử Hư, con nhà hào phú ở vùng Tây hồ, vì trùng họ với chồng nên kiêng gọi họ mà chỉ gọi tên là Tiểu Thanh. Vợ Phùng sinh cực kỳ ghen tuông, giam giữ Tiểu Thanh ở phòng trong, cấm giao tiếp với mọi người; son phấn của Tiểu Thanh, mụ bắt vứt hết; sách vở của Tiểu Thanh, mụ bắt đốt sạch. Từng giờ từng phút, mụ bắt Tiểu Thanh đi theo sát bên mình, dù một nụ cười, một lời nói cũng không được trao đổi riêng tư với chồng. Thực như người xưa nói: Dù có muốn làm Ngưu lang, Chức nữ, mỗi năm gặp nhau một lần, cũng không được! Phùng sinh cầu cứu bà cô là Dương phu nhân. Bà này xin cho Tiểu Thanh được ra ở Gò Mai, Cô sơn. Mụ vợ Phùng sinh đồng ý nhưng đặt điều kiện: Không có lệnh ta mà chàng đến, không được tiếp; không có lệnh ta mà chàng gửi thư, không được mở xem; viết thư cho ai phải đưa ta xem trước. Nếu phạm một điều nào quyết không dung thứ. Dương phu nhân lại tổ chức một cuộc chơi thuyền trên Tây hồ, dùng chén lớn phục cho vợ Phùng sinh say rượu rồi nói riêng với Tiểu Thanh: - Xin cháu nghĩ cho kỹ, nếu không cho việc làm của Liễu Chương Đài là đa sự thì trên hồ này thiếu gì Hàn Quân Bình!". Nhưng Tiểu Thanh dứt khoát chối từ: Số mệnh của cháu chỉ có thế thôi, nợ trước trả chưa xong, không dám có ý khác… Tiểu Thanh chỉ đến nhà Dương phu nhân mượn sách về đọc. Một đêm đọc vở kịch Mẫu đơn đình (Tức Tây sương kí) nàng làm một thiên tuyệt cú và từ đó mọi nỗi niềm buồn tủi đều gửi gắm vào thơ nhưng rồi người đồng điệu thưởng thức thơ nàng là Dương phu nhân phải theo chồng đi làm quan ở xa, Tiểu Thanh trở thành cô độc, rồi lâm bệnh nặng. Vợ Phùng sinh được tin, khôn xiết mừng rỡ, sai hầu gái đem thuốc đến. Tiểu Thanh cười nói: - Ta vốn không thiết sống nữa, nhưng cần giữ cho thân thể thanh tịnh để về với Thần, Phật, đâu phải một gói thuốc của nhà ngươi mà có thể kết liễu được đời ta!. Rồi nàng cho mời một hoạ sĩ giỏi đến vẽ chân dung. Vẽ đến bức thứ ba thì nàng mới hài lòng vì cho là đã vẽ được thần sắc và phong thái của mình. Nàng đem bức hoạ để ở đầu giường, thắp hương, rót rượu, tự khấn vái mình, rồi khóc đến lịm đi mà chết. Năm đó mới 18 tuổi. Phùng sinh tất tả chạy đến, thấy Tiểu Thanh phục trang vẫn chăm chút, dung nhan vẫn xinh đẹp như lúc còn sống thì khóc rống lên: Ta phụ nàng rồi!. Vợ Phùng sinh cũng chạy đến, tìm được một bức ảnh và một ít thơ văn, liền đem đốt ngay! Người chép truyện bình luận: "Giả sử Phùng sinh không sợ vợ, hoặc vợ hắn không ghen thì Tiểu Thanh cũng chỉ trộm nhờ ân ái trong phận lẽ mọn mà hưởng chút phúc lộc tầm thường! Than ôi, điều mà Trời không thành tựu cho Tiểu Thanh trong nhất thời chính là để thành tựu cho Tiểu Thanh trong ngàn đời vậy!. 

Từ bình luận này gợi lại đoạn nói về Tiểu Thanh trong chương mở đầu Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và giống hệt lời bình trong Tây hồ giai thoại của Cổ Ngô Mặc lãng tử mà Nguyễn Đăng Na đã dẫn. Điều này cho phép người đọc nghĩ rằng các nhà chép truyện Tiểu Thanh đều dựa vào một cốt truyện cổ nào đó rồi tự ý thêm thắt các chi tiết.

Tháng 7 năm 1964 trong chuyến đi sưu tầm bổ sung tư liệu về Nguyễn Du ở Trung Quốc nhà thơ Nam Trân và chúng tôi đã đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm trước mộ Tiểu Thanh ở dưới chân Cô Sơn, Hàng Châu. Trước mộ có một cột bia đá ghi rõ Phùng Tiểu Thanh chi mộ...".(1)  


Tiểu Thanh là người thật trong đời thường, riêng về phần mộ Tiểu Thanh thì Từ Nguyên tự điển và Trung Quốc nhân danh đại từ điển là 2 sách danh tiếng của Trung Quốc đều ghi nhận là ở Cô Sơn, Tây Hồ, Hàng Châu có mộ Tiểu Thanh. GS. Nguyễn Đăng Na cũng tìm được trên một trang Web của mạng Dương Châu (Trung Hoa), mục Dương Châu mĩ nữ có viết về Tiểu Thanh lại có đăng 2 bức ảnh: mộ Tiểu Thanh và ảnh Cô Sơn bên hồ Tây Tử. (2)

Vậy là ta có thể căn cứ ở tài liệu trên mà khẳng định được Phùng Tiểu Thanh cũng như Vương Thúy Kiều là nhân vật có thật được tiểu thuyết hóa, qua nhiều năm tháng đã xuất hiện trong nhiều truyện và các vở kịch khác nhau của Trung Quốc.

 Còn thêm một điều cần làm sáng tỏ: Trong kho tàng văn chương Trung Hoa có tác phẩm nào mang tên Tiểu Thanh kí như đầu đề bài thơ đã ghi không ?

Tháng 10-1942, Đào Duy Anh trong bài Tam bách dư niên hậu đăng trên tạp chí Thanh Nghị số 22 cho rằng nhân vật Tiểu Thanh được nêu trong chương đầu tiên của  Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Trước khi kể chuyện Vương Thúy Kiều, chương này đã kể về số phận bi thảm của Tiểu Thanh. Trên tạp chí Tri Tân số 72 ngày 11- 1-1942, Liên Giang  đã dịch truyện Tiểu Thanh (vốn được chép trong bộ Nữ Liêu Trai chí dị của Trung Hoa) cùng với 12 bài thơ còn sót lại của Tiểu Thanh. Gần đây Nguyễn Quảng Tuân trong bài Cần phải tìm hiểu chính xác hơn bài Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994 cũng nêu nguồn gốc truyện Tiểu Thanh là sách Nữ Liêu trai chí dị. Trần Đình Sử trong bài Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du nêu gốc truyện Tiểu Thanh là Ngu sơ tân chí, Nguyễn Khắc Phi  trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5/1997 đã nêu gốc truyện Tiểu Thanh là Tình sử... 

Vậy là không có tác phẩm biệt lập nào mang tên Tiểu Thanh kí mà chỉ có các truyện về Tiểu Thanh được chép rải rác ở trong các tác phẩm như Tây Hồ giai thoại, Lục song nữ sử, Ngu Sơ tân chí, Mai tự hận tích, Tình sử và cả Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân… Có lẽ Nguyễn Du đã đọc các truyện này và gọi đây là “kí” vì là truyện ghi chép (kí) lại cuộc đời Tiểu Thanh. Các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh, Quách Tấn đã hiểu đúng như vậy khi dịch "kí" là "bài kí” (bài ghi lại). Cũng ghi thêm ở đây ý kiến của GS. Nguyễn Khắc Phi khi bàn đến vấn đề trên: “...Ngày xưa, kí không tách rời truyện nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tiểu Thanh kí chính là Tiểu Thanh truyện...” (3)

CHÚ THÍCH:
(1) NGUYỄN VĂN HOÀN; Thử tìm một cách hiểu bài "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du http://nguyendu.vn/nd.nsf/chi-tiet-nghien-cuu/thu-tim-mot-cach-hieu-bai-doc-tieu-thanh-ky-cua-nguyen-du.html
(2) NGUYỄN ĐĂNG NA, "Độc Tiểu Thanh kí" - tư liệu và hướng nghiên cứu  http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamtrungdai/tabid/102/newstab/175/Default.aspx
(3) NGUYỄN KHẮC PHI; “Vấn đề thất niêm, phá luật ở bài Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du”- Nguyễn Khắc Phi - Người thầy tài hoa, tận tuỵ; NXB Đại học sư phạm 2014.





VVM.18.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com