N
hìn lại quá khứ, các lực lượng chính trị ở Việt Nam trong thế kỷ 20, đều có ý lảng tránh việc quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ và lý do tạo ra những hành vi có tính tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh (NVV), đặc biệt trong sự nghiệp lao động sáng tạo văn hóa của ông. Nói đúng hơn, họ chỉ quan tâm đến những hoạt động bề nổi của NVV, điều mà theo họ, nó có thể mang tới ảnh hưởng gì, lợi hay bất lợi đối với hệ tư tưởng của các lực lượng chính trị từng tìm cách thống trị đất nước An Nam. Do cách tư duy có tính đối lập đó, NVV đã từng bị coi là mối đe dọa tiềm tàng, liên quan đến sự hình thành tư tưởng tự do, bình đẳng của dân chúng. Vì vậy, những giá trị cốt lõi, những khả năng tạo ra sức mạnh tinh thần, trí tuệ, cho một xã hội, đối với họ, đã luôn bị bỏ qua. Những định kiến về tư tưởng chính trị với Nguyễn Văn Vĩnh trong quá khứ là một điều đáng tiếc, một nghìn lần đáng tiếc! Đây được xem như một sự mất mát đáng kể trong nhận thức của các thế hệ kế tiếp, khi nói về lịch sử phát triển văn hóa, tinh thần ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20, giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng, khi người Việt đang tìm cách thoát thai khỏi một xã hội cổ hủ, chuyển sang một nền văn minh phổ cập của thế giới hiện đại. Trong những đóng góp của NVV vào việc nâng cao dân trí và tính nhân văn của con người trong giai đoạn phôi thai, sự xuất hiện một tác phẩm văn học lừng danh thế giới:“Những Người Khốn Khổ” của Chính trị gia, Đại văn hào người Pháp Victor Hugo (1802-1885) được in bằng chữ Quốc ngữ, là một dấu ấn sâu đậm trong nhãn quan văn hóa của người dân Việt Nam. Vậy, động cơ nào đã thúc đẩy NVV dấn thân vào sự nghiệp khai sáng tráng lệ này?! Một thế kỷ qua, những người trân trọng, thấm thía cái vẻ đẹp tâm hồn của tinh thần văn hóa, đã giúp chúng tôi nhìn ra một cách khá toàn diện, lý do đã đưa NVV lao vào công cuộc canh tân, phổ biến những tinh hoa của nền văn minh nhân loại, thông qua con chữ, mở ra một chân trời mới, giúp những con người quanh năm đầu tắt mặt tối, ở một đất nước có tới 90% là nông dân, thoát khỏi cảnh u mê, bần hàn và lạc hậu. Tư chất của một trái tim nhân hậu Với lối suy nghĩ và những tư tưởng nhân đạo được tạo thành trong tâm hồn sau những cuộc bể dâu, V. Hugo cho rằng: “Bất hạnh làm nên con người, giàu sang tạo ra quái vật”. Vốn quan tâm sâu sắc tới mối quan hệ giữa công lý và phẩm giá con người, từ năm 1829 V. Hugo đã viết tiểu thuyết “Le Dernier Jour d’un condamné” (Ngày cuối cùng của một tử tù), một tác phẩm độc thoại, bào chữa chống lại án tử hình. 5 năm sau, năm 1834, ông viết tác phẩm“Claude Gueux”, một câu chuyện ngắn về một kẻ sát nhân. Tác phẩm như một sự tiên phong của loại hình tiểu thuyết nói về “Tội ác đích thực”. Ở đây, nó chứa đựng khá đầy đủ những suy nghĩ của V. Hugo về những bất công trong xã hội, mà mãi tận gần ba mươi năm sau, ông mới dùng để bổ sung vào cuốn tiểu thuyết “Những Người Khốn Khổ” của mình. Vẫn liên quan đến mối quan hệ giữa công lý và con người, năm 1845, V, Hugoviết một phần cuốn tiểu thuyết mà ông dự định đặt tên lúc đầu là “Les Misères” (Những nỗi khổ đau). Nhưng rồi ông lại ngừng viết cuốn tiểu thuyết này vào tháng 2/1848. Cùng giai đoạn đó, ông lại viết một tác phẩm khác có tên “Discours sur la misère” (Chuyên khảo về sự khốn cùng – 1849). Victor Hugo dùng trái tim khóc trọn một kiếp người “Những Người Khốn Khổ” được Victor Hugo thai nghén ban đầu với cái tên là “Les Misère” (Những nỗi khổ đau), nhưng rồi bản thảo ấy bị bỏ dở. Trong thời gian ông bị buộc đi đày, sau khi hoàn thành tác phẩm “Contemplations” (Suy ngẫm) năm 1856 và “La Légende des siècles” (Huyền thoại thế kỷ) năm 1859, V. Hugo đã quyết định viết hoàn chỉnh tiểu thuyết “Les Miserables – Những Người Khốn Khổ” và cho xuất bản vào năm 1862. Phải chứng kiến quá nhiều điều ngang trái trong xã hội, cùng những bất công trắng trợn trong hành xử giữa con người, V. Hugo đã luôn đau đáu một câu hỏi: “Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?” Chỉ từng đó thôi, chúng ta đã thấy sự ám ảnh của V. Hugo trước những nỗi thống khổ mà con người phải đối mặt, cùng những va chạm chứa đầy nỗi đắng cay trong cuộc sống, làm lắng đọng hơn cái tính nhân văn của thằng người, đặc biệt trong một xã hội bất công, và sự chà đạp đã trở thành lối sống biểu trưng của những kẻ có quyền lực. Còn với NVV, ông không chỉ hiểu Victor Hugo, mà ông còn hiểu cả cái nước Pháp ở cái thời của “ Les Miserables – Những Kẻ Khốn Nạn”. Để đồng thuận với nhận thức này, mời các bạn, đọc một đoạn tâm sự của NVV về những hiểu biết của mình với nước Pháp nói chung, và các danh nhân nói riêng, đã được Nguyễn Văn Tố (1889-1947) ghi lại, khi ông muốn chứng minh cái uyên thâm, cái nhận thức sâu rộng có tính bác học của Nguyễn Văn Vĩnh cả về văn học, văn hóa và tư chất của các bậc danh sĩ, một yếu tố giúp NVV thành công khi chuyển ngữ các tác phẩm từ Pháp văn ra tiếng Việt: Tạp chí “Hội Tương tác Giáo dục” 6/1936 (Trang 12), đoạn Nguyễn Văn Tố bàn về tính tư tưởng và những kỹ năng dịch ngoại ngữ của NVV, ông đã viết: “Sau hết, đối với Michelet, tác giả được ông (NVV-Bt) chỉ định dịch vài ba trang thôi. Chúng tôi xin trích những lời lẽ rất đáng nhắc lại của Nguyễn Văn Vĩnh: “Khi xem xét sự phong phú và tính đa dạng của từ vựng, vấn đề quan trọng chẳng kém chuyện thị hiếu, thường khi ta có xu hướng muốn đem Michelet so sánh với Victor Hugo. Nhưng Michelet-sử gia, là một con người đam mê, xốc nổi, con người chỉ căn cứ vào cảm xúc để nhanh nhẩu viết ra mọi điều. Trong khi Hugo-nhà thơ, lại là một con người luôn gây ấn tượng mạnh bằng thị giác, lại luôn luôn vẽ, và rất thường xuyên vẽ trong sự lạnh lùng…” Nguyễn Văn Tố chứng minh tiếp những kiến thức sâu sắc của NVV, khi đặt bút trong việc chuyển ngữ từ Pháp văn sang tiếng mẹ đẻ: Bàn về chuyện dịch La Fontaine của mình, đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh khuyên chúng ta đọc những công trình nghiên cứu có tính phê phán của ông G. Michaut (Paris, Hachette xuất bản, 1913-1914, hai tập), trong đó có những chỉ dẫn thú vị về nguồn gốc các bài thơ, những dấu vết của cảm hứng, chất liệu và những lần sửa sang, những thay đổi giọng điệu bài thơ và những dụng tâm về mặt triết học của tác giả. Vẫn theo Nguyễn Văn Tố, NVV không khi nào làm một việc gì đó trong cuộc đời mình để… cho hay, nói đúng hơn, mục đích của ông luôn rõ ràng. Chúng tôi xin chứng minh điều này qua ý kiến của một người hâm mộ Những Người Khốn Khổ, để thấy quan điểm này đúng đến mức nào: “Xét cho cùng, nơi nương náu cuối cùng của Jean Valjean (Giăng Văn Giăng-Bt) là ở đâu nếu không phải tự mình tìm kiếm lấy? Nguồn gốc của nỗi khốn khổ của Jean Valjean là gì và do đâu mà xuất hiện? Nó len lỏi trong thế giới những người nghèo, tầng lớp dưới như Fantine (Phăng Tin), Cossette (Cô zet) xuất hiện sau này thế nào đây? Đó chẳng phải chính là thành kiến của xã hội VN như Nam Cao từng phê phán trong “Chí Phèo” hay sao? Cái lối tư duy đầy tính triết lý của NVV khi chuyển ngữ “Les Miserables” sang tiếng Việt, ông đã chủ ý đặt là “Những kẻ khốn nạn”, đủ hiểu cái tâm trạng của ông về sự bần cùng là thế nào? Điều này dân chúng đã phải đợi tới gần chục năm sau, vào dịp người con trai thứ tư của ông là Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), nhân lần được trò chuyện với bố cùng nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971), mới có cơ hội chất vấn bố, rằng:“Vì sao thày lại dịch là ‘những kẻ khốn nạn’, mà không phải là ‘những người khốn khổ’?” NVV đã chống chế nhưng có lý, rằng:“Thày nói khốn nạn, là khốn khổ khốn nạn, chứ không phải là khốn nạn mất dạy!”. Đứa con trai đáng thương đã lấy hết can đảm, liều lĩnh để khẳng định với bố, rằng:“Con thấy để là ‘khốn khổ’ nó đỡ bị hiểu nhầm hơn là ‘khốn nạn’!” NVV tỏ thái độ tiếp thu, ông đã không tiện để khen con mình có tâm, có ý thức, với nhân sinh quan sâu sắc, nên ông đã kết thúc đề tài bằng câu mắng yêu với Nguyễn Nhược Pháp:“Sư bố anh, thế sao anh không cho thày biết từ sớm?!” (1) Một lần nữa, chứng kiến cái diễn biến bình dị này, chứng kiến cái tâm hồn của NVV, hậu thế không thể im lặng trước những nỗ lực phi thường của ông, khi ông đắm mình trong công cuộc khai sáng từ những thập niên đầu của thế kỷ trước. Đặc biệt, khi chúng ta nhìn vào việc ông đã lựa chọn chuyển ngữ ra tiếng Việt những tác phẩm kinh điển, của những danh nhân nổi tiếng thế giới như: Jean de La Fontaine, Vitor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas, Jean-Baptiste Poquelin (nghệ danh Molière)… để đưa đến cho đồng bào mình thông qua cái chữ viết là tiếng mẹ đẻ của họ, ta mới càng thấy sự đồng điệu của ông với các vị cao nhân, chính là sự gặp gỡ với những tư tưởng lớn lao, vĩ đại bậc nhất của nhân loại thời bấy giờ. Cuối cùng, có lẽ, chúng ta chỉ cần nhìn lại một lần nữa, cái sản phẩm trí tuệ trong cuộc đời dịch thuật của NVV“Les Miserables – Những Người Khốn Khổ”, đã đủ để nói lên tất cả những gì cần nói, về một con người đã được những người cùng thời vinh danh khi ông qua đời là: NGƯỜI CÔNG DÂN VĨ ĐẠI (2). Lịch sử văn minh của nhân loại đã khẳng định:“Những Người Khốn Khổ” là một tiểu thuyết sử thi, đã miêu tả được cả ba bức tranh chân thực của lịch sử nước Pháp, đó là trận Waterloo (1815), cuộc nổi dậy của những người cộng hòa ở Paris (1832), và cuộc chạy trốn trong cống ngầm của Jean Valjean (Giăng Văn Giăng) 1845. Tác phẩm đã miêu tả đầy đủ những xung đột dữ dội từ bên trong tâm hồn con người, giữa cái thiện và cái ác diễn ra trong nhân vật chính Jean Valjean, đó cũng là sự xung đột trong suy nghĩ của Javert (Gia Ve), trước sự tôn trọng luật pháp và sự tôn trọng đạo lý con người. Những nhân vật trong tác phẩm này, dường như không có ai thật sự xấu xa, họ là những kẻ bị hoàn cảnh đẩy đến đường cùng, và quan trọng hơn, là có cánh tay nào đưa ra cứu họ hay không? Bên cạnh tất cả những dấu ấn của “Những Người Khốn Khổ” tạo ra, đó còn là một tác phẩm tiểu thuyết xã hội, và cũng là một bài ca về tình yêu, là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp khi thể hiện tình yêu tổ quốc. NVV thật sâu sắc khi chuyển ngữ tác phẩm văn học vĩ đại này sang tiếng Việt! Kết Chúng tôi gặp bất lợi khi viết những dòng trên đây về một góc trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, khi xã hội vẫn giữ quan niệm,
là ‘mẹ hát con khen hay’. Nhưng bất chấp cả cái thực tế đầy tính áp đặt đó, chúng tôi tin rằng, sự thật về tài năng trí tuệ của NVV, là điều không
ai có thể nói khác được, nhất là nhìn vào tư tưởng, ý đồ và nguyện vọng của ông đối với nền dân trí nước nhà.
Chú thích:
Câu chuyện trong gia đình được Nguyễn Kỳ (con trai thứ 6) kể, và Nguyễn Lân Bình ghi lại.
Điếu văn của Phan Trần Chúc, Đại diện báo giới Bắc kỳ đọc trong tang lễ Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8/5/1936, tổ chức tại số nhà 107 Trần Hưng Đạo,
Hà Nội.
(Bài viết nhân ngày giỗ thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp 29/9 Âm lịch)
VVM.25.10.2024.