ĐỌC LẠI MỘT SỐ
THI PHẨM CỦA PHAN CHU TRINH
T rong quá trình hoạt động cứu Nước, cứu Dân, Phan Châu Trinh đã viết một khối lượng tác phẩm đồ sộ bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, với nhiều thể loại khác nhau : thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt, nghị luận chính trị, tiểu thuyết diễn ca, các bài báo, các bài diễn thuyết, thư từ, v.v… (1).
Nhân dịp đón năm mới 2016, chúng ta cùng đọc lại một số thi phẩm của Ông để hiểu được phần nào lòng yêu Nước thương Dân đậm đà, sâu sắc, tinh thần cách mạng kiên cường, gang thép và tư tưởng tiên tiến của vị Lãnh tụ Phong trào Duy Tân, của một Người mà "Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê ; Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm rạng chói" ("Văn tế Phan Châu Trinh"– Phan Bội Châu).
1. Chí thành thông thánh
a. Nguyên tác:
至誠通聖
世 事回頭已一空,
江山無淚泣英雄.
萬民奴隸強權下,
八股文章睡夢中.
長此百年甘唾駡,
更知何日出牢籠.
諸君未必無心血,
試向斯文看一通.
b. Phiên âm:
Chí thành thông thánh
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thụy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
Cánh tri hà nhật xuất lao lung.
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thí hướng tư văn khán nhất thông.
Dịch thơ:
Lòng chí thành cảm đến cả thần thánh
Việc đời ngoảnh lại hết trông mong,
Vắng mặt anh hùng, tủi núi sông.
Tám vế văn chương mê mệt ngủ,
Muôn nhà tôi tớ xót xa trông.
Cứ cam chịu mãi người mắng nhiếc,
Biết tới ngày nào thoát cũi lồng ?
Thử hỏi ai người bầu máu nóng,
Văn này xem hết, nghĩ sao không ?
(Người dịch : Nguyễn Văn Dương)
Trong những ngày ra bắc, vào nam để nắm bắt tình hình, tìm kiếm người cùng chí hướng, khi đến Bình Định (năm 1905), nhân có một kì sát hạch, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp lấy tên giả Đào Mộng Giác để dự thi. Bài thơ "Chí thành thông thánh" và bài phú "Danh sơn lương ngọc" ra đời trong dịp này. Theo Huỳnh Thúc Kháng, cả hai bài đều do Phan Châu Trinh làm. Như vậy, người đọc mà tác giả hướng đến là các sĩ tử và giới trí thức.
Dòng 1 và 2 đã nêu khái quát hình ảnh của Đất nước : Đất nước tan hoang, chẳng còn gì, một con số không. Nói thế là có phần nói quá nhưng cũng rất chính xác. Đất nước đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, cả Dân tộc là nô lệ, mất hết nhân quyền, nhân phẩm, … thì đúng là một con số không to tướng ! Sông núi không có nước mắt để khóc người anh hùng hay nói khác đi là cả Dân tộc đã trở nên vô cảm, không còn biết, không còn dám ngưỡng mộ, yêu quí những con người dũng cảm, quên mình vì Nước, vì Dân. Đó quả là một tình cảnh bi đát của Đất nước ta lúc bấy giờ.
Dòng 3 và 4 đã nêu cụ thể tình cảnh bi đát nói trên. Đó là một tình cảnh trớ trêu, một nghịch lí bi hài: Nhân dân rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của cường quyền thực dân và phong kiến mà sĩ tử, trí thức thì say sưa, mê mẩn với thứ văn chương lẩm cẩm, xa rời thực tế. Tác giả vừa lên án bọn thống trị vừa phê phán sĩ tử, giới trí thức thờ ơ, vô trách nhiệm.
Dòng 5 và 6, với kiểu câu vừa là nghi vấn vừa là cảm thán, tác giả nêu lên một vấn đề hệ trọng của Đất nước vừa để thức tỉnh vừa để kêu gọi các sĩ tử, giới trí thức: Chúng ta cam phận để cho bọn thống trị mắng chửi, nhục mạ suốt cả trăm năm hay sao? Như vậy, ngày nào Dân tộc ta mới ra khỏi nhà tù để được sống đời tự do!
Dòng 7 và 8 kết lại bằng niềm tin của tác giả đối với các sĩ tử, giới trí thức: Các anh không phải là những kẻ không có tâm huyết. Đọc xong bài thơ này, các anh sẽ hiểu được tất cả.
Bài thơ đã gây nên một chấn động lớn, tác động mạnh mẽ, tích cực đến tâm trạng xã hội nói chung và tâm trạng của các sĩ tử, giới trí thức nói riêng. Bọn thống trị thực dân, phong kiến cũng vô cùng lo sợ tác động của bài thơ.
2. Xuất đô môn
a. Nguyên tác:
出都門
纍纍鐵鎖出都門,
慷慨悲歌舌尚存.
國土沈淪民族瘁,
男兒何事怕崑崙.
b. Phiên âm:
Xuất đô môn
Luy luy thiết tỏa xuất đô môn,
Khảng khải bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn ?
Dịch thơ:
Ra khỏi cửa đô thành
Xiềng gông cà kệ biệt đô môn,
Khảng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm, nòi giống mỏn,
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn?
(Người dịch: Huỳnh Thúc Kháng)
Trong sách "Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử", Huỳnh Thúc Kháng kể rằng: Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, đem vào Huế, giao qua giam ở Hộ thành, rồi lập Hội đồng xét xử, gồm cả quan Tây, quan Nam. Các quan Nam muốn kết án tử hình, các quan Tây không chịu, mới gảm đẳng (hạ mức hình phạt), kêu án xử tử "phát Côn Lôn ngộ xá bất nguyên" (đày Côn Lôn, gặp dịp ân xá không được hưởng). Khi bị giam tại Hộ thành, Phan Châu Trinh nghĩ rằng mình chắc phải chết, khi bị giải ra cửa Thượng Tứ, mới hay là đi đày ra Côn Lôn, ông bèn làm bài thơ tuyệt cú trên đây (ngày 24-4-1908).
Bài thơ biểu hiện rõ khí phách của một người yêu Nước, một người anh hùng, sẵn sàng đón nhận gian khổ, tù đày. Bởi tác giả đã nhận thức được hệ quả của hành động yêu Nước, chống lại cường quyền thống trị. Thật vậy, khi "Đất nước đắm chìm, Dân tộc mòn mỏi" thì người con trai, người đàn ông đích thực, người đàn ông đúng nghĩa không thể là kẻ "sợ Côn Lôn", sợ gian khổ, sợ tù đày và sợ chết !
3. Quê cha đất tổ
Dầu ai ngang dọc cả bầu trời,
Đất tổ quê cha cũng có nơi.
Tấc cỏ ngọn rau từng lắm thuở,
Chôn nhau cắt rún (rốn) biết bao đời.
Trăm năm sống thác nhờ che chở,
Muôn kiếp cao xanh khó đổi dời.
Nợ nước ơn non chưa dễ trả,
Phụ phàng sao nỡ, ớ ai ơi!
("Santé thi tập" - bài 100)
Bị giam trong nhà ngục Santé (Paris, Pháp), Phan Châu Trinh càng thấy nhớ thương non nước, quê nhà. Đúng là dù đi đâu, ở đâu, mỗi người chỉ có một quê cha đất tổ duy nhất. Bởi thế, Phan Châu Trinh nhớ đến cả những "tấc cỏ ngọn rau" từng nuôi sống mình, nhớ đến nơi "chôn nhau cắt rún” (rốn) của bao đời ông bà, cha mẹ, con cháu. Quê cha đất tổ là nơi ta được che chở, nương náu trọn đời.
Bài thơ khép lại bằng một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, thắm thiết:
Nợ nước ơn non chưa dễ trả,
Phụ phàng sao nỡ, ớ ai ơi!
"Nợ nước ơn non" là cái nợ, cái ơn không phải ai cũng cảm nhận được một cách sâu sắc như Phan Châu Trinh, không phải ai cũng suốt trọn cuộc đời lo toan đáp đền cái nợ cái ơn ấy như Phan Châu Trinh!
4. Tỉnh quốc hồn ca II (trích)
Thương cảnh sống hiểm nguy và nỗi khổ vì sưu cao thuế nặng của Dân chúng:
Nào là kẻ đầu binh ứng mộ,
Vòng đạn tên ruột đổ thây rời!
Sa trường một giấc như chơi,
Giá chôn, tuyết dập, nắng phơi, mưa vùi.
Nào là kẻ mồ hôi nước mắt,
Xưởng công binh nấu sắt nung đồng!
Xiết bao độc nhiễm thuốc xông,
Rủi ro phút chốc, bỏ không một đời!
Nào là kẻ vận dời binh khí,
Cuộc tử sinh một tỉ rủi may;
Bất kì đạn lạc tên bay,
Còn ai biết đến chút thây lạc loài!
(Từ câu 97 đến câu 108)
Thương những kẻ nghèo nàn thiếu thốn,
Thuế cùng sưu khốn đốn quanh niên.
Vẳng nghe lệnh xuống quyên tiền,
Ít nhiều tom góp nộp liền cho quan.
Vợ con chịu cơ hàn lạc phách,
Anh em đều đói rách khó khăn.
Vì ai nhịn mặc, nhịn ăn,
Vì ai nên nỗi đành quăng của tiền?
(Từ câu 133 đến câu 140)
Bằng những lời lẽ chân thành, bằng những chi tiết, sự việc cụ thể, Phan Châu Trinh đã phơi bày cuộc sống hiểm nguy - "Cuộc tử sinh một tỉ rủi may" - và nỗi khốn khổ của Dân chúng vì sưu cao thuế nặng. Và "tức nước vỡ bờ", người dân Trung kì đã nổi dậy chống sưu thuế quyết liệt vào năm 1908.
5. Tỉnh quốc hồn ca I (trích)
Không mê tín dị đoan
Người ta biết tạo ra thời thế,
Giựng (dựng) cho nên mới kể anh hùng.
Miễn mình cố sức, cố công,
Nên hư cũng chác (chắc) ở trong tay mình.
Chấp tất cả thiên đình định số,
Cùng phước nhà đất nhỏ, đất to,
Cốt mình cầm vững tay co,
Dời non tát biển cũng cho làm thường.
Càng thua sút lại càng phấn trí,
Chẳng chút nào thối (thoái) chí sờn gan.
Xưa nay hào kiệt muôn vàn,
Đem thân đổi lấy giang san (sơn) là thường.
Người mình không tự cường, tự miễn,
Chỉ mơ màng những chuyện hư vô.
Đổ cho tại mả, tại mồ,
Đổ cho số phận, đổ cho tại thời.
Việc gì cũng cầu Trời, khấn Phật,
Còn mình thì tính quất toan quanh.
Thượng lương, giá thú, xuất hành, …
Trăm đều (điều) giữ lấy ngữ (ngũ) hành khư khư.
Việc nhỏ nhen còn hư như thế,
Chuyện bằng trời bằng bể biết sao?
Bỏ mình chẳng hỏi thí (tí) nào,
Hỏi ma, hỏi quỉ, tin vào lỗ đâu!
Sao không nhớ những câu kinh thánh,
"Quốc tương hưng tắc thính chư dân" (2)
Dân ta là thánh, là thần,
Bền gan, chắc giạ (dạ) quỉ thần cũng kiêng.
Khuyên khắp cả thị thiềng (thành), thôn dã,
Đừng tin càn, tin chạ mà bây (bày đặt).
Thử xem các nước đông tây,
Xưa nay Trời giúp loài ngây bao giờ?
(Từ câu 345 đến câu 376)
Với một lập luận chặt chẽ, một ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, Phan Châu Trinh đã mạnh mẽ phê phán thói mê tín dị đoan của Dân ta. "Tỉnh quốc hồn ca I" được Phan Châu Trinh viết năm 1907, theo thể thơ song thất lục bát và được dùng làm tài liệu giảng dạy tại Đông Kinh Nghĩa Thục.
Hiện nay, thói mê tín dị đoan không những không bị loại bỏ mà ngược lại sách bói toán, sách tử vi, sách phong thủy, … nhảm nhí được in và bán tràn lan! Nhiều kẻ phạm pháp, làm điều ác, điều xấu rồi lại lên đền, vào miếu cầu khấn thần linh. Họ tưởng rằng với nải chuối, con gà, nắm xôi, họ có thể mua chuộc được thánh thần!
Trên đây, chúng ta đã đọc lại một phần rất nhỏ trong kho tàng thi ca đồ sộ của Phan Châu Trinh. Qua đó, chúng ta đã phần nào thấy được lòng yêu Nước thương Dân sâu đậm, tinh thần sắt đá và những tư tưởng tiên tiến của Nhà cách mạng, Nhà văn hóa kiệt xuất Phan Châu Trinh. Những tư tưởng, tình cảm đúng đắn, tiến bộ đó đã được nói ra từ hơn 100 năm trước. Và đến hôm nay, những tư tưởng, tình cảm đó vẫn còn mới mẻ, vẫn còn cần thiết biết bao!
Chú thích:
(1) Riêng phần thi ca, hiện nay còn 6 di cảo chính:
- Quốc âm tạp vịnh: 31 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán,
- Tây Hồ thi tập: 57 bài thơ Quốc ngữ, theo thể thất ngôn luật Đường,
- Tỉnh quốc hồn ca I: 467 câu thơ Quốc ngữ, theo thể song thất lục bát,
- Giai nhơn (nhân) kì ngộ: thơ Quốc ngữ, hơn 7500 câu lục bát, diễn ca,
- Santé thi tập: thơ Quốc ngữ, 228 bài thất ngôn luật Đường,
- Tỉnh quốc hồn ca II : thơ Quốc ngữ, 500 câu thơ song thất lục bát.
(2) Sử Ngân, người nước Quắc, thời Đông Chu, nó : "Quốc tương hưng, thính ư dân ; tương vong, thính ư thần". (Nước sắp thịnh,
vua nghe theo dân ; nước sắp mất, vua nghe theo quỉ thần).