Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu (1900-1976)


TÀI VẼ TRANH KHÔI HÀI

CỦA TÚ MỠ




L à người yêu thích Tú Mỡ từ những ngày còn cắp sách đến trường cho đến nay là lúc tôi đã đuợc 24 tuổi lần thứ 3, tôi đã sưu tập khá nhiều tài liệu về nhà thơ,và nhờ những tài liệu đó, tôi có biết một điều mà tôi cho là tương đối mới lạ về ông; nhân dịp Xuân về tôi muốn xin chia sẻ điều đó với tất cả mọi người yêu thơ Tú Mỡ ở trên đời.

Mọi sách vở hiện có đều hầu như chỉ nói về Tú Mỡ kể từ đoạn đời ông cộng tác với Tự Lực Văn Đoàn, tức là khoảng năm 1932 khi Tự Lực Văn Đoàn được thành lập. Còn khoảng từ 1932 về trước thì không thấy nói gì nhiều.


Mới đây tôi được đọc một cuốn tựa đề là “Tiếng Cười Tú Mỡ” do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin cho ra đời năm 2000, qua cuốn sách dày 500 trang này, tôi chỉ thấy có bài của tác giả Phan Cự Đệ nhắc tới thời kỳ từ 1925 tới 1928 khi ông Tú Mỡ cộng tác với 2 tờ báo: 1 tờ của Hội Sinh Viên Việt Nam mà lúc đó, dưới thời thực dân, chúng gọi là Annam, và một tờ báo khác là tờ Tứ Dân tuần báo, trong vỏn vẹn có mười dòng chữ. Ngoài ra, trong chính bài do Tú Mỡ viết (nơi trang 358 của sách nói trên), ông cũng có nhắc tới Paul Monet, người Pháp đã lập ra Hội Sinh Viên Việt Nam và tờ báo mà ông cộng tác. Chính Tú Mỡ không hề nhắc nhở gì tới tài vẽ tranh biếm hoạ của ông trong tờ báo này, phải chăng ông cho đó là một cái gì tầm thường không đáng nhớ tới và nhắc tới?

Hành động của nhà thơ làm người viết kính phục, ông thật khác xa với nhiều kẻ đời nay, tuy đã được công nhận ở một lãnh vực nào đó, còn muốn “đã nổi tiếng lại nổi tiếng hơn” nên đã đi thuê kẻ khác vẽ tranh, làm thơ, để rồi đem ký tên mình và đem in chung vào một cuốn sách để tỏ ra mình là kẻ đa tài, nhưng thực chất thì những tài “đi thuê” chỉ là những tài dzổm không hơn không kém.

Người viết tình cờ được đọc bộ báo của Hội Sinh Viên Việt Nam mà tờ số 1 được xuất bản ngày 15 tháng Bảy, 1923, trong đó người viết thấy Tú Mỡ có vẽ nhiều bức tranh biếm hoạ nặng tính giáo dục khá đẹp. Người viết cảm thấy rằng ở tuổi 23 (Tú Mỡ sinh năm 1900), không biết Tú Mỡ có học vẽ ở trường nào không, nhưng vẽ được như vậy thì cũng tài hơn khối người khác rồi. Những bản vẽ đó đều có chú giải được in song ngữ, tiếng Việt và tiếng Pháp và đều mang chữ ký Hồ Trọng Hiếu.

Như một món quà tặng những người yêu nhà thơ, người viết xin đăng tải đính kèm đây bốn trong số những hình tranh biếm hoạ của Tú Mỡ để tất cả mọi người đều được thưởng lãm.

Với người viết, kẻ có thực tài mà không thèm khoe, không làm như người đời thường tham lam muốn “đã tài lại tài hơn”, thường là một nhân cách đáng trọng…



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .