Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



Nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002)

NGÂN GIANG
NỮ HOÀNG ĐƯỜNG THI VIỆT NAM THẾ KỶ XX


I. Cuộc hành trình ngoạn mục của chữ viết:

Trong tiến trình văn hóa Việt Nam, có một cuộc hành trình ngoạn mục của chữ viết, tạo nên hồn cốt của văn hóa, tâm hồn, văn học Việt Nam suốt mười thế kỷ nay. Cùng với sự xâm lựơc của phương Bắc, chữ Nho và Hán học dần dần được truyền bá sang nước ta vào hồi đầu Công Nguyên. Thế kỷ X, nước ta giành độc lập, đã dùng chữ Hán (chữ Nho) làm văn tự chính thức của nhà nước và dùng nó để sáng tác văn học. Văn học chữ Hán là bộ phận văn học thành văn đầu tiên ở nước ta với những thể loại văn học được du nhập từ văn học Trung Quốc. Thơ chữ Hán được các nhà thơ dùng để nói lên cảm xúc trước con người, cuộc sống, thiên nhiên, tạo vật… phổ biến nhất là thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú, ngoài ra còn có thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ ngũ ngôn, thơ trường thiên, phú. Văn xuôi chữ Hán được dùng chủ yếu trong các tác phẩm tự sự hay chính luận…

Tuy vậy chữ Hán là chữ nước ngoài, không đủ sức diễn tả hết sự phong phú, tinh tế, trong tâm hồn Việt. Điều đó đã thôi thúc cha ông ta sáng tạo ra chữ Nôm để biểu cảm tâm trí dân tộc. Chữ Nôm dùng nguyên hình chữ Hán hoặc lấy hai ba chữ Hán ghép lại thành tiếng ta. Đời Trần, thế kỷ XIII Hàn Thuyên làm thơ, phú bằng chữ Nôm. Song chữ Nôm không chặt chẽ, một chữ Nôm có nhiều cách đọc, hay một tiếng có thể viết bằng nhiều chữ Nôm khác nhau, làm trở ngại cho việc viết và đọc tác phẩm.

Thế kỷ XVII, giáo sĩ phương Tây vào truyền đạo Thiên Chúa, đã dùng chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt. Giáo sĩ Bồ Đào Nha đã soạn Từ vựng An Nam- Bồ Đào . Năm 1651 Alexandre de Rhodes xuất bản từ điển An Nam- Bồ Đào và Latinh. Năm 1865, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ (QN) ra đời ( Gia Định báo). Những năm cuối thế kỷ XIX, người Việt ở Nam Bộ bắt đầu dùng chữ QN. Trương Vĩnh Ký dịch các tác phẩm Đại học, Trung dung từ chữ Hán sang QN. Trương Minh Ký dịch Chuyện Telemaque từ Pháp văn sang QN. Đầu thế kỷ XX, bãi bỏ chế độ thi cử bằng chữ Hán (khoa thi chữ Hán cuối cùng triều Nguyễn- 1918) chuyển sang chữ QN. Các sĩ phu trong phong trào Duy Tân và hội Đông Kinh Nghĩa Thục, tiêu biểu là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… hô hào học chữ QN để nâng cao dân trí, tiếp xúc với phương Tây.

Những năm 1930- 1945, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi lớn, dẫn đến sự thay đổi sâu sắc tâm trí con người, văn chương Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ Mới ra đời đã làm cho chữ QN có bước chuyển động nhảy vọt, biểu cảm được thế giới tinh thần tinh tế, đa chiều của người Việt Nam trong sự gặp gỡ với phương Tây mà Hoài Thanh, Hoài Chân gọi là “ Cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”. Người ta công kích thơ Đường luật và kết luận: ” Thơ ta phải mới, mới văn thể và mới ý tưởng”. Thơ Đường trở nên vắng bóng trên văn đàn. Tản Đà (1889- 1939) ra đi mang theo người tình là nàng thơ cũ, nhường chỗ cho làng thơ mới với nàng thơ xuân cung đàn muôn điệu của họ.

Vậy mà, tiết lập đông năm Giáp Thân (1944), nhà in Lê Cường, 75- Hàng Bồ- Hà Nội cho ra mắt tập thơ Tiếng vọng sông Ngân của nữ sĩ Ngân Giang (1916- 2002). Lúc đó Ngân Giang mới hai mươi tám tuổi, như “ Con thuyền lạc nẻo bơ vơ sông Tần” , nàng không chịu bước lẫn cùng nhịp tốc hành của Thơ mới. Cô đơn và đĩnh đạc, nàng tấu lên điệu nhạc thơ Đường luật “Một tiếng than dài nghìn thu” trong Tiếng vọng sông Ngân. Lòng đầy tự tin, nàng ngầm thách thức bằng một câu hỏi hết sức điệu đà mà xa xôi, bàng bạc của Đường thi :

Những ai qua xứ trăng vàng cũ
Có thấy muôn hương dậy trái mùa?

Và chỉ cần hai câu thơ Đường luật cô đọng, hàm súc, nàng dự cảm về cuộc đời thơ của mình, như một định mệnh:

Tám nẻo sông Ngân sao lấp lánh
Một vùng trăng nước sóng chơi vơi

Tiếng vọng sông Ngân

Để đến phút giây này (9- 2006), sáu mươi hai năm sau, Tiếng vọng sông Ngân vẫn âm vang đồng vọng, tỉnh thức và da diết gọi chúng ta cùng tìm về, tái tạo lại hình ảnh Ngân Giang, một nữ sĩ tài sắc, một thân phận ” Hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố” đã từng hiện hữu trên cõi đời, qua hơn bốn nghìn bài thơ Ngân Giang gửi lại (trong đó có khoảng 50% thơ Đường luật thất ngôn bát cú, còn lại là phú, thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ trường thiên). Tập Thơ Ngân Giang (NXB Trẻ 1998) có 74/ 124 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú.

II.Ngân Giang là ai?

Một nữ sĩ Bắc Hà sinh và mất tại đất Kinh kỳ- Kẻ Chợ (1916-2002), sống trong môi trường văn hóa đầy ắp chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, cô bé sớm phát lộ năng khiếu bẩm sinh, sáu tuổi đã thốt thành thơ: ” Tàu về rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga.” Hồn thơ ấy cứ đeo đẳng bám theo cuộc đời tài hoa, bạc mệnh của bà suốt hơn tám mươi năm. Đó là một hồn thơ cổ xưa mang cốt cách thịnh Đường đã thấm sâu vào hồn cha ông mấy nghìn năm trước, không dễ lụi tàn trong tâm hồn Việt Nam. Đọc thơ Ngân Giang ta gặp hồn dân tộc, hay mảnh hồn của nòi giống, tổ tiên đã gieo vào lòng ta qua di truyền văn hóa và chữ viết. Hoài Thanh, Hoài Chân dù hân hoan cổ vũ cho Thơ mới, nhưng cũng phải dè dặt mà nói rằng: ” Ảnh hưởng Pháp đã giúp ta nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, hoặc tìm đến thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta cũng cốt tìm ta. Ta tìm và nhiều lần ta đã gặp” .( Thi nhân Việt Nam trang 36). Một đời thơ tìm về thơ Đường, Ngân Giang đã gặp hồn dân tộc và gặp chính mình:

Khóc Kiều là khóc cho thân thế
Lệ đoạn trường rơi ướt áo xanh

(Nguyễn Du)

Năm 1969, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc, thi sĩ Đông Hồ (1906- 1969) quê Hà Tiên “là người thứ nhất đã đưa vào thi ca cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh, trong tiếng sóng” ( Thi nhân Việt Nam , trang 296). Vậy mà, Đông Hồ đã ra đi trong nỗi xúc động ngập tràn khi giảng đoạn kết bài thơ Đường Trưng nữ vương của Ngân Giang :

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Hình ảnh người thầy chết trên tay học trò tại giảng đường đại học Văn khoa Sài Gòn trong nhạc tiễn đưa luyến quyện buồn trang trọng của thơ Đường Ngân Giang, làm xao động hồn non nước đến tận mai sau. Người Việt Nam gần một thế kỷ qua, đã tri âm, tri kỷ, gọi Ngân Giang là “Người làm sống dậy không khí Thịnh Đường trên đất Việt” là “Nữ hoàng Đường thi thế kỷ XX”…

Cuối thế kỷ XX, nhiều người Đồng điệu họa bài thơ Trưng nữ vương :

Ngàn trước vầng trăng bóng lẻ soi
Bơ vơ Trưng nữ, lạnh ngôi trời
Bên đèn xem lại từng trang sử
Bóng lẻ Ngân Giang cũng lạc loài…

Cũng đem tâm huyết dựng cơ đồ
Cũng bước trầm luân khắp hải hồ
Cũng sưởi ấm lòng dân tộc Việt
Không là vua nước, cũng vua thơ

(Trần Thanh Vân- 1998)

Những năm đầu thế kỷ XXI, người yêu thơ đất Việt khóc Ngân Giang, tạc bóng bà:

“ Mảnh trăng vàng nơi điện ngọc”:
Hương thơ thơm mãi quyện hương đồng
Với má hoa đào mãi sáng trong
“ Giọt lệ xuân” tơ rơi lấp lánh
“ Sông Ngân tiếng vọng” tỏa mênh mông
Cho“ người nhặt lá” thành thi sử
Để quán dâng trà tạc núi sông.
Ơi mảnh trăng vàng nơi điện ngọc
Nay còn lạnh thấu đến muôn lòng


T.S Đinh Công Vỹ

Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nữ sĩ Ngân Giang, chúng tôi đi tìm lại hình bóng Ngân Giang trong hồn thơ Đường luật, mong phần nào gửi được mảnh hồn đồng điệu của hôm nay tới hương hồn bà.

Bài nghiên cứu này, dựa vào các tác phẩm đã xuất bản của Ngân Giang: Tiếng vọng sông Ngân (Nhà in Lê Cường- 1944), Thơ Ngân Giang (NXB Phụ Nữ- 1994), Thơ Ngân Giang (NXB Trẻ- 1998), Lấp lánh sông trời (tuyển chọn 90 bài Đường thi- Ngân Giang).


III. Giá trị văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, nhân văn trong thơ Đường Ngân Giang:


1. Lịch sử thơ Đường:

Khái niệm thơ Đường chỉ toàn bộ thơ ca đời Đường ở Trung Quốc (618- 907). Đó là một thời đại xã hội rối ren, nhiều biến đổi, hồn người chuyển động, bùng nổ, tự do và tự tin… nảy sinh nhiều ngành nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, ca vũ, thư pháp… là môi trường đánh thức khả năng nghệ thuật và thẩm mỹ của các nhà thơ. Họ đã sáng tác sôi nổi, biểu đạt được toàn bộ đời sống tinh thần của thời đại. Thơ Đường nội dung phong phú, nghệ thuật đa dạng, là sự kế thừa và phát triển hợp qui luật của thơ Trung Quốc: Kinh thi, Sở từ, Nhạc phủ thời Hán- Ngụy, Lục triều… để lại cho nhân loại một kho báu thơ Đường( trong cuốn Toàn Đường Thi gồm 48 900 bài). Thơ Đường có bốn giai đoạn: Sơ Đường (khoảng 618-713), Thịnh Đường (766- 835), Trung Đường (766- 835) và Vãn Đường (835- 907).

Thịnh Đường là giai đoạn thơ Đường phát triển huy hoàng nhất, thống nhất hoàn mỹ giữa nội dung và hình thức, hàm súc, cô đọng với khí cốt hào phóng, lạc quan, phê phán, lãng mạn, hùng hồn, thoát khỏi sự ủy mị, não nề thời Lục triều, tâm tình cao thượng theo khuynh hướng triết lý Khổng, Phật, Lão... hướng tới vũ trụ, bay bổng cùng thiên nhiên. Có nhiều tên tuổi nhà thơ sống mãi cùng nhân loại. Lý Bạch lãng mạn, trữ tình, say, đau khổ, cô đơn… Đỗ Phủ đẫm chất cuộc đời hiện thực, đói khổ, lầm than… Bạch Cư Dị tâm trạng u hoài trước nỗi thống khổ của dân và chiến tranh, li loạn…

Thơ Đường luật cơ bản là dạng thất ngôn bát cú, mỗi bài tám câu, mỗi câu bảy chữ, từ nó có thể suy ra các dạng khác như thơ tứ tuyệt mỗi bài bốn câu, mỗi câu bảy chữ, thơ bài luật (dạng kéo dài của Đường luật). Thơ bát cú có bố cục chặt chẽ gồm bốn phần: đề, thực, luận, kết. Trong “ đề” câu thứ nhất là phá đề, câu hai là thừa đề. Phần “thực” câu ba và câu bốn giải thích rõ ý nghĩa của đầu bài. Phần “luận” câu năm và câu sáu phát triển rộng ý của đầu bài. Hai câu cuối kết luận ý của toàn bài. Về “luật bằng trắc” - phải theo sự qui định về thanh bằng và thanh trắc, làm cho giai điệu thơ không mòn và đơn điệu. Mỗi câu các cặp bằng trắc lần lượt thay nhau theo nhịp đi của “liên” (một cặp câu), các chữ tương ứng của câu số lẻ và số chẵn phải có thanh ngược nhau, nhịp đi của “liên” trên khác với nhịp đi của “liên” dưới, muốn vậy chữ thứ hai của câu chẵn thuộc “liên” trên phải cùng thanh với chữ thứ hai của câu lẻ thuộc “liên” dưới gọi là “niêm”(làm cho hai câu thuộc hai “liên” kết nối vào nhau). Về “cách đối” đối ở phần “thực” và phần “luận”. Các chữ đối nhau phải cùng từ loại. Về “cách gieo vần” chỉ gieo một vần và chỉ gieo vần bằng ở cuối các câu một, hai, bốn, sáu, tám.

Thơ Đường không chỉ có vị trí đặc biệt trong lịch sử thơ ca Trung Quốc mà còn có vị trí độc đáo trong lịch sử thơ ca thế giới. Các dân tộc phương Đông có quan hệ mật thiết với nền văn hóa Trung Quốc đều tiếp thu ảnh hưởng của thơ Đường trong quá trình xây dựng ngôn ngữ thơ ca của dân tộc mình. Nhiều nhà thơ Việt Nam như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến… đã dùng thể thơ Đường luật để viết nhiều bài thơ có giá trị lâu bền và đã dân tộc hóa thể thơ này thành hồn cốt Việt Nam.

Do tính chất về hình thức thơ Đường luật quá nghiêm nghặt, gò bó về cấu trúc câu chữ, vần điệu, nên rất khó khăn trong việc biểu đạt tâm trạng, tình cảm, nỗi lòng ngổn ngang, tơi bời trăm mối, những cá tính độc đáo, dữ dội… nên ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, số đông người làm thơ đã đi tìm thể loại Thơ mới, ảnh hưởng nhịp điệu con người cá nhân tự do của Pháp, công kích và muốn từ bỏ Đường thi. Ngân Giang là một trong rất hiếm nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX chung thủy với Đường luật và bà đã thành công rực rỡ.

Người ta bảo dường như Ngân Giang đã được chương trình hóa để như một tập đại thành của nền thơ Việt, lưu giữ, truyền đạt các tham số thi ca mà nền thơ đã hoạch định được trong trường kỳ lịch sử thơ ca dân tộc. Đây là cống hiến lớn của gia tài thơ Ngân Giang với những giá trị văn hóa, nghệ thuật nhân văn mà chúng tôi phân tích dưới đây.

2. Những bài thơ Đường luật nặng hồn dân tộc của Ngân Giang:

Đọc Thơ Ngân Giang, ta cảm nhận hồn non nước dập dồn, chao đảo không gian, thời gian, qua tên những bài thơ Đường luật nổi tiếng: Trưng nữ Vương, Thị Lộ Hàn Lâm nữ học sĩ, Nguyễn Du, Vương Thúy Kiều, Thăm Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, Cảm tác III (nhớ Trần Huyền Trân), Chùa Trấn Quốc, Hoa lúa, Thăm Bích Câu… là những bài thơ thất ngôn bát cú được sáng tác đúng niêm, luật Đường thi nhưng là tinh túy Đường thi trên đất Việt, đầy ắp chữ Việt, hồn Việt, thanh âm bằng trắc Việt, không lẫn với Trung Hoa, mặc dù có những bài Ngân Giang dùng điển tích Trung Quốc.

Bài Hoa lúa là một điển hình mẫu mực của lối “tức cảnh sinh tình” hết sức tinh tế, hàm súc của Đường thi, nhưng hồn Việt đẫm trong từng câu thơ, từng thanh điệu, từng chữ đối âm, đối nghĩa...
Đây là bài thơ thất ngôn bát cú (tuân thủ chặt chẽ niêm, luật, cách đối chữ, cách gieo vần, hòa âm thanh bằng trắc) kéo dài hai khổ, miêu tả bông Hoa lúa trải gấm hoa trên cánh đồng đất Việt từ thủơ sơ khai như nguồn sữa thơm nuôi nòi giống. Phần “đề”, câu thứ nhất tả hoa lúa đẹp như hoa cau dưới nắng hồng. Câu thứ hai (“phá đề”) chỉ rõ hoa lúa và hoa cau đều thơm ngào ngạt, nhưng lúa nhiều miên man trên cánh đồng. (Lúa tựa hoa cau dáng nắng hồng/ Hoa thơm ngào ngạt lúa mênh mông) . Phần “thực” tiếp tục tả hoa lúa nuôi dưỡng sự sống, gieo niềm vui bất tận cho người và đất Việt Nam bằng những tính từ chỉ niềm vui: “vàng nhánh”, “óng thu”, “dào dạt”,“ phơi phới”… nâng nhịp điệu bài thơ bay bổng, mở rộng không gian thôn làng, cánh đồng đẹp như tranh, vươn tới bầu trời cao rộng: (Gió rung sương sớm hoa vàng nhánh/ Ruộng óng thu chiều lúa trắng bông/ Sóng lúa dạt dào qua xóm ngõ/ Ngàn hoa phơi phới ngập thôn đồng) . Phần “luận” và phần” kết”, hai câu thơ hợp thành một “liên” chặt chẽ, với lối ví von độc đáo của ca dao, nhân cách hóa lúa thành “thân ngọc” và kết luận như một bài ca hùng hồn về giá trị vĩnh hằng của cây lúa Việt Nam: (Lúa vươn thân ngọc, ôi muôn thuở! Hoa khép hương trời chốc mấy đông).

Khổ thơ thứ hai lặp lại đúng luật Đường thi, gieo vần “bằng” cao vút tận trời xanh ở khổ trên, nhưng tinh tế hơn cả là “Hoa lúa ”-“thân ngọc” được nâng thành ” dòng sữa vạn hương” và đi suốt cuộc hành trình gian nan mà dịu ngọt của người mẹ Việt Nam gắn kết hồn sông núi:

Lúa ấp iu dòng sữa vạn hương,
Hoa vừa hé cánh lúc đêm sương.
Chập chờn lúa biếc từ muôn ngả,
Lay động hoa vàng ngát bốn phương
Khi đến chiều nao bông lúa trĩu
Ngày về thôn cũ đóa hoa vương
Lúa hoa gắn bó cùng sông núi
Hoa lúa , chao ôi đẹp dị thường

Có thể nói trong lịch sử thơ ca Việt Nam, chưa có ai kết hoa phổ nhạc, sáng tạo hình tượng dòng sữa mẹ cho bông lúa- cánh đồng lúa như Ngân Giang với bài thơ Đường luật chan chứa hồn dân tộc Hoa lúa. Chúng tôi nghĩ chỉ với một bài Hoa lúa, thơ Ngân Giang xứng đáng được đưa vào dạy trong chương trình phổ thông cùng với những bài thơ Đường luật tinh cất hồn Việt mà chúng tôi không có thời gian để phân tích đầy đủ trong bài nghiên cứu này. Nếu được học thơ Đường Ngân Giang, học sinh sẽ biết tư duy chặt chẽ, hàm súc, kiệm lời, biết dùng thanh bằng trắc rất đa dạng tinh tế của chữ Việt, biết sắp xếp thứ tự dàn ý, dàn bài khi viết và nói , biết chọn chữ chính xác khi biểu đạt ý kiến, tư tưởng, biết đi tìm những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam giữa bề bộn đời thường để viết hoặc nói có vần điệu, nâng hồn Việt du dương, thanh khiết…

Chữ Quốc Ngữ ra đời sau khi đã có một kho báu di sản là những từ Hán Việt. Khoảng 60% từ Hán Việt được dùng trong hệ thống chữ Quốc Ngữ là một may mắn lớn cho chúng ta. Kho báu từ Hán Việt đó, nằm trong các bài thơ, bài văn chữ Hán của ông bà ta. Đó là hồn cốt của nền văn hóa Việt ngàn năm trước. Nay đã bị chúng ta vùi dập. Vùi dập nó là ta đã tự xóa ngàn năm sáng tạo văn hóa của dân tộc. Chỉ còn lại hơn ba trăm năm chữ Quốc Ngữ non trẻ. Sự non trẻ của chữ Quốc Ngữ nhiều khi hóa buồn cười. Ai lại yêu nhau vớ vẩn, ngô nghê “Có khó gì đâu một buổi chiều/ Rồi thương, rồi nhớ thế là yêu”. Và buồn cũng vẩn vơ, vơ vẩn chẳng ra hồn người “Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn”… Yêu kiểu ấy. Buồn kiểu ấy. Chết hết là phải. Chả thế mà, Hồ Gươm đầu thế kỷ XX, nhiều thiếu nữ Hà Thành khuê các, nhảy xuống Hồ Gươm tự tử vì tình.

Từ Hán Việt chứa nhiều dung lượng thông tin. Bùng nổ. Mạnh. Rõ ràng. Kiệm lời. Trí tuệ. Đẫm hồn cha ông ngàn năm đã dùng nó. Nếu biết dùng nó trong văn chương Quốc Ngữ, sẽ vô cùng sáng đẹp, như Ngân Giang đã dùng. Tiếc rằng chúng ta đã quá say chữ Quốc Ngữ, vì nó dễ dãi, nên bỏ mất kho báu văn chương chữ Hán. Không học. Không dạy trong nhà trường. Thế nên, cuối thế kỷ XX, văn hóa dân tộc đã bị sói mòn. Dẫu biết rằng “Lá rụng nhiều, đâu phải bởi mùa thu”, có vị giáo sư đã tức tưởi kêu: “Chữ thay đổi là văn hóa thay đổi. Tại chữ Quốc Ngữ nên mất hồn cha ông”

3. Sự phát triển của chữ Quốc ngữ và tiếng Việt trong thơ Ngân Giang:

Nghiên cứu thơ Đường luật Ngân Giang, ta có thể nhìn rõ cuộc hành trình phát triển của chữ Quốc ngữ và tiếng Việt từ những năm 1930 đến hết thế kỷ XX. Bởi thơ Đường Ngân Giang đi cùng thế kỷ XX, trong tiến trình thay đổi của chữ và tiếng Việt, ảnh hưởng văn chương Pháp, xa dần chữ Hán…

Tiếng vọng sông Ngân ra đời năm 1944 khi Thơ Mới đã chiếm lĩnh đỉnh cao trên văn đàn, Hoài Chân và Hoài Thanh có lý khi không xếp Ngân Giang vào Thi nhân Việt Nam bởi tiêu chí chọn của họ là những nhà Thơ Mới. Còn Ngân Giang cứ đủng đỉnh với thơ Đường, với hồn cha ông. Chính bà cũng thấy mình “lạc loài”. Biết vậy mà bà vẫn đi, một mình một bóng mà đi với Đường thi trọn cuộc đời, trọn Đường thơ thế kỷ XX, để bây giờ chúng ta tìm thấy gia tài thơ của Ngân Giang mà kinh ngạc, nhờ nó chúng ta nghiên cứu được đầy đủ cuộc hành trình của chữ Quốc ngữ, của tiếng Việt một thế kỷ qua.

So sánh bài Mong đợi (trang 7) với Mười bài tâm sự (trang 53- Tiếng vọng sông Ngân ) thấy Ngân Giang đã tiến một bước dài trong cách bà dùng tiếng Việt, chữ Việt để bày tỏ nỗi lòng bằng thể thơ Đường luật. Nếu Mong đợi , Ngân Giang dùng ngôn ngữ bóng bẩy, khuôn sáo với những hình ảnh ước lệ như: “cung cầm lạnh”, “ bóng nhạn khơi”, “đồi xa chân ngựa chạy”, “song vắng lá bàng rơi”, “ kéo rèm hoa xuống nửa vời”… để diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn nhớ, thì Mười bài tâm sự nhà thơ dùng nhiều chữ Quốc ngữ sắc sảo và mới để mô tả nỗi buồn chân thật, khái quát cuộc đời và thân phận một cách tự nhiên, chính xác, gần với đời thường: “Bồng con đêm vắng ngán bơ vơ”, “ Nến lạnh lùng rơi từng giọt lệ”, “ Thờ ơ hương phấn, xót lênh đênh/ Thân thế buồn như lá mặt doành”, “ Đời còn trơ lại vết thương đau”, “ Hương tỏa, tơ say, ngây ngất điệu/ Trời mây, sông nước lắng thanh âm”…

Những bài thơ Đường luật Ngân Giang viết vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ trong thơ bà vụt chuyển động, tinh tế, giàu cảm xúc của con người hiện đại, mạnh mẽ, nổ bùng… Bài Nhớ lại năm ấy (viết năm 1991), vẫn vẹn nguyên niêm luật thơ Đường, vẫn êm đềm cảnh Hà Thành ngót nghìn năm ấy, song ngôn ngữ tả tâm trạng dữ dội như nhịp điệu tâm hồn con người cuồn cuộn đi cùng lửa đạn, bão sóng cuối thế kỷ XX:

Bảy sáu năm dư cũng ngậm ngùi,
Lặng nhìn thế cuộc dạ khôn nguôi.
Giếng Thiên Quang, áng mây lơ lửng
Sóng Kiếm Hồ, bóng tháp nổi trôi
Xưa gác Khuê Văn ngời tú khí,
Con đường Hà Nội dáng văn khôi
Rêu phong dấu cũ hồn non nước
Mặc khách tao nhân dở khóc cười

Sự phát triển của chữ Quốc ngữ và tiếng Việt trong thơ Ngân Giang đã minh chứng luận điểm của Hoài Thanh và Hoài Chân:

“Dù nhà thơ Việt Nam dùng thể thơ Pháp hay thơ Đường, cũng là để tìm về với “cái tôi” với con người cá nhân của mình, để rồi tìm thấy hồn dân tộc. Đường thi Việt Nam không bao giờ chết, khi nó lọc được sự tinh túy bất tử của chữ Việt, tiếng Việt theo thời gian chuyển động, thay đổi”.

4- Ngân Giang khắc họa thân phận người phụ nữ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử:

Chỉ với mấy bài Đường thi nổi tiếng: Trưng nữ vương, Thị Lộ hàn lâm nữ học sĩ, Thúy Kiều… Ngân Giang đã khắc họa thân phận người phụ nữ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử bằng thơ nhạc, nhạc thơ tha thiết điệu buồn bi tráng bởi “Chữ tài, chữ mệnh”, “ Tài mệnh tương đố” .

Trưng nữ vương là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú kéo dài ba khổ, gieo vần trắc. Ở khổ một, hình ảnh Trưng Trắc hiện lên giữa không gian cao rộng: “ Một trời loáng thoáng bóng sao rơi”, với hành động phi thường như đấng mày râu trượng phu, tráng sĩ trong nhạc điệu hùng hồn: “Dồn sương vó ngựa xa non thẳm/ Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi/ Ngang dọc non sông đường kiếm mã/” . Trong bộ trang phục chật chội của thơ Đường, Ngân Giang đã dùng những động từ mạnh tương phản với không gian phóng khoáng để khắc họa nhân cách anh hùng của Trưng Trắc. Nhưng khi nói đến lòng căm thù giặc đã giết Thi Sách chồng Trưng Trắc, nhà thơ thả một nốt nhạc nhẹ mà gây ám ảnh bởi cách gieo vần trắc ở ngay phần đề, chữ thứ hai, câu thứ nhất: “Thù hận đôi lần chau khóe hạnh” .( Luật bằng trắc trong thơ Đường chặt và nghiêm, buộc phải tuân theo trong từng câu và cả bài. Hệ thống bằng trắc được tính từ chữ thứ hai của câu thứ nhất, nếu chữ này thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng và ngược lại. Sự sắp xếp thanh bằng, trắc làm nên nhạc điệu của thơ. Thế mạnh của tiếng Việt và chữ Quốc ngữ là sự phong phú về thanh bằng, trắc, có sáu thanh (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng, không)

Đọc Trưng nữ vương, ta thấy tác giả không chỉ đối chữ và đối cả nhạc điệu, nhạc thơ hài hòa nhưng tương phản, nếu ở phần “thực”, nhạc thơ mạnh cao, diễn tả Trưng nữ hào khí oai hùng ngang dọc xông pha nơi chiến trận, thì sang phần “luận”, nàng chiến thắng, được trao cung điện, khoác hoàng bào lộng lẫy… nhạc điệu bài thơ bỗng trầm xuống, hẫng hụt, tơi bời: “Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.” Nốt nhạc trầm bi ai này dâng mãi lên sang khổ thơ thứ hai, càng da diết: “ Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ/ Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!/ Hồn người chín suối cười an ủi/ Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi/”. Nhưng nỗi đau buồn bởi tình yêu sâu nặng ấy, chứa đầy sức mạnh, nâng Trưng Trắc vượt lên, lập chiến công liên tiếp, vì nghĩa lớn: “Non Hồng quét sạch bụi trần ai/ Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận/ Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.” Bài thơ có thể kết thúc ở đây.

Không ngờ, bản nhạc thơ Trưng nữ vương vút lên một tiếng gọi diết da, tiếng kêu than, tiếng lòng cô đơn và một khát vọng tình yêu lớn: “ Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá!/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi” đã gây ra cái chết không dễ ai quên của thi sĩ Đông Hồ- và sự bái phục kính trọng của muôn đời mai sau với nữ sĩ Ngân Giang.

Trưng nữ vương hay tất cả những người phụ nữ Việt Nam tài sắc từ xưa đến nay, đều mơ về tình yêu, không mơ quyền lực. Ca dao: “Đời người được mấy giấc mơ?/ Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng”. Nhưng Nguyễn Du đã yêu thương mà thốt lên “Đau đớn thay phận đàn bà” - hạnh phúc, tình yêu không bao giờ đến với những người đàn bà tài sắc ấy. Thế kỷ XX, bằng nhạc điệu sang trọng của Đường thi, Ngân Giang khóc Trưng nữ, khóc Nguyễn Thị Lộ, khóc Kiều, khóc mình:

Học sĩ cung vàng hương phấn dậy
Lệ Chi vườn cũ gió mưa dồn
Xe loan một tới nghìn thu hận
Quốc sử âm thầm với nước non

Ngân Giang nữ sĩ, khóc thương thân phận người phụ nữ Việt Nam bằng thơ Đường. Và Đường thi trở thành máu tim, hóa thành thân phận Ngân Giang. Hỏi thế kỷ XX có thi sĩ nào yêu say đắm Đường thi như Ngân Giang? Bà xứng đáng là nữ hoàng Đường thi Việt Nam thế kỷ XX:

Ôi một đời thơ, xót luật Đường
Lênh đênh hoa dạt sóng muôn phương
Điệu Lý lỡ dịp, tơ dang dở
Là một tài hoa mấy đoạn trường

( Ướm hỏi- 1985)

VI. Thơ Ngân Giang- Tiếng lòng của thế kỷ XX:

Thơ Đường chủ yếu là để tình tự, tâm tình nỗi lòng, lòng người với biết bao nỗi buồn, vui, đau khổ, chia ly… Tình tự đi theo nhịp thời gian, không gian. Tình tự thế hệ xuất hiện từ Chiến Quốc, qua đời Hán, đến đời Đường trở nên rực rỡ với Đường thi. Lý Bạch (701- 762) từng đưa vào Đường thi nỗi lòng tỉnh, say, cô đơn, với rượu, với trầm hương, với trăng… và đi tìm tri kỷ, không màng quyền lực, giàu sang. Đỗ Phủ rơi lệ bởi cái đói, nghèo, chiến tranh, nỗi đọa đày… của mình và thời đại: ” Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ/ Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.” Ở Việt Nam thế kỷ XX, Đường thi Ngân Giang thốt lên tiếng lòng của mình và của thế hệ sống trong chiến tranh liên miên, hết cả đời người, và Ngân Giang tìm tri âm, tri kỷ hay tâm hồn đồng điệu.

Một thế hệ đi trong ” Cát lầm gió loạn dồn thương nhớ”, “Mưa vùi gió dập một đời hoa/ Người đi biên ải trời đương sáng/ Ta tới giang thôn bóng đã tà”, “ Gái thời ly loạn oán can qua”, “ Buồn lắng xa xa hồi súng trận/ Càng thương thân thế lệ đầy vơi”, “ Họ ngã bên nhau tình chủng tộc”, “ Xác phơi chiến địa mây mờ thấp” ,“ Kẻ bước lên am, kẻ xuống đồi” … với những khóc cười, cơm áo, cô liêu:

Ở đây đất loạn người thua vật
Cuối ải đầu thành sống lắt lay
Có chốn bên đèn mươi giọt lệ
Lại nơi lữ quán nửa chiều say

( Chiều cát bụi- 1951)

Chiến tranh, rồi lại chiến tranh. Thân phận con người như cát bụi. Ngân Giang đặc tả cảnh chiến tranh nửa cuối thế kỷ XX bằng Đường thi, nhưng Đường thi lúc này không còn những hính ảnh ví von, xa cách, mà là Đường thi hương vị rất đời thường, chân thực đến từng hình ảnh, chi tiết, qua khe bếp nhà mình và nỗi thống khổ áo cơm, bệnh tật của chính mình, câu thơ đọc lên cứ nhẹ như không, mà khái quát cả một thời chiến tranh:

Sơ tán về đây nẻo cuối thôn
Yếu đau nghe lạnh cả hoàng hôn
Lửa reo bếp nhỏ, nồm đang đợi
Mưa hắt phên thưa, gió cứ luồn
Bệnh chẳng thuốc thang sao khỏi bệnh?
Buồn không an ủi, khó khuây buồn
Trà còn dăm cánh đem pha nốt
Chuông vọng chùa bên đã đổ dồn


(Chiến tranh- 1972)

Thế kỷ XX đi trong lửa cháy. Mà Ngân Giang lúc nào cũng lạnh. Nỗi cô đơn của bà được khái quát trong thơ Đường thành một cảm giác lạnh- một lối diễn tả nỗi cô đơn rất độc đáo mà chúng ta ít gặp trong thơ. Ngân Giang lạnh trong tâm tình, bất kỳ bài thơ nào cũng thấy bà Tự sự về cái lạnh của tâm hồn cô lẻ: “Đêm lạnh mênh mông lạnh mấy trời”,” Chiều nay không gió mà như lạnh”, “Gió đông hắt lạnh đôi gò má”, “ Gió giục sương khuya lạnh cửa ngoài.”, “ Sương chiều lành lạnh gió bơ vơ”, “ Thương nhau hãy đợi bờ sông lạnh”, “ Hương lạnh chiều xuân bướm ngại ngùng”, “Chuông rung thành cũ nghe lành lạnh”, “ Vách đất siêu siêu lạnh gió đà,” “Lá rụng chiều nay rơi lạnh lùng”, “ Từng ngọn hải đăng soi lạnh lẽo”, “ Cố đô năm tháng lạnh lùng trôi”, “ Chao ôi thân thế chiều hoang lạnh”…

Ngân Giang lạnh suốt một kiếp người. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, khi sắp từ giã một đời thơ, Ngân Giang vẫn lạnh:

Trải lụa đề thơ bên ngọn nến
Bâng khuâng nghe lạnh cả đêm dài

( Khuya- 1995)

Tâm trạng cô đơn, hắt hiu lạnh ấy, đã thôi thúc Ngân Giang ca lên tiếng lòng đi tìm tri kỷ:

“ Hãy gửi cho nhau một tấm lòng”,
“ Dóng đuốc ví tìm tri kỷ được”…

Thế hệ từng đi cùng thế kỷ XX với Ngân Giang, đọc thơ bà, nhận ra tâm tình của chính mình trong đó và nhận được cả hồn dân tộc. Họ tặng bà những câu thơ khắc cùng sông núi: “ Non nước là đây buổi Thịnh Đường”, “Ngàn sau non nước còn tri kỷ”, “ Thơ đẹp đến nao lòng, mây nổi ngàn năm”…

Từ những luận điểm được nêu ra, phân tích và chứng minh ở trên, chúng tôi có thể kết luận Ngân Giang là nữ hoàng Đường thi Việt Nam thế kỷ XX- với những cống hiến lớn về nghệ thuật thơ Đường, về văn hóa, nhân văn…

Tuy vậy, lúc sinh thời, nữ sĩ Ngân Giang gặp cảnh ngộ éo le, cuộc sống không ưu đãi tài sắc của bà, ngược lại, bà từng bị lãng quên. Bà tham gia Mặt trận Việt minh, lập nhiều thành tích. Như một tình báo, bà đã cứu sống nhạc sĩ Đỗ Nhuận và ba chiến sĩ cách mạng thoát chết trong gang tấc, dưới tay quân Tưởng Giới Thạch năm 1946, đưa được ba trăm tạ gạo từ Bắc Giang về Hà Nội tiếp tế cho quân kháng chiến… Song qui luật muôn đời “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” . Năm 1946, Ngân Giang được làm việc ở Văn phòng chính phủ, đôi khi công vụ cho Hồ Chủ Tịch… Rồi lòng người ghét ghen vô cớ, bà bị đẩy về quét lá bên sông Hồng, bán nước chè nuôi thân, nuôi con:

Đâu thủơ đề thơ nơi tướng phủ?
Đây ngày quét lá chốn giang biên.

Trải những thăng trầm mưa nắng, thế thái nhân tình đen bạc, Ngân Giang nữ sĩ vẫn da diết sống cùng Đường thi. Chết cùng Đường thi. Ngân Giang âm thầm lã chã giọt châu, tạc bóng mình bên quán nước: “Một quán bên sông cuối phố nghèo/ Miếng trầu bát nước có bao nhiêu?/ Sự đời hay dở khoan bàn đến/ Lá rụng quanh thềm, gió hắt hiu”.

Ngân Giang sống với trăng và Đường thi: “ Trăng chiếu dòng thơ bên quán lẻ/ Mây dồn ý nhớ đến mùa thương”.

Thơ đã nâng sự sống của Ngân Giang, tạc vào năm tháng một hình bóng thi nhân đích thực, có nhiều cống hiến cho nên thơ ca dân tộc và hiến dâng một nhân cách văn hóa cho mảnh đất Hà Thành:

Ngày nắng nhưng chưa trắng bẽ bàng
Mưa ghềnh, nắng bãi thấy gian nan
Ai về mở quán bên sông vắng?
Khách đến tìm thơ cách dặm đàng
Mấy chén trà thơm hương khói tỏa
Dăm câu chuyện mới nhạn hồng sang
Bến xa lau sậy nghe hiu hắt
Gió cát chiều hôm trận gió vàng…

Chẳng oán thán. Không sân hận. Ngân Giang tựa vào Đường thi mà đi, tỏa sáng một vùng non nước “Chín mươi xuân trọn một đời thơ/ Lấp lánh sông trời thỏa ước mơ”. Bãi Nghĩa Dũng ven sông Hồng lầm cát bụi và gió bão, nước lụt tràn về ngày xưa, nay đã thành tên phố. Và trong ký ức con phố nhỏ này mãi mãi còn ghi bóng thi nhân- Ngân Giang nữ sĩ Hà Thành mà liên tưởng đến Đỗ Phủ nhà thơ đời Đường bên Trung Quốc, trong Quán mưa bãi vắng của Ngân Giang:

Còm cõi bên sông tóc úa dần
Tay nâng chén nước, lệ đầm khăn
Bữa cơm rau muống chia từng ngọn
Giấc ngủ giường tre đêm khắc lần

Vậy mà khách văn chương đến, Ngân Giang vẫn khơi lò trầm hương, bên khóm trúc quán nghèo, chén thù, chén tạc cùng chúng tôi:

Trầm đốt lên rồi khoan tỏa xa
Tự ta khơi ngát để dâng ta
Trông lên chẳng thẹn cùng sông núi
Ngó xuống chỉ buồn với cỏ hoa…
Xốc lại áo hồng giắt lại thoa
Mắt ngời nhật nguyệt ánh hào hoa
Miệng cười mãi thắm duyên văn tự
Vẻ ngọc chưa phai mộng hải hà.

Bài tham dự Hội thảo khoa học về Nữ sĩ Ngân Giang tại Văn Miếu Quốc Tử Giám




VVM.15.11.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .