Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



RU MẸ, BÀI HÁT RU ĐẶC BIỆT





     P hạm Duy viết nhiều bài ca về mẹ như “Bà Mẹ Quê”, “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bà Mẹ Phù Sa”. Và trường ca “Mẹ Việt Nam”. Còn có một bài ca khác cũng viết về mẹ, với lời ca như thơ. Đó là bài “Ru Mẹ” – Bình Ca 6, Sài Gòn, 1972.

Tên bài hát “Ru Mẹ” quả là đặc biệt. Đặc biệt bởi vì lẽ thường tình, mẹ ru con từ bao đời nay như là một lẽ đương nhiên. Từng có những lời ru của mẹ theo tháng ngày, theo nhịp nôi đưa: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Đêm năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm/ Gió mùa hè, ai dè bạc phận/ Chớ mấy con trăng này thời vận đảo điên”, hoặc: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nhước trong nguồn chảy ra…”. Còn trong bài hát này con lại ru mẹ.

Bài hát có 3 đoạn. Từng đoạn đều thể hiện tình cảm của người con khi ru mẹ.

Ở đoạn 1, mẹ 50 tuổi, trải qua chiến tranh, con 20 tuổi về cùng mẹ khi hòa bình đến. Chiến tranh không còn, quả là thỏa lòng mơ ước của bao người. Bởi suốt thời gian chiến tranh mẹ nào đâu yên giấc được. Giấc ngủ mẹ khó khăn, bởi mẹ lo cho con. Không biết con có được bình yên trở về cùng mẹ không? Chỉ toàn đạn bom chập chờn trong giấc ngủ của mẹ, làm sao mẹ ngủ được. Và khi hòa bình đến, dẫu là muộn màng, con ru mẹ bằng ngàn lời ru:

“Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh
Con hai mươi tuổi, Hòa Bình về chơi
Từ lâu súng nổ vang trời
Hôm nay im lặng cho đời ngẩn ngơ
Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn
Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom
Mẹ ơi! Giấc ngủ muộn màng
Con xin ru mẹ một ngàn lời ru”.

Con xin ru mẹ bằng câu Kiều ngày nào mẹ từng hát ru con. Câu Kiều ngày nào qua lời mẹ ru, con nào quên được: “Một yêu câu hát truyện Kiều” (Tình Ca). Con ru mẹ bằng tiếng hát Nguyễn Du, bằng vần thơ lục bát ngợi ca hòa bình:

“Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hòa bình.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hòa bình”.

Tiếp đến trong đoạn 2, cũng là mẹ tuổi 50, từng trải qua đau thương, khổ cực, có lúc sống dở, chết dở; còn con tuổi 20 thì dặm trường đường xa bởi chiến tranh tàn khốc làm cho tan cửa nát nhà. May mà hòa bình ẩn hiện để Việt Nam vẹn nguyên, cho con được về bên mẹ, chuyện trò cùng mẹ, an ủi mẹ ngồi nhìn mẹ, xin ru mẹ, mong mẹ ngủ giấc ngủ êm đềm, cho bù lại những tháng ngày mẹ thức vì lo lắng cho số phận của con. Con cũng xin ru mẹ lúc trưa, lúc chiều như ngày xưa mẹ từng ru con:

“Mẹ năm mươi tuổi lất lây
Con hai mươi tuổi lạc loài đường xa
Dù cho tan cửa nát nhà
Hôm nay nguyên vẹn vẫn là Việt Nam
Mẹ ơi! Xin ngủ êm đềm
Riêng con không ngủ, ngồi nhìn mẹ yêu
Mẹ xưa nay ngủ không nhiều
Con xin ru mẹ ngủ chiều, ngủ trưa”.

Trong tiếng hát theo nhịp võng đưa bằng lời ca dao ngày xưa mẹ từng đưa con vào giấc mộng, con lại ru mẹ vào giấc mộng yên bình ấm tình con với mẹ:

“Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời.
Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời”.

Trong đoạn 3, vẫn là mẹ tuổi 50. Cả những năm tháng dằng dặc chiến tranh, những đêm dài mẹ không ngủ. Mẹ nào có được một chút mơ, dẫu chỉ thoáng qua. Còn con, lứa tuổi 20, nào có được khát khao, mộng ước. Con chỉ mõi mắt chờ mộng thanh xuân. Chỉ khi hòa bình đến, mẹ có được giấc ngủ yên bình, và con xin chia cho mẹ những mộng ước của con ngày nào. Mộng ước của con cũng là mộng ước của mẹ. Một mộng ước đẹp cho nước Việt yên bình, không còn cảnh máu đổ, xương tàn, mà chỉ có tiếng cười vô tư của đàn con trẻ trong tiếng hát hoan ca:

“Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ
Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh
Từ nay giấc ngủ thanh bình
Con chia cho mẹ mộng lành, mộng ngoan
Mẹ ơi! Giấc mộng tốt tươi
Cho con xin gửi cuộc đời Việt Nam
Mộng không máu đổ, xương tàn
Mơ trong giấc ngủ một đàn trẻ thơ”.

Và tiếng hát trong ngày hòa bình như chắp nối lời ru từ thuở con nằm nôi đến cả muôn đời sau, tiếng hát yêu thương của con dâng lên mẹ:

“Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời.
Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời”.

. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ ĐàNẵng ngày 07.10.2020 .