NHỮNG VỤ TRỌNG ÁN
DƯỚI THỜI VUA MINH MỆNH
1/ VỤ ÁN THAM NHŨNG ĐẦU TIÊN
2/ NẤM MỒ OAN KHUẤT CỦA MỘT DANH THẦN
3/ LÊ CHẤT BỊ HÀM OAN
4/ VỤ ÁN CHẠY CHỨC
5/ ĂN BỚT MỘT TÍ NHỰA THÔNG BỊ CHẶT TAY
M inh Mệnh là một trong những vị vua thông minh, cần mẫn với công việc. Suốt những năm tại vị, nhà vua luôn tận tụy, sâu sát với công việc triều chính, chăm lo cho đất nước và nhân dân. Trong công việc, Minh Mệnh có cái nhìn sâu sát, sắc bén và giải quyết nhiều sự việc một cách hiệu quả và cũng đầy quyết đoán. Đối với những người, những sự việc xâm phạm đến lợi ích quốc gia và triều đình đều bị Minh Mệnh nghiêm khắc trừng trị. Chính vì vậy, có người cho rằng ông là người hà khắc. Điều này thể hiện trong việc nhà vua xử lý các vụ án trong thời gian Người trị vì đất nước. Qua những vụ án xảy ra dưới thời Minh Mệnh, người đời sau có thể hình dung ra bối cảnh triều đình và đất nước thời ấy. Từ đó, có thể rút ra nhiều bài học bổ ích trong công cuộc xây dựng nhà nước và cuộc sống.
1. VỤ ÁN THAM NHŨNG ĐẦU TIÊN
Vua Minh Mệnh lên ngôi trị vì đất nước vào đầu năm 1920, đến tháng 9 xảy ra một vụ án tham nhũng gây chấn động triều đình và cả nước. Đó là vụ án Huỳnh Công Lý.
Huỳnh Công Lý người gốc ở Thừa Thiên (chưa rõ năm sinh), là một trong những người theo phò vua Gia Long, từng được giữ chức Tả thống chế quân thị trung và được phong tước Lý chính hầu. Huỳnh Công Lý có người con gái xinh đẹp được tiến cung làm vợ vua Minh Mệnh, được phong là Huệ phi.
Năm 1919, Huỳnh Công Lý được giao đảm trách việc đào kinh An Thông Hà. Kinh An Thông Hà bắt đầu từ cầu đê Bà Thông (Bà Thuông) chạy dài đến sông Rạch Cát, dài hơn 5.472 mét. Đây là một trong những công trình giao thông đường thủy giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế và quốc phòng ở miền Nam.
Huỳnh Công Lý lo trông coi việc nạo vét và đào thông kênh An Thông Hà, với lực lượng dân công lao động lên đến hơn 10 vạn người. Đồng thời, còn đảm trách việc chỉ huy đào vét sông Bảo Định ở Mỹ Tho.
Cậy thế quyền chức là cha vợ của vua, Huỳnh Công Lý nhũng nhiễu, bóc lột công sức của binh sĩ và dân công đưa vào túi riêng. Dân công và binh lính phản kháng hành vi tham ô, đã làm đơn tố cáo lên triều đình. Số tiền Huỳnh Công Lý tham ô lên đến hơn 3 vạn quan tiền. (Theo mệnh giá tiền tệ thời Gia Long và Minh Mệnh, 1 tiền đồng = 1,2 - 1,3 tiền kẽm, 1 đồng cân = 10 phân, 1 phân = 10 ly, 1 ly = 10 hào và 1 quan = 10 tiền = 600 đồng kẽm).
Vụ án tham nhũng này đã trở thành giai thoại. Người đời sau đã thêu dệt với những nội dung khác nhau, thậm chí còn đưa lên sân khấu diễn tuồng: Nào là vua có ý bao che cho cha vợ, nào là Lê Văn Duyệt đã có ý đồ riêng, ghét Huỳnh Công Lý, bất chấp ý chỉ của Minh Mệnh tự ý chém đầu Huỳnh Công Lý. Nhưng, thật ra theo sử sách chính thống của triều Nguyễn và các sử gia chân chính, công tâm đã từng viết rõ: Tháng 9 năm 1820, vua Minh Mệnh nhận được đơn tố cáo Huỳnh Công Lý, vua đã nói với các quan cận thần Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Văn Xuyên: "Không ngờ Công Lý quá đến thế! Công trạng nó có gì bằng các khanh, nó chỉ nhờ tiên đế cất nhắc.. Ơn vua, lộc nước không bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước". Sau khi hội bàn với đình thần, nhà vua ra lệnh bắt giam Huỳnh Công Lý ngay, đồng thời, giao cho Nguyễn Đình Thinh, Thiêm sự bộ Hình tức tốc đến Gia Định để tra xét vụ án. Sau khi xem xét vụ án, đình thần luận tội và dâng sớ đề nghị vua xử Huỳnh Công Lý vào tội chết. Trong lúc này, nhà vua cũng chỉ đạo thanh tra xem xét tài sản của Huỳnh Công Lý tại nhà riêng ở Huế. Qua kiểm tra tại nhà riêng, còn phát hiện trong lúc làm quan ở Huế, Huỳnh Công Lý còn bắt binh lính xây dựng cho mình 3 cửa hàng gạch bên bờ sông Hương.
Sau khi nhận được tờ trình và kết luận của bộ hình và kiến nghị của đình thần, vua Minh Mệnh ra chỉ dụ nêu rõ: "Trước đây, Hoàng Công Lý là Thị trung tả thống chế, đã không làm rõ được ý trẫm là yêu thương binh lính, trái lại còn lợi dụng làm giàu cho mình, làm hại người khác, sai riêng cấm binh mở 3 cửa hàng gạch ngói mưu lợi riêng. Tất cả gỗ, đá, gạch ngói đều cho chở về xây dựng nhưng chưa bị phát giác. Đến khi y trở lại nhậm chức Phó tổng trấn Gia Định, lòng tham lại nổi lên càng quá đáng. Nay, bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác. Quan tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ở ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay, đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn đe sau này... Từ nay về sau, bất kể quân lính trong ngoài, gặp phải các viên hiền tham quan ngược đãi như vậy mà vướng chỗ quyền thế không nói ra được, thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng...".
Sau khi án được vua phê, tháng 5 năm 1821, Huỳnh Công Lý bị xử tử tại Gia Định. Số tài sản bị tịch thu được triều đình chi trả lại quân lính và người dân bị bóc lột. Riêng các cửa hàng và tài sản của Huỳnh Công Lý ở Huế thì được sung công. Triều đình bán để lấy tiền giúp cho cấm binh. Con gái ông là Huệ phi bị đuổi ra khỏi cung về làm thường dân.
Qua vụ án Huỳnh Công Lý, chứng tỏ: Vua Minh Mệnh là vị vua anh minh, chí công vô tư, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước và triều đình lên trên hết.
2. NẤM MỒ OAN KHUẤT CỦA MỘT DANH THẦN
Có nhiều danh tướng phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhưng có bốn vị đại tướng được xem là đệ nhất công thần của Triều Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Đó là: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Tả quân Lê Văn Duyệt. Số phận lịch sử cuộc đời của bốn vị đệ nhất công thần của Triều Gia Long khác nhau: Nguyễn Văn Thành bị Vua Gia Long ép uống thuốc độc tự tử vào năm 1817. Nguyễn Huỳnh Đức sau khi mất (1819) được đưa vào thờ trong miếu Trung Hưng công thần tại kinh đô. Võ Tánh thì tự thiêu cố thủ thành Bình Định mất vào năm 1801cũng được đưa vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần của Triều Nguyễn. Riêng Tả quân Lê Văn Duyệt có một số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít. Những người có cảm tình với Nhà Tây Sơn thì xem Lê Văn Duyệt như một tên tội đồ, một người thân Pháp và Thiên chúa giáo. Các sử gia Triều Nguyễn từng thời kỳ củng bất nhất và có phần khắt khe trong đánh giá về Lê Văn Duyệt. Có thời thì xem ông như một tội phạm của triều đình. Cũng có thời Lê Văn Duyệt được xem là một tướng lừng danh có nhiều công lao to lớn đối với Triều Nguyễn và đất nước. Về sau này, có thời mà tư tưởng dân tộc cực đoan và quá khích thì người ta xoá sạch công lao của Lê Văn Duyệt !.
VẬY ĐÂU LÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ?
Lê Văn Duyệt sinh năm 1763, nguyên quán ở làng Bồ Đề huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Từ đời nội tổ của ông đã di cư vào Nam sinh sống tại Định Tường. Lê Văn Duyệt đã có công phò tá Nguyễn Phúc Ánh được phong làm Cai cơ. Ông đã lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân lạp (Campuchia). Lần thứ hai, vào năm 1820, ông lại được cử làm tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832). Lê Văn Duyệt mất khi còn đang tại chức, thọ 69 tuổi.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta. Thì chính Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Gia Định thành và cả miền Nam bắt đầu từ Bình Thuận trải dài đến mũi Cà Mau thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục, nạn trộm cướp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng ra sức cải tạo, xây dựng đồng ruộng phì nhiêu, xây dựng làng, xã. Ông chăm lo đến đời sống của dân chúng và binh sĩ; đồng thời, trừng trị rất nặng bọn tham quan ô lại, và quân trộm cướp. Đối với một số người lầm lỡ vào con đường trộm cướp, tội phạm, ông tỏ ra là người bao dung, vỗ về, cảm hoá họ trở về con đường làm ăn chân chính. Chính vì vậy, trong thời kỳ Lê Văn Duyệt thay mặt triều đình quản lý thành Gia Định và cả miền Nam, đời sống nhân dân ở đây được an cư thịnh vượng.
Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.
Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước, lo phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta. Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt đã viết về ông như sau: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”. Và, Crawfurd đã tả đời sống của Gia Định như sau: “Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…”
Năm 1825, trong lúc Minh Mệnh và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển. Thì, Lê Văn Duyệt đã áp dụng chính sách mềm dẽo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo. Ông vẫn để người ta sống yên bình và truyền đạo. Lê Văn Duyệt chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để ổn định chính trị và xã hội.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng: Lê Văn Duyệt có mưu đồ tách Nam kỳ khỏi sự quản lý của triều đình, Lê Văn Duyệt không phục vua Minh Mệnh và vua Minh Mệnh cũng không thích Lê Văn Duyệt,… Điều này đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử. Nhưng có một sự thật lịch sử được công nhận: Lê Văn Duyệt là một người luôn luôn trung thành với Gia Long. Sách Đại Nam liệt truyện đã nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “Duyệt là huân cựu đại thần được dự nhận lời vua Gia Long dặn lại việc triều chính, triều đình dựa làm trọng”. Còn đối với vua Minh Mệnh thì như thế nào?. Nam kỳ là vùng đất khai sáng của triều Nguyễn, có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, có tiềm năng về kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước. Lịch sử đã đánh giá: Minh Mệnh là một ông vua thông minh, quả cảm, hết lòng lo việc nước. Nhưng, cũng là một ông vua chuyên chế, nghiêm khắc. Một người có uy quyền mà ít độ lượng,... Nếu Minh Mệnh không tin tưởng vào sự trung thành của Lê Văn Duyệt thì chắc chắn nhà vua sẽ không bao giờ cử ông vào trấn giữ thành Gia Định và cả Nam kỳ. Năm 1823, Minh Mệnh bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Các địa phương đều được chia thành cấp tỉnh. Nhưng với Gia Định, vua vẫn để Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn. Sách Đại Nam liệt truyện nêu rõ: Vua Minh Mệnh có sự biệt đãi đối với Lê Văn Duyệt: “Duyệt lai kinh chúc hổ, Vua đãi hậu hơn, lúc thoái chầu, vua đưa mắt tiễn,…”. Năm 1827, Minh Mệnh đã từng nói với các cận thần: “người ta nói Lê Văn Duyệt xuất tích cương lệ, nay trẫm xem ra thì Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được, những tính bình nhật cương lệ, đều rửa sạch hết, không ngờ tuổi già lại hay tu tỉnh như thế”. Và nhà vua cho Duyệt tiếp tục trấn nhậm Gia Định với lời dụ: “Gia Định là trọng trấn phương Nam, Duyệt không nên vắng mặt lâu. Người này vẫn được người Xiêm sợ. Nay lại giữ một mặt ấy có thể hùng dũng như hổ báo ở núi...”. Sách Đại Nam liệt truyện còn ghi rõ: Minh Mệnh nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “nắm giữ biên cương tây Nam không ai bằng Duyệt. Uy lực đối với Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng không ai bằng Duyệt. Duyệt ngồi đó trẩm yên lòng…”. Điều này cho thấy Minh Mệnh rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Lê Văn Duyệt. Và, như thế chứng tỏ suốt đời mình, Lê Văn Duyệt vẫn một lòng với triều đình, một lòng với lợi ích của đất nước và dân tộc.
BI KỊCH VÀ NỖI HÀM OAN CỦA LÊ VĂN DUYỆT CHỈ XẢY RA SAU KHI ÔNG QUA ĐỜI
Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mệnh mới bãi chức Tổng trấn thành Gia Định, đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh như ở các tỉnh trong cả nước.
Khi còn sống, Lê Văn Duyệt là một con người đầy uy quyền, ai cũng kính phục. Tính khí của ông cương trực, nóng nảy và rất ghét bọn tham quan ô lại, xu nịnh. Chính vì vậy, có nhiều người không thích ông. Bạch Xuân Nguyên vốn là một người tham lam tàn ác, khi được bổ nhiệm làm Bố chánh Gia Định (Phiên An) đã truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, bắt người nhà và tôi tớ của Lê Văn Duyệt giam giữ, tra khảo để tìm chứng cứ kết tội Lê Văn Duyệt.Trong những người bị bắt có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Khôi tên thật là Bế Văn Khôi (không rõ năm sinh) vốn là một thổ hào ở Cao Bằng, từng nổi loạn, đổi họ là Nguyễn Hựu Khôi, theo nhóm phản loạn ở Nghệ An. Khi Lê Văn Duyệt lãnh chức kinh lược sứ Nghệ An đem quân đi dẹp loạn đã cảm hoá và thu nhận Nguyễn Hựu Khôi làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Khôi. Sau này, khi trấn nhậm Gia Định, Lê Văn Duyệt đưa Lê Văn Khôi đi theo và cho làm đến chức Phó vệ úy. Lê Văn Khôi là một con người có sức khoẻ tay không đánh được cọp dữ.
Bị bắt giam, Lê Văn Khôi tức giận, bèn cấu kết cùng mấy người thân tín nổi lên làm binh biến. Đêm ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi cùng những người lính của mình phá ngục, rồi vào Dinh Bố chánh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu cũng bị Lê Văn Khôi giết chết. Lợi dụng uy tín của Lê Văn Duyệt, vận động nhân dân và binh lính, liên kết với một số chức sắc Thiên chúa giáo là người ngoại quốc, Lê Văn Khôi bèn tự xưng mình là Bình Nam đại nguyên soái, tự phong Tướng cho những người cùng cánh, bổ nhiệm quan chức như một triều đình riêng. Chỉ trong vòng 6 tháng, Lê Văn Khôi đã đánh chiếm được 6 tỉnh ở Nam kỳ. Triều đình liền cử Tống Phước Lương làm Thảo nghịch Tả tướng quân phối hợp cùng với các tướng: Phan Văn Thúy, Trương Minh Giản và Trần Văn Năng tập trung thủy bộ binh tượng tiến đánh Lê Văn Khôi. Lê Văn khôi biết không thể chống nổi, nên chạy vào thành Phiên An cố thủ và sai người cầu cứu quân Xiêm La. Quân triều đình một mặt thì đánh đuổi quân Xiêm La, một mặt thì vây đánh thành Phiên An. Đến tháng chạp năm Qúy Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi bị bệnh chết. Những người theo Lê Văn Khôi tôn con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu lên làm thủ lãnh, tiếp tục chống cự với triều đình. Mãi đến tháng 7 năm 1835, quân triều đình mới hạ được thành Phiên An, đánh tan được những người theo Lê Văn Khôi. Quân triều đình bắt sống hơn 1.831 người và xử tử toàn bộ. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu và Linh mục Marchand (còn gọi là Cố Du) bị giải về kinh thành Huế để xử lăng trì. Vì vụ án của Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt bị liên đới trách nhiệm. Một số quan đại thần trong triều đã quy trách nhiệm cho Lê Văn Duyệt là người nuôi mầm mống phản loạn. Minh Mệnh là ông vua chuyên chế, thể hiện uy quyền và răn đe các nhóm chống đối khác đã xoá sạch mọi chức tước của Lê Văn Duyệt và lệnh cho Tổng đốc Gia Định đến phần mộ của Lê Văn Duyệt san bằng, đặt xích sắt xiềng mộ và khắc đá dựng bia. Ở trên bia viết: “Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho xoá bỏ xiềng và đắp lại mộ của Lê Văn Duyệt. Mãi đến 13 năm sau, nỗi oan của Lê Văn Duyệt mới được cởi bỏ. Năm 1848, theo nguyện vọng của nhân dân và các vị quan trung trực tại triều đình, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin minh oan cho Lê Văn Duyệt. Tự Đức ban chiếu rửa sạch tội lỗi và truy phục nguyên tước, hàm cho Lê Văn Duyệt là : Vọng các Công thần Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân quận công.
Có thể nói qua hơn 185 năm (1833 – 2017), qua từng thời kỳ, nhiều sử sách đánh giá khác nhau về cuộc đời danh tướng Lê Văn Duyệt. Nhưng, đối với nhân Gia Định và cả miền Nam, Lê Văn Duyệt vẫn là một người có nhiều công đức đối với nhân dân và đất nước. Hình ảnh, cuộc đời, chiến công của Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Nhân dân coi ông như một vị thần. Qua bao đời nay hình tượng Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Từ năm 1848 đến nay trải qua gần 160 năm, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Lăng Ông Lê Văn Duyệt toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500 mét vuông ở Bình Hoà – Gia Định, nay là 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1 - Quận Bình Thạnh – TP.Hồ Chí Minh. Lăng Ông đã trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam. Lê Văn Duyệt sống mãi trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định và miền Nam nước Việt.
Năm 2000, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Xưa và Nay đã mở Hội thảo về Lê Văn Duyệt. Qua cuộc Hội thảo, các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước đều có chung một nhận định: “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó”.
3. LÊ CHẤT BỊ HÀM OAN
Ngày nay, du khách khi đến thăm lăng Lê Văn Duyệt ở Bình Hòa quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh, khi chiêm bái đảnh lễ đều thấy còn có tượng của Quận công Lê Chất được thờ trang trọng ở đền thờ Tả quân.
Lê Chất còn có tên là Lê Văn Chất hay là Lê Tôn Chất, sinh năm 1769 tại Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông là một trong những võ tướng của triều Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tướng Lê Trung.
Sau khi vua Quang Trung mất vào năm 1792, nội bộ triều đình Tây Sơn bất hòa, thanh toán lẫn nhau. Năm 1789, khi tướng Lê Trung là chủ tướng của mình bị giết, Lê Chất bất mãn với Tây Sơn bỏ trốn một thời gian. Đến năm 1799, Lê Chất chạy sang đầu hàng Nguyễn Ánh và được tin dùng. Với tài năng và công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh chống lại Tây Sơn, Lê Chất được Nguyễn Ánh phong chức Tả đôn Đô thống chế. Đến năm 1801 được phong tước Quận công. Năm 1802, được phòng làm Khâm sai chưởng hậu quân Bình Tây tướng quân, dẫn quân tiến công đánh chiếm Bắc Hà.
Qua triều Minh Mệnh, đến năm 1810, Lê Chất được bổ nhiệm làm Hiệp tổng trấn Bắc thành, đến năm 1818 được lên làm Tổng trấn Bắc thành. Ông mất vào tháng 7 năm Bính Tuất (1826).
Lúc sinh thời, trong thời gian theo phò tá triều Nguyễn, Lê Chất lập được nhiều công lao. Tuy nhiên, lý lịch là một tướng Tây Sơn chiêu hồi, tính ông lại thẳng thắn nên bị không ít người dị nghị và ganh ghét, xoi mói, kèn cựa địa vị. Lê Chất cũng là người cảm phục và là bạn thân thiết với Tả quân Lê Văn Duyệt.
Đến năm 1833, xảy ra vụ án Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt, lúc này, trong triều đình có nhiều người gièm pha. Năm 1836, sau 10 năm ngày Lê Chất qua đời, quan Tả thị lang bộ Lại Lê Bá Túc dâng sớ truy hặc là Lê Chất lúc còn sống nói và làm đều vô đạo, không xứng với danh phận kẻ làm tôi, xin xử Lê Chất với 16 tội. Minh Mệnh dụ rằng: "... Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội. Vậy giao cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ: "Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp" để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu loạn nghịch, xử vào cực hình cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ đều cải làm trảm giam hậu. Tịch biên gia sản được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho".
Mãi đến năm 1868, vua Tự Đức mới giải oan cho Lê Chất. Ông được truy phục tước và chức vụ như xưa. Gần 90 năm sau, nhà văn Phan Khôi sau khi viếng thăm mộ Lê Chất có thơ hoài cảm. Bài thơ được đăng trên báo Thực Nghiệp vào năm 1921:
"Viếng mộ ông Lê Chất
Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu.
Ấy cỏ mờ rêu đất một u.
Ấy dũng ấy trung là thế thế!
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ;
Hùm thét oai lưa gió vụt vù,
Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa,
Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!"
4. VỤ ÁN CHẠY CHỨC
Tệ nạn chạy chức chạy quyền là nỗi nhức nhối của xã hội. Hiện tượng tiêu cực đáng xấu hổ này, ngẫm ra thời nào cũng có. Trong suốt thời gian trị vì đất nước, Minh Mệnh luôn coi trọng việc cầu hiền. Vua tin dùng và cất nhắc, giao trọng trách cho người ra giúp đất nước không chỉ căn cứ vào bằng cấp, khoa cử, mà còn chú trọng vào năng lực thực tế, tài trí của từng người. Chính vì vậy, dưới thời Minh Mệnh có người không được học hành đỗ đạt bằng cấp cao vẫn được cất nhắc đề bạt, sau này trở thành người hữu dụng, suốt đời cống hiến, hy sinh cho triều đình và đất nước. Đó là trường hợp Nguyễn Tri Phương, từ một nhân viên thư lại trở thành một danh tướng, một trong những anh hùng dân tộc.
...TỪ MỘT NÔNG DÂN TRỞ THÀNH DANH TƯỚNG
Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1800, người quê làng Đường Long, Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và thợ mộc. Lúc nhỏ, nhà nghèo nên không được học hành đỗ đạt khoa bảng. Nguyễn Tri Phương là người có ý chí tự lập, tự học và có trí nhớ phi thường. Ông tự học, tự đọc thông thuộc cả sách vở thánh hiền và còn nghiên cứu binh thư, võ thuật. Nguyễn Văn Chương xin và làm thư lại tại huyện đường Phong Điền. Tại đây, ông được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân (thân phụ Nguyễn Đăng Giai, kinh lược sứ Bắc Kỳ) yêu mến xem như tri kỷ. Lúc bấy giờ, ở trong huyện có xảy ra vụ án, không ai tìm ra chân tướng sự việc. Với tài trí, Nguyễn Văn Chương được giao việc tra xét và có trách nhiệm tường trình làm rõ vụ án. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tìm ra sự thật và làm tờ trình về vụ án. Nguyễn Văn Phương đã viết bản tường trình về vụ án, với văn phong khúc chiết, minh bạch, đầy sức thuyết phục người đọc. Bản tường trình được gởi đến Tỉnh, rồi đến Bộ ở Triều đình, ai xem cũng khen ngợi văn tài Nguyễn Văn Chương. Từ đây, ông được bộ Hộ rút về bổ nhiệm làm việc ngay tại kinh thành Huế.
Vua Minh Mệnh là người trọng người thực tài cho vời ông vào bệ kiến để kiểm tra tin đồn về tài năng Nguyễn Văn Chương. Vua truyền đưa giấy bút cho ông viết ngay một tờ sớ trước mặt. Ông viết ngay trong chốc lát hoàn chỉnh trình lên vua xem. Minh Mệnh là người nghiêm khắc, cẩn trọng, nhưng khi xem xong bài của ông viết phải thốt lên: "Văn hay, chữ tốt, nhiều bậc đại khoa cũng không viết hay hơn được". Và nhà vua bổ dụng ông vào chức Biên tu tại Nội các vào năm 1823. Hai năm sau được thăng Thị giảng học sĩ. Năm 1835, Nguyễn Văn Chương được vua Minh Mệnh điều động ông vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng lo bình định các vùng đất mới khai hoang, lập làng. Nguyễn Văn Chương liên tiếp phò các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, được chính vua Tự Đức ban tên thành Nguyễn Tri Phương (Tri phương có nghĩa là dũng mãnh, nhiều mưu chước). Năm 1848, Nguyễn Tri Phương được thăng làm Phụ chính đại thần; năm 1850 làm Khâm sai thống quân vụ và phong tước Tráng liệt bá.
Năm 1873, Nguyễn Tri Phương dũng cảm cầm quân đánh nhau với quân Pháp xâm lược tại Hà Nội, không may bị thương và bị Pháp bắt. Pháp dụ dỗ đầu hàng. Nhưng, ông khảng khái từ chối, tuyệt thực cho đến chết. Nguyễn Tri Phương mất vào ngày 20/12/1873. Vua Tự Đức soạn văn tế, thương khóc ông, một vị công thần và cho lập đền thờ tại quê hương ông.
... ĐẾN NHỮNG KẺ DỐT NÁT CHẠY CHỨC BỊ ĐÁNH ĐÒN 100 TRƯỢNG!
... Ấy vậy mà dưới triều Minh Mệnh vẫn có chuyện chạy chức, chạy quyền. Năm 1882, Thiêm sự bộ Lễ là Nguyễn Đăng Tuân đã móc ngoặc với Lê Đồng Lý ở hộ bộ, đề cử Nguyễn Văn Nghị người của bộ Lễ làm tri huyện Hải Lăng. Minh Mệnh xem tờ trình và lý lịch của Nguyễn Văn Nghị xong, liền sai bộ Hộ sát hạch. Nhưng, Nguyễn Văn Nghị viện nhiều lý do không tham gia sát hạch trình độ năng lực. Thực ra tên này năng lực tầm thường, văn luật không thông, lại không nắm rõ luật lệ, trình độ mù mờ, dốt nát. Nhà vua liền truyền lệnh: Phạt Nguyễn Đăng Tuân và Lê Toàn Lý 6 tháng lương bổng, còn tên tri huyện Nguyễn Văn Nghị bị bãi chức ngay lập tức.
Đồng thời, nhà vua ra lệnh: Từ nay về sau, viên quan nào còn tiến cử không đúng người sẽ bị trừng trị theo đúng pháp luật.
Chuyện như thế mà vẫn còn có người vì quyền lợi riêng tư vẫn chạy chức chạy quyền. Năm 1828, Thượng thư bộ Lễ là Nguyễn Huy Thực đã tự ý đề cử 5 người học trò của mình vào làm việc tại Hàn Lâm Viện. Thượng thư bộ Hộ Lương Tiến Trường cũng đề xuất một người thân của mình vào làm việc ở Hàn Lâm Viện. Vua Minh Mệnh đã giao cho bộ Hình và bộ Công sát hạch năng lực của cả 6 người. Buồn cười nhất là Lương Trọng Thực và Ngô Vi Chẩn là hai người được Thượng thư Phan Huy Thực đề cử, nhưng trình độ quá thấp phải nhờ người khác làm bài hộ trong khi sát hạch. Sự việc bị phơi bày. Vua Minh Mệnh nổi giận, giao cho bộ Lại tra xét sự việc; đồng thời, căn cứ theo luật "Công cử phi nhân" (tiến cử người bậy, không có năng lực) kết tội và giáng chức, hạ 3 cấp hai thượng thư Phan Huy Thực và Lương Tiến Trường. Riêng Lương Trọng Thực và Ngô Vi Chuẩn bị phạt đánh 100 trượng. Cả hai đều bị bãi chức và bị đày đi làm lính thú ở trấn Ninh.
Tệ nạn chạy chức chạy quyền ở thời đại nào cũng có. Cách tuyển dụng nhân tài của Minh Mệnh nghiêm minh và công khai như thế mà vẫn cứ bị người có lòng tham lợi dụng.
Ở thế kỷ 21 này, ở đất nước ta cũng xảy ra hiện tượng tiêu cực, tình trạng chạy chức chạy quyền, học giả nhờ người thi hộ để lấy bằng; Thậm chí, sử dụng bằng giả để chạy chức, chui sâu, trèo cao tràn lan.
Tệ nạn chạy chức chạy quyền làm cho người có tài thật sự không được thi thố tài năng, đóng góp xây dựng đất nước, làm cho quốc gia suy yếu. Thật đáng buồn thay! Xấu hổ thay!
5. ĂN BỚT MỘT TÍ NHỰA THÔNG BỊ CHẶT BÀN TAY!
Vào thời Minh Mệnh, nhà vua và triều đình xử lý nghiêm khắc đối với người tham nhũng, bất kể người ấy là ai, dù là quan lớn, hoàng thân quốc thích hay thường dân, nếu có hành vi tham lam, nhũng nhiễu, đòi ăn hối lộ, biển thủ công quỹ đều bị nghiêm trị công khai, theo đúng phép nước và luật lệ của triều đình.
Lịch sử còn ghi lại rõ: Huỳnh Công Lý cha vợ của vua tham nhũng bị chém bêu đầu ở thành Gia Định. Năm 1826, Trần Công Trung làm việc coi kho ở kinh thành nhũng nhiễu ăn hối lộ 10 lạng cũng bị xử chém tại chợ Đông Ba. Thậm chí, có tên Tuyên là lính coi kho ở nội vụ kinh thành chỉ lấy cắp một ít nhựa thông cũng bị xử phạt bằng cách chặt một bàn tay trước sự chứng kiến của đông đảo người.
Hoàng tử Diên Khánh Công là em ruột vua Minh Mệnh nghe lời Diệp Liên Phong là một thương nhân người Hoa, giả làm thuyền buôn để được miễn thuế. Sợ sau này bị lộ nhà vua xử phạt, Diên Khánh Công lo dâng sớ nhận lỗi trước vua và triều đình. Nhà vua cho truyền bắt Diên Khánh Công đến và răn dạy: "Theo đúng luật đối với người biết hối lỗi và nhận lỗi, Diên Khánh Công được miễn xử nặng, nhưng phải bị cắt giảm lương bổng một thời gian và nộp lại số tiền thuế. Không thể tham lam và vì cớ các ngươi là con em mà ta uốn cong phép nước. Nếu mắc tội lỗi thì phải xử nghiêm theo phép nước. Ta quyết không vì lũ ngươi mà làm trái luật được!".
Qua những việc này, cho thấy Minh Mệnh là một trong những vị vua luôn luôn đặt luật pháp và quyền lợi đất nước lên trên tất cả.
Đọc lại sử sách ngày xưa, chúng ta liên tưởng đến hôm nay và nhận ra thời hiện đại với biết bao điều đáng suy gẫm. Đất nước ta thời hiện đại, chỉ tính trong vòng chưa đầy 20 năm đầu của thế kỷ 21, tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, nạn học dỏm, bằng cấp giả tràn lan. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, giặc nội xâm! Nỗi nhức nhối của xã hội!
Những tên quan tham thời Minh Mệnh chỉ là "tép riêu" so với các quan tham ngày nay. Ngày nay chúng đâu có ăn từng "đồng xu lẻ hay cục nhựa thông", mà chúng ăn cả cánh rừng, cả con đường, ăn luôn cả núi, cả biển và sắt, xi măng, bê tông!... Còn kẻ chạy bằng giả vừa làm quan vừa đang đi học bổ túc văn hóa vẫn là một quan to lãnh đạo cả hàng vạn người, nghênh ngang duyệt những đề án khoa học kỹ thuật. Như chuyện chơi! Thậm chí không có bằng vẫn ngồi ở vị trí lãnh đạo cơ quan khoa học kỹ thuật tiên tiến!... (Cụ thể trường hợp: Nguyễn Anh Tuấn chỉ là một tài xế xe hơi bốn bánh, không học hành, bằng cấp đàng hoàng, năm 2008 vẫn được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện qui hoạch Xây dựng miền Nam và làm Chủ tịch một Hội đồng Khoa học suốt nhiều năm trời!? Vụ án này báo Thanh niên, Dân trí, Giáo dục và nhiều báo khác trong nước đều liên tục đưa tin, đăng bài nhiều kỳ trong tháng 3 và tháng 4 năm 2017).
Thời vua Minh Mệnh và thời cận đại, phải học có bằng cấp, có khả năng và được kiểm tra năng lực thực tế mới được bổ nhiệm đi làm quan. Còn bây giờ chuyện ấy... xưa rồi! Các cơ quan tổ chức chính quyền lo công tác cán bộ thời nay giống như ban viết giúp chuyên lo photocoppy!... Thời nay đã bắt và xử nhiều vụ án tham nhũng. Càng xử càng lộ ra quan tham. Phải chăng là do các cơ quan công tố, tòa án của ta trước khi kiểm tra, truy tố, xét xử phải chờ đi xin ý kiến "anh Hai, anh Ba"?!!!
Từ chuyện trong sử cũ, tuồng tích ngày xưa, nhìn về hôm nay, chúng ta thấy thời nay nhiều tệ nạn là do mọi chuyện không được công khai, minh bạch, người lớn không gương mẫu; luật pháp không được tôn trọng! Đọc lại sử, thấy buồn, xấu hổ thay! Biết bao giờ người thời nay học được bài học lịch sử quý giá và những điều hay lẽ phải của người xưa?
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Toạ đàm về Lê Văn Duyệt của Nam Tiến (TC Xưa và Nay, số 78B/2000).
- Những đánh giá về Lê Văn Duyệt của Nguyễn Minh Tường
(TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Đại Nam liệt truyện.
- Lê Văn Duyệt và lịch sử của Nguyễn Hạnh
(TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1999).
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng
& Nguyễn Bá Thế (1999).
- Minh Mệnh - ngự chế văn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 2000)
- Minh Mệnh chính yếu (Thuận Hóa - 1994)
- Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển)
- Đại Nam chính biên liệt truyện
- Viết sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
- Vương triều cuối cùng (Phạm Minh Thảo - NXB VHTT – 2007)