L ần cuối tôi gặp thầy Nguyễn Kim Linh (1933-2023) là dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20/11/2022 tại trường THPT Gia Định. Thầy không còn ở (cư xá Phạm Ngọc Thạch)Saigon, dời về quê Trà Vinh mấy năm nay - đường sá xa xôi thế mà thầy vẫn chống gậy lom khom về họp mặt cựu giáo chức.Nhiều thầy cô chúng tôi thuộc hàng “bô lão”- rất ái ngại - trân quý vô cùng tấm lòng của thầy .Thiệp mời cho phải phép nhưng thấu hiểu thầy tuổi cao sức yếu - đường sá xa xôi Trà Vinh về Saigon - xe cộ lên xuống, đi đứng chệnh choạng ngộ nhỡ có chuyện không hay thì khổ - nhưng thầy vẫn “kiên quyết” vác cái tuế 90 vượt sông Tiền,sông Hậu về Saigon gặp cho bằng được ngôi trường Gia Định dấu yêu cùng đồng nghiêp một thời “bao cấp” gian khổ .
Nhớ hôm ấy khi chào từ biệt, tôi đã ôm chầm lấy thầy - mà lớt phớt trong đầu ý nghĩ có thể đây là lần cuối .Chuyện trò thăm hỏi,nhắc lại kỉ niệm thời đã qua xem ra bộ nhớ của thầy còn khá tốt. Khi kết thúc ra về thầy đưa “ngón tay trỏ ngoéo chặt ngón tay trỏ của tôi - như một ân tình thân thiết …
Trước năm 1975 thầy nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường nữ Trung học Gia Long. Năm 1965 Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường Trung học Ngô Quyền(Biên Hòa); Năm 1966 chuyển về làm Thanh tra Nha khảo thí, đến năm 1970 được bổ nhiệm Giám đốc Nha khảo thí (Nguồn : ngo-quyen.org).
Sau 75 cũng như mọi viên chức miền Nam thầy ra trình diên - qua thời gian hoc tập chính trị - trở về đời thường những năm 77,78… cực kỳ khốn khó - thời vận đảo điên - trời làm một trận phong ba - “con vua thất thế lại ra ở chùa” - thầy tìm được công việc ở một xưởng phế liệu (làm thủ kho) - sống qua ngày.
Khoảng thời gian 78-79, thầy được Sở GD Tp HCM đặc xét “lưu dụng” về dạy trường THPT Thạnh Mỹ Tây (sau đổi Gia Định) - Q Bình Thạnh. Tư tưởng tình cảm của thầy rất chân thực mộc mạc ít lý luận dông dài - nhưng tôi thầm nghĩ như nhiều thầy cô còn ở lại sau 75 - không còn con đường nào khác - thôi thì “tiến vi quan,thoái vi sư”- kẻ sĩ trung liệt ngộ biến phải tùng quyền - phù thế giáo môt vài câu thanh nghị (Nguyễn Công Trứ)…
Chính tại ngôi trường này tôi có cơ hội công tác chung với thầy .Khoảng 1987 thầy được đề bạt vào BGH (Phó HT) - được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú - khi về hưu thầy vẫn được hợp đồng mời lại phụ tá công tác giáo vụ …Thời gian này duyên đưa tôi nối gót kế thừa nhiêm vụ của thầy trong BGH.
Gần gũi công việc sinh hoạt chung với thầy phải nói thầy là tấm gương tận tụy với nghề nghiệp,yêu thích bộ môn giảng dạy,làm việc cẩn trọng nghiêm túc với tinh thần trách nhiêm cao. Năm học 1980-1981, được Sở Giáo dục công nhận là GV dạy giỏi.Thầy làm rất nhiều đồ dùng dạy học- về các đề tài “Cơ chế tổng hợp protid trong Ribosome”;”Sự gián phân”; “Sự giảm phân”- nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị như : “Phương pháp học tập bộ môn Sinh vật”; “Kinh nghiệm thực hiện và sử dụng mô hình động”;Kinh nghiệm lắp ráp phim vào máy chiếu Viewlex”(1); “kinh nghiệm tổ chức một tiết thực hành Sinh vật”…
Phụ trách Phòng Thí nghiệm,thầy rất chu đáo - bảo quản tốt các hóa chất,mẫu vật,sơ đồ mô hình,sắp xếp ngăn nắp - đôn đốc,tạo điều kiện để các giáo viên sử dụng tốt phòng thí nghiệm.Thầy thường xuyên có mặt trước giờ học 20 phút,và về trễ 30 phút để gv có thể mượn và trả đồ dùng dạy học một cách dễ dàng.Số lượt mượn đồ dùng dạy học ở từng tổ bộ môn được tổng kết từng học kỳ, biểu dương trước Hôi đồng SP đã kích thích gv tăng cường “lui tới” phòng thí nghiêm.
Phải nói thầy rất nguyên tắc (règle) nghiêm cẩn trong mọi công việc - chẳng hạn làm đề thi (kiểm tra học kỳ) thầy trực tiếp in ấn đề - thời còn dùng máy ronéo - giấy stencil in xong được đốt bỏ - thầy thận trọng đến mức dùng que sắt quậy cho tan tro !
Tin thầy qui tiên - 16/06/2023 (Thượng thọ 91 tuổi) - không làm mọi người bất ngờ lắm có chăng đọng lại trong tôi nỗi niềm nhân sinh “sống gửi thác về”. Dưới gầm trời này không ai đứng ngoài quy luật “Thành-Trụ-Diệt-Hoại”. Ai rồi cũng phải già thôi - Công hầu,vương tướng cho đến dân dã cùng đinh tất cả rồi cũng qua cầu Nại hà(2)hóa kiếp. Nhà giáo chân chính “tử sinh” vẫn còn đó trong khu vườn đời tươi xanh màu cuộc sống - “Thác là thể phách,còn là tinh anh” ! (Kiều).
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi …
(Tản Đà - Cảm thu,tiễn thu)
Xin cầu nguyện hương linh thầy sớm siêu thoát miền cực lạc .
(Saigon,05/8/2023)
(1) Máy chiếu ảnh film Viewlex Projector
(2) Cầu Nại Hà ( 奈何橋, Nại Hà kiều) là cây cầu ở Địa ngục thứ 10 (Thập Điện Chuyển Luân Vương) bắc qua Vong Xuyên (忘川)
và được xem như ranh giới cuối cùng của Địa ngục. Những linh hồn sau khi đi qua cầu Nại Hà sẽ phải lựa chọn hoặc là uống một loại nước
(canh Mạnh Bà hay còn gọi là cháo lú) để quên đi mọi thứ từ kiếp trước và bắt đầu một kiếp mới hoặc là không uống, nhưng họ sẽ không
được đầu thai ngay mà phải chịu đựng nỗi dày vò ngàn năm dưới dòng Vong Xuyên. Nếu ai chọn uống canh Mạnh Bà, linh hồn của họ sẽ được
chuyển đến Phong Đô - nơi đầu thai chuyển kiếp.