Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



VIỆT SỬ TẠP LUẬN


AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ


T iểu kết, chúng ta có thể rút ra vài kết luận như sau:

- Việt sử lược cho biết Tăng Cổn có soạn sách Giao Châu ký một thiên. Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn An Nam chí nguyện cho biết Tăng Cổn soạn sách Giao Châu ký. Tuy nhiên Việt sử lược và An Nam kỷ yếu có thể đã sử dụng phương pháp suy luận trên căn cứ sự tồn tại của sách Giao Châu ký của Tăng công hoặc có thể đã tham khảo nguồn tài liệu khác, có khả năng là Phiên Ngung tạp ký. Ngay cả khi Tăng Cổn có soạn sách Việt chí thì cũng chưa chắc chắn sách này chính là Giao Châu ký của Tăng công. Do đó chưa có cơ sở chắc chắn rằng: Tăng Cổn là tác giả sách Giao Châu ký của Tăng công.

- Giả như Tăng Cổn soạn sách Giao Châu ký của Tăng công thì cũng không thể khẳng định tương tự rằng: Giao Châu ký của Triệu công là sách do Triệu Xương soạn. Dù An Nam kỷ yếu có đúng khi chép Triệu Xương soạn Phủ chí.

- Như vậy, tất cả những gì chúng ta có cũng chỉ có thể dừng lại ở giả thuyết của Lê Hữu Mục tuy nhiên tôi lại đưa ra một giả thuyết khác:

- Giả thuyết rằng: Xuất hiện những câu chuyện truyền miệng, rồi ai đó thu thập ghi chép lại những câu chuyện ấy, những sách ấy bao gồm nhưng không giới hạn: Báo cực truyện, Giao Châu ký của Triệu công, Giao Châu ký của Tăng công. Trong dòng chảy ấy có Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập. Khác với những sách khác, Việt điện u linh tập với cách viết có thiên hướng khoa học đã gây được sự chú ý, như kỳ thực nó là sách soạn lại từ nguồn tài liệu và những cuốn sách khác. Vào thời điểm giao thời giữa không khí phật giáo và nho giáo Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử lược ra đời. Việt sử lược căn cứ vào Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng hoặc (có thể là) Việt điện u linh tập hoặc các tài liệu tương tự (khả năng này xảy ra lớn hơn) để khi viết về Tăng Cổn, đã quả quyết chép (suy luận) rằng: Thượng thư Tăng soạn Giao Châu ký. Đến khi Cao Hùng Trưng soạn An Nam kỷ yếu thì cũng thực hiện tương tự như tác giả của Đại Việt sử lược từng làm và cũng phán đoán rằng: Tác giả Giao Châu ký của Triệu công là Triệu Xương (nhưng không chắc chắn) nên khi viết tiểu sử, mới chép là Triệu Xương có soạn sách - Phủ chí (chứ không phải Giao Châu ký).

3. Chúng ta đã luận bàn xem Triệu Xương có phải là tác giả sách Giao Châu ký của Triệu công, tuy nhiên chưa thể có kết luận cuối cùng nào. Việc Triệu Xương có hay không là tác giả của sách Giao Châu ký của Triệu công có vai trò quan trọng. Nó trực tiếp xác nhận truyện Bố Cái đại vương Phùng Hưng chép trong Việt điện u linh tập là có thật.

Xét truyện Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, chúng ta thấy rằng: Cũng giống như phần lớn các truyện khác trong sách, truyện có bố cục gồm 2 phần lớn là: Phần tiểu sử về thần và Phần linh ứng.

Phần tiểu sử, trước hết sách thường dẫn nguồn tài liệu, sau đó trên căn cứ của các nguồn tài liệu sách dẫn về tiểu sử của các thần. Phần linh ứng, sách viết về việc hiển linh của các thần, sau cùng là phần xây dựng, tu sửa đền miếu, sắc phong cho các thần.

Vì chúng ta chưa thể khẳng định về tác giả sách Giao Châu ký của Triệu công, nên chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng: Trong truyện Bố Cái đại vương Phùng Hưng phần nào dẫn từ Giao Châu ký của Triệu công, phần nào do Lý Tế Xuyên thu thập. Giả như Triệu Xương là tác giả của Giao Châu ký của Triệu công thì khả năng từ đoạn “Thời Ngô chủ kiến quốc” đến hết truyện do Lý Tế Xuyên thu thập (viết). Còn từ đó trở về đầu truyện là dẫn từ Giao Châu ký của Triệu Xương. Chúng ta có thể khẳng định như vậy bởi căn cứ vào truyện Thần Bạch Hạc thì thấy sách Giao Châu ký của Triệu công cũng là sách chép truyện quái.

Về truyện Thần Bạch Hạc có thể xác định rất rõ ràng đâu là phần thuộc về sách Giao Châu ký của Triệu công. Hiện nay truyện được biết đến từ 3 nguồn tài liệu là bài Bạch Hạc thông thiên quán của Hứa Tông Đạo, Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp. Cả 3 sách này đều dẫn Giao Châu ký của Triệu công và đều dẫn giống nhau từ đầu truyện cho đến đoạn “vì thế Thổ Lệnh đứng ở đây”. Trong khi đó truyện Phùng Hưng, hiện mới chỉ biết được có mỗi sách Việt điện u linh tập dẫn lại Giao Châu ký của Triệu công, nên không thể so sánh đối chiếu được do đó buộc chúng ta phải xem xét kỹ văn cảnh. Giả như sách này của Triệu Xương thì căn cứ vào văn cảnh thì ít nhất là từ đoạn “An lên kế vị được hai năm” trở về sau là có sự can thiệp của người đời sau vào văn bản gốc (của Triệu Xương). Tất nhiên đó không nhất thiết phải là Lý Tế Xuyên, nhưng chúng ta có thể biết ít nhất một người có thể làm việc đó. Dẫu không thể biết được văn bản gốc sách Giao Châu ký của Triệu công nhưng căn cứ vào Việt điện u linh tập chúng ta có thể đặt giới hạn cho văn bản này. Hẹp nhất thì văn bản dừng ở đoạn “các thân tộc họ Phùng giải tán hết”, rộng nhất thì thêm chi tiết, Phùng Hưng chết, nhân dân tôn kính lập đền thờ, Bố Cái rất thiêng thường hay hiển linh.

Với giới hạn này chúng ta thấy được sự khác nhau căn bản giữa truyện về Phùng Hưng trong sách Giao Châu ký của Triệu Xương (Giả sử Triệu công là Triệu Xương) với sách Việt điện u linh tập, đó là: Truyện của Triệu Xương lấy sự kiện lịch sử làm trọng tâm, chuyện linh ứng của thần chỉ là phụ hoạ, trong khi truyện trong Việt điện u linh tập (và có thể là cả trong Giao Châu ký của Triệu công mà tác giả không phải là Triệu Xương) lại lấy việc linh ứng của thần là cốt lõi, còn tiểu sử của thần chỉ là dẫn nhập.

Chúng ta sẽ ứng xử với nhận xét này như thế nào? Nếu như Việt điện u linh tập viết truyện Bố Cái đại vương Phùng Hưng dựa trên sách Giao Châu ký của Triệu Xương thì câu hỏi đặt ra là: Một cuốn sách có giá trị tư liệu về lịch sử như Giao Châu ký được Triệu Xương viết về một sự kiện quan trọng vẫn được lưu hành vào thời Trần mà các tác giả (đương thời) của Đại Việt sử ký, Việt sử lược, An Nam chí lược lại không trích dẫn, tham khảo? Vì Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đã mất, song qua Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chúng ta biết được rằng: Ngô Sĩ Liên đã soạn sử trên cơ sở Đại Việt sử ký. Và không thấy Lê Văn Hưu nhắc tới Phùng Hưng cũng như sách Giao Châu ký của Triệu công. Việc Ngô Sĩ Liên khi viết về Phùng Hưng (phán đoán) phải dẫn Việt điện u linh tập (sử viết về Phùng Hưng trong Đại Việt sử ký toàn thư giống với truyện về Bố Cái đại vương trong Việt điện u linh tập) chứng tỏ Đại Việt sử ký không chép về Bố Cái đại vương. Việt sử lược dẫu có nhiều thăng trầm lưu lạc nhưng may mắn vẫn còn lưu hành, sách này cũng không có ghi chép gì về nhân vật Phùng Hưng.

Các cuốn sách này không chép về Bố Cái đại vương Phùng Hưng khó có thể nói là do tác giả của chúng không biết tới sách Giao Châu ký của Triệu công, khi cuốn sách vẫn còn tồn tại cùng thời với các tác giả và thậm chí còn được Việt điện u linh tập tham khảo, trích dẫn. Vậy đâu là lý do? Rõ ràng, vấn đề nằm ở bản thân sách Giao Châu ký của Triệu công! Qua bài Bạch Hạc thông thiên quán tương truyền của Hứa Tông Đạo khắc trên chuông năm 1239 (thời điểm sớm nhất biết tới sách Giao Châu ký của Triệu công) và tính trung thực của Lý Tế Xuyên có thể khẳng định: Tồn tại cuốn Giao Châu ký của Triệu công. Như vậy việc các tác giả cùng thời không chép về Phùng Hưng là do bản thân truyện Bố Cái đại vương trong sách Giao Châu ký của Triệu công. Lĩnh Nam chích quái cũng có dẫn Giao Châu ký của Triệu công nhưng không phải trong phần chính bản mà trong phần phụ bản, truyện Thần Bạch Hạc trong Lĩnh Nam chích quái được người đời sau thêm vào (có thể đã tham khảo từ các nguồn tương tự như Bạch Hạc thông thiên quán hay Việt điện u linh tập chứ không phải trực tiếp từ Giao Châu ký của Triệu công). Trong phần chính bản (22 truyện) cũng không thấy có truyện về Bố Cái đại vương, truyện về Phùng Hưng chỉ được người đời sau thêm vào trong phần phụ bản.

Như vậy, các sách chép về quái cho tới sử cho tới nửa quái nửa sử cũng đều không có ghi chép gì về Phùng Hưng trong mối liên quan với Giao Châu ký của Triệu công. Tất cả, dẫn chúng ta tới kết luận rằng: Đối với sử thì sách Giao Châu ký của Triệu công (được Việt điện u linh tập dẫn làm nguồn tham khảo) ít tính sử mà nhiều tính quái, đối với quái (cụ thể tiêu biểu là Lĩnh Nam chích quái) thì sách ấy lại ít tính quái hay tính quái chưa tầm phổ quát (22 truyện trong Lĩnh Nam chích quái toàn là những truyện mang tầm tộc truyền). Giao Châu ký của Triệu công về tính quái có khi xếp cùng với Báo cực truyện! Nhưng khi Giao Châu ký của Triệu công được Lý Tế Xuyên sử dụng để viết truyện Bố Cái đại vương Phùng Hưng thì lại gây được sự chú ý. Đối với sử thì được sử dụng để soạn Đại Việt sử ký toàn thư, đối với quái thì Lĩnh Nam chích quái phải chép lại. Điều này chứng tỏ Lý Tế Xuyên đã can thiệp vào văn bản của Giao Châu ký của Triệu công mà sáng tác nên Bố Cái đại vương truyện! Truyện Phùng Hưng mang tính sử rất nhiều, dù không phải là Ngô Sĩ Liên thì bất kỳ ai khi tham khảo truyện này cũng bối rối trước khối lượng sử liệu. Như vậy, sử liệu về Bố Cái đại vương trong Giao Châu ký của Triệu công là không đáng kể, khiến Lê Văn Hưu, Lê Tắc, tác giả của Việt sử lược và thậm chí là cả tác giả của Sử ký là Đỗ Thiên cũng không bận tâm. Nhưng thông tin về Phùng Hưng trong Việt điện u linh tập khiến cho không chỉ Ngô Sĩ Liên mà cả chúng ta, cũng phải quan tâm. Một sự thay đổi đột ngột về khối lượng thông tin ấy (nếu có) diễn ra phải sau thời của Lê Văn Hưu và tác giả của Việt sử lược nhưng muộn nhất là khi Việt điện u linh tập xuất hiện, chúng ta có thể quy kết việc can thiệp vào văn bản sách Giao Châu ký của Triệu công cho Lý Tế Xuyên.

Lý Tế Xuyên đã dựa vào Giao Châu ký của Triệu công và thông tin về sử, trên cơ sở đó tạo nên Phùng Hưng như chúng ta thấy qua truyện Bố Cái đại vương trong Việt điện u linh tập.

Tiểu kết, chúng ta có thể rút ra vài ý kiến như sau:

- Chưa có kết luận cuối cùng về Triệu Xương có phải là tác giả sách Giao Châu ký của Triệu công.

- Truyện trong Việt điện u linh tập có 2 phần rõ rệt là phần sử và phần quái. Qua bài Bạch Hạc thông thiên quán (và tính trung thực của Lý Tế Xuyên) cho chúng ta biết: Tồn tại sách Giao Châu ký của Triệu công và sách này chép về quái.

- Giống phần lớn các truyện khác Bố Cái đại vương truyện cũng có 2 phần sử và quái. Nếu Triệu Xương có soạn Giao Châu ký và Việt điện u linh tập tham khảo trực tiếp từ sách ấy thì sách Giao Châu ký của Triệu Xương phải gây được sự chú ý của tác giả các sách: An Nam chí lược, Đại Việt sử lược, Việt sử lược và có thể cả Sử ký.

- Nhưng thực tế không tìm thấy dấu vết nào của Giao Châu ký của Triệu công trong các sách đã kể, đồng thời truyện Bố Cái đại vương trong Việt điện u linh tập lại gây được sự chú ý của các sử gia đời sau. Từ đó phán đoán rằng: Đã có sự thay đổi (can thiệp vào văn bản) khi Lý Tế Xuyên sử dụng Giao Châu ký của Triệu công để viết truyện Bố Cái đại vương trong Việt điện u linh tập.

- Giả thuyết: Lý Tế Xuyên sử dụng Giao Châu ký của Triệu công (sách vốn chép rất ít thông tin về Phùng Hưng); tài liệu dã sử và những thông tin lịch sử (trong các sách sử) để tạo soạn ra cuộc đời của nhân vật Phùng Hưng mà chúng ta thấy trong tác phẩm của ông.

Như vậy: Chúng ta không thể kết luận gì về tác giả sách Giao Châu ký của Triệu công, cũng như không chắc chắn Triệu Xương có soạn sách nào không? Chúng ta cũng có thể đặt giả thuyết rằng: Lý Tế Xuyên đã tạo soạn ra cuộc đời nhân vật Phùng Hưng trong tác phẩm của ông. Nếu vậy công việc của chúng ta bây giờ là xác định nhân vật Phùng Hưng lịch sử (nếu tồn tại) cũng như vai trò của ông (nếu có) trong cuộc tấn công phủ đô hộ của người An Nam năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791).

4. Liên quan tới cuộc tấn công phủ đô hộ ở An Nam năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791) dẫn tới việc đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết, chúng ta phải nhắc tới một nhân vật khác có tên Đỗ Anh Hàn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Đại Việt sử ký toàn thư và Việt điện u linh tập đều chép: “Phùng Hưng đánh Chính Bình mãi không được, mới dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân đến vây phủ: Chính Bình vì lo sợ mà chết”. Như vậy theo sử Việt thì Phùng Hưng là thủ lĩnh người An Nam tấn công phủ đô hộ, còn Đỗ Anh Hàn có thể là quân sư.

Đi xa hơn, trong Một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường của tác giả Phạm Lê Huy thì: “Qua những phân tích trên, chúng ta có thể có một cách giải thích khác các nghiên cứu trước đây về Đỗ Anh Hàn. Đỗ Anh Hàn là một thủ lĩnh địa phương sống cùng châu Đường Lâm với Phùng Hưng. Có thể Đỗ Anh Hàn đã theo về với Phùng Hưng trong quá trình anh em họ Phùng thu phục các hương ấp xung quanh. Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Đỗ Anh Hàn đã có vị trí cao trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa”. Như vậy Đỗ Anh Hàn vốn không phải là quân sư của Phùng Hưng, mà cũng là một hào trưởng, một thủ lĩnh giống như Phùng Hưng. Nhưng sau theo về cùng với Phùng Hưng. Tác giả đã tham khảo sách sử, từ đó giới thiệu chi tiết nhân vật có tên là Đỗ Anh Sách. Man thư của Phàn Xước chép: “Thần (Phàn Xước) trộm biết, cố An Nam tiền Tiết độ sứ Triệu Xương, sửa sang việc Giao Chỉ tổng cộng 13 năm, đến nay vẫn để lại lòng ái ngưỡng nơi các bậc bô lão, làm cho trong cõi vô sự. Khi đó, (Triệu Xương) lấy Đô áp nha Đỗ Anh Sách làm Chiêu thảo phó sứ, nhập viện phán án, mỗi tháng cấp cho lương tiền 70 quan; lấy kỳ khách Trương Chu làm An Nam Kinh lược phán quan, sau lại cử Trương Chu làm Đô hộ”. Khi giải thích việc sử phương bắc chỉ biết tới Đỗ Anh Hàn mà không có ghi chép gì về Phùng Hưng, Phạm Lê Huy gợi ý chúng ta tham khảo trường hợp của Đỗ Anh Sách, theo đó Đỗ Anh Sách là quan quân dưới trướng của đô hộ Triệu Xương, Trương Chu, giả thuyết rằng: Rất có thể Đỗ Anh Hàn cũng từng có thời gian hợp tác [tác giả dẫn thêm từ “phản”] với chính quyền đô hộ, dó đó mà chính quyền phương bắc biết tới Đỗ Anh Hàn. Một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường viết: “Việc các nguồn tư liệu Trung Quốc chỉ chép về Đỗ Anh Hàn cho thấy chính quyền đô hộ biết đến Đỗ Anh Hàn nhiều hơn Phùng Hưng. Nếu tham khảo thêm trường hợp của Đỗ Anh Sách, nhiều khả năng giống như Đỗ Anh Sách, Đỗ Anh Hàn cũng đã có quá trình ra làm việc cho chính quyền đô hộ. Như ta thấy, các tư liệu Trung Quốc đều viết rằng Đỗ Anh Hàn đã “phản” lại nhà Đường”. Giải thích cho việc vì sao một thủ lĩnh được các nguồn sử liệu Trung Quốc nhấn mạnh như Đỗ Anh Hàn lại biến mất đột ngột như vậy, tác giả dẫn Tân Đường thư rằng: Đỗ Anh Hàn đã bị chết. Phạm Lê Huy viết: “Ít nhất là theo Tân Đường thư, thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn đã bị giết trong khi cuộc khởi nghĩa đang nổ ra. Điều này tương ứng với một sự kiện ghi chép trong VĐUL. VĐUL cho biết: khi Phùng Hưng định bao vây phủ thành đô hộ, Cao Chính Bình đã đem quân dưới trướng tấn công lực lượng khởi nghĩa nhưng không thành công. Có lẽ Đỗ Anh Hàn đã bị giết trong cuộc chiến đấu này”. Tuy nhiên khi xem xét có mấy điểm chúng ta cần lưu ý:

Sách Cựu Đường thư và Tư trị thông giám không ghi chép Đỗ Anh Hàn bị giết, mà chỉ chép Cao Chính Bình lo lắng mà chết. Thật vậy, Cựu Đường thư chép: “Mùa hạ, tháng 4 (lược 1 đoạn) Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”. Và Tư trị thông giám chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa hạ tháng 4, bọn Quần Man tù trưởng Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết. Quần Man nghe tin đó đều hàng”. Chỉ có Tân Đường thư chép: “Tháng 4, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản. Giết”.

Chúng ta chưa biết kết cục của Đỗ Anh Hàn ra làm sao nhưng theo như Hán sử thì Đỗ Anh Hàn mới là người thủ lĩnh cầm đầu người An Nam vây, tấn công đô hộ phủ khiến Cao Chính Bình lo lắng mà chết, chứ không phải là Phùng Hưng. Phản biện có thể đưa ra lời giải thích của Phạm Lê Huy là: Do trước đó Đỗ Anh Hàn có thể đã từng hợp tác với chính quyền phương bắc nên các sử gia Hán chỉ biết tới Đỗ Anh Hàn, nên trên thực tế Phùng Hưng mới là người vây, tấn công phủ nhưng mọi sự kiện xảy ra đều quy cho Hàn hết (nếu vậy thì Tân Đường thư chép là Hàn chết thì trên thực tế Hưng mới là người chết). Có thật là như vậy không? Các sách Hán sử đặc biệt là Cựu Đường thư không ghi chép gì về việc Triệu Xương dùng binh đánh nhau với Đỗ Anh Hàn (hoặc Phùng Hưng). Việc Tân Đường thư chép là “giết” chỉ là cơ sở cho chúng ta suy luận rằng Triệu Xương có dùng binh đánh nhau với Đỗ Anh Hàn, chứ việc giết Đỗ Anh Hàn không nhất thiết phải dụng binh. Ngoài việc đặt câu hỏi: Tại sao Đỗ Anh Hàn đột ngột biến mất? Chúng ta cũng cần quan tâm tới câu hỏi tưởng chừng như đã có câu trả lời: Tại sao Phùng Hưng không được biết đến? Có đúng là chính quyền phương bắc chỉ biết tới Đỗ Anh Hàn mà không biết tới Phùng Hưng?

Đỗ Anh Hàn và Phùng Hưng đều là hào trưởng ở Đường Lâm, Đường Lâm thời điểm năm 791 là vùng đất nằm dưới sự quản lý lỏng lẻo của nhà Đường (vùng châu kiểu ki mi), chính quyền quản lý dân chúng thông qua hào trưởng địa phương với quan hệ cống nạp. Như vậy trong trường hợp này Hào trưởng có vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền và xã hội nên không có cơ sở nào để khẳng định chính quyền tại An nam đô hộ phủ chỉ biết về Đỗ Anh Hàn mà không biết gì về Phùng Hưng. Lại thêm nếu đúng Phùng Hưng là người vây và tấn công phủ, cũng như Phùng An nối ngôi sau bị Triệu Xương dụ hàng thì: Trước hết Phùng Hưng gây được sự chú ý hơn rất nhiều so với Đỗ Anh Hàn, sau cùng chính Triệu Xương chứ không phải ai khác biết rõ sự việc nhất. Điều thú vị là: Triệu Xương không làm đô hộ ở An Nam 1 lần mà làm tới những 2 lần. Đặc biệt khi Triệu Xương thôi chức đô hộ để trở về bắc, Triệu Xương đã được vua Đường vời đến hỏi chuyện ở An Nam khi sự kiện Vương Quý Nguyên dùng binh đuổi Bùi Thái, Triệu Xương còn kể rõ ràng ở tuổi ngoài 70, vua lấy làm lạ.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Năm Quý Mùi (803). (Đường, năm Trinh Nguyên thứ 19). Tháng 12, nhà Đường lại cử Triệu Xương sang làm đô hộ.

Theo Đường thư, bấy giờ Triệu Xương về triều làm tế tửu chưa được bao lâu, bộ tướng Giao Châu đánh đuổi Bùi Thái. Đức Tông vời Triệu Xương tới để hỏi tình hình. Triệu Xương bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tâu bày rõ ràng không lẫn; Đức Tông lấy làm lạ, lại cử sang làm đô hộ. Khi tờ chiếu đến nơi, người Giao Châu cùng nhau mừng rỡ; quân làm phản liền yên ngay”.

Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: Nếu thực sự Phùng Hưng vây, tấn công phủ đô hộ thì chính quyền phương bắc chắc chắn sẽ biết. Thế nhưng sử phương bắc lại không có ghi chép gì, điều đó cho phép chúng ta suy luận: Thủ lĩnh người An Nam tấn công phủ, khiến đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết, như Hán sử đã ghi chép rõ ràng là Đỗ Anh Hàn chứ không phải là Phùng Hưng, tất nhiên suy luận này không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của Phùng Hưng.

Khi xem xét sách Tư trị thông giám, Tân Đường thư, Cựu Đường thư chép về sự kiện Đỗ Anh Hàn tấn công phủ đô hộ, thì thấy rằng: Thông tin giống nhau, không có sự việc nào mới, do đó có thể đoán rằng: Hai sách Tân Đường thư và Tư trị thông giám đã tham khảo tài liệu từ Cựu Đường thư và không tham khảo được nguồn tư liệu nào khác có thông tin nhiều hơn Cựu Đường thư. Tân Đường thư, Truyện Triệu Xương chép: “Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng chuyện đó mà chết. Thăng Triệu Xương làm An Nam Đô hộ. Các bộ lạc Di đều quay về với triều đình, không dám nổi dậy nữa” và Tư trị thông giám chép: “Chính Bình lo lắng mà chết. Quần Man nghe tin đó đều hàng”. Như vậy vào tháng tư mùa hạ, Đỗ Anh Hàn tấn công phủ, Cao Chính Bình lo lắng mà chết, Triệu Xương được thăng làm An Nam đô hộ, các bộ lạc di đều quay về với triều đình (hàng). Chúng ta không biết các quần man này hàng triều đình là do sau khi đánh nhau và bị thua Triệu Xương hay là bị Triệu Xương dụ hàng. Theo văn ngữ của Tư trị thông giám thì quần man đều hàng là do nghe tin Cao Chính Bình lo lắng mà chết, thực chất là đều hàng do nghe tin Triệu Xương làm đô hộ. Thêm đó, khoảng tháng tư, Đỗ Anh Hàn tấn công phủ, trong cùng năm Triệu Xương được làm đô hộ (theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì là tháng 7) như vậy thời gian là khá ngắn cho việc dụng binh của nhà Đường từ phương bắc xuống An Nam, cũng có thể tại An Nam vẫn còn quân binh nhà Đường, nên Triệu Xương không cần kéo quân từ bắc xuống. Việc Cao Chính Bình lo lắng mà chết, cũng cho thấy Đỗ Anh Hàn đã vây phủ trong một thời gian, chứ không phải là một cuộc tấn công chớp nhoáng, như thế có khả năng quân nhà Đường ở phủ đô hộ vẫn còn. Như vậy chúng ta có thể đoán rằng: Vào khoảng tháng 4, Đỗ Anh Hàn vây và tấn công phủ, Cao Chính Bình cố thủ, lo lắng quá mà chết. Nhà Đường nhận được tin, phong Triệu Xương làm An Nam đô hộ, Triệu Xương tiếp quản phủ, chống cự với Đỗ Anh Hàn, đồng thời chiêu dụ, do đó quần man đều hàng. Tuy rằng Tân Đường thư chép rằng Đỗ Anh Hàn bị giết, nhưng thông tin này chưa chắc đã đúng vì Đỗ Anh Hàn là thủ lĩnh của quần man, Triệu Xương sẽ không dại gì giết đi người này, bởi giết Đỗ Anh Hàn sẽ khiến cho quần man vừa hàng sẽ làm loạn lên.

Việc ghi chép về nhân vật Phùng Hưng trong Việt điện u linh tập dẫn lại Giao Châu ký của Triệu công cũng như những tài liệu trong dân gian, thì rất có thể tồn tại nhân vật Phùng Hưng, ông có khả năng là một hào trưởng của một vùng ở Đường Lâm, khi Đỗ Anh Hàn khởi binh, ông đã tham gia. Có thể Phùng Hưng đã chết trong một trận đánh nào đó năm 791 và người đời thương tiếc đã lập đền để thờ, lưu truyền những câu chuyện về ông, theo thời gian những câu truyện ấy bị thay đổi và cho đến Lý Tế Xuyên thì như chúng ta đã thấy.

Tiểu kết, chúng ta rút ra vài ý kiến sau:

- Có bằng chứng cho thấy, triều đình phương bắc biết rõ các sự kiện diễn ra ở An Nam năm 791, tuy nhiên Hán sử lại không có ghi chép gì về nhân vật Phùng Hưng, thêm vào đó là những kết luận về Bố Cái đại vương trong những tiểu kết trước, cho phép chúng ta khẳng định: Phùng Hưng không phải là thủ lĩnh của người An Nam tấn công phủ đô hộ năm Nguyên Trinh (năm 791).

- Người thủ lĩnh An Nam đó, không ai khác chính là Đỗ Anh Hàn và chưa chắc Đỗ Anh Hàn đã bị giết như trong Tân Đường thư chép.

- Đỗ Anh Hàn vây và tấn công phủ, Triệu Xương được cử là An Nam đô hộ, có thể Triệu Xương đã chiêu dụ quần man và Đỗ Anh Hàn đã không làm phản nữa. Phùng Hưng có thể có thật và có thể đã tham gia cuộc khởi binh năm 791 với tư cách là tướng lĩnh dưới quyền Đỗ Anh Hàn, ông có thể bị chết trong cuộc chiến.

5. Chúng ta sẽ tìm hiểu về bối cảnh của cuộc khởi binh năm 791. Chúng ta biết rằng năm 602 Giao Châu dưới sự cai trị của Lý Phật Tử bị mất bởi nhà Tuỳ, năm 622 Giao Châu chính thức thuộc Đường, Khâu Hoà là quản lý cao nhất tại An Nam.

Trong một bài viết về Đường Lâm quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền của nhóm tác giả Trần Ngọc Vượng, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương. Đã đặt giả thuyết về quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền là một Đường Lâm khác, chứ không phải là Đường Lâm ở Sơn Tây như chúng ta biết. Đường Lâm khác ấy nằm ở khu vực Thanh Hoá ngày nay.

Cựu Đường thư chép: “Đạo Lĩnh Nam, châu Phúc Lộc: Đất đai phong tục giống với đất quận Cửu Chân, sau bị người Sinh Liêu chiếm. Năm thứ ba niên hiệu Long Sóc (663), Trí Châu Thứ sử Tạ Pháp Thành chiêu dụ bảy nghìn lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu. Năm Tổng Chương thứ hai (669), đặt ra châu Phúc Lộc để cai trị họ. Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo đầu tiên (742), đổi làm quận Phúc Lộc. Năm thứ hai niên hiệu Chí Đức (757), đổi làm quận Đường Lâm. Năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên (758), đặt lại làm châu Phúc Lộc. Lĩnh hai huyện, không tính số hộ, người và số dặm đường đến hai kinh đô, bốn phía đến châu quận. Nhu Viễn: sở trị của châu, cùng lập ra với châu, vốn tên là An Viễn, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức, đổi tên là Nhu Viễn vậy. Đường Lâm.”

Tân Đường thư chép: “Quận Đường Lâm của châu Phúc Lộc, vốn là quận Phúc Lộc, năm thứ hai niên hiệu Tổng Chương (669), Trí Châu Thứ sử là Tạ Pháp Thành chiêu dụ hơn bảy nghìn lạc người thổ Côn Minh, Bắc Lâu, cho nên đất Đường Lâm đặt ra. Năm đầu tiên niên hiệu Đại Túc đầu tiên  đổi tên là châu An Vũ, năm thứ hai niên hiệu Chí Đức (757) đổi thành quận đặt tên là Đường Lâm, năm đầu tiên niên hiệu Càn Nguyên (758), đặt lại tên châu như cũ. Đồ cống nạp của đất này: bạch lạp, tử cốc. Ba trăm mười bảy hộ. Ba huyện: Nhu Viễn, vốn là huyện An Viễn, năm Chí Đức thứ hai đổi tên; Đường Lâm, đầu thời Đường lấy hai huyện Đường Lâm, An Viễn đặt ra châu Đường Lâm, sau châu, huyện đều bỏ, đổi đặt lại; Phúc Lộc.”

“Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai. Lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất quận Nhật Nam vậy.” Theo sách Cựu Đường thư thì trước năm 669, lạc dân thổ Côn Minh, Bắc Lâu hoàn toàn độc lập với nhà Đường, năm 669 họ bị chiêu dụ cai trị với cơ sở hành chính là châu Phúc Lộc. Trên phương diện chính quyền thì là cai trị, nhưng trên phương diện của lạc dân thổ thì họ vẫn hoàn toàn tự chủ, chính quyền cử đại diện của họ (là Thứ sử) để liên lạc với lạc dân thổ thông qua hào trưởng của lạc dân thổ, quan hệ giữa chính quyền với hào trưởng là quan hệ cống nạp chứ không phải là thuế, nghĩa là họ quản lý gián tiếp chứ không phải trực tiếp chúng dân (trên phương diện của chính quyền).

Năm 687 tại An Nam có cuộc khởi binh lớn của Lý Tự Tiên và Đinh Kiên, khiến đô hộ Lưu Diên Hựu chết. Cuộc khởi binh này có nguyên nhân “Theo Đường thư, trước kia, đám người Lý hằng năm nộp tô có một nửa số đã quy định. Diên Hựu bắt phải nộp cả số ấy. Mọi người đều oán, mưu định cùng nhau dấy loạn” (Khâm định Việt sử thông giám cương mực) do thực hiện sai chính sách thu thuế các hộ Lý, như vậy ít nhất là trước năm 687, các hộ Lý vẫn được hưởng chính sách thuế của chính quyền là chỉ phải đóng một nửa so với quy định, đây rõ ràng là một chính sách cai trị mền dẻo và khôn khéo. Theo những nghiên cứu của Phan Huy Lê về Mai Thúc Loan thì năm 713 Mai Hắc Đế khởi binh tiến đánh phủ đô hộ, dành độc lập gần 10 năm. Đến năm 766, quân Côn Luân, Chà Bà tấn công An Nam, Kinh lược sử Trương Bá Nghi phải cầu binh đô uý Vũ Định tên Cao Chính Bình. Năm 768 nhà Đường đổi tên đất An Nam. Cuối cùng năm 791 Đỗ Anh Hàn tấn công phủ đô hộ. Như vậy, Đường Lâm quê của Đỗ Anh Hàn rất có thể là đất Đường Lâm mà Tạ Pháp Thành chiêu dụ được lạc dân thổ quy thuận nhà Đường. Tư trị thông giám chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng”. Đây được cho là lý do cho cuộc khởi binh của Đỗ Anh Hàn, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý của nhà Đường từ chính sách cống nạp sang chính sách thuế, chúng ta không biết việc biến chuyển này diễn ra khi nào. Nhưng với chính sách khôn khéo của chính quyền đô hộ thì nếu có thì chính sách ấy sẽ thường được thực hiện ở những nơi phụ thuộc sâu, tiếp đó mới đến những nơi lệ thuộc lỏng lẻo. Thế nhưng sự phản ứng đầu tiên lại diễn ra ở những nơi có sự quản lý lỏng lẻo (vùng lãnh thổ ki mi). Như vậy, chúng ta có thể giả thuyết rằng không phải Cao Chính Bình đánh thuế nặng, mà nguyên nhân của cuộc khởi binh là do Cao Chính Bình bắt đầu bỏ chính sách cống nạp chuyển sang áp dụng chính sách thuế, làm quyền lợi của các hào trưởng bị ảnh hưởng, một mặt chính sách thuế giúp chính quyền trực tiếp quản lý dân chúng, nhưng cũng đồng thời làm cho vai trò của hào trưởng bị giảm đi rõ rệt đối với cả chính quyền và lạc dân thổ. Trong bối cảnh ấy, một cuộc khởi binh cũng hoàn toàn hợp lý. Đỗ Anh Hàn tuy là hào trưởng, nhưng dẫu sao cũng chỉ là thủ lĩnh của đất Đường Lâm, sự ảnh hưởng của ông cùng lắm thì vươn tới các châu lân cận, chứ không ảnh hưởng được đến toàn cõi An Nam, do vậy dù có chiếm được phủ đô hộ đi nữa thì cũng chưa chắc đã được sự ủng hộ cũng như có thể cai trị được toàn cõi An Nam, nên khi Triệu Xương chiêu dụ và hứa đảm bảo hào trưởng vẫn quản lý vùng châu cũ thì khả năng Đỗ Anh Hàn sẽ đồng ý cao.

Sau khi Triệu Xương chiêu dụ được quần nam, có lẽ chính sách cống nạp vẫn được áp dụng ở Đường Lâm và các vùng đất ki mi. Tuy nhiên Triệu Xương đã đưa ra một giải pháp để quản lý các vùng đất ki mi là “địa phương hoá chính quyền” chính sách này một mặt giúp chính quyền có thể can thiệp trực tiếp vào dân (nghĩa là loại bỏ dần vai trò của hào trưởng) biến hào trưởng dần trở thành người giúp việc (hợp tác) cho chính quyền, làm mất đi tính tự chủ của hào trưởng và do đó là của vùng lãnh thổ, thế nhưng chính sách này có 2 ảnh hưởng rất lớn theo chiều hướng xấu đối với chính quyền.

Man thư chép: “Khi đó (Triệu Xương) lấy Đô áp nha Đỗ Anh Sách làm Chiêu thảo phó sứ, nhập viện phán án, mỗi tháng cấp cho lương tiền 70 quan; lấy kỳ khách Trương Chu làm An Nam Kinh lược phán quan, sau lại cử Trương Chu làm Đô hộ”.

Đường hội yếu chép: “[Nguyên Hòa thứ 4 (809)] Tháng 9 năm ấy, bọn An Nam Đô tri Binh mã sứ kiêm Áp nha An Nam Phó đô hộ Đỗ Anh Sách 50 người làm bản tấu lên triều đình nêu chính tích của bản quản Kinh lược Chiêu thảo xử trí đẳng sứ kiêm An Nam Đô hộ Trương Chu kể từ khi đến nhậm chức”.

Theo Cựu Đường thư Bùi Hành Lập được cử sang làm An Nam Đô hộ, bản quản Kinh lược Chiêu thảo sứ năm Nguyên Hòa thứ 8 (813). Và Tân Đường thư chép khi một người Lâm Ấp tên là Lý Lạc Sơn làm phản Hoàn Vương đến cầu viện binh, để lấy lòng Hoàn vương, Hành Lập đã sai “bộ tướng” Đỗ Anh Sách chém Lý Lạc Sơn.

Như vậy là sau cuộc khởi binh năm 791 của Đỗ Anh Hàn, Triệu Xương được cử làm An Nam đô hộ, Triệu Xương đã cất nhắc một người bản xứ tên là Đỗ Anh Sách, để dưới trướng. Đỗ Anh Sách tiếp tục giữ chức quan trọng dưới thời đô hộ Trương Chu và Bùi Hành Lập (813). Ngoài Đỗ Anh Sách còn có Phạm Đình Chi là người cùng thời, cùng quan đô hộ. Một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường: “Phạm Đình Chi là một tù trưởng miền núi (khê động hào) được Đô hộ Bùi Hành Lập sử dụng cùng thời với Đỗ Anh Sách. Phạm Đình Chi thường xin Bùi Hành Lập nghỉ để đi tắm nhưng không quay lại đúng hẹn. Sau nhiều lần như vậy, Bùi Hành Lập lấy quân pháp xử phạt, đem giết Phạm Đình Chi, sau đó lại chọn trong số bọn tử đệ của Diên Chi một người để thay thế. Qua đó, chúng ta biết được rằng, giống như Đỗ Anh Sách, Phạm Đình Chi cũng bị ràng buộc phải có mặt ở trị sở của An Nam Đô hộ”.

Tư trị thông giám chép: “[Năm Nguyên Hòa 14 (819)] Mùa đông tháng 10, Dung quản [Kinh lược sứ] tấu An Nam tặc là Dương Thanh hạ Đô hộ phủ (An Nam đô hộ phủ trị tại Giao châu) giết Đô hộ Lý Tượng Cổ và vợ con, quan thuộc, bộ khúc hơn 1000 người. Tượng Cổ là anh của Đạo Cổ. Do tham lam, hà khắc nên để mất lòng người. Thanh nhiều đời làm tù trưởng người Man. Tượng Cổ gọi về làm nha tướng. Thanh u uất, bất đắc chí. Tượng Cổ sai Thanh dẫn 3 nghìn quân đánh Hoàng Động Man. Thanh nhân lòng người phẫn uất, dẫn quân ban đêm tập kích phủ thành, hạ thành”.

Cũng giống như Đỗ Anh Sách, Dương Thanh làm nha tướng dưới thời đô hộ Lý Tượng Cổ, Thanh nhiều đời làm tù trưởng người Man, do có sức ảnh hưởng lớn nên để kiềm chế, Lý Tượng Cổ đã gọi về cho làm nha tướng.

Đường hội yếu chép: “[Khai Thành] Năm thứ 4 (839) tháng 11, An Nam Đô hộ Mã Thực tấu: “An Nam Kinh lược Áp nha kiêm Đô tri Binh mã sứ Đỗ Tồn Thành cai quản 4 hương thiện lương, xin cấp cho 1 quả ấn. 4 hương này là hương người Lão, Đỗ Tồn Thành kế nghiệp quản hạt từ đời tổ phụ. Đinh khẩu, phú thuế của 4 hương này có khác so với một quận. Vì Man di không biết viết chữ, khó lấy gì làm bằng. Trước đây, khi thu thuế, Đỗ Tồn Thành lấy gỗ khắc ấn dùng tạm. Phục xin triều đình cấp 1 quả ấn cho Đỗ Tồn Thành sử dụng”. Chiếu sắc chấp thuận”.

Tư trị thông giám chép: “Mùa hạ, tháng 6 Quí Sửu (861) lấy Diêm châu Phòng ngự sứ Vương Khoan làm An Nam Kinh lược sử. Lúc đó, Lý Hộ làm Vũ châu mục, tập hợp thổ quân đánh quần Man, lấy lại được An Nam. Triều đình trách việc làm thất thủ An Nam của Lý Hộ, biếm làm Đam châu Ty hộ. Hộ lúc mới đến An Nam, giết Man tù trưởng Đỗ Thủ Trừng. Bọn tông đảng bèn dẫn quần Man chiếm Giao Chỉ. Triều đình thấy họ Đỗ cường thịnh, muốn o bế, thu lấy lực lượng đó để sử dụng, bèn truy tặng cho bố của Thủ Trừng là Tồn Thành chức Kim ngô tướng quân, lại nêu lên tội giết Thủ Trừng của Hộ, đày Hộ sang Nhai châu”.

Cha con Đỗ Tồn Thành và Đỗ Thủ Trừng thực sự đã làm chủ vùng đất từ thời cha ông để lại, họ cũng hợp tác với chính quyền đô hộ. Man thư chép: “Ngày 6 tháng 6 năm Hàm Thông thứ 4 (863) Man tặc hơn 4000 nghìn người, 2 nghìn người dưới trướng của thảo tặc Chu Đạo Cổ cùng chèo thuyền nhỏ mấy trăm chiếc đánh lấy Quận châu. An Nam Đô Áp nha Trương Khành Tông, Đỗ Tồn Lăng, Vũ An châu Thứ sử Trần Hành Dư lấy chiến thuyền lớn mười mấy chiếc, đánh chìm ba mươi mấy thuyền của Man tặc”. Và

“Trước đây, các đời Kinh lược sứ thường niệm tình thân thuộc, tấu xin cho bọn nguyên tùng, áp nha làm thứ sử, thần e rằng không ổn. Thần (Phàn Xước) trộm biết, cố An Nam tiền Tiết độ sứ Triệu Xương, sửa sang việc Giao Chỉ tổng cộng 13 năm, đến nay vẫn để lại lòng ái ngưỡng nơi các bậc bô lão, làm cho trong cõi vô sự. Khi đó, (Triệu Xương) lấy Đô áp nha Đỗ Anh Sách làm Chiêu thảo phó sứ, nhập viện phán án, mỗi tháng cấp cho lương tiền 70 quan; lấy kỳ khách Trương Chu làm An Nam Kinh lược phán quan, sau lại cử Trương Chu làm Đô hộ. Từ khi Lý Tượng Cổ nhậm chức An Nam Kinh lược sứ, tự ý tham lam tàn hại, dẫn đến việc động binh. Tiếp đó lại có Lý Trác háo sát, làm cho sinh linh chịu hại. Nếu không phải do người trưởng lại, thì làm sao có chuyện người ta làm càn”.

Như vậy là kể từ thời đô hộ Triệu Xương (năm 791) đến Kinh lược sử Thái Tập (năm 863). Các đô hộ tại An Nam đã sử dụng chính sách ‘chính quyền hoá địa phương’ một cách mạnh mẽ với mục đích trước mắt là giữ yên được An Nam, về lâu dài sẽ tạo cơ hội để can thiệp trực tiếp và đời sống xã hội của dân chúng mà không cần thông qua một nhóm, tầng lớp bản địa nào cả. Đây là một chính sách khôn khéo, tuy nhiên qua chính sách này cũng cho thấy bản thân chính quyền tại An Nam là yếu, bằng chứng là liên tiếp những cuộc phản loạn do bộ tướng người bản địa dưới quyền quan đô hộ thực hiện và đều thành công. Từ năm 863 trở về trước, khu vực trung tâm tại An Nam nằm dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền đô hộ, tuy nhiên những vùng xa trung tâm thì về cơ bản vẫn ở trạng thái tự trị (tất nhiên là có sự kiểm soát của chính quyền đô hộ). Đại diện cho những vùng ki mi ấy, là tầng lớp hào trưởng, tù trưởng (vốn là hệ thống quản lý xã hội được hình thành một cách tự nhiên của các vùng ki mi tự trị), trong mối quan hệ với chính quyền đô hộ họ đại diện cho quyền lợi của vùng ki mi đồng thời cũng là đại diện quyền lợi của chính bản thân tầng lớp, tất nhiên mối quan hệ ấy chẳng bao giờ là công bằng, dưới áp lực của chính quyền đô hộ họ hợp tác, trở thành công cụ để vươn dài sự ảnh hưởng của chính quyền phương bắc. Tuy nhiên, cũng chính từ sự hợp tác này (là một quá trình học tập và thực hành) đã tạo ra một nhóm những người bản địa có khả năng và có thể cai trị (tổ chức và điều hành chính quyền) một vùng đất lớn hơn vùng đất ki mi như toàn bộ An Nam (vùng gồm nhiều ki mi) chẳng hạn. Vấn đề còn lại là khi nào thì có cơ hội để nhóm người này thực hiện điều đó? Tất nhiên lịch sử cho thấy, đó là lúc chính quyền phương bắc suy tàn!

Tiểu kết, chúng ta có thể rút ta vài ý kiến sau đây:

- Đường Lâm quê hương cũng là nơi khởi binh của Đỗ Anh Hàn là một vùng ki mi tự trị, đô hộ Cao Chính Bình đã có những chính sách tác động đến sự quản lý của tù trưởng, làm phát sinh mâu thuẫn giữa chính quyền phương bắc mà đại diện là chính quyền đô hộ tại An Nam với tầng lớp tù trưởng, hào trưởng cũng như các lạc thổ dân tại các vùng ki mi tự trị, dẫn đến việc binh biến năm 791.

- Từ thời Triệu Xương năm 791 đến thời Thái Tập năm 863, các đô hộ áp dụng chính sách chính quyền hoá địa phương diễn ra mạnh mẽ, nó một mặt cho thấy sự bất lực của chính quyền đô hộ, cũng như kế hoạch khôn khéo nhằm loại bỏ một thế lực lớn (tầng lớp hào trưởng, tù trưởng) là đại diện và có thể tập trung được sức mạnh của dân bản địa. Mặt khác, nó tạo ra một nhóm người bản địa có khả năng và có thể tổ chức và điều hành xã hội của một vùng đất rộng lớn.

6. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem thời điểm Đỗ Anh Hàn khởi binh cho đến khi kết thúc cuộc khởi nghĩa là khi nào?

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khoảng niên hiệu Đại Lịch [766-779] đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương” và

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Khoảng năm Đại Lịch (766-779) nhà Đường, nhân thời buổi loạn lạc, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải đem quân uy phục được các ấp láng giềng, tự xưng là đô quân; Phùng Hải xưng là đô bảo. Khi bấy giờ chính sách của đô hộ là Cao Chính Bình, đánh thuế nặng lắm. Phùng Hưng đánh Chính Bình mãi không được, mới dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân đến vây phủ: Chính Bình vì lo sợ mà chết. Phùng Hưng vào ở trong phủ lạy, được ít lâu thì mất. Dân chúng lập con là An lên làm đô phủ quân, tôn Hưng làm Bố Cái đại vương”.

Như vậy theo Việt sử thì cuộc khởi binh diễn ra vào khoảng năm Đại Lịch (766-779) nhân thời buổi loạn lạc và kết thúc sau vài năm chiếm được phủ đô hộ (năm 791). Nhưng cụ thể là năm bao nhiêu?

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Mùi [767], (Đường Đại Tông Dự, Đại Lịch thứ 2). [Người] Côn Lôn , Chà Bà đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghi đắp lại La Thành” và Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Năm Đinh Mùi (767). (Đường, Đại Tông, năm Đại Lịch thứ 2). Nước Côn Luân, nước Chà Bà vào lấn cướp. Kinh lược sứ là Trương Bá Nghi đánh phá được; đắp La Thành. Theo sách An Nam kỷ yếu, Côn Luân và Chà Bà đánh hãm châu thành. Trương Bá Nghi cầu viện với đô úy quận Vũ Định là Cao Chính Bình. Viện binh đến đánh phá được quân giặc ở Chu Diên. Bá Nghi lại đắp La Thành”

Theo như Việt sử thì năm 767 liên minh Côn Lôn và Chà Bà lân cướp, Kinh lược sứ phải cầu cứu Đô uý châu Vũ Định, đây có thể được coi là sự kiện gây ra loạn lạc rõ ràng nhất ở An Nam, từ đó có thể cho rằng: Đỗ Anh Hàn cũng nhân sự kiện ấy mà khởi binh.

Thế nhưng các sách Hán sử lại không có một ghi chép nào về sự kiện Côn Lôn và Chà Bà lân cướp An Nam, Cựu Đường thư không, Tân Đường thư không và Tư trị thông giám cũng không. Đây rõ ràng là một việc khó hiểu! Trong khi chính Cựu Đường thư ghi nhận: Trong năm 640 và 768, Chà Bà có gửi các sứ giả sang dâng phẩm vật triều cống và Tân Đường thư ghi nhận: Giữa các năm 766 và 799, ba sứ giả từ Chà Bà đã đến Trung Hoa. Tuy rằng Khâm định Việt sử thông giám cương mục có dẫn sách An Nam chí nguyên nhưng e rằng sách này cũng chỉ được xếp cùng với Đại Việt sử ký toàn thư. Vì thế mà sự kiện Côn Lôn và Chà Bà tấn công An Nam năm 767 chưa chắc đã đúng như sách Việt sử chép.

Đường hội yếu chép: “Tháng 8 năm Nguyên Hòa thứ 4 (809), An Nam Đô hộ (Trương Chu) tấu: phá quân Hoàn Vương ngụy hiệu là Ái châu Đô thống hơn 30 vạn người, bắt được vương tử 59 người, khí giới, chiến thuyền, voi chiến. Tháng 9 năm ấy, bọn An Nam Đô tri Binh mã sứ kiêm Áp nha An Nam Phó đô hộ Đỗ Anh Sách 50 người làm bản tấu lên triều đình nêu chính tích của bản quản Kinh lược Chiêu thảo xử trí đẳng sứ kiêm An Nam Đô hộ Trương Chu kể từ khi đến nhậm chức. An Nam La thành trước đây do Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp. Khi đó, trăm họ giống như giặc cướp, (thành) chỉ cao có mấy thước, lại rất chật hẹp. Từ khi Trương Chu đến nhậm chức, nhân sau lúc nông nhàn, tấu xin xây cất thành mới. (Lược 1 đoạn) Đời Kinh lược sứ Bùi Thái trước đây thành trì Hoan, Ái bị Hoàn Vương Côn Lôn thiêu hủy cháy trụi cả. Từ sau khi Trương Chu đến nhậm chức, năm trước xây thành Hoan châu, năm ngoái đắp thành Ái châu. Thời Bùi Thái, không giữ quân thành, trong quân mất mát hết khí giới. Triệu Xương đến nhậm chức không được bao lâu lại quay về nhận chức ở Quảng châu. Từ khi Trương Chu đến nhậm chức, các đạo xin đến mua bán, mỗi tháng chế tạo 8 nghìn khí giới. [Mười] Bốn năm trở lại đây, tổng cộng làm được hơn 40 vạn. Ở hai bên tả hữu Đại sảnh, lập Giáp trượng lâu 40 gian để cất giữ (khí giới). Khi giặc rợ An Nam đến cướp, khó lợi về mặt chiến đấu. (Vì) Trước đây chiến thuyền có không quá mười mấy chiếc, lại rất chậm chạp, không thể tiếp cận được thuyền giặc. Trương Chu tự mình suy nghĩ, chế ra Mông đông thuyền hơn 400 chiếc. Mỗi thuyền có 25 lính, 32 tay chèo, 1 cỗ máy nỏ, 1 cỗ lưỡng cung nỗ. Mái chèo đưa ra từ trong thuyền, khi muốn quay thuyền thì (tay chèo) quay lưng lại, đi lại như bay. Sắc chỉ lệnh chuyển bản tấu cho sở ty”.

Như vậy là thời Trương Bá Nghi làm Kinh lược sứ, trăm họ ở An Nam giống như giặc cướp, nên Bá Nghi đã phải đắp La thành.

Cựu đường thư chép: “Phó sứ nước ấy là Triều Thần Trọng Mãn mộ phong tục của Trung Quốc, nhân đó ở lại không về, đổi họ tên là Triều Hành, làm quan trải các chức Tả bổ khuyết-Nghi vương hữu. Hành ở lại kinh sư 50 năm, ưa đọc sách truyện, khi bị đuổi về nước cũng ở lại không đi. Năm Thiên Bảo thứ 12 (năm 753), (Nhật Bản) lại sai sứ sang cống. Giữa những năm Thượng Nguyên (năm 760-761), lấy Hành làm Tả tán kị thường thị-Trấn Nam đô hộ” và “Năm vĩnh thái thứ hai (năm 766) (…) tháng 2 (…) nhâm thìn, đổi Trấn Nam đô hộ thành An Nam đô hộ như cũ” và “Năm đại lịch thứ hai (năm 767) (…) tháng 7 (…) Hàng châu thích sử Trương Bá Nghi làm An Nam đô hộ”.

Như vậy là năm 761 Triều Hành làm Trấn Nam đô hộ, tới năm 766 nhà Đường đổi Trấn Nam đô hộ thành An Nam đô hộ, năm 767 cử Trương Bá Nghi làm An Nam đô hộ, Trương Bá Nghi tới An Nam nhận thấy trăm họ ở đây như giặc cướp (có lẽ do thấy trăm họ bất tuân chính quyền đô hộ) nên đã chủ ý đắp La thành. Chúng ta phán đoán rằng: thời Triều Hành làm đô hộ, Đường Lâm còn tự chủ, mối ràng buộc với chính quyền đô hộ lỏng lẻo, khi Trương Bá Nghi tới, đã có những chính sách nhằm kiểm soát sâu hơn An Nam, việc này làm dân An Nam vốn bị ràng buộc tương đối lỏng lẻo đã làm loạn, các thế lực ở An Nam trở nên căng thẳng trong mối quan hệ với chính quyền của nhà Đường ở địa phương, mà đứng đầu là Trương Bá Nghi, trong đó có Đỗ Anh Hàn ở Đường Lâm, đến khi Cao Chính Bình làm đô hộ, áp đặt sâu hơn mà biểu hiện là chính sách thuế đã đẩy căng thẳng lên thành xung đột.

... CÒN TIẾP ...



VVM.21.11.2024 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .