T rong tủ sách của Ba tôi có một bộ Châu Về Hiệp Phố bản in năm 1926 (hồi đó in thành trên 20 cuốn nhỏ), vào kỳ hè năm 1958, cha tôi đưa cho tôi xem và bảo: “Đọc bộ này đi, hay đâu có thua gì Fantômas và Arsène Lupin”. Thấy nó dầy cộp lại viết bằng “chữ Saigon” nên tôi ngại quá, nhưng chỉ sau độ 100 trang đầu, tôi đã bị cuốn hút ngay và rồi đã say sưa đọc cho tới hết. Tôi rất thích tác giả Phú Đức (một người quê ở Bình Thạnh ngày nay) và tìm đọc thêm được một hai cuốn cũng hay không kém mà nhân vật chính bịt mặt tên là Bách Xi Ma (chắc khi lựa tên nhân vật này nhà văn Phú Đức của chúng ta có nghĩ một chút tới tên Fantomas). Một đám cưới linh đình được tổ chức ở Saigon là kết thúc có hậu của bộ truyện này và tên truyện “Châu Về Hiệp Phố” giờ đây mang một ý nghĩa là một vật gì “đã bị mất lại được hoàn lại cố chủ” và, qua định nghĩa đó tôi xin kể lại dưới đây để chia sẻ với qúy vị một chuyện “Châu Về Hiệp Phố”.
Năm 1970, tôi vừa tròn 35 tuổi và đang làm Đại Diện Thương Mại cho một hãng máy cày của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, tủ sách của tôi đã được hình thành một cách khá đầy đủ, nhưng số sách bằng Pháp văn nhiều hơn số sách bằng Anh văn, vì dù sao tôi cũng vẫn yêu thích sách Pháp và cảm thấy quen thuộc với sách Pháp hơn là với sách Anh nhiều. Nhưng sách của tôi thuộc nhiều tủ sách của các nhà xuất bản khác nhau như Hachette, Gallimard, Flammarion, Delagrave, Arthaud, Albin Michel vv... Trong các nhà xuất bản danh tiếng nói trên, nhà xuất bản Gallimard có được một tủ sách gọi là tủ sách Pléiade là tôi thích nhất, vì những sách trong tủ sách này đều được in bằng thứ giấy kêu là giấy Thánh Kinh cực kỳ mỏng mà chữ in ở hai mặt lại cực kỳ rõ không hề có chuyện mặt trước để vết lờ mờ ở mặt sau, mà cả hai mặt mặt nào cũng trắng bóc, chữ hiện lên thật sắc nét. Hơn nữa và tuyệt vời hơn cả là với tủ sách Pléiade này các tác phẩm “trường giang” cả trên ngàn trang đều chỉ nằm gọn trong một cuốn, ví dụ như bộ Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugo, do các nhà xuất bản khác in đều phải là 4, 5 tập, nhưng ở tủ sách Pléiade này thì chỉ cần 1 cuốn, mà trong cuốn này, ngoài toàn bộ tác phẩm lại còn có khoảng 300 trang dành cho phần khảo dị (Notes et variantes).
Vào cuối năm 1970, một cô em gái tôi từ Pháp trở về đã mua tặng cho tôi bộ “ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT” (A la recherche du temps perdu) của MARCEL PROUST, sách của tủ sách Pléiade do nhà Gallimard in thành 3 tập, tổng cộng gần 3600 trang sách, vừa được in ra năm 1968.
Nghe danh Marcel Proust từ trước, tôi đọc ngay và kéo dài gần trọn năm 1971 để đọc hết bộ sách, vì tuy công việc Đại Diện thương mại của tôi không mấy bận rộn, nhưng không thể hoàn toàn tự do để chỉ đọc sách như lúc chưa làm cho ai. Bộ sách này nhận được giải Goncourt năm 1919 và tôi đã từng được đọc nhiều nhà phê bình “đao to búa lớn” phán rằng bộ Đi Tìm Thời Gian Đã mất này nào là “cho ta thấy mối quan hệ tự do giữa con người và thế giới”, “Proust đã làm một cuộc cách mạng trong tiểu thuyết”, “tác phẩm là lịch sử một ý thức, một thời đại” vv... Là một người yêu sách và thích đọc sách bình thường , tôi không quan tâm tới các nhận xét đó mà chỉ thấy rằng bộ sách này chứa đựng đầy những kỷ niệm, những hồi ức, những mối tình, những ghen tuông, hỷ nộ, ái, ố mà con người bất cứ ai cũng có thể phải kinh qua trong cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên tất cả những sự phân tích tỉ mỉ, chẻ sợi tóc ra làm tư của Proust làm tôi vô cùng thích thú. Đọc xong tôi tự hứa sau này khi nhiều tuổi, nhàn rỗi, tôi sẽ tìm một nơi thanh vắng, thơ mộng như núi rừng Đà Lạt chẳng hạn để mà thưởng thức một lần chót tác phẩm này thì mới thực là sướng. Và tôi đã dành cho bộ sách 3 cuốn này một chỗ để rất trang trọng trong cái tủ sách của người chơi sách của tôi.
Bộ sách ở với tôi đúng 12 năm, vì năm 1982, gia đình tôi trải qua một tai biến nhỏ, và trong lúc giao động, túng bấn đó một người bạn tôi ở Pháp về đã xin tôi nhượng lại cho anh ta vì ở bên Pháp đã tuyệt bản. Trong lúc giao động chán nản, tôi đã nhường cho bạn tôi. Khi nhường lại tôi cũng nghĩ rằng thế nào mình cũng còn có thể mua lại được ở đây.
Thế mà đã 24 năm trôi qua, mỗi khi ghé một tiệm sách cũ, tôi không bao giờ quên hình ảnh bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất của Pléiade. Ngay sau khi cuộc sống ổn định trở lại và mọi việc tốt đẹp như cũ, tôi bắt đầu cảm thấy bị dày vò bởi sự hối tiếc đã nhường đi mất bộ sách qúy; có một lúc tôi thấy tiếc quá, đau quá, nhưng rồi với thời gian niềm đau cũng được hàn gắn và tôi như cảm thấy mình đã quen thuộc với sự mất mát này. Cho tới một ngày rất gần đây...
Sau khi tôi gia nhập Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay 5 tháng, tức là một ngày trong tháng 11 năm vừa qua, tôi nhận được một cú điện thoại của một người bạn cho biết là anh ta muốn nhượng lại một số sách của Ông Cụ anh ta để lại.
Mỗi khi nghe thấy tin về sách là tôi có thói quen “vứt bỏ hết mọi công việc đang làm” để nhào đến nơi có sách. Tới nơi thì anh bạn lại đi vắng, và tôi được bà xã anh chỉ cho ba chồng sách để trong tủ kính và nói: “Đấy là những cuốn sách mà nhà em muốn để cho anh đấy!” Tôi xin xem và mắt tôi bỗng hoa lên khi thấy 3 cuốn Đi Tìm Thời Gian Đã Mất gần như mới tinh của nhà Pléiate nằm chồng lên nhau 1, 2, và 3. Ôi, đủ bộ, hạnh phúc thay! Tôi đòi lấy ra xem nhưng tủ khóa và chị vợ anh bạn cho biết là chị không có chìa khóa. Chị nói: “Nhà em giữ chìa khóa, xin anh chịu khó trở lại chiều nay sau 3 giờ”, tôi đành ra về và nhìn đồng hồ thấy rằng lúc đó mới có 9 giờ rưỡi sáng. Trong năm tiếng đồng hồ chờ đợi, trạng thái tinh thần của tôi hồi hộp, háo hức, nôn nóng không khác gì đoạn kết của bộ Châu Về Hiệp Phố khi Hoàng Ngọc Ẩn đã biết tin Lệ Thủy bị tên si tình người Anh Allington ở Hongkong bắt cóc... Hoàng Ngọc Ẩn nôn nóng muốn đi giải cứu Lệ Thủy thế nào thì tôi cũng nôn nóng muốn đi rước 3 cuốn Pléiade về thế ấy. Kết quả là ba giờ chiều “ngày lịch sử của riêng tôi” là ngày 18-11-2006 tôi đã giải cứu bộ sách yêu dấu... đúng y như là Hoàng Ngọc Ẩn đã giải cứu được Lệ Thủy và kết thúc bằng một đám cưới linh đình ở Saigon...
Châu đã về Hiệp Phố, Lệ Thủy về với Hoàng Ngọc Ẩn, còn tôi thì Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã mất của tủ sách Pleiade đã về và sẽ ở mãi bên tôi.