Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

‘Bản Chất / The substance’ tranh của Võ Công Liêm



THÂN PHẬN LƯU ĐÀY

TRONG VAI TRÒ CỦA THÚY KIỀU VĂN CHƯƠNG

DƯỚI MẮT CỦA NIỀM TIN


“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”*(ND)




T ừ khi nắm trong tay, đọc trong mắt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân Nguyễn Du(1) đã thấy mình trong đó, ý thức được nhân cách mình qua tuổi vị thành niên (1779) một sinh thức vô biên, đánh giá sâu sắc về đời mình, như án ngữ của định mệnh, như dấu ấn của thời gian, như giòng sinh mệnh, như nhịp bước lưu đày của kiếp người. Bởi cuộc đời ‘phong gấm rủ là’ là cuộc đời trôi chảy mà điều ấy không thể vượt qua được với thời gian, hay chính thời gian lôi cuốn cuộc đời trôi chảy ?

Cuộc đời đẹp mãi nếu trong mỗi chiếm cứ giữa đời sẽ cho ta một mơ về (rêver/dreaming-day). Cho nên thân phận lưu đày của Thúy Kiều chính là thân phận của Nguyễn Du, được giàn trải qua bao biến thiên lịch sử. Tuyệt đối của hiện hữu không phải ở đâu xa lạ, mà ngay ở nội tại, một nội tại phản kháng (rebel/révolté).Những chiếm cứ ấy không ai có thể làm ra, không ai có thể có được; không lẽ Nguyễn tiên sinh lại làm ra, không thể lại có được trong cuộc đời Kiều. Cái hoài vọng đó chính là cõi mơ về để tìm thấy lại cuộc đời mình. Thế thì tiếc làm chi; mà hãy nhận lấy những gì mà ta sẽ không bao giờ gặp lại hai lần trong đời: aimez ce que jamais on ne verra deux fois. Đó là bản thể và hiện tượng dung thông trong kiếp làm người! Âu đó cũng là nỗi niềm đau đớn, đứt ruột của Nguyễn Du; phải nhận lãnh như cái nghiệp Thúy Kiều nhận lãnh trong Đoạn Trường Tân Thanh .

Thời gian sống của Tố Như tiên sinh từ trong gia đình ra ngoài xã hội là những gì ngổn ngang gò đống, một bức tức nội tại giữa giòng đời trôi chảy nhưng lại xoáy trong vòng cương tỏa của đạo lý; hoài niệm là thời gian, là động lực chính của cuộc đời, động lực làm cho đời sống trở nên hủy diệt, đổi thay. Không còn phương cách nào để ngăn cách thời gian, tất cả đã đến và sẽ đến như đã an bài số phận; cho nên dấn thân của Thúy Kiều là một chấp nhận thương đau, một hiện hữu lưu đày.Tiếc cho một đóa ‘trà mi’ như Kiều:

Tiếc thay trong giá trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai!

Nhưng thời gian đối với Thúy Kiều là hoài vọng, là mơ về nhưng vẫn không có gì để níu kéo với thời gian, tuy biến cố trùng phùng nhưng diễn trình lại khác bởi thời gian xê dịch, trôi chảy không ngừng. Thời gian là giòng đời mà Thúy Kiều phải gánh chịu. Đó là thế giới của hiện tượng trôi chảy. Kiều không tha oán, không câu nệ hay than van mà cho đó là hành động để thoát tục để đi tới hiện sinh hữu thể, để vượt qua cái nghiệp. Nhà Phật cho đó là nhân duyên (loi de causalité) kết thành “duyên nghiệp” của vũ trụ giới:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Trong thế giới của hiện tượng tất cả đều đi mãi không ngừng; không cần phải van nài, không cần phải cầu khẩn mà coi đó như mệnh lệnh, như chức năng và phải biết phận mình như trường hợp giữa Hoạn Thư và Thúc Sinh mà Kiều biết được vai trò của mình lúc ấy chính là lúc họ dùng Kiều như kẻ tôi đòi và biến mình như kẻ bị ‘đì’. Đó là sinh hoạt của vũ trụ hữu thức để biến mình trong vật thể hữu giới và rồi tan theo cát bụi hiện hữu. Vì thế con người luôn luôn thấy quanh mình là đổ vỡ, là đắng cay, chua xót:

Một mình âm ỷ đêm chầy
Điã dầu vơi,nước mắt đầy năm canh

Sự âm ỷ trong lòng Kiều là một phản kháng nội tại, một hình thái tất yếu trong cuộc sống. Nhìn tha nhân như nỗi đắng cay và biến tha nhân như kẻ thù đó là những gì phi lý trong cuộc đời. Thúy Kiều thấm nhuần đạo lý làm người, hiểu đời, hiểu mình trước cuộc sống cho nên nàng đã phá chấp để đương đầu với hiện hữu, hiện hữu của thời gian chính là hiện hữu với lưu đày. Thời gian đã biến mất giữa lúc nầy và sẽ xuất hiện trong qúa trình của thời gian hiện sinh. Thời gian không còn là môi trường thuận lợi cho bao nhiêu dự định của con người, không phải là nơi thể hiện những ước mơ và không phải là nơi để mình trưởng thành trong an lạc, nghĩa là đời đã vạch ra một con đường biến thiên, là dấu hiệu của tuyệt vọng, Thúy Kiều gieo mình tìm cái chết để giải oan, để trả nợ đời nhưng đời không đón nhận cái quyết định tuyệt vọng đó để rồi đày Kiều phải đi qua bao cửa ải khác:

Sông Tiền Đường đó, ấy mồ hồng nhan.

Cho nên trạng thái tâm linh của Thúy Kiều là trạng thái nặng trĩu của cảnh đời, mỗi khi con người minh định mình còn thanh xuân, còn lý trí để vươn tới, đồng thời cũng qui định được điểm thời gian là mơ về một tương lai trong một tri thức hiện hữu nghĩa là đặt mình trong vị trí thời gian đó là cuộc đời mà Kiều đang dấn thân. Con đường đó là bước đầu đời mà Thúy Kiều phải gánh chịu để dẫm chân lên con đường tục lụy, bán thân mà nơi đây Kiều phải trực diện với bịp bợm, ma đầu, đội lốt, trá hình giữa đám thị dân :

Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người thôi thế là xong một đời!

Đó là nhận định chua xót của đời người và đó cũng là số phận làm người của chính mình. Nhận định được như vậy thì may ra sau nầy bớt đi cảnh xót thương.

Thúy Kiều bước vào lầu xanh như bước vào con đường tử sinh, biến mình như một tội đồ đứng trước bản án của định mệnh, một giao lưu giữa hữu thể với tha nhân, con đường đã vạch ra đó là biến trình không thể vượt qua mà hội nhập trong giòng sinh mệnh của đoạn trường mà đoạn trường ở đây chính là niềm đau khổ chung mỗi khi mang thân phận làm người, mà con người là vật thể mang nặng tính thời gian. Có nghĩa là: ”tổng số những điều đau khổ, những điều bi đát mà con người phải chịu đựng” (W.Faulkner). Sở dĩ như vậy là vì sống phải chuyển vần theo vũ trụ, vũ trụ ngoại giới, vũ trụ thời gian; bởi vì làm người thì phải chấp nhận thương đau như định lệ cố hữu của “bỉ sắc tư phong” của “tài mệnh tương đố” biết được điều đó thì đâu còn ngạc nhiên giữa đời này và Kiều cũng không lấy làm lạ về những dữ kiện đã xẩy ra, vô hình chung sự thể như đã có trong đời:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Có như thế chuyện bước vào lầu xanh hai lần của Thúy Kiều là thể hiện bước phong trần, bước lưu đày; Kiều hiểu rõ điều ấy, cho nên nàng quyết tâm giữ trọn câu thề là sống thế nào chăng nữa, giữ được lòng thanh cao đó là hoài bảo là mơ về của Thúy Kiều. Con người đứng trước bao nhiêu chuyển vần của thời gian chỉ biết nức nở, ngậm ngùi. Nguyễn Du tức tưởi trong tiếng lòng đứt ruột đó và Thúy Kiều là người đại diện cho môi trường hiện hữu của Nguyễn Du. Ý thức hay vô thức đều có một biến trình động tác. Biến trình đó đi qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời từ lúc thai sinh cho đến khi mãn phần; ấy là biến trình của thời gian mà Đoạn Trường Tân Thanh đã giao phó trách nhiệm đó cho Thúy Kiều thực hiện và sống hết mình với đời mà giòng thời gian vẫn trôi chảy không ngừng:

Nàng rằng: ‘mưa gió dập dìu’
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi

Hay chính sự đổi thay của vũ trụ, của đất trời mà làm cho lòng mình chao động, thương mong và nhìn mình như một biến dịch vũ trụ. Vũ trụ và con người đang cùng nhau xê dịch để rồi tĩnh ngộ mới nhận ra mình đang rơi vào vũ trụ biến thiên; vì tất cả bị giòng thời gian lôi cuốn, cuốn phăng vào bãi đời một cách dày dạng sương gió:

Khi tĩnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Nguyễn Du qua vai trò của Thúy Kiều đã ý thức sâu xa sự chuyển vần phi lý của thời gian đó là thời gian ngoại giới và nội giới làm cho Kiều hoảng sợ cảnh đời ba chìm bảy nổi, mai cửa này mốt lầu kia. Thúy Kiều sợ cho thân phận mình và biết đến bao giờ mới thế-giá -hoàng-cung cho nên nàng sợ, sợ ở đây không có nghĩa là chối từ; vì vậy Kiều đón nhận lời tha thiết của Thúc Sinh và đón nhận như nghĩa hiệp. Cho nên nhận thức đó, lối tri-giác-tình-cảm đó là tiếng vọng sâu xa, đột khởi như hoài mong, thoát ra khỏi đời nàng để tái lập cuộc đời mới hơn, chấp nhận mọi thương đau, sớm hôm với người tình mới, trả cái ơn sâu xa tế độ cho đời mình. Cuộc đời lưu đày của Thúy Kiều bắt đầu chuyển vần từ đây chứ không phải lúc bán mình chuộc cha. Kiều đã ‘nhúng chàm’ thì đâu còn ngại với gió mưa vì Kiều ý thức được tính cách phiêu lưu của cuộc đời; mỗi khi bóng chiều đã phủ ngang đầu là dấu hiệu của tàn tạ, do đó Thúy Kiều nhìn mình, nhìn đời như số phận đã an bài mà đành lòng chấp nhận cuộc chơi cờ người:

Khi hương sớm khi trà trưa
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn
Miệt mài trong cuộc ‘truy hoan’
Càng quen thuộc nết càng dan díu tình

Thời gian siêu hình chỉ thoáng hiện rồi thoáng đi không thể ngăn cách hai cảnh đời khác nhau mà chỉ để lại cho con người một giòng thời gian liên tục qua ý thức về cuộc sống của mình. Cho nên cuộc đời bi đát, thời gian ngoại tại bi đát thì sự cứu sống hay giải oan đời mình ở Tiền Đường lại càng bi đát hơn,vì phải ý thức sâu xa, phải sống lại với bao hình ảnh của ý thức, tất cả là thảm trạng qúa khứ của con người trong hiện hữu của trùng lai và còn thấy xót xa hơn bao giờ. Bi đát ở cái chỗ vô thức đó; hoa đây là hoa người, đã nghiêng ngữa bao điều thì tiếc chi mà vọc vành, lời than thật là thê thảm:

Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi

Đã mang thân phận lưu đày còn sá gì hơn nữa, đã “vùi dập” đã “hoa trôi” đó là ý thức tuyệt đối vô biên, có kế tiếp chăng có lẽ ở bên kia cuộc đời, nhưng đời không ưu đãi cho phận hồng nhan vì thế Kiều phải chịu cực hình. Nguyễn tiên sinh là người văn hay chữ tốt, vào ra cửa Khổng sân Trình lẽ nào không biết mà đành lòng thốt ra những ngôn ngữ chua xót và dung tục như thế! phải chăng đời vốn đã dung tục mà đẩy tiên sinh vào thế bí:

Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

Vì vậy thân phận lưu đày của Thúy Kiều là biểu hiện cả một thời gian hiện sinh và sự chuyển vần, đó là chuyển vần ngoại tại cho nên con người đã đề kháng lại bằng tất cả sức sống của mình, phải qua những giai đoạn dấn thân, hóa thân để làm tròn sứ mạng của kẻ bị đày. Thúy Kiều bán mình chuộc cha, hy sinh người tình cũ, lọt vào tay phường bát nháo, bước vào đời qua từng ngưỡng cửa, làm thê, làm thiếp, yêu rồi bỏ, bỏ lại yêu biết bao nỗi u hoài chồng chất lên đời Kiều như nhánh rong trôi “lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh” đó là tiếng than ai oán trong đời mình …chính nỗi đau ấy là nỗi đau của hiện thực.

Miguel Unamuno đồng quan điểm với Nguyễn Du: ‘Tôi đau khổ tức là tôi đang sống’. Vậy Kiều là hiện hữu của cuộc đời này. Đó là giòng thời gian lưu đày của Thúy Kiều!

Tất cả những dữ kiện xẩy ra trong đời Kiều là giòng thời gian và tâm lý sống của con người. Ở đây thời gian không phải là phép đo lường, nhưng chính là thời gian ý thức. Thời gian mà Thúy Kiều đắm mình và hoà mình vào trong nhịp sống của đời. Cho nên tìm hiểu thời gian nội tại trước tiên phải nhận định sức sống của hiện hữu, khi con người thấy mình qua bao nhiêu nhịp đời đã sống. Trong hiện hữu chúng ta có thể bắt gặp phút giây đang sống bằng hành động và cảm giác. Kiều quyết định gieo mình để đi tìm cái chết, nhưng định mệnh không chiều lòng người, bởi nợ ‘tiền kiếp’ vẫn còn đây, cho nên chi nàng được cứu, rồi được qua tay, rồi rơi vào “động” ái ân; đó là hiện hữu bi đát của hiện tại và tương lai. Dần dà biến Thúy Kiều vào cảnh ngộ tang thương. Cô độc trước một nẻo đời bế tắc. Như vậy hiện hữu của thời gian trở nên một tâm lý ý thức; vì rằng: hiện tại, qúa khứ và tương lai dưới mắt Kiều là một nỗi bi đát thê thảm mà chỉ còn một hiện hữu vắng lạnh, tẻ nhạt không còn lý tưởng sống mà hình ảnh lưu đày là hiện hữu; đó là tâm lý bi quan của con người trước sự sống, họ không tìm thấy lẽ sống, chân lý làm người mà chỉ còn lại cái chết mới mong đoạn tuyệt với cuộc đời.Vì tất cả giữa cuộc đời này là vắng bóng. Paul Veléry lý luận về kẻ tự sát như sau: ” Pour lui, tout autre n’est qu’absence”

Một mình cay đắng trăm đường
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi

Rõ ràng là nỗi tuyệt vọng không cùng của Kiều, cho nên việc Kiều gieo mình tự tử là hiện hữu của đời mình, đó là cớ cắt đứt mọi tương quan, mọi giây trói của cuộc đời. Cảm giác đó là một cảm giác trực tiếp ngay số phận mình đang sống qua sự bắt gặp của ý thức .

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Nên chi tìm thấy được cảm giác sâu xa của Thúy Kiều trong cảm xúc hiện hữu bao gồm tri giác không gian, tri giác đối tượng và tri giác bản ngã; hợp qui lại để thấy thân phận lưu đày của mình, đó là hiện hữu của thời gian và hiện hữu của tâm lý. Vì vậy ý nghĩa của hiện hữu là tùy thuộc của tri giác mà tri giác chính là trí tuệ (mind/intelligence-conscience) mất đi ba yếu tố trên thì chả có gì là hiện hữu cả. Cho nên Kiều cảm thấy mình sống như thế là trọn vẹn, tuy nhiên cũng không phải đầy đủ, trọn vẹn để mà dừng lại, vì dừng lại tức là chấm hết, Nguyễn Du không dừng lại; dù có truân chuyên nhưng vẫn “hành” như một kiếm khách trên ngựa (mã thượng tướng quân).Thúy Kiều đi tìm hiện tại trên bước đường dấn thân vô bờ bến, đó là tâm lý biến dịch để tìm thấy hiện hữu của lưu đày:

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

Đấy là ý thức sâu xa của con người hiện sinh trước sự biến dịch của thời gian. Trong suốt Đoạn Trường Tân Thanh Nguyễn Tiên Điền đã gởi gắm trọn vẹn nhân sinh quan của con người, nói lên cuộc đời là bể khổ, tất cả biến hình vào cõi không chỉ còn lại tấm lòng giữa con người với con người với chữ tâm làm đầu đề ‘thiện tâm ở tại lòng ta’ đó là cốt tủy chân lý mà Nguyễn tiên sinh đề ra. Vì thế Kiều ra khỏi cuộc đời này trong một tư thế sống động, đó là tâm lý nội tại, nẫy sinh trong cảm giác hiện sinh, chính biểu tượng đó đưa Kiều giáp mặt với đời…Vì vậy cái sự mơ về đã biến thành không gian hóa mà không gian có trong thời gian hiện hữu để thấy được sự mơ về trong nỗi nhớ thương mong. Tuy hiện thực nhưng một thứ hiện thực siêu hình trong một trạng thái lưu đày:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Chính những tư tưởng phát tiết đó, nằm trong phạm trù triết học của thời gian hiện hữu và thời gian tâm lý của con người, thành thử sự chuyển vần ngoại tại qua ý thức hiện hữu của con người.Thời gian hiện sinh được qui về hai đặc tính: -Một thuộc về thời gian trôi chảy và bản ngã của con người cũng trôi chảy theo với thời gian. -Hai là con người tiếp thu được tất cả trạng thái tâm hồn. Đấy là giòng tâm lý của con người. Cho nên chi tiếng than vắn, thở dài của Thúy Kiều là một hiện hữu tâm lý, vừa xác định với thời gian vừa xác định với đời. Đó là sự bắt gặp giữa hiện hữu và vô tri (unconsciness/inconnu) mà vô tri ở đây không có nghĩa là không biết đến để rồi không chấp nhận, mà đây là lời tự sự của kẻ đang đương đầu với hiện hữu như một sự an bài đã định:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Những bước đường đi qua của Thúy Kiều là chông gai là vị đắng, những kẻ đi qua đời nàng từ bọn hoạt đầu cho đến những tên tướng lừng danh, trước sau rồi cũng ‘qui hàng’ với trí tuệ xử thế của Kiều, đó là cuộc bể dâu mà Kiều đã trải qua. 15 năm lưu lạc là thời gian hiện hữu và bi đát nhất trong đời Kiều. Vì vậy Thúy Kiều cảm thấy sự sống giữa đời này mỗi lúc mỗi vô nghĩa, không còn thấy gì là chân lý, bởi chính con người tạo ra chân lý đó. Suy luận ấy đã cho ta thấy được chân tướng của Kiều qua sự sống của nàng. Thúy Kiều cảm thấy đời thừa:

Thân sao thân đến thế nầy

Đó là tiếng nói ta thán của cuộc đời dấn thân, cho nên Kiều đấu tranh trong mọi tình huống, có nghĩa rằng Kiều nhận lấy, để hủy diệt sự dằn co, hủy diệt từ vô thể để trở nên hữu thể là cứu sống bản thể mình ra khỏi cuộc đời.

Mười lăm năm giam mình trong số phận lưu đày, điều ấy không đưa Kiều vào nỗi chết, ngược lại Kiều vin vào đó để bung mình, vượt thoát đó là tâm thức phản kháng làm sống dậy ý thức hiện sinh. Như vậy Thúy Kiều là một con người đầy mưu lược của trí tuệ; không phải vì thế mà ngại, không dám làm. Kiều đã thực hiện được sự can đảm vô biên của mình:

Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng quần thử soi

Sở dĩ Kiều dấn thân vào con đường tục lụy như thế, một phần vì hoàn cảnh gia đình một phần vì hoàn cảnh xã hội, hai yếu tố ấy là động lực đẩy Thúy Kiều vào con đường lầm than, một con đường đày đọa nhân phẩm làm người mà Kiều phải hứng chịu, một nỗi đau không nói nên lời, ngậm đắng trong tủi phận. Đúng ra trách nhiệm đó thuộc về xã hội, nhưng cái xã hội thời ấy vốn đã mục nát, mục nát từ-trong-ấy-ban-ra. Cho nên dẫm chân lên con người là tìm cách vùi dập vì con người thường sống theo thân phận, nhất là thân phận lưu đày như Thúy Kiều. Đó là vũ trụ của con người giữa thời gian và sự chuyển vần để bắt gặp thời gian nội tại, bắt gặp bản thể dù cho thời gian ngoại tại đang lôi cuốn mình và đặt mình chấp nhận cuộc sống; đó là biến trình ngoại tại của thời gian, xô đẩy vào biến trình nội giới của con người;

Chữ trinh còn một chút này

Nguyễn Du tiên sinh đã thấy được giá trị cuộc đời, đã thấy được một xã hội ngụy tín.Tiến trình của xã hội đầy rẫy những mưu lược qủi quái, những bon chen vật lộn cho nên xã hội tạo ra thân phận đau đớn, không thể nào thoát khỏi vùng vây phủ ấy, vì mỗi khi xã hội đã dựng nên những nhân tố như thế là buộc con người ở thế bị động để rồi tự trói lấy mình, chính những qui kết đó là khởi điểm cho sự lưu đày, mà đã mang cái nghiệp đó thì viễn tượng tương lai cũng không còn có và con người không còn thấy vũ trụ mình đang sống mà chỉ thấy thời gian ngoại tại chuyển vần. Vì vậy thời gian của xã hôi là bi đát.

Đoạn Trường Tân Thanh Nguyễn Du đã nêu cao giá trị vô-tri-tính trong hiện-hữu-tính đó là mối tương quan chặt chẽ giữa vô tri và hiện hữu. Cũng trong giòng tâm lý của con người Nguyễn Tiên Điền dẫn đưa con người vào mê lộ, lầm than và những biến chuyển không ngừng của xã hội; đó là tâm lý nội tại qua vai trò của Thúy Kiều. Tố Như tiên sinh nhận ra được cõi đời, cõi người trong bất cứ không gian và thời gian nào, sự biến thiên đó luôn luôn hiện diện để cho sự phiền não chế ngự ấy là điều mà con người phải nhận lấy như qui trình của vũ trụ. Nhận đó chính là nhận cái đau khổ, cái bỉ cực vì ngổn ngang gò đống của đời của ‘bỉ sắc tư phong’ của ‘tài mệnh tương đố’. Héraclite cho rằng: ” You can not step twice into the same river, for fresh water are ever flowing in upon you. The sun is new everyday! ” Cho nên liên trình đó không bao giờ dừng lại và liên tục ngày nầy qua ngày khác và dòng nước sẽ cuốn phăng đi! Cho nên nhập thế và hành thế của Thúy Kiều là hành nhập trong đau đớn, khổ lụy. Đã nhập ắt phải khổ đó là luật thường tình mà con người phải trải qua. Định đề nầy trở nên bất biến.

KẾT:

Đoạn Trường Tân Thanh ; Nguyễn Du đã thể hiện một cách tài tình về tâm lý làm người khi đặt mối liên hệ giữa thời gian nội tại và thời gian ngoại giới trong một biện chứng luận qua vai trò của Vương Thúy Kiều, dù là số phận riêng tư nhưng đồng thời cũng bao hàm được thân phận đàn bà mà xưa nay đều mang một tâm trạng đau khổ cho tình và cho đời ‘Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương’ (Xưa nay tài mệnh là nghịch cảnh không hoà hợp được).

Thời gian lưu lạc rồi hoá thân qua từng giai đoạn trong đời. Thúy Kiều nhận lãnh như định mệnh đã giao. Đó chính là thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh nói lên được hầu hết nhân tính của con người mà Thúy Kiều đại diện cho những mẫu người như thế. Trong vai trò của Kiều ta thấy được ba mặt thể chủ lực; khách thể, chủ thể và thời gian để tạo thành một thực thể chuyển dịch và thể hiện được thời gian hiện sinh của tác phẩm, một tác phẩm vĩ đại vừa dựng nên những biến cố trong đời sống có thực vừa dung nạp những bi thương xã hội như một thực thể và làm sáng lên từng nhân vật trong xã hội. Giòng thời gian hiện sinh chính là thời gian hiện hữu; đó là vũ trụ tâm lý. Thúy Kiều đại diện giòng sinh mệnh đó, Kiều sống thực với vai trò, thật với đời, thật với chính mình như chính tác giả vậy. Cho nên triết lý của Đoạn Trường Tân Thanh không ngoài mục đích là nói lên chữ tâm; đó là cứ điểm đối đầu với lẽ vô thường của vũ trụ. Tất cả do nhân duyên mà ra cả, mà nhân duyên là cái nghiệp. Vậy nên chi Nguyễn tiên sinh mới có Đoạn Trường Tân Thanh; nói lên nỗi lòng ai oán giữa biển đời đau thương:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

LUẬN:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
(Ba trăm năm sau/Có ai khóc cho đời Tố Như không?)

Nguyễn Du là một nhân tài kiệt xuất, một con người kiến thức lớn. Được sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có tước vị trong xã hội, học đạo thánh hiền, một tâm thức đạo đức. Người có tấm lòng trung quân, ái quốc, để lại một gia tài văn chương chữ nghĩa cho hậu thế, một hoài bão bao la diệu vợi về trí tuệ cũng như tâm hồn. Với một trình độ tối thượng như thế, người không mong đời khóc thương cho mình mà nên khóc thương cho số phận của con người…Ba trăm năm sau là hoài niệm của Nguyễn Du. Khi đời cảm nhận được vai trò của Thúy Kiều thì đó là vai trò của chính mình trong cuộc đời này. Nguyễn Du không yêu cầu điều ấy. Người là một nhà uyên bác, một nhà tâm lý học siêu đẳng không thể có cái gọi là ‘ngộ ngã’ như thế được. Nguyễn Du tiên sinh là đấng trượng phu đâu có đòi hỏi đời phải thương khóc cho ông! Ba trăm năm trở về sau khi con người nhận thức được cảnh ngộ của Thúy Kiều mà khóc thương cho nàng. Không! đó là nước mắt của bản thân mình. Tại sao thế? Bởi thời gian sống của con người hôm nay, không còn là thời gian sống của Thúy Kiều hôm qua; dù thời gian trôi đi nhưng là thời gian ý thức, thời gian mà chúng ta đang sống và hoà mình trong nhịp sống đời để tạo nên một biến trình trong đời sống hiện hữu. Nguyễn Du vẫn mơ về của ba trăm năm sau và đời sẽ khóc như Tố Như đã khóc ./.

(ca.ab.yyc lễphụcsinh / tiếtthanhminh tháng hai Canhdần 2010)

* “Tự coi mình như người cùng một vận” ND
(1) Nguyễn Du(1765-1820)Người Làng: Tiên Điền,Huyện: Nghi Xuân,Tỉnh: Hà Tĩnh.Bắc Việt.
Con ông Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm và bà trắc thất Trần thị Tần.
Nguyễn Du mất vì bệnh vào ngày 16.9.1820.Thọ 56 tuổi.Lăng mộ hiện ở Hà nội,Việt Nam.
SÁCH ĐỌC:
Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du. Đặng Cao Ruyên.NXB Miền Đông USA 2001
Nguyễn Du Toàn Tập.Nguyễn Thạch Giang.Tủ Sách Nguyễn Lương Tùng Thư USA 1996
Truyện Thúy Kiều(ĐTTT) Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim.NXB Đại Nam 1973 Sài gòn.VN
Chữ Nghĩa Truyện Kiều.Nguyễn Quảng Tuân.NXB Văn Học.Hà nội 2003
History of Western Philosophy by G.Allien.London.UK 1979.
TÌM ĐỌC THÊM: (Những tiểu luận của võcôngliêm): - ‘Tính Chất Huyền Thoại và Lãng Mạn Trong Truyện Kiều’ / -‘Trở Về với Kiều Trong Tư Thế Hồn Nhiên’ / -‘Triết Lý Truyện Kiều’.Trên một số báo mạng và giấy trong và ngoài nước (từ 2010 đến 2015) hoặc email về vcl.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Calgary Canada .