HÁT “ĐI HỌC”
NHỚ VỀ NHẠC SĨ BÙI ĐÌNH THẢO
N hạc sĩ Bùi Đình Thảo hơn tôi 18 tuổi, nhưng ông lại xưng hô với tôi như người đồng trang lứa. Dường như bất kỳ một câu nói nào với tôi, ông cũng mở đầu bằng ba từ “Ông Giống này…”. Tôi thì gọi ông là “Bác” và xưng “Em”.
Ông là người vui tính, hài hước, giản dị, rất dễ gần. Tôi thường đến chơi với nhà thơ Tống Hiển ở “khu tập thể” ngay trong trụ sở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh. Ngày ấy Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo cũng ở cùng “khu tập thể” với Tống Hiển. Khi thì chúng tôi kéo vào phòng ông, khi thì ông sang phòng Tống Hiển uống nước, bù khú chuyện trên giời dưới biển. Đôi lần ông ra thư viện vào phòng tôi nhờ tra cứu một vài tư liệu, đàm đạo về nhân tình thế thái, về âm nhạc… Miệng ông thường trực nụ cười thoải mải, lộ hàm răng trên khuyết hai cái răng cửa trông ngồ ngộ, rất duyên...
Tôi và nhạc sĩ Bùi Đình Thảo có lần cùng được mời dạy ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Trường bố trí cho hai chúng tôi ngủ cùng phòng tại phòng khách – nhà cấp 4. Nửa đêm, vẫn nghe tiếng vỗ muỗi bên giường Bùi Đình Thảo, tôi hỏi:
- Bác làm gì mà cứ vỗ bì bộp mãi vậy?
Ông bảo:
- Ông Giống này, bật điện lên giúp tôi với…
Tôi vội bật điện. Bùi Đình Thảo vừa gãi cổ vừa nói:
- Ông Giống này, muỗi cắn ghê quá, không ngủ được. Ông giúp tôi đếm xem cái màn có bao lỗ thủng và túm lại cho tôi với.
Tôi chui ra khỏi màn, tỉ mẩn đếm lỗ thủng ở màn ông.
- Có tất cả 17 lỗ thủng lớn nhỏ muỗi có thể chui vào được bác ạ.
Tôi lần mò kiếm giây túm các lỗ thủng màn ông lại. Ông bảo:
- Ông Giống này, quá giấc rồi, già ít ngủ, cứ để điện cho đỡ muỗi, chuyện cho vui đi.
Tôi gợi chuyện:
- Ông hiệu trưởng trường cũng là nhạc sĩ xịn đấy.
Bùi Đình Thảo cười:
- Ông Giống này, ông đếch nào cũng khoe với học sinh mình là nhạc sĩ chính quy, đạo diễn lớn… Nhưng hiện ở cái Sở mình, duy nhất có Bùi Đình Thảo được ghi tên trong từ điển nhạc sĩ quốc gia… Hì hì…
Tôi trêu ông:
- Ai mà chả biết Bùi Đình Thảo là “Nhạc sĩ trẻ con”, toàn thấy “Em đi giữa biển vàng”, “Đi học”. “Sách bút thân yêu ơi”, “Bà thương em”…
- Ông Giống này, chả lẽ cỡ ông mà không biết đến nhạc Giao hưởng Bùi Đình Thảo ư? - Sao không? Giao hưởng thơ “Mùa xuân Hồ Chí Minh - Mùa xuân thống nhất” của bác em còn lạ? Năm 1980 - 1982 em chuyển ngành học tiếp Đại học Văn hóa, đã được nghe giới thiệu trong chương trình thực tế minh họa cho phần “Các loại hình nghệ thuật” rồi… Nhưng thực tình mà nói, chả mấy ai biết đến giao hưởng của bác. Không phải vì giao hưởng của bác kém, mà bởi đối tượng của giao hưởng quá ít, còn đối tượng ca khúc thì quá đông. Vậy nên hầu như trẻ con mấy thế hệ qua đứa nào cũng hát “Đi học”… Mấy bài hát trẻ con nhạc đơn giản mà đè chết tươi giao hưởng đồ sộ của bác rồi… Hí hí…
Nghe tôi ba hoa vậy, ông không giận, mà bật người sang giường tôi, nắm tay tôi, hào hứng:
- Ông Giống này, tôi thích ông rồi đấy. Ông có thích “bài hát trẻ con” nào của tôi không?
- Có, thích nhất bài “Đi học”…
- Ông Giống này, ban đầu tôi lấy một bài thơ chép tay lưu truyền trong bạn bè làm lời bài hát nên không biết ai là tác giả thơ. May nhờ Tống Hiển phát hiện thơ của Minh Chính nên mới ghi được tác giả lời…
- Hoàng Minh Chính quê gốc ở Ý Yên tỉnh Nam Định, dòng Nhượng Tống đấy. Nhỏ sống ở Phú Thọ, lớn đi bộ đội hy sinh…
Lặng đi hồi lâu, tưởng ông đã ngủ, tôi tắt đèn.
- Ông Giống này, sắp sáng rồi, ông cứ bật đèn lên được không?
Tôi lại bật đèn. Tôi nghe ông phều phào một âm điệu vui tai… Tôi cũng hát bài “Đi học” bằng giọng bắt chước giọng trẻ con…
Lần ngủ chung phòng với ông tối hôm ấy thật khó quên. Ông về hưu được đâu tám chín năm thì mất… Hôm qua cùng bạn bè nhắc đến cố nhà thơ Tống Hiển, bất chợt tôi lại nhớ tới Bùi Đình Thảo. Tôi hát “Đi học” bằng giọng thật của mình, quay bằng cái máy ảnh du lịch cổ lỗ sĩ:
“Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi…”