Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





TRONG TIỂU THUYẾT
KHÔNG CẦN VĂN CHƯƠNG



      

"T rong tiểu thuyết không cần văn chương" , tôi nói thế chắc có nhiều người muốn cãi lại ngay. Tôi biết. Và tôi xin trả lời là tôi nói quá ra như vậy để mọi người chú ý đến cái chính tôi muốn bày tỏ: văn trong tiểu thuyết là thứ ít quan trọng nhất . Tôi nói thế để chống lại cái sai lầm ( kéo đã quá dài) đặt văn chương lên một bực quá ư quan trọng trong tiểu thuyết. ( xin nhớ là tôi chỉ nói đến địa vị văn chương trong tiểu thuyết thôi) như ở nước ta và ở nước Pháp mà ta bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi nói thế để cho hàng nghìn các anh chị em có khiếu trong đám bình dân ít học và không biết viết văn, chỉ vì cái sợ "viết văn không ra văn, sai mẹo, sai chính tả" không bao giờ nghĩ đến viết tiểu thuyết mặc dù họ có đủ những đức tính của một tiểu thuyết gia: một linh hồn phức tạp, rồi rào, dễ rung động, một bộ óc có trí nhận xét, quan sát tinh vi, hơn cả những người có học rộng (bởi vì học rộng đến đâu cũng không làm cho tâm hồn mình dễ cảm xúc hay nhận xét giỏi hơn) có khi họ lại "thông minh" đây là sự họ hiểu biết đời, như các bà không có học chỉ nhìn một cử chỉ con, nghe một lời nói thường, bà ta cũng đoán được cả tâm sự người ấy.

Nếu không bị cái thành kiến văn chương cản trở thì nước ta đã có thể có những truyện hay, trước khi ảnh hưởng các tiểu thuyết Âu Mỹ tràn đến nước ta. Đã biết bao nhiêu ông đồ, ông khóa, có cái tài kể truyện rất giỏi. Chỉ bằng vài nét nho nhỏ, những người đó đã làm cho các nhân vật như sống dưới mắt ta với cả những tính nết hay tính xấu: những việc họ kể ra đều là những việc xảy ra trong đời sống hàng ngày với tất cả cái phức tạp xấu lẫn đẹp của cuộc đời - Lúc họ kể truyện họ tự nhiên, họ thành thực , họ chính là họ - Nhưng ...đến khi họ định viết thành sách thì khác hẳn. Họ thấy công việc ấy nghiêm trọng quá, họ sợ sự phê bình của xã hội. Họ không dám viết về mọi thứ mà họ đã kể ra miệng rất tự nhiên, họ bắt họ phải tuân theo luân lý, dư luận; bao nhiêu cái hay lớn nhỏ lúc kể truyện họ bỏ đi cả. Họ thấy cần phải viết câu văn đăng đối, nhịp nhàng, khuôn sáo để khỏi mang tiếng với đời, thành ra truyện họ kể đến lúc viết ra chỉ còn là cái vỏ trống. Lắm các bà ngồi bán hàng ở chợ trong lúc rỗi nói truyện về một người khác cũng có cái tài như các ông đồ ông khóa kia, nhưng họ không bao giờ nghĩ đến viết tiểu thuyết. Có nhũng nhà thi sĩ không tự biết thì cũng có rất nhiều tiểu thuyết gia không tự biết. Chính tôi đã được nghe một bà kể lại cho nghe một chuyện vừa xảy ra, bà ta kể một cách linh động và rát dí dỏm đến nỗi tôi thấy tôi có ráng sức viết lại cũng không thể nào hay hơn được. Bà ấy thực đã "viết tiểu thuyết" bằng lời nói, bà đã "viết văn" bằng lời nói, Chỉ có việc ghi lên giấy thôi. Lúc ghi lên giấy, câu văn có khi không thành câu, tuy mẹo không có chấm câu, sai chính tả. Cái chính là họ đã có những chi tiết, việc xảy ra đã hay, nhận xét đúng, hiểu biết thâm thúy cuộc đời và sự rung động tế nhị; những cái ấy mới khó, nghìn vạn người mới có một. Viết xong chỉ việc nhờ người sửa lại cho đúng mẹo ( bây giờ: ngữ pháp ) , đúng chính tả, chấm câu cho mạch lạc; việc này có hàng vạn người làm nổi. Những mánh khóe về viết "đặt câu cho khỏi sai mẹo, chỗ nào nên xuống giòng; nên chấm phẩy, chấm câu, chỉ ít lâu sau là thâu thái được, không khó gì."

Văn không giữ địa vị quan trọng trong tiểu thuyết nhưng tiểu thuyết vẫn có văn. Vậy văn ấy là văn gỉ?

Văn trước hết phải thực giản dị.Thế nào là giản dị? Giản dị là viết như lời nói thường, càng giản dị,càng không có văn chương càng hay. Khi nhìn thì nói nhìn, đi thì nói đi, quả tim đập thì nói quả tim đập vv...Nhưng ai cũng viết được thế? Chính vậy, ai cũng cần viết như thế.

Nên tránh hết tất cả moi câu cầu kỳ như:

" Nhưng tôi không muốn khóc, e hai hàng lệ ta rơi thánh thót vào trái tim đau đớn". " Ta ném làn nhỡn tuyến qua cửa sổ; cảm tình nôn nao như xoáy tận đáy lòng: ta đem một khối tình oan uổng mà thả vào vũng nước mắt trong".

Nên tránh những cây đăng đối:

"Ngày tháng đổi thay, tang thương biến trải"." Cỏ lấp ngõ xưa, nhện trăng đường cũ, hoa đào năm ngoái cười xuân, cái én đưa thoi giục dã".

Nên tránh những câu du dương và trống rỗng: " Sao anh chẳng lo xa đến cái nỗi gió kép mưa đơn, sương thu nắng hạ, bây giờ em đã tan rã trong mưa, tơi bời trước gió". " Bạn ơi, ngày mai mới đi về, xuân vẫn thắm mà bông hoa vô tình con bướm nó lượn quanh".

Văn tức là chọn cho thật đúng chữ để diễn tả cái mình định nói. Thí dụ câu Kiều: "Tú Bà tốc thẳng tới nơi" chữ tốc đấy dùng khéo vì đã diễn được đúng cái ý định tả Tú Bà giận dữ, hung hăng, vội vàng.

Văn tức là xếp đặt chữ, hoặc xếp câu theo thứ tự nào để chữ và câu diễn được đúng cái ý mình định diễn tả. Gọt rũa văn không phải làm cho câu văn kêu hay du dương hơn, gọt rũa tức là chọn chữ đặt câu cho diễn tả các việc và chi tiết được dùng và linh động. Tôi xin nhắc lại lần nữa: cái chính là tìm ra được những chi tiết hay, nếu không tìm ra được những chi tiết hay thì có nắn nót đến mấy đi nữa văn vẫn là văn trống rỗng, không đánh lừa được ai.

Bây giờ tôi lấy mấy thí dụ về các nhà văn gần đây:

Cuốn Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan được giải nhất về Cuộc thi Văn chương toàn quốc năm 1960 (tại miền Nam) và cuốn Mưa đêm cuối năm được giải nhì - truyện Chồng con tôi của Duy Lam và các truyện dài truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, người được chia giải nhất với Vũ Khắc Khoan ,về cuốn truyện dài Đò Dọc . Trong cuốn Mưa đêm cuối năm, tác giả đã có được cái chính; một lối nhìn đời riêng biệt, những nhận xét đúng và hơi là lạ. Nhưng còn văn trong sách đó? Tôi có thể nói là lỗi về văn phạm đầy rẫy, câu nhiều khi không thành câu, lắm đọan viết ,nếu không sáo ,thì cũng kỳ quặc, lập dị hoặc dùng chữ nho không phải chỗ; ông có thể nói một cách đơn giản như lời bất cứ người ít học nào cũng nói được mà lại diễn tả rõ ràng hơn, "văn chương" hơn. Nhưng tôi xin nhắc lại: tác giả là một nhà văn có tài, còn những lỗi kia chỉ chú ý một chút hay sửa qua sẽ hết ngay. Đọc truyện Chồng con tôi của Duy Lam tuy lỗi văn phạm ít hơn, nhưng bất kỳ ai đọc xong cũng đều nói: đây là một truyện dịch văn ngoại quốc . ( Nhân tiện , tôi có một nhận xét là phần nhiều những nhà văn không giỏi Pháp văn lại viết theo lối đặt câu của văn Pháp, không giỏi chữ nho lại hay dùng chữ nho; nhưng lối văn tây, hoặc lập dị hơn ba mươi năm trước, bắt đầu từ cuốn Những kẻ chán đời viết khoảng năm 1927, người ta thấy nhan nhản trong các sách một dạo rồi vụt biến đi đâu mất; cách đây khoảng bảy tám năm khi Pháp văn chỉ còn là một thứ ngoại ngữ, khi các nhà văn chỉ biết tiếng Pháp một cách sơ sài thì lối văn lai căng ấy lại thấy vụt ra . Tuy vậy, ta vẫn rất mừng rằng một số đông thanh niên nam nữ theo chương trình Việt văn lại trở lại về lối viết giản dị Việt Nam, cố dùng những câu, những chữ rất thong thường mà vẫn tả được đúng cảm giác chân thành và những ý tưởng phức tạp, uản khúc của mình. Truyện Chồng con tôi viết đã gần mười năm trước: đến nay Duy Lam cũng trở lại lối văn Việt Nam giản dị hơn mà vẫn tả được những điều sâu sắc ý nhị hơn như trong truyện Vực thẳm. Truyện của Vũ Khắc Khoan với Bình Nguyên Lộc về nội dung mỗi người một vẻ, nhưng về cách hành văn thì Vũ Khắc Khoan cẩn thận hơn, thận trọng cân nhắc từng chữ. Lại còn điều này nữa là Vũ Khắc Khoan rất giỏi về Pháp văn, nhưng ông lại viết rất Việt Nam.

Nói tóm lại, khi mình đã có được cái chính (nhận xét đúng, nhìn đời một cách riêng biệt, tìm được những chi tiết hay vv..) thì mình sẽ thành được một văn sĩ có tài, còn văn chương chỉ là thứ phụ thêm vào.

Tôi còn nhớ hồi năm 1941 khi chấm thi giải thưởng Tự lực văn đoàn , Khái Hưng và Thế Lữ đã cãi nhau kịch liệt , vì hai cuốn Cái nhà gạch của Kim Hà và Làm dâu của Mạnh Phú Tư. Thế Lữ vẫn chuộng về hình thức nên không chịu nổi câu: "Nhà tôi là cái nhà gạch" của Kim Hà và đề nghị gạt bỏ cuốn Cái nhà gạch đi. Sau cùng năm đó phải tăng gấp đôi số tiền thưởng và đăt hai giải nhất để tặng hai người. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy cuốn Cái nhà gạch của Kim Hà hơn hẳn cuốn Làm dâu của Mạnh Phú Tư một bực. Tuy Cái nhà gạch không xuất bản, nhưng đến nay sau hai chục năm tôi còn nhớ rõ lại những cái hay. Cuốn Làm dâu tuy xuất bản, nhưng không để lại một thứ gì đặc biệt trong trí nhớ của tôi nữa.

Các nhà văn trong phái "lập dị" bây giờ, tôi thấy họ chú trọng quá về hình thức, nhưng than ôi! hình thức của họ chỉ là một thứ hình thức kỳ quặc để cốt độc giả chú ý và tưởng họ thâm thúy. Nhưng độc giả họ tinh khôn lắm, không dễ bị ai đánh lừa và lối văn lập dị hiện nay chẳng còn bao lâu cũng sẽ biến mất. Họ có một điều đáng phục là muốn đi tìm tòi một thứ gì mới lạ, nhưng nếu họ chịu khó tìm tòi về nội dung, họ sẽ thành công; còn như bỏ ruột để chú trọng về cái vỏ ngoài thì dù đẽo gọt, trạm trổ khéo đến đâu, làm cho nó lạ mặt đến đâu, cái vỏ bao giờ cũng chỉ là cái vỏ.

Trích trong VĂN TRONG TIỂU THUYẾT,
từ trang 74-82, trong VIẾT & ĐỌC TIỂU THUYẾT (Đời Nay, Saigon 1961)
biên khảo NHẤT LINH-NGUYỄN TƯỜNG TAM /1905-1963 Saigon.




VVM.18.7.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com