Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


HÀNH TRÌNH TÌM CÁCH PHÁ MÊ…
CHO THẦY, CỦA TÔI.

  


M ỗi người Phát tâm vào Đạo Phật đều có lý do khác nhau. Hoặc muốn Chứng Đắc. Hoặc bắt chước trong Kinh, chê thế gian là ô trược. Hoặc muốn Thành Phật. Hoặc để phụng sự cho Phật. Riêng tôi, trước khi chấp nhận Đạo Phật, tôi đã Phát Tâm đọc Kinh Phật, với mục đích là để phá Mê…. cho Thầy tôi !

Xin kể lại câu chuyện xảy ra cách đây đã gần 50 năm.

Còn nhớ Năm 1976, lúc đó mới Giải Phóng, tất cả Trường học, Cơ quan làm việc công hay tư đều đóng cửa, giải thể hết. Thời gian đó, mọi người đều thất nghiệp nên bạn bè thường xuyên tới lui gặp nhau để chuyện trò cho qua ngày đoạn tháng, vì chưa biết tình hình đất nước và công ăn việc làm rồi sẽ ra sao ? Trong những người bạn rảnh rang hay tới lui chơi nhà vợ chồng tôi, có một Giáo Sư Pháp Văn, dạy kèm cho con của một thầu khoán.

Theo lời ông Giáo Sư, Ông thầu khoán cũng thất nghiệp, nên cách vài hôm lại đi Chợ Tân Thành mua phụ tùng xe đạp, là xích, líp, bánh xe, ruột xe v.v.. về cho vợ bán. Lúc đó xăng rất khó khăn, nên xe đạp thịnh hành. Ai cũng cần phụ tùng để thay. Mặt khác, lúc đó mỗi gia đình phải có nghề gì đó để sinh sống, coi như có việc để làm. Nếu ở không thì coi như không có nghề nghiệp, sẽ bị địa phương chú ý !.

Ông giáo sư kể là ông thầu khoán khoe với ông là trong khi đi mua phụ tùng xe đạp thì có quen với một vị Thiền Sư. Vị này mới từ Huế vô Saigon sinh sống, cũng đi mua phụ tùng xe đạp về bày bán trước nhà. Vị Thiền Sư đó có Thần Thông, biết trước việc sắp xảy ra một cách chính xác, thì dụ như Cầu Trường Tiền sẽ bị sập nhịp thứ mấy, Chợ Đông Ba bị hư hại ra sao ? trong đó có cái chết của đôi vợ chồng Dược Sĩ có tiệm bán Thuốc Tây ở Huế. Dược Sĩ này lúc vô Sàigon học khá thân với chồng tôi, nên vợ chồng tôi tò mò, nhờ ông Giáo Sư giới thiệu với ông Thầu Khoán để nhờ ông này dắt đến nhà gặp Vị Thiền Sư.

Khi gặp vị Thiền Sư thì điều đầu tiên chúng tôi hỏi là về về hai vợ chồng Dược sĩ bất hạnh kia, sau đó là đủ thứ chuyện. Khi tôi hỏi lý do vì sao có thể thấy trước những điều sắp xảy đến, thì vị Thiền Sư cho biết là do Ngồi Thiền làm tôi cũng ngạc nhiên, thấy sao Đạo Phật có nhiều cái lạ lùng, trùng hợp với khoảng thời gian đó rảnh rang nên nhiều anh em chuyền tay nhau đọc một vài cuốn sách dịch của dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt dịch, nói về những chuyện huyền bí của Đạo Phật, làm ai cũng cho rằng Đạo Phật là những gì cao siêu, huyền bí, dành cho những bậc cao đạo.

Tới lui trò chuyện được vài lần thì Ông Thiền Sư đó tặng cho tôi 2 quyển Kinh. Đó là Kinh VIÊN GIÁC và Kinh DUY MA CẬT. Là người khác đạo, và cho đến thời điểm đó tôi hoàn toàn không biết gì về Đạo Phật, cũng không hề thắc mắc hay quan tâm, vì cho rằng Đạo của mình mới là chân chánh. Những tôn giáo khác là tà ma, ngoại đạo, và tưởng là Kinh Phật được viết bằng tiếng Phạn, người thường không thể đọc được, chỉ để dành cho các thầy Chùa Tụng !

Nhưng khi về nhà, mở ra đọc thì tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy viết hoàn toàn bằng tiếng Việt và rất dễ hiểu. Thế là tôi phát tâm kiêu mạn, tự nghĩ : Tôi sẽ đọc kỹ 2 quyển Kinh này để nói cho ông Thiền Sư đó – lúc đó tôi chưa nhận là Thầy – biết là ông ta đã Mê Tín như thế nào !

Nghĩ là làm. Tôi để hầu hết thì giờ để đọc hai quyển Kinh. Lúc đó gia đình tôi cũng còn một it tiền nên không có quá lo lắng quá về kinh tế. Nhà thuốc Tây của gia đình cũng chưa bị đánh Tư Sản nên cũng có đồng ra đồng vô. Mặt khác, người dân có muốn làm gì cũng không dám, phải chờ chính sách của chính phủ mới. Vì thế, thì giờ của tôi dành để đọc hai quyển Kinh đã được tặng.

Việc đầu tiên là đọc thật kỹ từng câu, vặn đi bẻ lại những gì được giải thích trong đó để tìm chỗ sai ! Thời gian này ngoài hai bữa phải nấu nướng dọn ăn cho cả nhà là tôi dồn hết thì giờ để đọc Kinh. Ngủ thì thôi, thức là mở Kinh ra đọc. Lạ một điều là tôi không thấy chỗ nào giải thích sai, Vì thế, không những không bắt bẻ được, trái lại quyển Kinh đã cuốn hút tôi. Thế là từ đó tôi say mê đọc Kinh không khác nào say mê chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, và thấy rõ ràng, dù Kinh được viết cách đây hàng ngàn năm, nhưng những gì hỏi, đáp trong Kinh đều thực tế, rõ ràng, không mơ hồ, không khác gì con người thời nay.

Trong Kinh đưa ra một vị Bồ Tát, thắc mắc vấn đề gì đó, liên quan đến việc hiểu và hành trên con đường tu tập. Cách thức để giải quyết cho tới nơi tới chốn.

Xin đơn cử một số trong Kinh VIÊN GIÁC như sau :

Bỏ qua PHẦN TỰ, nói về CẢNH GIỚI BẤT NHỊ, vì sau này tôi mới hiểu, đó là Kinh diễn tả cảnh diễn ra trong nội Tâm của hành giả. Không phải là có những vị Bồ tát, Phật thật sự bên ngoài. Nói theo ngôn ngữ hiện đời thì đó là sự QUÁN SÁT, TƯ DUY của hành giả. Đó là cái dụng của Chư Vị Giác Ngộ. Các Ngài giả lập một cảnh mà sự sáng suốt tượng trưng cho Phật, và người đặt câu hỏi tuợng trưng cho vị Bồ Tát nào đó, nhằm để giải thích rõ vể vấn đề tu hành cho người sau muốn bước vào con đường tu học.

Đầu tiên, Bồ Tát VĂN THÙ hỏi Phật :

1/- Xin Phật nói về nhơn địa tu hành của Như Lai.

2/- Bồ Tát đã Phát Tâm Bồ Đề rồi, làm sao xa lìa các bịnh để khỏi đọa vào tà kiến ?

Việc tu hành là để Thành Phật, thành Như Lai. Nếu chúng ta muốn tu mà không biết Như Lai đã tu thế nào để thành Như Lai thì tu cách nào ? Và muốn không bị đọa vào tà kiến thì phải làm sao ? chẳng phải là thắc mắc mà bất cứ người thời nào nếu muốn tu hành cho thành công đều phải nêu ra hay sao ?

Câu trả lời của Phật là : PHẢI TRỪ VÔ MINH.

Thế nào là VÔ MINH thì Kinh giải thích : “VÔ MINH là CHẤP CÁI THÂN TỨ ĐẠI GIẢ HỢP là THÂN CỦA MÌNH. CHẤP CÁI VỌNG NIỆM SANH TỬ DUYÊN THEO BÓNG DÁNG CỦA SÁU TRẦN làm TÂM CỦA MÌNH.

Do đó, muốn tu hành theo VIÊN GIÁC là : BIẾT CÁC PHÁP ĐỀU HƯ HUYỂN, NHƯ HOA ĐỐM GIỮA HƯ KHÔNG, thì không còn Sanh Tử Luân Hồi cũng như người chịu Sanh Tử Luân Hồi.

Bồ Tát phải dùng TRÍ VIÊN GIÁC để PHÁ TRỪ HẾT VÔ MINH. Khi hết VÔ MINH rồi thì như người chiêm bao thức dậy, cảnh mộng không còn. Các Huyển hết hết rồi thì thành Phật Đạo”.

Bồ Tát Phổ Hiền lại hỏi Phật :

- “NẾU CHÚNG SANH BIẾT CÁC PHÁP ĐỀU NHƯ HUYỂN, THÂN TÂM cũng HUYỂN thì cần gì phải tu ?

- Nếu CÁC PHÁP HƯ HUYỂN ĐỀU DIỆT, THÌ THÂN TÂM NÀY CŨNG DIỆT thì lấy ai tu hành mà gọi là TU PHÁP NHƯ HUYỂN ?

- NẾU CÁC CHÚNG SNH KHÔNG TU HÀNH, VẫN Ở TRONG CẢNH SANH TỬ HUYỂN HÓA mà chẳng tự biết thì làm sao dẹp trừ các TÂM VỌNG để GIẢI THOÁT SANH TỬ LUÂN HỒI ?”.

Những câu hỏi như thế chẳng phải là người muốn tu hành thời nay cũng phải đặt ra nếu muốn Giải Thoát Sanh Tử Luân Hồi hay sao ? Do đó, tôi thấy hoàn toàn hợp lý nên không bắt bẻ được.

Tiếp theo, Kinh bắt đầu nói về trình tự tu hành qua những câu hỏi của Bồ tát Phổ Nhãn về THỨ LỚP TU HÀNH CỦA BỒ TÁT :

. “Làm sao để HẠ THỦ CÔNG PHU, vì nếu không có phương tiện chơn chánh và suy nghĩ chơn chánh thì không thể ngộ nhập được Viên Giác.

. Như vậy, nhưng người chưa ngộ thì PHẢI TU HÀNH NHƯ THẾ NÀO ? phải TƯ DUY làm sao ? PHẢI AN TRỤ và GIỮ GÌN THẾ NÀO MỚI NGỘ NHẬP VIÊN GIÁC ?”.

Đây là câu hỏi rất quan trọng cho người muốn tu hành. Vì dù mến mộ Đạo Phật bao nhiêu, nhưng nêu không biết cách để hạ thủ công phu, không có phương tiện chân chánh và suy nghĩ chân chánh thì làm sao tu hành cho thành công ? Phải tư duy đúng đề tài cần thiết, đâu phải suy nghĩ lan man mà vào Đạo được.

Phật trả lời :

. “Phải theo pháp ‘CHỈ” của Như Lai.

. Giữ gìn Giới Cấm kiên cố.

. Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn

. Ở chỗ thanh vắng

.PhẢi suy nghĩ như sau :

“Cái Thân của ta đây là do Bốn Chất : Đất, Nước, Gió, Lửa hòa hiệp. Như da, thịt, gân, xương, rằng, tóc, móng tay, tủy, não v.v.. là thuộc về Chất ĐẤT. Nước mắt, Nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mũ, đờm giải, tiểu tiện v.v.. là thuộc về NƯỚC. Nhiệt độ trong người là thuộc về LỬA. Phổi, hô hấp, tim đập, mạch chảy, các chuyển động trong người là thuộc về GIÓ.

Đến khi Bốn chất này ( ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA) rã rời, không còn hòa hợp nữa, thì cái Thân hư dối này ở chỗ nào ?”.

Qua những câu hỏi và trả lời, chúng ta thấy Kinh dạy rất kỹ. Người muốn tu hành, ngoài GIỮ GIỚI cho kiên cố thì phải theo một trình tự nhất định. Phải DỪNG tất cả những việc lao xao, không để cho ngoại cảnh chi phối, quấy rầy để có thể tập trung mà Tư Duy về CÁI THÂN và CÁI TÂM, vì đây là hai nơi chính yếu để tu hành.

Quán Cái THÂN :

Người tu sẽ quán sát các bộ phận của Cái Thân. Từ Da, thịt, gân, xương, móng tay, tủy, não, cho đến nước mắt, nước mũi, đờm, giải, nhiệt độ trong người, tim đập v.v..để thấy CÁI THÂN thật ra chỉ là tổng hợp của các món ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA. Khi nó hết Duyên, không còn hòa hợp nữa thì THÂN ở đâu ? Để thấy rằng quả là nó không trường tồn. Chỉ tạm hợp nhau thời gian nào đó thôi, Vì thế, PhẬt gọi đó là THÂN HUYỂN, tức là THÂN GIẢ TẠM.

QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

Có thể tóm lược phần này như sau :

Do Bốn duyên ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA hòa hợp, nên vọng có SÁU CĂN là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Do Bốn Duyên và Sáu Căn, trong với ngoài hợp lại thành Cái Thân Giả Tạm, từ đó Khởi Vọng Tưởng Phân Biệt, duyên theo bóng dáng của Trần Cảnh. Cái VỌNG TƯỞNG PHÂN BIỆT được gọi là TÂM.

Khi Bốn Duyên rả rời, Cáí Tâm Hư Vọng Phân Biệt không còn Trần Cảnh thì cũng không còn phân biệt được nữa. Như vậy không có cái gì gọi là TÂM. Do đó, Cái Tâm cũng là Huyển.

Do Cái THÂN không trường tồn, mà chỉ tồn tại một thời gian, nên Phật gọi đó là THÂN HUYỂN. Cái THÂN đã Giả rồi, thì Lục Căn cũng là HUYỂN. Từ những Cái GIẢ, nhìn ra các Pháp bên ngoài rồi Phân Biệt, Cái Phân Biệt này được gọi là TÂM, thì TÂM này cũng Giả.

. Khi HUYỂN THÂN diệt, thì HUYỂN TÂM cũng Diệt.

. Do HUYỂN TÂM diệt nên HUYỂN TRẦN cũng diệt.

. Do đó, người CHẤP THÂN TÂM là thật có thì không xa lìa được Tướng Huyển Hóa, Hư Vọng.

Ba thứ bậc trong Đạo Phật đều liên quan đến Cái CHẤP THÂN, TÂM

1/-Người Chấp Thân tâm huyển cấu này là thật có, không thể xa lìa thì gọi là Chúng Sanh.

2/-Người xa lìa được Thân Tâm cấu huyển thì gọi đó là BỒ TÁT.

3/- Người xa lìa được Thân Tâm cấu huyển, Pháp đối trị, trừ đối trị cũng không, cho đến nguời không, cảnh vắng, các Vọng hoàn toàn diệt thì tạm gọi là Viên Giác hay Phật.

Về PHẬT TÁNH thì Kinh dạy :

PHẬT TÁNH TUY SẴN CÓ

PHẢI TU MỚI HIỂN HIỆN

CŨNG NHƯ VÀNG SẴN CÓ

PHẢI LỌC QUẶNG MỚI THÀNH.

Tức là dù mỗi người đều có PHẬT TÁNH, Nhưng không phải đã có PHẬT TÁNH thì đương nhiên sẽ Thành Phật, mà Phật Tánh này nếu không tu thì không thể thấy. Công việc tu hành tức là lọc quặng để Phật Tánh được hiển hiện. Giống như dù trong quặng sẵn có vàng, nhưng muốn lấy được vàng thì phải lọc quặng.

Do THAM DỤC mà Chúng Sanh đọa vào Sanh Tử. Vì thế, việc tu hành là phải trừ THAM DỤC.

Lý do đọa Sanh Tử và không Giải Thoát được tóm trong bài Kệ :

DI LẶC ! ÔNG NÊN BIẾT

TẤT CẢ CÁC CHÚNG SANH

ĐỀU DO THAM DỤC VẬY

NÊN ĐỌA VÀO SANH TỬ

CHẲNG ĐẶNG ĐẠI GIẢI THOÁT.

Muốn THÀNH PHẬT thì Bài Kệ dạy:

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT

CÙNG VỚI THAM SÂN SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

“Thành Phật” không phải là thành một vị Thần Linh, mà chỉ là thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân. Tuy vậy, đều quan trọng là người tu cũng cần phải gặp được Chân Minh Sư :

CẦU NGUYỆN GẶP MINH SƯ

KHAI NGỘ ĐƯỢC CHƠN CHÁNH

Y THEO NGUYỆN BỒ TÁT

TRỪ TUYỆT HAI MÓN CHƯỚNG

ĐƯỢC VÀO ĐẠI NIẾT BÀN

(Hai món Chướng tức là LÝ CHƯỚNG và SỰ CHƯỚNG. Chướng tức là sự trở ngại. Lý Chướng là sự hiểu biết về Phật Pháp chưa đầy đủ. Sự Chướng là việc ứng dụng Phật Pháp chưa hoàn chỉnh. Người tu Phật phải LÝ SỰ VIÊN DUNG, tức là cả lý thuyết lẩn thực hành đều phải hoàn chỉnh thì mới hoàn tất con đường tu hành).

Trên con đường tu học thì người Thầy rất quan trọng. Kinh VIÊN GIÁC dạy : “Này Thiện Tri Thức ! Có những chúng sanh đi tầm Thiện Tri Thức chỉ dạy đường lối tu hành nhưng lại gặp ngoại đạo tà sư dạy bảo nên chúng nó sanh ra tà kiến, thế gọi là ‘Ngoại đạo chủng tánh”. Đây không phải lỗi tại chúng sanh đó, mà lỗi tại tà Sư”.

“Này Thiện Nam ! Có loại Chúng Sanh có thể chứng được VIÊN GIÁC. Song, nếu chúng tặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ thì chúng thành TIỂU THỪA. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành ĐẠI THỪA. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chúng thành PHẬT THỪA”.

Kinh giải thích thế nào là THIỀN ĐỊNH và cho rằng “Mười Phương các Đức Phật và các Đại Bồ Tát nhờ vào Ba Pháp này mà Chứng Niết Bàn. Đó là CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU”. Kệ viết :

BIỆN ÂM ÔNG NÊN BIẾT

CÁC TRÍ HUỆ THANH TINH

CŨA TẤT CẢ BỒ TÁT

ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ QUÁN VÀ CHỈ QUÁN SONG TU

MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI

VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI

ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY

MÀ ĐẶNG THÀNH BỒ ĐỀ

Muốn tu Phật cho thành công thì phải Ngồi Thiền hay THIỀN ĐỊNH. Nhưng hành giả phải hiểu rằng không phải chỉ cần NGỒI là THIỀN ĐỊNH, mà trong thời gian NGỒI THIỀN, hành giả tập trung cả THÂN lẩn TÂM để Quán Sát, Tư Duy pháp nào đó của Đạo để sinh ra sự hiểu biết gọi là Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU. Tức là phải DỪNG hết mọi suy nghĩ để tập trung Quán Sát, Tư Duy về những điều cần Hiểu, cần Hành trong Đạo Phật.

Nhiều người không hiểu là trong thời gian Ngồi sẽ có nhiều hiện tượng xảy ra. Hoặc hôm trầm, tức là người ngồi đó nhưng ý tưởng dứt bặt nên như người ngủ sâu, không còn biết gì về những điều đang xảy ra chung quanh, cho tới lúc xả Thiền thì mới tỉnh lại. Những người Ngồi Thiền kiểu đó không sinh ích lợi gì, vì không biết thêm được điều gì.

Có người Ngồi Thiền, sau khi dứt những suy nghĩ vẩn vơ thì tự tâm mở ra những hiện tượng kỳ lạ. Hoặc mở Thần thông, biết trước một số việc sắp xảy đến cho bản thân hay người chung quanh. Có người thấy đi đến những cảnh giới lạ, gặp ma, quỷ, hay những cảnh giới rất đẹp. Được tiếp xúc Thần, Tiên. Được gặp những người tự xưng là Bồ Tát, Phật, thuyết giảng. làm cho họ say mê, thích bỏ thì giờ Ngồi thiền để được ghe giảng dạy mà không biết đó là ma cảnh. Do đó, nếu không có người đã hiểu rõ về Thiền hướng dẫn thì rất dễ sinh ra tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, tức là nghe theo những hướng dẫn trong lúc Ngồi Thiền lần hồi trở thành bất bình thường hay điên loạn, vì những nhân vật xuất hiện trong Thiền không phải là Phật, Bồ Tát, mà chỉ là những Thiên Ma thường hay xuất hiện trong Thiền để dẫn dắt người tu mà không không có người đi trước có kinh nghiệm hướng dẫn cách thức để phân biệt những gì nên làm, nên tránh trong lúc Thiền Định.

Kinh phân tích rõ : Sở dĩ những người tu hành không thành công là do NGÃ TƯỚNG kiên cố còn đeo bám. Do đó, phải trừ CHẤP NGÃ, CHẤP PHÁP và cần tìm một CHÂN MINH SƯ để hướng dẫn. PhẢi xa lìa bốn bệnh : TÁC, NHẬM, CHỈ, DIỆT vì không phải do LÀM, MẶC KỆ, DỪNG hay DIỆT các Pháp mà thành đạo. Do đó, “Hành giả phải phát tâm đại dõng mãnh hàng phục được các phiền não. Những pháp lành chưa chứng được, phải tinh tấn tu cho chứng. Các pháp Ác chưa đoạn, phải tinh tấn đoạn cho được. Khi xúc cảnh không sanh Tham, Sân, Si, Mạn và tật đố v.v.. Nào nhơn, Ngã, Bỉ, Thử, ân ái .. đều vắng lặng. Như Lai ấn chứng cho người này lần lượt sẽ thành tựu được VIÊN GIÁC.

Tóm lại, đa phần từng câu, chữ trong bất cứ Kinh Đại Thừa nào đều là những lời giải thích hoặc nói rõ về những điều cần làm, cần tránh để người muốn tu hành có thể nương theo đó thực hành từng bước. Do đó, người chỉ đọc qua hay nghiên cứu khó có thể hiểu đúng Đạo Phật, vì ngoài NGỮ còn có NGHĨA. Không phải kinh nào cũng diễn tả rõ ràng, đọc là hiểu ngay, mà do thời xưa ngôn ngữ chưa đủ để diễn tả. Các Vị giác ngộ phải mượn cảnh ngoài để tả bên trong. Vì thế trong TỨ Y có dặn : “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ và Y KINH LIẾU NGHĨA BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”. Người tu phải đọc Kinh, rồi quán sát, tư duy, sau khi hiểu được NGHĨA thì mới mang ra áp dụng.

Do hăng say “Phá Mê’ cho thầy, nên giai đoạn đầu tôi đọc thật kỹ, để hiểu Đạo Phật nói lý do cần phải tu hành xem mình có chấp nhận được hay không ?. Cũng mất một thời gian tìm hiểu, sau khi thấy đúng lý thì tập áp dụng từng bước. Điều nào thắc mắc thì tới nhà gặp trực tiếp Thầy để hỏi, vì lúc đó người dân chưa được dùng điện thoại. Tôi hay đọc Kinh, hay tìm hiểu nên lúc nào cũng có rất nhiều thắc mắc. Thời đó xe gắn máy cũng không có xăng để đổ, phải đi xe đạp. Vậy mà rất nhiều ngày chồng tôi phải đạp xe chở tôi đến nhà Thầy đến 3 lần để tôi hỏi Thầy, mà lúc nào đến nhà cũng thấy ông ngồi túc trực ở salon nơi phòng khách như chờ sẵn. Nhờ vậy mà dần dà tôi cũng thấy ra được nhiều điều so với những người không thắc mắc gì về Giáo Pháp của Đạo Phật. Đến khi hoàn toàn chấp nhận Đạo Phật thì tôi mới chịu theo học.

Buổi đầu, tôi cũng được hướng dẫn Ngồi THIỀN hữu tướng, nhưng chỉ thời gian ngắn, sau khi tư tưởng không còn động loạn nữa thì Thầy kêu tôi không Ngồi Thiền hữu tướng nữa, mà dùng những thời gian thanh tịnh, không bị quấy rầy để viết ra những gì tôi hiểu biết về đề tài nào đó. Cũng nhờ viết ra mới thấy mình hiểu được vấn đề tới đâu. Viết vài câu đã bế tắc, tôi phải mở Kinh ra để tìm xem Chư Tổ giải thích như thế nào ? Mỗi lần viết xong bài nào thì lại mang đến nhà đưa cho Thầy đọc để cho ý kiến. Cứ như thế sự hiểu biết của tôi càng được củng cố.

Tôi chỉ đọc Kinh để tìm hiểu cho mình, không để so sánh hơn thua hay cạnh tranh với bạn đồng tu. Cũng không tìm những pháp cao để chứng đắc, chỉ cố gắng tìm hiểu những việc cần hành trì rồi thực hành theo đó nhờ vậy mà từng bước sáng tỏ thêm.

Thời gian viết bài cũng là thời gian mà tôi sắp xếp để được yên tịnh một mình, không bị quấy rầy và gạt hết mọi suy nghĩ khác để tập trung nghĩ đến điều mình đang cần viết ra. Chỗ nào chưa hiểu rõ thì lục tìm trong những bộ Chính Kinh, xem Chư Tổ giải thích ra sao. Do nhu cầu cần hiểu mà lần lượt tôi đọc hết Bộ Kinh này đến Bộ khác. Sau Viên Giác, Duy Ma Cật là đến Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Bảo Đàn Kinh, Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, và một số Kinh khác. Tôi không chỉ lướt qua hay chỉ đọc một lần, mà đi đọc lại rất nhiều lần, chú ý đến những điểm cần ghi nhớ trong đó. Tôi đọc Kinh trong tinh thần tìm hiểu để bắt bẻ, nên không dễ dàng chấp nhận sự giải thích nào thấy chưa hợp lý hay còn nghi ngờ. Sau hàng chục năm như thế, cuối cùng tôi cũng khép lại được con đường tu Phật cho bản thân để thấy vì sao Phật phải đưa ra những Pháp nào đó ? Phải Hiểu thể nào ? Phải Hành ra sao ? Để được gì ? Không còn mơ hồ nữa.

Từ một ngoại đạo, cố chấp, không biết một chữ nào của Đạo mà không chỉ bị nhiếp vào Đạo Phật, còn say mê đọc Kinh và tìm hiểu, để rồi lấy Giáo Pháp của Đạo Phật làm phương châm sống, tất cả đều nhờ vào sự hướng dẫn, dìu dắt của Thầy tôi. Thầy như người đã tái sinh cho tôi. Do đó, công ơn của Thầy tôi khó mà đền đáp.

Câu chuyện Thầy rời Huế vào Saigon để tìm học trò cũng tương tự như câu chuyện cổ tích nhưng diễn ra giữa đời thường. Gia đình Thầy rất đông con và đang sinh sống yên lành ở Huế. Vậy mà trong thời điểm cả nước còn đang khó khăn, mà Thầy sẵn sàng rời bỏ nơi đang sống yên lành để vô tận Saigon là một nơi hoàn toàn xa lạ, không một người thân, chưa biết sẽ làm gì để cả gia đình sinh sống chỉ để đợi chúng tôi : Những người mà Thầy cho là đã có hẹn với Thầy từ xa xưa.

Theo lời Thầy kể : Nhiều năm trước Thầy biết là ở Saigon có một nhóm người đã hẹn với Thầy từ xa xưa, nên năm 1968, lợi dụng lúc Huế có biến, Thầy đã dắt díu cả gia đình định vô Sàigon. Nhưng sau đó Huế bình yên trở lại nên đành quay lại. Cho tới sau 1975 thì Thầy nhất định phải đi. Bà vợ không bằng lòng vì gia đình rất đông con, cả 10 đứa, Saigon lại không quen biết ai, vô đó biết làm gì để sống ? Nhưng Thầy cương quyết để vợ con ở lại Huế, một mình vô Saigon, thuê nhà ở để chờ gặp nhóm người có hẹn với mình.

Đến giữa năm 1976 khi tôi đến nhà Thầy, thì vợ ông đã mang theo đàn con vô hết Saigon, mua căn nhà ở đường Trương Minh Giảng để ở cho đến nay. Mấy năm sau mới quay về Huế bán căn nhà ở đó.

Một người Thầy có thể hy sinh vì đạo pháp như thế thật là khó tìm ở thời nay. Thời buổi mới Giải Phóng, không được tụ họp quá 5 người, vậy mà mỗi sáng Chủ Nhật nhóm chúng tôi khoảng trên dưới 50 người tập trung tại nhà một người đồng đạo trong một con hẻm gần Lăng Cha Cả để nghe Thầy giảng Pháp kéo dài cả 2 năm nhưng vẫn bình yên, không bị phát hiện hay làm khó dễ. Thầy không bắt chúng tôi Quy y, cũng không đòi hỏi cúng dường. Không nhang khói thờ Phật hay tổ chức các buổi lễ Vía. Không rườm rà hình tướng. Thầy nói rằng chỉ cho chúng tôi tu Vô Tướng. Trong thời gian giảng pháp, nhiều lần Thầy luôn dặn dò : “Anh chị em nên cố gắng, vì thời kỳ hành nguyện của tôi đến năm 1981 là hết”.

Thời điểm đó không ai hiểu thầy muốn nói gì, nghĩ rằng chắc lúc đó thầy bận việc gì khác quan trọng hơn. Nhưng đúng năm đó Thầy ra đi khi mới chỉ được 54 tuổi.

Tôi có duyên học với Thầy chỉ được 4 năm. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó đủ để Thầy cài đặt cho tôi những căn bản cần thiết để không bị nao núng và tiếp tục con đường đã chọn.

“ Vắng Thầy thì Giới và Chinh Kinh là Thầy”. Nhờ đó mà tôi có thêm rất nhiều vị Thầy là Chư Tổ nên không sợ lạc lối.

Nhìn lại quá khứ, tôi phải cảm ơn Thầy đã hy sinh sự an vui của gia đình để đến một nơi xa lạ hầu trao Phật Pháp lại cho tôi. Cũng cảm ơn cái quyết tâm ..Phá Mê cho Thầy, vì nhờ đó mà tôi lao vào đọc Chính Kinh một cách hăng say để rồi thấy mình quá may mắn, vì nhiều người muốn tìm Thầy thì không biết phải tìm ở đâu trong rừng người giảng Đạo Phật, trong khi tôi lại được Thầy vượt qua mọi khó khăn để đi tìm, để rồi chỉ sau bốn năm trao truyền lại ra đi. Đó là một duyên may lạ lùng khó tin giữa thời nay vậy.

Tháng 9/2024




VVM.18.10.2024.