HÀ NỘI MÀU THỜI GIAN
H à Nội màu thời gian không bao giờ tàn phai trong ký ức của từng người, từng người dân Hà Nội. Hà Nội im lặng quằn mình trong khốn khó, hướng tới niềm vui, trong âm điệu giao hưởng số 9 của L. Beethoven.
Năm 1991. Hà Nội bừng tỉnh sau những thập kỷ xao xác vì cơ chế bao cấp. Gạo châu, củi quế khắp các miền quê chảy về Hà Nội. Không còn cảnh xếp hàng mua gạo, mì, bo bo, nước mắm, thịt, cá, đậu phụ… bằng tem phiếu. Không còn sổ gạo nên cụm từ ví von miêu tả vẻ mặt rầu rĩ của dân Hà Thành “ngơ ngác như mất sổ gạo” biến mất. Khuôn mặt người Hà Nội rạng rỡ. Nhịp sống Kinh kỳ- Kẻ Chợ nghìn năm lại về.
Chưa bao giờ hai từ “tự do” xuất hiện vui, dí dỏm, với tần số rất cao trong tiếng nói của người Hà Nội như thời xóa bao cấp: “bia bán tự do”, “rau muống bán tự do”,“ su hào ngốc bán tự do”. Có nghĩa là hàng bán không cần tem phiếu. Niềm khao khát tự do thôi thúc dân “Băm sáu phố phường” rộn lên từ cái dạ dày.
Riêng với họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Ngọc Linh (Vi Văn Bích), cuộc sống không cần sổ gạo đã đến với ông sớm trước đó gần chục năm. Vì tính tình khảng khái, việc làm táo bạo, hướng tới nghệ thuật đích thực, không chịu gò mình theo khuôn mẫu, nên ông bị người ta cắt sổ gạo. Không phải tại ông vô ý đánh mất.
Không có sổ gạo, lấy gì nuôi thân? Gạo không bán ở chợ. Thời bao cấp, Hà Nội không có chợ. Chỉ có mậu dịch bán trăm thứ bà rằn, nhưng không bán tự do, mà chia phần, định xuất cho bữa ăn và sinh hoạt của dân chúng theo tem phiếu và sổ gạo.
Đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ nghìn năm trước vốn là chợ. Thời bao cấp không có chợ. Người ta đành mua chui, bán lủi gọi là chợ đen, giá đắt gấp mươi lần giá mậu dịch, nhưng đều là hàng tốt, thơm tho, sạch sẽ, bền, đẹp… thứ gì cũng có. Chợ đen đồng nghĩa với “ tự do”. Nhưng có rất ít người Hà Nội mua được cái tự do ấy, vì đồng lương còm cõi “ba cọc ba đồng”, vì suy nghĩ trì trệ, ỉ lại, lười biếng, giả dối… làm sao sống nổi với thị trường tự do?
Mất sổ gạo. Họa sĩ Ngọc Linh sẽ sống thế nào đây? Sẽ vẽ thế nào đây? Khi mà ông đã mất sổ gạo?
Đây là cả một câu chuyện dài vật lộn, xoay xở với “tự do”. Linh cảm nghệ sĩ nhiều năm ở phường phố, giúp ông không phải đeo bộ mặt “ngơ ngác như mất sổ gạo”, mà bình thản dắt vợ con sống cùng dân “Hà Nội phố”. Bám mặt phố, kiếm tiền mua gạo chợ đen, quên hẳn cái sổ gạo với chức danh “biên chế nhà nước” của mình.
Ông biến nhà mặt phố 96A- Bà Triệu của ông thành hiệu bán café . Café Ngọc Linh nóng bỏng môi, thơm đậm đà, đắng ngát vị cao nguyên, với cách chào mời nhẹ nhàng, thân thiện, tay bưng cốc dịu dàng. Café Ngọc Linh khác hẳn với café mậu dịch uống bằng bát, nguội lạnh, xô bồ, nhạt nhẽo, ầm ĩ, nhộn nhạo… Khách Hà Thành mê lắm. Có ngày Ngọc Linh phải rửa hàng trăm chiếc cốc. Nhưng đêm đêm, họa sĩ Ngọc Linh vẫn mải miết vẽ qua ánh trăng luồn mái phố.
Ngọc Linh là người Tày, ở bản Chu, huyện Lộc Bình- Lạng Sơn, là cháu nội cụ Vi Văn Định, làm quan to triều Nguyễn, giữ chức Tổng đốc Hà Đông, Thái Bình, là thành viên Hội đồng cơ mật và Hội đồng Bảo hộ xứ Bắc kỳ. Sau này cụ Vi Văn Định theo chiến khu Việt Bắc, mang cháu nội Ngọc Linh đi cùng. Cụ thân sinh Ngọc Linh du học từ Paris về, kết duyên với cô gái Kinh Bắc đẹp nổi tiếng, có cửa hiệu buôn bán phố Hàng Đào.
Họa sĩ Ngọc Linh đã mang màu sắc núi rừng xanh thắm hương quế, hương hồi xứ Lạng và nỗi hoài nhớ Paris hoa lệ của ông bố mình vào nét vẽ Hà Nội mà ông gọi là “Hà Nội tôi yêu”.
Ngọc Linh tự bán tranh kiếm đô- la đầu tiên ở Hà Nội. Tranh sơn dầu của ông được các đại sứ quán mua. Năm 1981, ngài Jooc Land, tham tán Văn hóa đại xứ quán Pháp tại Hà Nội (đã lên chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa nước Cộng Hòa Pháp) mua mười bức: Phố Hà Nội, Chân dung thiếu nữ Hà Thành, Hoa đào Nhật Tân, Lọ cá vàng bên cành quất… Ngài trả tiền bằng đô- la cho Ngọc Linh, nhưng không phải là lối “tiền trao, cháo múc”. Tiền được gói trang trọng trong rượu nho và hoa hồng. Ngài nói: “Không tiền nào mua được trí tuệ và trái tim yêu thương của nghệ sĩ gửi cho đời. Tôi trân trọng và vinh dự khi được tiếp xúc với nghệ sĩ.”
Café Ngọc Linh nổi tiếng Hà Thành. Khách đến nhiều cũng mệt. Các con ông muốn bố được nghỉ ngơi và vẽ, nên chuyển thành cửa hàng cắt may áo cưới. Một gia đình có nhiều nghệ sĩ tạo hình chung sức làm ăn, váy cưới cắt may đẹp, khéo, kiểu châu Âu nên cũng bán khấm khá, lôi cuốn được các ca sĩ, diễn viên.
Năm 1991. Ngọc Linh không phải rửa cốc nữa. Ông thảnh thơi đạp xe quanh “ băm sáu phố phường”, nhìn ngắm màu sắc phố đang biến đổi chóng mặt trong nhịp đi cuồn cuộn của tự do. Chợ phình khắp ngõ nghách. Hàng quán ăn uống la liệt. Nhà mặt tiền ba mét thi nhau mọc lên, người ta xây vội, xây vàng. Xây ngổn ngang không trật tự. Không hình hài kiến trúc. Nhà cổ, phố cổ, biệt thự kiêu sa kiểu Pháp, đền, chùa, miếu, ngã ba, ngã tư, quảng trường, ngõ phố, hàng cây, con hồ, cổng làng… thấp bé dần, hoặc bị san lấp dành cho nhà cao tầng chót vót. Hà Nội đang tưng bừng trỗi dậy sức sống mới. Biến đổi. Xô bồ.
Đi Tìm Hà Nội Màu Thời Gian Đã Mất
Vui thì vui đấy, nhưng trong cái nhìn của người nghệ sĩ từng nâng niu cái đẹp truyền kỳ của Thăng Long- Hà Nội, thấy cảnh đẹp Hà Nội. Nhà xinh Hà Nội. Cây xanh Hà Nội cứ mất dần, mất dần. Chẳng ai thương, ai xót. Vô cảm.
Nỗi xót xa thôi thúc Ngọc Linh phải vẽ để nhớ cái đẹp được tinh cất nhiều đời sắp ra đi. Ngọc Linh đã vẽ quyết liệt. Ngọc Linh bảo: “Tôi đã làm cái gì là làm quyết liệt”.
Ngọc Linh nổi tiếng với những bức tranh sơn dầu hoành tráng như Xuân chiến khu (3,6m x 1,2 m) với trùng điệp màu cây, màu hoa rừng, màu núi xanh lam, màu trời sáng nắng…
Vậy mà trong suốt cả năm 1991 ấy, ông đã vẽ một trăm bốn mươi bức tranh sơn dầu về “Hà Nội tôi yêu” bằng chất liệu sơn dầu trong khuôn khổ nhỏ (10cm x 7 cm), có thể bỏ túi mang đi khắp thế gian.
Một sáng hè Hà Nội. Hàng sấu già nhảy múa dưới mưa. Tôi thăm phòng vẽ của Ngọc Linh trên tầng hai cửa hàng bán váy cưới kiêu sa 96A- Bà Triệu.
Phòng vẽ đầy chật những bức tranh sơn dầu lớn. Tràn màu sắc thiên nhiên Việt Nam. Màu núi xanh lam ẩn hiện bóng nhà sàn. Màu trời, màu nước vịnh Hạ Long trẻ trung thiếu nữ. Và mặt đất trong tranh Ngọc Linh mạnh mẽ phun trào sự sống.
Hương trầm thoảng đưa tôi về miền tâm linh. Họa sĩ Ngọc Linh trân trọng mở hộp sơn mài màu đỏ hồng mà ông bà xưa dùng để đựng ngọc vàng, châu báu, khoe với tôi một Hà Nội sắc màu được gói bằng hương thời gian, nâng niu trong hộp quí.
Tôi bị hút vào hơn một trăm bức sơn dầu “Hà Nội tôi yêu”. Ngạc nhiên, thán phục, say mê. Vẽ tranh sơn dầu khổ nhỏ là cực khó, mà sao đường nét vẽ điêu luyện, có thần, tả thực cảnh phố phường, nét vẽ rất nhỏ nhưng sắc sảo, rõ ràng, nét nào ra nét ấy, chắc chắn, khỏe khoắn, chân thực, tỏa muôn sắc màu của Hà Nội hằng ngày ở xung quanh ta, gợi cảm xúc sâu lắng u hoài.
Nhớ thương thời gian đã mất, không gian đã thay màu.
Ngọc Linh kể:
- Bạn biết tại sao mình vẽ sơn dầu trên khổ nhỏ không?
Chuyện vui ông cháu đấy. Hồi ấy, cháu ngoại Nguyễn Hồng Anh mười bốn tuổi của mình học trường Quang Trung, quen mẹ bạn bán sổ số tiết kiệm in trên giấy lụa, một mặt in hình ảnh các thiếu nữ đẹp Hà Nội. Hồng Anh mang về mấy cái hỏi:
- “ Ông ơi! Ông có thích cái này không?”
Họa sĩ nhìn thấy giấy lụa thì quá quí. Mình bảo: “Xin cho ông một trăm tờ”. Mình đóng giấy sổ số thành quyển vẽ, đạp xe quanh phố, thấy chỗ nào yêu mến thì vẽ. Vẽ sơn dầu. Vẽ chơi. Nhưng càng vẽ càng thấy mê, vẽ luôn vào hai mặt tờ sổ số, vẽ chồng lên cả hình thiếu nữ, chỉ giữ lại một số cô đẹp mình thích.
Ngày nay, du khách năm châu bốn bể tới Hà Nội. Họ đi tìm về Hà Nội linh thiêng. Hà Nội phố cổ. Hà Nội khu phố Pháp. Hà Nội làng ven đô…
Hơn một trăm bức tranh “Hà Nội tôi yêu” của Ngọc Linh đã hiện lên một Hà Nội bốn mặt không gian mà du khách muốn kiếm tìm ấy.
Hà Nội linh thiêng hồn cha ông, ẩn trong màu tranh Ngọc Linh.
Cây lộc vừng chín gốc ngả mình soi nước biếc Hồ Gươm. Ngọc Linh vẽ đặc tả chín thân cây lộc vừng nổi đậm, màu nâu đất khỏe khoắn như mang cả đồng đất Việt Nam về gieo trên Hồ Gươm, dâng sức sống mãnh liệt của đất cho người Thăng Long- Hà Nội.
Hồ Gươm được Ngọc Linh vẽ tới gần chục bức, ở nhiều góc độ, thay màu đổi sắc, sớm, trưa, chiều, tối. Hàng cây xà cừ hơn một trăm năm trước, người Pháp mang từ châu Phi về trồng, giờ đây vẫn xanh. Màu xanh mạnh mẽ, trùng điệp như núi rừng ôm lấy Hồ Gươm.
Cảnh đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Cổng vào đền… phảng phất nắng hồng. Sóng biếc Hồ Gươm, quyện màu xanh hàng sấu già Hồ Gươm, tràn lên đường Đinh Tiên Hoàng. Tháp Bút- Đài Nghiên in bóng người đàn bà cầm chổi tre quét đi tất cả những rác rưởi làm bẩn bụi Hồ Gươm…
Với Ngọc Linh, Hồ Gươm là hình ảnh, màu sắc giang sơn gấm vóc Việt Nam tụ về.
Hồ Gươm Đất. Nước. Núi. Rừng. Gió. Mặt Trời. Trăng. Muôn vì tinh tú giao thoa.
Hồ Gươm là sự sống linh diệu của đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ.
Hà Nội với những ngôi chùa u tịch pha ánh vàng cà- sa, xanh lặng màu thiền trong tranh Ngọc Linh. Chùa Quang Hoa hồ Thiền Quang, chùa Trấn Quốc, chùa Phúc Lan, chùa Láng, đền Voi Phục, chùa Quán Sứ, đền Bà Kiệu… đều được vẽ tại chỗ. Nét vẽ những ngôi chùa không thiếu một chi tiết, tả thực từ màu sắc đến cả hàng chữ Hán. Nhìn tranh có thể đọc được rõ lời người xưa gửi lại trong cõi tâm linh trầm mặc màu hương khói.
Năm bức tranh Văn Miếu sáng ánh hồng chiều thu, tràn ngập cảm xúc thiêng liêng. Ngọc Linh diễn tả cái thiêng liêng về cội nguồn tri thức của giống nòi. Khuê Văn Các nổi màu xanh của một không gian rất sâu, diệu huyền, bí ẩn.
Hà Nội làng ven đô được Ngọc Linh gợi mở từ bức vẽ cổng làng Thụy Khuê nhẹ nhàng, cổ xưa như ca dao. Cây bàng trên đường Thụy Khuê được đặc tả hai nhánh gốc to, lồi lõm như năm tháng, bám chặt vào đất mà tồn tại. Chợ Bưởi mái nghiêng che vừa chạm mái đầu cho người người thân thiện bán mua, chào mời thắm thiết.
Hà Nội phố cổ trong tranh Ngọc Linh là Ô Quan Chưởng, xiêu nghiêng hồn thu thảo thời Nguyễn Du. Kiến trúc đậm dấu ấn triều Nguyễn. Trên tường gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu ghi lệnh cấm lính canh không được sách nhiễu dân chúng qua lại. Nhưng lính không vâng lệnh, nên Ô Quan Chưởng của Ngọc Linh không một bóng người lại qua.
Cửa ô im lìm vắng ngắt. Màu thời gian phôi pha trên nền gạch.
Ngọc Linh yêu những phố nhỏ quanh co như ô bàn cờ “Băm sáu phố phường”. Ông vẽ nhiều phố cổ nét vẽ thân thương: Hàng Mắm, Chả cá, Hàng Thùng, Hàng Buồm, Hàng Giấy… lô xô màu nắng hồng chiều thu.
Khi vẽ phố cổ, Ngọc Linh không quên ngày xưa thân thương chảy máu ấy. Những sớm, những chiều, ông đạp xe lên phố xếp hàng mua rau muống, hay rủ bạn đến Tạ Hiện ăn đặc sản chui… mà ông nhìn phố vẫn đẹp như tranh vậy.
Ngọc Linh lãng đãng thả màu hồng hoàng hôn trên mái phố. Hoàng hôn không buồn, mà dịu thắm màu hồng như đã xua được cái nắng trưa hè chói chang.
Màu hồng hoàng hôn chiều thu rải trên từng nét vẽ Hà Nội tôi yêu như sự bình yên thanh thản của tâm hồn người nghệ sĩ đã đi qua dâu bể cuộc đời.
Hà Nội khu phố Pháp trong tranh Ngọc Linh gây “ám ảnh phố” đến bồn chồn.
Những câu hỏi về phố cứ vang lên.
Người ngoại quốc đến Thăng Long xây phố từ bao giờ?
Nguyễn Trãi bảo rằng thế kỷ XV có riêng một phường của thương nhân Hoa Kiều buôn bán, làm ăn tại Thăng Long gọi là phường Đường Nhân.
Càng về sau các phố của người Hoa xây càng nhiều, tập trung ở Hàng Buồm, nên dân Hà Thành có các món ăn: vịt quay Bắc Kinh, thịt lợn quay, chim quay, gà tần thuốc Bắc, gà quay, lợn quay bao tử… thơm lừng các phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Mã Mây.
Thời Hà Nội bao cấp, các đặc sản này vẫn thơm như năm thế kỷ trước nó đã thơm.
Nhưng hương thơm bị nhốt sau cánh cửa, trong ngõ hẻm sâu hun hút, chỉ những ai có hộ chiếu đỏ, đi Tây mang hàng “lậu” về, người buôn bán chợ đen, và một ông họa sĩ người Tày láu lỉnh sớm phiêu dạt với chợ đen như Ngọc Linh mới có tiền đến thưởng thức mà thôi!
Ngọc Linh kể:
“Mỗi lần mình bán được tranh cho người Tây, lại rủ bạn bè lên phố cổ ăn đặc sản chui. Món bíp- tết thơm hương tỏi, mềm mỏng, ngon quyến rũ, giá không đến nỗi đắt lắm đâu, nhưng mọi người phải ăn thầm trong gian nhà sâu trong ngõ tối ”.
Đấy là hương sắc Hà Nội do người phương Tây dâng tặng.
Người phương Tây đến Thăng Long- Kẻ Chợ sau người Tàu.
Thế kỷ XVII, người Hà Lan và người Anh đến lập thương điếm ở Thăng Long- Kẻ Chợ. Hai thương điếm này đặt ở ven bờ sông Hồng, quãng đầu cầu Long Biên, đã một đi không trở lại.
Người ta phải tìm đến văn chương để gặp lại hình bóng ngôi nhà. Dampier mô tả ngôi nhà người Anh “ Đó là một ngôi nhà thấp rất đẹp mà tôi trông thấy ở Kinh thành. Ngôi nhà được xây song song với mặt sông, mỗi đầu có những gian nhà nhỏ hơn làm nhà bếp, nhà kho… chạy thành một hàng dài từ ngôi nhà lớn đến bờ sông, tạo thành hai cánh và một sân vuông ăn thông với bờ sông. Ở giữa nhà có một bàn ăn xinh xắn, và mỗi bên có những gian dành cho khách lái buôn...”
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp nổ súng. Đoàn quân Pháp bước vào thành Hà Nội. Cùng với cuộc xâm lăng, họ đã kiến trúc Hà Nội theo hình ảnh Paris, gọi là khu phố Pháp, bên ngoài khu phố cổ.
Tranh Hà Nội tôi yêu của Ngọc Linh hối hả họa lại khu phố Pháp với kiến trúc Pháp chính hiệu do người Pháp xây cách đây một trăm năm.
Ông đã nhìn thấy những ngôi biệt thự vườn trong phố mất dần. Những góc phố duyên dáng, dây leo, hoa cỏ, cây xanh dưới chân mình đã héo hon, biến dạng vì nhà cao ngất ngưởng. Hàng cây già trầm tư đã thấp lùn xuống dưới những khối nhà bê- tông vuông vức, chói màu kính, vô cảm.
Ông linh cảm Hà Nội thế kỷ XXI đang thay màu, đổi sắc. Phải ghi lại “Màu Thời Gian Đã Mất” cho con cháu.
Ngọc Linh vẽ màu phố Tây xung quanh mình. Cổng đại sứ quán Pháp bên đường Bà Triệu sừng sững cây đa xanh cổ thụ, êm đềm thả rễ trùm màu nâu non xuống cánh cửa màu xanh lá cây nổi ô quả trám, làm nền cho gốc đa già, thẫm màu nâu đất cổ kính, linh thiêng. Bên trong khung cửa mở ra màu xanh ngọc bích huyền ảo như chứa đựng câu chuyện cổ tích với hoàng tử, công chúa và mụ phù thủy.
Ngôi biệt thự mang tên nhà trẻ Bà Triệu đối diện nhà Ngọc Linh hoa và cây bao bọc. Ngã tư đường Bà Triệu- Nguyễn Du, cây hoa sữa vươn thân to khỏe, vạm vỡ, tỏa hương rừng về phố. Những ngôi biệt thự kiêu sa, rất nhiều cửa sổ gỗ vuông vức thẳng ngay, tràn ánh sáng, ở ngã tư Quang Trung hướng về hồ Thiền Quang. Cửa sổ ngôi nhà Nguyễn Tuân nhìn ra quảng trường lộng gió Trần Hưng Đạo. Xa xa là ga Hàng Cỏ như một lâu đài Pháp tràn ngập cây xanh. Cổng chợ Đồng Xuân mái vòm như nhà cổ tích. Nhà kèn trong vườn hoa gần Hồ Gươm như ngọn đèn hình nấm hồng thắp sáng vườn xanh. Phủ toàn quyền Đông Dương như một cung điện châu Âu trong ngàn cây, màu xanh tràn trên nền màu tường vàng nắng. Nhà Thờ Lớn vòm nhọn vút cao, tông màu xám nổi hình Đức Mẹ đồng trinh, những ô cửa sổ sáng bảy sắc cầu vồng, nổi những bức tranh Kinh Thánh. Ô Đông Mác xòe mở con đường bốn ngả, hàng cây nghiêng nghiêng ôm mái biệt thự, thảm cỏ xanh mướt mát chân.
Vườn hoa Hàng Đậu giữa ngã tư đường phố, cây lớn, thảm hoa rung rinh trong gió, thổi hồn vào ngôi biệt thự trắng. Vườn Bách Thảo người Pháp sáng tạo vừa tròn trăm tuổi, vươn cành xanh rung giọt nắng. Ngôi biệt thự màu thanh thiên đêm thu phố Tôn Thất Thiệp ẩn trong vườn, ánh đèn nê- ông sáng khung cửa sổ, tiếng dương cầm thánh thót thổi nốt nhạc xanh quyến rũ đến mê hồn. Giọt mưa thu thánh thót rơi!
Kiến trúc khu phố Pháp của Ngọc Linh gợi về một thành phố châu Âu văn minh, một Paris huyền ảo như thần thoại trong mơ. Màu sắc phố Pháp trong tranh Ngọc Linh là pho lịch sử bằng sắc, bằng màu, bằng nét vẽ bàn tay nóng ấm, chân thành tình yêu Hà Nội. Bài học lịch sử hiện lên, nhẹ bay như ánh sáng sắc màu.
Tranh Khu phố Pháp của Ngọc Linh hiện lên màu sắc câu chuyện kể:
Ngày 24-8-1892. Người Pháp tấn công Thành Hà Nội lần thứ hai. Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Người Pháp xây Phủ Toàn quyền Đông Dương năm 1902, mang phong cách kiến trúc Pháp, lối sống của người Pháp vào Thăng Long- Hà Nội.
Khu phố Pháp được xây dựng với những đường phố dài, quảng trường, ngã ba, ngã tư, trang điểm bằng những hàng cây lớn tỏa những vòm lá xanh cao, ôm mái ngói nâu hồng hình tam giác. Những biệt thự hai, ba tầng, ống khói, thông hơi lô nhô, cây xà cừ, hoa sữa, cây sao… trầm tư đứng gác cổng ngoài. Những vườn hoa , thảm cỏ, vườn cây điểm xuyết vào các tiểu khu dân cư. Đường phố được đặt tên người Pháp và Việt: Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, phố Huế…
Đó là những đường phố mang dáng Paris hoa lệ với những biệt thự, nhà vườn, nhà thờ, thảm cỏ, công viên, cây cao xen lẫn thảm hoa, hồ nước, có tính khoa học và nghệ thuật.
Tranh phố Pháp của Ngọc Linh nói với người Việt Nam hiện tại rằng muốn gìn giữ lịch sử nước Việt và Thăng Long- Hà Nội nghìn tuổi, hãy giữ gìn kiến trúc đường phố, ngôi nhà, vườn cây, mang trong mình nó tầng tầng lớp lớp những chuyện tình và dấu tích văn hóa lịch sử.
Chúng ta đang nôn nao tìm cách giữ kiến trúc phố cổ, nhưng lại quên ta còn phải bảo tồn khu phố Pháp đẹp như thần thoại châu Âu trong lòng Thăng Long- Hà Nội.
Kiến trúc và lối sống tinh tế của người dân Pháp, hiện hữu trong lòng Hà Nội. Nó làm cho người Hà Nội thế kỷ XX, bị “ám ảnh Paris”. Nỗi ám ảnh di truyền. Lịch sử tạo ra, mối giao cảm văn hóa tâm hồn Pháp- Việt, giao thoa đến thăng hoa. Biết làm sao được!
Mối giao cảm ấy hiện hoài trên những đường phố Pháp, với những ngôi biệt thự rất nhiều ô cửa sổ, đường nét ngang bằng thẳng ngay, có ban công đón mây trời, thấp thoáng mái ngói nâu hồng trong lùm cây xanh, những cái cổng sắt xanh uốn điệu đà, có dây hoa leo, hàng cây xà cừ… hay món bíp- tết, bánh mỳ bơ, pho mát, trứng ốp lếp, tách café, sữa ca- cao, kẹo socola, kem bốn mùa, kem Tràng Tiền, bánh ga- tô… bày trong những tủ kính trắng, thơm hương va- ni.
Người Hà Nội mơ được đến Paris. Xa lạ. Tráng lệ. Mà vẫn có cái gì gần gũi, họ từng bắt gặp đâu đó trên đường phố Hà Nội. Người ta bảo kiến trúc khu vực vườn công viên Hồ Gươm, phố Lê Thái Tổ, phố Nhà Thờ, Bảo Khánh, Tràng Thi, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng… giống khu phố nhỏ của Paris.
Giống là chính xác. Bởi kiến trúc đẹp đó là do người Pháp xây nên. Em gái tôi, từng đi khắp châu Âu, cả vương quốc Anh kiêu sang cổ tích, một ngày nắng ấm đến Paris, phải ngạc nhiên, trầm trồ ngưỡng mộ: “Paris đẹp trên từng mét vuông đất. Hình như tất cả mọi kiến trúc đẹp nhất của nhân loại đã được người xưa làm hết cả rồi. Con người ngày nay không thể nào làm đẹp được như thế nữa!”.
Ai ơi! Ai không thể biết Người Hà Nội nhớ khu phố cổ mang dáng điệu Paris đến thế nào?
Nhớ quá thì họ rủ nhau vào vườn Bách Thảo, nhưng dưới bóng cây già không có “đôi vai trần của những pho tượng trắng”. Cháu nội tôi mới học lớp ba đã cầm bút vẽ những ngôi nhà. Cậu mơ lớn lên được sang Paris học kiến trúc sư để về xây những ngôi nhà đẹp Việt Nam. Cậu bảo:
“Cháu đi học sáu tháng lại về một lần, vì nhớ mẹ lắm”. Tôi tuy đã có cơ may đi thăm nước Mỹ, Anh, vài nước Á- Âu, chẳng còn lạ gì thế giới, vẫn mơ một lần trong đời được đến Paris, tìm dấu chân cha tôi thời trai trẻ đã sống ở đây. Nỗi nhớ di truyền. Mơ ước di truyền. Biết làm sao?
Chiều lại chiều. Tôi chầm chậm bước chân dưới Tháp Bút mà mơ. Giấc mơ hoa, hay nỗi “ ám ảnh Paris” xao xác hồn tôi. Người Hà Nội thế kỷ XX. Tâm hồn hào hoa, tinh tế, lãng mạn, dịu dàng mơ… Thơ Mới, Quốc Ngữ thăng hoa… nhờ sự xuất hiện khu phố Pháp, hương café thơm ngào ngạt, tiếng dương cầm rơi nhẹ hoàng hôn hồng dịu êm.
Hà Nội không phải là Paris. Nhưng Hà Nội đang có trong mình nó “kiến trúc Parisienne” gây ám ảnh cho người Hà Nội và nhân loại. Tại sao chúng ta vô tình vùi lấp?
Khu phố Pháp trong lòng Hà Nội- một giá trị không tính nổi bằng vàng, mà họa sĩ Ngọc Linh nhắc chúng ta bằng linh diệu màu sắc, làm cho những trái tim yêu Hà Nội thao thức đêm sâu.
Nhà văn Tào Mạt xem bộ tranh bỏ túi “Hà Nội tôi yêu” đã thốt lên bản nhạc Đường thi qua bài thơ tứ tuyệt chữ Hán:
Một vẫy mận đào Xuân nở khắp
Xuất thần men thoảng bút lên hương
Tình yêu rực lửa yêu đời thế
Chuốc ngọc linh đài tặng bốn phương
( Ngô Linh Ngọc dịch)
Thời gian đi bằng tốc độ ánh sáng. Từ năm 1991 đến nay đã hơn chục năm rồi. Thế kỷ XX cháy lửa đã ra đi. Ngô Linh Ngọc và Tào Mạt đã vui vầy Tiên cảnh. Khu phố Pháp trên nền đất Thăng Long- Hà Nội đang biến dạng từng ngày. Mất từng giờ. Mất từng giây.
Hà Nội Màu Thời Gian Đã Mất.
Hàng cây xanh hơn trăm tuổi chưa già, nhưng không còn ôm ấp nổi mái ngói nâu thoảng tiếng dương cầm xanh đêm thu. Nhà xây kiểu mới chọc trời, chen đua.
Chỉ còn lại sắc màu Hà Nội tôi yêu nhưng nó phải nằm im lìm trong hộp quí. Họa sĩ Ngọc Linh yêu Hà Nội cháy lửa, quyết liệt như thế, mà lực bất tòng tâm, không đủ sức đưa Hà Nội tôi yêu cho người người bỏ túi mang đi cùng trời cuối đất.
Người Hà Nội- Việt Nam luôn hoài niệm về Hà Nội màu thời gian đã mất.
Nhưng Hà Nội còn Hồ Gươm không mất. Đã là người Việt Nam, ai cũng tìm về Hồ Gươm. Mắt Ngọc Tâm Linh. Để nhớ. Để yêu!
Nửa cuối thế kỷ XX. Các bạn đồng môn Văn khoa của chúng tôi mang kiếm bút vào trận mạc. Mỗi bước đi, luôn khắc khoải màu thời gian Tâm linh của Hồ Gươm mà thao thiết nhớ Nghìn năm gương hồ:
Trời xanh một cõi Thuận Thiên
Vẹn nguyên Tháp Bút uy nghiêm vươn trời
Thăng trầm thời cuộc bao đời
Vẫn một Hoàn Kiếm rạng soi Hà Thành
(Bùi Văn Bồng)
Đời nối đời người Hà Nội- Việt Nam đi tìm Hà Nội Màu Thời Gian Đã Mất nơi Hồ Gươm. Cha ông trả Gươm Rùa Thần để mãi mãi giữ Hà Nội Màu Thời Gian Xanh. Màu xanh linh diệu của Hòa Bình, gợi nhớ Paris Mùa Thu Tím:
Sớm Hà Nội… sương thu huyền ảo
Ngồi café vỉa hè
Lặng ngắm sóng Hồ Gươm
Để nhớ Paris
Khúc Autumn Leave
Thánh thót vọng tâm hồn
Cùng em dạo
Paris mùa thu tím
Paris đây, của những ai mộng tưởng…
(Nguyễn Khôi)
Hà Nội- Hồ Gươm trong tôi mãi sáng tươi một không gian xanh. Cung điện xanh. Màu xanh bất diệt.
Hồ Gươm Thời Gian Xanh
Tóc liễu xanh, nghiêng nước huyền xanh
Đàn Trời ngân Hồ Gươm rung xanh
Tiếng chim xanh, chuyền cành xanh lá
Vòm xanh cây rễ ngả sóng xanh
Tháp Bút- Đài Nghiên bừng xanh chữ
Ngọc Sơn xanh kiếm Trần Hưng Đạo
Bà Kiệu xanh môi đào Liễu Hạnh
Thần Siêu Thánh Quát xanh mơ ước
Mây trắng Trời xanh tảo biếc xanh
Nước hồ nở hoa, xanh Tinh Hoa
Ai gửi về Ai tình xanh ngọc
Màu thời gian xanh trái tim yêu
Thương nhớ xanh Thăng Long- Hà Nội.
(Mai Thục)