Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



VÀI SUY NGHĨ VỀ THẾ ỨNG XỬ
CỦA TRÍ THỨC THỜI MẠC
QUA MỘT SỐ TƯ LIỆU MỚI


S ự kiện chính trị đặc biệt diễn ra năm 1527 bằng việc nhà Mạc thay thế nhà Lê đã đặt giới trí thức Nho giáo của chế độ quân chủ Lê sơ vào thế ứng xử và chọn lựa hướng hành động mới. Phần đông tầng lớp nho sĩ trung thành với nguyên tắc của hệ tư tưởng Nho giáo đã chọn một trong hai cách ứng xử: bất hợp tác với Mạc, gây dựng lực lượng chống đối lại, hướng này có Đàm Thận Huy, Nguyễn Thái Bạt, Ngô Tuấn Kiệt, Lại Kim Bảng, Lê Tuấn Kiệt, v.v… Những người sau này được nhà sử học Phan Huy Chú xếp vào hạng “bề tôi tiết nghĩa”.

Cách thứ hai là bất cộng tác với Mạc, mai danh ẩn tích, hoặc ngao du sơn thủy, vui thú điền viên như trường hợp Nguyễn Hàng về với Đại Đồng, không theo Mạc, chẳng theo Lê và cũng không về với Vũ. Tuy nhiên cũng có không ít người đi theo một hướng khác đó là cộng tác phục vụ Vương triều mới. Sử cũ cho hay sau khi thành lập vương triều, Mạc Đăng Dung đã thăng thưởng phẩm trật chức tước khác nhau cho 56 cựu thần nhà Lê. Đó là thời kỳ đầu, thời điểm mà giới nho sĩ đang còn bị “cú sốc chính trị” chi phối, còn sau khi “tĩnh trí” lại thì thái độ của tầng lớp này đối với nhà Mạc như thế nào? Trên thực tế, nhà Mạc cầm quyền 65 năm (1527 - 1592) tại Thăng Long và gần 70 năm (thời kỳ hậu Mạc) ở Cao Bằng nhưng mỗi triều vua, bối cảnh lịch sử diễn ra khác nhau và trong mỗi thời điểm lịch sử ấy, khuynh hướng tư tưởng chí hướng hành động của giới nho sĩ cũng khác nhau. Thậm chí ở từng vùng, miền khác nhau, lực lượng nho sĩ chống đối hay ủng hộ nhà Mạc cũng mang sắc thái không giống nhau. Nội dung bài viết nhỏ này muốn góp thêm đôi điều trong việc tìm hiểu thế “hành xử” của giới trí thức nho giáo trong thế kỷ XVI qua hai bản gia phả viết về hành trạng của hai vị tiến sĩ triều Mạc ở Thanh Hóa - địa bàn hoạt động ở triều Lê trung hưng một triều đại được coi là kẻ thù chính trị số một của nhà Mạc.

Thanh Hóa là nơi sản sinh ra nhiều dòng tộc danh gia thế phiệt. Từ thế kỷ XV, Thanh Hóa là nơi “thang mộc ấp” của nhà Lê. Khi nhà Mạc lên cầm quyền, những cựu thần nhà Lê người Thanh Hóa không khó khăn lắm trong việc chọn đường. Họ chỉ tuân thủ theo một nguyên tắc cố hữu là “trung quân”. Nơi này nơi nọ đã diễn ra không ít những cuộc nổi dậy chống lại Vương triều Mạc (như Lê Công Uyên năm 1531). Năm 1533 một lực lượng khác do Nguyễn Kim khởi xướng được hình thành trên đất Ai Lao với danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc”. Lúc này địa bàn Thanh - Nghệ vẫn do triều Mạc quản lý. Mãi tới năm 1542 khi Nguyễn Kim đưa quân về tiến đánh xứ Thanh Hóa thì miền đất này dần dần trở thành căn cứ địa chủ yếu của Nam triều. Từ đây giữa hai thế lực diễn ra một cuộc tranh giành quyết liệt không chỉ về đất đai, dân số mà còn giành nhau tầng lớp trí thức. Đánh giá một cách sòng phẳng, dưới triều Mạc, khoa cử phát triển thịnh đạt. Với 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ (có 12 trạng nguyên) trong đó có nhiều danh nhân văn hóa đã được lịch sử ghi nhận càng chứng tỏ sự rực rỡ của khoa cử triều Mạc. Theo các tác giả bộ sách “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” do trường Đại học Tổng hợp xuất bản năm 1959 - 1960 và cuốn “Lịch sử Việt Nam tập II” do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1980 thì chính sách giáo dục, tổ chức khoa cử của nhà Mạc lựa chọn nhân tài ra giúp dân trị nước chỉ mang tính chất tranh giành nhân tài với Nam triều. Nhà Mạc tuy xuất thân tầng lớp bình dân, vốn gốc vạn chài xứ Đông (Hải Dương) nhưng lại rất coi trọng trí thức. Một lẽ là về chính trị, nhà Mạc vẫn “tuân giữ pháp độ triều Lê” mặt khác các ông vua triều Mạc nhận thức được vai trò rất quan trọng của tầng lớp trí thức trong việc điều hành và quản lý đất nước. Coi trọng, ưu đãi và nâng đỡ trí thức như vậy nhưng càng về sau chính trị đổ nát thế nước rối ren, giới trí thức lại bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Tinh hoa tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam thế kỷ XVI là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 7 năm cộng tác đã từ quan về quê dạy học sau khi dâng xin chém 18 tên gian thần mà không được Mạc Phúc Hải nghe theo. Trạng Kế Giáp Trưng năm 1581 dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp vạch các tệ nạn chính trị xã hội đương thời, đồng thời vạch kế trị bình cũng bị từ chối đã xin về trí sĩ. Rồi Nguyễn Dữ bỏ chức tri huyện xin nghỉ về nhà nuôi mẹ, Phùng Khắc Khoan bỏ vào Thanh Hóa theo Lê chống Mạc v.v… Đấy là vài gương mặt tiêu biểu của giới trí thức xứ Bắc, còn ở xứ Thanh thì sao hẳn là nho sĩ ở đây là lực lượng ly khai Mạc triệt để (thậm chí chống đối quyết liệt). Sự thể lại không hẳn như vậy.

Gia phả họ Nguyễn ở làng Bột huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ghi chép về cụ tổ của dòng họ là Nguyễn Thanh như sau: (xin được tóm lược) Ông sinh năm Bính Dần (1506) thân sinh là Vũ huân tướng quân Hoằng Nhân, chú là Nguyễn Nhân Lễ đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu Hồng Đức 12 triều Lê Thánh Tông (1481). Thời trẻ Nguyễn Thanh gia nhập nghĩa quân dưới triều Lê Tung Hoàng. Năm 1530 nhà Mạc trị vì được 3 năm, lúc này ông 25 tuổi từ bỏ quân ngũ, trở về quê bắt đầu học chữ. Năm Nguyễn Thanh 36 tuổi, khoa thi Tân Sửu niên hiệu Quang Hòa thứ nhất triều Mạc Phúc Hải (1541) ông đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, thứ 15. Ông được nhà Mạc trao cho chức Hàn lâm viện hiệu thảo, rồi cần sự lang sau thăng dần lên Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn trông coi cả việc quân. Năm 1545 ông được giao giữ chức Hiến sát phó xứ xứ Thanh Hóa. Ông mất khi đang tại quan, thọ 40 tuổi.

Hành trạng, cuộc đời của Tiến sĩ Nguyễn Thanh, sử sách không ghi lại. Đăng khoa lục chép về ông ít dòng “Nguyễn Thanh người Bột Thái Hoằng Hóa đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1541) nhà Mạc làm quan đến chức Thừa Chánh sứ, tước Văn Khê bá” (Đăng khoa lục 92 tờ 32a). Chúng ta được biết thêm đôi điều về ông qua tác phẩm “Công dư tiệp ký” của Tiến sĩ Vũ Phương Đề (thế kỷ XVIII) khi viết về truyền Trạng Ăn và câu truyện này được Lê Quý Đôn nhắc lại trong “Kiến văn tiểu lục”. Nguyễn Thanh là đồng nhân vật trong truyện với Lê Như Hổ, bạn đồng khoa, quan đồng triều. Qua vài dòng tóm tắt về Tiến sĩ Nguyễn Thanh được hậu duệ ghi lại chúng tôi có vài suy nghĩ:

Nguyễn Thanh xuất thân từ một dòng họ có tiếng. Thân sinh ông tuy chỉ giữ một chức tản quan nhưng cũng có quan hệ mật thiết về quyền lợi với vương triều cũ. Chú ông là tiến sĩ của Lê triều từng làm quan trải 7 triều vua (từ Thánh Tông đến Tung Hoàng, giữ chức Hiến sát sứ xứ Sơn Nam. Bản thân ông cũng từng tham gia bảo vệ Kinh thành cuối triều Lê… Nhìn chung gia tộc ông đã được hưởng ân lộc đủ đầy của cựu triều, vậy thì đạo “trung quân” ông quên sao được. Năm ông dự thi (1541) lúc triều Mạc đã trụ vững được 14 năm với chính sự buổi đầu khá tốt đẹp. Dù sử thần Lê - Trịnh hay Nguyễn sau này ra sức bôi nhọ chê bai thậm chí chửi bới thóa mạ vương triều này thế nào chăng nữa cũng đã phải công nhận: “Mạc Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí khi đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh cho pháp ty bắt trị tội.

Từ đấy những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải thả vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn. Cộng tác với vương triều mới từ trong đổ nát chỉ một thời gian ngắn đã tạo nên thế ổn định về chính trị, an ninh xã hội, kinh tế được khôi phục và chấn hưng, đem lại cuộc sống ấm no yên bình cho từng người dân quê xứ Thanh rất thức thời và chọn hướng hành động sáng suốt. Tuy chỉ có bốn năm cộng tác với nhà Mạc nhưng hoạn lộ của ông mở rộng, thăng trải nhanh. Khi mất ông được triều Mạc ban cho tước Văn Khê bá một phẩm trật đáng kính.

Trường hợp thứ hai

Gia phả một dòng họ Nguyễn khác cũng ở làng Bột chép ông tổ của dòng họ mình là Nguyễn Cẩn như sau:

Ông sinh năm Đinh Dậu (1537) quê gốc ở trại Ba Tiêu Thủy Nguyên (Hải Phòng ngày nay). Năm Nguyễn Cẩn 44 tuổi, khoa thi Diên Thành năm Nhâm Thìn thứ 3 triều Mạc Mậu Hợp (1580) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Ông được nhà Mạc trao cho chức Hình Khoa đô cấp sự trung, sau ông vào Thanh Hóa theo vua Lê và dựng nhà ở tại làng Bột là nơi “địa linh nhân kiệt” hiện có 3 vị tiến sĩ đang làm quan với triều Lê trung hưng. Dòng họ Nguyễn ở làng Bột tôn ông làm thủy tổ. Ông mất năm 1585 trong đợt quân Nam triều tiến quân ra Bắc, thi hài được đưa về làng Bột chôn cất. Sau này khi sự nghiệp trung hưng đã hoàn tất, thể theo ý nguyện của ông, một người cháu nội đã trở về lập nghiệp ở cố hương (Hải Phòng).

Việc Nguyễn Cẩn, một người xứ Đông, là người đồng hương của nhà Mạc, nhờ nhà Mạc mà thành danh, đã từng làm quan cho nhà Mạc, lại chạy vào Thanh Hóa giúp nhà Lê chống Mạc, quả là một nghịch lý. Sẽ có nhiều cách giải thích hành động này qua hàng loạt nhân vật đương thời trong tình trạng tương tự như cha con Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, cha con Thái tử Lê Bá Ly hay Quận Mỹ Bùi Văn Khuê… nhưng đó lại là những trường hợp bị đặt trong tình thế bắt buộc khó xử. Liệu Nguyễn Cẩn có bị đặt trong tình trạng tương tự? Chúng tôi không loại trừ giả thiết này nhưng cũng xin nêu một vài suy nghĩ khác. Khi Nguyễn Cẩn đỗ Hoàng giáp (1580) là thời điểm nhà Mạc đã sa sút đến mức suy đồi, Mạc Mậu Hợp lên ngôi lúc hai tuổi, mọi đại sự quốc gia đều do Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng chủ trương. Tuổi càng lớn để có thể đảm đương việc nước thì vị vua đầu triều này chỉ “ham chơi bời, say đắm tửu sắc, không để ý đến việc nước” đến nỗi trong nước “kỷ cương bỏ bê mà không chấn hưng, chính sự thối nát mà không tu sửa, trộm cướp hoành hành, giặc mạnh xâm lấn, lòng người nao núng, thế nước lung lay” như lời tâu rất thiết đáng của Thiêm Đô Ngự sử Lại Mẫn. Trong khi đó thì ở Nam triều “vua tôi hòa thuận, chính sự chỉnh đốn, quân sĩ tinh nhuệ, sĩ khí đang lên…” đã thu hút không ít người có tâm huyết có trí tuệ theo về giúp rập và Nguyễn Cẩn (có lẽ) là một trong những người như vậy. Nguyễn Cẩn mất sớm khi mới 49 tuổi, sở nguyện chưa đạt, chí chưa thỏa. Đời sau than tiếc cho sự nghiệp còn đang dang dở của ông:

                           “Mạc Thị lập quyền thân sở hận
                                Phù Lê vị đắc kỷ hà niên”

Tạm dịch:

                          “Họ Mạc lập quyền đành nuốt hận
                                Phù Lê chưa được gọi là bao”

Đó là người đời sau nghĩ về ông và viết thay ông nhưng có lẽ tình ông không thế, ông không có gì phải nuốt hận cả bởi lẽ nhà Mạc lúc này đã tồn tại gần nửa thế kỷ rồi. Ông bỏ nhà Mạc ra đi là muốn cái chí của mình được thỏa, thế thôi.

Vài nét sơ lược về hành trạng của hai vị Tiến sĩ triều Mạc chúng tôi có đôi điều nhận xét:

Từ lâu việc đánh giá vương triều Mạc qua ngọn sử bút của các sử thần Lê Trịnh, Nguyễn và một số học giả đương đại có nhiều điều chưa thỏa đáng và thiếu công bằng. Qua thế ứng xử của một số trí thức nho sĩ kể trên có thể thấy: trí thức Việt Nam nói chung và trí thức thời Mạc nói riêng rất nhạy bén với thời cuộc, họ biết chọn chân chúa để thờ, nhận thức chính tà phải trái phân minh, chọn đúng thời điểm lịch sử để hành động. Nhà Mạc đã có một thời gian dài, một cơ hội lớn để hội tụ được đông đảo tầng lớp nho sĩ, nhưng càng về sau thì cũng chính nhà Mạc từ chỗ “chính sự bỏ bê, kỷ cương rối loạn, hình phạt oan uổng, pháp lệnh sai lầm,…” đã đẩy lực lượng này về phe đối lập và do đó điềm mất nước đã biểu hiện, sự thất bại là điều không thể tránh khỏi.

(Trong sách: Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, trang 160-170)




VVM.28.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .