Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



tranh vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai (SàiGòn)

TỪ LÁY VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÂN VẬT TỪ HẢI

  


T ừ Kim Trọng tới Thúc Sinh rồi đến Từ Hải, Thúy Kiều luôn luôn vươn tới tình yêu để cố gắng vượt lên khỏi cuộc sống nhục nhã, khổ đau mà số mệnh đã dành cho nàng. Tình yêu đã đem lại cho Kiều những phút giây hạnh phúc nhất của đời nàng, vì chỉ có tình yêu mới đem lại được hạnh phúc cho người con gái luôn mang khát vọng rực cháy về một tình yêu tự do. Nàng đã đến được với hai mối tình chân chính của Kim Trọng và Từ Hải. Cả hai đều là những nhân vật lý tưởng tuyệt vời, nhưng quan hệ giữa Thúy Kiều và hai người yêu trong mộng tưởng này lại rất khác nhau, cả hai đều rất xứng đáng với Kiều tuy ở những bình diện khác nhau. Họ đều đã đáp lại được niềm mơ ước của nàng ở những đoạn đời khác nhau nhưng mỗi người ở một mặt, không thể thay thế mà bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó nàng còn có một mối tình rất thực tế khi nàng ở lầu xanh của Tú Bà, một mối tình “bình thường” như bao mối tình khác của một khách làng chơi, nếu không nói là “tầm thường” của chàng Thúc Sinh quen thói bốc rời. Chúng tôi muốn cùng bạn đọc nhận diện một trong ba người tình của Thuý Kiều qua một lớp từ đặc biệt là những từ láy.

Chúng ta đều biết Từ Hải đã đến với đời Kiều như một vì sao lạ, một vị cứu tinh. Nét tiêu biểu của Từ Hải là tính ngang tàng, lòng kiêu hãnh, tình yêu đắm đuối, ba tính cách nền tảng trong tâm hồn của người anh hùng. Chàng xuất hiện đột ngột với hư từ bỗng đâu trong đoạn thơ sau:

2165. Lần thâu gió mát trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao,

2169. Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,

2171. Đội trời đạp đất ở đời,

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông.

2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

Chỉ bằng hai từ láy đường đường, vẫy vùng, Nguyễn Du đã nói lên cái sức mạnh tinh thần được biểu hiện cụ thể thành hành động của Từ Hải, khí phách của một người anh hùng mà ông yêu quý. Chàng đã có tất cả những biểu hiện bên ngoài khiến mọi người phải kính trọng và có năng lực hoạt động một cách tự do, không chịu một sự kiềm chế nào.

Đến khi chàng dứt áo ra đi thì trời bể cũng trở thành rộng lớn đến mức gây cảm giác mung lung, mờ mịt mà Nguyễn Du đã phải dùng từ láy mênh mang trong câu:

2215. Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong.

Kiều nhớ đến Từ, nhìn mãi về phía chân trời nơi chàng đã ra đi, có ý trông chờ và nhớ mong mãi mãi:

2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

2249. Đêm ngày luống những âm thầm,

Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương.

2251. Ngất trời sát khí mơ màng,

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

Qua những từ láy: đăm đăm, âm thầm, ầm ầm, mơ màng, ta thấy không chỉ cái nhìn về phía xa xăm của Kiều, mối phiền muộn ngấm ngầm chỉ một mình nàng biết, mà cả tiếng người ồn ào, tiếng súng gươm nghe như tiếng sấm ầm ầm đến trạng thái nửa tỉnh nửa mơ như mơ màng trong cảnh ngất trời sát khí...

Khi Từ đã lập được sự nghiệp trở về đón Kiều thì bằng phượng liễn loan nghi... Kiệu trang sức bằng hình chim phượng (Liễn là xe, kiệu của vua đi) và đồ nghi trượng (binh khí và đồ vật quý giá bày biện trang trí hoặc để thờ) thì bằng hình chim loan. Cùng là những từ láy Sẵn sàng, giấp giới, rỡ ràng như lễ cưới của một bậc đế vương:

2265. Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,

Hoa quan giấp giới, hà y rỡ ràng.

Mũ hoa, trang sức bằng vàng ngọc lóng lánh rực rỡ (Hoa quan giấp giới) và áo màu vàng của ráng chiều (Hà y) thì đầy màu sắc tươi đẹp nổi bật hẳn lên (rỡ ràng).

Rồi khi về đến trướng mai là những từ láy tượng thanh rộn ràng đầy âm hưởng thì thùng, rập rình của trống trận, nhạc quân:

2285. Tiệc bày thưởng tướng khao binh,

Thì thùng trống trận, rập rình nhạc quân.

Đến khi nghe Kiều kể lại cuộc đời gian truân của mình thì Từ nổi giận một cách dữ dội được diễn tả bằng từ láy đùng đùng trong câu:

2295. Từ công nghe nói thủy chung,

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang.

Giúp Thúy Kiều thực hiện xong việc báo ân, báo oán, Từ Hải vốn vẫn không biết kiêng sợ gì ai, ngang nhiên làm việc theo ý của mình bởi đã có riêng một cõi biên thùy với từ láy nghênh ngang:

2447. Nghênh ngang một cõi biên thùy,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương.

Trong ngôn ngữ của Từ thì khi mới gặp Kiều chàng đã coi khinh những đôi trai gái yêu nhau mà không có hướng nhất định trong cuộc đời như những kẻ trăng gió vật vờ và tâm sự:

2179. Từ rằng: Tâm phúc tương cờ,

Phải người trăng gió vật vờ hay sao.

Quả là Nguyễn Du đã ưu ái dành cho Từ Hải đến 15 từ láy đặc biệt chỉ trong đoạn đầu của cuộc sống với Thúy Kiều, tất cả đều trong một tâm trạng phấn chấn, tình thế đầy lạc quan của một cuộc sống vinh hiển, sáng tươi đầy hạnh phúc.

Cả đến khi bàn đến việc ra hàng, chàng vẫn kiên quyết không chịu vì biết rằng như vậy rồi sẽ có lúc cảm thấy xung quanh xa lạ và gây cho mình một sự sợ hãi mơ hồ:

2465. Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu.

Nhưng chàng đã không phân biệt được rõ ràng, đã lẫn lộn giữa đúng và sai trong hành xử của mình trước tên Hồ Tôn Hiến quỷ quyệt và Nguyễn Du đã rất chính xác khi sử dụng từ láy hồ đồ tả tâm trạng của Từ lúc đó :

2461. Tin vào gửi trước trung quân,

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.

Vì vậy khi nghe lời nàng nói mặn mà, thế công, Từ mới trở ra thế hàng dẫn đến những từ láy ngơ ngác, trễ tràng, giữ giàng trong quân ngũ:

2503. Tin lời thành hạ yêu minh,

Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.

2505. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.

Rồi đến cái hờ hững của Từ Hải, coi việc quân chỉ ở mức làm lấy có, không có sự chú ý nào để ra đầu cửa viên:

2511. Từ công hờ hững biết đâu,

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên.

Ngay cả khi đã sa vào bẫy của Hồ Tôn Hiến, chàng vẫn là một con người có khí phách qua hai từ láy dạn dàynhơn nhơn:

2517. Tử sinh liều giữa trận tiền,

Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.

2519. Khí thiêng khi đã về thần,

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

2521. Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

Trong cảnh hầm hầm sát khí, hào lũy tan hoang, Kiều đến nơi thì vẫn còn hai từ láy nữa tơi bời, trơ trơ nói lên khí phách anh hùng dành cho chàng:

2523. Quan quân truy sát ruổi dài,

Hằm hằm sát khí ngất trời ai đang.

2525. Trong hào ngoài lũy tan hoang,

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.

2527. Trong vòng tên đá bời bời,

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.

Hai từ láy hoàn toàn này đứng ở cuối cả câu lục lẫn câu bát tách riêng thành một nhịp cũng nói lên cái sức mạnh tinh thần của chàng biểu hiện ra khi chàng đã thu linh trận tiền.

Sau đó khi phải đối diện với Hồ Tôn Hiến, kẻ phản phúc đã hèn nhát lừa giết chồng mình, Thuý Kiều đã ngang nhiên ca ngợi Từ Hải lại bằng từ láy nói lên khí phách của Từ: vẫy vùngngang tàng. Nàng cũng nhắc đến cái chết của chàng bằng từ láy có âm hưởng mạnh tan tành thịt xương, trời bể ngang tàng:

2549. Rằng Từ là đấng anh hùng,

Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.

2551. Tin tôi nên quá nghe lời,

Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

2553. Ngỡ là phu quý, phụ vinh,

Ai ngờ một phút tan tành thịt xương.

2555. Năm năm trời bể ngang tàng,

Dẫn mình đi bỏ chiến trường như không.

Về sau, chính Thúc Sinh cũng ca ngợi Từ khi được Kim Trọng hỏi đến và dùng từ láy vẫy vùng, đùng đùng để mô tả cái sức mạnh ý chí của Từ:

2923. Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,

Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng.

2925. Đại quân đồn đóng cõi đông,

Về sau chẳng biết vân mồng làm sao.

Đây là những từ láy cuối cùng Nguyễn Du viết về Từ Hải. Riêng từ láy vẫy vùng nói về một con người có thói quen hành động tự do, tuỳ thích, không chịu một sự kiềm chế nào đã được dùng ba lần trong Truyện Kiều thì tất cả đều tập trung vào Từ Hải: một lần trong lời tác giả khi giới thiệu chàng (quen thú vẫy vùng), một lần khi Kiều ca ngợi chàng trước Hồ Tôn Hiến (vẫy vùng bể khơi), và một lần trong lời Thúc Sinh kể lại với Kim Trọng ở trên. Đó cũng là một nét ưu ái của Nguyễn Du đối với người anh hùng của mình. Từ láy vẫy vùng cùng với một loạt từ láy khác như: Đường đường, mênh mang, đùng đùng, nghênh ngang, ngang tàng… quả đã giúp nói lên cái khí phách của Từ. Nhưng cũng thật là đáng tiếc khi những từ láy xuất hiện về sau kể từ chữ hồ đồ là những chữ: ngơ ngác, trễ tràng, hờ hững… đã dẫn đến cái chết đầy phẫn uất của Từ, dù đã được cứu lại bằng những từ láy dạn dày, nhơn nhơn, rồi đứng giữa trời trơ trơ và những lời ca ngợi của Thúy Kiều. Dành trên ba chục từ láy rất đúng việc, đúng người, đúng chỗ, để vẽ ra được tính cách, hành động, đời sống riêng cũng như lột tả được nét tâm lý của Từ Hải chứng tỏ Nguyễn Du không chỉ có một vốn từ láy thật là dồi dào, phong phú mà còn biết vân dụng chúng một cách linh hoạt đến tài tình.-./.





VVM.21.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .