Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NGÔI ĐỀN XÃ TẮC
- CỘT MỐC VĂN HÓA VÙNG BIÊN -




         

M ỗi lần đến Móng Cái, thành phố vùng biên nơi địa đầu Tổ quốc là một lần tôi lại nhớ như in những chuyến đi cùng bộ đội biên phòng nhiều lần, khi đến đồn 5, đồn 3, khi ở đồn 11...những đơn vị đóng quân ở những địa bàn phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng lần này trở lại Móng Cái sau nhiều năm không có dịp đến, tôi may mắn lại được đến một nơi mà mình luôn mong muốn đến, đó là Đền Xã tắc.

Một ý nghĩ mơ hồ, một ý nghĩ rất khó thực hiện bởi chúng tôi đi vào LÚC thời tiết rất bất lợi, đó là cơn bão giữa mùa mang tên số năm rất lớn đang đổ bộ vào đất liền. May thay, cơn bão chỉ sượt qua Móng Cái, nhưng vẫn gió mưa tầm tã. Song, với quyết tâm của cả đoàn văn nghệ sĩ, đây là đoàn mà Hội tỉnh mời các nhà văm, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh...là chủ tịch các tỉnh Hội bạn khu vực phía đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc bộ về đi thực tế và viết nhân 50 năm kỷ niệm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh vào dịp tháng 10 năm 2013. Vì thế, cái “máu nghệ” nổi lên là tất cả đồng lòng, gió to cũng đi, nhất định phải đến được Đền Xã Tắc. Quả thật nỗi vui mừng nhân lên trong tôi bội phần khi thấy cả đoàn đều hăm hở lên đường. Thành phố Móng Cái của tôi đã hiện diện ngạo nghễ sau hơn hai mươi năm mở cửa biên giới thông thương, đã trở thành một thành phố có nhiều tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ biên mậu nhất nhì phía Bắc... Ai cũng muốn đi Móng Cái để chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp rạng rỡ của một thành phố trẻ năng động, cũng mong muốn được ngâm mình cùng cát mặn ở biển Trà Cổ thơ mộng và ngắm bình lên lừ lừ từ mũi Cồn Mang...Chứ mấy ai hứng thú đi ngó ngang như dân nghệ sĩ, vì thế, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh chắc biết được cái “khát đi” của cánh văn nghệ sĩ nên đã đồng lòng hô lên đường giữa trời mưa bão để đến thăm viếng Đền Xã Tắc! Và thật tuyệt vời, giữa khung cảnh trời mưa bão ầm ào ấy, bầu trời sũng nước, gió mưa ngàn ngạt ấy đã cho chúng tôi những cảm nhận mãnh liệt về dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng mà các bậc tiền nhân đã từng neo dấu nơi này, một ngôi đền nhỏ mang tên Xã Tắc hiện ra trong ánh trời chiều giữa những đám mây mang theo cơn bão vần vũ trên bầu trời..

Đến Móng Cái nhiều lần, nhưng tôi chắc nhiều người cũng như tôi, ít ai biết có một địa chỉ tâm linh của ông cha ta để lại vùng đất biên thùy này rất đỗi... kinh ngạc. Ngôi đền mang tên Xã tắc, nằm bình yên bên bờ sông Ka Long lộng gió được xây dựng từ thời Trần, là một di tích cấp tỉnh được công nhận từ năm 2005.

Theo 3 văn bia cổ còn lưu lại tại ngôi đền, các nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm Việt Nam xác định đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ thứ 14, dưới thời nhà Trần. Hiện đền thờ Tam Thánh là Xã Tắc Đại vương, vốn là Thành hoàng Châu Móng Cái xưa; Cao Sơn Đại vương, thần chủ về văn hoá nước Đại Việt; Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, anh hùng dân tộc triều đại nhà Trần. Ở tiền đường của đền có bức hoành phi “Thượng đẳng tối linh thần”, và câu đối: “Công tại Trần triều danh tại sử/Sinh vi tướng quốc hoá vi thần”. (Nghĩa là: Công lao nhà Trần nổi danh thơm xứ sở, sống là tướng quốc, chết hoá là thần).

Sự quyết tâm đi của đoàn đã đến được địa danh được tôn vinh là Cột mốc văn hóa ấy thật không thể biểu cảm hết cảm xúc của mỗi người. Hình ảnh ngôi đền tọa lạc ở giữa một vùng đất bên sông hoang vắng, bên kia là nước bạn láng giềng Trung Hoa... Nếu đã đến một phía khác của Móng Cái ta đã gặp đình Trà Cổ, chùa Linh Sơn giáp phía biển trên một mặt bằng bình địa ven biển, còn Đền Xã Tắc lại nằm như “chon von” ngay đầu con sông Ka Long có tên gọi ngã ba sông Xoáy Nguồn đối mặt bên kia là địa danh huyện Phòng Thành (Trung Quốc). Giữa cái gió bời bời, giữa một miền cỏ lau bời bời bông trắng, cảm giác như mình cũng đang hóa thân vào đất đai cây cỏ nơi đây. Hình như chỉ đứng ở nơi đây, cái cảm quan, cái thấu thị của mỗi ai mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng của từng tấc đất biên cương mà cha ông ta đã gìn giữ từ bấy đến nay, trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Cứ theo bi ký để lại thì các bậc tiên hiền thời Trần đã lại một lần nữa củng cố thêm cho niềm tin sắt đá về sự nghiệp bảo vệ chủ quyển lãnh thổ của dân tộc luôn luôn được coi trọng. Giữa bộn bề gió lộng, trong chúng tôi ai cũng phải thốt lên, cha ông ta thật biết lo cho hậu thế xa đến thế, lập đền để khẳng định chủ quyền, lập đền để khẳng định biên thùy, để nhắc nhở hậu thế nhiệm vụ tối thượng là luôn luôn biết bảo vệ bờ cõi của dân tộc mà cha ông đã đổ bao máu xương để gìn giữ. Và, từ khi có đền, hàng năm, ngoài những ngày cúng rằm, mùng một hàng tháng và Đền Xã Tắc còn diễn ra 5 ngày lễ chính, đó là các ngày mười sáu tháng giêng, mồng hai tháng năm, mười sáu tháng tám, mười sáu tháng chạp, mười tám tháng chạp. Đây là những ngày lễ cầu an cho nhân dân trong vùng, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mùa màng tươi tốt, sinh sôi đời đời.... Riêng Lễ đầu tiên trong năm là Lễ cầu an, Lễ này được tổ chức rất linh đình, vào ngày hôm đó, người ta thịt một con lợn, lấy lòng lợn nấu thành một vạc cháo to, còn thịt lợn được luộc lên dâng cúng Xã Tắc Đại Vương. Đồng thời người dân mua sắm nhiều đồ tế lễ khác như: thuyền giấy, vàng mã, hoa quả, bánh kẹo… để bày lên cúng suốt một ngày. Sau khi lễ xong, người dân mang thuyền thả xuống sông Ka Long để cầu bình an, tài lộc. Cháo và thịt sau đó được chia đều cho dân làng...

Ngôi đền Xã Tắc tọa lạc bên bờ ngã 3 sông Ka Long, phường Ka Long, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ở một vị trí trọng yếu mảnh đất địa đầu Tổ quốc, là nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa của ông cha ta từ khi xưa trấn yên bờ cõi và khẳng định chủ quyền toàn vẹn biên giới lãnh thổ. Đền Xã Tắc là một trong những công trình lịch sử lâu đời nhất của Thành phố Móng Cái. Lý giải về nghĩa hai chữ “Xã Tắc” – tên gọi của đền – các vị trong Ban quản lý di tích cho biết khá chi tiết: Ngày xưa, vua lập nước lấy dân làm trọng. Dân cần đất thì vua cấp đất đai cho dân và lập đền thờ tế lễ Thần Đất. Nơi tế Thần Đất gọi là Xã, để cầu cho dân chúng sống yên ổn. Khi dân cần các giống ngũ cốc, vua cho tìm các thứ giống ấy phát cho dân cày cấy, trồng trọt và lập đền thờ tế lễ Thần Nông, nơi tế Thần Nông gọi là Tắc, đây là nơi thực hiện các nghi lễ để cầu cho dân chúng được mùa. Dần dà, thành lệ, tế xã tắc để chỉ ý nghĩa thờ quốc gia, vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, hay một khu vực mà đó là đền thờ thần của non sông. Đền Xã Tắc nằm nơi địa đầu Tổ quốc, ngôi đền này từng ghi dấu bao thăng trầm của lịch sử, oanh liệt, thời gian biến thiên bao ngả hưng thịnh, suy vong qua mảnh đất địa đầu này. Nhưng chính vì thế, ngôi đền đã trở thành một cột mốc văn hóa, một nơi chốn neo đậu ý thức tâm linh của con dân đất Việt nơi vùng đất biên cương này sâu đậm nhường nào, Và vì thế, ngôi đền thiêng ngày càng được bảo tồn và giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử to lớn đó. Với việc xác định giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh đặc biệt của ngôi đền, cuối năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1242/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo Đền Xã Tắc với mục tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của khu di tích, đồng thời tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Móng Cái. Công trình Đền Xã Tắc mới được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 20.000m2, bao gồm khu đền chính được xây dựng phục hồi trên nền đền cũ có tổng diện tích là 308m2, gồm: Cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà Tả vu, Hữu vu; lầu chuông, lầu trống; bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh và một số công trình khác. Các hạng mục vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thiện. Vì thế khi chúng tôi đến đây, mới có ngôi đền chính vừa hoàn thành, còn các hạng mục đang dở dang.

Hy vọng mùa xuân sau trở lại , khuôn viên Đền Xã tắc sẽ được tái dựng hoành tráng và uy nghi giữa ngã ba sông biên giớ này, xứng đáng là cột mốc văn hóa của vùng phên dậu phí Đông Bắc của Tổ quốc... Chúng tôi lùi về thành phố, trong bảng lảng sương chiều, mái tam quan của ngôi lầu chuông như vổng cao hơn nền trời để soi bóng xuống dòng Ka Long đang mùa nước lớn. Như đánh dấu giữa dòng chảy, bên này là Việt, bên kia là Trung, muôn đời gắn bó để mỗi năm tháng giêng mùa xuân về, nhân dân hai địa phương Móng Cái và Phòng Thành của hai dân tộc Việt Trung lại mở hội hát thi trên dòng sông mà họ đã gắn bó sinh cơ lập nghiệp từ ngàn đời nay. Một ngôi đền, một lễ hội, những dấu ấn văn hóa không thể phân chia là dấu gạch nối giữa hai nước láng giềng giữ bền chặt tình hòa bình, hữu nghị hơn bao giờ. Trong tôi, trong bạn, mỗi người đều có những ý nghĩ mùa xuân về, trên mọi nẻo đường Tổ quốc, có những cột mốc văn hóa vĩnh cửu như Đền Xã Tắc để neo giữ tâm hồn người Việt ở bất cứ tấc đất biên cương nào trên dẻo đất hình chữ S mến yêu này./.

Cuối đông, 2013


Lỡ Hẹn Trà Cổ

Thế là lỡ một chiều Trà Cổ
Hẹn hò em bên bờ gió lao xao
Mũi Sa Vỹ như thầm thì bản nhạc
Để Cồn Mang …mang bọc trứng ngàn năm
Những chàng trai căng tràn ngực biển
Những cô gái từ bọc trăm trứng
Tóc dài buông hư vô miền mũi Ngọc
Đã ở đây cho Trà Cổ thêm xanh
Cho sinh sôi thêm những xóm làng
Cùng với biển hát bài ca giữ nước
Bài thánh ca nào cho tôi quen em
Và từ em - cô gái làng Trà Cổ
Cứ làm tôi hò hẹn mãi không nên…
Thôi thì đành hẹn lại
Thôi thì đành hẹn lại
Về với biển với mỏm đầu chữ S
Như mái tóc em buông trong chiều muộn
Nét duyên hiền thăm thẳm phía trời Đông….

HN, 3/2015




VVM.15.11.2023-NVA6331.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .