T hưở nhỏ, nghe người lớn kể trong yến tiệc của vua chúa xưa có món “Nem công chả phượng”, tôi cứ há hốc mồm ra mà nghe chẳng hiểu nem công chả phượng là món gì? Hẳn là ngon lắm, qúy lắm nên Vua mới được ăn. Sau này, tôi mới được tận mắt thấy những con công được thả lang thang trong các khu vườn qúy quanh những lâu đài cổ từ Á sang Âu với những bộ lông khoe sắc rực rỡ. Người ta nuôi công làm cảnh chứ không để ăn. Chỉ có lòai chim trĩ có bộ đuôi khoe sắc hay lòai gà lôi mới bị các tay thợ săn bẫy về làm những món đặc sản đắt chết người. Chẳng thấy ai ăn thịt công bao giờ.
Chim phượng là chim gì thì tôi mới chỉ biết đến lòai phượng hoàng đất ở trong rừng cấm.Hiện giờ, nếu vào khu du lịch Tràng An trong Hoa Lư Ninh Bình thỉnh thoảng vẫn gặp hàng đàn phượng hoàng bay về đậu bên cửa đền thờ Thánh Trần. Lòai này có cái mỏ to, rộng màu vàng và có tiếng kêu rất lạ. Tuy nhiên, lòai phượng hoàng này chỉ được gọi là phượng hoàng đất chứ không phải phượng hoàng chính cống mà thiên hạ đồn rằng được đem làm chả dâng Vua . Theo Bà nội đi chùa, thấy có vật lạ chạm trên cửa chùa, bà tôi bảo đấy là loài phượng , một trong tứ linh là “Long, Li, Qui, Phượng”. Trong đó , có mỗi lòai rùa (quy) là có thật. Phượng thì cũng chẳng ai nhìn thấy trên đời ngoài những hình khắc do con người tưởng tượng ra.
Cũng vậy, trên đời này cũng chưa ai nhìn thấy rồng mà chỉ nhìn thấy có con rồng đất, một loài bò sát trông giống tắc kè, thân có vẩy long lánh đổi màu tùy lúc và những gai tua tủa trên đầu trông rất oai vệ. Lòai này thỉnh thoảng vẫn thấy trong rừng. Tưởng rằng chuyện “Nem công chả phượng” vua ăn chỉ là người ta phịa ra cho li kì, vậy mà mới hôm qua thôi, chính tôi đã được thưởng thức không những “nem công chả phượng” mà còn được xơi cả món “thịt rồng” nữa. Tin hay không ? Tùy bạn.
Được mời tham dự đại lễ hội ở Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long và trăm năm kỉ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế với chủ đề “ Lễ hội văn hóa hòa bình, hữu nghị vì sự tiến bộ của Phụ nữ”, trong đó có phần hội thi Văn hóa ẩm thực thật rầm rộ. Có đến gần 70 đơn vị trong khắp nội ngoại thành Hà Nội và các qúy bà trong nhiều đại sứ nước ngòai cùng tham dự. Lễ hội thật hòanh tráng với đủ mặt nhân tài ẩm thực là phụ nữ về đây đua tài. Tôi hoa mắt bởi mấy chục gian trưng bày , trình diễn ẩm thực và thực sự thú vị khi tận mắt nhìn thấy các món ăn mà chỉ vua chúa thủa xưa mới được ăn và cả những món mà chắc là vua chúa thời trước cũng chẳng bao giờ được đụng đũa đến vì thời ấy làm gì mà có.
Đến nhiều gian hàng dự thi của các bạn nước ngòai, lần đầu tiên trong đời tôi dược nếm thử món Mansaf do các qúy bà với sự trợ giúp của các qúy ông trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Palestine tự tay trổ tài. Món cơm nấu trộn với thịt gà, khoai tây, cà tím, cùng nhiều thứ hạt lạ lùng như hạt thông, các lọai gia vị mà chỉ vùng Trung Đông mới có. Nồi cơm nóng hổi lật úp xuống mâm rồi được tưới lên những lớp kem sữa, trộn sà lát…ăn kèm bánh bột mì cán dẹt nướng…Mùi thơm lạ lùng và vị cũng lạ lùng…Lần đầu được mời nếm thử. Tôi cảm thấy thực lạ và thực thú vị. Các bạn Hungari thì mời ăn Gulát, một thứ thịt bò hầm rượu vang kiểu Hung, các bà trong Đại sứ quán Trung Hoa thì cho ăn món bánh 12 vị gồm xôi nếp với đủ lọai vị quả, vị thuốc khác nhau. Cánh Hội hữu nghị Việt Nam Tây Ban Nha Nha thì mời nếm thử rượu vang hảo hạng, mấy cô thiến nữ Lào xinh đẹp mời ăn cơm lam gạo cẩm chấm với thứ chẹo làm từ da bò rất độc đáo…
Với tôi, món nào cũng ngon và cũng hấp dẫn. Gía như có hai cái dạ dầy thì mới có thể nếm hết, thẩm hết mọi hương vị lạ lùng của đủ lọai ẩm thực tòan cầu.
Ưu tiên nếm các món của thiên hạ trước, tôi và cả nhóm bạn bè mới quay về với “Bếp Việt” mà ai cũng nghĩ rằng món Việt thì ai mà chẳng biết.
Thì vẫn vậy thôi. Từ món bình thường dân dã nhất như bún đậu phụ mắm tôm đến từ Kẻ Mơ Hà Nội, bún ốc Thanh Trì cho đến chả cá Lã Vọng, Bún thang phố cổ rồi đến các lọai bánh ngọt Á mà tưởng rằng đã thất truyền nay lại được phục hồi như bánh mảnh cộng. Bánh chưng xanh, chưng đỏ, bánh củ cải, bánh Tô Châu vừa ngọt lại vừa mặn…
Đặc biệt hơn cả, trong gian hàng dự thi của huyện Đan Phượng, Huyện mới được sáp nhập vào đại gia đình Thủ Đô lại xuất hiện hai món mà tôi chỉ được nghe chứ chưa bao giờ được thưởng lãm. Ấy chính là “Nem công” và “Chả Phượng”.
Gian hàng của chị em Đan Phượng nom không cầu kì đầy hoa lá củ quả bài trí rực rỡ như các gian hàng của các chị em cùng là thị thành khác. Không lấy tảng băng nước đá tạc thành Khuê văn các. Chẳng lấy khoai môn tạc thành tượng nữ thần tự do như chị em ở Đông Anh. Chị em Đan Phượng chỉ bầy hai đĩa nem công và chả phượng với mẩu giấy ghi vội bằng bút bi “Nem công’ và “Chả phượng” với những chiếc nem rán dòn nhưng được xếp thành hình con công đang múa và đĩa còn lại thì là giò chả cuộn trứng xếp thành hình phượng xòe cánh.
Tôi hỏi “ Công là động vật hoang dã, qúy hiếm sao các bà lại dám làm thịt cả công? Phượng thì lấy đâu ra?” Các chị chỉ cười và mời tôi xơi thử.
Cẩn thận đưa miếng chả vào lưỡi, nó cũng chỉ là một thứ chả làm bằng thịt có pha trứng tráng,mộc nhĩ như lọai giò chả tôi có lần được ăn ở Ninh Bình vì cách cuốn giò, chả có pha trứng tráng, mộc nhĩ để khi cắt khúc giò khúc chả sẽ cho ta một hình hoa độc đáo và có thêm vị lạ mà thôi.
Các chị cười khoe với tôi: “Nghe nói các cụ tổ nhà em xưa dược vào hầu bếp trong triều đình Nguyễn tận kinh thành Huế truyền lại, đấy là nem công và chả phượng”. tôi mới vỡ lẽ ra: Ừ nhỉ, chẳng qua chỉ là chả và nem được xếp thành hình công , hình phượng nên mới được gọi cho sang là nem công, chả phượng. Có thế mà giờ mới biết!
Lượn qua các gian hàng khác, tôi thực sự ngạc nhiên vì đâu đâu cũng thấy rồng. “Rồng lớn, rồng bé, rồng mẹ, rồng con, rồng đỏ như son, rồng vàng như nghệ”…và cả rồng tím rồng xanh nữa mới khiếp chứ ! Đâu cũng tòan rồng là rồng. Chẳng là nghìn năm Thăng long mà, các bà các thị thỏa sức biến đủ lọai thành rồng tuốt tuột.
Xưa kia, rồng là vật cao qúy. Chỉ có nhà vua mới được mặc áo rồng gọi là “Long bào”. Vua và hòang hậu mới được nằm giường rồng gọi là “Long sàng”. Mặt vua rạng rỡ, cao sang thì được coi là mặt rồng….
Trong dân gian còn truyền tụng chuyện “Vượt vũ môn”. Cá chép muốn hóa thành rồng phải trải qua bao khổ luyện thi cử cực kì vất vả nên mới qua được ba lần thử tài ghê gớm và được công nhận trở nên rồng. Bởi thế, thời xưa, hóa rồng, thi đỗ, có danh vọng, giàu sang là niềm mơ uớc của bao người. Muốn hóa rồng thì phải gian lao bền bỉ và kiên trì rèn luyện mới nên rồng được.
Tôi thích thú ngắm từng chú rồng kì lạ do các chị em nội trợ tài hoa Hà Thành nghìn năm văn hiến vừa sáng tạo ra trong thời đại mới. Nào là rồng làm tử quả bí ngô. Lạ chửa? Quả bí ngô mà người phương Tây khi trêu nhau thường bảo “cái đầu chú như quả bí ngô” (tức là cái đầu có vấn đề) lại được các chị khéo léo gọt tỉa thành đầu rồng. Con cá quả, các trê xẻ thịt, chiên xù rồi lắp đầu rồng vào là hóa rồng liền. Con tôm nhỏ xíu vốn hay bơi ngược, cứt lộn lên đầu, cho đội mũ rồng làm bằng cà rốt là biến thành đàn rồng bơi lội vui đáo để và trên bờ lại là hình lão Lã vọng cũng gọt bằng củ quả đang thả cần ngồi chờ thời và câu “rồng tôm chơi”…Rồi đến cả chú rồng khổng lồ kết bằng trăm con tôm luộc đỏ au. Rồng kết từ hàng trăm con ốc bươu, ốc nhồi rồi cả rồng bằng dứa, rồng bằng cà tím…Hay thật!
Tôi khóai chí lân la mỗi gian hàng một tí và xin các bà các chị cho nếm thử các loại rồng hiện đại xem kì vị của nó ra sao.
Ngon đáo để các bạn ạ!
Nếu được phong làm “Chánh chủ khảo”, thế nào tôi cũng đề nghị món “Rồng Thăng Long” được xếp huy chương vàng , chí ít thì tất cả các loại thực đơn rồng ở đây cũng sẽ được cấp bằng sáng tạo.