Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



nhà văn Tô Hoài (1920-2014)

TÔ HOÀI, DÂN KẺ CHỢ


K Ẻ CHỢ là tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Đời sống kinh tế - xã hội của Kẻ chợ gắn bó mật thiết với mạng lưới chợ - phố. KC được xem là nơi phồn vinh bậc nhất, đương thời có câu "Nhất Kinh kì, nhì phố Hiến".  

Từ "Kẻ Chợ" có một nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngữ nghĩa, ở từ này tiềm ẩn nhiều yếu tố lịch sử, văn hoá, phong tục… Người Hà Nội còn được gọi là dân kẻ chợ. Những ứng xử của Người Hà Nội Tô Hoài cũng mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, phong tục … của dân kẻ chợ.

 

Cách đây 1.000 năm, mùa hè năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn đã tự tay viết chiếu (thủ chiếu) - Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.    

Tương truyền khi Vua Lý rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy một con rồng bay lên cho nên đã quyết định đổi tên Đại La thành kinh đô Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên). Một quần thể kiến trúc thành Thăng Long hình thành theo kiểu tam trùng thành quách với vòng ngoài là La Thành, vòng giữa là Hoàng Thành và vòng trong cùng là Cấm Thành. Thăng Long nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn. Các hiện vật khảo cổ minh chứng cho sự hiện diện của Hà Nội ở cả bốn thời đại văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Trải qua 1000 năm với những thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, Thăng Long-Hà Nội vẫn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi tụ hội nhân tài của mọi miền đất nước với một hệ thống di tích dày đặc gồm hơn 500 ngôi đình, 600 ngôi chùa, hơn 300 đền miếu, trong đó chứa đựng hơn 25 nghìn hiện vật mà phần lớn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình (theo thống kê năm 2008). Thăng Long - Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.   

Tuy không nằm trong văn bản nhà nước của các triều đại, song từ KẺ CHỢ có một nét đặc sắc riêng và luôn ở nơi cửa miệng người dân. Từ "kẻ chợ" (không viết hoa) được giải thích là "Nơi đô thị, thường dùng để chỉ kinh đô Thăng Long". Bài viết này chỉ xoay quanh văn hóa (ứng xử nơi) kẻ chợ, cụ thể hơn là xoay quanh dân kẻ chợ Tô Hoài, vì thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng. Nơi đây "nhịp sống tấp nập, đầy những sắc màu mà không thấy ở đâu khác: hoạt động kinh doanh tập trung có lịch sử lâu đời với những bí quyết riêng, dựa vào chữ tín và cơ chế tin đồn, tính đa văn hoá, đa chức năng" (theo nhận định của các chuyên gia Đức).  

Trần Đăng Khoa nói: "Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp". Dân kẻ chợ là như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng làm việc được.  

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại thị trấn Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám (1945) trong Hội Ái hữu Công nhân, Hội Văn hóa Cứu quốc. Từ năm 1945-1958: Làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1957 - là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1958 đến năm 1980 là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1986 đến năm 1996: Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.  

Trong hơn 150 tác phẩm đã xuất bản, thì nổi bật là truyện dài Dế mèn phiêu lưu ký, các tiểu thuyết Quê người 1943; Truyện Tây Bắc 1954; Miền Tây 1960; Quê nhà 1970; tác phẩm mới nhất là "Ba Người Khác" Tô Hoài đã được nhận được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Cao NHất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.  

Tô Hoài sống chủ yếu ở Hà Nội, ông nhận xét:  

"Phố phường về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi có thể nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được. Vỉa hè vẫn là vỉa hè cũ ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ, đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là vỉa hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm. Lý do dùng đá ốp vỉa hè thì cũng đơn giản thôi. vì dạo ấy ta chưa có lắm xi-măng. Đi trên đường phố Hà Nội, tôi thấy quen thuộc vô cùng. Cả hệ thống cống ngầm bên dưới cũng thế, cũng là hệ thống cũ. Vì thế, bây giờ mưa, đường Hà Nội ngập úng là tất nhiên, vì quá tải. Ta còn thấy những nắp cống tròn còn nguyên cả dòng chữ Marseille. Đó là nắp cống đúc từ bên Pháp, rồi mang sang bán ở ta. Hồi bấy giờ, ở phố Quán Thánh, ngay cạnh đền Quán Thánh bây giờ, Pháp có mở công ty Sacric. Đấy là công ty gạch ngói Đông Dương. Khu sản xuất khá rộng, đến mấy ngàn mét vuông. Đất sét đóng gạch lấy ở Quán La, bên kia Tây Hồ, rồi dùng chuyên chở sang. Thuyền bè bấy giờ tấp nập lắm". Ông kể tiếp:  

"Nhà cổ có hai cửa. Cửa trước dành cho chủ nhà đi. Cửa sau dành cho gia nhân, đầy tớ, hoặc chuyển phân rác và đồ phế thải. Hà nội xưa có những vùng riêng biệt. Thành thị không phải là một từ không đâu. Đó là hai khu cụ thể. Thành là nơi vua quan ở, còn thị là nơi ở của dân chúng, chủ yếu là dân buôn bán phục vụ cho thành". Phải những người có tài quan sát như Tô Hoài mới thấy lý do tại sao nhà có cửa trước, cửa sau. Ông nhận xét:  

"Người Hà nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy không phải tận gốc mà là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên. Dân Hà Nội là dân tứ chiếng. Vì thế, ở Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện cục bộ địa phương. Tôi cho đó cũng là một nét rất hay của Hà Nội". Nhận xét của ông hết sức tinh tế, cho thấy tính hòa đồng của người Hà Nội, dung nạp tất cả, để rồi tất cả biến đổi, nâng cấp thành hào hoa phong nhã. Điều này chỉ có Hà Nội mới có. Nhận xét sau của ông: "Đã có phố Hoàng Hoa Thám rồi thì không nên có phố Yên Thế nữa, hay đã có phố Nguyễn Thái Học rồi thì còn thêm phố Yên Bái nữa làm gì", cho thấy sơ xuất của Hội đồng đặt tên phố của thành phố Hà Nội.  

Tô Hoài có cái lối liếc xéo rất đặc trưng dân kẻ chợ. Chỉ liếc một cái rất hóm hỉnh có phần tinh quái là thâu tóm hết ngõ ngách, phong tục, tập quán kẻ chợ. Trong sách Chuyện cũ Hà Nội gần 300 trang, ông kể từ việc bắt rượu, tiếng rao đêm, thuế thân, thịt chó, đến trèo me, trèo sấu, rồi đào rượu, đào hát, đến bắt chuột, bẫy chim, chơi chim, rồi tàu điện đêm, đi phu mộ, chết đói..." Vậy ai qua mặt được dân kẻ chợ Tô Hoài.  

Về Người Hà Nội có bài viết của Hoàng Hưng, có bài viết của Lê Phú Khải. Tuy không phải là nhà nghiên cứu, nhưng họ là người Hà Nội gốc kể về người Hà Nội gốc: Hoàng Hưng có tám nhận xét về Người Hà Nội:  

1/ Coi trọng đời sống gia đình. Một gia đình yên ổn, nền nếp, có trên có dưới, có tình có nghĩa. Khó hy sinh gia đình cho sự nghiệp, lý tưởng.    

2/ Có ý thức mạnh mẽ về lợi ích cá nhân, quyền tư hữu, không dễ để người khác xâm phạm, dễ bị coi là "khoảnh", tính toán, nhưng cũng không thích xâm phạm lợi ích người khác, sòng phẳng, rạch ròi ("yêu nhau rào giậu cho kín").    

3/ Coi trọng tự do cá nhân của mình cũng như của người. Trong quan hệ ngoài gia đình như bà con, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm… giữ giới hạn ở mức phải chăng, "thoang thoảng hoa nhài". Ngại tranh chấp, đối đầu, "dĩ hoà vi quý". Dễ bị xem là "khôn ngoan", dễ trở thành ba phải, "hoà cả làng".   

4/ Lịch sự, tế nhị trong giao tiếp xã hội, cả về ăn vận lẫn lời ăn tiếng nói. Ghét sự thô thiển, lố bịch, trắng trợn. Ngại "nói toạc móng heo". Chỉ muốn làm người tử tế, biết điều.   

5/ Không chỉ cắm cúi làm việc mà biết hưởng thụ cuộc sống, và hưởng thụ một cách hào hoa, thanh nhã, có chừng mực, không mê đắm, sa đà hay "sả láng".   

6/ Tôn trọng nền nếp có sẵn: gia phong, luật lệ, quy ước xã hội. Có thể thích nghi với sự thay đổi chứ không chủ động tạo nên thay đổi.    

7/ Trọng danh dự, trọng chữ "tín" trong các quan hệ. Tự trọng trong công việc, có lương tâm nghề nghiệp. Có thể kiên nhẫn để vươn lên hoặc khôi phục quyền lợi, điạ vị bị mất một cách từ tốn. Không thích mạo hiểm hay thành công bằng mọi giá.    

8/ Trung dung, một vừa hai phải. Ôn hoà, không cực đoan hay quyết liệt. Lý trí mạnh hơn tình cảm. Tư duy lô-gích mạnh hơn trực cảm, bản năng.   

Lê Phú Khải nói về đặc trưng phổ quát của người Hà Nội:  

"Người Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch không có "máu" tham nhũng, không thích hà hiếp kẻ dưới, người Hà Nội thanh lịch đến lịch lãm. Họ rất hào hoa, phong nhã, có trí thông minh, có tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, có ngôn ngữ trong sáng, gọn gàng, có sức hấp dẫn với mọi người. Nếu ở một thời đại thanh bình, người Hà Nội sẽ là những nhà khoa học trung thực, họ có phẩm chất của những vị "tôi hiền" trong một triều đình có "vua sáng", có minh quân. Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn "khai sơn phá thạch" "lay thành nhổ núi" như các cụ Phan, cụ Hồ ở miền sông Lam núi Hồng. Người Hà Nội sống khép kín, lo gia đình vợ con, không xâm phạm của ai, quan hệ thì có đi có lại, không hào phóng như người Nam Bộ. Người Hà Nội sống bình lặng, lịch lãm, tôn trọng lẽ phải đạo đức và chính nghĩa, thích gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi của kiếp người. Người Hà Nội không ưa sự ồn ào phô trương, rất ghét thói "trưởng giả học làm sang" kệch cỡm lố bịch. Họ sống bình lặng, nhưng rất sành điệu ăn chơi".  

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết tới 30.000 chữ về NGƯỜI HÀ NỘI TÔ HOÀI. Ông có quan sát, có thu thập ý kiến của nhiều người về Tô Hoài… nhưng mỗi lúc một khác.  

Trong bài "Tô Hoài - người sống tận tụy với nghề" (sách "Tô Hoài - về tác gia và tác phẩm", NXB Giáo dục)VTN viết: "Là người Hà Nội gốc, ông giữ được và ngày càng trau dồi cái bặt thiệp riêng, trong sự ăn uống, sự tiếp đãi khách khứa, ở đấy cái sành sỏi đã trở thành tự nhiên, và đứng đằng sau nó, là một nhu cầu ngày càng cao về sự hưởng thụ. Song chỗ hơn người của Tô Hoài là không bị những sành sỏi đó ràng buộc".  

Trong bài "Cuộc phiêu lưu giữa trần ai cát bụi" - sách "Nghiệp văn", NXB Văn hóa Thông tin, 2001),VTN viết "So với các cây bút đương thời, Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất… Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội".  

Trong "Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần", VTN nhận xét về Tô Hoài: "Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá".  

Rồi Vương Trí Nhàn "đúc kết": "Cái ý nghĩ chi phối một người như Tô Hoài - ý nghĩ rằng cuộc đời là một thứ trò chơi. Cốt chơi, cốt được, chẳng lẽ mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc gì là nghiêm chỉnh, kể cả việc viết văn, kể cả làm cán bộ cách mạng".  

Đọc "Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần", ngoài chuyện "phang" một người đang sức yếu, thì cái điều luẩn quẩn trong đầu tôi nhiều nhất chính là khái niệm "gần" (Phan Thị Vàng Anh).  

Vương Trí Nhàn viết nhiều về Tô Hoài. Ông viết khi coi TH là thần tượng, ông viết khi coi TH cũng tầm thường. Khi còn trẻ người ta hay sống lý tưởng hóa vấn đề, ngước mắt nhìn lên coi tất cả đều một mầu hồng. Đó là lúc VTN sống trong tưởng tượng với thần tượng của mình. Khi đã trải nghiệm cuộc sống thì cũng là lúc ta đã già, "ta thấy toàn mộng cùng là chiêm bao", đời toàn chuyện tầm phào. Giờ thì thần tượng là "lão" mà mình đã là "ông" theo quan niệm dân gian "chiếu trên" nơi làng quê, nên không ngước lên mà nhìn ngang, nhìn từ khoảng cách gần: Té ra thần tượng khi xưa, có tài nhưng cũng có tật.

Giờ đây VTN thấy mặt khác của cuộc đời. Mỗi vật đều có hai mặt như âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, chính vì thế mới giữ được cân bằng để tồn tại và phát triển. TH hiểu điều đó, nên "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Rõ ràng dân kẻ chợ TH có nhiều cách ứng xử, nơi ai cũng nhiều mánh lới "Buôn tay mặt, bắt tay trái", ở nơi "Chợ có hàng rau hàng vàng, làng có kẻ sang người hèn","Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến".  

VTN đem tách hai mặt ra nên thấy đời khó hiểu.

 Đời không khó hiểu như VTN nghĩ!  




VVM.18.8.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .