1. Thân thế Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi sanh năm 1380 mất năm 1442, là bậc khai quấc công thần của nhà Hậu Lê. Ông được giữ chức Nhập Nội Hành Khiển tức là Tể Tướng. Năm 1439 ông về trí sĩ. Vì vụ án Lệ chi viên ông bị tru di tam tộc năm 1442, lúc nầy ông 62 tuổi. Tôi võ đoán rằng Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ vào khoảng trước 1439 vì còn là quan to thì các cô gái trẻ chuộng hơn. Đương nhiên họ cũng chuộng luôn cả văn chương, sự nghiệp của ông nữa. Như vậy Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ vào khoảng chưa đầy 60 tuổi nên hồn xuân có lẽ còn rạt rào lắm. Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ 73 tuổi còn cưới nàng hầu 18 tuổi kia mà.
Tục ngữ có câu “Đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm”. Nhóm quan trẻ có khi cũng ganh tị và cách cư xử của họ có khi gần gũi và được lòng của vua Lê Thái Tôn hơn.
2. Bài thơ Bán chiếu
Trong hoàn cảnh triều đình thời bấy giờ, ông quan già đệ nhứt công thần Nguyễn Trãi ắt kém vui do đó nên ông xin về trí sĩ vào năm 1439. Dù Nho giáo khắt khe nhưng thời phong kiến, dân gian thường nói:
Làm trai năm thê bảy thiếp,
Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Khi quan Phan Thanh Giản, một vị tiến sĩ, một quan to của triều đình ra kinh đô Huế công tác thì đồng liêu khuyên ông cưới vợ hai nhưng ông không chịu. Trong tâm trạng buồn, gặp cô gái trẻ đi bán chiếu, nếu Nguyễn Trãi cợt nhả chút tưởng cũng không có gì quá đáng.
Về bài thơ “Bán chiếu” có phải của Nguyễn Trãi không? Khi thấy người con gái trẻ đi bán chiếu, với tâm trạng không vui thì ông kêu hỏi bâng quơ:
Ả ở đâu đi bán chiếu hôn ?
Hỏi xem chiếu ấy hết hay còn ?
Vừa hỏi cho vui miệng, vừa hỏi vô lý để khích cô gái trẻ trả lời. Thấy cô gái quay lại và đẹp quá nên ông ỡm ờ luôn:
Xuân thu nay được bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con.
Không ngờ cô gái đáp trả ngay:
Tôi ở Hồ Tây bán chiếu hôn
Việc chi ông hỏi hết hay còn
Xuân thu nay được trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con !
Ứng khẩu mà đáp được ngay thành bài bản thì phải nói là giỏi dù chỉ đổi một số từ từ hỏi sang trả lời thôi. Thế là hai người tiếp cận nhau và đi tới lấy nhau.
Bài thơ “Bán chiếu” được loan truyền như thế nào? Quan to đi ắt có cận thần theo bảo vệ. Họ nghe được và truyền nhau, sau đó ra tới nhơn dân.
Người làm thơ có quyền đặt ra từ mới để diễn đạt. Ban đầu nghe lạ nhưng chấp nhận được. Nghe quen, về sau nếu thông dụng thì đời sau tìm cách giải nghĩa. Việc đặt ra từ mới tưởng đã thông dụng trong dân gian. Thí dụ với tục quý danh, ông bà tên “Đức”, con cháu không được nói “Đức” mà phải nói trại ra là “Đước”. Ông bà tên “Thố”, gặp cái “Thố” người ta nói cái “Thiệp”. Nghe lạ nhưng chưa ai tìm ra từ gần với “Thố” mà thay nên cứ dùng từ “Thiệp” cho gia tộc nhà đó.
Làm thơ cũng vậy, khi cần, nhà thơ tự đặt ra từ để đọc nghe có âm điệu hay và giải quyết sự kẹt vần. Thí dụ khi tả con trâu già, Nguyễn Khuyến viết:
Một nắm xương, một nắm da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi kia biếng vẩy Điền Đan hỏa
Tai nọ buồn nghe Ninh Tử ca
Sớm thả đồng đào ăn đủng đỉnh
Tối về chuồng quế thở nghi nga.
Có một bài thơ cũng tả trâu già của Huỳnh Mẫn Đạt làm quan triều Nguyễn từ 1847 trong khi Nguyễn Khuyến sanh năm 1835. Bài của Huỳnh Mẫn Đạt thì bốn câu đầu có khác mấy chữ: kia, nọ, buồn và Ninh Tử ghi Ninh Thích thôi. Bốn câu cuối ý giống nhau nhưng từ dùng khác nhau. Tôi cứ theo bài học hồi lớp 11 (1958) mà chép ra thôi. Tra trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai trí Tiến Đức thì không có từ “nghi nga”. Từ “nghi nga” nó gần với từ “ngân nga” hay “ngâm nga” nên con trâu ung dung thở chớ không thở mệt như “phì phà”.
Trần Tế Xương làm bài thơ dặn học trò đi thi, ông viết:
Đi thi đi cử, các thày nho
Ta dặn điều nầy, phải nhớ cho
Ra phố, khăn ngang quàng lấy mặt
Vào trường, quần rộng xắn lên khô.
“Xắn lên khô” là gì? Phải nói “xắn lên cao” mới đúng. Nhưng có từ “khố” là vật dùng che hạ bộ đàn ông nên ông nói “xắn lên khố”. Nhưng vần “o” bằng mà nói “khố” không được nên phải nói “lên khô” vậy, dù có trái khoáy đôi chút.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết bài “Sự nghèo”:
Người ta hơn tớ cái phong lưu
Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo
Cảnh có núi sông cùng xóm ngõ
Nhà không gạch ngói, chẳng gianh pheo.
Tra trong Tự điển Việt Nam, từ “pheo” không có. “Gianh” là cỏ tranh lợp nhà, làm vách được. Người ta thường nói “vách phên”, tôi cho là túng từ và vần “eo” nên gần với từ “phên”, ông đặt ra từ “pheo” đó thôi.
Khi Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ cưới cô hầu trẻ 18 tuổi, cô này hỏi tuổi thì ông đáp:
…Ngũ thập niên tiền nhị thập tam
Tình đã chung mà lứa cũng vam
“Vam” là gì? Cũng tra trong Tự điển Việt Nam không có từ nầy. Nay tôi suy luận rằng “vam” là “vừa” hay “được”.
Nguyễn Trãi là một danh nho, là một quan đại thần nên khi đi hẳn có quan cận thần, có người bảo vệ đi theo, họ có trò chuyện với nhau không? Tôi cho là có. Khi nhắc lại bài thơ, có lẽ họ cũng khen Thị Lộ nhanh nhẩu, trả lời xác đáng và ý tứ hay nên Nguyễn Trãi đọc lại
Ả ở đâu đi bán chiếu hôn ?
Hỏi xem chiếu ấy hết hay còn ?
thì thấy từ “hôn” dù đúng nhưng nghe không được xuôi tai nên ông sửa thành “gon” cho xuôi tai hơn.
Ông Nguyễn Văn Sâm trưng ra bài thơ khác của Nguyễn Trãi khác xa hơi hướm bài ghẹo Thị Lộ như trắng với đen. Đồng ý là vậy. Nhưng đây là bài văn nói, có lẽ Nguyễn Trãi cho rằng nói cho vui rồi bỏ thôi. Vả lại người bình dân, người nông dân diễn tả trong lúc hát hò cho vui cũng nhẹ nhàng thanh thoát lắm nên tôi cho bài thơ nầy là sự kiện bình thường. Nhưng bài thơ hay của thời Nguyễn Trãi có lẽ khác với bài thơ hay ngày nay. Ngày xưa hay thì ý tứ phải súc tích có điển tích, hay qua từ ngữ người tả cảm thấy là sự diễn đạt bao hàm câu nói của cổ nhân, thể hiện sự học nhiều, hiểu nhiều… nên có khi có bài thơ người xưa khen hay, ta đọc không thấy hay. Vậy bài thơ sáng tác in thành sách để truyền tụng thì khác hẳn với bài thơ nói cho vui rồi bỏ. Bài thơ “Bán chiếu” còn truyền lại tôi cho là không phải Nguyễn Trãi truyền lại nên trong chính sử không có.
Tóm lại, tôi cho rằng bài thơ ghẹo Thị Lộ là của Nguyễn Trãi được lưu truyền có lẽ từ 1439 tới nay. Bài “Con gái nhà ai bán rượu ngon” được chép trong sách chữ Nôm có ghi chép ngày mùng 10 tháng 8 năm Tân Dậu (1921) sau bài “Bán chiếu” gần 500 năm nên tôi cho rằng ai đó bắt chước bài “Bán chiếu” của Nguyễn Trãi mà viết cho vui dù xuất hiện cách nay 200 năm vẫn sau bài của Nguyễn Trãi vài trăm năm đó. Với lập luận như vậy, tôi cho là bài thơ ghẹo Thị Lộ là của Nguyễn Trãi.
3. Việc nghi ngờ tác giả tác phẩm “Gia Huấn Ca”
Việc nghi ngờ tác giả, khi còn học cấp 2, giữa thập niên 1950, các giáo sư Quấc văn có nói đến hai tác phẩm là Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm và Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi.
Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm thì dựa vô câu nói của ông Phan Huy Ích ghi rằng ông có dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm. Giáo sư Quấc văn thì lý luận rằng bản Chinh Phụ Ngâm chữ Nôm mang tánh cách đàn bà. Ví dụ:
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
nó không mạnh như nguyên tác. Nếu là nam giới dịch thì phải có khí thế mạnh của người lính mới đúng. Hơn nữa giữa Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm có lây dây chuyện tình mà bà Điểm chê ông Côn là còn kém. Nay đọc thấy tác phẩm Chinh Phụ Ngâm hay quá nên bà tiếc nên kết thúc tác phẩm bằng câu:
Ngâm nga mong mỏi chữ tình
Đối với tác phẩm Gia Huấn Ca thì giáo sư nói chỉ nghi ngờ thôi chớ không thấy gì xác đáng nên không nói được. Bản thân tôi cũng có dạy Quấc văn trước 1975, có dạy tác phẩm Gia Huấn Ca nhưng không có tác phẩm nầy trong tay nên khó bàn và với tuổi gần 80 nên tôi cũng không vô thư viện để tìm đọc. Tuy nhiên tôi còn nhớ một số câu trong Gia Huấn Ca như:
Ngày con đã biết chơi biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi chơi lửa, chơi ao có ngày
Lau cho sạch không hay dầm nước
Ăn cho vừa, đừng ước cao lương.
…..
Và
Nhà chẳng quét, quét hay có rác
Đã bói ra, bỏ nhác sao đành.
Và
Thương người như thể thương thân
Người ta phải bước khó khăn đến nhà
Đồng tiền bát gạo mang ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên.
…..
Và
Làm dâu thì chỉ kính mới nên
Chớ khoe khoang mình bạc mình tiền.
…..
Và
Đường công danh có chí thì nên...
Trở lại hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ. Sau khi thắng quân Minh thì quấc khố như thế nào? Dân khốn khổ thời chiến tranh thì nay ổn định lòng dân yên phận làm ăn, phấn đấu học hành để tiến bộ là chánh. Tôi thấy Gia Huấn Ca dạy việc ổn định cuộc sống trong nhà rất chu đáo, lại khuyên cố gắng học hành để tiến bộ nữa. Do đó, hơn 30 năm sau, đến đời vua Lê Thánh Tôn (1460) thì nước nhà cực thịnh. Từ đó tôi suy ra rằng người viết tác phẩm Gia Huấn Ca phải là người có tài an bang tế thế nên gán cho Nguyễn Trãi là tác giả là đúng lắm.
Người xưa thường nói rằng “Nôm na là cha mách qué” nên bậc đại nho như Nguyễn Trãi, ông không chú ý đến thơ Nôm đâu. Tác phẩm dạy vợ con trong nhà thời đó thì cần viết cho dễ hiểu để phổ quát trong toàn dân là chánh.-./.