Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



HAI BÀI THƠ CỦA
VUA LÊ THÁNH TÔNG VÀ CHÚA AN ĐÔ VƯƠNG TRỊNH CƯƠNG
KHẮC VÀO VÁCH ĐÁ NÚI TRUYỀN ĐĂNG,
NAY LÀ NÚI BÀI THƠ Ở TRUNG TÂM THÀNH PHỐ HẠ LONG (QUẢNGNINH)


I- BÀI THƠ CỦA VUA LÊ

Trong số những bài thơ vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) viết về tỉnh Quảng Ninh ngày nay, bài thơ khắc vào vách đá núi Truyền Đăng là quan trọng nhất. Chính vì bài thơ này, mà nhân dân đã đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.

Năm 1973, tôi mua một căn nhà nhỏ ở dốc Bồ Hòn, bên chân núi. Vẫn biết ở trên núi có bài thơ của vua Lê, vậy mà tôi lặn lội đi tìm mãi vẫn không thấy. Tôi có hỏi một số cán bộ ngành văn hóa, kể cả cán bộ bảo tàng tỉnh, có anh trực tiếp đi tìm cùng với tôi, cũng không còn nhớ nó ở chỗ nào. Sau này mới biết, nhiều gia đình trong thị xã đã sơ tán ra đây để tránh bom Mỹ, trong đó có một gia đình đã xây nhà ở trước bài thơ này và làm bếp với chuồng lợn liền nhau, áp vào chân núi, rồi đổ mái bằng lên trên. Đã 20 năm, bài thơ của vị hoàng đế anh minh nhất Việt Nam bị “nhốt” trong bếp và chuồng lợn. Khi nhận ra bài thơ có lẽ đây rồi, (tháng 6/1986), tôi đã phải xin ông chủ nhà một chậu nước và khá nhiều xà phòng bột lau chùi, vài ba chữ quen thuộc của bài thơ, đã bị hơi nóng của bếp than và mùi phân lợn phong tỏa suốt 20 năm, mới lờ mờ hiện ra.

Khi tôi nói chuyện đó, nhà báo Nghiêm Thanh, phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Quảng Ninh, rất vui mừng và ông đưa tin luôn trên báo Nhân Dân. Nhiều người đọc tin đó, rất ngạc nhiên và mừng rỡ, cũng có người tỏ ra khó chịu với tôi.

Ngày nay ra thăm di tích bài thơ, ta đi theo một con phố hẹp có tên là phố Bài Thơ, vòng qua cầu, ghép bằng những phiến bê tông, bắc qua một đoạn nước biển của vịnh Hạ Long, ngang chân núi Bài Thơ. Năm 1985, có một phim thơ ra đời, chiếu trên VTV 1 có tên là Thị xã Bài Thơ trong đó thơ của tôi được chọn đọc thay hoàn toàn cho lời bình. Lúc ấy, TP Hạ Long hiện nay còn là một thị xã.

Năm 1988, nhân 520 năm bài thơ vua Lê khắc vào vách đá núi Truyền Đăng, theo đề xuất của tôi, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tổ chức hằng năm Ngày thơ Quảng Ninh vào mùa xuân, 28 tháng 2 âm lịch, tương đương là ngày 29 tháng 3.

Toàn văn bài thơ của vua Lê như sau (chép từ Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Tổng tập, của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, do Mai Xuân Hải chủ biên, Nxb Văn học năm 2003).

NGỰ CHẾ THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ ĐỀ

Quang Thuận cửu niên xuân nhị nguyệt, dư thân xuất lục quân, duyệt binh vu Bạch Đằng giang thượng. Thi nhật phong hoà cảnh lệ, hải bất dương ba, Hoàng Hải tuần An Bang, trú sư Truyền Đăng sơn hạ, ma thạch đề thi nhất luật

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên
Loạn sơn kì bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm Hàm tam cổ
Tín thủ dao đề Tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên

Thiên Nam Động Chủ đề

Dịch

Tháng 2 mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta thân chỉ huy sáu quân, duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy, gió hoà cảnh đẹp, biển không nổi sóng, ta vượt qua Hoàng Hải, đi tuần An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng, bèn mài đá đề một bài thơ

Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo người khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng Nước này!

                                               Trần Nhuận Minh (dịch)

Bài thơ này hiện có 3 bản dịch, tôi giới thiệu bản dịch của tôi, chỉ vì lí do đơn giản là tôi hiểu nó hơn cả, do đó dễ trình bày lại để bạn đọc rà soát và có gì thì chỉ giáo cho. Từ năm 1988, bài thơ này được phổ nhạc hát trong các ngày hội thơ, nhiều năm đã được Ban quản lí di tích viết trên bảng gỗ chữ sơn cắm bên cạnh bài thơ để khách thăm và các bậc cao minh cho ý kiến, sau được nhà Hán Nôm học Mai Xuân Hải ghi nhận, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nghiệm thu, in trong Tuyển tập thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, đến nay tập tuyển đã được tái bản nhiều lần.

Hiểu bài thơ này là cả một quá trình, nhất là từ năm 1988, khi Ngày thơ Quảng Ninh ra đời, tổ chức hằng năm vào mùa xuân tháng 2, bài thơ này đã được đặt ở vị trí khai sinh, do đó góp phần quan trọng, dẫn tới Hội thảo về Cụm di tích núi Bài Thơ năm 1992 ở Quảng Ninh, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức và 5 năm sau, năm 1997, Hội thảo Lê Thánh Tông ở Hà Nội, do viện Văn học tổ chức.

Trước hết về văn bản, bài thơ các bạn có ở trên là văn bản chuẩn, bởi được chép ra từ núi Bài Thơ. Nhiều chữ trên vách đá không còn đọc được bằng mắt thường, nhưng bản dập bằng các biện pháp khoa học thì vẫn còn đọc được và những chữ quá mờ vẫn còn đoán ra được. Căn cứ vào bản dập này, thì văn bản bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, vốn được coi là chuẩn mực, vẫn sai đến 6 chữ, trong đó có những chữ vô cùng quan trọng, như vua Lê xưng Ta rất thân mật thì Lê Quí Đôn lại chép là Trẫm…

Trong nguyên tác, bài thơ không có đầu đề, vì thế mỗi bản in có một đầu đề khác nhau là điều dễ hiểu, còn tác giả thì đề là Thiên Nam động chủ. Thiên Nam động chủ là hiệu và bút danh của vua Lê Thánh Tông.

Điều quan trọng nhất là câu thơ thứ 3 và 4, nên hiểu như thế nào, đặc biệt là các chữ Hàm tam cổ  Tốn nhị quyền, gây ra nhiều tranh cãi. Ngay cả nhà văn hoá lớn Hoàng Xuân Hãn và nhà Hán Nôm học lão thành Nguyễn Duyên Niên cũng có những kiến giải khác nhau về mấy chữ này, mà về sau, các nhà Hán Nôm học khác không thừa nhận.

Về ba chữ Hàm tam cổ, thì chữ cổ có nhiều nghĩa, có một nghiã là trống. Cổ bề thanh nguyệt tràng thành động (Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt) do đó có người hiểu Hàm tam cổ là i>vọng ba hồi trống, điều đó có cơ sở là cuộc duyệt binh của vua Lê Thánh Tông mà ông có ghi trong lạc khoản ở đầu bài thơ. Trong hội thảo khoa học về Cụm di tích núi Bài Thơ, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành của viện Văn học, viện Sử học, viện Hán Nôm, mà tôi còn nhớ có các vị chủ chốt như: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vương, Nguyễn Huệ Chi… thì Hàm tam cổ được thống nhất hiểu là hào tam (3) quẻ Hàm của Kinh Dịch. Quẻ Hàm có nghĩa là cảm và chữ cổ ở hào 3 là cái bắp đùi. Tôi tra trong Kinh Dịch thì Lời Kinh của hào tam trong quẻ Hàm nguyên văn như sau: “Hàm kì cổ chấp tuỳ kì, vãng lận” Nghĩa là, cảm lần thứ 3 ở đùi (lần thứ nhất ở ngón chân, lần thứ 2 ở bụng chân), mà đùi muốn cử động được phải theo sự điều hành của cơ thể. Dó đó Tráng tâm sơ cảm Hàm tam cổ tôi hiểu là: Xưa theo người khác luôn bền chí. Cũng theo mạch tư duy của Kinh Dịch, có người hiểu Tốn nhị quyền là hào nhị (2) quẻ Tốn. Lẽ thường của câu thơ luật là như thế, nhưng té ra lại không phải. Đây cũng là cái rắc rối thứ 2 trong việc tìm hiểu câu thơ này. Nếu đọc hào 2 quẻ Tốn trong Kinh Dịch, ta có nguyên văn Lời Kinh như sau: “Tốn tại sàng hạ, dụng xử vu phân nhược, cát! Vô cữu!” Nghĩa là “Nhún ở dưới giường, dùng thày bói, thày cúng bời bời vậy. Tốt! Không lỗi!” Nội dung đó hoàn toàn xa lạ với ý thơ trong bài. Nhưng Tốn Nhị là “hai luồng gió chồng lên nhau, tức là theo gió. Theo và chồng là trên dưới đều thuận” Đó là lời giải của Trình Di về quẻ Thuần Tốn trong Kinh Dịch. Như vậy Tốn Nhị không phải là hào 2 quẻ Tốn mà là Thần Gió, có sức mạnh ghê gớm, tung hoành trong trời đất, gây ra sấm sét mưa bão. Do đó Tín thủ dao đề Tốn Nhị quyền tôi hiểu là Giờ đã tung hoành một chớp tay. Cách hiểu khác nhau dẫn đến cách dịch khác nhau đều xuất phát từ hai câu thơ rất uyên bác và hiểm hóc này. Tôi nghĩ, đây là thực trạng của nhà vua, trong quá trình củng cố quyền lực, từ lúc ban đầu phải theo người khác để giữ yên tình thế, đến lúc trên dưới đều thuận, nên mình mới có thể mạnh tay hành động lớn, để làm những đại sự cho quốc gia. Hai chữ Thần Bắc và Hải Đông trong cặp đối rất chuẩn của câu luận cũng rất khó dịch cho chuẩn về âm tiết và ngữ nghĩa. Thần Bắc là sao Bắc Đẩu, chỉ bậc Đế Chủ là nhà vua. Hải Đông thì uyên bác đến như cụ Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến, cụ Nguyễn Duyên Niên, còn hiểu là Biển Đông. Bây giờ thì ta thấy rõ cách hiểu này là không có sức thuyết phục, vì không ai đốt củi ở biển Đông cả. Hải Đông chính là tên một vùng đất rộng lớn ở trời Trần, Lê, trong đó có tỉnh Quảng Ninh ngày nay, ở đây có trạm báo hiệu - truyền tin - về kinh thành Thăng Long, chính là núi Truyền Đăng mà vua Lê đề thơ. Ngày xưa khi biên cương có giặc, người lính biên phòng đốt trên ngọn quả núi này, những cây gỗ khô có phân chó sói, khói bốc thẳng lên trời, để kinh thành Thăng Long biết là giặc đã tràn vào biên giới. Hải Đông đã tắt khói lang bay là đã tắt ngọn lửa hiệu báo có chiến tranh xâm lược. Hai câu kết, thì Yển vũ tu văn là một thành ngữ, chỉ chiến lược của nhà cầm quyền ở thời bình, trong việc cân đối hài hoà giữa việc phát triển kinh tế, văn hoá, bang giao, giáo dục, ý tế,… (đều gọi tắt là Văn) với việc xây dựng lực lượng quân sự (Vũ) thế nào cho hợp lí, đủ để bảo vệ Tổ quốc mà không quá đà… Do đó dịch là tăng văn giảm võ xem ra không ổn, hoặc giảm binh nhung cũng không lột hết được cái ngụ ý của chiến lược quân sự thời bình của nhà vua, nên tôi nghĩ, tốt nhất là nên giữ nguyên thành ngữ đó, không dịch. Chính thị là chính lúc này, chỉ thời gian, vậy chữ niên không nên hiểu là năm nghĩa là thời gian, mà hiểu theo nghĩa thứ 2 của chữ này, là được mùa,  làm được cái việc ấy (theo Từ điển). Do đó tôi hiểu: Yển vũ tu văn dựng Nước này. Đây là lối dịch thoát theo ý tưởng của cả bài thơ mà tôi nghĩ là đúng với dụng ý của tác giả.

Chính vì lẽ đó, Hội thảo khoa học 1992 xác nhận là: “Bài thơ là một bản Tuyên ngôn độc lập về toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, đồng thời là ý chí quyết tâm xây dựng một đất nước hoà bình, cường thịnh và bền vững ở thời Lê. (dẫn theo tập sách kỉ yếu Hội thảo đã xuất bản).

Tại văn bản kết luận hội thảo (đã in trong tập kỉ yếu), nhà Hán Nôm học Nguyễn Huệ Chi, thay mặt Đoàn Chủ tịch hội thảo, ghi nhận những đóng góp tâm huyết và công phu của cá nhân tôi, hoan nghênh sáng kiến đề xuất Ngày thơ và khẳng định Ngày thơ Quảng Ninh tổ chức hằng năm vào tháng 2 mùa xuân, nhân sự kiện văn hoá này, là một sáng kiến lớn của tỉnh Quảng Ninh. Tròn 15 năm sau, ngày 11 tháng 10 năm 2003, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại Đại hội toàn thể lần thứ VIII Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu: Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ, dự Đại hội toàn thể của Hội Văn học Nghệ thuật lần thứ VIII, của tỉnh Quảng Ninh, rằng: Từ thực tế tổ chức và những kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp toàn thể ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ngày được ghi trong bài Nguyên tiêu của Chủ tịch HCM làm Ngày thơ Việt Nam(dẫn theo báo Hạ Long số chào mừng thành công của Đại hội).

Vua Lê Thánh Tông viết bài thơ này năm ông 26 tuổi, sau 8 năm ở ngôi vua, cho thấy bản lĩnh lớn, tầm chiến lược xa rộng và tầm văn hoá rất cao, thể hiện sức mạnh vượt trội của một nhà nước đang phát triển trong hoà bình.

II- VÀ BÀI THƠ CỦA CHÚA TRỊNH

261  năm sau, cũng vào tháng 2 mùa xuân, ngày 28 âm lịch, chúa An Đô vương Trịnh Cương (1686 – 1730) đã dẫn đoàn thuỷ quân qua đây và viết bài thơ Hoạ, khắc trên vách đá, cách bài thơ Xướng của vua Lê khoảng non 30 mét. Bài Hoạ cũng không có đầu đề. Toàn văn như sau:

Thời điều ngọc chúc, tuế thực kim nhương, thích vạn vu chi dư nhàn, thức nhất du chi hữu độ, dư chinh chu sư, giá dư hoàng lãm vu đồng minh, lãm đảo dữ chi như hoạ, giao thất trừng thanh, diệu thuỷ bộ chi như lôi, hổ sư hoàn tráng, đan thần đột hứng, trì thảo dũng sinh. Viên thuật huyền nhai di vận, trác tựu thất ngôn, vĩnh lưu vu thạch

Minh hạnh vô nhai hối tổng xuyên
Sơn liên trám thuỷ, thuỷ man thiên
Thần kì mạc trạng an bài chưởng
Hàm nhuận nan danh hoá dục quyền
Đại viễn thượng di cầm Thát xú
Xuân quang điệp kiến lạn hoa yên
Tái tuân nhất dự phu đài duyệt
Quần hổ cam ca hải yến niên

Nhật Nam Trịnh Chủ đề
Bảo Thái Kỉ Dậu, trọng xuân tứ thất nhật

Dịch

Nay gặp thời tiết ôn hoà, trong năm được mùa, lại vừa lúc mọi việc thư nhàn, nên thực hiện một cuộc tuần du, cũng là đúng phép. Ta chỉnh đốn thuỷ quân, ngự thuyền ra biển Đông, ngắm biển sâu nước trong, các hòn đảo lớn nhỏ trông như vẽ, quân thuỷ bộ đều mạnh mẽ như hổ, khí thế rầm rập như sấm. Tinh thần ta khi ấy nảy sinh hứng thú thanh nhàn, trong lòng ta trào dâng cảm xúc, bèn theo vần thơ còn lại trên vách núi, mài giũa thành một bài thơ thất ngôn lưu giữ mãi trên đá.

Mênh mông sông tụ triều lên
Nước in bóng núi, núi in bóng trời
Bàn tay tạo hoá tuyệt vời
Thần kì nhuần thấm lòng người bấy nay
Giặc Nguyên, xưa bắt ở đây
Giờ xuân sáng, khói hoa bay quanh người
Cuộc chơi ai cũng vui cười
Các quan ca tụng biển trời lặng trong

Nhật Nam Trịnh Chủ đề
ngày 28 tháng 2 năm Kỉ Dậu, niên hiệu Bảo Thái (1729)

                                               Trần Nhuận Minh (dịch)

Tuyển tập thơ Vịnh Hạ Long, nhà xuất bản Văn học tái bản lần thứ hai 1977, Ban quản lí Vịnh Hạ Long tái bản lần thứ ba, năm 2000. Chúa Trịnh Cương tên huý là Chù, tước là An Đô vương, lên ngôi chúa năm 18 tuổi, văn võ toàn tài. Ông được ghi nhận là người biết nghe những lời nói thẳng của quần thần để cải tổ nền chính trị của đất nước.

Bài thơ trên của ông hiện còn nguyên vẹn trên vách đá núi Bài Thơ, chữ rất đẹp và sau nhiều phôi pha của thời gian, vẫn còn rất rõ, đứng ở dưới, cách khá xa, vẫn đọc được. Đây là bài thơ Họa, nghĩa là tác giả bị ràng buộc bởi nguyên vận trong bài Xướng của vua Lê Thánh Tông, nhưng Trịnh Cương viết vô cùng thoải mái và phóng túng, chứng tỏ ông thực sự là một nhà thơ có tài. Bài thơ uyên bác, mà rất thông thoáng dễ hiểu, không dùng điển tích cầu kì gì. Đây là một trong số ít những bài thơ hay nhất xưa nay về vịnh Hạ Long.

Phải đến thơ Trịnh Cương thì vịnh Hạ Long mới hiện lên trong vẻ đẹp của một cảnh quan du lịch kì thú. Đi trên vịnh Hạ Long là đi chơi. Người đi chơi là các quan:

Cuộc chơi ai cũng vui cười
Các quan ca tụng biển trời lặng trong

Và cảnh trên vịnh Hạ Long, cũng phải đến Trịnh Cương mới rõ ra là sự an bài của tạo hoá mà sự thần kì của nó không thể nói ra được, không thể gọi tên ra được. Trong các cảnh đó, ngòi bút vô cùng tài hoa của nhà thơ chỉ chọn có một nét thật tiêu biểu: Nước in bóng núi, núi in bóng trời. Lại cũng phải đến Trịnh Cương thì cái cảnh khói hoa lớp lớp trong ánh sáng mùa xuân, mới gợi nhớ ngày xưa, chỗ này từng bắt trói giặc Thát - giặc Nguyên Mông ở thời Trần, mà cái mùi xú uế của giặc còn vương lại đến ngày hôm nay.

Nhân đây, xin nói thêm. Núi Bài Thơ bên dòng Cửa Lục. Hiện nay nói đến Cửa Lục, người ta thường hình dung tới eo biển, có con phà nối đôi bờ Bãi Cháy - Hồng Gai, nay là cầu Bãi Cháy rất hiện đại vừa xây xong. Nhưng lại có một Cửa Lục khác - trong trận Vân Đồn - Cửa Lục, Trần Khánh Dư đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở thời Trần, là vùng sông Mang, thuộc vịnh Bái Tử Long, cách đây khá xa, chứ không phải ở đây. Điều này thường gây ra sự nhầm lẫn khi liên tưởng về trận đánh lớn đó, trong đó có những tên tuổi rất lớn cũng nhầm lẫn, chưa kể các nhà thơ, nhà văn... Có nhà viết sử rất hào hứng khi giải thích cái tên Bãi Cháy là do Trần Khánh Dư đốt thuyền lương giặc ở đây, lửa táp lên bờ làm cháy rừng rực suốt đêm ngày cả một giải rừng lớn ven biển (nên gọi là Bãi Cháy?). Còn người dân chài ở đây thì cho rằng, đó chỉ là cảnh hun thuyền ở bãi cát khi nhìn từ biển vào. Cũng như hang Đầu Gỗ, gọi là hang Dấu Gỗ - là nơi Trần Hưng Đạo dấu gỗ ở đó, trước khi cho thuyền kéo về, qua một đường biển vòng vèo dài vài chục dặm, rồi mới đóng cọc xuống sông Bạch Đằng, trong khi quân thám báo của giặc Nguyên nhòm ngó khắp nơi và rừng lim xanh rợp bên bờ sông Bạch Đằng (các nhà khoa học quân sự trong một cuộc hội thảo đã bác bỏ điều này)... Đều là những suy diễn. Tiếc thay đến bây giờ, nhiều người vẫn còn lầm, nhất là các nhà thơ... Lại có nhà văn mô tả khá kĩ lưỡng Trần Quang Khải và Trần Quốc Tảng dàn quân thủy chiến tại đây trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, để đánh giặc Nguyên ở rất xa, đến vài chục dặm biển ngoài hàng cọc Bạch Đằng, đề phòng khi giặc vượt qua được hàng cọc trên sông Bạch Đằng mà chạy thoát. Tôi nghĩ: đó là quyền hư cấu cuả nhà văn chăng?

Trở lại với bài thơ. Thưởng thức vẻ đẹp của thơ, ta không nên câu nệ vào những thứ đó, mà hiểu cái ý nghĩa tinh thần của nó. Hoa yên là khói hoa. Hình ảnh khói hoa làm tôi nhớ đến hoa khói trong thơ Đường, Trung Hoa: Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng.

Bài thơ này rất khó dịch ra thơ thất ngôn bát cú luật Đường, nên tôi phải dịch qua thể lục bát. Bài thơ được in đi in lại nhiều lần. Văn bản này chép từ Tuyển tập thơ về Vịnh Hạ Long, Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 1977, có chữa lại 2 chữ.

Do ảnh hưởng quan điểm lịch sử cũ, yêu vua Lê, ghét chúa Trịnh, nên những đóng góp to lớn của các chúa Trịnh, trong đó có Trịnh Cương, không được đánh giá thoả đáng.

Từ yêu cầu phát triển văn hoá và du lịch, sau khi núi Bài Thơ, trong đó có hai bài thơ trên, được bổ sung vào Danh thắng vịnh Hạ Long - Di sản thế giới, các nhà dân hiện đã được giải toả xong, để trong một tương lai gần, đây sẽ có một quảng trường thơ, bên bờ Vịnh, hi vọng xứng tầm với cảnh quan thiên nhiên tuyệt mĩ của vịnh Hạ Long.(5)




VVM.10.11.2023-NVA10207.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .