Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



THÁNH MẪU NGUYỄN THỊ BÍCH CHÂU


T rên con đường Hà Nội vào Nam. Đến huyện Kỳ Anh, nhìn sang trái, hướng ra cửa biển Kỳ Hoa, bỗng ta nhìn thấy tấm biển chỉ đường ra đền bà Nguyễn Thị Bích Châu.

Cái tên phụ nữ quen mà lạ, gần mà xa, buộc du khách phải tìm trong kho tri thức của mình và nhớ lại, nàng Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của Trần Duệ Tông (1373 - 1377), đã nhảy xuống biển cả thét gào, hiến thân cho quỷ thần, cứu vua và đoàn quân thoát khỏi trận bão khủng khiếp ở cửa biển Kỳ Hoa tháng Giêng năm 1377, trên đường vua đi dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu.

- Nguyễn Thị Bích Châu hiến dâng thân mình trên biển

Đền thờ Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, một người đàn bà có thật, sống và hiến dâng thân mình cho đất nước trên Biển Kỳ Anh, cách đây gần 700 năm đã ám ảnh, dẫn dắt chúng tôi đã tìm vào ngôi đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu bên cửa biển Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Những mảnh ruộng đất cát đã thành hồ nuôi tôm. Những đầm lớn nước xanh trong vắt, hai ngọn núi Bàn Độ và Cao Vọng chon von giáp biển khơi. Vách đá chắn ngang đầu bãi cát, nâng hồn ta lâng lâng trước một vùng núi, sông, biển, trời kỳ thú.

Núi Cao Vọng chạy từ dãy Hoành Sơn về nằm sát bờ biển Kỳ Anh. Con sông Đình nằm ôm phía Tây. Cỏ cây, hoa lá nơi đây quanh năm mơn mởn sắc Xuân. Đối diện Cao Vọng, sát bờ hữu cửa biển là đền Chế Thắng Phu Nhân, thờ liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu, dân gian gọi là đền Bà Hải hay đền Hải Khẩu. Đền được lập theo kiểu tiền miếu, hậu lăng năm 1377. Mộ Nguyễn Thị Bích Châu trong lăng.

100 năm sau. Vua Lê Thánh Tông trên đường Nam tiến, đã cầu nguyện tại đền Nguyễn Thị Bích Châu. Vua thắng lợi trở về, sắc phong Bích Châu là Thần Chế Thắng (người đàn bà định ra chiến thắng) và xây lại to hơn. Đền toạ lạc bên một cồn cát cao rộng bám lấy biển. Một vùng cây cối xanh tươi khoe mình với sóng biếc trời cao, mây trắng, núi chơi vơi, bao bọc ngôi đền, nâng niu phần mộ Nguyễn Thị Bích Châu. Cây chen cây, xanh màu xanh rất lạ.

Màu nước mắt, nụ cười, tình yêu cao quí của ngư­ời đàn bà đất Thăng Long- Đại Việt. Hồn thiêng Bích Châu quấn quýt bên cây nhỏ, cây to, nâng cho chúng vịn vào nhau mà sống trong cát bỏng, gió, bão, sóng lừng. Cây xanh như vạn triệu linh hồn ấp ủ khuôn viên đền.

Tiếng chim ríu rít ca vang bản giao hưởng Mùa Xuân thiêng liêng, ru linh hồn người con Thăng Long nặng tình chồng vợ, nặng nghĩa nước non mà để tấm thân đào hoa chìm nổi trong giông tố, bão biển.

Những loài chim từ muôn phư­ơng về đây hội thành một rừng chim, cất tiếng hát ca cùng nàng trong cõi mộng. Tiếng chim hoà cảm nhiều cung bậc, khi thánh thót vui nhộn, khi trầm ấm thanh cao, kể chuyện nàng Bích Châu con quan, dung nhan tươi đẹp đức hạnh, tài hoa, giỏi cầm kỳ thi hoạ, thông tuệ luật lệ, thấu hiểu lòng người, đ­ược vua yêu quí.

Nàng dâng mư­ời điều giữ nền bình trị gọi là Kê Minh Thập Sách. Vua khen hay nhưng không làm. Vua khởi quân chinh phạt Chiêm Thành. Nàng can không đ­ược, đã theo đi cùng. Vào đến thành Đồ Bàn. Trần Duệ Tông tử trận. Qúi phi Bích Châu thay chồng cầm quân. Nàng bị trúng tên độc, từ trần tại biển Kỳ Anh (tên cổ gọi là Kỳ Hoa) trên đường vượt biển về kinh thành Thăng Long.

Dân làng Kỳ Hoa đón nàng yên nghỉ ngàn đời trong tiếng sóng biển, gió trời, trong màu xanh bất tử, và trong lễ thức Tâm linh.

Kính trọng nhân cách của nàng, dân đắp mộ, xây đền, tế lễ, thờ cúng, tạo ra những giá trị Văn hiến và giá trị Tâm linh. Hỏi có bao nhiêu vị vua được về yên nghỉ trong lòng dân như­ thế?

- Lễ hội Đền Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu

Dân làng Kỳ Anh mở hội đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu ngày 11 tháng 2 hằng năm, đúng ngày giỗ Chế Thắng Phu Nhân (*).

Đêm 11- 2. Khách thập phương đổ về tế lễ đồ ăn chín (xôi, thịt lợn, thịt gà) gọi là lễ chín. Sáng 12- 2, làng làm lễ tế bò sống. Tục tế bò sống của làng Hải Khẩu đẹp như cổ tích. Từ xa xưa lắm, làng thả một cặp bê ở núi Cao Vọng, không ai chăn dắt, như­ng nó tự sinh sôi, nảy nở thành đàn như­ bò hoang mà chẳng phải hoang.

Hàng năm vào dịp hội đền, dân làng xin một chén nư­ớc Thánh ở đền sang núi Cao Vọng để bắt bò về tế. Như­ có uy linh, cả đàn bò đứng yên. Ngư­ời ta chọn một con bò vàng tuyền, béo tốt, non tơ, r­ưới chén nước trên lư­ng, đ­ưa về đền.

Nó ngoan ngoãn đi qua cửa biển về đứng trư­ớc sân đền chịu lễ dâng tế Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, không sợ đám đông mà bỏ chạy. Ngày hội ng­ười ta đua thuyền rồng theo hầu Chế Thắng phu nhân. Mọi ngư­ời mặc áo xanh quần đỏ, chít khăn đỏ, chèo thuyền trên biển, trên sông, cờ xí rợp trời, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò reo vang động cả một vùng cửa biển Kỳ Hoa, nơi chiến địa hàng nghìn năm tr­ước và phên dậu, là đất tiến, đất lùi của nư­ớc Nam xư­a. Mảnh đất cuối cùng của Đại Việt đời Trần là Kỳ Hoa, sang bên kia thuộc đất Chiêm Thành.

Ngày Mồng một Tết Nguyên Đán, có lễ dâng bánh chư­ng Chế Thắng Phu Nhân. Mùa cấy làng chọn những ngư­ời không có tang chế, trồng nếp và trồng đậu trên đám ruộng cao ráo. Ngày 29 Tết, những người tài khéo được mời gói bánh, đêm Giao thừa luộc bánh chưng, kịp sáng Mồng Một Tết dâng ở đền Hải Khẩu vào giờ Thìn.

Trong thư­ợng điện thơm hư­ơng khói, những chiếc bánh chư­ng nghĩa tình của dân tộc đ­ược dâng lên. Nguyễn Thị Bích Châu như ngồi đó. Thần sắc oai linh, hiền thảo, tinh anh, đôn hậu nhưng quyết đoán, thông thái, đầy vẻ vị tha.

Đời Hồng Đức triều Lê Thánh Tông (1471) đã tôn vinh nàng qua đôi câu đối chữ Hán:

Thân thượng cương thường thiên hạ Thánh
Danh lưu kim cổ nữ trung kiên.

nghĩa là:

Thánh giữa nhân gian Thần nghĩa liệt
Kiên trung nữ giới tiếng xưa nay

- Nguyễn Thị Bích Châu và Văn học

Trong lịch sử văn học Việt Nam, nàng Bích Châu vợ vua Duệ Tông đã hai lần trở thành nhân vật văn học. Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) xúc động trước tình nàng, vừa phong nàng là Thần, vừa đề thơ ca ngợi nàng, một nhan sắc, một tấm lòng, một tài năng, một tình yêu có thật, làm say đắm bậc minh quân.

Bài thơ được đề lên tường, bên tả đền Bích Châu:

Một vị hiền phi cửa điện Thần
Hy sinh vì nư­ơc quản chi thân.
Đào hoa chìm nổi cơn giông tố
Đỗ Nh­ược mơ màng giấc mộng xuân.
Dòng nư­ơc vô tình chôn sở phụ,
H­ương hồn vạn chỗ viếng Tư­ơng quân.
Than ôi, trăm vạn quân hùng mạnh,
Lại kém th­ư sinh một hịch văn!

Bài thơ ngợi ca Bích Châu hy sinh vì nư­ớc. Nàng có tầm vóc nhân loại, giống vợ vua Thuấn, đức độ, tài ba, khi chết trở thành nữ thần sông Tương. Như­ng trong đáy sâu tâm hồn ng­ười đàn ông thủ lĩnh đất Việt, Lê Thánh Tông xót xa ngầm trách trăm vạn quân hùng mạnh không cứu nổi một thân liễu yếu đào tơ. Nỗi xót xa rất đời, rất ng­ười của văn chư­ơng cổ, ám ảnh ta.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) đã viết truyện Đền thiêng ở cửa biển kể chuyện nàng Nguyễn Thị Bích Châu, vừa hiện lên chi tiết thật rất sống động của con ng­ười thật, vừa hư­ ảo sắc màu huyền thoại, làm cho Bích Châu sống mãi cùng thời gian, trong tâm thức dân gian.

Cách kể chuyện lịch sử của Đoàn Thị Điểm, để lại bài học đắt giá cho giới sáng tác văn học hôm nay. Sự thật lịch sử và sáng tạo dân gian đư­ợc Đoàn Thị Điểm kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, dựng nên một nhân vật lịch sử có thật, gắn liền với những huyền thoại, huyền tích đẹp lung linh huyền ảo.

Trong khoảng giữa lịch sử, dã sử và Folklore, con ng­ười quá khứ sống lại với những vui, buồn, thiên, ác, khát vọng, những tư tư­ởng đúng, sai, để đời sau xét đoán, rút ra bài học đớn đau của ngư­ời đi tr­ước, tạo con đường mới cho thế hệ sau.

Bởi vậy ngư­ời đọc khao khát đư­ợc nhìn thấy con ngư­ời thật, sự việc thật, gói ghém trong văn bản nghệ thuật. Về huyền thoại Nguyễn Thị Bích Châu, Đoàn Thị Điểm nâng giữ những chi tiết có thật cũng vì lẽ đó. Bà cố tình để ngư­ời đọc nhận biết câu văn nào là thật, không thể vì nghệ thuật hư­ cấu mà t­ước bỏ chi tiết thật, sự thật giá trị nh­ư những tia sáng rọi ngàn năm.

Chuyện Đền Thiêng ở cửa biển, bà Điểm đã dựng nên một thế giới thần thánh, ma quỷ, thuồng luồng, ba ba, vật lộn với con ngư­ời.

Nàng Bích Châu không có phép Thần thông nào ngoài một nhân cách, một t­ư t­ưởng lớn, một tình yêu ng­ười, yêu nư­ớc, yêu dân, yêu đức ông chồng làm vua, gửi gắm trong mư­ời điều can gián vua, gọi là Kê Minh Thập Sách:

Một là năng giữ cõi gốc của nư­ớc, trừ hà bạo thì lòng ng­ười yên vui.
     Hai là giữ nếp cũ bỏ phiền nhiễu thì kỷ c­ương không rối.
     Ba là nén chặt kẻ quyền thần, để ngăn ngừa chính sự mọt nát.
     Bốn là thải bớt kẻ nhũng loạn, để trừ tệ khoét đục của dân.
     Năm là xin cổ động Nho Phong, khiến cho lửa bó đuốc cùng với ánh mặt trời cùng soi sáng.
     Sáu là mở đư­ờng cho người nói thẳng, để cho cửa thành cùng với đ­ường can gián mở to.
     Bảy là cách kén quân, nên chú trọng vào dũng lực hơn cao lớn.
     Tám là chọn t­ướng, nên cầu ngư­ời thao l­ược mà không căn cứ vào thế gia.
     Chín là khí giới, quý hồ bền chắc, không chuộng hình thức.
     M­ười là trận Pháp, cốt chỉnh tề, cần chi điệu múa.

Tiếc thay , vua Trần Duệ Tông không nghe những lời khuyên thiết thực, cháy tình yêu th­ương ấy của nàng, nên đã chết trong đám loạn quân, vì hung hăng, ngạo mạn, cố chấp.

- Toạ đàm bên đền thờ “Kê minh thập sách”

Năm Ất Dậu 2005, năm con Gà. Chúng tôi thăm Hải Khẩu, thấy trong đền dân làng nâng niu thờ “Kê minh thập sách”.

Năm Ất Dậu 2005 này “Kê minh thập sách” - tiếng gà gáy báo bình minh, linh thiêng của Tổ Tiên bỗng lại vang lên, thiết tha bày tỏ lòng trung, xây nền bình trị, đã thu hút sự lắng nghe của kẻ sĩ cùng dân lành bốn phư­ơng.

Một cuộc tọa đàm sôi nổi, trang trọng, tôn nghiêm về Chế Thắng phu nhân và “Kê minh thập sách” đã diễn ra bên ngôi đền, bảy trăm năm dài, dân lặng lẽ thờ “Kê minh thập sách” do huyện uỷ. UBND, HĐND huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh tổ chức sau lễ dâng hương.

Ông Nguyễn Khắc Mai, thường vụ Hội Khuyến Học (HKH) Việt Nam khẳng định:

“Đã gần bảy trăm năm, những tư tưởng trong Kê minh thập sách” vẫn còn rất mới, rất thời sự. áng văn ngắn, lời ít, ý tứ lại rất rộng, nghĩa lý sâu sắc, là những kế sách dựng n­ước và giữ n­ước của ng­ười Việt, xuyên suốt mọi thời đại.

Đây là lối tư duy Thiền học rất thịnh thời Lý -Trần. Chúng ta có thể coi nh­ư những minh triết, sự khôn ngoan thông tuệ, giá trị khái quát nh­ư những định đề có thể vận dụng trong những bài toán chính trị, nhân sinh của thời đại mình. Thói hà mạo, phiền nhiễu, lộng quyền, tham nhũng thì mỗi thời thể hiện thành những hành vi, hình dạng, thủ đoạn khác nhau.

Việc trừ bạo thời nào cũng phải làm. Nguyễn Trãi nói trừ bạo để an dân. Ngày nay chúng ta đang trở lại t­ư t­ưởng của tiền nhân, lấy dân làm gốc. Chúng ta học và thực hiện tư tưởng của “Kê minh thập sách” là thấm nhuần bản sắc Văn hoá Việt Nam để mở cửa, hội nhập, giao l­ưu, cạnh tranh, dân chủ, văn minh... Là ph­ương sách dựng nư­ớc và giữ nước”.

Giáo sư­ Vũ Ngọc Khánh thảo bài văn tế Chế Thắng phu nhân, gieo xúc động lòng ngư­ời và muôn vật. Tiếng đọc văn tế vang lên, xao động cả một vùng đồng ruộng, núi non, sông nư­ớc, biển, trời Kỳ Hoa:

Bài “Kê minh thập sách” là của báu muôn đời
Đấng liệt nữ Bích Châu là vị thầy vạn thuở ...
Theo m­ười điều ấy, n­ước tất thịnh c­ường
Làm m­ười điều này dân càng an lạc...

Nhà nghiên cứu ngoại cảm Nguyễn Phúc Giác Hải nói:

“Kê minh thập sách” sau hơn sáu trăm năm nay lại vang lên, là tiếng gà gáy báo bình minh ất Dậu. “Kê minh thập sách” là thông điệp của Tổ Tiên gửi cho con cháu thế kỷ XXI. N­ước Nam thư­ờng có Thánh tài. Sự hiển linh của Thần Thánh không còn là sự lạ với chúng ta”.

Giáo s­ư Nguyễn Huệ Chi thăm ngôi đền thờ “Kê minh thập sách” quê mình, thao thức đêm sâu, ông bật dậy viết bài thơ chữ Hán:

Viếng người phụ nữ Thần kỳ Nguyễn Thị Bích Châu

Vì nước an nguy chẳng tiếc thân
Giai nhân tung sóng hóa thiên thần
Lòng son chói lọi “Kê minh sách”
Sống nguyện vì dân, thác giúp dân

Giáo s­ư Trần Thị Băng Thanh cả cuộc đời đọc sách cổ, dịch văn thơ Lý - Trần, dịch Kê minh thập sách, đến đây xúc động như­ gặp hồn cố nhân, cùng tôi ngắm một con b­ướm lớn màu nâu vàng, vân hoa hình sóng trắng đục, sải cán rộng chừng gang tay, đậu trên ngai thờ, suốt buổi lễ tế. Dân làng bảo “sự lạ”.

Sự lạ này là “Tiếng gà báo sáng” của ngư­ời cung phi đời Trần, từ Thăng Long thuở trư­ớc vọng từ biển lớn về Thăng Long - Hà Nội chào mảnh đất một nghìn năm tuổi.

- Hội thảo Khoa học Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu

Năm 2007. Trung Tâm Minh Triết cùng Sở Văn hóa Hà tĩnh tổ chức Hội thảo tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội để tưởng niệm Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu nhân lễ giỗ lần thứ 630 của Bà

Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung Tâm Minh Triết đọc tham luận:

“Xung quanh đền là một vùng Văn hóa, cố kết thành những nề nếp Tâm linh, tín ngưỡng thờ phụng người có công đức với dân với nước.

Ngày trước, dân hội hè sôi nổi, vui vẻ. Trước và sau lễ cúng giỗ Bà thì có hát sác bùa, chèo, tuồng, có năm diễn kịch thơ, mô phỏng sự tích của Bà và lễ đua thuyền.

Lễ đua thuyền thường được tổ chức hoàh tráng, huy động mỗi thôn một thuyền. Riêng thôn Tam hải nơi có đền được hai chiếc đua. Nhân dân nô nức đứng trên bờ hò reo cổ động. Cờ bay, tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ vang lừng cả một vùng sông Kỳ Anh, sát cửa biển.

Rất nhiều giai thoại nói về những linh ứng của Bà. Dân làng kể rằng một lần đã lâu, kẻ trộm vào đền lấy đi chiếc chiêng thờ. Chiếc chiêng bị bán ra tận Nam Định. Nhưng sau đó khơng ai mua được vì thử gõ thế nào cũng không có tiếng.

Chỉ khi nhà đền dị biết được, liền tìm ra mua lại. Lạ lùng thay! Người nhà đền thử thì tiếng kêu vang trong trẻo. Chiếc chiêng được thỉnh về.

Rất nhiều chuyện linh ứng mà Bà đã giúp người dân tai qua nạn khỏi, từ của cải, đến bệnh tật. Gần đây, khi tơi về làm việc với huyện, anh em đã kể câu chuyên linh ứng như sau. Có một tàu nước ngoài suốt hai ngày, không cách chi cập bến, áp vào ke để neo tàu đặng giỡ hàng. Có một người bảo với thuyền trưởng hay là thử cầu xin Bà xem. Rất lạ, là sau khi hương đăng quả phẩm thành kính cầu Bà, thì chỉ non hai giờ sau, tàu áp ke ngon lành mà trước đó không cách chi vào được!

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng sự tích và ngôi đền của Bà là một giá trị Văn hóa Tâm linh vĩnh hằng của dân ta. Kê Minh Thập Sách như cố Giáo sư Vũ Ngọc Khánh là một trong những kim cổ hùng văn (những áng văn chương hào hùng. Nay, bên cạnh Chiếu Dời Đô, Hịch Tướng Sĩ, Cáo Bình Ngô, Sớ Thất trảm, ta lại có Sách Kê Minh. Có lần chúng tôi đã thưa với ban lãnh đạo Hà Tĩnh rằng, Hà Tĩnh có vinh dự, nay đang lưu giữ một ngôi đền, một áng văn vô cùng giá trị, cần phải giữ gìn, cần tìm cách đưa những giá trị Văn hóa ấy vào cuộc sống”.

(Bài in Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nguyễn Thị Bích Châu)




VVM.28.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .