Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TÂN CƯƠNG
TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM


           KỲ 2

          Thời kỳ hoàng kim trong lịch sử học thuật tư tưởng Trung Hoa

Q uá trình diễn tiến của một đế quốc thường trải qua nhiều thời kỳ khác nhau như hình thành, xây dựng, phát triển và suy tàn.

Thông thường, khi một đế quốc phát triển quá rộng lớn, vượt ra ngoài khả năng cai trị của nó thì thời kỳ suy tàn bắt đầu. Thật vậy, xin đưa ví dụ, đế quốc La Mã chẳng hạn. Sau khi bành trướng tới Tây Âu, Đông Âu, vùng chung quanh Địa Trung Hải, Ai Cập và Trung Á thì Đế Quốc La Mã bắt đầu suy tàn. Đế Quốc Tây Ban Nha là một đế quốc có lãnh thổ bao trùm địa cầu, từ Phi Luật Tân qua tới Trung và Nam Mỹ. Cũng vì tính cách rộng lớn đó, trong khi việc liên lạc từ mẫu quốc đến các nước châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ quá xa xôi và khó khăn nên đế quốc nầy tan rã dần dần.

Trong quá trình bành trướng và phát triển của các đế quốc, văn hóa, giáo dục của đế quốc cũng phát triển theo. Trong viễn tượng đó, tôn giáo của nó cũng bành trướng ở những nơi bị cai trị. Chính nhờ đế quốc La Mã mà đạo Thiên Chúa lan tràn khắp châu Âu. Tương tự như thế, nhờ sự phát triển của đế quốc Tây Ban Nha mà đạo Thiên Chúa truyền bá khắp các nước Nam Mỹ.

Tình hình đế quốc Trung Hoa thì ngược lại.

Người ta cho rằng đế quốc Trung Hoa hình thành sau khi Tần Thủy Hoàng “tóm thâu lục quốc, thống nhất thiên hạ”. Do đó, thời kỳ trước Tần Thủy Hoàng là thời Xuân Thu Chiến Quốc, là thời kỳ nước Tầu chuyển mình để thành một đế quốc. Chính ở thời kỳ nầy, học thuật tư tưởng Trung Hoa phát triển tột bực. Sau thời kỳ đó, vì muốn thống nhứt luôn cả tư tưởng thiên hạ nên Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò nên học thuật tư tưởng Trung Hoa không phát triển được nữa.

Xin nói rõ như sau:

Có hai thời kỳ đi liền với nhau. Trước là thời Xuân Thu (từ 722 đến 481 Tr. CN). Tên thời kỳ nầy được gọi theo một cuốn sách gọi là Kinh Xuân Thu, một cuốn kinh được cho là Khổng Tử soạn ra. Nước Tầu hồi ấy nằm phía trên sông Trường Giang (Dương Tử), khi chưa thống nhứt có tới hàng trăm, hàng ngàn nước, tới thời Xuân Thu thì khoảng 170 nước nhỏ, dần dần bị sát nhập lại với nhau. Giới thượng lưu sụp đổ dần làm cho việc học hành mở rộng, việc tự do tư tưởng được khuyến khích, thúc đẩy.

Một thời kỳ hòa bình đã xảy ra nhưng nó chỉ là một sự khởi đầu cho một giai đoạn rối ren tiếp sau, được gọi là thời Chiến Quốc, bắt đầu từ năm 43 Tr. CN. Ba nước lớn nhất là Triệu, Ngụy và Hàn phân chia thiên hạ.

Chính trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, nhờ những hoàn cảnh tự do như nói ở trên, học thuật tư tưởng được phát triển mạnh, nhiều nhà tư tưởng xuất hiện, nhiều nhân tài góp mặt với xã hội, nên người ta cũng gọi là thời kỳ hoàng kim trong lịch sử học thuật tư tưởng nước Tầu. Người ta cũng gọi đó là thời kỳ của “Bách gia chư tử”, kéo dài từ 770 đến năm 222 Tr. CN. Tư tưởng tự do được khuyến khích, nói một cách văn vẻ là “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”. Sự thuận lợi cho bách gia chư tử ở thời kỳ nầy là nếu họ không thể sinh hoạt ở nước nầy thì họ qua sinh sống một nước khác, họ sẽ không bị đàn áp, trừng phạt về những gì suy nghĩ và viết ra. Do đó, nhiều trường phái tư tưởng khác nhau được hình thành. Những tư tưởng đó được nuôi dưỡng tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay.


Các trường phái chính gồm có: Khổng giáo, Pháp gia, Đạo giáo, Âm dương và Mặc học.


Khổng giáo có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài không những ở Tầu còn còn tới các nước chung quanh, trở thành truyền thống sinh hoạt của nhiều xã hội Á châu.

Người sáng lập trường phái nầy là Khổng Tử. Quan điểm quan trọng nhất của ông về con người và xã hội là “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử”. Nó có nghĩa người nào phải sống cho đúng với vai trò và vị thế của người ấy. Vua phải ra vua, Tôi phải ra tôi, Cha phải ra cha, Con phải ra con. Đó là nền tảng của trật tự xã hội. Tư tưởng của Khổng tử ngày nay được người Âu Mỹ ưa chuộng nhứt là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” Người ta còn gọi đó là qui tắc vàng.


Thầy Tử Cống hỏi: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”

Khổng Tử đáp: “Có lẽ là chữ “thứ” chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?"

(Luận Ngữ)


Điều mình không muốn đừng bắt người phải chịu thì gọi là “thứ”. Theo nhiều người hiểu thì Bình Đẵng, Tự Do, Bác Ái, Nhân Đạo đều ở trong tư tưởng nầy.

Từ năm 34 tuổi, Khổng Tử chu du qua nhiều nước để truyền bá tư tưởng và tìm coi có vua nào có thể dùng tư tưởng của ông để “bình thiên hạ”. Cũng có vài ông vua trọng dụng ông nhưng cũng không ít vua coi thường, xua đuổi ông. Năm 51 tuổi, sau 20 năm chu du thiên hạ, Khổng Tử thất bại bèn trở về quê hương là nước Lỗ, làm quan một thời gian rồi bị gièm pha nên ông lại đi chu du thiên hạ một lần nữa. Cuối cùng, thất bại, Khổng Tử lại về Lỗ viết sách, dạy học trò cho đến khi qua đời lúc 73 tuổi, năm 479 Tr. CN.

Mạnh Tử là một trong 72 đại môn đệ của Khổng Tử, đóng góp lớn vào việc truyền bá tư tưởng của Khổng Tử. Mạnh Tử chủ trương con người vốn tính thiện (Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Đó là tư tưởng lớn của ông. Tư tưởng quan trọng thứ hai, dân mới là chính của một nước. “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”

Tuân Tử là người theo Khổng nhưng chủ trương của ông thì trái ngược với Mạnh Tử. Tuân Tử cho rằng con người sinh ra vốn tính ác. Giáo dục mới làm cho con người có tính thiện. Trong cách cai trị, Tuân Tử có khuynh hướng độc tài, sức mạnh. (Cộng Sản gọi là bạo lực cách mạng).

Trường phái Pháp gia là chủ trương của Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và Lý Tư, đều sinh sống trước Công Nguyên. Họ cho rằng bản tính con người là ích kỷ và không thể sửa đổi được. Để giữ trật tự xã hội thì phải áp đặt pháp luật một cách chặt chẽ.

Thứ hai là trường phái Đạo giáo. Đây cũng là trường phái tư tưởng mạnh thứ hai bên Tầu sau Khổng Tử. Người hàng đầu của tư tưởng nầy là Lão Tử, sinh trước Khổng Tử. Kế là Trang Tử (369-286 Tr. CN). Đây là trường phái chủ trương sống tự nhiên, không làm gì trái với thiên nhiên nên gọi là vô vi. Hai câu thơ sau đây của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ nhứt về sự tự nhiên và vô vi của Đạo giáo, sống theo thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Trường phái Âm Dương là một học thuyết cố gắng giải hích vũ trụ theo lẽ âm dương như ngày đêm, tối sáng, đàn ông, đàn bà, v.v…và ngũ hành (kim mộc thủy hỏa thổ)

Mặc học là học thuyết của Mặc Tử (470-391) đối nghịch với tư tưởng của Khổng giáo. Tư tưởng chính của Mặc Tử là Kiêm Ái, với ý niệm rằng mọi người đều bình đẵng và phải yêu quí mọi người như nhau.


Tất cả hai giai đoạn lịch sử nầy được chép lại trong bộ tiểu thuyết lịch sử gọi là “Đông Chu Liệt Quốc”. Đây là bộ sử đặc sắc, một trong thất tài tử của Trung Hoa. Nó chứa đựng tất cả học thuật tư tưởng của Tầu thời bách gia chư tử là thời kỳ sáng chói nhất trong lịch sử văn học Tầu, những nhân vật kiệt xuất nhứt trong lịch sử nước Tầu, và những sự kiện xấu tốt, phải trái, đúng sai bậc nhứt trong lịch sử Tầu.

Đọc Đông Châu Liệt Quốc, người đọc sẽ thấy những tư tưởng đối nghịch nhau đến cùng cực, từ “tính bản thiện” đến “tính bản ác”, từ cái hèn hạ nhứt đến cái cao thượng nhứt, từ cái tha thứ nhứt đến cái thù hận nhất, từ cái gan dạ nhứt đến cái hèn nhát nhứt. Nó chứa đựng những tư tưởng và hành động cực đoan nhất, từ cực hữu qua cực tả, từ cực thượng đến cực hạ, từ cực âm đến cực dương (có thể ví như từ Hạ Cơ đến Lao Ái chẳng hạn).

(Bàn thêm một chút, nếu có người hơi lãng mạn, có thể yêu thích những mối tình cực đoan trong Đông Châu Liệt Quốc, ví như Châu U Vương với Bao Tự, như Trần Hậu Chủ. Yêu như thế là hết lòng. Yêu đến nước mất nhà tan, đến tính mạng cũng không còn. Châu U Vương giữ Bao Tự bên mình cho đến chết là kinh nghiệm cho Đuờng Minh Hoàng về sau. Đường Minh Hoàng chịu cho binh lính treo cổ Dương Quí Phi để giữ gìn ngôi báu nhà Đường, đâu có chịu chết thì thôi như Châu U Vuơng. Đó là điển hình và ấn tượng nhất cho những ai tự cho là yêu đến chết!!! Câu chuyện Tây Thi với Ngô Phù Sai, Việt Câu Tiển và Phạm Lãi cũng là tấm gương cho ai biết yêu mà biết tính toán hay không tính toán…)


Thời hoàng kim của học thuật tư tưởng tự do ở Tầu chấm dứt khi “Tần Thủy Hoàng tóm thâu lục quốc, thống nhứt thiên hạ.”

Năm 260 trước CN, nhà Tần cải cách việc tiến hành các cuộc chinh phục. Sau trận Trường Bình, tướng Tần giết hơn bốn trăm ngàn tù binh nước Triệu. Vị thế nước Tần càng ngày càng vững chắc. Nước Hàn ở phía đông bị Tần tiêu diệt.

Hàng trăm nước nhỏ dần dần bị thâu tóm hết, chỉ còn 7 nước lớn. Hai nước mạnh nhứt là Tần và Sở.

Doanh Chính, năm 30 tuổi, sau khi lên ngôi được 17 năm, bắt đầu những cuộc chinh chiến để “tóm thâu thiên hạ.” Tần chiếm nước Hàn, xong đến nước Triệu, nước Ngụy. Nước Sở, đối thủ mạnh nhứt của Tần bị Tần tiêu diệt. Cuối cùng, nước Yên, nước Tề đầu hàng mà không chống cự.

Năm 221 Tr. CN, Doanh Chính, tức Tần Thủy Hoàng, đứa con hoang của Lã Bất Vi lên ngôi hoàng đế Trung Hoa.


Nhìn lại lịch sử Đông Châu Liệt quốc, một điều cần rút ra để làm kinh nghiệm là “Tri và Hành”, như cách nói của người xưa.

Tri là sự hiểu biết, kiến thức, tư tưởng. Nói về tư tưởng thì tư tưởng người Tầu cao siêu, nhân đạo và tốt lành. Đó là những tư tưởng thuộc hàng bậc nhứt trong thiên hạ, nhưng làm, tức là Hành, là biến những tư tưởng đó thành hiện thực thì họ không bao giờ làm, hay làm ngược lại.

Lời Không Tử có hay bao nhiêu đi nữa thì sau hai lần chu du thiên hạ để đem cái đạo của mình vào xử thế thì chẳng có ông vua nào nghe, không có ông vua nào chịu. Cuối cùng ông phải trở về nước cũ. Khổng Tử bảo “Quân quân, Thần thần…” nhưng không có ông vua nào làm vua cho ra vua, là người thay trời trị dân, là đem cái Đức của trời đến cho thiên hạ.

Đối với những nước chung quanh, không bao giờ người Tầu từ bỏ ý định xâm lăng và đô hộ. Ngày xưa đã vậy mà ngày nay cũng thế. Các chú Ba ngồi ở Trung Nam Hải nói thì hay lắm, ngon ngọt đưa ra 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện. Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai”. Nhưng thực bụng thì chỉ muốn bành trướng ra khắp thiên hạ mà thôi.

Cách đây hơn hai ngàn năm mà Khổng Tử bảo rằng “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” là hay lắm, tiến bộ tột bực. Một người cầm quyền, chẳng hạn như vua, tổng thống, chủ tịch nước, hay thủ tướng, nếu không muốn mình đói thì làm cho dân đói sao được, không muốn mình bị oan thì làm cho dân oan thế nào được, không muốn mình bị khinh thị, bị coi thường thì khinh thị, coi thường dân sao được?...

Từ đó, diễn dịch ra thì những điều ấy, Tây Phương bảo là Bác Ái, Bình Đẵng, Tự Do. Nhiều người cho rằng tư tưởng nầy đã có trong kinh thánh, là tinh hoa của nền văn minh Địa Trung Hải, cũng như tư tưởng Khổng Mạnh là tinh hoa của văn minh Trung Hoa. Những tư tưởng đó nở ra rất sớm trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, dưới các triều đại cai trị tàn ác, độc đoán và khắc nghiệt của đế quốc Trung Hoa, các tinh hoa không thể phát triển được, nó chỉ còn nằm trong sách vở.

Ngược lại, nhờ Thế Kỷ Ánh Sáng nên Âu Mỹ phát triển và các chế độ dân chủ tự do được hình thành.

Thế Kỷ Ánh Sáng (Siècle des Lumières) là một giai đoạn thuộc thế kỷ 18 phát triển những tư tưởng tiến bộ trong lịch sử triết học và chính trị ở Châu Âu, được hứng khởi bởi Galieo và Newton, trong không khí bất mãn với những áp chế, cấu kết giữa chính trị và tôn giáo và những khám phá về cá nhân, xã hội, chống lại một thời kỳ dài hàng ngàn năm đầy mê tín dị đoan và chuyên chế mà người ta gọi là thời kỳ đen tối (Dark Ages).
Thế Kỷ Ánh Sáng là nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng trên thế giới, đặc biệt là Cách Mạng Mỹ 1776 và Cách Mạng Pháp 1789, mở đầu cho các chế độ tự do, dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Thế Kỷ Ánh Sáng cũng là nền tảng tư tưởng cho các văn kiện quan trọng như Hiến pháp và Pháp lệnh về nhân quyền (Bill of Rights) trong chế độ dân chủ Mỹ và bản Tuyên Ngôn về Nhân Quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp.

Những nhà tư tưởng nền tảng của Thế kỷ Ánh Sáng gồm có Thomas Paine, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, David Hume, Montesquieu, Denis Diderot và cả Thomas Jefferson của Hoa Kỳ.

Như đã nói ở trên, chính những phát kiến của Newton và của Galieo gây hứng khởi cho các nhà tư tưởng về sau, chính bởi vì Newton va Galieo đã chứng minh ngược lại những tín điều lạc hậu, gian trá, độc ác và chuyên chế của các chế độ thần quyền Châu Âu và tôn giáo của nó. Và cũng nhờ đó, Âu Mỹ tiến bộ vượt bực, xây dựng những quốc gia tiên tiến hiện nay, trong khi các nước Châu Á, nếu không nhanh chóng canh tân như Nhật Bản thời Minh Trị thì vẫn ì ạch, lăn bánh xe bò trên con đường dốc của nhân loại.

Người ta nói rằng Trung Hoa văn minh rất sớm, chẳng hạn như chính họ tìm ra thuốc súng và giấy. Nhưng chính bởi người Trung Hoa thiếu tinh thần khoa học thực nghiệm, tìm ra rồi để đó ngó chơi, trong khi Âu Mỹ tìm ra được gì hay, đem áp dụng ngay cái hay đó để cải tiến xã hội, không chỉ về mặt khoa học kỹ thuật mà cả về tư tưởng, học thuật. Đó chính là “Tri hành hợp nhất”. Biết và Làm phải đi đôi. Biết mà “để đó” thì cũng vô ích. Đó chính là trường hợp nước Tầu.

Cho tới bây giờ, dù người Trung Hoa có phục hồi Khổng Mạnh, sau khi Khổng Mạnh đã bị đánh tan tác trong Cách Mạng Văn Hóa, thì người Tầu vẫn nặng cá tính Tần Thủy Hoàng trong tâm khảm họ, nghĩa là họ vẫn muốn thống nhứt thiên hạ và nhất thống tư tưởng, học thuật của cả “thiên hạ ngày nay”. Cái thiên hạ ngày nay khác với thiên hạ đời Tần. Thời kỳ ấy, thiên hạ là nước Tầu. “Thiên hạ ngày nay” là cả thế giới nầy.

Thời kỳ chiến tranh lạnh, Brezensky, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Jimmy Carter là một người rất ghét Liên Xô và thân Trung Cộng. Chính ông đã tiếp nối việc bắt tay giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng được bắt đầu từ khi tổng thống Nixon đến thăm Trung Cộng ngày 21 tháng 2 năm 1972.

Từ đó đến nay, chính quyền Mỹ bắt tay với Trung Cộng càng ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng liệu người Mỹ, với rất nhiều nhà nhân chủng học (ethnologist), chính trị học và cả “Trung Hoa học”, liệu có ai nghiên cứu thật kỹ Đông Châu Liệt Quốc để hiểu biết người Tầu, vì chính Đông Châu Liệt Quốc là bộ sử nói rất rõ, rất kỹ về cá tính, tư tưởng, học thuật tiêu biểu cho người Tầu. Nếu không nghiên cứu Đông Châu Liệt Quốc thì coi như việc nghiên cứu về Trung Quốc mất đi một nửa. Luật sư Đinh Thạch Bích, trong một bài nói chuyện trên VNExodus, ông có nêu vấn đề nầy, và ông cũng nêu lên mối hồ nghi rằng Brezinsky, khi chủ trương thân Trung Cộng, có nghiên cứu người Tầu qua Đông Châu Liệt Quốc hay không!


Giả tỷ như một mai nước Tầu giàu mạnh nhứt thế giới, thay thế cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thì “tên sen đầm quốc tế” tương lai có khác gì “tên sen đầm quốc tế” ngày nay?

Nghĩ tới đó, người ta bỗng thấy kinh hoàng. Và cũng có người nhớ tới câu thơ của Trần Dần, câu thơ đưa ông vào một đời tù:

Xưa nay, người vẫn thiếu tin người,
Nguời vẫn kinh hoàng trước tương lai.

Ở đây chữ người viết thường hay viết hoa đều có nghĩa.

Nhìn lại, đế quốc đầu tiên của Trung Hoa, do một đứa con hoang làm hoàng đế, góp mặt trong lịch sử đầy nhiễu nhương và đau khổ của nước Tầu. Đến bao giờ “thần tượng hoàng đế” đó sẽ bị hạ bệ trong lòng người Tầu. Đến lúc đó, “thiên hạ ngày nay” mới thấy an lòng./.





VVM.26.10.2024-NVATCHLH.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .