Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TÂN CƯƠNG
TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM


           KỲ 3

          Hẹn Nơi Nao, Hán Dương Cầu Nọ,



                     Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ.
                     Chiều lại tìm nào có tiêu hao.
                     Ngập ngừng gió thổi chéo bào
                     Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu nói tới ba địa danh: Lầu Hoàng Hạc, Hán Dương và Bãi Anh Vũ.

           Hoàng Hạc Lâu

          Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
          Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
          Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
          Bạch vân thiên tải không du du.
          Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
          Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
          Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
          Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Về hai địa danh nói sau, Tản Đà dịch là:

      Hán Dương sông tạnh cây bày
          Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non

Trong phần giải nghĩa của Thi Viện, người dịch nói rõ hơn như sau:

        “Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
            “Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.”

Trước hết, xin nói về Hán Dương.

Hán Dương là một quận của thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (quê hương Mao Trạch Đông), là chỗ gặp nhau của hai con sông nổi tiếng bên Tầu. Đó là sông Trường Giang (Còn gọi là Dương Tử) và sông Hán Thủy.

Vũ Hán, thành phố kế đó là Vũ Xương, là nơi chinh chiến xảy ra mấy lần, đầy cảnh núi xương sông máu. Thời Tam Quốc dựng lầu Hoàng Hạc, cũng là nơi Tôn Quyền dời đô về đây, tranh giành với quân của Lưu Bị và Tào Tháo. Thành phố nầy cũng là đầu ngõ đi về Thiểm Tây nên đây cũng là bãi chiến trường thời Trung Nhật chiến tranh.

Ngược lại, đây là thắng cảnh, là đề tài cho các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam. Ví dụ bài “Tống nhân Đông du” (Tiễn người sang Đông) của Ôn Đình Quân:

          Hoang thú lạc hoàng diệp,
          Hạo nhiên ly cố quan.
          Cao phong Hán Dương độ,
          Sơ nhật dĩnh môn sơn.
          Giang thượng kỷ nhân tại,
          Thiên nhai cô trạo hoàn.
          Hà đương trùng tương kiến,
          Tôn tửu uỷ ly nhan

“Cao phong Hán Dương độ” có nghĩa là “Gió lộng trên bờ sông Hán Dương” hay “Giang thượng kỷ nhân tại” có nghĩa là “có bao nhiêu người còn lại bên bờ sông?”

Ngô Văn Phú dịch toàn bài như sau:

           “Đồn hoang đang rụng lá vàng
          Ải xưa khảng khái rộn ràng ra đi
          Hán Dương gió lộng bến bờ
          Dĩnh Môn vầng nhật vừa nhô khỏi rừng
          Mấy người còn lại trên sông?
          Mái chèo đơn lẻ bềnh bồng cõi xa
          Gặp nhau lại biết bao giờ
          Ngại nhìn mặt nhắp chén khà biệt ly.”

Cũng như trong bài trước, tôi có nói chuyện Nguyễn Du đi sứ sang Trung Hoa, cụ Nguyễn có ghé lại thăm Hoàng Hạc Lâu, làm một bài thơ về Lầu Hoàng Hạc. Sau đó cụ Nguyễn làm một bài thơ tả về “Cảnh Chiều ở Hán Dương”. Sau đây là bản chữ Nho:

           Hán Dương vãn diểu

          Bá vương trần tích thuộc du du,
          Hán thuỷ thao thao trú dạ lưu.
          Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn,
          Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu.
          Thi thành thảo thụ giai thiên cổ,
          Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu.
          Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ,
          Bạch tần hồng liễu mãn đinh châu.

“Hán thủy thao thao” là “Nước sông Hán Thủy lên mênh mông.” Thao thao, theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh là “nước lớn mênh mông.” Thầy dạy tôi ở văn khoa cho rằng câu “Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu” của Nguyễn Du hay không kém gì câu “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” của Tầu. Có lẽ vậy thật đấy! Người Việt làm thơ Tầu có khi hay hơn cả người Tầu. Có một người Tầu đọc văn Phan Bội Châu lắc đầu tấm tắc khen, không ngờ người Việt viết văn Tầu hay đến nỗi người Tầu chưa hẳn đã viết được như vậy.

Bài dịch (Không rõ tác giả)

          Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương

           Mịt mùng xa cách dấu cung vương
          Cuồn cuộn đêm ngày nước Hán Dương
          Qui Hạc đôi bờ phô dáng núi
          Thần tiên khuất bóng bỏ lầu không
          Thơ thơm cỏ biếc nghìn thu thắm
          Sầu nhớ chiều quê quyến luyến thương
          Tưởng nhớ đêm vàng ngân tiếng sáo
          Lục hồng tần trắng ngát thơm hương.

Về địa danh thứ ba: Bãi Anh Vũ, có người khen câu thơ dịch của Vũ Hoàng Chương thoát hơn, tài hoa hơn cả câu dịch của Tản Đà.

Câu nguyên văn của Thôi Hiệu là “Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”. Tản Đà dịch là “Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non”. Vũ Hoàng Chương dịch thoát là “Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.” Câu dịch của Vũ Hoàng Chương nói lên cảnh vắng vẻ nơi bãi cỏ thơm nầy.

Tự Điển Hán Việt Đào Duy Anh dịch chữ “Anh” là “Tên chung các loài hoa, - thứ hoa tốt nhất, - người tài năng xuất chúng.” Dịch nghĩa chữ “Anh vũ là con chim két”. Chim két lông mầu xanh lục, mỏ đỏ. Có phải vì chim két hay xuống kiếm mồi ở bãi cỏ nầy nên nó được đặt tên là Bãi Anh Vũ. Bài Anh Vũ của Lý Bạch ghi ở dưới đây, có câu “Anh Vũ lai quá” có nghĩa là chim anh vũ bay qua. Vậy thì bãi cỏ nầy dù mang tên gì đi nữa thì nơi đó cũng có chim anh vũ.

Không ít người về sau làm thơ khen “Bãi xa Anh Vũ”:


        Anh Vũ (Lý Bạch)

          Anh vũ lai quá Ngô giang thủy,
          Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh.
          Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ,
          Phương châu chi thụ hà thanh thanh.
          Yên khai lan diệp hương phong khởi,
          Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh.
          Thiên khách thử thời đồ cực mục,
          Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh?

Dịch (tác giả?):

          Sông Ngô anh vũ lướt bay qua
          Anh Vũ thành xưa vẫn gọi là
          Núi Lũng trời tây anh vũ khuất
          Bãi thơm cây biếc chập chờn xa
          Lá lan thoang thoảng lừng hương gió
          Sóng gấm bập bềnh lượn sát hoa
          Lữ khách hoài trông trời tít tắp
          Tình ai trăng dọi sáng đêm tà?

       Anh Vũ châu tức sự (Thôi Đồ)

          Trướng vọng xuân khâm uất vị khai,
          Trùng lâm Anh Vũ ích kham ai.
          Tào Man thượng bất năng dung vật,
          Hoàng Tổ hà tằng giải ái tài.
          U đảo noãn văn Yên nhạn khứ,
          Hiểu giang tình giác Thục ba lai.
          Hà nhân chính đắc phong đào tiện,
          Nhất điểm khinh phàm vạn lý hồi.

Tức cảnh Bãi Anh Vũ (Hải Đà dịch)

           Ưu uất lòng xuân ngắm chẳng thôi
          Bước lên Anh Vũ luống bồi hồi
          Tào Công đâu thể khoan dung khách
          Hoàng Tổ làm sao vị nể người?
          Đảo vắng nhạn Yên tung cánh vỗ
          Sông Mai sóng Thục dập dềnh trôi
          Ai may mắn gặp ngày xuôi gió
          Thấp thoáng buồm xa hiện cuối trời.

Anh Vũ châu tống Vương Cửu chi Giang tả
    (Mạnh Hạo Nhiên)


          Tích đăng giang thượng Hoàng Hạc lâu,
          Dao ái giang trung Anh Vũ châu.
          Châu thế uy di nhiễu bích thuỷ,
          Uyên ương khê xích mãn than đầu.
          Than đầu nhật lạc sa thích trường,
          Kim sa dực dực động tiêu quang.
          Chu nhân khiên cẩm lãm,
          Hoán nữ kết la thường.
          Nguyệt minh toàn kiến lô hoa bạch,
          Phong khởi dao văn đỗ nhược hương.
          Quân hành thái thái mạc tương vương.

Phan lang dịch

          Xưa lầu Hoàng Hạc có lên
          Bãi Anh Vũ đẹp nằm trên sông dài
          Uốn theo dòng nước bao vây
          Uyên ương vịt nước bay đầy bãi xanh
          Mặt trời lặn ở đầu ghềnh
          Chiều hôm nắng quái rực trên cát vàng
          Ngư ông kéo cột thuyền nan
          Những cô giặt lụa vá đan xiêm là
          Hoa lau trắng dưới trăng ngà
          Mùi lan thoang thoảng như xa như gần
          Người đi có nhớ cố nhân?

Bài “Anh Vũ châu tức sự” của Thôi Đồ ghi ở trên liên hệ tới một sự tích khá hay thời Tam Quốc.

Bấy giờ Tào Tháo muốn “chiêu hiền đãi sĩ”. Một tướng của Tào là Khổng Dung trình rằng ông ta có người bạn tên là Nễ Hành rất tài giỏi. Tháo bèn gọi tới thu dụng. Gặp Tháo, Nễ Hành chê hết mọi người khiến Tháo tức giận. Tháo bèn làm nhục Nễ Hành, cho giữ chân đánh trống. Trong tiệc, Nễ Hành đánh trống rất hay, nhưng những người trong tiệc bắt lỗi Hành tội vô lễ. Để trả lời, Hành cởi tuột hết quần áo giữa tiệc. Tháo mắng Hành. Hành nói:

- “Dối vua, lừa trên mới gọi là vô lễ, ta lộ cái hình của cha mẹ sinh ra là để tỏ cái thân thể thanh bạch của ta đấy!”

Ấy là Hành chửi khéo Tào Tháo.

Tháo muốn giết Hành nhưng sợ mang tiếng không dung người hiền, bèn sai Nễ Hành sang dụ Lưu Biểu về hàng, ý muốn mượn tay Lưu Biểu giết Hành. Lưu Biểu cũng là người khôn ngoan không kém, nên không làm việc ấy, bèn sai Hành gặp Hoàng Tổ.

“Hoàng Tổ, Nễ Hành cùng uống rượu, hai người đều say. Tổ hỏi Hành: “Ngươi ở Hứa Đô có biết ai là người khá?” Hành đáp: “Có thằng bé nhớn là Khổng Văn Cử, thằng bé con là Dương Đức Tổ, ngoài hai đứa ấy, không có đứa nào nữa!” Tổ hỏi: “Như ta thì thế nào?” Hành đáp: “Người như tượng thần trong miếu, tuy được người ta cúng tế nhưng chẳng thiêng liêng gì!” Tổ giận nói: “Mày bảo tao là tượng gỗ à?” rồi sai đem chém. Nễ Hành chửi Hoàng Tổ đến lúc chết không dứt mồm.” (trích Tam Quốc - hồi 28)

Nễ Hành chết, Lưu Biểu sai đem chôn ở Bãi Anh Vũ.

Tháo nghe tin ấy, nói:

- Gươm lưỡi của kẻ hủ nho, mình lại giết mình!”

Bài thơ “Anh Vũ châu” nói trên, ý chê Tháo không dung được người, cũng như chê Hoàng Tổ đã giết Hành. Thôi Đồ, tác giả bài thơ, không chê Nễ Hành là hủ nho như Tào. Người đời vẫn khen Nễ Hành là người ngay thẳng, không theo kẻ xấu, biết giữ trọn khí phách của mình.

Hán Dương cũng là nơi Bá Nha gặp Tử Kỳ. Thời Chiến Quốc, Bá Nha làm quan đại phu nước Tấn, một đêm trung thu, ghé thuyền nghỉ ở cửa sông Hán Dương, kề núi Mã Yên, đang đánh đàn thì đàn bỗng đứt giây. Bá Nha nghĩ có người nghe trộm tiếng đàn của mình, bèn sai lính đi tìm, lính bắt được Chung Tử Kỳ. Kỳ khai là kẻ tiều phu, nhà ở bên núi, vì còn cha mẹ già nên phải ở nhà phụng dưỡng.

Để thử tài Tử Kỳ, Bá Nha đánh một khúc đàn, nghĩ tới non cao. Tử Kỳ khen:

- “Đẹp thay vòi vọi, chí tại non cao.”

Bá Nha lại đánh một khúc đàn khác, nghĩ tới dòng nước chảy. Tử Kỳ khen:

- “Đẹp thay! mênh mông, ý tại lưu thủy.

Biết tài Tử Kỳ, Bá Nha kết làm anh em rồi chia tay.

Năm sau, Bá Nha trở lại chốn cũ, mong gặp Tử Kỳ thì nghe tin Tử Kỳ đã qua đời. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, đánh lên một khúc đàn, xong đập vỡ cây đàn vì cho rằng đời nầy, không còn ai là kẻ “tri âm” của mình nữa. Tri âm có nghĩa là nghe tiếng đàn mà biết được lòng người.

Truyện Kiều có câu thơ tả tâm rạng Thúy Kiều:

          “Ai tri âm đó mặn mà với ai!”

Hai tiếng tri âm nầy có nghĩa như trong câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ. Hiện ở Hán Dương còn “Đài Cầm Cổ”, xây từ đời Bắc Tống để kỷ niệm câu chuyện “tri âm” của hai người.

Địa danh Hán Dương cũng được nhắc đến trong Văn Chương Việt Nam.

Bản tiếng Hán, Đặng Trần Côn viết là:

          Nãi ước Hán Dương kiều
          Nhật vãn hề bất lai
          Cốc phong xuy ngã bào
          Trữ lập không thế khấp

Bà Đoàn Thị Điểm dịch rất thoát:

Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ.
Chiều lại tìm nào có tiêu hao.
Ngập ngừng gió thổi chéo bào
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.

Độc giả để ý sẽ thấy bản dịch hay hơn nguyên tác chữ Nho. Câu của Đặng Trần Côn viết “Nãi ước Hán Dương kiều” có nghĩa là “hẹn” (ước) ở cầu Hán Dương. Bà Đoàn khi dịch có thêm chữ “nao”, chữ “nọ”: “Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ.” Bản Nho viết: “Nhật vãn hề bất lai”. Nếu dịch đúng từng chữ thì “Cuối ngày (nhật vãn). Hề là tiếng đệm, không có nghĩa gì cả. “Bất lai” là không tới. Bà Đoàn dịch nguyên câu là “Chiều lại tìm nào thấy tiêu hao.” Dịch như thế nên ông Ngô Thì Sĩ bảo “Đã đánh đổ lão Ngô nầy rồi” thì không sai chút nào!

Khi bà Đoàn Thị Điểm dịch “Hán Dương cầu nọ”, bà biết ở Hán Dương có cây cầu, đúng như nguyên bản “Hán Dương kiều.” Cầu nầy bắt ngang sông nào? Có lẽ ở sông Hán Thủy, nhỏ hơn sông Dương Tử. Mãi đến năm 1957, người Tầu mới dựng được cây cầu đầu tiên bắt ngang sông Trường Giang, để nối liền hai miền Hoa Bắc - Hoa Nam.

Thông thường, trong văn chương, người ta hay tả cây cầu. Cầu nói liền hai bờ cho người qua lại. Không thấy cầu, Huy Cận than “Không cầu nói lại niềm thông cảm, Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.” Đêm mồng 5 tết Mậu Thân, bộ đội miền Bắc giựt sập cầu Trường Tiền, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trách oán:

“Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời... Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya. Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu… Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em. Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau… Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu. Nước dưới cầu vẫn chảy trong veo.”

Lời ca của Trầm Tử Thiêng rất hay, nồng nàn tình cảm, một thứ tình cảm mà người Huế đã có từ lâu:

          “Qua cầu ngã nón trông cầu,
        Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu?

Cầu bao nhiêu nhịp? Độc giả biết cầu Trường Tiền có bao nhiêu nhịp. Xin nghe câu ca dao nầy:

          “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
             Em qua không kịp tội lắm người ơi!
              Chẳng thà không biết thì thôi
             Biết rồi, mỗi kẻ mỗi nơi cũng rầu

Cầu Trường Tiền đâu có dài lắm, chỉ 400mét. Cầu trên sông Trường Giang dài hơn 1600 mét. Sao qua không kịp? Không phải không kịp vì cầu dài mà không kịp phiên chợ. Khi cô gái qua tới chợ Đông Ba, cách cầu không xa, thì chợ đã vãn, “người ấy” đã về rồi.

Vậy thì cầu là chỗ gặp gỡ, hẹn hò. Người chinh phu ra đi, hẹn ngày về gặp ở “Hán Dương cầu nọ”. Nhưng trời đã chiều, khi ngưòi vợ ra đó đón chồng thì không thấy tiêu hao (tin tức, cũng có nghĩa hao mòn dần) chồng đâu cả. [..............................................................]

Trong văn chương, khi nói tới Hoàng Hạc Lâu, người ta ít khi quên cầu Hán Dương và Bãi Anh Vũ. Tuy nhiên, Đặng Trần Côn, trong nguyên bản chỉ nói tới “Hán Dương kiều”. Bà Đoàn viết thêm “Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.” Chữ Bãi bà Đoàn viết thêm ở đây, chỉ có thể là Bãi Anh Vũ, khi người vợ đứng bên cầu Hán Dương chờ chồng. Viết như thế là đủ “lễ bộ” như người xưa.

Câu thơ của Bà Đoàn gần với ý “Hán thủy thao thao” (Nước sông Hán Thủy mênh mông) khi so với câu của Thôi Hiệu “Anh Vũ thê thê”. Thê thê là tỉnh mịch, vắng vẻ.

Vì hai tiếng thê thê là vắng vẻ, tịch tịch nên có người khen Vũ Hoàng Chương dịch “Phương thảo thê thê Anh Vũ châu” thành “Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi” là hay.

Thật ra, hai chữ “phương thảo” dịch “Cỏ bờ” là không hay lắm, vì “Phương thảo” có nghĩa là “cỏ thơm”, nhưng dịch “Cỏ thơm Anh vũ…” thì lại mất chữ bờ vì bãi Anh Vũ nằm bên bờ sông.

Thông thường, “Phương thảo ít khi dịch là “Cỏ bờ” mà dịch “Cỏ thơm” mới đúng hơn.

Trong “Bài tựa truyện Kiều” Chu Mạnh Trinh viết: “Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên.” Chùm phương thảo là chùm cỏ thơm.

Câu thứ 7 (gần cuối) trong bài Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu viết “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?” “Nhật mộ” nghĩa cũng giống như “nhật vãn” của Đặng Trần Côn nói ở trên. Vãn là cuối. (Cuối ngày). Mộ là chiều. Buổi chiều thường làm cho người đi xa nhớ nhà (Hương quan: Tự điển truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích là: Cửa cổng của làng, chỉ nơi quê hương. Giấc hương quan là giấc mộng nhớ về quê nhà). Hà xứ thị là quê nhà ở đâu? ở hướng nào?

Mấy chữ “hương quan” nhắc ta nhớ tới mấy câu Kiều: “Mối tình đòi đoạn vò tơ, Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.” Những người tha phương như chúng ta, cũng giống Thúy Kiều, có bao giờ bỏ được giấc hương quan?

Quí độc giả chịu khó nghe tôi giải bày dông dài như thế nầy, chắc cũng là “nòi tình thương người đồng điệu”, “lộng ngôn” chút ít văn chương trên mấy trang giấy nầy mà thôi.





VVM.21.11.2024-NVATCHLH.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .