Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



NHỮNG BƯỚC CHÂN RỚM MÁU
"TÌM QUÊ HƯƠNG"


T rong các bài viết tràn ngập MXH mấy hôm nay về sự ra đi của Thầy Tuệ Sĩ, tôi dừng lại rất lâu trước một stt. có trích mấy câu từ trường ca “Trường Sơn” cuả Thầy:

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối,
Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang:
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi,
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…

Theo stt. này, lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn nhất của hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát - hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của Việt Nam, là việc soạn cuốn “Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển”…

Mấy câu thơ trên không hiểu sao khiến tôi nghĩ tới biết bao bước chân “băng rừng vượt suối” của những người Việt giàu tâm hồn dân tộc từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua để “Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang”, “đi tìm” giữa lúc thân phận phải tha hương vĩnh viễn như cụ Hồ Nguyên Trừng, cụ Tuệ Tĩnh, cụ Nguyễn An… hoặc “đi tìm” bằng cách tự xông vào “hang hùm nọc rắn” như cụ Nguyễn Du thời trai trẻ… Bằng trái tim thổn thức chứa chất hận tủi vì Tổ quốc đang trong vòng nô lệ, các cụ thấu hiểu biết bao “hồn ai còn hận tủi” trên quê hương điêu linh, mà “Từng con sông từng huyết lệ lan tràn”…

Tôi chợt nhớ lại bước chân “băng rừng vượt suối” của nhà sử học Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN vào tháng trước, khi ông vất vả trèo lên cột chủ quyền giữa Biển Đông tại đảo Hòn Nhạn, trong thời kỳ cùng các nhà sử học và nhân dân địa phương đi tìm lại dấu tích của Chúa Nguyễn Ánh - Vua Gia Long ở vùng Biển Phú Quốc, Kiên Giang… Tôi tình cờ đi sau nhà sử học đầu bạc trắng, và ghi lại được cả những bước chân đạp đá sắc cỏ dại của ông, như sự tái hiện về quãng đời gian truân của vị Chúa Nguyễn cuối cùng đang tìm đường đi cho cả dân tộc; và trước khi đến với cái đích của mình, ngài đã tìm được Biển Đông… Đó là đoạn đời Nguyễn Vương chuẩn bị lên ngôi hoàng đế sau nhiều năm tháng lang thang trên những hòn đảo phía Tây của biển Đông - đặc biệt là quần đảo Phú Quốc, với những giấc mơ chinh phục Biển cả, bằng “Tầm nhìn biển Đông” mà gốc rễ là ý thức coi trọng chủ quyền biển đảo Tổ quốc - có cội nguồn từ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - người đầu tiên tổ chức đội Hoàng Sa, xác lập chủ quyền trên các vùng hải đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa, từ Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đánh thắng quân Trịnh, và hai lần chiến thắng vẻ vang hạm đội Hà Lan hùng mạnh “từng là những kẻ làm bá chủ mặt biển” (theo giám mục De Rhodes)…

Khi nhà sử học leo tới cột chủ quyền, ông đứng lặng, cặp mắt ngấn lệ, và tôi bất giác ôm chầm lấy ông; tôi thấm thía rằng: khi các nhà sử học VN hiện đại có lương tâm đang cố gắng xác định lại khát vọng Biển cả của Chúa Nguyễn Ánh-Vua Gia Long, các vị đã/ đang thực hiện một điều có ý nghĩa thật to lớn: góp phần xóa bỏ vĩnh viễn định kiến “cõng rắn cắn gà nhà” in sâu nhiều thập kỷ qua trong tâm trí người dân Việt, mở đầu cho sự nghiệp khôi phục lại sự thật lịch sử chân chính về các vị Vua & Chúa Nguyễn Đàng trong - đặc biệt là về vua Gia Long - trong công cuộc “về nguồn” nhằm giáo dục tinh hoa truyền thống Dân tộc thật sự cho các thế hệ trẻ VN trong nước và nước ngoài…

Cũng vậy, ngày hôm nay, cuộc đời, công nghiệp và trước tác của Thiền sư - nhà Phật học Thích Tuệ Sĩ tuy có thời bị hiểu lầm, bị hắt hủi, song cuối cùng đã được khôi phục lại giá trị đích thực… Đó cũng là Sức mạnh của tâm hồn Dân tộc mà không thế lực hắc ám nào có thể vùi dập nổi, bởi có điều thiêng liêng này làm vật bảo đảm: “Từng con sông từng huyết lệ lan tràn"…




VVM.25.11.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .