Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


NGÔ ĐÌNH MIÊN

VỚI NỖI DỊU DÀNG TÌM VỀ CHÂN THẬT !





N gô Đình Miên- sinh năm 1954, quê Bình Thuận.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm –Thời gian dài là giáo viên rồi làm công tác quản lý ngành Giáo Dục. Có một số chức vụ khác đã kinh qua tại Bình Thuận, nhưng không thấy anh đề cập: Phó trường Ban Tuyên Giáo tỉnh, Phó chủ tịch Hội VHNT Tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh ….


Đã từng có 3 tập thơ riêng (Lời ru tóc trắng, Phía ngược, Luc bát hồn nhiên), l tập thơ chung (Trân Trọng) để những bạn bè yêu thơ ở Bình Thuận tưởng Ngô Đình Miên vẫn còn đắm đuối rồi lững thững tình đời trên trang chữ. Nhưng khi tập Bút ký “Bước Lên Hoa Đỏ” vừa do NXB Văn Học ấn hành tháng 4.2011 mới làm cho người đọc thú vị hơn với 16 bài, trải đầy những cảm xúc về những con người chân thật đáng yêu trên vùng đất Bình Thuận. Tôi có cảm giác đã bị cuốn hút vào từng câu chuyện mà anh ghi lại bằng sự quan sát tinh tế và phải có cả sự rung động thật tình mới được vậy. Cái giọng văn trầm tĩnh, vừa lý lẽ vừa chua cay nhưng có chút gì đó da diết, xót thương như những lúc anh đang “phiêu” cùng men rượu.

Những ghi chép từ miền núi heo hút có địa danh Đông Giang, nằm phía đông dòng sông La Ngà, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) tưởng chừng xa lạ. Dù biết anh từng chục năm trời với công việc dạy học, từ sau ngày giải phóng 1975 đã sớm có mặt trên đó, nhưng khi đọc “Có phải em về trong bóng hoa”, “Nhớ tên em gọi về”, “Gã kliu si tình”…tôi cứ nghĩ Ngô Đình Miên đã phóng bút hư cấu cho lâm ly trang chữ. Nhưng trong một dịp tình cờ mới đây tôi đi theo đường bộ từ Ma Lâm lên Đa-My, ngang qua bản làng đồng bào dân tộc thiểu số La Dạ, Đông Giang dù đường sá bây giờ thông suốt nhưng vẫn cảm nhận được ngày ấy cách đây trên 30 năm nó khắc nghiệt, cô quạnh như thế nào. Chỉ qua những trang tái hiện về cảnh núi ngàn tĩnh mịch ở Đông Giang của Ngô Đình Miên đã cho tôi nỗi bồi hồi, thấy mến yêu và kính trọng những con người đặc biệt đầy tình người. Cho nên hiểu thêm một điều vì sao Ngô Đình Miên đã làm nên sự sinh động, mượt mà trên trang viết của mình như vậy. Anh nhắc đến cảnh bến tắm trong “Có phải em về trong bóng hoa”, nói về tập quán tự nhiên của người dân tộc K’ho với sự hồn hậu, thánh thiện như con nước sông rừng sẽ là một sự lạ lùng cho những ai đã mãn nguyện nơi phố thị. Rồi nhân vật thầy giáo “Cuanh” (tác giả cố tình viết như thế) tật nguyền, tình nguyện làm thân lạc đà gùi chữ lên non và mang theo mối tình đầy chất thơ với cô giáo Bích Ly … Đọc xong tôi thấy lòng bàng hoàng và nghĩ rằng chỉ có thể là nhân vật trong tiểu thuyết ! Nhưng đó là câu chuyện có thật: “…Với đôi chân chấm phẩy, mang trái tim thất tình rướm máu, đã càng khiến cho tấm lòng hắn gắn bó thiết tha, sâu nặng hơn với giáo dục vùng cao. Vậy là cuối cùng, hắn trụ lại hẵn với Sông Đông và lấy vợ người K’ho…”. Trong những năm vào đời gian khổ nhất ở vùng núi Đông Giang, với Ngô Đình Miên lại là cái hạnh phúc rất dung dị, lòng người tươi rói những ước mơ nay trở thành ký ức, anh viết lại với ý nghĩ “đi tìm lại con người chân thật của chính mình, tình yêu của tôi với cuộc sống này luôn luôn vơi xuống và cũng luôn luôn đầy lên” như lời tâm sự của anh. Đến lúc này tôi mới hiểu ra vì sao Ngô Đình Miên từng đạt chức quan cấp tỉnh, danh giá ghi vào lý lịch nhưng anh vẫn chọn cho mình một cách gọi đơn giản về nghề nghiệp là “dạy học” mà thôi.

Trong những tác phẩm văn học, báo chí viết về vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận tuy có nhiều nhưng theo tôi vẫn còn rời rạc và thiếu cái ruột rà, duyên dáng như của Ngô Đình Miên. Như “Trên dòng sông thủy triều”, tức dòng Cà Ty từ chuyện đời, chuyện văn với một người bạn tâm giao đủ cho người đọc vỡ lẻ ra nhiều điều khá lý thú về con sông thơ mộng chảy ngang thành phố quê nhà. Ngô Đình Miên mến yêu mảnh đất quê hương bằng tâm thức thiêng liêng, sâu nặng cho nên, như anh viết về làng xưa Cà Dập, một hóc quê nghèo tơi tả ngày nào, ở đó bầm dập trong chiến tranh nhưng nay đã khác, xanh ngát từ dòng nước Sông Mao. “Đường lên dốc đá”, lan man về Tháp Chăm Phố Hài, Lầu Ông Hoàng, Hàn Mặc Tử và có cả Trần Thiện Thanh với lời của một nhạc phẩm “đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu Ông Hoàng đó thưở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua…”. Bằng ký ức và cái “tính khí giáo dục”, Ngô Đình Miên đã đòi hỏi sự nghiêm túc trong cách gọi địa danh, rõ nhất là ở bài “Gọi tên một di tích”, có vẻ như lạc lỏng trong tập bút ký văn học này nhưng người đọc có thể đồng tình với tác giả.

Tựa của tập bút ký cũng là một bài viết về hoa Bông Vang của Vườn Bông Tháp Nước bên bờ dòng sông Cà Ty, in đậm trong tuổi hoa niên của anh bởi màu đỏ thắm, đỏ đến lạ lùng. Bởi lẽ :”Vườn Bông và mùa xuân đỏ bông vông giờ đây chỉ còn là hình ảnh đẹp được cất giữ đâu đó trong vùng kí ức của những người đã một thời được nhìn ngắm nó, sống với nó, có kỉ niệm về nó, đã yêu mến nó”.

Lại thêm một bất ngờ, ngoài thơ, Ngô Đình Miên đã góp vào mảng văn xuôi Bình Thuận một nét phóng khoáng, có giá trị nhân văn bằng sự chân thật của cái tâm và cái tình.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ BìnhThuận .