Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


NHỚ THẦY CÙ AN HƯNG



Lên lớp 12, tôi ghi danh học thêm môn toán ở lớp dạy thêm của thầy Cù An Hưng. Lớp học của thầy là môt căn phòng không lớn lắm, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngũ Lão và ngó xéo qua chợ Thái Bình. Dù buổi trưa hay buổi chiều tối, lúc nào lớp cũng đầy ắp học trò cả nam lẫn nữ. Hầu hết các bạn đến từ những ngôi trường nổi tiếng ở Sài-Gòn như Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản. Thầy có trí nhớ vô cùng phong phú. Thầy thuộc tên hầu hết của các nữ sinh nhưng với bọn nam nhi thì chưa nghe thầy gọi tên ai bao giờ. Lúc nào thầy cũng gọi thằng này, thằng nọ, thậm chí là “thằng con bò“ và mỗi lần như vậy thầy luôn luôn kèm theo một nụ cười. Mặc dù không thường gọi tên (vì không nhớ tên bọn này ?) nhưng thầy luôn nhớ rõ bạn nào chưa đóng học phí trong tháng. Trong lớp, các bạn phải ngồi thật sát lại với nhau và ai nấy cũng phải xếp đôi cuốn tập học trò của mình, may ra mới đủ chỗ cho các bạn bên cạnh.

Ở lớp học này tôi có dịp gặp lại Vũ Tường Vân, cô bạn nữ sinh duy nhất ở lớp 9/4. Tôi hỏi “Vân về Sài Gòn hồi nào ? Bây giờ học ở đâu?“. Vân e thẹn đỏ mặt, đứng khép nép sau đôi vai người bạn gái và lí nhí đáp “Vân học bên NTMK, học chung với Mỹ Trang“. Vân vẫn xinh đẹp như ba năm về trước như hồi còn học ở trường LHP. Vân có nhiều nét rất giống Thanh Nhãn của lớp 12C2. Mỹ Trang có đôi mắt sáng rực và thông minh. Mỹ Trang học rất giỏi và là một trong vài “cục cưng“ trong lớp thầy Cù. Hiện giờ Mỹ Trang là bác sĩ y khoa ở Houston, Texas.

Vì chỗ ngồi sát cửa ra vào nên thầy hay nhờ tôi chạy ra ngoài mua giùm điếu thuốc “Samit” và dặn nhớ mồi lửa cho thầy. Bước vào lớp và đưa lại thầy điếu thuốc thì thầy hỏi “Mày có hít của tao không?”. Tôi trả lời tỉnh bơ “Không hít thì làm sao mà có lửa“. Thế là cả lớp có được một trận cười thoải mái. Thỉnh thoảng thầy cũng hay nói vui vài câu như vậy, có lẽ để giảm bớt sự căng thẳng trong giờ học cũng như xua bớt đi cái nóng kinh hoàng trong lớp, mặc dù ba cái quạt máy trên trần nhà đã chạy hết công suất rồi !

Mấy chục năm sau, qua người bạn học cũ, tôi xin được số điện thoại của thầy. Được học trò cũ gọi thăm, thầy vui mừng và hãnh diện khôn xiết. Thầy kể lể chuyện xưa, hỏi thăm chuyện mới giữa tiếng cười sang sảng ngập tràn niềm hạnh phúc. Dù tuổi cao nhưng thầy vẫn còn mạnh giỏi, tiếng nói vẫn vang vang và “tiếu lâm” như ngày nào ..

– Anh có nghe đứa nào chửi tôi không?

– Anh đang ở đâu ? Anh học gì ?

– Bây giờ anh làm gì? Vợ con ra sao ?

– Anh có về Sài-Gòn không ?

– Quý hoá quá được anh gọi thăm tôi !

Thầy mới vừa làm xong phẫu thuật đôi mắt. Tôi lo cho sức khỏe của thầy, nên bộc bạch :

– Thầy mới mỗ mắt xong. Thầy nghỉ ngơi đi, hôm nào em sẽ gọi lại !

Có lẽ sợ bị cắt ngang niềm vui bất chợt đến từ phương xa nên thầy tiếp lời :

– Tôi mới mỗ mắt chứ đâu phải mỗ mồm mà anh không cho tôi nói !

Rồi hai thầy trò cười vang qua điện thoại và bùi ngùi nhắc đến lớp luyện thi ngày trước đã theo thời gian trôi vào dĩ vãng ngót nghét bốn mươi năm.

Có một điều ít ai biết được, tuy thầy dạy toán, nhưng tâm hồn thầy mẫn cảm như là một nghệ sĩ và đẹp ngời như những vầng thơ.

Nếu bạn nào yêu thích thi ca thì xin mời vào trang

http://www.cuanhung.com hay http://www.math.hcmuns.edu.vn/~ntvu/tho/index.html sẽ đọc được rất nhiều bài thơ Đường (Đường Thi) do thầy chuyển dịch, đặc biệt có 15 phân đoạn “Chinh phụ ngâm”, giàu chất nhân văn và đẹp vô vàn trong nghệ thuật. Như vậy mình mới biết, người giỏi toán cũng đâu có “khô khan” hén.

Xin được giới thiệu dưới đây 2 bài thơ Đường do thầy dịch thuật.


BA LĂNG DẠ BIỆT VƯƠNG VIÊN NGOẠI

(Giả Chí)

Liễu nhứ phi thì biệt Lạc Dương
Mai hoa phát hậu tại Tam Tương
Thế tình dĩ trục phù vân tán
Ly hận không tùy giang thủy trường


CHÚ THÍCH : Tam Tương là tên đất ở phía nam hồ Động Đình

Thầy Cù An Hưng dịch :


BAN ĐÊM TẠI BA LĂNG TỪ BIỆT VƯƠNG VIÊN NGOẠI

Lúc liễu tơ bay rời Lạc Dương
Khi mai rụng hết, ở Tam Tương
Tình đời tan tác như mây nổi
Ly hận theo sông vạn dặm đường


Cho phép Tám tôi được họa thơ của thầy theo thể “Song Thất Lục Bát” nghen ..

BAN ĐÊM TẠI BA LĂNG TỪ BIỆT VƯƠNG VIÊN NGOẠI

Lạc Dương phố liễu tơ xơ xác
Đất Tam Tương mai rụng bên thềm
Tình đời như áng mây vương
Chia ly hận tủi dặm trường sông mê

*****

MANG SƠN

(Thẩm Thuyên Kỳ )

Bắc Mang sơn hạ liệt phần doanh
Vạn cổ thiên thu đối Lạc thành
Thành trung nhật tịch ca chung khởi
Thử sơn duy văn tùng bách thanh


CHÚ THÍCH : Bắc Mang là tên một ngọn núi ở phía bắc Lạc Dương 11 dặm. Lăng tẩm các vua đời Đông Hán và mộ các danh thần đời Đường phần nhiều ở đó.

Thầy Cù An Hưng dịch :


MANG SƠN

Mang sơn la liệt mộ công khanh
Muôn thuở nằm trông cảnh Lạc thành
Rộn rã thành đêm ca vũ nhạc
Vi vu đầu núi lá thông xanh


Tám tôi xin được phép họa thêm một bài nữa cho có đủ đôi hén.


MANG SƠN

Bắc Mang sơn ngổn ngang mộ chí
Lạc Dương thành muôn thuở trông sang
Hoàng hôn cung điện ca xang
Núi non tùng bách mênh mang nổi buồn


Nguồn: petruskyaus.ne

THẦY CÙ AN HƯNG –
TẤM LÒNG VÀ TINH THẦN TOÁN HỌC



                      

Lúc đứng trên bục giảng Ngô Quyền, Thầy Cù An Hưng chỉ hơn các anh chị chs NQ khóa 1 khoảng sáu hay bảy tuổi, nhưng nền giáo dục với tinh thần “nhất tự vi sư bán tự vi sư” thời đó khiến các anh chị đệ nhất B (12B) luôn luôn “trông lên ngước mắt chào” thầy Hưng. Những giờ Toán của Thầy dù khô khan nhưng rất cuốn hút học trò. Theo các “anh chị cả” kể lại, giờ Giải tích của Thầy Hưng rất sinh động vì Thầy vừa có kiến thức uyên thâm vừa có khả năng truyền đạt rất lôi cuốn. Lúc đó, dù còn rất trẻ, chưa đến ba mươi, Thầy Hưng đã có chân trong Ủy Ban Tu Thư các danh từ toán học của Bộ Giáo dục.

Rời Ngô Quyền, thuyên chuyển về Sài Gòn, Thầy Hưng là một trong những giáo sư Toán chính yếu ở trường tư Trường Sơn, được các cô cậu tú (tài) tương lai lúc đó biết đến như Trung tâm luyện thi Trường Sơn, một nơi dạy luyện thi môn Toán rất nổi tiếng.

“Duyên nợ” giữa Thầy Hưng với trường Ngô Quyền thì ngắn nhưng “duyên nợ” giữa Thầy với chs Ngô Quyền thì kéo dài mãi cho đến bây giờ. Đầu thập niên 70s, nhiều anh chị “ôm mộng” vào trường Đại học Phú Thọ hay Học viện Quốc gia Hành chánh, mùa hè, hoặc cuối tuần “khăn gói” lên Sài Gòn học thêm Toán Lý hóa ở trung tâm Trường Sơn với Thầy Hưng. Theo các chs NQ khóa 13 cho biết lớp luyện thi của Thầy Hưng bao giờ cũng đầy ắp, học sinh chen chúc nhau vì danh tiếng của thầy Hưng, và cũng vì kết quả thực tế, đa số học sinh (thường là những hs giỏi nhất ở các trường Trung học công lập) học thêm Toán Lý hóa ở Trường Sơn đều đậu vào được những trường Đại học nổi tiếng ở Saigon.

Có lần, một chị Gia Long, đến học thêm ở Trường Sơn, ngồi bàn đầu làm rớt cái khăn tay, một anh Ngô Quyền ngồi bên cạnh đang chăm chú vào những phương trình lượng giác trên bảng không để ý đến chuyện rớt khăn của người bạn kế bên. Chị Gia Long cúi xuống nhặt khăn, anh Ngô Quyền ngồi bên cạnh vẫn thả hồn theo những “cos, cos, sin, sin” dày đặc trên bảng. Điều đó lọt vào mắt thầy Hưng, Thầy ngưng nói về Toán học, chuyển qua Tâm lý học. Và nhờ ngẫu nhiên tình cờ đó, các cô cậu tú tương lai của niên học 1974-1975 hôm đó được thầy Hưng dạy về tính “galant” của phái nam đối với phái nữ. Hơn ba thập niên trôi qua, các chs NQ khóa 13 có mặt trong lớp học hôm đó đều nhớ lời thầy Hưng và rất là “galant” với đàn bà con gái: chẳng hạn như phái nam phải cúi xuống nhặt đồ đánh rơi giùm cho các bà, các cô; mở cửa xe cho phái nữ lên trước khi tự mở cửa xe cho mình; luôn luôn nhường cho phái yếu quyền ưu tiên….

Đến giữa thập niên 80s, một học sinh Ngô Quyền lên Sài Gòn ghi danh theo học lớp luyện thi Toán của Thầy Cù An Hưng ở trung tâm Trương Sơn. Không may, lớp của Thầy Hưng đã hết chỗ từ lúc nào.

Buồn bã, anh quay về Biên Hòa, kể chuyện cho Ba Mẹ nghe. Ba Mẹ của anh là chs Ngô Quyền khóa 1 và là học trò ở đệ nhất B (12B) của Thầy Hưng năm xưa. Thế là hôm sau, hai chs NQ khóa 1 đến trung tâm luyện thi Trường Sơn, kiên nhẫn ngồi ở sân trường chờ Thầy Hưng dạy xong, mục đích là xin cho “thế hệ thứ hai” của NQ được vào học lớp thầy Hưng.

Cuộc trùng phùng của ông thầy trẻ năm xưa và hai anh chị cựu hs đệ nhất B Ngô Quyền diễn ra rất cảm động ở sân trường của trung tâm luyện thi Trường Sơn. Dù hơn phần tư thế kỷ đã trôi qua, dù đã có đến cả chục ngàn học trò, nhưng những người học trò đầu tiên (cũng như tất cả mọi thứ đầu tiên khác ở trên đời) có một vị trí đặc biệt trong lòng thầy Hưng. Nhất là trong trường hợp này, cả anh chị đều là học trò thầy Hưng, Anh đã một thời lặn lội ở chiến trường chịu nhiều gian khổ để đổi lấy sự an bình cho rất nhiều người khác; Chị nối nghiệp thầy Hưng, cũng là một cô giáo dạy Toán ở trung học Đệ nhất cấp.

Thế là “hậu duệ của các chs NQ khóa 1” được vào lớp thầy Hưng dù tên của học sinh này nằm ở gần cuối cái “waiting list” dài vài trang của lớp thầy Hưng. Không phụ lòng của cả cha mẹ lẫn thầy Hưng, em học sinh được thầy Hưng đưa thêm vào lớp học đã kín chỗ của Thầy, đã đậu vào trường Đại học Kiến trúc trong kỳ thi Đại học năm đó.

Thầy Hưng là một người có cá tính rất độc đáo. Có lần, Thầy đã thẳng thắn phê bình một đồng nghiệp dạy Toán ở trường Đại học Tổng hợp khoảng cuối thập niên 70. Ông đồng nghiệp từ “ngoài Bắc vô Nam” còn say men chiến thắng 75, huênh hoang về trình độ Toán của mình (tốt nghiệp từ một học viện có âm thanh "leng keng, lốp cốp"), vô tình đã giải sai một đề thi dành cho hs giỏi Tóan toàn quốc mà không biết. Thầy Hưng thẳng thắn phê bình:

- Đã làm Thầy thì phải biết mình đúng sai chỗ nào. Và nếu sai phải biết cách sửa lại cho đúng.

Vài ngày trôi qua, sau khi được chỉ chỗ sai, người chiến thắng đã bớt huênh hoang vì thấy là “mình đã giỏi luôn luôn có người giỏi hơn mình”. Thầy Hưng không những dạy Toán cho học trò mà đôi khi còn “dạy” cho cả đồng nghiệp nhất là những người chuyển vào từ miền Bắc.

Nhưng câu chuyện cảm động nhất có lẽ là câu chuyện về Nguyễn Thanh Vũ, một cậu học trò rất thông minh của thầy Hưng. Năm đó, giữa thập niên 80s, Vũ đến học luyện thi ở Trường Sơn, được thầy Hưng đặc biệt chú ý, vì vượt lên mọi khó khăn của gia đình, Ba còn đang “học tập cải tạo” ở miền Bắc, Mẹ bệnh nặng, mất sức lao động, gánh nặng gia đình đè lên vai em, nhưng Vũ vẫn học hành rất xuất sắc và đậu thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào phân khoa Toán Đại học Sư phạm năm đó. Vì chính sách tuyển sinh đương thời dựa trên lý lịch, nguồn gốc gia đình nhiều hơn là dựa trên tài năng, Vũ mặc dù đạt điểm tuyệt đối 30/30 nhưng không được gọi nhập học. Thầy Hưng rất bất bình vì chuyện đó, và biết rõ tài năng và sự thông minh của Vũ. Trong một lần đi họp ở Hà Nội về cập nhật giáo trình Toán học cho chương trình Đại học, thầy Hưng chính thức can thiệp ở Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp để Nguyễn Thanh Vũ, một người đạt điểm thi tuyệt đối được vào học ở Đại học Sư phạm Sài Gòn. Vì uy tín và những đóng góp của Thầy Cù An Hưng cho chương trình Toán ở Việt Nam, Vũ nhận được giấy báo nhập học trễ vào khoa Vật lý (thay cho khoa Toán mà em đã nộp đơn thi vào). Là một học sinh xuất sắc, dù vào học khoa Lý, Vũ vẫn vượt lên trên tất cả các sinh viên cùng khóa. Bốn năm sau, Nguyễn Thanh Vũ, một lần nữa, đậu thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp khoa Toán Lý Đại học Sư phạm Sài Gòn cũng với điểm tuyệt đối như lúc thi vào. “Lịch sử” lập lại, trong trường hợp này buồn nhiều hơn vui, khi tất cả các bạn cùng khóa,- kể cả những người đậu vớt hoặc những người được cộng thêm "điểm từ trên trời rơi xuống" nhờ thành phần gia đình -, đã nhận nhiệm sở, Vũ vẫn ở nhà “ngồi chơi… xơi … không khí” vì Ba em vẫn đang còn trong trại cải tạo.

Lần này không gõ được "cửa công" ở Hà Nội, thầy Hưng gõ "cửa tư" ở Saigon. Lúc đó, vì danh tiếng cừa Thầy Hưng được những người dạy và học Toán ở trong nước biết đến, nhiều trường tư ở Sài Gòn nhiều lần mời thầy Hưng về dạy. Thầy vẫn từ chối, nhưng lần này Thầy đồng ý dạy cho một trường tư lớn ở Sài Gòn với “điều kiện ắt có và đủ” là muốn Thầy nhận lời dạy, trường phải mời Nguyễn Thanh Vũ vào dạy Vật lý. Với uy tín, và “sự bảo lãnh” của Thầy, Vũ được vào dạy Vật lý ở một trường tư lớn, trở thành đồng nghiệp của Thầy Hưng nhưng lúc nào cũng nhìn Thầy như một ông Thầy, một ân nhân lớn trong đời.

Mỗi một "cơn mưa màu xanh" chưa đủ sức làm mát dịu thời tiết nóng bức ở Saigon nhưng đã vực dậy được niềm tin cho những ai còn kỳ vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn của một thế hệ Việt Nam lớn lên sau chiến tranh

Đó là một trong những chuyện đặc biệt trong nửa thề kỷ đi dạy của Thầy Cù An Hưng. Thầy đã dạy cho ba thế hệ học trò, mà hai trong ba thế hệ đó là chs NQ.

Ước mong những người học trò giỏi sau này của Thầy Hưng sẽ nối nghiệp được Thầy cả về trình độ chuyên môn lẫn cách ứng xử tốt đẹp với cuộc đời, với con người. Cầu mong xã hội Việt Nam luôn tôn trọng chất xám hơn những thứ khác. Vì trong công cuộc xây dựng đất nước, chất xám Việt Nam sẽ góp phần quan trọng nhất. Hy vọng sẽ có được nhiều người đưa môn Toán vào cuộc đời để đất nước có được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà máy công nghiệp, để Việt Nam có thể trở lại thành "minh châu trời Đông".


CA - USA
Nguồn: www.ngo-quyen.org.



Giáo sư Cù An Hưng (1940 – 03.08.2023)

THẦY CÙ AN HƯNG -
TÌNH YÊU THI CA & NHÂN CÁCH NHÀ GIÁO



Một góc Lữ Gia - nhà thờ Hầm cách nay vài năm, thầy Cù An Hưng lúc không có giờ dạy học thường ghé sạp bán báo của tôi. Lúc đó tôi bán báo để kiếm sống, còn thầy ghé chỗ tôi để sống với tình yêu lớn của đời thầy: tình yêu thi ca.

Có lần thầy Cù An Hưng kể với chất giọng Bắc nhỏ tiếng nhưng âm vực rất vang. Và câu chuyện thầy kể cũng chỉ để kể, không nhằm tìm tới một chuyện truyền đạt kiểu ôn cố tri tân nào:

Bọn chúng tôi lúc trước dạy ở trường Tư Thục Trường Sơn. Mà này, cậu phải biết là các thầy người Bắc di cư có công mở trường tư ở trong này. Bọn chúng tôi dạy toán, các anh Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ… dạy văn. Giờ giải lao, cùng là giáo sư, ngồi chung một phòng giáo sư, suốt chừng ấy năm chúng tôi chưa từng vô lễ bước qua bàn các anh ấy. Thường là ngồi bên này cung kính trân trọng lắng nghe từng lời các anh ấy nói về văn chương. Được nghe văn chương từ các anh ấy là ý thức mình gieo mở hạnh phúc và tìm thấy tự do”.

Sau này, thầy không kể thêm câu chuyện nào nữa về các vị văn gia lớn đó, nhưng ý nghĩa từ mẩu chuyện của thầy cho tôi một niềm tin rõ ràng rằng, các vị viết văn ngày nay không được trân trọng như đáng ra họ phải được, không được trân trọng vì lẽ, các nhà văn ngày nay không nhận thức được việc chính mình phải tự trọng trong ý thức tôn trọng văn chương hơn là mong đợi ở xã hội.

Lần khác tôi được chứng kiến sự trân trọng của thầy ở một giới quan hệ xã hội khác. Sạp báo của tôi kê bên cạnh một tiệm phở, tiệm phở này có mùi vị của hủ tiếu bò trong khi thầy là người Bắc. Trong nhiều năm đến chỗ tôi, thầy chưa bao giờ thử ăn qua phở Nam, dù quán phở này bán khá đắt khách. Sạp báo tôi chỉ có một cái ghế nhựa thấp, lần nào thầy đến, cô chủ quán phở cũng bước ra cầm theo cái ghế nhựa loại có chỗ tựa lưng để mời thầy ngồi và lần nào thầy cũng nói cám ơn cô. Tiếng cám ơn trân trọng vì chuyện mượn một cái ghế được một ông thầy dạy đại học nói với cô bán phở chưa học qua lớp năm, và được lặp đi lặp lại không một lần quên trong suốt nhiều năm. Những hôm cô bán đắt hàng không kịp nhận ra thầy mới ghé, thầy bước đến gần cô chủ quán hỏi mượn cái ghế, cô chủ quán nhiều khi chỉ gật đầu với thầy nhưng lúc nào thầy cũng nói cám ơn trước khi cầm cái ghế. Có nhiều hôm tôi thấy thầy với y phục chỉnh tề đứng thật lâu chỗ cô đang nấu phở, những hôm như vậy tôi biết là cô bán phở lu bu chưa nói tiếng dạ, hoặc chưa gật đầu với thầy về chuyện mượn cái ghế.

Tôi sẽ không nói sâu về văn chương, thi ca và những giá trị lớn của văn học… Tôi chỉ muốn nói qua những mẩu chuyện bình dị tôi nhận từ thầy và tôi có được tấm gương lớn để luôn soi cá nhân mình vào người khác bằng cả sự trân trọng. Sẽ là vu vơ khi nói về tính tự trọng của con người mà không nhìn thấy rằng cá tính cao quý đó, của bất kỳ ai, chỉ sáng rõ khi phẩm chất và những quyền cơ bản của họ được người khác và cộng đồng trân trọng.

Với thầy, thầy không đặt điều kiện ai đó lúc giao tiếp với thầy có lòng tự trọng hay không, thầy chỉ giữ chuẩn mực ứng xử trân - trọng - cám - ơn những người mà mình sống chung đụng hàng ngày giữa đời thường.

Gặp những ngày trong tiết tháng Tám (Âm Lịch), trời Sài Gòn thường mưa nhỏ rả rích vào buổi sáng. Những hôm như vậy, cây dù che sạp báo của tôi không thể phủ được để thầy khỏi ướt, tuy nhiên không vì ngày mưa mà vắng bóng các ông, các bà mà tôi không biết mặt, biết tên tấp xe gắn máy vào chỗ sạp báo, họ không phải ghé để mua báo, họ ghé vô chỉ để cúi đầu thưa thầy Cù An Hưng. Có lần thầy nói với tôi:

“Tôi trông họ già hơn cả tôi nữa đấy phải không cậu. Cậu nhìn lại tôi xem nào, có già đến thế không nào!” Lần khác thì thầy lại nói: “May đấy cậu ạ, các anh, các chị ấy mà dừng lại hỏi chuyện lâu, phát hiện tôi không nhớ được tên các anh chị ấy, thế là thất lễ!”

Lúc di cư vào Sài Gòn, thầy mới là một học sinh trung học, nhưng không lâu thầy đã bắt đầu cuộc đời dạy học. Thời đó có nhiều người học muộn, riêng thầy thì nhảy lớp ở bậc trung học nên lúc đứng trên bục giảng thầy chỉ mới hai mốt tuổi. Thầy, tự bỏ nhiều cơ hội mà thế giới trí thức dành cho, để chọn nghề dạy học, viết sách. Thầy nói, nỗi buồn lớn của thầy là phụ lòng kỳ vọng những bậc thầy truyền đạt tình yêu toán và muốn thầy theo đuổi chuyên sâu toán học. Nhưng có một nỗi buồn da diết mà tôi cảm nhận được ở thầy, đó là việc thầy không dành tuổi xuân cho tình yêu văn chương - thi ca. Với thầy, tình yêu này là thứ báu vật đồng hành với quả tim trong ngực mà thượng đế đã ban tặng.

Chọn nghề dạy học nghĩa là thầy đã đi vào trọn vẹn dòng sông lớn nhất, nơi người thầy như những con tàu chở bản năng con người vươn tới sóng gió trí thức, ánh sáng nhân cách, nơi mỗi người học trò là một thuỷ thủ, mỗi người thầy là một người thuyền trưởng, cùng chia sẻ nhiều lần cái chết bản năng trong những đại dương hoang dã để phục sinh đúng tầm vóc văn minh người.

Tôi không biết nhiều về chuẩn mực quan hệ thầy trò của các bậc trí thức được ví như kỳ lân - phượng hoàng của thế hệ trí thức lớn xưa kia, nhưng với thế hệ thầy Cù An Hưng và lớp kế cận thầy những năm trước 1975 thì tôi có biết qua. Ở sạp báo tôi ngày ấy có một người học trò của thầy Cù An Hưng, ông thỉnh thoảng đến và dừng lại với thầy lâu hơn những người khác. Ông đi một chiếc xe Honda cũ, dáng người thấp bé và tóc đã bạc trắng đầu. Dù ông không còn dạy học nữa nhưng lần nào cũng vậy, ông đến chỉ để kể về học trò của ông cho thầy Cù An Hưng nghe. Giữa đời sống đô thị trùng trùng cấu thành và trùng trùng tàn lụi này, hai vị thầy nhắc cho nhau nhớ về học trò. Với tôi, những người từng thụ hưởng sự giáo huấn của hai thầy ngày nay không biết tồn tại nơi đâu! Tôi chỉ biết là những lúc ấy hai gương mặt thầy giáo già hiện ra một vẻ đượm buồn.

Tôi không gọi cái tình trạng u ẩn buồn đó là hào quang, nhưng nỗi buồn lan toả của hai vị thầy thật sự là thứ ánh sáng của đời sống ký ức dạy học mà từng mạch cảm xúc buồn đó đang soi tìm lớp lớp học trò cũ của mình.

Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.

(Sài Gòn, Việt Nam)



Nguồn: www.ngo-quyen.org.
VVM.07.8.2023- NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .