N
ăm 1984, nhạc sĩ Trúc Phương từ Duyên Hải, Trà Vinh lên Thị xã Vĩnh Long. Trong khi chờ đợi vào làm việc tại hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cửu Long (lúc đó Vĩnh Long và Trà Vinh chưa tách tỉnh), qua sự giới thiệu của Họa sĩ Hồ Thủy, anh đến ở nhờ với chúng tôi. Thời gian đó, chúng tôi thuê nhà của chú Tư Lưu ở hẻm 25 (hẻm Lò bánh mì Phước Thành), đường 30-4 (đường Tống Phước Hiệp cũ).
Gọi là “nhà” cho sang, chứ đó chỉ là một căn phòng nhỏ vỏn vẹn khoảng 8m2, nằm cặp sát mé sông Long Hồ, một nhánh của sông Cổ Chiên. Khi anh đến ở chung, sau khi hỏi ý chủ nhà, vợ tôi -Hà- đã chà rửa sạch cái chuồng heo cũ ở kế bên phòng của chúng tôi (trước đó chủ nhà nuôi heo ở đó), rồi lấy mấy tấm bảng hiệu cũ trải lên để làm chỗ ngủ cho anh. Ít lâu sau, hai em Long và Sơn là học trò học vẽ của tôi cùng đến ngủ chung với anh tại chuồng heo này!
Những ngày ấy, dù cuộc sống còn thiếu thốn nhiều nhưng rất vui. Sau các bữa cơm tối, đêm đêm, chúng tôi ngồi quây quần bên bếp củi nấu nước uống trà, uống café, đàn ca hát xướng… Bạn bè văn nghệ cũng thường xuyên đến chơi rất đông. Có những người quen cũ của anh như nhà văn Sơn Nam (cùng đi với nhà văn Lý Lan), nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tức Nhật Trường), ca sĩ Duy Khánh…cũng đã từng đến thăm anh tại nơi này!
Thời gian này, theo sự đề nghị của tôi, Trúc Phương đã chép lại phần lớn nhạc của anh đã soạn trước 1975 để tặng cho tôi. Chữ viết của anh rất đẹp, anh thường dùng viết Bic màu đen để chép tay từng bản nhạc. Người bạn vong niên này của tôi cũng đã góp ý và trao đổi rất nhiều về kinh nghiệm soạn nhạc cho tôi… Anh cũng thường tâm sự với chúng tôi về những trải nghiệm trong cuộc sống, về những tháng ngày gian nan sau 1975 của anh. Anh kể: “ Sau 75, khi anh và vợ anh chia tay nhau (vợ anh là người Khmer lai Pháp), tài sản của anh vỏn vẹn chỉ có cái giỏ đệm đựng mấy bộ đồ, phải đi chân đất vì không có đôi dép mủ để đi…”
Lúc đến ở chung với chúng tôi, Trúc Phương khoảng trên 50 tuổi. Theo chính miệng anh kể lại, anh tuổi Quý Dậu , sinh năm 1933 (chứ không phải 1939 như Wikipedia đã ghi). Dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lảng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt. Trong thời gian này, đã có mấy người đàn bà thoáng qua cuộc đời anh, như chị Vân, chị Hoa, chị Cúc. Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này!
Đến khoảng giữa năm 1985, anh được nhận vào công tác, là Hội viên Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng để ở. Từ đó, anh mới chia tay cái chuồng heo cũ ấy…
Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc đó, tôi đang theo học trường Đại học Mỹ Thuật ở Sài gòn. Ngoài giờ học, tôi cùng với một số bạn bè như Lê Triều Điển, Đặng Can… đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Đại Dương (nằm trên đường Kỳ Đồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế) do Thầu Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này!
Gần chỗ công trình đang xây dưng, có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hàng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn chúng tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng …cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Cuộc vui của nhóm chúng tôi kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt, có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai -một đàn guitar thùng, một hát- bài “Mưa nửa đêm”.
Lúc đó, ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm :”Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!”
Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:
- Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.
Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:
- Hai chú mầy hát nhạc của ai, biết không?
Một người nhanh nhẩu trả lời:
- Dạ biết, nhạc sĩ Trúc Phương đó!
Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:
- Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!
Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:
- Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!
Trúc Phương cầm lấy cây đàn:
- Để anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!
“Tôi muốn hỏi có phải đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư dấu kín tâm tư còn đây
Nên những khi mưa nửa đêm
Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…”
Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…
Ấy vậy, mà đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời.
Tôi ghi lai những dòng chữ này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc luôn đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Đò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm…; và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… (mà trong đó, tựa bài hát “Về chín dòng sông hò hẹn” của anh được chọn làm tên cho chương trình hội diễn hàng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Vĩnh Long, ngày bão rớt tháng 4
“Tôi muốn hỏi có phải đời chưa trọn vòng tay
Có phải vì tâm tư dấu kín tâm tư còn đây
Nên những khi mưa nửa đêm
Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…”
Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…
Ấy vậy, mà đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời.
Tôi ghi lai những dòng chữ này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc luôn đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Đò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm…; và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… (mà trong đó, tựa bài hát “Về chín dòng sông hò hẹn” của anh được chọn làm tên cho chương trình hội diễn hàng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.