Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý
TRONG KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

  


T rước khi đọc Kinh Thủ Lăng Nghiêm chúng ta nên nhớ rằng thời xưa Vua Ấn Độ cho Kinh này là Quốc Bảo, ai dám mang ra khỏi nước sẽ bị tử hình. Chứng tỏ Kinh được Vua Nước Ấn đánh giá rất cao. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ngài Thiên Thai Trí Giả mỗi ngày 2 lần, quỳ lạy hướng về Ấn Độ để cầu xin Kinh Lăng Nghiêm được truyền bá sang Trung Quốc. Mãi 100 năm sau đó, sau nhiều lần mang đi mà thất bại, Ngài Bát Thích Mật Đế phải viết trong miếng lụa mỏng rồi xẻ bấp thịt nhét vào, chịu bao đau đớn trong suốt hành trình từ Ấn Độ mới mang Kinh sang được Trung Quốc.

Thế rồi phu nhân của Thừa Tướng Phòng Dung, nhờ biết y thuật mới pha chế thuốc, loại được máu, mủ, chỉ lưu lại chữ viết. Ngài Bát Thích Mật Đế dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, Ngài Di Già Thích Ca dịch từ ngữ, Thừa Tướng Phòng Dung thì nhuận sắc. Sau bao nhiêu năm Kinh đã được dịch sang tiếng Việt. Bản Kinh này của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa tóm lược.

Trong Kinh nêu rõ nhiều điều rất quan trọng cho người tu Phật :

1/- Nói về TÂM và Mắt. Do “Mắt thấy, Tâm sinh” mà con người tạo nghiệp.

2/- Ngài A Nan dù thuộc làu làu lý thuyết Pháp của Phật giảng nhưng khi gặp Pháp thực tế thì không thoát được để chỉ cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa Học và Tu.

3/- Ngài A Nan là em họ của Phật cũng phải tự tu, tự độ, Phật không có ban cho ai đạo quả hay bất cứ điều gì trong Đạo.

4/- Sự quan trọng của cái PHÁT TÂM.

5.- Đức Phật giải thích về Cái TÂM.

6/- Cách phân biệt giữa CHÂN TÂM và VỌNG TÂM

7/- Phương pháp tu hành.

8/-Những Ma chướng người tu sẽ gặp.

Chúng ta sẽ lần lượt đi vào chi tiết để hiểu rõ hơn.

I.- Phần mở đầu Nói về nguyên nhân Phật giảng Kinh. Kinh viết :

Nhân ngày Rằm tháng Bảy, ngày Chư Tăng mãn hạn An Cư, Tự Tứ, các hàng Phật Tử đều thiết Trai để thỉnh Chư Tăng đến để cúng dường. Vua Ba Tư Nặc cũng thiết Trai, chính vua thân hành đến rước Phật và chư Tăng. Phật bảo Văn Thù Sư Lợi sắp xếp để đến từng nhà. Riêng Ngài A Nan không đi theo Tăng chúng mà đi một mình vào thành, bị ngoại đạo tên là Ma Đăng Già dùng chú thuật bắt vào phòng ép tình duyên.

Ngài A Nan niệm Phật để cầu cứu. Phật sai Văn Thù Sư Lợi mang Chú Lăng Nghiêm đến chỗ Ma Đăng Già phá trừ tà chú dắt Ngài A Nan về.

Ngài A Nan đến trước Phật khóc lóc, thú nhận từ hồi nào đến giờ chỉ lo học rộng, nghe nhiều, chẳng chuyên tu niệm vì ỷ lại mình là em Phật chắc chắn sẽ được ban cho Trí Huệ hay Đạo Quả Bồ Đề, không ngờ ai tu nấy đắc, nên Ngài xin Phật từ bi chỉ cho phương pháp nào mà Mười Phương các Đức Phật tu hành đều được thành Đạo, Chứng Quả.

Nhân đó, Phật hỏi Ngài A Nan đối với Giáo Pháp của Phật do ngưỡng mộ điều gì mà phát Tâm Xuất Gia ?

Ngài A Nan trả lời là do “Thấy Phật có 32 Tướng Tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà Phát tâm Xuất Gia”. Phật hỏi ông lấy cái gì xem thấy và cái gì hâm mộ ?

Ngài A Nan trả lời là “Lấy con Mắt xem thấy và dùng Cái Tâm hâm mộ”.

Phật hỏi ông có biết Cái Tâm và con Mắt ở chỗ nào không ? và cho biết :

“Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp Sanh tử Luân Hồi cũng do Tâm và Mắt. Nếu không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao.

Cũng như vị Quốc Vương vị giặc đến xâm lăng, đem binh đi dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được”

Trong Phần mở đầu, trước hết nói về việc An Cư, Tự Tứ của Tăng Chúng.

Thường thì mỗi năm một lần, vào Tháng 4, Chư Tăng tổ chức kỳ An Cư. Trước đây thì Chư Tăng cứ đi Khất Thực tự do. Nhưng sau đó, Phật nhận thấy rằng mùa mưa là mùa của cây cỏ, côn trùng phát triển. Nếu Chư Tăng cứ đi lại thì sợ dẫm phải chúng, nên Phật ra luật Chư Tăng phải ngưng đi lại 3 tháng trong năm, vào mùa mưa, để tránh dẫm phải côn trùng và cây cỏ gọi đó là Mùa An Cư.

Mùa An Cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4 và kết thúc vào ngày 16 tháng 7. Thời gian An Cư này, Tăng nào thấy mình sai phạm điều gì trong Giới Luật thì cũng tự mình cung khai trước Tăng Chúng để Sám Hối, gọi là Tự Tứ. Vì thế, sau mỗi kỳ An Cư, Tự Tứ, thì Đại Chúng thấy Chư Tăng đã rủ sạch mọi tội lỗi, nên thường thiết Trai, tức là làm tiệc Chay, để thỉnh họ đến dự.

Dịp này, Ngài A Nan không đi cùng Tăng Chúng, mà đi một mình, nên bị Ma Đăng Già dụ dỗ vào phòng để ép duyên !

Kinh đã dùng sự sa ngã vì bị tà chú của Ngài A Nan để cho người đọc thấy mấy vấn đề :

1/- Ngài A Nan ỷ mình là em Phật, nên chỉ lo học rộng, nghe nhiều, không chịu tu tập, nên gặp Ma Đăng Già thì không thể thoát được sự lôi cuốn, phải cầu xin Phật cứu cho.

2/- Mỗi người phải Tự tu, tự độ cho mình. Ngay cả em Phật mà còn phải tự tu, vậy mà chúng ta cứ cầu xin Phật ban cho đủ thứ, trong khi Phật không có khả năng để cho, vì Ngài dù là Thái Tử, con Vua, nhưng cũng chỉ là một con người bình thường, cũng phải tu hành như tất mọi người. Hơn nữa, Thành Phật chỉ là để được Thoát Khổ, không phải là trở thành Thần Linh, nên không có quyền phép để cứu độ cho ai như nhiều nguời đã hiểu sai từ xưa đến nay.

Trong phim Tây Du Ký, Ông Ngô Thừa Ân đã tả Phật, Bồ Tát là Thần Linh. Bất cứ lúc nào Tam Tạng và các đệ tử gặp nạn, cầu xin, là các Ngài luôn xuất hiện để ứng cứu. Phật Tổ Như Lai là quyền năng tối thượng, thần thông quảng đại, đích thân ban thưởng Quả Vị cho Tam Tạng, Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới… là hiểu sai về Phật, và Đạo Phật. Đó là cái hiểu của hàng Nhị Thừa, tức là những người xem Phật là Thần Linh để cầu xin, nương tựa thì đó là những người không hiểu Phật và Đạo Phật theo đúng Chánh Pháp.

3/- Phật hỏi về lý do Phát Tâm của Ngài A Nan, để ta cũng xem lại cái Phát Tâm của mình coi có phù hợp với Đạo Phật hay không ? Bởi vì cái Phát Tâm biểu hiện cho sự mong cầu của chúng ta khi đến với Đạo Phật, do đó, mọi công năng đều hướng về đó. Khi đạt được thì cho rằng đã hoàn tất mục đích tu hành.

Mục đích của Đạo Phật là “Độ Khổ”. Bởi vì Phật thấy kiếp người quá ngắn ngủi, không đầy trăm năm, mà phải đối mặt với quá nhiều Nỗi Khổ, nên quyết tâm rời bỏ ngai vàng, vợ con để đi tìm cách để chiến thắng nỗi Khổ, để không còn phải bị nó vùi dập nữa.

Sau sáu năm tìm tòi, học hỏi với nhiều vị Thầy, Cuối cùng Đức Thích Ca cũng đã tìm ra được cách thức để không còn bị cái Khổ hành hạ. Từ đó, Ngài đã bỏ hết cuộc đời còn lại, dùng mọi phương tiện, cách thức để hướng dẫn người nào sợ Khổ, muốn Thoát Khổ, hành theo thì sẽ được Giải Thoát , hết Khổ. CON ĐƯỜNG đó được gọi là Đạo Phật. Nghĩa của Đạo là CON ĐƯỜNG và PHẬT là GIẢI THOÁT, không phải Đạo Phật là Đạo để Thờ Phật Thích Ca và Phật A Di Đà cùng Chư Bồ Tát để cầu xin được phù hộ, độ trì.

Do Đạo Phật ra đời cách đây đã gần 3.000 năm. Biết bao thời qua, rất nhiều người, dù rất mến mộ Đạo Phật, thậm chí sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, gia đình để đi tu theo Đạo Phật. Nhưng do không nắm rõ mục đích thật sự của Đạo Phật mà lại vin vào những Phương tiện mà Phật dùng để khuyến dụ con người vào Đạo rồi quảng bá rộng rãi thêm, làm cho nhiều người tin tưởng vào sự cứu độ của Phật, Bồ Tát..mà Quy Y theo Đạo Phật, biến những người tin theo trở thành những người Nhị Thừa, tôn thờ, cầu xin Phật, Bồ Tát phù hộ khi sống cũng như lúc qua đời như chúng ta thấy đa phần các Chùa ngay nay đang hướng dẫn cho bá tánh.

Chỉ riêng cái Phát Tâm, không kể những kẻ lợi dụng Đạo, thấy những người tu hành không phải vất vả kiếm sống, chỉ cần hy sinh khoác lên người bộ y Ca sa và cạo tóc mà được nhàn thân lại được ăn trên ngồi trước, ta thấy có mấy lý do khác nhau :

- Ngài A Nan đã Phát Tâm vì thấy Phật có 32 Tướng Tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng ngưỡng mộ rồi Phát Tâm.

- Một số người đi nghe thuyết Pháp, thấy tả về những đức tính của Phật : Nào là Từ Bi Hỉ Xả, nào là “cứu độ muôn sinh”, nên ngưỡng mộ mà Phát Tâm để hy sinh cuộc đời phụng sự cho Phật.

- Có những người thấy nhiều người nhờ Ngồi Thiền mà có Thần Thông biết trước được nhiều việc, nên Phát Tâm tu hành theo Đạo Phật để có được cái Thấy trước thấy sau đó.

- Một Hòa Thượng rất có uy tín (H.T. Thích Thanh Từ) đã cho rằng Đức Thích Ca “nhờ bỏ ngai vàng và đất nước nhỏ bé, mà về sau được cả thế giới tôn thờ”, để khuyến khích mọi người “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn” mà không biết đó là Phát Tâm để cầu Danh Uy, không phải là Phát Tâm để mong cầu được Thoát Khổ như mục đích của Đạo Phật !

Mục đích của Đạo Phật là để “Độ Khổ”. Tu hành theo Đạo Phật là để được Thoát Khổ. Do đó, chỉ người Sợ Khổ rồi Phát Tâm theo Đạo Phật để mong được Thoát Khổ, thì đó mới là cái Phát Tâm chân chính, phù hợp với Đạo Phật. Chính vì vậy mà Phật dạy : “Tâm lo sợ khó sinh”.

Tiếp theo là Phật khai mở con đường tu hành cho Ngài A Nan.

Phật dạy : “Ông nhiều kiếp Sanh Tử Luân Hồi cũng vì Tâm và Mắt. Nếu ông không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao.

Mục đích của Đạo Phật đã được xác định rõ ràng : Để Độ Khổ, thì trong Kinh này Phật chỉ thẳng cho Ngài A Nan : “Mọi Khổ đau, Sinh tử Luân Hồi đều do TÂM và MẮT”. Chính nó là nguyên nhân của Phiền não, trần lao. Nếu người tu mà không biết Tâm và Mắt ở đâu thì cũng giống như vị Vua bị giặc xâm lăng, muốn mang binh đi diệt trừ mà không biết giặc trú ngụ ở đâu thì không bao giờ dẹp được.

Việc tu hành cũng thế. Nếu chúng ta vào Đạo Phật một cách mơ hồ. Không biết mục đích thật sự của Đạo Phật. Không biết phải làm gì ? Không biết phải làm như thế nào ? thì làm sao tu hành cho thành công ? Khác nào có người muốn vô rừng để hái lá thuốc để trị bệnh, thì trước hết phải biết qua hình dạng của lá thuốc. Biết nó thuộc dạng cây hay dây leo, mọc ở vùng nào thì mới nhắm hướng đó mà đi. Gặp rồi còn phải phân biệt giữa lá thuốc và những lá có hình dạng tương tự, đâu phải cứ thấy lá nào hình dạng hơi giống lá thuốc mình muốn tìm hái về rồi nấu lên uống thì sẽ hết bệnh?

Phật đã khẳng định là “Phiền não do Tâm và Mắt”, thì chúng ta cần phân tích để hiểu cho rõ, vì có biết rõ nguyên nhân thì mới có thể đối trị : Mắt thì ai cũng biết rồi, vì nó ở ngay trên mặt. Nhưng Tâm là cái gì ? Ở đâu ? mỗi người chúng ta phải nương theo hướng dẫn của Đạo Phật để nhận định rõ về nó, vì đó là mấu chốt của con đường tu hành.

. Tổ Đạt Ma dạy :

”Chỉ cần học tâm thôi.

Viên thành tướng chân thật.

Chợt rõ bỏ ý tu”.

. Ngũ Tổ thì dạy : “Nếu không thấy Tâm thì học Pháp vô ích”.

. Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “ Trong Ba Cõi lấy Tâm làm chủ. Người Quán được Tâm được giải thoát cứu cánh, người không quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh ra. Tâm Pháp sinh ra Thiện, Ác, Năm thú (Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), bận hữu học, bậc vô học, bậc Độc Giác, Bậc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian. Bởi những điều ấy, Ba Cõi duy Tâm. Tâm là “Địa” (đất) . hết thảy phàm phu thân cận bạn lành, nghe pháp tâm địa như lý quán sát, như lời nói tu hành, mình làm, dạy người, khen ngợi, khuyên gắng, đón mừng, an ủi.. Những người như thế sẽ dứt được hai chướng, sạch trọn muôn hạnh và chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Sau nhiều lần Ngài A Nan cho rằng “Tâm ở trong Thân, ở ngoài Thân, ở trong con mắt, Tùy chỗ hòa hợp mà có, ở chính giữa, là Cái tâm Phân biệt, không chấp tất cả… đều bị Phật bác, vì Phật cho rằng Ngài đã chấp cái VỌNG TƯỞNG làm TÂM.

Đến thời sau này thì con người đã văn minh, tiến bộ rồi, ngôn ngữ cũng đã phong phú, nên chúng ta có thể hiểu rằng CÁI VỌNG TÂM mà Phật muốn đề cập, cho đó là nguyên nhân của đau khổ, phiền não là CÁI THỨC hay CÁI BIẾT. Nó VÔ TƯỚNG, ở trong cái THÂN HỮU TƯỚNG, mọi người đều có. Tính chất thì giống như nhau, nhưng phần mỗi người đều có riêng Cái Thức của mình, không liên quan đến người khác.

Dù các Tôn giáo gọi bằng nhiều cái tên khác nhau : Đạo Phật thì gọi là Cái TÂM hay BỔN THỂ TÂM hoặc CÁI CHÂN TÁNH hoặc THẦN THỨC. Đạo Thiên Chúa thì gọi là LINH HỒN, bên Tiên Đạo thì gọi là TIỂU LINH QUANG, TIỂU NGÃ v.v.. Nhưng tất cả đều hiểu đó là phần TINH ANH trong cái Thân Phàm, và đều cho rằng khi cái Thân Phàm Chết, nó không Chết, mà bị đưa ra luận tội để tùy theo những việc nó đã làm khi ở trong Thân trong kiếp sống vừa qua mà bị đọa nặng hay nhẹ hoặc được ban thưởng. Rõ ràng Tôn Giáo nào cũng nhìn nhận có Thể Sống nào đó vẫn tiếp tục sau khi Cái Thân Chết, chứng tỏ thân xác này chỉ là Giả Tạm mà thôi.

Có Kinh khác đã dùng CÁI BIẾT hay THẦN THỨC thay cho Cái Thấy như trong Kinh này, là vì CÁI THẤY chỉ liên quan đến Con Mắt, nhưng CÁI BIẾT có thể gắn liền với tất cả các bộ phận trên cái Thân, kể cả cái Thân, không bị giới hạn.

Chính Cái THẦN THỨC hay còn gọi là BỔN THỂ TÂM hoặc CHÂN TÂM, CHÂN TÁNH mới là chủ nhân điều khiển cho mọi hành vi của cái Thân. Cái Thân chỉ là món vay mượn của Tứ Đại cho cái THẦN THỨC khi còn Mê đã điều khiển cái Thân tạo Nghiệp nên phải trả Quả, vì Cái Thân được hình thành bằng Tứ Đại, chỉ như là con Rối, không tự hành động, mà mọi hoạt động, suy nghĩ, phản ứng đều do Cái BIẾT (THẦN THỨC) điều khiển.

Nhưng vào tu Phật, Đạo Phật dạy phải tìm nó để làm gì ? Nó giúp ích gì cho con người ? Làm cách nào để nhận ra MÌNH LÀ CÁI BIẾT, hay là SỰ SỐNG NÀO ĐÓ, KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THÂN GIẢ TẠM NÀY ?

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã hỏi Vua Ba Tư Nặc : “Lúc lên ba, ông đã Thấy Sông Hằng. Đến nay 62 tuổi, ông vẫn Thấy Sông Hằng. Cái Thân thì có già đi, nhưng Cái Thấy không có thay đổi. Cái nào có Sanh thì có Diệt. Cái Thấy không có Sanh Diệt nên không bị Sinh Tử Luân Hồi”.

CÁI BIẾT (THẦN THỨC) ứng vào nơi nào thì nơi đó mới có sự BIẾT. Ứng và cái Thân thì cái Thân mới có Sự Sống, sự hiểu Biết. Vào Mắt thì Thấy, vào Tai thì Nghe, vào Lưỡi thì phân biệt Vị, vào Mũi thì phân biệt Mùi. Vào Da, Thịt thì phân biệt nóng, lạnh, đau, rát, êm ái, ngứa ngáy. Vào Ý thì Thích, Ghét..Ngày nào nó còn ở trong Thân thì cái Thân còn BIẾT SỐNG, BIẾT CẢM GIÁC. Khi Cái BIẾT ra đi rồi thì Thân chỉ còn là đống xương thịt chờ tan rả mà thôi. Bằng chứng là khi quan sát một xác chết, chúng ta thấy : Thân thể còn y nguyên. Mắt mũi miệng vẫn còn đó, nhưng không còn cử động, nói năng gì được nữa. Vì CÁI BIẾT SỐNG tức là Chủ Nhân đã rời đi rồi.

Theo Phật, CÁI MÌNH THẬT là cái BỔN THỂ TÂM, hay THẦN THỨC của mỗi người thì trường tồn, bất sinh, bất diệt. Nhưng từ khi chào đời thì NÓ đã gắn liền với cái THÂN, nên đã nhầm lẫn cho rằng CÁI THÂN LÀ TA hay MÌNH, rồi theo cảm xúc của các Giác Quan khi va chạm với Các Pháp mà cho rằng Các Pháp đến với Mình, để yêu thích Pháp thuận, ghét Pháp Nghịch, Sân Si khi có người xúc phạm. Phật cho rằng những phản ứng đó là hoàn toàn căn cứ vào CÁI THÂN. Rồi cũng chính vì yêu thích và hành động theo sự đòi hỏi của CÁI THÂN mà xâm phạm đến công bằng, đến tài sản, quyền lợi của người hay vật, Đạo Phật gọi là TẠO NGHIỆP. Do Tạo Nghiệp, mà sau khi CÁI THÂN này hết hạn xử dụng, trả lại cho Tứ Đại, gọi là CHẾT, Thần Thức lại phải tái sinh, nhận lấy một CÁI THÂN mới để TRẢ những gì đã gieo. Cứ thế lập đi lập lại mãi làm thành VÒNG SINH TỬ LUÂN HỒI.

Thời Phật tại thế, rất khó để giảng giải về Cái THẦN THỨC, dù mỗi người đều có nó và chịu sự sai khiến của nó để hành động. Thời gian sau này, cách đây khoảng vài mươi năm, con người đã bắt đầu tìm hiểu về những gì diễn ra phía sau Cái Chết và đã có được nhiều kết quả đáng tin cậy.

Một số Bác Sĩ nước ngoài đã nghiên cứu trên hàng ngàn trường hợp “trải qua cái chết” đăng trên Read’s Digest và Pravda được Báo Kiến Thức Ngày Nay trích đăng, kể về nghiên cứu của bà Bác Sĩ Khoa Nội tên là Babala Luman ở Florida.

Lần đầu tiên bà xác nhận một trường hợp trải qua cái Chết, sau đó bà phỏng vấn trên 600 người khác. Qua đó, bà tin rằng con người sau khi chết vẫn tồn tại sinh mệnh. Bác Sĩ Vladimir, lãnh đạo Khoa Hồi Sức ở Bệnh viện Leningrad cũng tin rằng có nhiều điều mà Khoa học chưa giải thích nổi về Sự Sống sau cái Chết.

Những người “đã trải qua cái chết trở về”, đều mô tả giống nhau : Họ thấy tim ngưng đập, không còn cảm giác đau đớn nữa và thấy mình nổi lên trên cái xác của mình. Anh K. Yarmay nói : “ Tôi nhìn thấy màu sắc. Nghe được âm thanh chung quanh. Tôi hơi có cảm giác sợ hãi. Tôi tự hỏi vật đang nằm trên giường kia là cái gì vậy ? Rồi tôi nhận ra đó là tôi. Sao tôi sợ nhìn vào tôi, bởi đó chẳng phải là tôi, chẳng qua là xác thịt của tôi thôi.”

Dù là người ở nhiều quốc gia, chủng tộc khác nhau, nhưng những người trải qua cái Chết đều thấy giống nhau : Họ thấy mình chui qua một đường hầm tối thui. Cuối đường hầm là ánh sáng. Họ thấy mình xuất ra khỏi cái xác trong thân hình giống như ánh sáng hoặc hơi nước và có thể bay xuyên qua tường. Thậm chí chỉ cần nghĩ về gia đình là họ có thể tới ngay, dù cách xa hàng mấy trăm cây số. Họ có thể nhìn thấy người sống. Nghe họ nói chuyện với nhau. Thấy những đồ vật. Ngửi được mùi vị thức ăn…Nhưng dù cố gắng cũng không thể tiếp xúc với người còn sống được. Khi trở về với cõi sống họ có thể tả lại những cảnh đã thấy, nghe trong lúc ở ngoài thân xác, chứng tỏ có một cái THỂ SỐNG không cần cái Thân xác và các giác quan của nó.

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ Đạt Ma giải thích về CÁI BIẾT đó như người chiêm bao. Trong khi người đang ngủ thì CÁI BIẾT đó hoạt động một mình trong giấc chiêm bao. Lúc tỉnh dậy thì vẫn còn nhớ, nhưng trong lúc ngủ người đó không có tham gia vào những việc như trong giấc mơ đã làm, chứng tỏ ngoài cái Thân còn có một cái khác tùy theo các Tôn Giáo đặt tên, nhưng chỉ để nói về cái Thần Thức hay Linh hồn. Nó vẫn ở chung với cái Thân từ lúc chào đời, vì có Nghiệp với nhau. Nhưng đến lúc cái Thân hết Nghiệp thì nó sẽ theo Nghiệp mới mà vào một cái Thân khác.

Kinh HIỂN THỨC có nói rất rõ về THẦN THỨC.

- “ THỨC là chủ của Thân, khắp lưu hành trong thân thể. Thân thể có chỗ động tác đều do THỨC”.

Nói về sự lưu chuyển của THỨC, Kinh viết :

- “THỨC bỏ Thân rồi thì xác thân, dung mạo, các Căn, các nhập ở trong Thức không thấy. Nhưng nhân duyên hòa hợp Thức do Thấy, Nghe vi diệu, Thinh, Vị, Xúc, Pháp và do Niệm mà nhận biết mình chỗ tạo các Nghiệp Thiện Ác để nhận lấy Báo Thân.

- Cũng như con Tằm tạo kén, tự tạo ra rồi tự ràng buộc, xoay lăn trong đó.

- THỨC cũng như vậy. THỨC tự sanh ra xác thân, trở lại bị xác thân ràng buộc. Tự rời bỏ Thân này lại đi thọ báo thân khác. Do vì có chủng tử mà có sắc, hương, vị. THỨC rời bỏ xác thân tùy theo chỗ đến nơi nào, các căn, cảnh giới, thọ, niệm và chấp thủ thảy đều tùy theo đó.

- THỨC cũng như vậy. Tùy theo đi đến nơi nào thì Thọ và Niệm và chấp Thủ v.v… thảy đều tùy theo đó.

- Biết bỏ thân này thọ báo thân khác nên gọi là THỨC.

- Biết Nghiệp Thiện, Ác. Biết Nghiệp theo ta. Biết ta mang Nghiệp dời đổi mà Thọ Quả báo cho nên gọi là THỨC.

- Do THỨC trì Thân mà Thân biết Khỗ, biết vui, hoặc mập mạp, tươi sáng hay tiều tụy u tối và các hành vi : Đi lại, động tịnh, nói cười, vui buồn.. rõ ràng phải biết có THỨC. (CÁI BIẾT).

- THỨC và THÂN hòa hợp, yêu thích thành thói quen, say đắm, tham tiếc. Báo thân này hết thì chia lìa, tùy theo Nghiệp mà thọ báo thân khác. Do cha mẹ làm nhân duyên, thân trung ấm đối trước, do sức Nghiệp mà sanh vào, THỨC bèn được báo thân.

- Đức Phật dạy : “Này Đại Dược ! Ví như gió không hình, không chất, ở nơi hang thẳm, hoặc trong kẽ, lỗ. Khi gió ra ngoài thì mạnh bạo hoặc xô ngã núi Tu Di nát tan thành tro bụi.

- Đại Dược ! Núi Tu Di và Gió hình tướng ra sao ?

- Đại Dược bạch Phật rằng : Gió thì nhỏ nhiệm, không chất, không hình, THỨC cũng như thế mầu nhiệm không chất, không hình, thân nhỏ, thân lớn đều có thể duy trì. Hoặc khi thọ thân con ruồi, hoặc lúc thọ thân con voi.

- Cũng như gương sáng soi rõ diện mạo tốt hay xấu. Bóng ảnh trong gương không chất, giữ lấy không thể được.

- Như thế, THỨC nuôi bằng Thiện Nghiệp thì sanh trong trời, người. THỨC nuôi bằng Ác Nghiệp thì sanh trong Súc Sanh, Địa Ngục v.v..

- Đại Dược cần phải nhận thấy NGHIỆP cùng với THỨC hòa hợp mà dời đổi như vậy”.

Qua tổng kết nghiên cứu nơi 150 người từ cõi chết trở về, Bác sĩ Moody kết luận : “Họ hiểu được rằng không phải chết là hết, không phải chết là điều gì đau khổ, đáng sợ, mà là đáng mừng, sung sướng, có cảm tưởng như trở về nhà”. Đa phần những người đã ra khỏi cái thân xác đều không muốn quay trở lại với cái Thân xác, vì họ thấy cái Sống bên ngoài Thân nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Từ rất lâu, thỉnh thoảng báo chí Việt Nam cũng có đăng tin có người chết rồi sống lại. Có bà đã tả lại cảm giác khi chui vào thân xác là “như chui vào băng”. Một bà thì thấy “giống như chui vô bọng của một con trâu chết” nên khi kêu bà chui trở vô thân để trở về kiếp sống bà ngần ngại. Nhưng tất cả sau khi hồi sinh đều không còn sợ chết nữa và hoàn toàn thay đổi nếp sống, trở nên tốt đẹp hơn.

Ở Việt Nam cũng có khá nhiều trường hợp chết rồi sống lại, nhưng được phỏng vấn, nhiều báo đăng tin và có hẳn một quyển sách kể lại hành trình trong thời gian “Chết” thì chỉ có bà Trần Thị Sương ở Tây Ninh. Sách bà viết có tựa đề là “HỒI KÝ CỦA HÀNH THIỆN TRẦN THỊ SƯƠNG, VIẾT VỀ CHUYỆN CHẾT ĐI SỐNG LẠI (in năm 1974) được phổ biến trên Website DAOCAODAI.INFO của Đạo Cao Đài.

Trong đó bà kể rõ bà sinh năm 1924. Ngày 2/7/1972 sau một cơn cảm, uống thuốc rồi, bà thấy có hiện tượng khó thở, lưỡi cứng lại, sau đó thấy mình ra khỏi xác, bay xuyên qua tường và có hai vị đến đón rồi đưa đi. Lúc đó vào khoảng 7 giờ tối đêm hôm trước, đến 6 giờ sáng hôm sau, con cháu chuẩn bị tẩn liệm thì bà sống lại. Thời gian bà ra khỏi cái Thân thì trong hình dạng một Chơn Linh. Hai vị tới rước dắt bay lên nhiều tầng và giải thích cho bà hiểu những điều lần đầu mới được nhìn thấy. Bà cũng thấy được các vị Thần, Tiên. Thấy nhà cửa, cây cối, con người ở cõi đó đều đẹp một cách lạ thường. Bà được giải thích nhiều điều về tội, phước, và được gặp Đấng tối cao, được chiếu ánh sáng vô đầu, từ đó bà trở nên minh mẫn, hiểu biết hơn lúc còn sống.

Qua các clips phỏng vấn, lúc đó bà đã 90 tuổi, tức là khoảng 40 năm sau khi từ cõi chết trở về mà bà vẫn minh mẫn, trả lời rành rẽ, mạch lạc những câu phóng viên hỏi. Bà cho rằng trước kia bà có nhều bệnh, như Viêm Phế Quản, gai cột sống, nhưng từ khi trở về tự nhiên những bệnh đó biến mất, cũng như trước kia chữ bà viết rất xấu, sau khi chết đi, sống lại thì tự nhiên chữ viết đẹp hơn. Trước kia bà ăn mặn và không tin tưởng mấy vào thần thánh, nhưng từ lần tới cõi bên kia về, bà ăn chay và làm từ thiện, giúp đỡ nhiều người.

Đó là những người may mắn hãn hữu, không cần tu hành, quán sát hay tư duy mà nhận ra được cái Thật Mình, được trải nghiệm để biết rằng rõ ràng mình không phải là cái Thân xác đang mang này, rời nó ra Mình vẫn tồn tại.

Cách đây hàng mấy ngàn năm mà Đức Thích Ca đã thấy được CÁI TA THƯỜNG CÒN đó rồi, để dạy con người không nên bám vào Cái Thân giả tạm, và cho rằng cái Thân này chỉ là THÂN NGHIỆP, có mặt ở trần gian là để TRẢ hay NHẬN những gì Xấu hoặc Tốt đã làm trong kiếp trước.

Do BỔN THỂ TÂM của mỗi người là Trường Tồn, nên khi bỏ cái Thân cũ thì sẽ theo những việc tốt hay xấu đã làm sống ở kiếp vừa qua mà nhận lấy cái Thân mới, tương ưng với Nghiệp đã gây tạo. Vì thế, Phật dạy mọi người nếu không chịu khó tu hành để Giải Thoát thì cũng cần CẢI ÁC, HÀNH THIỆN, để không những cuộc sống trong kiếp hiện tại được tốt đẹp, mà những kiếp về sau lại càng tốt đẹp hơn.

Phẩm “PHẬT CHỈ CÁI THẤY KHÔNG SANH DIỆT” trong Kinh viết : “Vua cùng đại chúng nghe Phật dạy rồi, đều biết rằng : Người chết rồi, là Tâm bỏ Thân này, thọ Thân khác, không phải mất hẳn, nên ai nấy đều hớn hở vui mừng, đặng lợi chưa từng có” . Chỉ có Kinh này và KINH HIỂN THỨC là nói rõ nhất về CÁI CHÂN NGÃ, người tu học sẽ được lợi lạc để không còn hoang mang nữa mà dễ dàng buông bỏ cái Chấp vào Thân giả tạm đang mang.

Muốn THẤY ĐƯỢC CÁI BỔN THỂ TÂM, mỗi người phải nương theo hướng dẫn của ĐẠO PHẬT để quán sát, tư duy để thấy sự thật là Mình (CHÂN NGÃ), không phải là cái Thân giả tạm này. TÁNH của mình là TRƯỜNG TỒN ĐANG Ở TRONG CÁI THÂN GIẢ TẠM NÀY. Khi Thấy được nó thì gọi là THẤY TÁNH hay THẤY ĐƯỢC BỔN THỂ TÂM. Khi Thấy TÁNH rồi, biết mình không phải là Cái Thân giả tạm này thì sẽ không còn ham thích, tranh giành những thứ hữu vi của cõi trần vì biết rằng những thứ đó chỉ phục vụ cho cái Thân Giả tạm. Vì vậy mà chỉ sống vừa đủ và ngưng Tạo Ác Nghiệp. Đó là mục đích của việc tu hành theo Đạo Phật.

Tất nhiên không phải chỉ cần được giải thích là người nghe có thể chấp nhận. Trong Kinh, thậm chí các Đại Đệ Tử của Phật dù nghe Phật giải thích, dù chấp nhận là Có Cái Chân Tâm thanh tịnh, nhưng đã hỏi Phật : “Chư Phật đã Chứng được Chân Tâm Thanh Tịnh rồi, vậy chừng nào nổi Vọng trở lại” ? Phật đã trả lời là “Như vàng đã lọc hết khoáng thành vàng ròng rồi, lúc bấy giờ không còn trở lại làm khoáng nữa”.

Cái VỌNG NIỆM PHÂN BIỆT đã làm cho con người khởi THAM, SÂN, SI đối với trần cảnh rồi sinh ra SÁT, ĐẠO, DÂM. Do đó, “Nếu không còn VỌNG NIỆM PHÂN BIỆT thì sẽ không còn THAM, SÂN, SI thì cũng sẽ không tạo ra Ác NGHIỆP thì lúc đó CHÂN TÁNH THANH TỊNH SÁNG SUỐT KHẮP CẢ PHÁP GIỚI CỦA ÔNG TỰ HIỆN BÀY, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay cầu xin nơi ai hết”.

Cái CHẤP cái Thân giả tạm là Mình là do VỌNG TÂM. TÂM đã VỌNG, nên những gì nó phân biệt để Thương, Ghét, đều căn cứ vào cái Thân Giả, vì vậy mà có THAM, SÂN, SI. Nếu không CHẤP vào Cái TA GIẢ thì đâu còn Chấp pháp thì sẽ không tạo ra Ác Nghiệp. Không còn Nghĩ Ác, hành Ác thì cái TÂM lúc đó thanh tịnh tương ưng với Tâm Phật đâu cần phải xin Phật ban cho ? Mà dù có xin Phật cũng đâu có khả năng để cho. Chúng ta không nên quên điều đó.

Nhiều người tưởng rằng việc tu hành là thiên nan, vạn nan, phải ly gia, cắt ái, phải giữ hàng mấy trăm Giới, trong khi đó, Kinh VIÊN GIÁC có KỆ :

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT

CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT.

Có nghĩa là nếu ai không còn THƯƠNG, GHÉT, THAM, SÂN SI nữa thì không cần tu hành cũng sẽ được Giải Thoát hay Thành Phật.

THÀNH PHẬT chỉ là Thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết KHỔ. Nhưng nhiều người hiểu sai, nghĩ rằng PHẬT là thần linh, cho nên thấy ai nói tu hành để Thành Phật thì cho là Tăng Thượng Mạn, mà không biết rằng PHẬT chỉ có nghĩa là GIẢI THOÁT. Tất cả mọi người đều có thể Thành Phật. Do vậy, Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, không hề phân biệt trong Chùa hay ngoài Chùa, độc thân hay có gia đình, trẻ, già, giới tính.

Sau khi giải thích về CÁI CHÂN TÂM thì Phật hướng dẫn cách thức Phát Tâm : Khi Phát Tâm thì phải phân biệt rõ ràng hai nghĩa QUYẾT ĐỊNH :

QUYẾT ĐỊNH THỨ NHẤT.

1/- Nếu muốn bỏ TIỂU THỪA THANH VĂN, tu theo ĐẠI THỪA, vào tri kiến của Phật thì phải quan sát cái Nhân Địa Phát tâm cùng với Quả Vị sẽ chứng là đồng hay khác. “Nếu dùng CÁI VỌNG TÂM SANH DIỆT LÀM NHÂN TU HÀNH MÀ MONG CẦU CHO ĐẶNG QUẢ PHẬT THƯỜNG CÒN KHÔNG SANH DIỆT THÌ KHÔNG THỂ ĐƯỢC”.

- Phải lựa ra gốc rể Sanh Tử và y theo Chân Tâm Thanh Tịnh viên mãn bất sanh bất diệt làm nhân tu hành.

- Cách tu hành cũng như lóng nước. Nước đục để yên tịnh trong một cái bình, để lâu thì bụi cát từ từ chìm lặng mà nước trong hiện ra. Hễ càng yên tịnh thì nước càng trong. Đây là dụ thứ nhất, mới hàng phục được phiền não khách trần. Đến chừng lọc bỏ cặn, chỉ còn là nước trong, là dụ cho giai đọc thứ Hai, đoạn trừ Căn Bản VÔ MINH.

- Đến khi chỉ còn hoàn toàn là nước trong thì dẫu cho lắc mấy nó vẫn trong. Khi đoạn được căn bản VÔ MINH, chỉ còn CHÂN TÂM THANH TỊNH hiện tiền, lúc bấy giờ dầu cho có tạo tác, thi vi, làm đủ mọi việc song cũng đều là CHÂN, hiệp với đức tánh Thanh Tịnh, mầu nhiệm của Niết bàn, không còn bị phiền não nhiễu loạn.

QUYẾT ĐỊNH THỨ HAI :

“Khi đã Phát Tâm dõng mãnh, quyết định để trừ các tướng Hữu Vi, cầu Quả ĐẠI THỪA thì cần phải xét gốc rẽ của Phiền não từ vô thỉ đến nay. Cái nào phát sinh Nghiệp VÔ MINH ? Cái nào nhuận sanh Vô Minh ? Cái gì Tạo ? Cái gì Lãnh Thọ ?

“Các ông tu học Đạo Bồ Đề, nếu không xét rõ gốc rễ của Phiền não thì đối với Căn, Trần hư vọng này không thể biết được cái điên đảo ở chỗ nào. Cái chỗ ở còn không biết thì làm sao hàng phục được giặc Phiền não để Chứng Quả Phật ?

“Các ông hãy xem những người mở Gút trong thế gian. Nếu họ chẳng thấy được mối thì không mong gì mở được’.

Phật kết luận : “Khiến cho các ông nhiều kiếp Sanh Tử Luân Hồi đó chỉ vì Sáu Căn của các ông. Nhưng làm cho các ông Chứng được Đạo Quả Bồ Đề an vui Giải Thoát cũng chỉ do Sáu Căn của các ông mà thôi”.

Phật đã chỉ rõ : “Phiền não hay Sanh Tử đều do Lục Căn. Chứng Đạo Quả Bồ Đề an vui Giải Thoát cũng do Lục Căn”. Do đó, người tu phải quán sát kỹ Cái Thân, vì Lục Căn thuộc về Cái Thân.

Thế nào là dùng Vọng Tâm Sanh Diệt làm nhân tu hành ?

Lẽ ra như Phật dặn dò, người muốn truyền Đạo phải là người đã Chứng Đắc, đã Thấy Tánh. Nhưng từ khi Lục Tổ Huệ Năng dấu Y, Bát đi, không còn truyền nữa, thì cứ người nào xuất gia, vô Chùa tu vài năm. Hiểu ít hay hiểu nhiều, hiểu đúng hay sai cũng ra giảng Pháp tràn lan, không phân biệt là người đã Thấy Tánh, chứng đắc hay chưa nữa.

Người chưa Chứng Đắc thì chưa Thấy Tánh làm sao biết cách để hướng dẫn cho người khác Thấy Tánh ? Bản thân họ cũng không hiểu được mục đích của Đạo Phật là Giải Thoát, mà chỉ chăm chăm quảng cáo về quyền năng của Phật, làm cho người nghe mến mộ Phật để sinh ra đủ kiểu Phát Tâm : Phát tâm vì ngưỡng mộ Phật. Phát tâm vì muốn phụng sự cho Phật. Phát Tâm để quảng bá Đạo Phật cho nhiều người quy y theo cho đó là “Hoằng dương Chánh Pháp”. Phát tâm cất cho được một kiểng Chùa để đời… Trong khi đó, mục đích của Đức Thích Ca khi mở ra Đạo Phật là để giúp cho con người Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử Luân Hồi. Cho nên những cái Phát Tâm nào ngoài mong cầu Giải Thoát thì đều là dùng Vọng Tâm Sanh Diệt, vì những điều mong cầu khi Phát Tâm không phải để đạt Quả Phật Thường Còn thì làm sao có kết quả là Quả Phật Thường Còn được ?

2/- Thế nào là lựa ra gốc rể Sanh Tử và y theo Chân Tâm thanh tịnh viên mãn bất sanh bất diệt làm nhân tu hành ?

Có thấy GÚT thì mới MỞ được. Cái Thân này là gốc rễ của Sinh Tử, của Phiền não. Do đó, khi tu hành không phải nhắm vào cái Thân mà tu. Lo củng cố hình tướng bề ngoài cho hoàn chỉnh. Đầu tròn, áo vuông, đi đứng phải giữ Tứ oai Nghi. Giữ cho đúng mấy trăm Giới.. mà quan trọng là phải TÌM CÁI TÂM. Thấy được CÁI TÂM rồi thì tu sửa nó, gọi là TU TÂM.

Muốn trừ VÔ MINH và có thể trả lời cho những câu hỏi mà Phật dạy phải xét rõ, thì người tu buộc phải Quán sát, Tư Duy từng vấn đề mình chưa rõ để có cái hiểu biết của chính mình, không thể dựa vào kết quả soi, quán của Chư Vị Giác Ngộ viết hay giải thích sẵn. Vì chỉ khi nào mình chấp nhận cái Lý đúng thì mới không thối lui khi gặp thử thách.

Khi đã Thấy được Mối hay Gút rồi thì việc còn lại là MỞ GÚT.

“Mở GÚT đầu tiên là phá trừ NGÃ CHẤP, trước chứng đặng Nhân Không. Đến từng thứ Hai là phá trứ “PHÁP CHẤP”. Sau mới chứng đặng PHÁP KHÔNG. NGÃ, PHÁP đều không sanh thế mới gọi là Bồ Tát Chứng Đặng Vô Sanh Nhẫn.

Muốn trừ NGÃ CHẤP người thực hành phải biết nghĩa của nó.

NGÃ CHẤP là CHẤP VÀO CÁI TA. Tức là Chấp cái THÂN GIẢ NÀY LÀ MÌNH. Vì hiểu lầm Cái THÂN là MÌNH nên mới sai Lục Căn làm đủ thứ việc để cung phụng cho nó những gì nó yêu thích. Cảnh trần thì có rất nhiều thứ tốt đẹp mà ai cũng yêu thích : Đó là DANH, LỢI, TIỀN, TÌNH.. Nhà lầu, xe hơi, phương tiện sống... Nếu trao đổi bằng công sức của chính mình, thì đó là điều đương nhiên, hợp với lẽ công bằng, Đạo Phật không hề cấm cản. Trái lại tài sức không có mà dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của người khác đó là trộm cắp, cướp đoạt. Như vậy là Tạo Nghiệp. Mà đã Tạo Nghiệp tất nhiên phải TRẢ NGHIỆP, vì vậy mà phải bị đọa.

Sở dĩ có PHÁP CHẤP là do NGÃ CHẤP. Chấp CÁI THÂN LÀ MÌNH nên những gì đến với nó là đến với MÌNH, nên sinh ra phản ứng. PHÁP NÀO thấy thích thì tranh giành, chiếm lấy càng nhiều càng tốt để hưởng thụ. Sân Si khi bị xúc phạm. Đã CHẤP NGÃ thì sẽ CHẤP PHÁP. Không còn THẤY CÁI THÂN là MÌNH, chỉ thấy nó là Phương Tiện mà mình đang xử dụng thì sẽ có cách đối xử đúng với Nó. Không ngược đãi, hành hạ, nhưng cũng không cưng yêu, chìu chuộng, cung cấp cho nó tất cả những gì mà nó đòi hỏi, mà dùng nó như phương tiện để tu hành thì gọi là “Ngã Pháp đều không sanh”, hay là “Đắc Vô Sanh Nhẫn”.

Muốn Thoát Pháp thì phải Quán sát để hiểu rõ về PHÁP. Biết tính chất của nó là hư vọng, là không trường tồn, để không tiếp tục bám lấy nó. Các Pháp là Hữu Tướng, Kinh KIM CANG dạy : “PHÀM SỞ HỮU TƯỚNG GIAI THỊ HƯ VỌNG”. THÂN của mỗi chúng ta cũng là một PHÁP CÓ TƯỚNG. Đến lúc nào đó cũng sẽ theo quy luật SINH, LÃO, BỆNH TỬ. Nó đã THÀNH, đang TRỤ, thì sẽ dần đi vào hư HOẠI để trở về KHÔNG như tất cả Các Pháp Có Tướng khác. Do đó, người muốn Giải Thoát phải Quán Sát, Tư Duy để thấy THÂN của mình cũng là một món mà mình tạm xử dụng, không phải là MÌNH, để không CHẤP vào nó.

Nhờ thấy CÁC PHÁP, ngay cả cái Thân của mình, đến thời gian nào đó cũng phải đi vào hư hoại nên không Chấp, không mê đắm. Người tu biết rõ CÁI THÂN mà ta đang mang chỉ là THÂN NGHIỆP nên dù sống với nó nhưng không để cho nó tiếp tục điều khiển mà làm chủ nó, hướng nó vào con đường sống một cách CHÂN CHÍNH theo BÁT CHÁNH ĐẠO để kiếp sống sẽ được lợi lạc. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy người tu dùng Cái Thân “Như người bị rớt giữa biển nhờ ôm thây ma mà lội vô bờ”.

Chư Phật ví cuộc đời là Bể Khổ, Bể Sinh Tử. Người ý thức, muốn Giải Thoát thì dùng Cái Thân này như Thuyền, Bè để bơi sang bên kia bờ, thì Cái Thân như một trợ thủ đắc lực để giúp người tu hành tiến bộ, là Ân Nhân của người tu. Vì nhờ có nó làm phương tiện mới có thể đi tìm Thiện Tri Thức. Có Mắt để Thấy, có Tai để Nghe thuyết giảng mà học hỏi. Ngược lại, người không biết tìm đường Giải Thoát thì để cho cái Thân làm chủ, bị nó lôi kéo để ngày càng tạo thêm Ác Nghiệp nên Thân sau phải trả, thì cái Thân chính là tội đồ, làm hại chính mình !

Về phương tiện để tu hành thì Kinh dạy : Việc tu hành quyết định phải đủ 3 điều, gọi là 3 món Tu Vô Lậu :

1/- Dùng Giới Luật nhiếp phục Tự Tâm.

2/- Nhơn Giữ Giới Tâm mới sinh Định.

3/- Nhân Định, Tâm phát Huệ.

Nói rằng 3 thứ, nhưng quan trọng nhất là GIỚI. Kinh dạy : “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán thì từ vị A La Hán đấu tiên cho đến vị cuối cùng đều nhân Giới mà thành Đạo”.

Kinh viết rõ có 4 Giới chính : SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ và dạy : “ A Nan, Ông muốn tu hành để thành Phật thì phải tuần tự theo ba món tiệm thứ này mới có thể diệt trừ được gốc rễ của loạn tưởng. Cũng như người muốn súc sạch cái bình để đựng đồ quý thì trước phải đổ đồ độc ra, kế dùng tro chùi rửa, sau mới dùng nuớc nóng và chất thơm rửa lại thật sạch rồi mới có thể dựng vị cam lồ được”.

Ngoài Giữ Giới thì còn phải có những thứ trợ Duyên. Có Ba món, đó là :

1/- Trừ các trợ duyên bên ngoài.

2/- Trừ các chánh nhân bên trong.

3/- Trừ các Nghiệp hiện tiền.

1/- Trừ các trợ duyên bên ngoài là không ăn uống những thứ không hợp với người tu như ăn thịt, uống rượu và ngũ vị tân. Chỗ tu thì phải tìm chỗ nào hợp với hoàn cảnh của người tu hành.

2/-Trừ cách chánh nhân bên trong là phải nghiêm trì Tịnh Giới. Không Sát, Đạo, Dâm và Vọng. Gìn giữ ngoài thân không phạm, trong Tâm không động. Thân và Tâm đều thanh tịnh như băng tuyết.

3/- Trừ các Nghiệp hiện tiền là khi tiếp xúc với trần cảnh không khởi Vọng Niệm phân biệt theo Sáu Trần. Xoay các Giác quan trở về Bản Thể Tâm thanh tịnh. Do ngoài không duyên theo trần cảnh, trong Sáu Căn không vọng động, đồng một thể thanh tịnh nên Mười phương thế giới đều được thanh tịnh sáng suốt. cũng như trong ngọc lưu ly có hàm chứa mặt trăng sáng. Hành giả lúc bây giờ thân tâm thơ thới, chứng đặng Vô Sanh Pháp Nhẫn, Mười Phương Chư Phật đều hiện trong Tâm người ấy. Từ đây hành giả lần lần tăng tiến tu hành tiến lên các Quả Thánh”.

Khi biết rằng cái Thân này chỉ là Thân Nghiệp, không phải là CHÂN NGÃ, hay là MÌNH THẬT, người tu Phật sẽ lấy lại quyền làm chủ nó, điều khiển nó, bắt nó phải vô khuôn khổ theo ý mình, bởi vì công việc tu hành đòi hỏi phải dành thời gian để học hỏi, Quán sát và Tư Duy, không được thoải mái, tự do như trước kia. Phật dạy “Nhân thân nan đắc” mà ta đã sinh ra được làm con người với đầy đủ thân căn thì đã là một phước báo lớn lao rồi, Vì thế, nên cố gắng tu hành để ngày càng tiến bộ hơn. Bởi nếu cứ vẫn tiếp tục con đường Sinh Tử Luân Hồi đã đi, không thay đổi được gì thì quá uổng phí cho kiếp người.

Cuối cùng Kinh nói về những Địa vị mà người tu sẽ đạt được, mới đến Quả Phật, và Ma Chướng mà người tu sẽ gặp. Nếu không biết trước mà để cho nó dẫn dắt thì rất nguy hại : “Bởi các loài ma kia thấy người tu hành sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ bị tiêu diệt nên dùng đủ năm phép thần thông biến hóa, chỉ chưa được lậu tận thông. Nhưng nếu người tu Thiền giữ được cái Tâm thanh tịnh sáng suốt không vọng động thì chúng ma kia không làm gì hại được”.

Những món ma về SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, làm cho người tu nghĩ rằng mình đã Chứng Thánh, rồi sanh Đại Vọng Ngữ, mất Chánh Kiến và phải đọa.

Chúng ta đừng quên mục đích tu hành theo Đạo Phật là để THOÁT KHỔ. Tất cả mọi phương tiện như GIỚI ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU và THIỀN ĐỊNH để có TRÍ HUỆ. Người tu phải NGHE nhiều, tham khảo kinh sách để có cái Hiểu khế hợp với những gì các Tổ đã Chứng Đắc ghi lại trong Chính Kinh, vì đó là La Bàn, là Bản đồ, là những cột mốc để người sau nương theo, khỏi sợ lạc hướng.

Muốn có Trí Huệ thì phải Quán Sát, Tư Duy, vì vậy mà có môn THIỀN ĐỊNH. Người NGỒI THIỀN sẽ dùng sức ĐỊNH trong khi THIỀN mà Tư Duy, gọi là THIỀN QUÁN. Nhưng khi NGỒI THIỀN HỮU TƯỚNG thì người tu cần cẩn thận, vì khi cái Thân, Tâm không còn hoạt động thì lúc đó CÁI TƯỞNG nổi lên. Trong lúc THIỀN, Cái Thức phiêu lưu vào những Cảnh Giới của Cái TƯỞNG, rồi thấy mình gặp Bồ Tát, Phật giảng pháp, thấy mình đi vào cõi Tiên, Thần, gặp nhiều cảnh lạ lùng, tiếp xúc với những nhân vật phi phàm rồi theo dẫn dắt của họ lần hồi sẽ trở thành bất bình thường.

Nếu người Ngồi Thiền có thầy là người đã có kinh nghiệm hướng dẫn thì sẽ không bị Ma Chướng như Kinh nêu ra. Ngược lại, những người không hiểu, tưởng cứ Ngồi Thiền thì sẽ chứng đắc như Đức Thích Ca, tự ngồi thì sẽ gặp Thiên Ma dẫn dắt làm cho điên loạn rất nguy hiểm.

Thế nào THIỀN ĐỊNH, Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :

“BIỆN ÂM ! ÔNG NÊN BIẾT :

CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH

CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT

ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH.

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN

Và CHỈ, QUÁN SONG TU”.

Mục đích của THIỀN ĐỊNH là để có TRÍ HUỆ. Nhưng qua những câu Kệ trên , ta thấy : Tuy nói rằng THIỀN ĐỊNH nhưng quan trọng là CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU. Như vậy thì Cách NGỒI không quan trọng, miễn là ĐỊNH ĐƯỢC CÁI TÂM, (tức là CHỈ, rồi QUÁN). Vì có được TRÍ HUỆ hay không là do kết quả của CHỈ và QUÁN, không phải do cách NGỒI.

Nói về THIỀN ĐỊNH thì chúng ta nên biết rằng dù cách Ngồi Thiền thì hoàn toàn giống nhau : Tức là chọn một chỗ thanh vắng, không bị quấy rầy. Ngồi khoanh tay khoanh chân, mắt khép hờ, nhìn xuống đầu mũi. Nhưng dù cùng là một thế NGỒI, mà do điều khiển Ý Thức hoặc Hơi Thở mà cho ra những kết quả hoàn toàn khác nhau.

-1/- Phái Yoga thì điều khiển Ý Thức đến các Luân Xa nằm dọc theo cơ thể từ đỉnh đầu xuống tới xương cùng, để khai mở hay phối hợp để lưu chuyển năng lượng. Theo bộ môn Yoga thì các Luân xa có nhiệm vụ lưu chuyển năng lượng, có ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần của con người. Vì thế người Thầy sẽ hướng dẫn cho học viên cách thức để điều tiết các luân xa để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

2/- Bên Khí Công là bộ môn tập luyện, dùng hơi thở để tăng lượng khí trong cơ thể, khai thông kinh mạch, đả thông các dòng khí, cân bằng âm dương, có tác dụng gia tăng sức khỏe.

3/- THIỀN XUẤT HỒN : Vài năm đầu sau 75, Saigon có phải THIỀN của Ông Tám Lương Sĩ Hằng, dạy Ngồi Thiền để Xuất Hồn, gặp Phật để học Đạo, gọi là Thiền Vô Vi. Lúc đó là Phái này là một hiện tượng mới lạ nên khá đông người tham gia. Nhưng thời gian sau nghe nói có một số người bị “Tẩu hỏa nhập ma”, trong đó có 2 người bạn khá thân của chúng tôi, bị hiện tượng bất thường đến chết, không cứu được. Ông Tám sau đó định cư ở Canada và mất năm 2009.

4/- Từ rất nhiều năm rồi, Chùa nào Tu sĩ cũng phải Ngồi Thiền, nhưng chắc do không có người hiểu rõ hay Thiền có kết quả hướng dẫn, nên không thấy có ai đắc đạo nhờ Thiền.

Cùng Ngồi Thiền, tư thế giống nhau, nhưng do không biết phải làm gì trong lúc Ngồi sinh ra những tình trạng như sau :

. Có người Ngồi Thiền nhưng bị hôn trầm, tức là ngồi đó mà ý thức bẵng đi mất, như người bị hôn mê, không hay biết gì xảy ra chung quanh, cho đến lúc xả ra thì mới tỉnh lại.

. Có người Ngồi Thiền, không còn nhìn thấy những gì xảy ra chung quanh, nhưng thả hồn rong chơi các cảnh, gặp Thần, Tiên, Bồ Tát, Phật và nghe giảng đạo. Nếu không biết rằng đó chi là ma cảnh, những hình ảnh được gặp trong Thiền là Thiên Ma, nghe theo sự dẫn dắt của chúng sẽ trở thành bất bình thường.

. Có người vào cảnh Diệt Tận Định, tức là Ngồi trong tư thế Thiền rồi diệt hết tư tưởng, để đầu óc trống không, không còn suy nghĩ gì nữa.

Với những người này, Lục Tổ Huệ Năng giải thích : “Người mê chấp trước pháp tướng. Chấp một hạnh Chánh Định. Nói rằng thường ngồi chẳng động. Dối rằng không sanh niệm tưởng, gọi đó là Nhứt Hạnh Chánh Định. Nếu hiểu như thế là đồng với loài vô tình”.

Đệ Tử của Lục Tổ là Huyền Sách, giải thích về Nhập Định cho Trí Hoàng, người đã ngồi trường trong am trọn 20 năm như sau : “Nếu người giữ cái Tâm trống không, chằng dính líu chỗ thấy Không. Ứng dụng thông suốt, không trở ngại. Động tịnh đều vô tâm. Phàm thánh đều quên dứt. Tâm năng, Tâm sở đều diệt trừ, Tánh Tướng tự nhiên không động thì không có lúc nào là chẳng định”.

Khi Chí Thành vâng lời Sư Thần Tú đến Tào Khê trà trộn trong đại chúng để nghe pháp, bị Lục Tổ Huệ Năng phát hiện và hỏi : “Thầy ngươi dạy môn nhơn như thế nào ?

Chí Thành trả lời : Thầy tôi thường dạy đại chúng “Trụ Tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm”

Lục tổ dạy : “Trụ Tâm quán tịnh ấy là bịnh chẳng phải Thiền. Thường ngồi là câu thúc cái Thân, đối với đạo lý có ích chi đâu.

Tổ đọc Kệ :

Khi sống ngồi chẳng nằm

Thác rồi nằm chẳng ngồi

Thiệt đồ xương thịt thúi

Sao luống lập công phu”.

Ý Lục Tổ nói là “Trụ Tâm quán tịnh” chẳng phải là Thiền. Vì mục đích của Thiền là để có sức Định rồi dùng đó mà Tư Duy. Nếu chỉ ngồi một đống rồi hết giờ xả ra, không biết làm gì trong lúc Ngồi Thiền, thì khác nào cái Thân thịt này khi sống thì cứ Ngồi, rồi lúc chết, không còn Ngồi được nữa thì nằm, chẳng sinh ra lợi ích gì.

Ngày xưa, THIỀN ĐỊNH gọi là TƯ DUY TU, tức là ngồi một chỗ, tập trung tâm trí để Tư Duy, do một người tên là Phất Đang La sáng lập. Nhưng từ khi Đức Thích Ca Đắc Đạo nhờ NGỒI THIỀN thì khi nói đến THIỀN ĐỊNH là nói đến Đạo Phật.

NgưỜi Ngồi Thiền theo Đạo Phật không phải chỉ ngồi một cục, Diệt hết mọi ý nghĩ gọi là Diệt Tận Định, mà dùng thời gian tập trung cả Thân lẫn Tâm không bị ngoại cảnh chi phối để Quán Sát, Tư Duy, gọi là THIỀN QUÁN (VIPASSANA).

THIỀN QUÁN cũng là cách Tư Duy là cách để phá nghi tình. Có Tư Duy thì mới sinh ra sự hiểu biết về những điều bản thân chưa sáng tỏ trong Đạo. Khi có được sự hiểu biết về Đạo thì gọi là có Trí Huệ. Hiểu nhiều hay ít, đúng hay không là nhờ ở thời gian tập trung suy tư này. Chư cổ đức gọi là “Nghi lớn, ngộ lớn. Không nghi, không ngộ”. Vào Đạo Phật có rất nhiều Pháp cần hiểu biết nên phải Soi, Quán. Soi đề tài nào sẽ hiểu được đề tài đó. Tìm gì thì gặp đó. Quán cái Tâm thì mới đắc Tâm, không phải chỉ cần “Quán một Pháp cũng đắc Tâm” như vị nào đó đã phán ! Cũng không phải chỉ Quán mỗi chữ VÔ là Chứng đắc mà còn cao hơn cả Phật như Ngài Vô Môn đã viết trong VÔ MÔN QUAN !

Cũng do không hiểu rõ mục đích của THIỀN ĐỊNH cũng như cần phải làm gì trong lúc NGỒI THIỀN. Những gì sẽ gặp trong khi Ngồi Thiền, nên nhiều người ngồi một thời gian thì bị “tẩu hỏa nhập ma” tức là trở thành bất bình thường . Có người Tưởng rằng mình đã Chứng Đắc do thấy được một số hiện tượng được Kinh viết rõ trong 50 món Ma mà người tu không cẩn thận thì có thể sẽ bị nhiếp, làm hư mất Tâm Bồ Đề.

Nếu chúng ta xác định được mục đích THOÁT KHỔ, rồi khi hành trì bất cứ pháp môn nào của Đạo Phật và luôn hướng đến mục tiêu này thì sẽ không gặp phải tình trạng hơn, thua, cao thấp hay Chứng Đắc trong Đạo. Vì điều mình đang cần là Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, thì hơn thua với bạn đồng tu hay với người khác có ích gì ? Trái lại, nó càng làm cho lớn thêm cái Ngã chấp mà thôi. Trong khi đó, cái cần Chứng Đắc của người tu Phật là Đắc Cái Tâm, tức là Gặp được, Thấy được Cái Tâm hay cái Chân Tánh của mình rồi tập trung tu sửa nó gọi là TU TÂM. Đó là khởi đầu cho con đường đi đến Giải Thoát. Vì có Thấy được cái Chân Tánh của mình. Biết mình không phải là cái Thân Giả này thì mới có thể dần dà từng bước tách khỏi sự ràng buộc với nó được.

Con đường tu hành sau khi Thấy được cái Tánh, Biết đó mới là THẬT MÌNH (Chân Ngã) thì còn phải tập làm quen, tập sống với nó, không phải chỉ cần Thấy nó là đã Thoát Các Pháp ngay. Các Vị đi truớc gọi là “Kiến Tánh khởi tu”. Tức là Thấy Tánh rồi thì hành theo sự hướng dẫn của cái Chân Tánh đó, vì nó sáng suốt, không mê lầm bám vào cái Thân giải tạm, rồi Tham Sân Si hay chỉ làm những gì có lợi cho nó như cái Vọng Tâm hướng dẫn trước đây.

Hầu hết các Kinh ĐẠI THỪA đều hướng dẫn con đường tu hành đưa đến kết quả cuối cùng là Giải Thoát, không ngừng ở Quả vị nào, dù là A La Hán hay hay Duyên Giác, Bồ Tát. Nhưng nếu không tìm hiểu kỹ thì người tu học theo Kinh ĐẠI THỪA sẽ bị hoang mang khi thấy có luồng dư luận cực lực phản đối, đưa ra bằng chứng thời điểm mà những quyển Kinh ĐẠI THỪA xuất hiện là sau Phật nhập diệt khoảng 500 năm, để cho rằng Kinh ĐẠI THỪA là NGỤY TẠO, do các Tổ ĐẠI THỪA viết. Vì thế, những Kinh này là các Tổ bịa ra, không phải là lời của Phật thuyết.

Tuy nhiên, chỉ những người không hiểu về lịch sử Truyền Thừa thì thấy sự phản đối là đúng. Vì tuy là Kinh ĐẠI THỪA xuất hiện khá lâu sau khi Phật nhập diệt. Nhưng nếu ai có hiểu lịch sử Truyền Thừa và biết mục đích của Đạo Phật thì không thắc mắc. Bởi vì việc TRUYỀN THỪA có nghĩa là ngưởi đi trước Ấn Chứng cho người được Truyền Thừa đã Chứng Đắc, đã đủ trình độ để thay Phật để tiếp tục rao giảng Đạo Phật.

Lịch sử Đạo Phật có viết lại, trên núi Linh Sơn, trong một lần nhóm họp Đại Chúng, Đức Thích Ca đã đưa cành Sen lên, đại chúng đều ngơ ngác, không biết ý Đức Thích Ca muốn nói gì, chỉ riêng Ngài Ca Diếp là rạng mặt mỉm cười. Qua nụ cười đó, Đức Thích Ca đã Ấn Chứng cho Ngài Ca Diếp qua câu nói : “Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm. Thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay trao lại cho Ma Ha Ca Diếp”, và dặn dò việc đó nên tiếp tục để Đạo Phật được trường tồn mãi mãi.

Việc Phật Truyền Y Bát cho Ngài Ca Diếp để thay Phật cầm nắm Tăng Đoàn và phổ biến giáo pháp cũng như tiếp tục Ấn Chứng cho lớp hậu học về sau hoàn toàn phù hợp với lời Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật đã thành”. Như thế, dù là người đầu tiên là Đức Thích Ca, Chư Tổ hay hàng hậu học trong đời vị lai, chỉ cần hiểu đúng, hành đúng những lời Phật dạy là đều có kết quả Thành Phật như những người đi trước. Do đó mà kinh dạy là có TAM THẾ PHẬT, tức Phật Quá Khứ, Phật Hiện tại, và Phật Vị Lai. Vì vậy, chỉ có những người không hiểu rõ về Đạo Phật và kết quả cuối cùng của con đường tu Phật mới cho rằng chỉ có một mình Đức Thích Ca và Chư Phật quá khứ trong Kinh viết như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc là thành Phật, mọi người chỉ việc thờ phụng cầu xin các Ngài phù hộ, độ trì mà thôi ! Họ không chịu tìm hiểu để thấy chính những Cao Tăng cũng đã giải thích trên trang mạng chính thức của Phật Giáo là : “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh. Ngài cũng là một con người bình thường, có vợ, có con như tất cả chúng ta. Ngài cũng phải tu hành để thành Phật. Tất cả mọi người đều có thể tu hành đạt kết quả như Ngài”.

Ngay trong Kinh LĂNG NGHIÊM này cũng viết : “Này Phú Lâu Na, các ông khi đối với trần cảnh chỉ cần đừng khởi Vọng Niệm phân biệt thì Tham, Sân, Si không khởi. Ba duyên không khởi thời Sát, Đạo Dâm ba thứ chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn Nhã Đạt Đa ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ Đề. Khi ấy Chân Tâm thanh tịnh sáng suốt khắp cả pháp giới của ông tự hiện bày, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng hay cầu xin nơi ai cả”.

Việc Chứng Quả Phật được Kinh viết : “A Nan, hiện nay các Căn của ông, nếu hoàn toàn gỡ hết cái khắn chặt nơi Trần cảnh, trong chinh phục được phiền não, trở về với Chân Tâm rồi thì hiện tiền Thân Căn và thế giới đều không còn – cũng như nước nóng băng tan, ông liền chứng được Quả Phật”.

Mục đích của Đức Thích Ca khi rao giảng ĐẠO PHẬT là để cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội đều được THOÁT KHỔ. Hiện đời không còn bị cảnh Khổ vùi dập, do ý thức Nhân Quả, chấp nhận Trả Quả, và do ngưng, không tạo Ác Nghiêp nên những kiếp về sau không chỉ Thoát Khổ mà còn tốt đẹp hơn lên. Cái Giải Thoát này không hề phân biệt giai tầng, giới tính, trẻ, già, trong Chùa hay ngoài Chùa, trí hay ngu, miễn Y PHÁP TU HÀNH thì đều được Thoát Khổ như nhau. Chỉ cần gặp đúng Chân Minh Sư hướng dẫn, rồi hành theo thì sẽ có kết quả, không cần phải bỏ đời. Bởi vì đời mà Đạo Phật khuyên người tu bỏ đó là những Ác Nghiệp, Tham, Sân, Si, Vô Minh, không phải là thế gian.

Chúng ta nên biết, sở dĩ Đạo Phật dạy người tu chuyển hóa Thân, Tâm là để làm cho thế gian đầy phiền não trở thành Niết Bàn, làm cho Hoa Sen nở giữa biển lửa, người tu là để sống giữa thế gian với bao nhiêu biến động, phiền não mà vẫn an nhiên, tự tại, không phải muốn tu hành thì phải rời thế gian vô Chùa hay lên non cao động vắng để né pháp, tránh pháp !.

Đọc kỹ những việc cần làm để có 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp của Phật, ta sẽ thấy tất cả đều được thực hiện tại thế gian, với những người thân trong gia đình và những người chung quanh, bằng những Giới, Hạnh, giúp đỡ mọi người trong xã hội để Đền TỨ ÂN. Không phải xa lánh thể nhân. Đó là chỗ khác biệt giữa những người tu hành theo đúng lời của Chư Tổ đã Chứng Đắc hướng dẫn còn lưu lại nơi Chính Kinh và những người cũng tu, nhưng không nắm vững con đường tu, không biết phải làm gì ? nên không biết đích đến là đâu ? và không biết bao giờ mới đến !

Ngoài ra, trong kinh LĂNG NGHIÊM còn có lời dặn dò để chúng ta có thể phân biệt đâu là CHÂN SƯ, đâu là TÀ SƯ giữa thời buổi Chánh, Tà khó phân này :

“A Nan, ta có dạy các Bồ Tát và A La Hán. Sau khi ta diệt độ rồi các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, Cư Sĩ, Vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện làm đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người buôn bán để lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về Chánh Đạo. Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói : ”Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v..” hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhân thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi.

A Nan, chính thật Bồ Tát hay A La Hán thị hiện mà còn không cho người biết tại sao những người phàm phu lại dám mạo xưng là Phật, Bồ Tát v.v.. Chúng như người dân đen mà mạo xưng mình là đế vương, thì sẽ bị tội tru diệt”.

Chứng đắc trong Đạo Phật là “Đắc cái vô sở đắc”, vì tu là để Xả cái Ngã thì còn ai đâu để Chứng ? Do đó, những người thật sự Chứng Đắc là không còn thấy mình là cái Ngã Giả này. Hơn nữa, người chứng Đắc chỉ là bản thân Thoát Khổ, không cứu độ được cho ai thì có gì để mà khoe khoang ? Quả Vị như Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA mô tả, chỉ là những “Hóa thành” cho người lười mỏi nghỉ ngơi. Vì sợ họ tu hoài mà không thấy kết quả nên thối chí, nên Phật tạm đặt ra những cột mốc, để người tu thấy khi làm được những gì thì đắc Quả gì cho họ yên tâm mà tu tiến. Quả Vị thật ra là không thật có, cho nên người khoe mình đắc Quả nọ, quả kia là những người chưa hiểu rằng cuối đường của Đạo Phật chỉ là Giải Thoát. Ngay cả CÁI TA cũng không còn thì lấy ai Chứng Đắc ?

Tóm lại :

1/- Trước khi đọc Kinh LĂNG NGHIÊM thì chúng ta nghĩ rằng chỉ cần Phát Tâm tu hành, rồi rời bỏ gia đình, kiếm một Chùa nào đó để tu là xong. Không ngờ, sau khi đọc được những lời Phật phân tích về cái Phát Tâm, chúng ta mới thấy là phải Phát cái Tâm chân chính, vì nếu dùng Vọng Tâm mà phát thì như người “nấu cát mà muốn thành cơm” !

2/- Thứ nữa là con đường tu hành không phải bắt đầu bất cứ đâu, hành thế nào cũng được, mà phải có những trình tự nhất định mà tất cả các Kinh ĐẠI THỪA đều nói giống nhau : Phải có GIỚI, ĐỊNH, HUỆ - VĂN-TƯ-TU, phải THIỀN ĐỊNH để sinh TRÍ HUỆ, phải thực hành, không chỉ học lý thuyết suông.

3/- Như người muốn MỞ GÚT, phải thấy MỐI thì mới mở được. Tất cả phiền não đều do NGÃ CHẤP, vì vậy trước hết phải TRỪ NGÃ CHẤP. Muốn TRỪ NGÃ CHẤP thì phải hiểu rõ về nó. Sau đó là TRỪ PHÁP CHẤP.

4/- PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH :

Dùng GIỚI LUẬT để nhiếp phục Tự tâm. Nhân giữ GIỚI Tâm mới sinh ĐỊNH. Nhân ĐỊNH Tâm mới phát Huệ. Nhưng không phải chỉ cần ĐỊNH là sẽ có HUỆ mà hành giả phải dùng Sức ĐỊNH để Quán Soi, gọi là THIỀN QUÁN thì mới sinh được Trí Huệ.

Phải có Trợ Duyên, là trừ các duyên bên ngoài có thể làm ảnh hưởng như những nơi ồn ào hay thức ăn không hợp. Phải nghiêm trì Tịnh Giới. Ngoài không phạm, trong không vọng động.

5/- Phần quan trọng nhất là cái BỔN THỂ TÂM hay THẦN THỨC thì Kinh này chỉ viết có mấy dòng ngắn gọn : “Vua cùng Đại chúng nghe Phật dạy rồi đều biết rằng : Người chết rồi là Tâm bỏ Thân này, thọ Thân khác, không phải mất hẳn”. Đó là phần quan trọng trên con đường tu Phật. Giải Thoát hay rằng buộc không phải nằm ở Lục Căn, mà nằm trong tay Chủ Nhân là cái TÂM hay THẦN THỨC. Chính nó là chủ nhân sai các Căn hành động. Do đó, MÊ hay NGỘ là do nó. Thành Phật hay mãi mãi là Chúng Sinh cũng do nó. Vì thế, khi tu hành thì phải tìm cho được nó rồi chuyển hóa nó. Cái Thân là Tứ Đại vô tri, bắt nó cạo đầu hay mặc y nọ y kia, đi đứng phải theo khuôn phép cũng chẳng ích lợi gì. Chủ yếu là ĐIỀU PHỤC cái TÂM hay cái THẦN THỨC, chuyển hóa nó, làm cho nó chuyển từ trạng thái MÊ sang NGỘ.

Cái THẦN THỨC này Vô Tướng, trường tồn, bất sanh, bất diệt, nhưng khi nó còn Mê, tưởng lầm Cái THÂN GIẢ TẠM này là TA, thì chính nó điều khiển cho cái Thân tạo Nghiệp xấu, gọi là gây NHÂN, vì vậy mà lúc cái Thân giả hết Nghiệp, trả lại cho Tứ Đại thì nó phải nhận lấy một cái Thân mới tương ưng với những gì nó đã làm khi còn ở Thân trước để Trả Quả. Chính vì vậy mà có Sinh Tử, Luân Hồi. Khi người tu đã tìm được với CHÂN TÁNH rồi thì sau đó chính cái CHÂN TÁNH sẽ hướng dẫn cách sống cho thuận Đời, hợp Đạo. Nó sẽ thôi không dắt cái Thân tạo Ác Nghiệp nữa, mà chỉ tạo Thiện Nghiệp, do đó, khi chuyển kiếp sẽ không còn bị đọa, mà được về nơi tốt đẹp, an vui.

Chính vì vậy, điều quan trọng cho người tu hành theo Đạo Phật là phải Tìm, phải Thấy được Cái BỔN THỂ TÂM của mình, gọi là THẤY TÁNH. Sau khi Thấy Tánh, biết đó mới là cái CHÂN NGÃ hay là CÁI TA THẬT, thì những thời gian còn lại là bắt đầu tu sửa để giống như tính chất đúng của nó. Chư Vị Giác Ngộ dùng thí dụ là một con Sư Tử con. Từ nhỏ đã lưu lạc sống chung với loài chó rừng, nên cũng ăn thức ăn là phẩn dơ và kêu tiếng của chó rừng. Khi biết ra mình vốn là Sư Tử, thì gầm lên tiếng gầm oai vệ của Sư Tử và không tiếp tục ăn thức ăn của loài chó rừng nữa mà sống đúng với tính cách chúa sơn lâm của mình.

Tất nhiên, đang là phàm phu với những thói quen huân tập từ nhiều đời thì không phải một sớm một chiều là ta có thể có ngay những đức tính mới, nên phải tu sửa dần, gọi là Tu Tập. Người tu phải có THÂN GIỚI, TÂM HUỆ. Phải biến THAM, SÂN, SI thành GIỚI ĐỊNH HUỆ, biến Phiền Não thành Niết Bàn, biến ích kỷ, đố kỵ, nhỏ nhen, ty tiện thành Từ Bi Hỷ Xả nhờ thực hành theo BÁT CHÁNH ĐẠO Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp, và những Phẩm Trợ Đạo mà dần dà Thân Tâm đều được thanh tịnh, an vui dù vẫn chung sống với mọi người giữa cảnh đời đầy biến động, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Không cần vọng về Phật Quốc hay Niết Bàn của Phật nào, vì nghĩa của Niết Bàn là ra khỏi rừng mê. Phật Quốc là sự thanh tịnh, an lạc nơi cõi Tâm của hành giả sau khi đã “Độ” tất cả Chúng Sinh trong Tâm mình Thành Phật.

Nước Phật của mỗi người tự thành lập nơi Tâm của bản thân, trong đó gồm 3 thành phần. Phật, là những tư tưởng đã được Giải Thoát. Bồ Tát là những tư tưởng đang hành dụng, làm công việc giải thích, cứu độ, đưa Chúng Sinh thành Phật, và Chúng Sinh là những tư tưởng còn vướng phàm, chưa xả được những khuynh hướng xấu, không phải là Nước của vị Phật nào đó ở Đông Phương hay Tây Phương xa vời.

Tu Phật là để “Sống giữa thế gian đầy phiền não mà không bị phiền não nhấn chìm” . Đó là lý do mà Đạo Phật chọn HOA SEN làm biểu tượng. Đó cũng là lý do vì sao Ngài Ca Diếp mỉm cười khi nhìn thấy Đức Thích Ca cầm cành Sen đưa lên mà được truyền Y Bát. Chính là vì Ngài đã hiểu hết ý nghĩa của ĐẠO GIẢI THOÁT mà Đức Thích Ca dù chỉ Đông Phương, Tây Phương, nói Chư Phật, Bồ Tát hành dụng, nói Quả vị cao, thấp cũng chỉ là phương tiện để giáo hóa con người, để người nào hiểu rõ, chấp nhận, hành dụng theo sẽ được Thoát Khổ mà thôi. Người tu không phải đối trị hay giáo hóa ai, chỉ giáo hóa, cứu độ cho Chúng Sinh của mình, từng sát na Chúng đang bị giam giữ trong tù ngục Tham, Sân Si, mạn, nghi.. cũng vì Vô Minh của chính mình. Phải THÍ XẢ nó, PHÓNG SINH nó đi, cho nó được Giải Thoát thì cuối cùng người hành cũng sẽ Giải Thoát, mà Giải Thoát là nghĩa khác là Thành Phật vậy. -

Tháng 3 năm 2024



VVM.22.11.2024.