Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.


7- NHỊ THU
(Ngô Xuân Nhị , 1938 - )



Năm 1957, chúng tôi ở chung với nhau trong một căn nhà thuê xây trên sông khu Đoàn Thị Điểm nối dài (Saigon 3) . Hồi ấy, Nhị Thu thường hay lại thăm Uyên Thao. Do đó, tôi biết anh còn làm thơ. Bẵng đi một dạo, vào năm 1960, Uyên Thao chủ trương nhà xuất bản Sùng Chính Viện ( in ronéo), anh hỏi ý kiến tôi sau khi trao cho tập thơ Mây Hà Nội của Nhị Thu. Đọc xong, tôi rất thích thơ anh, nhất là thơ người nam mà lại rất nữ ấy - từ âm điệu đến ngôn từ; chỉ khác là giọng thơ ngông nghênh, không cần gì đời của anh. Nên gọi thơ anh có hơi hướng của một kẻ phản kháng thì cũng đúng, luôn luôn muốn đổi mới tất cả, kể cả con người tác giả và tất nhiên trong đó có thơ anh. Tôi viết Vào đề tập thơ ấy, một bài chung cho cả ba tập thơ: Nhị Thu, Đào Minh Lượng và Cao Mỵ Nhân.

Khi tập thơ Mây Hà Nội của Nhị Thu xuất bản, Viết Tân (một bút danh khác của Hồ Nam) viết một bài điểm sách (§) biểu dương thơ Nhị Thu hết mình. Viết Tân cho lối thơ năm chữ của Nhị Thu chịu ảnh hưởng Hoàng Tố Nguyên và Nguyễn Hoàng Linh (§§). Một số bài thơ như Xám, Tha Thiết trong tập Mây Hà Nội đã đăng trên tạp chí Sinh Lực từ 1959 (§) Phải thẳng thắn nói rằng thơ Nhị Thu cũng có phần chịu ảnh hưởng Nguyễn Bính ở thơ lục bát, như bài Tha Thiết chẳng hạn - nhưng không vì thế mà thơ anh thua sút bản sắc.Cộng thêm lối diễn đạt nhẹ nhàng, có kỹ thuật cao, từ âm thanh, ngôn từ, âm điệu, tỏ ra là người thơ có bản sắc riêng, có tâm hồn, hào hoa và lịch lãm. Một, ba, bốn câu dưới đây còn có một ít ngôn từ sáo cũ của tiền chiến như vạn chuyện sầu thế nhân vv…:

Nửa đời một kiếp lênh đênh
Tóc xanh, mắt biếc cho mình bơ vơ
Tôi chưa dừng bước giang hồ
Rượu đào uống mãi, bây giờ chưa say

(Tha Thiết)

Không phải tôi cố ý nói lên những khía cạnh: như chịu ảnh hưởng này nọ, ngôn từ cũ, có hầu hết trong các nhà thơ trẻ nhất hôm nay - để ý dìm họ hoặc có lý do chê bai. Tôi chỉ muốn tìm rõ khởi điểm con đường thơ mà những người thơ trẻ đang đi - bắt nguồn từ đâu - rồi họ sẽ tiến ra sao? Đấy là điều tôi cần biết và trình bầy. Chẳng ai còn lạ gì đọc văn chương của A. Gide - ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhà văn Nga F. Dostoievski và F. Nietzsche (nhất là cuốn Immorale) để trong văn chương, André Gide có quan niệm muốn nối chí hướng của thi-triết-gia F. Nietzsche khi Gide viết truyện Immoraliste. Cuối cùng, bản sắc của André Gide vẫn lưu danh bất tử trong văn chương Pháp hiện đại. Hẳn như vậy thì ở đây Nhị Thu từng có dạo say mê thơ Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân…, nội tâm buồn chán khởi nguồn lục bát Nguyễn Bính cộng thêm chất liệu không cần gì đời, nhìn qua cặp mắt khinh bạc kiêu sa của Trần Huyền Trân ngưỡng cửa tiền chiến để tạo thành một Nhị Thu hôm nay. Thơ Nhị Thu lời đẹp, dịu dàng, chau chuốt.Người đọc thơ anh thấy được an ủi, có cảm tưởng như một lần dạo trên đồng cỏ xanh lì. Nhưng cũng có khi bị vướng gai nhọn làm đau bàn chân:

Những bàn tay ghẻ lở
Nắm chặt những bàn tay
Tôi thấy đầu choáng váng
Như vừa uống rượu say

Giữa trưa ấm nắng hồng
Không buồn sao nhớ nhung
Bước vào trong cửa tối
Đèn hoa sao sáng trưng?
………………………
Bàn tay dầy cồm cộm
Vẫn nằm im nơi đây
Buổi chiều đi dạo phố
Nhìn tà áo bay bay
………………………
Đường về mưa bất ngờ
Núp tạm gần khám lạnh
Có một chùm hoa nở
Rực rỡ bên nhà tù

(Những Ngày Những Tháng)

Rằng bao hàm ý nghĩa, hẳn người đọc không chối cãi được khi đọc đoạn thơ cuối - nhưng tôi chưa hoàn toàn bị tác giả mê hoặc, lại càng không nữa, khi đọc bài Xác Định - tôi nhấn mạnh toàn bài, ở đây chỉ trích dẫn đôi ba câu:

Tay anh muốn níu thời gian
Dù tóc anh xanh hay đã úa vàng
Hay ngày mai bạc trắng
Anh vẫn làm thơ và vẫn làm cách mạng
Cho đời hết nghĩa cỏ cây

Theo tôi, đoạn thơ chỉ là bầy tỏ thái độ cố níu, có lời tuyên bố suông cho hợp snobisme, đúng với cách làm dáng của thanh niên tỏ ra mình có tranh đấu cho một đường lối để đổi đời hết nghĩa cỏ cây. Đọc thơ lên, người đọc chưa xúc động thực sự. Nhị Thu còn làm một bài thơ ba tiếng, chịu ảnh hưởng bài thơ cũng có ba tiếng của Tố Hữu. Xin trích đoạn cuối bài Xác Định:

Anh đã sống như anh hằng tự nhủ
Yêu thương hôm nay cho ngày mai
Như ngày xưa hét lớn anh cười
Ba tiếng đầu tiên
Và cũng là ba tiếng cuối cùng
Kể từ phút sơ sinh
Cho đến giờ nhắm mắt.

Lối thơ được mệnh danh là thơ tự do, tôi không thích ngôn từ dao to búa lớn trong thơ anh mà không có hình tượng sống, cảm nghĩ thực có mà anh ấp ủ. Nên đọc xong, chỉ thấy đó là sự múa may không hơn không kém. Bước qua một bài thơ khác của Nhị Thu trích dẫn dưới đây, đọc thơ anh có chất thơ làm cảm động người đọc. Tỉ dụ như bài Chiều Đô Thị chẳng hạn:

Không hẹn nhưng lòng tôi vẫn đợi
Người ơi, người ơi, mưa chiều nay
Tôi viết bài thơ lên mái phố
Cho ấm lòng chiều khi gió bay

Người ơi về nhé xin đừng ngại
Tôi vẫn chờ đây vẫn đứng đây
Góc phố dù mưa tuôn ướt áo
Nghiêng vai cho đỡ lạnh vai gầy

Những ngọn đèn đường đã thắp lên
Mà sao hồn tôi vẫn im lìm
Có ai tha thiết lời tâm sự
Tôi khóc hay là tôi gọi em?

Sao chẳng ai về ai nhớ không?
Có ai thầm khóc ở trong lòng
Lòng tôi trăm ngả như lòng phố
Mở đón ai về trong nhớ mong

Và mưa và gió và hoang lạnh
Phố vắng chiều nay tím một màu
Tôi đi lòng thấy bơ vơ quá
Chẳng tiễn ai mà cũng đớn đau.

Hoặc trong bài thơ Xám, có một vài hình ảnh có ý định làm mới cuộc sống, hoặc như bốn câu cuối trong bài thơ Đợi, hoặc rõ nét hơn trong toàn bài Tiễn Biệt. Và ở Xám thì :

Tôi chẳng còn chi nữa
Tình yêu không, ngày mai
Bởi tôi là thi sĩ
Nên rất ghét đêm dài

Những bài thơ vẫn viết
Và thời gian cứ bay
Tôi nghe đời đang chết
Và sẽ chết hôm nay

Hồn thơ của tác gỉa diễn tả lại cho tôi là người đọc thật nhiều ý tưởng nói về hình tượng cuộc sống - có thể đang hấp hối - đó là sự buồn chán từ tâm hồn đến sự hòa nhập lò lửa cuộc sống - rồi từ đấy đi đến kết luận riêng. Còn nữa, trong bốn câu cuối bài Đợi, tôi lại cảm được tâm trạng tác giả đầy hoang lạnh trống trải ở chiều sâu tâm hồn, mang nặng nỗi niềm. Như:

Anh đợi chờ mà se sắt trong tim
Anh đợi chờ hay chẳng đợi chờ em
Vì đêm tối đang chùm lên thế kỷ
Anh sẽ khóc vì anh là chân lý

Stefan Zweig khi bàn về Holderlin đã chân tình nhận chân giá trị to lớn mà ông tìm thấy trong thơ của thi-triết-gia Holderlin tài hoa kia, so sánh như thế này: …”Thơ của Goethe mới chỉ là nói lên hình ảnh cuộc đời song chưa đạt được đỉnh cao cuối cùng, vì thơ mới chỉ là đạo…” (§) Tôi hân hạnh được cùng thời với các anh và nghĩ rằng liệu các anh có phải chung số phận hẩm hiu như thế này không? Là giá trị chỉ được truy tặng, phục hồi đúng vị, sau khi các anh không còn có mặt? Tôi tin ý nghĩa này hoàn toàn đúng, nhưng lẽ nào tất cả đều như vậy cả sao? Một lẽ, một phê bình gia tài ba, sắc sảo như Biélinsky chưa bao giờ nỡ giấu một tài năng nào mà ông khám phá được! Hoặc ông bỏ qua khi chính tác giả còn sống. Nếu vậy, hẳn không bao giờ có F. Dostoievski, Maikovsky… nếu ta nhớ lại những nhà văn, thơ tài ba ấy do chính Maxime Gorki khám phá ra và khích lệ bước đầu văn nghiệp.

Với Nhị Thu, như hầu hết các nhà thơ trẻ những năm sáu mươi mà tôi nói đến ở đây - tất cả - họ mới cho tôi nhìn thấy đôi nét phác hoạ tài hoa mà họ mô tả lại ở khía cạnh tâm hồn của bước đầu, rồi ra với thời gian và tác phẩm, cộng với sự rèn luyện tô đậm vóc dáng mỗi người, họ sẽ thành công. Sau cùng, bàn về thơ Nhị Thu, tôi trích dẫn toàn bài thơ Tiễn Biệt, để một lần nữa, đối với người đọc, thơ anh đẹp, chau chuốt, ý thơ phản ánh đời sống và khát vọng làm đẹp cuộc sống. Chỉ một điều nhỏ, đọc thơ Nhị Thu tròn trĩnh quá, đôi khi khéo tay quá - rồi có thể điều này làm cạn đường cho sự vỡ luống trong thơ của anh ở ngày mai.

©

Trích thơ Nhị Thu :

TIỄN BIỆT

Tôi tiễn đưa người đi tối nay
Mà như đưa tiễn tự bao ngày
Sao tôi muốn khóc lòng không khóc
Lòng lạnh như là mưa gió bay

Cớ sao người đi trong đêm mưa
Tháng, năm hay mãi chẳng bao giờ
Ngày nao? Biết hẹn ngày nao nhỉ
Hay hẹn ngày nao thôi gió mưa

Nhưng lòng tôi vẫn gió mưa hoài
Như những ngày thu mưa gió bay
Tôi tiễn đưa người về nẻo ấy
Ngày nào ai kẻ tiễn tôi đây

Tôi biết người đi không nhớ nhung
Thị thành lê bước mãi chân chùng
Áo cơm thì cũng là hư ảnh
Son phấn nào tô đẹp núi sông

Ta còn ở lại đến bao giờ
Năm tháng buồn hơn chuyện gió mưa
Tuổi xanh như một vì sao rụng
Và chuyện ngàn năm như gió đưa

Biết gửi vào đâu lời hẹn ước
Nắm đây tháng rộng tiếp năm dài
Bài thơ thương nhớ thêm thương nhớ
Để khóc riêng mình hay khóc ai?

( trích Mây Hà Nội )

NHỊ THU


...... CÒN TIẾP ...




VVM.10.11.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .