XÃ YÊN ĐỨC
VÀ
NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRẦN KHẮC CHUNG
I - XÃ YÊN ĐỨC Yên Đức bây giờ là vùng du lịch văn hóa
và sinh thái - du lịch làng quê - của huyện Đông Triều.
Khi ông Nguyễn Văn Tuấn, người Đông Triều, làm giám đốc
Sở Du lịch Quảng Ninh, tôi đã nói với ông: nên chọn
một điểm dừng chân cho khách thăm vịnh Hạ Long khi đi
từ Hà Nội hay sân bay Nội Bài về. Ông Tuấn bảo: em cũng
đang nghĩ đến điều đó và đã bàn với các anh huyện
ủy Đông Triều, có thể chọn khu vực sứ Đông Thành.
Tôi nói: Yên Đức hay hơn. Anh vừa về xã nói chuyện thơ
và giúp xã biên soạn tập thơ Núi Canh,
thấy xã rất đẹp, có nhiều tầng văn hóa và vóc dáng
như một thị tứ. Đông Thành khách có thể dừng mua đồ
sứ, chứ nghỉ chân thăm thú thì không nơi đâu hơn Yên
Đức.
Sau đó, tôi đã thông báo điều đó cho lãnh
đạo xã biết. Tôi đã ở hẳn Yên Đức, dạy học cấp
2 môn văn sử đến 3 năm liền, còn đi về thì 4 năm nữa,
từ năm 1962 đến năm 1969 của thế kỉ trước, nên rất
thân thuộc, có thể nói là từng đường ngang ngõ dọc
của các xóm làng trong xã. Vốn ham học hỏi và tìm kiếm
để phục vụ cho việc giảng dạy và để viết báo làm
thơ, tôi đã gặp và hỏi đủ các lớp người. Tôi đã
chui vào các hang: hang Ang Tái, căn cứ du kích ở thôn Dương
Đê, hang 73 ở Đồn Sơn, hang Đốc Tít ở Đức Sơn, tương
truyền Đốc Tít đánh Pháp có đóng quân ít lâu ở hang
này. Năm đó có một người dân tìm thấy trong hang cái
mâm đồng cổ, cho rằng của nghĩa quân còn bỏ lại. Tôi
cũng nhiều lần trèo lên núi Đống Thóc, núi Canh, hiện
vẫn còn ảnh chụp, lội qua sông ra núi Con Mèo, ngắm rất
kĩ bài thơ của một viên quan nhà Nguyễn nào đó, viết
rất hay, nhưng lại ghi tên gán cho vua Trần Nhân Tông, để
dễ được truyền tụng. Lúc ấy, đi lại còn khó khăn.
Tôi nhớ khi sang Đức Sơn, phải lội qua một cái đầm
lầy, rất hôi thối, do cây lá rừng lót dưới đáy bùn
lâu ngày và cả xác súc vật chết. Đức Sơn thuở ấy,
rừng rậm âm u, cây cao, quanh năm ẩm ướt, nhím chạy ra
ngơ ngác nhìn người, và sóc trông thấy tôi thì nhảy veo
veo qua các cành cây. Tôi thấy có cả báo và rắn. Chinh phục tôi hơn cả là núi Thung, phong
cảnh đẹp một cách cao sang, cây lá thoáng đãng nên thơ,
rất có phong độ nho nhã quí phái, núi dịu và lành, còn
ghi nhiều bài thơ ngâm vịnh của các nhà thơ địa phương
ở thời Nguyễn, dù lúc đó, núi Thung còn là thung lũng
hoang, gai góc mọc đầy. Nhà văn Lê Lựu có truyện vừa
Trận đánh
núi Con Chuột, kể chuyện du kích xã Yên Đức cùng
bộ đội địa phương đánh chìm tàu chiến Pháp. Nhà thơ
Trinh Đường có trường ca
Núi Canh,
nhà văn Hoàng Quốc Hải có tiểu thuyết Chiến lũy
đá viết về tấm gương quả cảm của 73 người,
thà chết trong hang núi Canh do giặc Pháp hun khói, chứ quyết
không ra hàng. Tôi có sưu tầm được bản chữ chép tay
in đá bản diễn ca Yên Đức
căm thù, khoảng 1000 câu thơ song thất lục bát của
Ngọc Hải, dưới đề Ty tuyên truyền Quảng Yên, viết
ngay sau chiến trận, 1950. Đến tôi,
tôi cũng có thơ, nay đọc lại vẫn còn xúc động:
Ta đứng lặng trước chợ Đồn bình dị Lúc bấy giờ chợ Đồn bên núi Canh vẫn
họp. Cạnh đó là nấm mộ, gọi là “mộ 73” đắp đất.
Nhiều đêm, tôi đi qua đây, không sao quên được cái tiếng
gió khuya xao xác đến lạ lùng trong các đám lá mía lợp
sơ sài trên nóc quán chợ. Đây là một vùng quần thể văn hóa phồn
thực nông nghiệp, mà tôi không thấy có ở đâu: với núi
Canh (núi Cày, trong xa như cái cày) núi Thung (Cối giã gạo)
núi Đống Thóc, núi Con Chuột (chuẩn bị ăn vụng thóc)
và núi Con Mèo (canh cho thóc không bị chuột quấy phá)… Cũng như Vĩnh Khê, Yên Đức đã để lại
trong tâm hồn tôi, những kỉ niệm rất khó phai mờ. Bài
thơ viết tại làng Yên Khánh, tháng 10/1964, khi tôi vừa
tròn 20 tuổi, có đoạn:
Chào Yên Đức, ta đi, lòng ở lại II.- VÀ NHÂN
VẬT LỊCH SỬ TRẦN KHẮC CHUNG Báo Quảng Ninh cuối tuần
số 556 có đăng bài Về nhân
vật lịch sử
Đỗ Khắc Chung được ban quốc tính họ Trần của
Nguyễn Trung Dũng. Bài viết chặt chẽ
và nghiêm túc, hầu hết các ý đều trích nguyên văn từ Đại Việt sử kí toàn
thư (ĐVSKTT). Tuy nhiên cũng có một số điều, tôi
thấy cần nói rõ thêm, để bạn đọc có thông tin đầy
đủ hơn. 1 - Cái quí của tấm bia Bia đất
Tam Bảo núi Thiên Liêu mà ta đào được ở chân núi
Phượng Hoàng thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông
Triều ngày nay, cho biết: đây chính là trang Ma Liêu ở thời
Trần, được vua Trần phong cho bố mẹ Bảo Hoàn. Về điều
này, ĐVSKTT ghi rõ ràng như sau:“Khắc
Chung lấy nàng Bảo Hoàn, khoảng đời Trung Hưng, người
Nguyên xâm lấn, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, điền sản
đều bị sung công” (Tập II, Nxb KHXH 1967, trang 126
- 127). Do vậy, cha mẹ Bảo Hoàn đã bị xóa tên trong dòng
tộc, nên ĐVSKTT chỉ ghi “cha mẹ Bảo Hoàn” mà không
ghi tên. Như vậy, đất này không phong
cho Trần Khắc Chung, như bài báo đã nêu, vì nếu
phong cho Khắc Chung thì đã không thể bị “xung công”
(tịch thu). Có một trường hợp tương tự: Trần Khánh
Dư có tội, bị tịch thu toàn bộ gia sản
“không
để lại cho một tí gì” (ĐVSKTT, sách đã
dẫn, trang 48), nhưng đất phong của cha ông ở châu
Chí Linh thì vẫn nguyên vẹn. Chung quê
ở Giáp Sơn, Kinh Môn, cách Yên Đức hơn một ngày
đường.
73 người - một nấm mộ chôn chung
Hồn liệt sĩ đã lẫn vào mây trắng
Bay ngàn năm trên xóm mạc anh hùng…
Cùng sớm thu, thoang thoảng gió heo may
Cùng hoa xoan rơi tím chiều ngõ vắng
Cùng vầng trăng muôn thuở vẫn tròn đầy...
Khoảng năm 1294 - 1313, vua Trần Anh Tông xuống chiếu trả trang Ma Liêu cho con trai trưởng của Khắc Chung và Bảo Hoàn là Trần Nguyên Trưng, vì thế, các vị cao niên ở địa phương mới dựa vào đó, để nói đất này vua Trần phong cho Khắc Chung, nói thế cũng có cơ sở, nhưng về mặt khoa học thì chưa được chuẩn xác. Sau đó, Trưng lại cúng vào chùa làm đất Tam Bảo và giao cho chú nuôi (nghĩa đệ cuả Khắc Chung) là nhà sư Hương Lâm, dựng chùa ở đây, vừa tu vừa trông coi.
2 - Có tài liệu ghi “công chúa Bảo Hoàn”. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Trung Dũng viết là “Khắc Chung được vua Trần gả cho công chúa Bảo Hoàn”, theo tôi là không có căn cứ. Bảo Hoàn là con gái một vương hầu nào đó trong dòng tộc, nhưng không phải con vua, nên vua không thể gả.
3 - Vì Khắc Chung là thày dạy vua Minh Tông học, khi vua còn là thái tử, nên về sau, vua Minh Tông rất trọng dụng thày, đã ban cho thày tước Thái Bảo (ở hàng tam công) và chức hành khiển, làm việc ở sảnh, trong hàng quan đầu triều, Chung chỉ đứng dưới có một người là tể tướng Trần Quốc Chẩn.
4 - Khắc Chung có một tội lớn: đồng mưu với Văn Hiến hầu, xui vua hãm hại Quốc Phụ (bố vợ vua) là tể tướng, Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn. ĐVSKTT (sách và trang đã dẫn) ghi việc đó như sau: Mậu Thìn năm thứ 5 (1328), tháng 3, giết Trần Quốc Chẩn. Văn Hiến hầu muốn lập hoàng tử Vượng lên ngôi, nên đút cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100 lạng vàng, bảo Phẫu vu cáo Chẩn làm phản, vì Chẩn can ngăn việc này. Vua hỏi Khắc Chung, Chung xui vua giết Chẩn. Chung nói: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Hiểu ý, vua giam Quốc Chẩn trong ngục, bắt nhịn ăn nhịn uống mà chết và bắt hơn 100 người khác, trong số đó, nhiều người bị giết theo. Vì Chung cùng phe với Văn Hiến hầu và với mẹ hoàng tử Vượng, lúc đó là Thứ phi, sau đó là Ninh từ Hoàng Thái phi, họ Lê, người cùng làng. Về sau, do vợ lẽ của Phẫu ghen với vợ cả, mới nói lộ ra. Quan Hình bộ là Lê Duy xét hỏi, Phẫu nhận tội và bị xử lăng trì (tùng xẻo). Gia nô của Thiệu Võ, em ruột Chẩn đã ăn sống hết toàn bộ thịt của Phẫu. Văn Hiến hầu, vì là con (hay em ruột) của Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật (Nhật Duật nuôi Minh Tông là chắt làm con nuôi, từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi lên ngai vàng) nên vua tha tội chết cho Văn Hiến hầu, nhưng bị xóa tên trong dòng tộc, đuổi đi. Vì thế ĐVSKTT chỉ ghi tên tước, không ghi tên húy.
Chung vì là thầy học của vua, nên vua không nói gì. Chung xin hưu rồi lâm bệnh chết, gia nhân đem xác về quê (Kinh Môn, Hải Dương hiện nay) chôn, thì bị gia nô của Thiệu Võ đón đường, cướp xác, vằm xác nát ra như cám…
Trong triều, Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng rất ghét Chung, thường bảo: “Nhà Trần sẽ mất vì tên này!” (chữ Trần Khắc Chung nghĩa là nhà Trần tất sẽ mất), nên Chung thường tránh, không dám gặp Quốc Tảng. ĐVSKTT đánh giá: “Khắc Chung là người giả dối để cầu tiếng khen”. “Chỉ duy có việc đi cầu hòa với giặc Nguyên là khả quan thôi, cho nên người ta khen là người giỏi” (sách và trang đã dẫn).Việc cầu hòa như thế nào, dựa vào ĐVSKTT, Nguyễn Trung Dũng đã thuật lại rất chuẩn xác trong bài báo mà tôi đã nêu trên.
Suốt đời vua Minh Tông ân hận vì đã giết oan bố vợ, đồng thời là một đại thần tài ba trung dũng, có công rất lớn với quốc gia. Thơ ông có câu: “Tự tri tam thập niên tiền thắc” (Tự biết lỗi lầm từ 30 năm trước - bài Dạ vũ - Mưa đêm). Ông cho lập đền thờ Quốc Phụ ở đất được phong là làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Khi đã là thượng hoàng, Minh Tông đến đền làm lễ và khi xong, vừa bước xuống thuyền, thì bị một con ong vàng đốt vào má trái, xưng tấy, ông tự cho là trời bắt đền tội, bèn sai người đóng quan tài ngay. Ít lâu sau, ông chết, thọ 58 tuổi.
Hiện nay đền thờ Quốc Phụ vẫn còn, ở phía tay trái đường 18 từ Sao Đỏ đi Phả Lại.