Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


Lời Tác Giả :

            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


3. Không Gian Tinh Thần & Tâm Linh:

L ấp lánh trên tầng cao không gian địa lý và xã hội, thơ Hoàng Cầm ẩn chứa  Ánh sáng của những không gian khác.

Không gian ảo chan hoà Ánh sáng của một đời sống văn hoá, tâm linh, hồn người Kinh Bắc.     

Đó là không gian tinh thần & Tâm linh.     

Dòng sông Đuống lặng trào nỗi nhớ tiếc thời gian đã mất, cái đẹp đã mất, tình yêu đã mất:       

   “Đứng bên này sao nhớ tiếc
           Sao xót xa như rụng bàn tay”
     

Đâu rồi những hội hè, đình đám, những cô nàng quan họ mặt búp sen, mặc yếm thắm, thắt lụa hồng, những cụ già phơ phơ tóc trắng, bây giờ đi đâu về đâu?    

Dòng sông Đuống cuồn cuộn những câu hỏi xé lòng, những âm vang xáo động, tức tưởi, những tiếng khóc, tiếng gọi:  “Mẹ ơi! Đừng khóc nữa dạ con sầu”.   

Dòng sông Đuống trong cái nhìn thăm thẳm tâm linh của nhà thơ, chính là thân phận một kiếp người, ức triệu kiếp người, thân phận một vùng quê, một đất nước, một dân tộc:             

“Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời…”
    

Không gian tinh thần và Tâm linh này là một trong những mạch ngầm xuyên suốt, tuôn trào hồn thơ Hoàng Cầm, lung linh Ánh sáng, tạo nên một phong cách thơ Hoàng Cầm. Một Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.       

Ánh sáng Tâm linh vời vợi miên man thổi hồn những dòng sông, ngọn núi quê hương Kinh Bắc. Sông Thương, sông Cầu, núi Thiên Thai, và những gốc rạ, bờ tre, đường làng, ngõ xóm, bờ đê… thao thức những linh hồn.     

Dòng sông Thương nước chảy đôi dòng. Dòng trong. Dòng đục. Những đôi mắt ướt tìm nhau, những lời thì thầm của những đôi trai gái tuổi xuân hồng, trao nhận yêu thương:  “nhớ”, “thương”, “hờn” , “giận”, “yêu” “quên”:            

“ Rồi chị bảo em quên
Tắm sông Thương không mát
Lên ngọn kỳ càng té  nước đưa duyên”


(Nước sông Thương)      

Dòng sông Hồng, sông Cầu được mô tả trong thơ như thực. Nhưng đó không phải là không gian thực. Qua cái nhịp nước trôi cuồn cuộn ấy, nhà thơ mở ra một không gian khác. Không gian tiền sử, với tiếng réo sôi, oán hận vua An Dương Vương đã vì mình mà quay lưng chém cả đứa con gái yêu thương, núm ruột của mình:            

 

“Bè lông ngỗng vượt sông Hồng mưa lũ
Cổ Loa cú rúc chòi canh
Giếng Ngọc ễnh ương quát đêm tiền sử”


(Gío lông ngỗng)    

Dòng sông Hồng nước dâng dạt dào, thao thiết, thành nhịp kèn đưa tiễn một người tình:        

  “Ngang lưng sông Hồng
Xưa lung liêng mặt trời, mặt trăng
Dìu tinh tú nối nhau đi
Đầy sông nghĩa sông tình
Nay trôi trôi, hờ ơi!
Sông thương, sông luỵ”


(Câu hát phù du)       

Nhất là khi trở về với không gian động của làng quê, đường thôn, ngõ chợ… người bình thường thì chỉ tìm thấy ở đó những luỹ tre xanh dìu dịu, cây đa già che mái đình cong, mái tranh gió nhè nhẹ trưa hè, mái chùa rêu phong cổ kính và những góc ao làng tím một màu hoa sen, hoa sung, hoa bèo, chân đê xanh rờn, mấy chú bò thong dong gặm cỏ. Nhưng nhà thơ Hoàng Cầm lại tìm thấy ở đó một không gian văn hoá thôn làng tinh tuý của Kinh Bắc:        

  

“Có nghệ sĩ vác đàn như bấc
Mau chân len lỏi xóm làng
Tìm ra trăm rưỡi điệu dân gian”


(Tìm đến chân trời của mẹ)    

Và linh hồn mẹ hiện lên cùng với cô gái làng quan họ:                

“Khi cất lời ca
Những lứa hợp tình chuốt rơm bện ổ”

Tiếng trống, tiếng chiêng hội hè tưng bừng khắp không gian làng xóm với những phường quan họ: phường Lim, phường Nội, phường Tam Sơn, núi Dạm, núi Chè… Tình người trao nhau da diết. Không hẹn. Không lời. Không năm tháng:     

“Sánh giọng so lời
Mắt giếng sâu nhìn nhau đằng đẵng”
  

Khi vào không gian tĩnh lặng của đình chùa, miếu mạo vùng Kinh Bắc, nhà thơ chiê ngưỡng một không gian văn hoá, Tâm linh hơn là niềm tin tín ngưỡng. Và bằng quan niệm triết học của mình, đề cao sự sống con người trần gian là bất tử, Hoàng Cầm đã phá tan vẻ cô tịch u trầm ngàn năm bằng thế giới tinh thần hồn nhiên, phồn thực của sự sống thế gian:         

       “Chùa Phật Tích rong ruổi trong màn lụa bạch
               Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
               Chuông chiều cởi yếm
                 Chuông sớm đội khăn”


                                                 (Đêm Thuỷ)     

Đến chùa Bách Môn. Ngôi chùa mở một trăm cửa. Nhà thơ thấy sự sống, tình yêu ùa tràn:

“Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da trinh nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít
Ong bay vai áo tiểu thon mình”
  

Hoàng Cầm gửi được quan niệm triết học trần thế vào chùa qua thơ, một phần vì kiến trúc đình chùa ở Kinh Bắc rất gần gũi đời sống dân dã. Chùa Dâu thờ bà thôn nữ da nâu thành nữ hoàng. Đó là một người đàn bà bắt cua, có bầu vú sữa căng tròn, thơm mát tình mẹ, được chúa vời vào cung cho hoàng tử bú. Sau này dân tạc tượng bà, tay xách giỏ cua vừa hiền hậu vừa thánh thiện.    

Chùa Phật Tích có tượng Quan Âm, hình dáng, đường nét mềm mại, gợi cảm như một thiếu nữ.      

Một phần khác vì Hoàng Cầm chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Với ông, đạo Phật là một triết lý sống, đồng thời là một tôn giáo. Nhưng là một tôn giáo đặc biệt. Một tôn giáo không có giáo chủ, không công nhận thần quyền. Đạo Phật luôn đề cao yếu tố con người. Con người là tất cả. Con người là trung tâm của xã hội. Con người ích kỷ, tham lam, tàn bạo thì xã hội đầy rẫy áp bức, bóc lột. Trái lại, con người vị tha, con người từ, bi, hỷ, xả thì xã hội công bằng và tiến bộ. Đạo Phật là một đạo sống. Triết lý sống. Nó dẫn dắt con người đến giải thoát chứ không phải là tiêu diệt sự sống.       

Triết lý sống của Hoàng Cầm còn là sức sống của một vùng đồng bằng trù phú, tạo đà cho cái đẹp, cái đẹp, tình yêu, sinh sôi nảy nở, trong một quan niệm phồn thực. Hình tượng người đàn bà Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm bao giờ và lúc nào cũng đẹp, lung liếng, diễm tình, đằm thắm yêu thương.        

Ở nơi thanh tịnh chùa chiền, nàng vẫn hiện lên trước Thánh Thần:       

  “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”

(Lá Diêu Bông)        

Câu thơ kiêu sa mà gợi mở nét duyên kín đáo, vẻ đẹp lẳng lơ, đa tình của các nàng Kinh Bắc, làm xao xuyến cả Thánh Thần, nhưng cũng thật tinh khiết, tế nhị, duyên dáng mê hồn.    

   “Cửa võng” là đường diềm che khám thờ của đình chùa.  “Cửa võng”  nơi đình đền chùa Kinh Bắc được điêu khắc trên gỗ, chạm trổ hoa văn mềm mại, đường con uốn lượn, buông rủ… trở thành tác phẩm nghệ thuật mỹ lệ.    

Hoàng Cầm say mê ngắm  “cửa võng”, liên tưởng đến nàng, trắng trong xúng xính trong chiếc  “váy Đình Bảng” thướt tha. Nàng bước đi, Ánh sáng đi cùng. Câu thơ gợi cảnh, gợi tình, thực mà mơ, mơ mà thực, trần tục và thánh thiện, toả sáng không gian tâm linh. Câu thơ xuất thần ấy của Hoàng Cầm đã nâng chiếc  “váy Đình Bảng” thành nhạc, thành biểu tượng thơ. Bạn thử tìm khắp thế giới này, xem  ở đâu có chiếc váy đẹp hơn “váy Đình Bảng” không?          

Không gian đồng quê Kinh Bắc:      

Thơ Hoàng Cầm sáng tươi một không gian đồng quê Kinh Bắc, sáng đến từng chi tiết. Từ màu mây, màu trăng, màu nắng, màu mưa, màu cây, đến những chú chuồn chuồn, châu chấu… rồi tiếng chim, tiếng mõ, đến cánh đồng nứt chân chim… hay buồng chuối chín… Những hình ảnh này hiện lên bất ngờ, phi logic, trong từng bài thơ, từng câu thơ bất chợt, xao xuyến gọi ta về hồn quê Kinh Bắc.     

Những câu thơ, đầy hình ảnh, âm vang những âm thanh, sáng muôn màu sắc ấy, thực mà mơ. Nó chìm sâu trong tiềm thức, vô thức, bỗng bật dậy dạt dào.        

Thơ Hoàng Cầm chan hoà ánh sáng thiên nhiên, đồng quê Kinh Bắc, nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh. Không có cảnh vật nào được mô tả trong hiện tại. Có thể nói, Hoàng Cầm là nhà thơ đi ngược. Ngược thời gian. Ngược không gian. Ông đã đẩy lùi cái thực tại thành ảo ảnh. Cái thực tại được nhà thơ kết nối với huyền thoại, cổ tích, nối thời gian vô tiền, khoáng hậu, thành những bài thơ, câu thơ khái quát, vang động, mở tầng suy tư thơ đến vô tận, vô cùng.      

Đó là kiểu tư duy nghệ thuật của Hoàng Cầm. Nhà thơ tư duy trong sự mơ mộng trầm tư, với những chuỗi liên tưởng phi logic, bất ngờ, vượt thứ tự không gian, thời gian… trong nỗi niềm u uẩn trầm tích, tinh tế, thâm trầm của người phương Đông, trong một khoảng vô thức bất chợt bừng sáng của tư duy hiện đại.       

Những sự thật sâu thẳm vỡ oà. Tất cả được mở tung, kết nối lại thành những vùng Ánh sáng lấp loá, mơ hồ, siêu hình, hư vô… Nó buộc người đọc phải tự mình mở ra các tầng ý nghĩa, chan chứa ánh sáng nhân bản, nhân văn. Nó bắt ta phải tự mình xâu chuỗi lại, chắp thành những mảng màu sáng tinh tuý trong thơ Hoàng Cầm, mà đắm say thao thức.        

Với cách đọc này, chúng ta sẽ có một không gian đồng quê Kinh Bắc, độc nhất vô nhị trên trái đất này.       

Đố bạn biết những câu thơ sóng gợn sáng đồng quê Kinh Bắc trải dài sau đây, được trích ra từ những bài thơ nào trong cõi thơ Hoàng Cầm:     

    “Cúi lạy mẹ con về  Kinh Bắc. Chiều xưa giẻ quạt voi lồng. Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc. Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông. Đê mười tám khúc Văn Giang. Chuông Bách Môn đổ xô gò má. Mây thành thổi lửa. Chớp rạch dáng tiên, vén xiêm xoã ngũ. Châu chấu ma vờn cổ yếm xây. Đêm xuống làm lầu hoang. Mồ tháng giêng mưa ướt sũng. Đầm cao dao sáo diều, lim tím bưng trâu. Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng. Gấm Song Cầu khoác lại áo ngày xưa. Da trứng bóc phủ bụi tàn nhang. Phía Đông kéo cưa xẻ gỗ. Phía Tây chầy nện ván thiên. Ông phó may già mười đêm chẳng ngủ. Rũ xô gai biển động tìm kim. Kèn già lam ai tập thổi. Năm ba gã trai tập bài lưu thuỷ. Một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang. Chuối chin cây đổ gục đứt giây bìm bìm. Giun đất lòng thong mỏ con gà trụi. Võng mắc cành hồng trạc ổi. Kiều Khàn đứt giọng Nho sinh. Vợ xách giỏ cua đồng nghén nước. Hoa thui ngọn bí lông tơ. Chiều cơm xuông. Năm ngón tay lằn mông trẻ nhỏ. Trăng lên chem. đầu ngọn gió. Chàng ôi, ngựa tía võng đào…     

Mưa Thuận Thành, long lanh mắt ướt. Tơ tằm óng chuốt. Chùm cau tóc xoã. Vành khăn lỏng lẻo. Nắng xiên khoai. Hạt mưa hoa Nhài. Xanh xanh bãi mía bờ dâu. Tranh Đông Hồ. Những nàng môi cắn chỉ quết trầu. Con cò trắng bay vùn vụt. Hoa gạo các triền sông. Thuyền thúng đồng chiêm. Ngọn cây đa trang hoàng khúc múa. Đàn cá song lơ lửng tự tình. Gà lên chuồng, chuông động bình minh. Đi tìm con bướm bạc đầu. Đi tìm con ếch cõng mưa rào. Tháng tám ao hồ mát lặng. Làng quê còn níu lại hương sen. Chẫu chuộc nín hơi, cá nép rêu mờ. Đom đóm thiu thiu rễ bèo muốn ngủ. Những lúa ra đòng. Những ngô dài bắp. Những sấm chuyển về Đông. Những chớp dồn biển Bắc…”     

Những câu thơ gợi hình ảnh thiên nhiên muôn tầng Ánh sáng trong thơ Hoàng Cầm ghép nối lại một cách không thứ tự, vẫn hiện lên sóng nhạc lúa đồng quê sáng đẹp và sống động, vô thường, cả bóng tối/ánh sáng, cả màu xanh lẫn màu đen/đỏ. Những sắc màu tương phản hoà trong ánh sáng tâm hồn con người, trở nên hài hoà, tương hợp và chuyển động không ngưng nghỉ.    

Hoàng Cầm đã dùng rất nhiều động từ chuyển động để tạc nên một không gian đồng lúa Kinh Bắc chuyển động.    

Vũ trụ chuyển vần “Trăng lên chém đầu ngọn gió”, “Cành si bưng chậu máu chát chao”  hiện ra trong thơ ông, là một dự báo về chiến tranh.      

Ngôn ngữ mô tả thiên nhiên trong thơ Hoàng Cầm vừa có nét hiện đại của tư duy nghệ thuật phương Tây (gợi cảm, biến ảo, phi logic) vừa có nét tinh tế, nhiều liên tưởng, mơ mộng, thâm trầm, tinh tuý của phương Đông.    

Bạch Cư Dị cho rằng thơ văn miêu tả thiên nhiên cũng phải hàm chứa đời sống và tâm trạng con người. Ông viết:

“Phong, hoa, tuyết, nguyệt, không phải là trong Kinh thi không có. Nhưng phải xem cách họ dùng phong, hoa, tuyết nguyệt như thế nào? Thí dụ bài Bắc phong kỳ lương là mượn gió Bắc rét buốt mà phúng thiách bọn bạo ngược. Bài Thái phù dĩ tuy nói là khen cỏ phù dĩ, nhưng kỳ thực là miêu tả niềm vui sướng của người phụ nữ khi sinh con đẻ cái. Những bài thơ đó đều không phải đơn thuần tả phong, hoa, tuyết, nguyệt mà là phản ánh sâu sắc đời sống con người. Nếu không phải thế thì thơ còn có ý nghĩa gì.”      

Khái niệm “mượn” cảnh thiên nhiên trong Kinh Thi chưa thật đúng với thơ Hoàng Cầm.    

Chính xác hơn là nhà thơ nhìn thấy cảnh thiên nhiên, như nó đang hiện hữu. Thí dụ cảnh  “Mây nồi rang úp chụp đỉnh đầu/ Giun đất lòng thòng mỏ con gà trụi”  là cảnh thật ở Kinh Bắc, một thời khắc nắng hè gắt gao, đại hạn, vạn vật đói khát, lũ gà tranh nhau con giun đất… Hay  “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng”  là một hình ảnh đẹp thực sự, đã chìm sâu trong tâm thức nhà thơ, chỉ chờ khoảnh khắc xuất thần là sống dậy. Nó hiện ra trong một hệ thống ngữ nghĩa và nhạc điệu tâm hồn. Nó có giá trị thẩm mỹ. Nó không còn là một thiên nhiên khách quan đơn thuần, mà trở thành một không gian nghệ thuật.  Không gian đồng quê Kinh Bắc  trong thơ Hoàng Cầm.      

... CÒN NỮA



VVM.21.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .