Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI

* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *


          DẪN NHẬP

          Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
         Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
          1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.




3- ĐÀO MINH LƯỢNG
(1936 - )

Claude Blesnay (§) viết về cuộc đời nhà văn lớn Pouckhine, thi sĩ tài ba số một nước Nga, cho rằng: Chàng là kỵ mã của Công lý. Ngoài đời hôm nay, Đào Minh Lượng là chàng kỵ mã của công lý mà còn là thi sĩ từ trước đó. Tên thật dùng làm bút-danh-thơ, sinh năm 1936 ở miền Bắc. Tác giả những bài thơ thuở còn đi học Trường Quốc Học Huế, là bạn học cùng trường với nhà thơ Huy Trâm. Năm 1954, có thơ đăng trên tuần báo Đời Mới (Saigon), qua bút danh Minh Lượng. Năm 1960, làm thẩm phán và cũng là năm anh cho xuất bản tập thơ VÔ CÙNG do Sùng Chính Viện (Uyên Thao chủ trương), in ronéo, tập thơ gồm 118 bài, ba đề mục : Vô cùng, Trong thành phố và Bài thơ yên nghỉ.

Một vài nét mới lạ về tập thơ này, Uyên Thao nhận định về sinh hoạt thơ văn trong năm 1960 (§§). Hơn một trăm bài thơ, chỉ có một bài lục bát, đó là bài Bài thơ yên nghỉ. Những bài còn lại đều viết theo thể thơ tự do.

Viết Tân (một bút danh khác của Hồ Nam) đã phê bình tập thơ ấy (§§§) ngoài sự biểu dương khen tặng còn nêu ý kiến chung cho tập thơ: đại để cho rằng thơ Đào Minh Lượng nói riêng, và thơ tự do nói chung, làm cho độc giả mệt vô cùng!

Ở đây cũng cần nói rõ hơn, thơ tự do mang tính chất như Viết Tân nhận định không lấy gì làm lạ. Bởi, cuộc sống hôm nay cần phải có một lối diễn tả mới cho đời sống mới ấy. Ăn theo thuở, mặc theo thì! Nhất là cuộc sống hiện tại chứa chấp nhiều băn khoăn, nói như Doudintsev, thời đại này không phải chỉ sống bằng bánh mì - một vế trên của câu này được trích ra từ một câu trong Thánh Kinh, người ta còn sống theo lời Chúa, mà nhà văn Nga trên không nói ra. Đi ngược lại, thời bình trước chiến tranh, xa hơn nữa, thế kỷ trước, cuộc sống bình thản hơn nhiều. Có lẽ vì thế, phong trào thi ca lãng mạn nước ta bành trướng đầy vần thơ du dương, âu yếm nhiều hơn hết. Định nghĩa về lối thơ mới ở trước chiến tranh cũng còn là trả lời cho số người làm thơ hủ lậu đề cao thơ là phải có vần điệu, thơ phải làm cho người ta thuộc, nhớ - nhớ và thuộc đó cũng chưa gây được một biến động nào xoay chuyển tâm hồn? Với tôi, khi viết vào đề (một cách nói thay viết tựa) cho ba nhà thơ hôm nay (§) có định ý như sau: một câu thơ hay, một bài thơ hay, đã có một tác động lớn lao chuyển được biến động lớn.

Trong thế giới thơ Đào Minh Lượng, tôi tìm thấy nhiều lẽ siêu hình mà trong thơ của các người thơ khác không có. Nó mở ra trước mắt tôi nhiều hình tượng mới chưa bao giờ khám phá trong mỗi bài thơ được đọc, chịu nỗi mệt nhọc, nỗi băn khoăn thắc mắc không thôi kia - một chân trời mới nấp sau hàng chữ thơ. Phần đầu trong 29 bài Vô Cùng, lối nhìn đời, tác giả chịu ảnh hưởng trực tiếp J. Prévert, P. Eluard.

Ai từng đọc Paroles, hẳn không quên Barbara, hoặc một bài khác, trong đó có câu: Anh ra chợ nô lệ tìm mua / nhưng không có gì mua tặng em, kết quả sau bao nhiêu lần người đàn ông tìm mua quà tặng người yêu. Thật hàm xúc, bao gồm ý nghĩa yêu đương được xếp đặt tuyệt đích của độ yêu tuyệt đối. Và, ai từng quen thuộc với thế giới thơ P. Eluard, chẳng lạ gì với Poème ininterrompue (lối thơ kéo dài từ đoạn này qua đoạn khác, tuy là phân chia đoạn, nhưng bao giờ cũng liên tục ý tưởng với nhau). Ở Vô Cùng có điều quen thuộc đó. Còn nữa, ai từng không lạ lẫm với thơ tuyên ngôn, nào có xa lạ gì khi đọc đoạn thơ này:


- Nếu
các anh lựa chiến trường lên anh hùng chiến sĩ
Có nhiều người tô tên anh chữ hoa
Các anh nêu lý tưởng miệt mài chạy đuổi
Và các anh an ủi
Kiếp làm người mang nhãn hiệu tự do
Chưa bao giờ hở môi thú thật
Thì tôi
Nhân danh đứa con khốn khổ tối tăm
Tôi chọn tình yêu làm lá làm hoa
Như âm nhạc chảy xuống chiều khắc khoải.


(Vô Cùng, khúc 1)

Tôi càng chiêm nghiệm và thấy đúng hơn nữa, trong thơ Đào Minh Lượng thuộc lớp người chỉ sống bằng con mắt gia nhập cuộc đời, thiếu hẳn kinh nghiệm xương máu. Cho nên, truờng thơ hôm nay của anh chỉ bàng bạc nói về hình tượng sống mà tràn ngập tình cảm yêu đương - cái vốn hiện tại anh có. Ngôn từ sau này đè trĩu hầu hết nội dung tập thơ, tình yêu lại diễn biến tới trăm nghìn lần, qua trăm vạn cảnh tượng khác nhau. Vì thế, đôi lúc làm cho người đọc kỹ tính, thấy tác giả nhai lại cảm giác, rung cảm, diễn đạt bề bộn khắp nơi.
Loại trí thức thanh niên dưới 30 này không tham gia Ngày Lớn như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Đào Minh Lượng … một khi nhìn thấy ảo tưởng đời phi lý - thì những người thơ ấy bao giờ cũng dễ xét nét bi quan, chưa đánh đã bỏ cuộc - khi mổ xẻ một vấn đề và tìm lối thoát:


Tôi không biết mình có hay không
Để kêu lên tiếc hoài
Đánh mất
Trống rỗng vòng tay
Bóng tối nặng nề xõa tóc chàng
khắc khoải
Giữa thời gian phiến loạn
Quá khứ chuyện thần tiên
Bi kịch mở màn vào giờ thức dậy
Tôi sẽ không chọn một
Hai đường đều buồn tối


(Vô Cùng, 5)

Thơ có giọng khắc khoải, đôi khi rất tối tăm, tất lý kể cả người làm thơ đọc thơ không thể hiểu tại sao mình lại có độ cảm hứng như vậy? Theo các nhà phê bình văn học Âu châu, lối đó gọi là obscurantisme(§), thực mà nói ở Đào Minh Lượng ít hơn Thanh Tâm Tuyền. Nên cả người thơ tác giả Vô Cùng muốn đem sức mạnh của mình ra chiến đấu, tòng quân, khởi và kết cuộc cũng chỉ có thể đi tới mức này là cùng (tôi trích dưới đây). Vì thế, lớp thi nhân trí thức tôi vừa nói ở trên, nặng về siêu hình tối tăm nhiều hơn - nếu khi phải ló dạng hình tượng nào thuộc về loại gia nhập đời sống bằng thơ vẫn là hình tượng nghiên cứu thơ:


Tôi muốn tòng quân cho Tưởng Giới Thạch
Đoàn quân xung phong ………………
Để nói rằng đời người đầy ý nghĩa
Và mỗi lần tôi xả súng bắn miên man
Tiếng quý kim rung cười gờn gợn
Nghĩa là tôi đi đánh nhau thuê
Những ngày nghỉ hành quân về phép
Tôi đi vào ngõ tối hắt hiu
ôm giấc mơ riêng tư
Ngủ giữa lòng người gái lạ.
Áo rách lên đùi
Thương người lính trẻ


(Vô Cùng, 7)

Đến khi đem hình ảnh xã hội vào thơ tranh đấu, Đào Minh Lượng không sao làm hơn được cách thương mà nói đến,thương mà ghi lại, tất chỉ vì thương mà tranh đấu. Nó không sao lấp được sự lộng giả thành chơn:


Hôm nay trời mưa trẻ nhỏ nhà nghèo
Hứng mái trước hiên
Cánh tay khẳng khiu múa may tiếng cười
Vô tư
Thách đố
Hôm nay trời mưa và còn mưa nhiều như hôm nay


( Vô Cùng, 8)

Qua con mắt bình thường, hình ảnh trên đây đẹp lắm! Cũng như Les Conquérants của André Malraux chỉ có một Lev Davydovitch mới dám phê bình thẳng vào mặt A.Malraux rằng:“Ông không phải là nhà cách mạng thực sự, tuy nhiên văn phong ông bay bướm, lịch duyệt”.
Những phiên khúc tình yêu (hầu hết trong tập Vô Cùng) mang một ý nghĩa lý thú, qua những câu thơ đẹp, từ lựa chọn âm thanh, tiết tấu (hay nói cho rõ hơn, nhạc điệu rất riêng biệt - xem Vô Cùng 15, 17, 19):


Yêu là chết đi không ngừng
Và yêu là được phục sinh
Vì chết đi trong tôi là sống lại trong em


( Vô Cùng, 17)

đó là một bằng chứng - bậc thầy của loại thơ tình kiểu: bàn tay trắng ngọc vuốt dài gãi lưng anh - tôi cho một thành ngữ chung như vậy để chỉ bản chất thơ đúng nhất về Nguyên Sa.Thơ tình Đào Minh Lượng đẹp như luồng gió mát trùng dương lùa vào khe cổ mồ hôi tóc xõa:


Khi chết đi tôi làm ngôi sao thủy tinh
Một ngôi sao xa xôi nhìn xuống trùng dương
Để thủy thủ đi đêm không biết
Một ngôi sao bé nhỏ vô cùng
Ôm giấc mơ riêng tư chập chờn mắt khép
Khi chết đi tôi làm cây thùy dương
Nằm gần sóng vỗ
Những đêm bão biển không người
Tôi ru người yêu ngủ.


(Vô Cùng, 25)

Và dầu có là Pouckhine, hơn một trăm nhân tình chính thức, còn có lần bị mal d’amour, huống hồ một nhà thơ nâng giấc tình yêu mà nhiều lần phải thốt:


Em không yêu tôi không còn yêu tôi
Một hai ba … trăm vạn lần nhắc thế
Không được một lần tê tái
Ghế đá sương đêm
Con tàu thành khói
Tượng văn nhân cô độc giấc ngủ say.


(Vô Cùng, 26)

Sang phần hai tập thơ: Trong thành phố gồm 41 bài. Đào Minh Lượng có nỗi buồn đơn bóng, của ngày đêm dạo gót vỉa hè khuya. Mang theo một lối diễn tả riêng biệt, đề cao tình yêu như báu vật trong đời. Tôi không thể dự đoán nổi khi nhà thơ trên ba mươi còn đam mê tình yêu, như có lần nào P. Mérimée cho : sau tình yêu, văn chương mới chiếm được một chỗ quan trọng. Hay, anh sẽ ít nói về tình yêu, sau tuổi thành gia thất. Bây giờ, hãy đọc nỗi thầm kín tình yêu của nhà thơ hai mươi lăm tuổi:


Tôi muốn viết bài thơ lục bát
Của Whitman của Pasternak về già
Và thay biển tím ngã tư thành phố
Bằng tên người yêu
Của các anh và những người con gái
Tôi rất yêu
Không tài nào không một ngày xa lánh được.


(Trong Thành Phố của Saigon)

Và đôi khi chịu ảnh hưởng trong văn La Peste của Albert Camus, về những hình-ảnh-thơ-buồn-đẹp:


Mỗi khi tôi đóng cửa nhà
Như bệnh dịch lan tràn trong ngõ
Bạn bè xa vắng chiều xiên từ cửa sổ
Vào giường ngủ
Màn chăn xô lệch
Tình buồn ru ngã xuống vai.


(Trong Thành Phố, 3)

Và thế giới tĩnh vật - dù là động vật được soi dưới cặp mắt đốm sâu nhìn đến, nó tĩnh quá, buồn và thảm, lặng lẽ như trong cung phòng ẩm ướt. Tiếng thơ như sặc mồ hôi thau đồng lạnh như tiền:


Hãy ra xem những đứa trẻ rãy rụa ngoài đường
Người ta vất ra khỏi mái nhà lòng mẹ
Môi còn hoi sữa con nai tơ bánh ngọt
Nó rãy rụa bánh xe đường đá răm
Mắt còn ngước nhìn về phía cửa.


(Trong Thành Phố, 7)


hoặc rất tối nghĩa và tầm thường như:


Tôi đã biết những người bị cầm tù
Từ lâu
Trong tháp cao lâu đài
Bên dưới cỏ xưởng máy mật đường
Và chung quanh
Động cơ xe ngựa tiếng reo tiến bộ
Nền văn minh khói thoát lên nền trời
Đặc xệt bụi than ăn mứt kẹo rượu thịt ứa đầy
Tôi biết lắm
Những người rạo rực đứng ngồi
Làm sao tin được những người lính canh
Võ trang mẹ xẹo đường mòn
Và ban ngày tạp dịch nhà máy
há miệng động cơ nuốt chửng.


(Trong Thành Phố, 6)

Trong đề tài Thơ Thành Phố, mỗi bài đều mang một ý nghĩa, có bài khá sâu sắc, có bài tối nghĩa tầm thường. Có một phiên khúc Trong Thành Phố 13, 18, 33, 35 rất lạ:


Tôi thương người con gái Paris
Chịu nhục hình làm dao trồng người giữa ngực
âm thầm kháng chiến
Tôi thương trẻ con Hanoi
Vất bỏ ngoài công trường thèm hơi người mẹ
Tim nhiễm độc
Tôi thương kẻ đi đường
Không nhà mồi thơm cho tật bệnh
Tôi muốn ôm vào lòng
Chúng ta nức nở
Và thương tôi
Ngại câu đập mạnh vào cửa sổ.


(Trong Thành Phố, 18)

Và trong toàn bài Trong Thành Phố 40:


Trả chúng tôi vô cùng tự do và tự do tuyệt đối
Chúng tôi uy quyền và sức mạnh vô biên
Mà luật lệ ước nghi làm cỏ rối
Làm nhà tù dùng kẽm gai làm vũ khí
Chúng tôi đi đến
Ôi tình yêu cao cả như tâm hồn
Ôi tình thương như biển khơi
từ ngày nào cho tới ngày nào
Chúng tôi đi đến
Trong chiến tranh trong nổi dậy trong sát nhơn
Bằng đói khổ lo âu sợ hãi
Bằng ngã tư bóng tối có dao găm
Bằng hô hào phục kích
Trả chúng tôi tự do nguyên thủy
Và tình người cho trái đất
Và tình yêu cho lứa đôi.

Còn nữa, một bài thơ lục bát rất đẹp, đầy ngôn ngữ riêng của Đào Minh Lượng, Bài Thơ Yên Nghỉ 22:


Thủy tinh yên lặng ngoài đường
Rùng mình mùa lạnh còn vương vào trời
Mười ba muời tám hai mươi
Bàn tay khô có khẽ cười nghiêng môi
Bàn chân bước nhẹ của ai
Thời gian không nhỏ ra ngoài giấc mơ
Tình yêu không cháy bơ vơ
Ngày mai không gọi tình cờ mây trôi
Hãy cho tôi khóc trên môi
Hãy cho tôi rẽ đường ngôi tóc buồn
Hãy cho nức nở tình thương
Không gian vẫn chết ngoài đường nằm im
Thì thầm gọi nhớ vào tim
Thì thầm gọi khẽ tên em vào trời
Xin cho hơi thở loài người
Trán hoang chết đuối trên đồi mây hoang.

Không phải loại commissaires priseurs, nên tôi chỉ thích và ưa cái đẹp chốc lát trong thơ anh mà không nhớ lâu! Một hương bông hoa thoảng đi rồi, tôi chỉ còn phảng phất nhớ, đó là cái thú riêng tôi thưởng thức thơ khi vào đề và giới thiệu tập thơ đầu của anh. Có thể anh là một trong những người bạn thân ngoài đời, cũng như có thể chỉ là vợ tôi (nếu vợ tôi làm thơ), tôi còn được quyền nhớ thơ người khác hơn - hay nói thực hơn - tôi quên chính cả thơ tôi.

Thơ Đào Minh Lượng lạnh quá, cảnh mồ hoang nơi nghĩa trang, phơ phất một vài tiếng dạo đàn bên hàng liễu rủ, nhạc phi lao - không sao cứu vãn nổi lòng mong ước nhóm lửa trong tim tôi. Nếu tôi nhận giá trị lạnh đồng của nghĩa trang là nơi an nghỉ cuối cùng của con người, bất phân xấu tốt, anh hùng, lưu manh… có thể cả chính tôi - lý do ấy rất liên quan đến điều tôi nói ra đây: thơ Đào Minh Lượng có một điểm rất nhỏ, trong bài Vô Cùng 9 nói về con mèo hoang. Một người quí mến con mèo như họa sĩ Foujita, rồi con mèo chết, kẻ trộm lượm đi. Và ngày đó con mèo đã nằm trên bàn ăn cửa hiệu nào đó, chính trong bữa ăn đó, tôi nếm món civet lapin - chính lại là món civet-matou yêu dấu!

Kết luận về thơ anh, thơ siêu hình của Đào Minh Lượng chỉ mới làm thỏa mãn tôi ở đôi phút thăm cảnh đẹp nội tâm nghĩa trang - mà không phải bây giờ còn sống mà ở lại đó lâu - để hiểu sâu ý nghĩa cuộc đời:


Tôi có một con mèo hoang ban đêm
thường leo vào cửa sổ
Ngồi nép dưới chân tôi
Gối đầu lên mũi giầy gấu quần thiêm thiếp ngủ
Bên kia ngoài trời
Những người tự do
Đẹp nằm mơ
…………………
Con mèo của tôi hôm nay đã chết
Một kẻ trộm đi khuya như mụ phù thủy già
Và ngày mai tôi ra ngồi quán
Thịt con mèo là thịt thỏ
Con mèo của tôi
Con mèo hoang đã chết
Tôi không còn ngồi đợi
Và không còn tiếng chân đi vào ô cửa
vào trăng sao
……………………
Buổi trưa
Tôi vào quán
Người lạ mặt
Mẩu bánh mì
Thịt thỏ
Chiếc dĩa con dao ……
…………………


ĐÀO MINH LƯỢNG




4- HÀ PHƯƠNG



Khoảng đầu năm 1957 tôi đến tòa soạn Văn Nghệ Tiền Phong tìm gặp Tử Vi Lang. Nhà báo đang chọn thơ bạn đọc. Anh giới thiệu với tôi trong số ấy, có một học sinh làm thơ, thơ của cô bé này giội mạnh vào tâm hồn anh. Đó là Hà Phương. Sau, anh đưa cho tôi xem một ít bài, kèm theo lời giới thiệu thơ Hà Phương rất hay. Sau này, tôi nhớ lại lời giới thiệu ấy của Tử Vi Lang, khi D.Ch. đưa cho mượn tập thơ Giòng Thơ Sang Mùa, cũng với nhận định về thơ Hà Phương rất lạ về ý và đây là tập thơ đáng đọc. Khi đó, áo cơm làm bù đầu kẻ này, tôi đưa tập thơ của Hà Phương cho Uyên Thao. Đọc xong, anh có lời khen tặng tương tự hai người bạn trên, rồi anh viết bài điểm sách biểu dương nhà thơ còn là nữ sinh ấy. Hai năm sau, 1959, Hà Phương lại cho xuất bản tập thơ thứ hai: Buồn Hoang Thế Kỷ. Quả người thơ chứa chan ý thơ nói về nỗi buồn hiện tại với ý tưởng rất độc đáo, có bản sắc của một thi nhân tài ba.

Giòng Thơ Sang Mùa cũng như Buồn Hoang Thế Kỷ do chính tác giả bỏ tiền in,vì thời loạn lạc hậu chiến, lòng người xáo động nhiều, ít ai còn tha thiết đọc thơ như xưa. Cũng chẳng mấy ai dỗi dãi, nhàn tản mua một tập thơ để đọc, để bình, để ngâm. Người yêu thơ chỉ đọc thơ trên các báo ngày, báo tuần, báo tháng mà thôi. Tất nhiên là vậy và cũng tất nhiên kẻ bị thiệt thòi là người làm thơ còn phải có tiền, có vốn bỏ ra ấn loát thơ mình.
Giòng Thơ Sang Mùa gồm hai mươi bài thơ, phần nhiều viết theo lối thơ mới và lục bát. Cũng có bẩy chữ, sáu không vắng, sáu tám, đôi bài rất già dặn cả tư tưởng và kỹ thuật - cách diễn tả mang nhiều phong cách thơ Nguyễn Bính - nhẹ nhàng mà mai mỉa, đùa cợt - coi cuộc đời chẳng có nghĩa gì. Điều sau này đối với Hà Phương cũng dễ hiểu, cô chỉ mới nhìn vào đời, chưa gia nhập cuộc đời nên thơ phản ảnh chưa buồn chát chúa, nỗi đớn đau thấm lòng như thơ Nguyễn Bính. Ngôn từ trong thơ cô phơi bày vẻ ngây thơ lại ranh mãnh của người con gái đang ở tuổi dậy thì mà còn làm nũng mẹ:

Năm tháng êm đềm vẫn cứ trôi
Chị 17 tuổi đẹp quá thôi
Má hồng duyên dáng đôi môi thắm
Mẹ bảo cùng em “ chị lớn rồi”

(Tiễn Đưa)

và trong bài thơ về tâm trạng người chị đi lấy chồng, cũng sang sông, cũng khói pháo - thực tâm mà nói vẫn sáo và cũ. Như : Gió buồn đưa tiễn theo màu áo / Khói pháo cay cay ướt má hồng. Nói theo kiểu Nguyễn Bính, chị sang nhà người ta ở, chị lại dặn dò em ở lại nhà, tuy không có vườn dâu em đốn, mẹ già em trông, song thơ Hà Phương hãy còn chạy theo lối mòn dặm cũ:

Ở lại nhà em nhe
Thay chị trông đàn em
Cha mẹ già phụng dưỡng

( Ra đi mai chị về)

Đời sống thường nhật của ông, cha, chú, bác, cô, dì chẳng khác gì đời sống chúng ta hôm nay, hàng ngày vẫn ăn, uống, may mặc - lớn lên có gia đình, con rồi cháu, họ hàng, bạn bè, lân bang. Nhưng cái khác là lề lối sống, cảm nghĩ, đời sống vật chất, tinh thần phải biến cải theo lối hiện tại - thì người thơ không thể nào sống ở hôm nay mà diễn tả theo cảm nghĩ hôm qua. Một thời có sự sống một thời khác nhau, sao người thơ nỡ quên điều quan thiết đó.

Thế giới thơ của những người con gái làm thơ hôm nay có một điều giống nhau quá lắm! Là vẫn không nỡ từ bỏ lối truyền cảm qua cách diễn đạt phỏng theo người thơ tiền chiến. Thí dụ tả một người con gái đi lấy chồng luôn luôn dùng ngôn từ sang sông, em ở lại nhà phụng dưỡng, khói hương, nước mắt cay cay… Hình tượng thơ rỗng, sai sự thực. Thời đại của chúng ta nói về mộng mị vẫn dùng giấc mộng vàng son, đèn chong lạnh, sầu hư ảo. Nhìn vào thơ một số nhà thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương chẳng hạn, hôm nay bất lực làm mới chính bản thân, nên vẫn dùng ngôn từ xưa, cảm nghĩ cũ - hẳn không thể trách cứ - nhưng người thơ trẻ trên dưới hai mươi không thể vô tình giết chết ý tưởng mới của hình tượng thơ chính mình đáng lẽ đang phát triển để chui vào âm thanh, ý tưởng của lồng son cũ. Đọc thơ Hà Phương thật rào rạt tình cảm, xúc động, nhưng nếu điều gọi là sáo, cũ kia tránh được chắc người đọc thơ cô còn xúc động hơn nhiều. Bởi lẽ cô chưa bộc lộ cảm xúc tận cùng của mình có, mà khả năng cô làm được - diễn tả theo cái cũ sẵn có đưa tới sự ép vướng như một dây tròng tự nhiên thắt họng mình cộng với ngôn từ tân kỳ để diễn đạt cảm xúc thơ của đời sống hiện tại. Hãy lấy một thí dụ : tả mối sầu não thế này, liệu có còn gì được gọi là sầu:
Tôi viết bài thơ vạn cổ sầu (tr.1)

Nhiều người thơ hôm nay đã khô họng hét và cho rằng thế hệ hôm nay buồn quá! Bất cứ câu nào, bài nào cũng có thể bắt đầu bằng Tôi viết bài thơ nhỏ gửi em hoặc Chép bài thơ gửi khắp muôn phương. Do đó trở thành cái dịch bệnh Tôi viết bài thơ. Như vậy có cũ và tầm thường không? Như trong thơ của Hà Phương còn có những câu:

Tôi viết bài thơ ngắn (tr.32)

Chép bài thơ gửi khắp (tr.30)

Dưới đèn tôi viết bài thơ nhỏ (tr.20)

Tập thơ đầu, nói về kỹ thuật làm thơ của Hà Phương phải nhận khá điêu luyện. Còn sầu đời à la mode, diễn tả tất cũng à la mode, ít phản ảnh tân cảm chân thành. Nên ít điều mới lạ. Tuy thế, triều thơ của những người con gái làm thơ hôm nay thì Hà Phương rất được biểu dương, khen tặng. Theo tôi, qua tập thơ này, Hà Phương cũng có những đoạn thơ riêng biệt, từ lối cảm nghĩ đến nghệ thuật diễn tả:

Chẳng buồn đâu em ơi
Phấn hồng tô má thắm
Từ nay yêu cuộc đời
Em ơi đừng khóc nữa
Cho gió đừng hắt hiu
Cho ngày đi của chị
Đừng có mưa rơi nhiều
Sáng có người qua ngõ
Buồn héo hắt đôi môi
Em ơi ! Giùm nhắn nhủ
Chị tôi lấy chồng rồi.

(Ra đi mai chị về)

và trong bài Khắc Khoải, một vài đoạn bộc lộ chân thành, rung động đưa người đọc đến nỗi buồn cao độ:

Hãy quên đi bao ý nghĩa cuộc đời
Đừng mở mắt hồng trần chua chát lắm
Hồn xa vắng, nghe buồn rơi chầm chậm
Sương đục ngầu là mắt của đêm sâu.
…………………………………………………
Nói làm sao một nỗi niềm tha thiết
Đêm buồn ơi ! vùi tất cả giùm tôi
Vì nói ra thì cũng đã muộn rồi
Trăng sao chết trời đêm nay tối quá !
( trang 37)

Buồn Hoang Thế Kỷ gồm 25 bài. Cả 25 bài nằm trong một đề mục : nói về tình yêu và tâm hồn lạc lõng trước cuộc đời. Vì Hà Phương là phái nữ, cho nên bước khởi hành đầu tiên vào đời (trong Giòng Thơ Sang Mùa), cô còn lạc quan vui tươi. Nếu có buồn chăng nữa vẫn chỉ là nỗi buồn à la mode như đã nhắc. Ba năm sau - chỉ cách ba năm thôi - giọng thơ của cô đã nhuốm phần buồn chán tuy chưa sâu sắc lắm, nhưng ở một phương diện nào của lò lửa cuộc đời, cô phải thốt lên giọng buồn cao độ, chan chán đời nhiều hơn để rồi cuối cùng lăn vào lòng mẹ khóc ròng. Cứng dắn cũng là phái nữ, nhưng mềm lòng nhất cũng vẫn là phái nữ (Bài thơ trở về). Nói về khía cạnh tình yêu của người con gái hai mươi, trong, ngoài đó, Hà Phương tha thiết giãi bầy lời thơ yêu tha thiết. Nhưng chắc gì ai cũng có tình yêu tha thiết - có, mà còn tùy trao cho đối tượng, nên ở đây mới có đi mà chưa có lại. Thế giới hôm nay tất cả như đâm chồi nẩy lộc rất mau, kể cả cỏ cây. Nên ngay cả trong tình yêu cũng phát khởi sớm. Một người nữ ở thế hệ trước, có cách xa bao nhiêu năm đâu, thì còn e lệ, người con gái hai mươi này đã hiểu cuộc đời rất cặn kẽ, vuông vức.Với Hà Phương cùng trong trường hợp tương tự.

Thế giới yêu đương của Hà Phương diễn tả tâm trạng ở tập thơ sau này còn phảng phất một đôi ý có ngôn từ thơ Nguyễn Bính. Nói thế, tôi nhận gián tiếp thơ Hà Phương đã mang ngôn ngữ với một phần, không vay mượn hầu hết ngôn từ thơ tiền chiến. Ở đây là không khí thơ Nguyễn Bính còn sót:

Tương tư là chuyện của lòng
Hoa pensées có hay không hở Người?

nào khác gì thơ Nguyễn Bính có câu:

Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

và phảng phất đôi nét cuồng si rất Tây của Xuân Diệu, song non tay hơn, ý vụng hơn (Tình Lạnh, Tự Tình):

Mà người đi, chỉ vì tôi rất lạ
Chỉ đi yêu người đã có người yêu
Rồi tương tư nhặt gió sớm mưa chiều
Để kết lại xây mộ phần im lặng
Giòng đời trôi nghe thời gian đọng lắng
Soát lại lòng chỉ có mấy hàng ghi
- Toàn là tình cô thừa nhận cuồng si
Đến rất thong thả đi không ràng buộc

( Tình Lạnh)

Cùng trong bài ấy, Hà Phương có một nét phác họa, nhìn nội tâm phản ánh : đẹp một cách rất thơ:

Sầu không mướn cũng vào tim nằm trọ
Lòng tôi ơi! Sao cứ mãi bâng khuâng
Sao đã yêu trăm bận, nhớ trăm lần
Mà vốn liếng chỉ toàn thơ tuyệt vọng?

Như nói ở trên, tâm hồn phái nữ cứng dắn thật cứng dắn, yếu mềm cũng thật yếu mềm, lả lướt càng hơn. Ở đây, Hà Phương trong bài Thư cho Chị nồng nặc không khí thơ T.T.Kh trong Đan Áo:

Bây giờ biết nói làm sao
Bởi em trót khổ để đau một người
Mơ điên khóc giữa tiếng cười
Mười đêm là mộng đủ mười, chị ơi!

Đã nhiều lần đọc thơ tình kiểu T.T.Kh, tôi hết sức chống đối với chính bản thân - nhưng có lần tôi bị thơ lả lướt cuốn theo. Song bao giờ cũng vậy, thơ lả lướt liễu rủ kia, kể cả bậc thầy, tôi chưa hoàn toàn biến chuyển nơi tâm hồn sâu đậm cao độ và lâu bền cả. Nên tôi không trách Hà Phương phỏng ý, mượn ngôn từ T.T.Kh, dầu sao Hà Phương cũng chỉ là em chỉ là người em gái thôi (con gái đúng với ý của tôi nghĩ hơn).

Phẫn nộ trước cuộc đời sóng gió, nhất là hôm nay, mấy ai câm lặng nổi khi người ấy có tâm hồn văn nghệ? Với Hà Phương, cô ghi cảm xúc ấy trong bài thơ Tôi sẽ buồn. Tiếng thơ Hà Phương chân tình, nhưng táo bạo. Táo bạo mà không làm cho người đọc thơ phải đỏ mặt, nhưng lời đối-thoại-thơ đánh thức, rồi tự hỏi, làm người ai chả có lần như thế! Bài thơ này là một trong ba bài: Trước giờ lâm hành, Hãy để tôi đi gần như vần thơ tuyệt bút của Hà Phương:

Tôi sẽ buồn không là cô độc
Vì đêm đêm cứ phải ngủ một mình
Mà buồn vì người chẳng biết làm thinh
Khi tôi đến thăm giữa trời mưa nhỏ
Tôi sẽ buồn với loài người không có
Một cơn say sóng như trùng dương
Để hiểu rằng tình chẳng có biên cương
Không tổ quốc mà cũng không thần thánh
………………………………………………………………
Tôi sẽ buồn nếu người thương diệu vợi
Nẻo hồng trần người chẳng đến gặp tôi
Rồi suốt cuộc đời có một kẻ mồ côi
Trong sa mạc cứ mơ hòn ốc đảo
Tôi sẽ buồn nếu khung trời ảo não.

Phiá sau đám mây xanh, hẳn có cả một thế giới mà không sao ta khám phá nổi hết. Hẳn rằng có một lần mình đã ngắm mây bay, để rồi cũng nghĩ như thế! Đọc thơ văn của những thi nhân, văn sĩ mình ưa thích, mình phục tài họ, qua giòng chữ in, đó là một thái độ liên tài. Nhờ đó, mình hiểu rộng thêm thế giới kỳ bí của trái tim mà chưa biết, rồi càng khám phá càng thấy xôn xao. Thì thơ Hà Phương có một phần như vậy:

Xin thưa rằng lòng người còn hẹp lắm
Thương cuộc đời tôi viết một bài thơ

và rất chân tình qua những giòng thơ sau, cô ghi lại được hình tượng, vóc dáng suy tư của người nữ hôm nay nhiều cảm giác lạ:

Người hãy nói đi ngậm ngùi chưa tắt
Giấc mơ nào không vẹn nét trinh nguyên
Mà chiếc hôn không xoá nổi ưu phiền
Vòng tay ấm không xiết tâm hồn giận?
………………………………………………….
Mai tôi đi rồi, người yêu luyến mến
Và chúng mình muôn thuở đành xa nhau
Ôi ! bài thơ tình thương mến làm sao !

(Ngậm Ngùi)

Rất bâng khuâng cho số phận người con gái được đem so sánh với thân phận người đàn bà - dù dọc ngang - sau cũng chỉ là:

Tìm qua muôn dặm nghìn trùng
Tâm tư rồi cũng cuối cùng làm ga

(Đường Về)

Một số bạn trai đồng tuổi với Hà Phương khi viết nhận định về thơ Hà Phương, hình như họ phản đối nàng thi sĩ học trò thì phải? Lập luận của họ tuy hơi khe khắt (§) cho thơ Hà Phương mang ngôn từ cũ rích, bắt chước hoàn toàn thơ tiền chiến, thiếu bóng dáng thơ hôm nay. Tôi nhận thấy điều này chỉ đúng một phần nhỏ, mà không riêng chỉ nói về thơ Hà Phương đâu - còn phải kể đến Cao Mỵ Nhân, Hà Yên Chi, Phương Duyên, Thanh Nhung, Tuyết Linh, Như Lan….

Cũng không thể quá khe khắt như thi-triết-gia Nietzsche, nhưng phải đồng ý rằng ngưiời nữ có từ thuở bà Eva đến giờ, có ai làm được gì thật mới lạ đâu? Bởi lẽ, vẫn theo Nietzsche, đừng đánh giá trị đàn bà so với đàn ông, về cả tài năng, cả sự phán đoán và cả trong nghệ thuật. Có tài như nữ văn sĩ Pháp Simone de Beauvoir, qua cuốn tiểu thuyết Les Mandarins, tính đàn bà cynique như là đàn ông cứng dắn cũng vẫn chỉ là Anne. Một con chim làm đẹp mắt chúng ta, qua bộ lông cánh, tiếng hót lanh lảnh làm cho ta vui, buồn theo chốc lát, như thế là đủ rồi! Đừng đòi hỏi nhiều và không nên ghen với đàn bà, khi họ có thân hình, vóc dáng mềm mại, quyến rũ! Ghen với đàn bà ở tài năng như các bạn trai làm thơ đồng lứa với Hà Phương lẽ tất cả còn quá trẻ, nhận diện nghĩa lý sống thật mãnh liệt, mà thiếu kinh nghiệm chín chắn ở chiều sâu, cộng thêm kiến thức chưa rộng, nhận định còn thiếu cái nhìn tổng hợp!

Tôi chọn một bài thơ hay của Hà Phương làm điển hình (§) mang theo một tạm kết luận về thơ Hà Phương : một nữ thi nhân cần, rất cần để đóng góp vào vận hội tài hoa trong số các nhà thơ trẻ hôm nay - trong đó có Cao Mỵ Nhân, Hà Yên Chi, nói chung những nhà thơ được đề cập chung trong cuốn sách nhỏ bé này.

©

Trích thơ Hà Phương:

TRƯỚC GIỜ LÂM HÀNH

Trời trở lạnh bỗng dưng buồn ngây ngất
Buồn như là thiên hạ mất người yêu
Buổi hôm nay bươm bướm chẳng dạo nhiều
Tôi đã gọi tên người sao không gặp?
Sầu hoàng hôn mây trời trôi tăm tắp
Gió tha hương lá rụng ngập vườn hồng
Cố nhân còn biết có nhớ nhau không?
Và xác bướm hồn hoa về ươm mộng
Tôi mải miết điên cuồng đi đuổi bóng
Thích bạc tình mà cũng luyến yêu đương
Quá kiêu căng nên đã quá tầm thường
Lắm tham vọng nên càng nhiều thất vọng
Qua 18 tuổi đời đi lạc lõng
Mà ân tình vạn nẻo vẫn bơ vơ
Bởi vì tôi thì mộng rất đơn sơ
Mà thực tế, chao ôi, kiêu kỳ lạ!
Tôi ca ngợi mùa xuân trên tàn tạ
Đem mặt trời về ngự giữa sương đêm
Bắt lá ngậm trăng khóc nắng bên thềm
Quyến rũ Thiên Thần nửa đêm họp chợ
Đời chỉ một: Huy hoàng, hai: Tắt thở
Không âm thầm ngờ ngợ sống vô danh
Một phút quyền uy rồi vỡ tan tành
Không để lại chút di hài thời cũ
Và người ơi, nếu vẫn còn vũ trụ
Vẫn còn tôi kiêu hãnh nhất hồng trần
Hãy đề tên tôi vào bậc Thánh Nhân
Của đạo giáo vỡ lòng môn khinh bạc
Tôi sẽ làm thơ cho đời ngơ ngác
Rồi sẽ đi cho kịp chuyến lâm hành
Giờ tôi đi, Anh đừng khóc, nghe Anh!

(trích Buồn Hoang Thế Kỷ)

HÀ PHƯƠNG



...... CÒN TIẾP ...




VVM.08.10.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .