Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĐẠI DANH Y TUỆ TĨNH
VÀ CỤM DI TÍCH THỜ ÔNG
TẠI CẨM GIÀNG, HẢI DƯƠNG



                     

Đ ó là Lời phát biểu của PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo, kết luận hội thảo về các giá trị khoa học của cụm Di tích thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương vừa qua. Kết luận đó, dựa trên 16 tham luận khoa học của các GS, PGS.TS, các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, đại diện huyện Cẩm Giàng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương, các cơ quan chức năng như Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…, và các Hội chuyên ngành như Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Nam y Việt Nam…các vị lương y và thiền sư…trong cuộc hội thảo do UBND huyện Cẩm Giàng và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức tại huyện Cẩm Giàng.

Cụm di tích này gồm:

1 – Đền Xưa, tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, quê hương Tuệ Tĩnh, nơi ông được sinh ra.

2 - Chùa Giám tại thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn, nơi ông được nuôi dưỡng ăn học, rồi tu luyện thành tài và hành nghề. Đây là di tích quan trọng nhất gắn với cuộc đời của Tuệ Tĩnh, từ thủa hàn vi đến khi trở thành một thiền sư – đại danh y, rồi bị bắt cống sang Trung Quốc, năm 1385, để chữa bệnh cho vua Trung Hoa.

3 – Đền Bia tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, thờ tấm bia đá có khắc lời Di chúc của ông đặt trên mộ ông ở Giang Nam Trung Quốc, năm 1400 “ Ngày sau có ai người nước Nam qua đây, xin đưa hài cốt tôi về với ” .

Theo nhà nghiên cứu văn hóa An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, thì Hội thảo này có 3 vấn đề, liên quan đến cuộc đời Tuệ Tính, liên quan đến lai lịch các di tích và giá trị đặc biệt của nó, đều đã được đưa ra một cách rốt ráo và nói chung là có sức thuyết phục. Vấn đề thứ nhất: Thiền sư – Đại danh y Tuệ Tĩnh là người ở thời Trần hay thời Lê? Vấn đề Tuệ Tĩnh là người thời Trần ( 1330 – 1400 ), tưởng như không có gì phải bàn, vậy mà vẫn tồn tại những dấu tích gây tranh cãi của nó. Đấy là tại chùa Giám, tức Nghiêm Quang Tự, hiện còn tấm bia đá cổ, khắc năm 1717 ghi về một thiền sư có tên là Tuệ Tịnh, cũng có người gọi là Tuệ Tĩnh, có công trùng tu chùa Nghiêm Quang ( tức chùa Giám) và Tháp Cửu phẩm liên hoa, ở thời Lê. Vì thế có nhà khoa học đặt ra vấn đề Tuệ Tĩnh ở thời Lê (?).Tháp Cửu phẩm liên hoa ở đây rất đặc sắc về kiến trúc, tinh xảo và tài hoa, góp công rất quan trọng vào tổng thể của Di tích trong việc đề nghị nâng cấp giá trị của cụm Di tích này từ cấp Quốc gia thành Quốc gia đặc biệt. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương, ông Tăng Bá Hoành, trong tham luận có tên Tuệ Tĩnh, tiểu sử và sự nghiệp , đã đặt ra và giải quyết dứt điểm về vấn đề nan giải này. Ông Tăng Bá Hoành mà trong một số bài viết, tôi gọi ông là Nhà Hải Dương học, và theo tôi, ông rất xứng đáng với tên gọi cao đẹp đó. Trong tường trình của mình, ông cho biết, về mặt văn tự chữ Hán, chữ Tĩnh có thể đọc là Tịnh, chứ chữ Tịnh không thể đọc là Tĩnh. Vậy đây là Tuệ Tịnh, không phải Tuệ Tĩnh. Điều nữa, trong tấm bia cũng ở chùa này, khắc năm 1718, khắc sau bia đã nói trên 1 năm, còn ghi Tuệ Tịnh còn có một tên khác là Tuệ Qua. Đặc biệt cả 16 tấm bia cổ ở chùa này, không có tấm bia nào nói về một thiền sư ( như Tuệ Tịnh hay Tuệ Qua ) làm thuốc Nam. Các học giả xưa nay và giới Đông y cả nước đều xác nhận Tuệ Tĩnh ở thời Trần ( không phải Tuệ Tịnh hay Tuệ Qua ở thời Lê ), là một thày thuốc Nam, một nhà Dược học đại tài, tác giả tập Nam dược thần hiệu vĩ đại và câu nói bất hủ: “Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam”. Vậy là có 2 ông, ông Tuệ Tĩnh, một nhà sư, đồng thời là một thầy thuốc Nam ở thời Trần và sau đó khoảng non 400 năm, có ông Tuệ Tịnh ở thời Lê, cùng tu và cùng hành nghề ở một ngôi chùa này. Sự nhầm lẫn này, cũng giống như Bùi Huy Bích thời Lê, nhầm Trần Quốc Tảng với Trần Tung, gây rất nhiều phiền toái cho đến tận ngày hôm nay, cần phải được đính chính và khẳng định lại một lần nữa cho chuẩn xác.

Vấn đề thứ hai: Đền Bia với xuất xứ của nó là một kết quả lịch sử có chứng tích rõ ràng, không phải là chuyện dân gian có tính huyền thoại, dù đoạn cuối của sự tích Đền, có yếu tố huyền thoại, nghĩa là một chuyện có thật, nhưng dân gian đã huyền thoại hóa nó ở đoạn cuối chuyện, để giải thích về sự cố “ mắc cạn” của phiến đá. Đó là tham luận của tôi đọc trong hội thảo, mà ông An Văn Mậu rất chú ý, khẳng định là một trong những giá trị. Vì thế, tôi xin nói rất ngắn gọn về vấn đề này. Tham luận của tôi có tên là Chuyến đi sứ của Đoàn sứ bộ Nguyễn Danh Nho và việc dập chữ trên bia mộ Đại Danh y Tuệ Tĩnh mang về nước. Bằng các nguồn sử liệu ở Việt Nam và Trung Hoa, và gia phả Họ Trần Điền Trì, mà tôi biết, rất đáng tin cậy, tôi trình bày quá trình chuẩn bị và diễn trình chuyến đi sứ của đoàn, về thời gian đi và về, giải thích có cơ sở về vài sự khác biệt, để tập trung nói đoàn sứ bộ trên đường về, ghé qua Giang Nam, là có chủ ý ( chứ không phải tình cờ, như có tham luận đã nêu) đã đến thăm mộ Tuệ Tĩnh sau khoảng 290 năm Tuệ Tĩnh mất ( 1400 – 1691). Và 2 người là Chánh sứ Thượng Bảo khanh Nguyễn Danh Nho, người cùng họ, cùng làng với Nguyễn Bá Tĩnh ( Tuệ Tĩnh) và Phó Chánh sứ, Hộ bộ Tả Thị lang Trần Thọ, bạn đồng khoa, đồng liêu với Nguyễn Danh Nho, quê cũng gần nhau. Hai ông đã dùng biện pháp kĩ thuật để dập chữ trên bia mộ Tuệ Tĩnh mang về nước. Lời khẩn cầu trước lúc lâm chung của Tuệ Tĩnh:“ Ngày sau có ai người nước Nam qua đây, xin đưa hài cốt tôi về với ”, được biết đến là sau chuyến đi sứ lịch sử này. Chính từ sự thực lịch sử này, mà đền Bia ra đời. Và việc thửa phiến đá, khắc chữ vào bia và chuyện chở bia về làng bị mắc cạn… của Nguyễn Danh Nho là có thật, chứ không phải chuyện dân gian hay huyền thoại, dù trong tham luận tại hội thảo, có nhà khoa học đã xếp nó vào truyền thuyết dân gian.

Vấn đề thứ ba : Cụm di tích Đền Xưa, Chùa Giám, Đền Bia thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh, đã hội đủ các tiêu chí cần thiết để làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính Phủ công nhận cụm Di tích này là Di tích Quốc gia đặc biệt.  Đó là nội dung đã được làm rõ qua 14 tham luận khác, đề cập đến nhiều giá trị lớn, về kiến trúc, mỹ thuật, Phật giáo… của Cụm Di tích, đã in trong tập Kỉ yếu hội thảo, trong đó có những bài viết rất sâu sắc, bài bản, có tính khoa học và sức thuyết phục cao của các nhà khoa học như PGS. TS Đặng Văn Bài, PGS. TS Phạm Mai Hùng, GS Trần Lâm Biền, TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Nhà nghiên cứu văn hóa An Văn Mậu, Trần Lâm… Những tham luận khoa học này đi sâu vào các nội dung chuyên môn. Hy vọng Di tích rất quan trọng này sẽ được Thủ tướng Chính Phủ công nhận cấp Quốc gia đặc biệt vào cuối năm nay.

Có một điều được nhiều người, trong đó có tôi, đề xuất trong hội thảo là nên cử một đoàn sang Trung Quốc, lần theo đường mà đoàn sứ bộ Nguyễn Danh Nho đã thăm mộ Tuệ Tĩnh, trên đường về, năm 1691, chắc ít nhiều còn lưu đâu đó trong các thư tịch, để đưa hài cốt của Đại danh y về nước, theo “ Lời khẩn cầu trước lúc lâm chung của ông”. Nếu không còn hài cốt thì đưa bằng được nắm đất nơi ông đã từng nằm xuống, về thờ tại quê hương ông. Nhiều người rất cảm động khi tôi nêu nguyện vọng thiết tha này, nhưng khi kết luận, Chủ tịch hội thảo đã bỏ ngỏ … dù về kinh phí, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và UBND tỉnh Hải Dương không thiếu tiền, chưa kể một doanh nghiệp tư nhân còn sẵn sàng đài thọ toàn bộ chuyến đi… nhưng e, sau hơn 600 năm, với bao biến động về chính trị và kinh tế trên đất nước Trung Hoa… không dễ mà tìm thấy được… -./.




VVM.19.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .