T
ừ ngàn xưa, con người luôn luôn có nhu cầu kể truyện bằng hình ảnh. Mười ba ngàn năm trước
công nguyên, vào thời đại Macdalen, đã có một số tổ tiên người Pháp khắc vào thành hang động ở Lascaux thuộc vùng Dordogne (Tây-Nam nước Pháp) những hình
ảnh cuộc chiến đấu thường nhật của họ chống lại thú dữ. Mười ngàn năm sau đó, người Ai Cập đã phủ đầy hình vẽ và những chữ tương hình lên trên
tất cả những bức tường ở các lăng mộ đền đài của các vị vua của họ. Năm 1077 sau công nguyên, hoàng hậu Mathilde nước Anh đã thêu vào một băng vải
dài 70 mét 34 phân và cao 50 phân tất cả các chiến tích của phu quân của bà là vua Guillaume Đệ Nhất. TRUYỆN TRANH Ở PHÁP VÀ Ở THỤY SĨ Trong thời cận đại và hiện đại, ở Pháp và ở Thụy Sĩ, các
tên tuổi sau đây được coi là những thủy tổ của truyện tranh: ở Thụy Sĩ có Rodolphe Topffer (1799-1846), họa sĩ và nhà văn người Thụy Sĩ,
cha đẻ của nhân vật Jabot trong truyện tranh “Histoire de M.Jabot” (Truyện ông Jabot) xuất bản năm 1833. ở Pháp thì có họa sĩ
CARAN D’ACHE (1859-1909) – ông này là người Pháp sinh ở Moskva, tên thật là EMMANUEL POIRE. Bút hiệu Caran D’Ache của ông được đặt
theo chữ Kanrandash có nghĩa là “bút chì” trong tiếng Nga. Ông này nổi tiếng về những bức họa chống bọn theo phe ủng hộ Dreyfus.
Cùng thời với ông này có họa sĩ CHRISTOPHE (1856-1945), tên thật là Georges COLOMB – ông này là Phó Giám Đốc một Phòng Thí Nghiệm về Thực Vật Học
của Đại Học Sorbonne và là cha đẻ của các nhân vật truyện tranh như chú lính công binh Camember, nhà bác học Cosinus, và gia đình Fenouillard mà ông
đã tưởng tượng ra để mua vui cho các con trẻ. Ông ký bút hiệu là CHRISTOPHE vì tên ông cộng với Christophe thì thành Christophe… Colomb! Nhân vật
thứ ba được coi như một trong những người đi tiên phong về mặt truyện tranh là BENJAMIN RABIER (1864-1939), ông này là cha đẻ của chú vịt GEDEON,
một chú vịt Pháp không thua kém gì chú vịt Mỹ DONALD. TRUYỆN TRANH Ở BỈ Lịch sử truyện tranh ở Bỉ, và có thể nói ở trên toàn thế giới, không thể không nhắc tới họa sĩ HERGÉ, tên thật là
Georges Rémi (1907-1983) là cha đẻ của nhân vật TIN TIN, chàng phóng viên trẻ tuổi và chó MILOU danh tiếng. Năm 1927, Hergé làm việc
cho tờ báo hàng ngày ở Bỉ tên là tờ “Thế Kỷ 20”. Ban Biên tập đã có ý kiến hay là giao cho nhà họa sĩ một trang báo phụ, dành cho thanh
thiếu niên – một trang báo lớn, khi gấp lại thì thành 8 trang nhỏ gọi là tờ “Tiểu Thế Kỷ 20”. Số đầu tiên ra ngày 1 tháng 11, 1928.
Tới số 11, ra ngày 10 tháng Giêng 1929, HERGÉ bắt đầu cho đăng truyện tranh TIN TIN Ở LIÊN XÔ. Kể từ đó chàng phóng viên trẻ tuổi
TIN TIN không hề có được một giờ phút nghỉ ngơi. Chàng ta sang Congo (1930), sang Châu Mỹ (1931) và sang phương Đông (1932)
trong truyện tranh LES CIGARES DU PHARAON (Những điếu xì gà của vua Ai Cập). Năm 1934, Tin Tin sang Viễn Đông trong tác phẩm
Le Lotus Bleu (Bóng Sen Xanh), sang Nam Mỹ với tác phẩm L’Oreille cassée (Tai sứt) năm 1935, và sang Anh Quốc và Tô Cách Lan năm 1937
trong tác phẩm L’Ile Noire (Đảo đen). Chàng phóng viên trẻ tuổi của chúng ta còn đi tới một vương quốc tưởng tượng là vương quốc Syldavie
trong tác phẩm Le Sceptre D’Ottokar (Vương trượng của Ottokar) vào năm 1938. tác phẩm L’Or Noir (Vàng đen) đưa Tin Tin tới các tiểu
vương quốc Ả Rập; tác phẩm này ra được tới trang (khổ lớn) thứ 56 thì bị đứt quãng vì báo Thế Kỷ 20 đình bản vào ngày 8 tháng Năm,
1940 khi quân Đức Quốc Xã tràn vào Bỉ. Các độc giả phải chờ đợi tám năm sau, ngày 28 tháng 10, 1948 mới được đọc đoạn tiếp theo,
nhưng lần này được in trong tờ tuần báo Tin Tin. TRUYỆN TRANH Ở NƯỚC TA Thời tiền chiến (trước năm 1945), ở nước ta không có truyện tranh được in thành tờ báo hoặc thành quyển
riêng mà chỉ có những truyện tranh in trong một vài tờ báo như Cậu Ấm Cô Chiêu (của Thái Phỉ) với các nhân vật Vá, Vếu,
Học Sinh (của Phạm Cao Củng) với các nhân vật Típ Tốp vv… đăng làm nhiều kỳ, mỗi kỳ vài trang. Những truyện tranh này rất hay
và đầy tính giáo dục, cũng như đầy tình người quả là rất đáng quý và đã thực sự làm say mê kẻ đang viết mấy dòng này. Kể từ những năm cuối thập niên 80, truyện tranh bắt đầu xuất hiện ê hề ở nước ta, nhưng số truyện tranh
do họa sĩ của chúng ta vẽ và các tác giả Việt Nam viết thì rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, còn các loại truyện tranh của Nhật,
của Pháp, của Mỹ thì có tới không dưới vài chục thứ, với những đường nét cách điệu, méo mó, trông chẳng giống ai và phần lớn nhằm cổ
võ bạo lực cùng những tính chất hung ác. Gần đây có nguyên một loạt của Nhật nhan đề là “Thám Tử Conan” mấy chục cuốn toàn dậy chuyện
giết người, mỗi cuốn có nhiều truyện ở trong và trong mỗi truyện đều có ít nhất là vài ba vụ giết người, đủ kiểu, đủ loại,
xem xong người lớn cũng thấy sợ nữa chứ đừng nói con nít. Rồi mới đây nhất lại còn có loại ma quái, bị đưa lên báo và hình như
đã bị ngưng không cho lưu hành nữa. Nhưng bây giờ, thì ôi thôi, lại vũ như cẩn và nhiều gấp bội nữa. Kẻ viết bài này trong thời niên thiếu đã từng được đọc rất nhiều truyện tranh ở miền Nam (trong những thập niên 50 và 60)
vẽ rất đẹp, và đưa ra toàn những cốt truyện đáng quý, giúp cho các thanh thiếu niên đọc chúng trau giồi được nhân cách, tự luyện cho mình
tính dũng cảm, lòng nghiã hiệp. Cho tới nay, tuy đã ở tuổi 25 tới lần thứ ba, nhưng vẫn chưa thể quên được những truyện tranh tuyệt vời đó.
Ước mong rằng trong tương lai con cháu chúng ta sẽ được đọc những loại truyện tranh tương tự đó, không còn phải đọc những loại truyện tranh vẽ xấu,
kể tuyền những truyện bạo lực giết chóc…-./.
VVM.31.10.2024.